trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thaoDịch thuật
20.7.2006
François Weyergans
Tấm thẻ đỏ
T.N. dịch
 
Lời ngỏ: Bữa nay đi mần rảnh rang, tui mò dzô talawas đọc vớ vẩn thì đụng ngay bài "Tấm thẻ đỏ" của François Weyergans, bản dịch của Phạm Toàn. Đọc mấy lần mà cũng hổng hiểu thiệt sự ý tác giả François Weyergans là chi!

Ấm ức và tò mò, tui vào net tìm kiếm một hồi thì ra bài viết nguyên tác tiếng Tây ở mục Ý kiến (Opinion) đăng trong báo Le Monde số ra ngày 10 tháng 7, tức 24 tiếng sau trận chung kết World Cup. Vì bản dịch của ông Phạm Toàn ‘Tây quá’, lại có vài lỗi nhỏ nữa (như dịch sai câu Ils ne sont pas virtuels chẳng hạn) nên tui xin dịch lại bằng tiếng Việt bình dân học vụ cho dễ hiểu (vậy mà hiểu củng hổng dễ).

Nhà văn François Weyergans đoạt giải Goncourt của Hàn lâm viện Pháp với quyển Trois jours chez ma mère, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bài viết rất văn chương bác học nên điển tích cũng bộn, chưa kể là chấm phết lung tung chớ hổng xuề xoà giản dị như kiểu văn chương quán cóc.

Sau đây là vài chú thích trước khi vào việc.

Mowgli: Nhơn vật chánh của quyển truyện cổ tích nhi đồng The Jungle Book của Rudyard Kippling là một bé trai được đám khỉ nuôi nấng rồi lớn lên trong rừng với bày thú. Tuy thú vật rừng già hiền lành nhưng có con sư tử dữ dằn ra tâm muốn ám hại Mowgli, nhờ tình đồng đội Mowgli thoát hiểm, rồi gặp một sơn nữ Phà ca đeo gùi và theo nàng xuôi về bản thượng với ánh sáng văn minh. Mowgli hổng phải là con ếch, hổng có con ếch nào trong truyện như ông Phạm Toàn phụ đề ráo trọi!

Le Petit Prince: Cũng là truyện nhi đồng của văn hào Antoine de Saint-Exupéry. Một nhà thám hiểm rớt máy bay xuống sa mạc Sahara, kết bạn với Petit Prince. Prince là người từ hành tinh khác rớt xuống trái đất thế nên tâm hồn rất ngây thơ trong trắng. Qua chuyến viễn du này, Petit Prince nhận biết ra thế nào là sống chết, tình yêu tình bạn v.v. Tuy sách viết cho trẻ con nhưng y hình nghiêng nhiều về triết học thì phải (lâu quá tui hổng nhớ đích xác nữa).

Nijinski & Noureev: cả hai đều là vũ công ballet nổi tiếng.

Pari de Pascal: Pascal nói tới chuyện hên xui may rủi và tìm cách chứng minh nó bằng con số, và y hình đây là nguồn gốc của xác suất và thống kê trong toán học. Trong bài dịch tui làm lơ hổng dịch term này cho bớt bí hiểm.

Tragédie grecque: Bi kịch Hy lạp là kịch mang tánh bi ai phát sanh từ Hy Lạp trong thế kỷ thứ 6 trước Thiên chúa, dính líu tới những huyền thoại Hy-La, luôn luôn đượm màu sắc triết lý về định mệnh và giải phóng con người. Mục đích của tragédie grecque là gợi lòng thương xót hay gợi nỗi sợ hãi ở khán giả, nói tới sự bất lực hoàn toàn của loài người trước số phận, để từ đó người ta nhìn vào sự khốn cùng bằng cái nhìn theo thẩm mỹ học hầu thanh tẩy chúng. Catharsis d’Aristote bao hàm ý này.

Bây giờ mời các bạn đọc thử áng văn chương bí hiểm này coi tác giả khen hay chê Zidane nha?
Dù thích hay không thì ngay lúc để mắt tìm hiểu chút xíu về nỗi say mê định kỳ của nhơn loại trong túc cầu, về chuyện hứng chí rồ dại hay không giống ai ráo với một vài cầu thủ biểu tượng của bóng giới, thế là y như phép có chuyện để bàn liền. Mê một vài cầu thủ thì còn cái sướng nào hơn, ít nhứt mấy tên tuổi đó, cho tới giờ này, là có thiệt chớ hổng ảo. Khỏi lễ nghĩa gì ráo, toàn trận đấu, che giấu hay lộ liễu, cũng chỉ ngửi được thứ không khí sặc mùi hung bạo (từ hồi nền bóng đá sơ khai chưa có trọng tài cho tới sau này lúc ‘dàn nhạc’ đã tìm được ra ‘nhạc trưởng’). Đội banh y chang đoàn chó săn, một trong những điều phải có là việc hài hoà giữa cá nhơn với cả nhóm. Có cần phải đọc lại cuốn Chuyện rừng già không ta, đặng nhìn cho ra, ở cầu thủ này hay cầu thủ kia, cái khía cạnh Mowgli của sách, đôi khi bọn họ lại còn làm ta liên tưởng tới những Hoàng tử Bé mà to đầu nữa kìa. Khi nghĩ tới những chuyện được viết hay được nhắc tới trong thời gian World Cup, nếu phải so sánh, thì y hình chúng chẳng đâu vào đâu ráo trọi. Thí dụ Zinedine Zedane chẳng hạn, đây thiệt sự là một Mowgli hay một Hoàng tử Bé đã già nua?

Nhơn vụ tuổi tác, tui xin nhắc tới anh chàng Ăng-lê Stanley Matthews. Lúc tui còn nhỏ, tía tui khoái ảnh hết biết, hồi thập niên 50 chi đó, ở tuổi 38, anh Matthews ni đã thủ huề 3-3 cho đội nhà sau khi bị dẫn trước 3-1, và rồi mãi 50 tuổi mới tà tà về hưu. Nhờ cuốn sách hấp dẫn Nghệ thuật làm bàn (ấn bản Lattès) của Ken Bray, sách gối đầu giường của tui từ 15 bữa nay, mà tui đã tìm ra lại cái tên Mathews này và bài tường thuật về trận chung kết Blackpool-Bolton. Có lẽ ta cũng nên nhắc chút xíu tới anh thủ môn. Dòm bản mặt đưa đám của Fabien Barthez sau chiến thắng đá phạt đền của đội Ý, tui tự nhủ: Mèn ơi, kịch sĩ thứ thiệt đóng tuồng dám cũng hổng xuất sắc bằng!

Trở lại với Zidane, một Zidane thôi miên hơn là một Zidane ảo thuật... Không phải vì Zidane được anh chàng Ăng-lê Ken Bray (còn là một tiến sĩ vật lý lượng tử nữa đó nha) coi như thiên sứ, thánh nhơn, thậm chí cả như Thượng đế. Cũng không phải vì đương kim Tổng thống Pháp đã ‘cương’ đại trước máy vi âm, rằng đây là bậc trượng phu với tất cả những đức tánh nhơn bản mà loài người có thể tưởng ra được. Cái gờm nhớm trong những bài viết tui đọc về Zidane, chúng còn tệ hơn cả những điều chung chung vớ vẩn: buổi hoà nhạc bằng những rầm rộ tán dương, nhưng nói xấu những người hết lời khen Zidane làm chi dzậy cà. Cũng có phải lỗi của Zidane đâu. Rồi ảnh có đọc hết ba cái đó không ta? Dám đọc rồi ảnh ngộp thở luôn hổng chừng. Thiệt tình, có lẽ cũng hổng sai nếu ảnh được coi như một cầu thủ vừa hiếm có vừa tuyệt vời. Ảnh là Nijinski của bóng giới. Xui cái là những người coi Nijinski nhảy múa thì hổng ai còn sống hết, thôi thì ví với Noureev của bóng tròn vậy, nhưng tuyển thủ bóng tròn không phải là vũ công, nên rồi luật chơi khác đã đành mà cách chơi cũng khác luôn, trong cả không gian lẫn thời gian.

Ở một trận đấu, tui không nhớ rõ trận nào, Zidane lãnh cái thẻ vàng, thế là anh chàng nổi hung lên, làm ngay một bàn thắng rất lịch lãm, y chang một đoạn văn viết hay và viết lẹ (văn của Morand hay của Cocteau?). Nói về viết lách thì phải kể tới nhà dìu dắt Domenech, trong giờ nghỉ giải lao giữa một trận tranh tài, ông đã tuyên bố: Trận đấu không viết vọn vẹn trong 45 phút mà phải viết trong 90 phút, hay hơn nữa, 120 phút. Động từ ‘viết’ dùng ở đây nghe hay ho quá cỡ. Không dưng thấp thoáng những hình ảnh nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật của cuộc chơi. Aristote, ngay chóc Aristote với luận điểm thuần tuý vì nghệ thuật.

Vốn là một tiểu thuyết gia, tui thấy Zidane quả là hấp dẫn, hấp dẫn vì rằng ảnh bắt ta phải đoán thay vì nhìn coi ảnh làm chi. Chơi trò ấy là thủ và thủ kỹ. Không chừng có chuyện lờ mờ hay thách đố sao đó, đủ sức thuyết phục để anh chàng vòng trở lại mặc áo tuyển thủ quốc gia. Trong một màn phỏng vấn về vụ ni, ảnh nói cho tới khi thở hơi cuối cùng, nhứt định ảnh sẽ ngậm tăm. Nói thế làm người ta liên tưởng tới một bi kịch Hy Lạp, và rồi với tấm thẻ đỏ của ngày 9 tháng Bảy vừa rồi, Zidane biến thành Sophocle y chang: Đời sống con người chỉ được xét đoán trong hồi chung cuộc (trong trường hợp này đúng ra là sự nghiệp của con người và chính cái đoạn chung cuộc này mới sanh chuyện).

Tấm thẻ đỏ là một biến cố lớn. Phản ứng tức thời thì: Ôi định mạng, ôi rủi may, ôi giận dữ, thôi thì nhắm mắt lại rồi quên bà nó đi. Còn bằng như ngược lại, xối xả tuôn ra là coi như tiêu. Tui dòm sự việc này như một hình thức tự hủy và liên tưởng tới một câu ngạn ngữ có ít nhiều mùi phân tâm học: "Cái chi tưởng sẽ rối rắm thiệt ra lại êm ru bà rù". Biến cố lớn đã có trọng tài cầm cân nẩy mực, mắc mớ chi tới tui, tới chúng ta, mà bọn mình dzô trỏng xớ rớ kia chớ!


Bản tiếng Việt © 2006 talawas