trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
10.3.2006
Lữ Phương
Nhân danh Marx có thể chống bóc lột được không?
 
Trong những cuộc bàn luận trà dư tửu hậu, tôi chắc không ít người đã chia sẻ không cần chứng minh với ông Đoàn Tiểu Long cái khẳng định khá đơn giản sau đây của ông:“Chẳng nhà tư bản nào làm việc theo kiểu lấy công làm lãi (lợi nhuận đúng bằng giá trị lao động của mình) mà bao giờ cũng kiếm nhiều hơn, nhờ chiếm đoạt giá trị thặng dư do người làm thuê tạo ra”. Nhưng trong lĩnh vực nghiên cứu, tôi cũng chắc sẽ có không ít người cho rằng khẳng định trên đây của ông chẳng dính dáng đến học thuyết đích thực về bóc lột giá trị thặng dư của Marx cả. Tôi dám đưa ra nhận xét ấy vì sau khi đọc bài “Nhà sư có được… ăn thịt hay không?” của ông tôi thấy không bị thuyết phục như bài mà tôi đã đọc trước đó của ông Trần Hải Hạc, có tên “Học thuyết Marx, Đảng Cộng sản Việt Nam và vấn đề bóc lột” (đăng trên mạng Thời đại mới số 8-2003). Sở dĩ tôi tin ông Hạc hơn ông là do tôi biết chắc chắn ông Hạc là một chuyên viên về tư tưởng kinh tế của Marx, còn ông Đoàn Tiểu Long, thì qua những gì ông viết, tôi thấy không phải như vậy.

Vì đây là một thảo luận về một vấn đề học thuật, tôi thẳng thắn đề nghị ông Đoàn Tiểu Long nên tìm đọc bài viết này của Trần Hải Hạc để tự nhận ra những thiếu sót rất căn bản của mình về chủ nghĩa Marx, nhất là khi ông lại là người giả định có một chủ nghĩa Marx chân chính để cho một Đảng Cộng Sản Chân Chính (viết hoa) đi theo. Nếu có ý muốn thực sự tìm hiểu Marx theo hướng đó, ông sẽ thấy (tôi tin chắc như vậy) cái quan niệm về bóc lột được ông trình bày như trên và cho đó là quan niệm của Marx thật sự chỉ mang ý nghĩa của sự ăn chẹn tiền công khá thô sơ trong những dịch vụ lao động kiểu thủ công, tiểu chủ, hoàn toàn không thể khái quát thành nội dung của phương thức khai thác lao động thặng dư kiểu tư bản chủ nghĩa tồn tại trong một định chế xã hội hiện đại đã công nghiệp hoá, trong đó lao động đã trở thành giá trị trao đổi trên thị trường v.v… Đọc Trần Hải Hạc, ông sẽ hiểu thật rõ ý nghĩa phê phán vĩ mô của khái niệm giá trị thặng dư trong học thuyết Marx đối với chủ nghĩa tư bản với tư cách là một hình thái kinh tế-xã hội là gì.

Phần tôi sau khi đọc bài của ông tôi xin được bày tỏ mấy ý nghĩ sau đây về cái giả định của ông cho rằng hiện nay vẫn có khả năng tồn tại một Đảng Cộng Sản Chân Chính trung thành với con đường của Marx. Tôi thấy giả định ấy của ông đã dựa vào niềm tin “có sự đồng nhất giữa học thuyết Marx của Marx với những cách vận dụng Marx vào thực tế”, như ông Nguyễn Hoà Mai đã nói, và điều này thì không thể có được. Cũng xin nói với ông là do đọc ông Trần Hải Hạc cùng với một số sách về lịch sử chủ nghĩa Marx (thí dụ 2 cuốn Histoire du marxisme của Leszeck Kolakowski – Fayard, 1987) mà tôi tin như vậy. Tất cả những đảng cộng sản ra đời từ cuộc Cách mạng Nga 1917 đến nay, dù có muốn chân chính đến như thế nào, đều chỉ là mácxít trên danh nghĩa thôi, những đảng ấy đều nói theo Marx nhưng tất cả đều làm ngược lại Marx hoàn toàn – như một điều không thể tránh khỏi.

Biện giải cho ra ngô ra khoai chuyện này là rất dài dòng, chỉ xin dược nói với ông mấy ý nhỏ sau đây: do không có điều kiện để thực hiện cuộc cách mạng triệt tiêu bóc lột của Marx (một cuộc cách mạng tiên thiên bất túc theo cách nói của ngưởi Trung Hoa) tất cả các đảng gọi là “cộng sản” đã phải đi theo con đường phản Marx bằng nhiều cách: hoặc biến chủ nghĩa xã hội dân sự của Marx thành một thứ chủ nghĩa xã hội nhà nước kiểu Stalin, hoặc đi theo bước lùi của Lenin để chấp nhận thực hiện một thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước, hy vọng qua đó mượn đường tiến lên thực hiện chủ nghĩa của Marx. Tóm tắt, thì dù theo con đường nào tất cả đều chỉ đem ra thực hiện những điều mà Marx đã chống lại, nghĩa là không xoá bỏ được bóc lột trong thực tế mà chỉ có chuyển đổi những chủ thể đi bóc lột thôi – thay vì bị chủ nghĩa tư bản tư nhân thì người công nhân bây giờ lại bị thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước (hoặc nhà nước liên doanh với ngoại bang) tước đoạt, còn tàn tệ hơn trong chủ nghĩa tư bản thứ thiệt vì không còn được một thứ pháp luật nào bảo vệ và dựa vào đó để tự bảo vệ cả.

Có vẻ đúng như một ai đó đã nói: cuộc cãi nhau giữa những phần tử gọi là “đổi mới” và “bảo thủ” trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, nhìn từ quan điểm của Marx – chưa nói đến quan điểm này sai đúng như thế nào – chỉ là sự cãi nhau giữa những Judas phản Chúa! Theo suy nghĩ của tôi thì tất cả những tệ hại của chế độ chính trị ở Việt Nam từ bấy lâu nay không phải bắt nguồn từ việc đem chủ nghĩa Marx chân chính ra “vận dụng” mà chính là việc lợi dụng Marx để biện minh cho một nhà nước bóc lột bằng phương thức toàn trị từ đầu mùa cho đến cuối mùa, nhưng vẫn cứ nhân danh Marx để lừa gạt, dối trá, huyễn hoặc những người bị nó thống trị. Chính điều đó đã đẻ ra hai xu hướng theo Marx và chống Marx có cùng tính chất như nhau (vì cùng là con đẻ của một tâm địa lợi dụng Marx như nhau): nếu không nhắm mắt nhắm mũi gồng gân “hoan hô” để vừa hưởng lợi vừa hù doạ, trấn áp thì, khi có điều kiện, lại lu loa kiểu hàng tôm hàng cá để “đả đảo” cho đã, đồng thời hy vọng qua con đường chửi bới ấy nâng tên tuổi của mình lên thành một thứ siêu sao trong làng chống cộng!

Tôi cho rằng thái độ cần có đối với những ai quan tâm đến học thuật một cách nghiêm chỉnh là cố tránh rơi vào những trạng thái tệ hại đó. Chẳng có gì đao to búa lớn khi phải nhắc lại điều quá tầm thường này: học thuật không cho phép nói bừa, nói ngang, nói không thành có, nói có thành không. Trong thực tế, chỉ nên ủng hộ những xu hướng nào đấu tranh cho một môi trường văn hoá trong đó con người có thể sống tử tế hơn, đàng hoàng hơn chứ đừng để bị lôi cuốn vào những trò chơi hỗn loạn về ý thức hệ như chúng đã diễn ra trên đất nước suốt cả nửa thế kỷ đã qua, đến nay vẫn còn đang tiếp diễn.

© 2006 talawas