trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
Loạt bài: World Cup 2006
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
12.6.2006
Đỗ Kh.
Bán kết ở Anbar
 
Tiếng hô nhất loạt dậy trong thành phố, nhưng tắt lịm ngay như một thất vọng gì nho nhỏ, một thứ “ồ” của đám đông. Tôi nghĩ, chắc là quả phạt góc, quả phạt đền trúng vào khung thành.

Thành phố chỉ còn lại một phần ba dân số và một tuần nay mất điện liên tục 24/24, đến nhiên liệu chạy máy phát điện cũng trở thành khan hiếm, sáng nay tôi vừa thấy nổ súng để giành nhau 20 lít dầu, ông chủ cây xăng xách AK ra quát “Tụi bay đi chỗ khác mà bắn nhau, ở đây nó phát cháy thì rụi cả xóm, đồ ngu như chó!”. Tấm biển “Cấm hút thuốc” chình ình, mấy anh gây sự nhau tiu ngỉu dắt lại súng ngắn vào trước bụng. Thành ra, vào giờ đêm này, đen như một thành phố hoàn toàn mất điện, tiếng hô nhất loạt vừa nói trên là một tiếng hô rải rác của từng nhóm vài mươi người may mắn tụ tập đâu đó ở một chỗ nào khuất tầm nhìn trước màn hình đang tải giải bóng đá Mundial 1982 tại Tây Ban Nha.

Tôi là người thờ ơ với mọi thứ thể thao nhưng bốn năm một bận, Thế vận hội mùa Hè hay World Cup, tôi cũng có theo dõi, như là một mẹo vặt để đánh dấu những kí ức trong đời hơn là vì thật sự yêu thích hay là quan tâm. Chung kết 1974, tôi được xem trực tiếp bằng truyền hình (màu) ở Pháp, vài tháng sau được xem phát lại (trắng đen) ở Trung tâm III Tuyển mộ Nhập ngũ tại miền Nam (Quân đoàn III, khu vực chung quanh Sài Gòn). Một hai giờ sáng, máy im lỉm không còn thôi thúc Johan Cruyff hay Neeskens với lại Sepp Maier (thành đồng khung gỗ) thì loa lên tiếng gọi tân binh di chuyển, Nguyễn Văn A-cha B-mẹ C, Nguyễn Văn D-cha E-mẹ Ngại [1] … Người bạn nằm bên tôi [2] giải thích, ai mà bị gọi vào giờ này thì chỉ có ra phi trường, tức là chỉ có đi Quân đoàn II, Quân đoàn I, tức là Kontum kiêu hùng hay Trị Thiên vùng dậy, chứ không phải lên phi cơ sang tham quan sân vận động München lịch sử, nơi Jan Jongbloed bắt banh và mang về vẻ vang cho dân tộc Hà Lan. Mà nhà ở Sài Gòn hay Tây Ninh, đi Pleiku, Phú Bổn thì chỉ có Bà Sơ thăm nuôi, các bóng đen bị điểm danh lặng lẽ lê hành lí lên đường, không ai nói một lời.

World Cup vừa qua, tôi ở quần đảo Cook, 3.015 km phía Đông Bắc Auckland (New Zealand), hai nơi gần nhất phía bên phải là Tahiti, 1.500 km, phía bên trái là Samoa, cũng 1.500 km nốt, còn Triều Tiên với Nhật Bản thì tôi không biết cách xa bao nhiêu nhưng cũng nhiều mà lại ngược múi giờ, đi trước gì đó 20 tiếng. Ở đây, chẳng ai để í gì đến bóng đá mà chỉ yêu chuộng Rugby. Tứ kết, bán kết tôi còn ở Rarotonga (chu vi 32 cây số), tại một hộ có truyền hình trong phòng ngủ, phòng khách, nhưng một hai giờ sáng thì tôi ra biển tắm đêm, không xem bóng đá, chỉ tiếc Nam Hàn bị Đức loại. Đến chung kết thì tôi đã ra đến Aitutaki, lại càng thanh vắng, 2.000 dân cư và được fineliving.com xếp loại Most Romantic Getaway (trú tránh lãng mạn) hàng… 10. Ở đây, tại Pearl Beach Resort giấu mình ở một đầu hồ san hô, chỉ có 40 chòi không có cả điều hoà, đừng nói đến internet. Ông quản lí là người Pháp, nhắc đến thì chửi cho đội nhà một trận và sau khi thăm dò dư luận, đêm chung kết sẽ cho mang truyền hình ra ngoài lobby, tuy phần lớn khách ở đây cho thế là làm hỏng bầu không khí (lãng mạn) của nơi nghỉ.

Cuộc sống ở đảo khác với phố thị, 9 giờ tối thì phục vụ (chân không) đã dọn dẹp phòng ăn. Từ trung tâm Resort đến chòi tôi ngụ phải mất mấy phút rặng dừa và giậu dâm bụt lờ mờ đèn đóm, nên vào đêm chung kết, tôi uống Beaujolais (khách sạn này thuộc hệ Pearl Beach của Pháp nên rượu nho không thiếu) để nhìn hồ nước lặng tờ (sóng ở mãi ngoài ghềnh san hô) rồi… ngủ quên mất. Sáng ra, đến lobby thì chỉ được xem phát lại, hai anh Thụy Điển hẹn tôi đêm qua cùng ra xem cũng bỏ qua phần trực tiếp truyền hình, chắc là trong chòi mà thơ mộng ái ân với nhau chứ việc gì mà phải ra xem bắp thịt đùi của các cầu thủ Brazil lăng xăng thrên thảm cỏ. Brazil lần này đăng quang, không ấm ức như lần trước. Lần trước đó (1998), tôi ở ngay tại Pháp, không ra đường sau kết quả nhưng nghe kèn xe inh ỏi và nhìn ra cửa thấy thanh niên thiếu nữ phất tam tài kéo nhau lên Đại lộ Champs Elysées “Mais où sont ils, mais où sont ils, les Brésiliens!” (Ba Tây ơi, giờ này anh ở đâu). Các con tôi cũng nhân dịp đó mà tập đếm “Và 1/rồi 2/rồi 3/Zero!”

2006, chung kết tôi sẽ ở nơi nào thì tôi chưa đoán được, biết đâu là cũng sẽ ở ngay tại chỗ để mà xem quần chúng mừng đội nhà là đội Đức đăng quang (?). Năm 1994, tôi ở tại Los Angeles, có người anh họ rủ đi xem trận Colombia-Romania ở tại Rose Bowl nhưng tôi lỡ dịp. Thể thao Romania thì tôi biết có Nadia Comaneci và có lần hân hạnh được diện kiến bắt tay chào trong khi cô mặc đồ thể dục và sững sờ khi thấy đó chỉ là một cô bé vóc người rất nhỏ. Sau này, cô cao lên được một tí và sang Mỹ quảng cáo nịt vú nhưng tôi chỉ thấy trên hình, không có hân hạnh gặp lại cô trong sắc phục (nịt vú) này, nhưng đây là chuyện tôi đang mơ màng mà đi lạc bộ môn. Trở lại với bóng đá thì 1990 tôi không còn nhớ là tôi đang ở đâu nữa, hẳn là Hoa Kỳ. Hè năm đó, tôi có ở Việt Nam nhưng chắc là sau World Cup ở Italy nên không có kí ức gì liên hệ đến Maradonna mà chỉ nhớ có cái cầu thang uốn éo ở khách sạn Continental Hà Nội đang được sơn phết lại, ở ngoài đời vào lúc đó (lúc còn chưa sơn phết xong) đẹp không thua trên bức hình chụp bởi Raymond Depardon.

Khách sạn mà tôi ngụ năm 1986 vào mùa World Cup là khách sạn President tại Macau. Tôi xem bóng đá trong phòng với người bạn Pháp, cũng lại kênh giờ vì Mundial năm đó ở tại Mexico. Tường thuật ở Macau thì bằng tiếng Quảng, cho nên tôi và anh bạn này không xem hình mà nhắm mắt lại đố nhau xem có nhận ra tên các cầu thủ Pháp theo phát âm của nhà báo địa phương. Platini thì dễ rồi và Bossis thì cũng vậy nhưng Rocheteau mà đụng đến bóng thì cả tôi lẫn anh đều thua vì đài ở đây gọi là “Lộc Chí Tàu”! Dạo đó, Macau còn mang mùi phố huyện, êm đềm cửa biển với những tàu đánh cá Trung Quốc lững thững trong chiều. Chúng tôi hụt xem màn chung kết, Pháp đã bị loại ở vòng bán kết cũng lại bởi Tây Đức tại Guadalajara. Ban ngày thì chúng tôi bận việc (6 giờ chiều hay 9 giờ tối ở Mexico là trưa ngày hôm sau ở Macau), một tối, đi bộ đến Cửa Bắc là biên giới với Trung Quốc thì đã ngoài giờ hành chính. Cái cổng đóng chặt như cổng Cấm Tử Thành trong phim Hoàng đế cuối cùng của Bertolucci mặc cho diễn viên John Lone hét khan cổ “Khai môn!”. Anh bạn tôi leo lên và nhảy hẳn sang rồi trèo về trở lại, phát biểu “Vậy là tao có đặt chân sang Trung Quốc”. Anh là Tây tóc vàng nên không sợ công an biên phòng nổ súng, còn tôi thì chỉ nhấp nhú mà chụp ảnh anh đang phạm tội nhập cảnh bất hợp pháp. Vậy là tôi vừa hụt trận chung kết Mexico lại hụt cả đặt chân sang Hoa Lục vào dịp này.

Bán kết lần trước đó, 1982 tại Seville giữa Pháp và Tây Đức là một trận tôi nhớ đời. Kết quả 3:3 bất phân thắng bại, phải nhờ đến penalty (4:5) cũng đủ để mà hồi hộp nhưng đêm hôm đó, ở Lebanon các pháo thủ Israel không chịu xem bóng đá mà sao lãng nhiệm vụ quân nhân. Căn hộ tôi ở từng bốn, hai mặt đường nhưng trên đầu còn có một từng che chở, nghĩ đến cũng vững bụng đôi chút. Trong nhà lại có rất nhiều sách của cụ nhạc, năm hay mười ngàn quyển gì đó, tràn từ phòng giấy của cụ ra khắp các mặt tường phòng khách, phòng ăn. Ai đã từng cầm súng bắn thử vào một quyển niên giám điện thoại đều biết, sách vở là một thứ ngăn đạn hữu hiệu gần bằng bao cát, còn chuyện có giúp được phần kiến thức nào trong hoàn cảnh này là chuyện ngoài đề. Hành lang dẫn đến bếp trong nhà theo tôi là nơi chắc chắn nhất, hướng nào cũng có ba hay bốn mặt tường và một hay hai mặt tường sách, ôi cỡ 105 ly thì hề hấn gì, các loại bích kích đều không thấm thía. Trong nhà tôi chỉ có ba người, hai vợ chồng và một ông chú đã ngoài 70, đến nơi tá túc vì nhà của cụ ở phố khác đã bị pháo đánh sập.

Cả ba trong hành lang ngồi bệt dưới đất, tất cả các cửa đóng (gỗ cũng chống miểng), dưới ánh một ngọn nến. Ông cụ thì lâm râm cầu nguyện, còn tôi thì tôi không tin trời, nên cho đỡ sợ tôi chỉ có thể nghe bóng đá (chứ không phải tôi tin vào bóng đá hơn là thượng đế). Nhà không có điện như đã nói, tôi vớ được một cái đài Grundig Yatch Boy còn pin và nghe tường thuật trực tiếp truyền thanh bằng tiếng Pháp qua Radio Monte Carlo, lưng cẩn thận dựa vào một cái cột bê tông. Chẳng hiểu lí do gì vào ngay đêm hôm đó, quân lực Israel đang lấp ló ngoài thành phố không pháo chơi hay pháo doạ như những ngày trước mà… pháo thật! Pháo liên hồi, từ hướng Nam là trường bay nơi họ đang thập thò, đến trung tâm giữa Đông và Tây Beirut, phía con lộ Quốc tế, phía lên núi, phía bờ biển, không ra một thể thống gì. Đạn to 155, 175, đạn nhỏ 105, tôi đoán là có cả hải pháo ầm ì, tên lửa bom bi thôi thúc lúc gần lúc xa, đã nói là không ra thể thống. Qua khỏi hiệp (bóng đá) đầu, vợ tôi quyết định (trong gia đình, vợ tôi là người quyết định) đi xuống hầm tập thể thì đã quá trễ. Hầm thì cách xa, lại chen chúc, đạn thì giờ thỉnh thoảng đã đi qua đầu ngõ, ra đường lại lãnh một quả hỏi tại sao xui. Tôi áp tai vào đài, tập trung vào sơ hở của thủ môn Schumacher, không sót một chi tiết đến nỗi bị vợ mắng “Lúc này anh làm gì mà ở đó nghe bóng đá!”. Tôi làm mặt anh hùng (chứ không thì mất cả thể diện dân tộc), nói ngắn gọn “2 đều rồi, căng thẳng lắm”. Tôi mà nói thêm vài chữ nữa là nàng sẽ thấy, căng thẳng thật đấy, giọng tôi run.

Giresse giao banh cho Six, Amorros chạy lên và Tigana chạy xuống, cái sợ của tôi không hề thuyên giảm. Thế này là tiền pháo hậu xung rồi, đêm nay chẳng kiêng cử gì bán kết, Israel sẽ ba mặt giáp công vào thành phố trong khi Vệ binh Ki Tô chốt ngỏ Công trường Liệt sĩ và Viện Bảo tàng. Trên núi đổ xuống thì còn xa nhà, phi trường đánh lên thì còn lắm khúc mắc nhưng nếu họ đổ bộ bãi khách sạn St George thì chỉ cách vài con phố. Khu vực này lại trấn đóng lưa thưa, lần chót đi ngang tôi thấy có một anh đồ bông ngồi hút thuốc nhìn biển, bên cạnh một con chó ra dạng quân khuyển, chẳng lẽ con này cắn mà biệt kích Sayaret đã từng giải cứu Entebbe ở tận Uganda lại không dám đột nhập. Tôi lom khom bò vào phòng ngủ, lấy cây Tokarev lận vào lưng nhưng “hơi lạnh của thép súng” chẳng trấn an tôi được chút nào. Tôi giao khẩu Colt Python của thằng em bỏ lại cho vợ. Cây này rất bảnh, si kền bóng loáng như trong phim trinh thám, nhưng lục mãi trong nhà tôi không tìm đâu ra thêm đạn ngoài sáu viên nạp sẵn. Đến lượt ông chú lên tiếng mắng “Chết bao nhiêu người vậy chưa đủ, mày còn mang súng định bắn ai” (ông là người ngoan đạo, và vì vậy sau này cứ đọc cụm từ “Hồi giáo khát máu” là tôi nghĩ đến ông). Tôi trả lời “Mình phải chạy đến nơi, loạn mà ông, và biết đâu”. Ba đều sau hiệp đá thêm 15 phút, trận bán kết này giờ đến lúc định mệnh điểm.

Kết quả là Tây Đức may, Pháp thì xui và đêm đó cũng như những đêm sau đó Israel không đẩy bộ binh vào Tây Beirut [3] . Tôi thì… chưa chết, và còn được theo dõi bằng ấy giải FIFA, tuy là những lần sau đều hẳn kém phập phồng. Mỗi bốn năm, tôi đều nhớ lại ông chú “Đạo Hồi là con đường hoà bình” này, khi đến nhà đã mang theo 10 cân thịt cừu và ba cân bánh mì, thịt mỗi ngày thêm thiu và bánh mỗi ngày thêm cứng nhưng cũng để ba người chúng tôi ăn đỡ được trong hai tuần lễ công thủ. Biết đâu, 2006, Đức lại đụng Pháp ở bán kết và phân tài cao thấp lại cũng bằng những quả penalty. Trời lần này có thể cho Pháp thắng, nếu trời công bình. Nhưng tôi không tin trời như đã nói, và công bình thì đêm thư hùng sắp đến, ở Gaza, ở Ramadi (thuộc tỉnh Anbar, Iraq), ở Congo hay là ở Sudan, ở Chad, đã không có quần chúng yêu bóng đá, tai phải bám chặt vào đài để nghe tường thuật giữa pháo và bom.

© 2006 talawas



[1]Để phân biệt trùng tên, nên sinh ra câu đùa “Nguyễn Văn X, cha Đụ mẹ Sướng”.
[2]“Nó và tôi”, http://www.vmdb.com/viewSong.jsp?id=1607, link tặng các bạn tôi yêu bóng đá của ngày ấy.
[3]Tôi biết ơn đại tá Eli Geva, chỉ huy Thiết đoàn 211 Israel. Ông là một sĩ quan xuất sắc của quân lực, trong chiến dịch này đã vinh quang mang quân đánh thọc từ biên giới, đuổi du kích Palestine hụt hơi. Nhưng khi đến Beirut, đại tá Geva đã công khai từ nhiệm tại chỗ, viện lẽ không thể nào gây tổn thất cho thường dân trong phố. Ông cho cấp trên biết là không chấp hành lệnh tấn công ở cương vị chỉ huy lữ đoàn và sẽ chỉ chấp hành lệnh này ở cương vị trưởng xa, nghĩa là giáng ông xuống cấp lái tăng thì ông đánh, chứ ông không chịu ra lệnh cho ai hết mà thất đức với tổ tiên. Đây cũng là chuyện hi hữu ngược đời, thường thì quân nhân thích được thăng cấp chứ mấy khi mà đại tá đòi xuống hàng trung sĩ để nhận lái chiến xa đi đầu, riêng tôi chẳng biết có ông nào ngoài ông này. Ơn ông, tôi coi là cá nhân, tôi đã thấy trinh sát của đơn vị ông loáng thoáng đằng trước mặt ở Khalde mà thóp cả ruột gan, và tôi mong sẽ có ngày gặp Eli Geva để cảm tạ, nói với ông dăm ba câu chuyện bóng đá?