trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt NamNghệ thuậtÂm nhạc
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
7.9.2006
Bùi Vĩnh Phúc
Thư ngỏ gửi ông Vũ Ðông Ngọc và chị Ban Mai
 
Kính thưa ông Vũ Ðông Ngọc và chị Ban Mai,

Tôi đã được đọc bài của ông và chị trên talawas về trường hợp luận văn của chị Ban Mai. Luận văn này đúng là có những chỗ trùng hợp với một số đoạn trong chuyên luận Trịnh Công Sơn: Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật của tôi xuất bản vào năm 2005. Tôi xin được cám ơn vì tình cảm của quý vị đã dành cho tôi qua bài viết của mình, mặc dù quý vị đã đứng trên hai vị thế khác nhau để thảo luận về cùng một vấn đề. Bài viết của quý vị có những mục đích khác nhau, và trong cảm nhận của tôi như một người theo dõi câu chuyện, tôi thấy rằng quý vị đều đã có thiện ý trong việc trình bày và trao đổi vấn đề. Dù sao, trong vị trí của một tác giả được nhắc đến như một phần mấu chốt của cuộc thảo luận và chia sẻ này, tôi cảm thấy khá áy náy. Cùng lúc, tôi có những tình cảm pha trộn giữa sự buồn bã, tiếc nuối về chuyện đã xảy ra, và lòng quý mến, tin tưởng vào người đọc, người viết, và vào nền văn học nói chung của người Việt, cho dù là chúng ta đang sống ở bất cứ đâu. Qua sự chia sẻ của quý vị, tôi cũng tin tưởng là, với sự đóng góp của rất nhiều người Việt, của tất cả chúng ta, những người hiện sống trong nước hay đang sống trên những vùng đất không được gọi tên là Việt Nam nhưng có quan tâm và tha thiết đến nền giáo dục nước nhà, chúng ta sẽ không mất niềm tin vào tương lai của nền giáo dục ấy. Có thể Việt Nam vẫn còn đang trong một cơn sốt vỡ da về nhiều phương diện. Có thể chúng ta phải kiên trì, nhẫn nại và cố gắng nhiều hơn nữa để nâng dậy hình ảnh Việt Nam trong mắt nhìn của thế giới. Tôi nghĩ, nếu mỗi người cùng góp một bàn tay, chúng ta không sợ thất vọng. Thành công của nhiều người trẻ Việt Nam bên ngoài đất nước trong nhiều lĩnh vực, cũng như thành công của một số có lẽ cũng không nhỏ người Việt trong và ngoài nước trong việc xây dựng một cách tích cực hình ảnh một Việt Nam đẹp đẽ và đáng yêu, cho chúng ta niềm tin tưởng đó. Bàn về những điều này có lẽ không phải là sở trường của tôi. Chắc chắn nhiều người sẽ làm tốt hơn. Ở đây, thật sự, tôi chỉ muốn xác nhận một niềm tin, cho mình, và, nếu được, chia sẻ niềm tin ấy như một ánh lửa cho những người tôi yêu mến, những người bạn và những người đọc tôi.

Thưa ông Vũ Ðông Ngọc,

Tôi xin cám ơn ông một lần nữa vì việc làm của ông. Ông cho tôi, một người cầm bút viết chữ nghĩa Việt, cái cảm giác ấm áp và tin tưởng là có những người đọc quan tâm theo dõi mình, sẵn sàng chia sẻ, nâng đỡ và ủng hộ việc mình làm. Cái việc viết lách, cái mà chúng ta tạm gọi là “văn chương” ấy, đã được người xưa nhìn nhận và đánh giá khá rõ, cho dù là đánh giá một cách khá tàn nhẫn: “lập thân tối hạ thị văn chương”. Chọn con đường “làm văn”, có lẽ chúng ta cũng phải chấp nhận những ngọt bùi cay đắng mà nó mang lại cho mình. Tôi nghĩ, chính những cay đắng ngọt bùi ấy làm nên hạnh phúc của một người viết chữ. Văn chương chắc khó mà nuôi sống con người được, nhưng nó cho con người cái hy vọng với lên được những ánh sao thật sự mà nó thoáng nhìn thấy, trên cao, hay những ánh sao mà nó tưởng tượng ra, một cách khá hồn nhiên và đầy lý tưởng, trên những con đường tăm tối mà nó lầm lũi dấn bước. Rất nhiều khi một mình.

Thưa chị Ban Mai,

Tôi rất tiếc vì mọi chuyện đã xảy ra. Dù sao, chính sự không may ấy dẫn chúng ta đến niềm tin vào chữ nghĩa. Bởi lẽ, chữ nghĩa không chỉ giúp con người diễn tả tình cảm và ý tưởng của mình qua thơ văn, kịch nghệ và những lĩnh vực lấy chữ nghĩa làm chất liệu cho sự phản ánh và nghiền ngẫm về hiện thực, cũng như cho sự sáng tạo và bay bổng của con người. Chữ nghĩa còn giúp con người trao đổi kinh nghiệm sống, chia sẻ mọi nỗi niềm, và thảo luận về những vấn đề có khi rất cụ thể, có khi lại rất trừu tượng và khó nắm bắt. Chữ nghĩa phản ánh tính cách, nhân cách và tư cách của một con người. Chữ nghĩa nói lên thái độ của chúng ta trước cuộc đời. Cuộc đời ấy có thể bầy ra cho chúng ta những vấn nạn, những câu hỏi, những hoàn cảnh, những tình thế để trả lời. Nó cũng có thể bầy ra cho chúng ta những cuộc chơi. Ðôi khi con người cần tìm kiếm những niềm vui, những hạnh phúc, những tri nhận về cuộc sống qua chính mình, qua kinh nghiệm riêng tư của mình. Những lúc ấy, chúng ta quay về với chính ta. Dù sao, trong đa số trường hợp, “chơi” là chơi chung, là chia sẻ, chấp nhận một số những quy luật chung. Từ sự chia sẻ và cộng tác với nhau qua việc tạo sự đồng thuận và chấp nhận những giới hạn của luật chơi, chúng ta tìm được niềm vui trong sự khám phá cuộc sống này, trong việc cùng nhau thực hiện chung những dự định, những hoài bão, những đóng góp, để biết rằng chúng ta cần có nhau để có thể xây dựng được những điều có ý nghĩa.

Tôi cám ơn chị vì chị đã chia sẻ những đồng thuận chung trong trò chơi, nhiều khi, rất “vô bổ” này của chúng ta. Hơn nữa, chị còn có thái độ nhận trách nhiệm khi bỗng nhiên, có lẽ chẳng ai muốn, trò chơi lại đem đến một vài đổ vỡ, do sự vô ý hay thiếu kinh nghiệm của mình khi dấn thân vào cuộc. Sự vô ý, sai sót của chị đã bắt đầu được sửa chữa ngay khi chị tỏ rõ tinh thần trách nhiệm của mình. Cho dù chị đã có những lời khiêm tốn trong khi bày tỏ lòng quý mến của chị đối chữ nghĩa tôi hay đối với cá nhân tôi, tôi vẫn muốn nói rằng tôi chỉ là một tác giả, một người viết chữ giống như chị. Nếu chị có thể học hỏi được một vài điều gì đó trong chữ viết của tôi hay của các nhà văn, nhà thơ, hay nhà phê bình khác, tôi cũng thế. Tôi cũng có thể học hỏi được một số điều từ bài viết của chị hay của những người khác mà tôi có cơ hội tìm đọc. Chúng ta là những người đang đi trên đường và ai cũng muốn mở rộng tất cả tâm trí và thân xác mình để đón nhận những hương sắc và mùi vị của cuộc sống. Những hương sắc và mùi vị ấy, nếu không gắn bó một cách cụ thể, một cách vật lý với trần gian này, mà lại ẩn chứa một cách bí mật và kỳ diệu trong những con chữ, lúc ấy, chúng sẽ cho ta những hạnh phúc sâu lắng hơn trong cuộc tìm kiếm và khám phá chúng. Tôi nghĩ, những mùi vị và hương sắc ấy ở ngoài trần gian, hiểu theo một nghĩa nào đó, nhưng chúng lại ở trong chúng ta, những kẻ cứ mãi say mê đi tìm một mùi hương lẩn lút của chữ nghĩa, hay là đi tìm ánh sắc của “một đoá trăng tàn lẩn lút bay”, nói theo cách của Thanh Tâm Tuyền.

Một lần nữa, tôi xin cám ơn ông Vũ Ðông Ngọc và chị Ban Mai. Tôi tin vào sự chia sẻ và vào những giá trị của văn học mà chúng ta đang chung tay gìn giữ. Tôi cũng tin vào những giá trị con người. Những giá trị đó liên kết và giữ chúng ta lại với nhau trong một giềng mối thân ái chung. Giống như trong một bài hát của thanh niên mà ngày xưa tôi đã từng nhiều lần được hát, trong khi nam nữ bắt chéo tay nhau, đứng thành vòng tròn, và đung đưa cả tâm hồn lẫn thân xác mình theo điệu nhạc: “(...) Nét yêu thương nhau tỏ bầy. Giữ chặt mối dây.”

Trân trọng.

Tustin Ranch, California

IX – 2006

© 2006 talawas