trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
19.12.2006
Huỳnh Ngọc Chiến
Từ Phusis (fusis) Heidegger đến Tồn Lưu Bùi Giáng
 
C'est seulement dans le mot, dans la langue, que les choses deviennent et sont. C'est pourquoi aussi le mauvais usage de la langue dans la simple bavardage, dans les slogans de la phrasésologie, nous fait perdre la relation authentique aux choses. (Chỉ trong từ, trong ngôn ngữ mà sự vật mới trở thành và hiện hữu. Cũng vì lẽ đó mà sự lạm dụng ngôn ngữ trong cuộc ba hoa thuyết thoại thuần túy và trong các khẩu hiệu ngữ cú giảng bình khiến ta đánh mất đi mối tương quan chân thực với sự vật) [1] .

Nếu cô nàng Thiên Nhiên muốn cảm tạ người đã đem hết thiên tài bạt tụy của mình ra để phụng hiến cho nàng, trả lại cho nàng cái chân dung sơ thủy, cái bản lai diện mục, vốn đã lắm phen bị triết học kinh viện nhà trường bôi cho lem luốc, thì có lẽ nàng phải ngỏ lời thâm tạ Martin Heidegger, một triết gia - nghệ sĩ kì ảo ở thế kỉ 20. Tôi chưa đọc ông nhiều chi cho lắm. Thế hệ chúng tôi phần lớn không thể tìm được và không thể đọc nổi sách ông trong nguyên tác Ðức văn nên đành phải đọc lai rai qua các bản dịch Pháp văn như Introduction à la Métaphysique, L’Être et Le Temps v.v… Và chủ yếu chúng tôi vẫn phải tìm chân dung ông qua các tác phẩm, dịch phẩm của Bùi Giáng: Lễ hội tháng ba, Lời cố quận, Ðường đi trong rừng, Sương bình nguyên, Trăng châu thổ, Sương tỳ hải ... và đặc biệt là cuốn Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại. Nhưng cần gì phải đọc nhiều? Ðến với các tác phẩm thiên tài bằng cả tấm lòng và bằng suy tư chân thành, ta sẽ nhận ra nhiều dư hưởng mênh mông khác. Ði sâu vào một tức là đi thẳm vào mười. Nhất tức nhất thiết là vậy.

Bùi Giáng là một trong những người tiên phong đã dày công dẫn nhập triết học Heidegger vào nền văn hoá Việt Nam bằng các công trình biên khảo cũng như các dịch phẩm tuyệt diệu của mình. Và chỉ duy Bùi Giáng là người đủ công lực thượng thừa, đủ thông tuệ để nhiếp dẫn triết học Bà la mật Heidegger từ cõi nguyên thủy sơ khai Hy Lạp tiếp cận với suối nguồn uyên nguyên của triết học phương Ðông. Ngôn ngữ Bùi Giáng khơi dẫn được những vùng sương bóng mênh mông của nền triết học phương Ðông vốn bị lãng quên quá lâu qua mấy ngàn năm suy tư duy lí. Ông đã dịch và diễn giải Heidegger theo một phong cách cực kì tài hoa bằng ngôn ngữ riêng biệt đầy sáng tạo mà tôi tin rằng, trong tương lai, bất kì người nào muốn tìm hiểu triết học Heidegger đều phải lấy đó làm kim chỉ nam! Do những hạn chế về khuôn khổ của bài viết cũng như kiến thức của người viết, nên tôi chỉ xin dựa vào vài trang của Heidegger trong cuốn Introduction à la Métaphysique (Siêu hình học nhập môn) để cố gắng khơi dẫn được mối tương quan giữa Phusis (fusis của Heidegger và Tồn Lưu của Bùi Giáng theo những suy niệm riêng của mình.

Kể từ L’Être et le Temps về sau, trong các phẩm của mình, ông Heidegger thường dành nhiều trang sâu thẳm để khôi phục lại chân dung uyên nguyên của Thiên Nhiên (fusis - phusis). Và để hé mở cho chúng ta cái gương mặt thật của nàng, ông già nước Ðức tuyệt vời đó đã khổ công dọn dẹp sạch hết mọi gai góc um tùm của mấy ngàn năm triết học phương Tây.

Từ buổi khai mở sơ thủy và có tính quyết định của triết học phương Tây nơi người Hy Lạp, qua đó việc tra vấn về hiện thể như là thế trong toàn thể, cuộc vấn thoại về vạn hữu như nhiên khởi đầu cuộc lịch hành chân chính của nó, mở đầu buổi khai đoan chân thực, thì trong giai đoạn đó hiện thể được gọi là fusis (Phusis).

A l'époque du premier ef décisif déploiment de la philosophie occidentale chez les Grecs, par lequel le questionner sur l'étant comme tel en totalité prit son véritable depart, on nomait l'etant fusis (p. 21).

fusischỉ sự trì ngự của cái mở phơi, khai lộ, và cái trì cửu tại tồn bởi sự trì ngự đó. Trong cuộc trì ngự kia, cuộc trì ngự kéo dài trong giữa lòng vạn hữu mở phơi, ta còn thấy bao hàm cả ý nghĩa của biến dịch và bất biến (hắng thể lưu tồn) hiểu theo nghĩa hẹp của sự trì cửu bất động.
fusis désigne la prédominance de ce qui s'épanouit, et le demeurer (Wahren) prédominé (durchwaltet) par cette prédominance. Dans cette prédominance qui perdre dans l'épanouissment se trouve inclus aussi bien le “devenir” que “l'être” au sens restreint de persistance immobile (p. 23).

Người Hy Lạp đã không khởi đầu bằng cách y cứ vào các hiện tượng tự nhiên để thể hội fusis mà trái lại chính nhờ y cứ vào nền tảng của một thể nghiệm căn cơ trầm tư thơ mộng về Tồn Lưu mà họ thấy khai mở trước mắt họ cái mà họ gọi là Phusis

Les Grec n'ont pas commencé par apprendre des phénomènes naturels ce que c'est la fusis, mais inversement: c'est sur la base d'une experience fondamentale poétique et pensante (dichtend-denkend) de l'être, que s'est ouvert à eux ce qu'ils ont du nommer fusis (p. 22).

Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay

(Thôi Hiệu - Tản Ðà)

Vũ trụ đã được người xưa quan chiêm trong viễn tượng mênh mông, như là sự đấu tranh và hoà điệu vĩnh cửu giữa hai thế lực đối kháng của hai nguyên lí âm và dương, và con người Tại thể (Dasein) đứng ra làm băng nhân cho cuộc hôn phối giữa đất trời theo thể điệu Tam tài.

Trăng lên trong lúc đang chiều
Gió về trong lúc ngọn triều mới lên

(Huy Cận)

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng

(Kiều - Nguyễn Du)

Ðó là linh hồn Phusis mở phơi, và tâm hồn kẻ tài hoa mở rộng để đón nhận những viễn tượng kì diệu của Thiên Nhiên trong bóng vàng khói biếc, trong ngọn triều lên. Tại phương Tây, chính Ki tô giáo đã đem bi kịch của linh hồn thay thế cho sự trầm tư về thiên nhiên và vũ trụ, đến độ Albert Camus phải than thở: “Kể từ Dostoievski về sau, chúng ta luống công tìm kiếm phong cảnh thiên nhiên trong văn chương lớn của Âu châu[2] .

Khi ngôn ngữ La tinh dịch từ Hy Lạp Phusis thành Natura thì ý nghĩa nguyên thủy của nó đã bị đánh mất hoàn toàn. Natura trong ngôn ngữ La tinh có nghiã là “sinh ra”, “sự sản sinh”. Và chính trong cuộc diễn dịch ra ngôn ngữ La tinh đó, người ta đã làm chuyển hướng nội dung nguyên thủy của từ trong tiếng Hy Lạp khiến cho sức mạnh hoán gọi chân chính mang tính triết lí cuả nó đã bị phá vỡ.

On utilise la traduction latine natura, ce qui signifie proprement “naitre”, “naissance”. Mais, par cette traduction latine, on s'est déjà détourné du contenu originaire du mot grec fusis, l'authentique force d'appellation philosophique du mot grec est détruite. p21.

Cuộc diễn dịch từ tiếng Hy Lạp sang La tinh tưởng chừng như vô hại đó lại khởi đầu cho một tiến trình khép kín co ro trong vỏ ốc, tiến trình tha hoá xa lạ với tố chất cấu thành nên tinh thể tinh yếu uyên nguyên trong triết học Hy Lạp.

Cette traduction du grec n'est indifférente ni anodine, c'est au contraire la première étape du processcus de fermeture et d'alinéation de ce qui constitue l'essence originaire de la philosophique grec. p22

Cách diễn dịch đầy tai hại từ tiếng Hy Lạp ra La tinh đó (không chỉ mỗi một từ fusis mà còn rất nhiều từ thiết yếu khác của nền triết học Hy Lạp ban sơ) về sau này lại chi phối Ki tô giáo và thời Trung cổ Ki tô giáo. Rồi triết học hiện đại phương Tây dùng các khái niệm đó để suy diễn và lãnh hội buổi ban sơ của triết học phương Tây, và cứ ngỡ rằng mình đã vượt xa tổ tiên, và cái cỗi nguồn ban sơ huyền bí kia được xem như cái gì đó đã bị bỏ qua lại đàng sau từ lâu lắm!

La traduction romaine fit ensuite autorité pour la christianisme et le Moyen Age chrétien... Ce commencement est considéré comme quelque choses que les gens d'aujourd'hui sont censés avoir dépassé et laissé depuis longtemps derrière eux (p. 21).

Cái suối nguồn Hy Lạp uyên nguyên thăm thẳm kia đã bị sương giăng u ám không còn ai nhìn rõ chân dung, luôn ngóng vọng về cõi ban sơ phương Ðông để tìm chút hoà âm vọng hưởng. Mãi đến nửa cuối thế kỉ 20, triết gia Heidegger mới chậm rãi chỉ ra sự sai lầm tai hại của mấy ngàn năm triết học phương Tây và nỗ lực mở ra một cuộc hội thoại chân chính với phương Ðông. Trong khi đó tại phương Ðông, trừ một vài nhân cách đặc biệt, các thức giả, do choáng váng trước nền khoa học phương Tây, lại vội vã vất bỏ tất cả kho tàng minh triết phương Ðông, hối hả chạy theo các trào lưu triết học vong bản phương Tây và cứ cho rằng mình tiên tiến lắm!

Quay về với phương Ðông, bàn về thiên nhiên, bàn về lẽ biến hoá của vũ trụ, có lẽ không gì bằng kinh Dịch. Bản thân chữ Dịch 易, gồm hai chữ nhật 日 và nguyệt 月 (dạng biến thể) ghép lại. Chữ nhật (mặt trời) tượng trưng cho sự bất biến và nguyệt (mặt trăng) tượng trưng cho sự biến dịch, đổi thay. Cho nên trong chữ Dịch ngoài nghĩa là biến dịch, thay đổi vẫn hàm ý sự bất biến nữa. Trong thiên nhiên, giữa lòng thác đổ của vạn hữu, giữa dòng sinh sinh hoá hoá vô tận của Thệ giả như tư phù! Bất xả trú dạ (Khổng Tử), vẫn có một cái làm chủ tể cho mọi biến dịch, làm nền tảng cho mọi thay đổi của sum la vạn tượng như là pháp tắc thường hằng. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì trong lưu chuyển giới vẫn tồn tại một Niết bàn giới thường hằng bất biến [3] .

Và Phusis lại chính là Être, nhờ đó mà vạn hữu trở nên quán sát được và và duy trì được khả năng có thể quán sát đó. La fusis est l'Être même, grâce auquel l'étant devient observable et reste observable (p. 22).

Être (Sein, Being) thường được dịch là Hữu thể, Chân tính, Tính thể, Hằng thể v.v.. nhưng các từ đó thường bị ngộ giải theo các phạm trù triết học phương Tây, nên vẫn thiếu sắc thái linh động cần thiết để diễn tả được những gì hàm ẩn trong Être. Có lẽ Tồn Lưu là từ hay nhất để diễn dịch khái niệm này. Tồn có nghĩa là tồn tại, nhưng độc đáo nhất vẫn là chữ Lưu. Viết Tồn Lưu theo tiếng Hán thì lại không đúng như nghĩa trong tiếng Việt. Nếu viết lưu theo nghĩa lưu chuyển, lưu động, luân lưu thì chỉ sự trôi chảy, chuyển động, linh hoạt, nếu viết theo nghĩa lưu trụ, lưu thủ thì lại hiểu theo nghĩa tồn lập, trì tồn (demeurer). Trong tiếng Hán chỉ có thể viết được chữ Lưu bằng một trong hai cách. Bản thân chữ Lưu trong từ Tồn Lưu tiếng Việt lại hàm hỗn mang được ý nghĩa của cả hai ý trên. Ấy chính là nội dung của Dịch, của fusis vậy.

Ông Suzuki khi bàn về thế giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại pháp giới, một thế giới chỉ có thể kiến chiếu bằng trực giác tâm linh, đã nói:

"Trực giác tâm linh... là thời gian mà cũng là không gian, nó động với thời gian động, nó trụ với không gian trụ; lúc nào nó cũng chớp nhoáng, cũng thoát trôi, cũng “chuyển” mà không hề lìa chỗ ban sơ, vẫn "hằng"... Hằng mà chuyển: chừng như nó đứng im một chỗ, vĩnh viễn trụ ở hiện tiền mà vẫn lưu chuyển không ngừng, từng phút trong giờ từng giây trong phút” [4] .

Nhìn trên một bình diện khác, đoạn văn trên của ông Suzuki xem như một đoạn chú giải về fusis của Heidegger và Tồn Lưu của Bùi Giáng!

Chính ông Bùi Giáng cũng nói:
Ngoài tiếng Tồn Lưu ra quả thật tôi chẳng thể nào gẫm ra một tiếng nào thơ ngây khác khả dĩ nhiếp dẫn được một dòng tương ứng giữa hai bờ hai cõi hai vũ trụ hai thời gian... Tiếng nào khác thảy thảy đều vướng vào một cái khối ù lì nào đó. Thực thể, Tồn thể, Thể tính, Chân tính... vân vân... đều không lung linh bài động ôn tồn cho một dòng phi tuyền khả dĩ thành tựu một cuộc Trùng Phúc Qui Hồi có tính khơi dẫn một mạch ngầm đã bị vùi lấp từ trên hai ngàn năm.[5]

Từ Phusis trong buổi bình minh tư tưởng Hy Lạp đến Tồn Lưu của Bùi Giáng có khoảng cách của mấy ngàn năm triết học nhưng chúng lại tương ứng một cách vô cùng tinh diệu và khai mở lại một thông đạo để thế hệ mai sau có thể tìm về với cõi Hi Lạp Sơ Nguyên và Ðông Phương Sơ Thủy.

Tái bút: Tôi viết bài này do cảm hứng về hai chữ Tồn Lưu khi gần đây đọc lại tập Sa mạc trường ca của Bùi Giáng. Tôi xin ghi lại bài thơ mà tôi ngẫu hứng làm sau khi đọc xong tác phẩm, để mong cùng bạn đọc chia sẻ cảm hứng khi cơ duyên run rủi tìm đọc được những tác phẩm của Bùi Giáng cùng những bài viết về ông trong khắp cõi bể dâu.

感 應 沙 漠 長 歌
勞 心 苦 思 覓 流 存
老 至 方 知 總 是 空
揮 手 詩 成 留 妙 妙
長 歌 沙 漠 任 飄 蓬
平 原 孤 月 應 回 照
州 土 寒 霜 倦 旅 魂
笑 貌 在 天 難 問 訊
病 惟 魔 詰 便 無 言

Cảm ứng Sa mạc trường ca

Lao tâm khổ tứ mịch Lưu Tồn
Lão chí phương tri tổng thị không [6]
Huy thủ thi thành lưu diệu ngữ
Trường ca sa mạc nhậm phiêu bồng
Bình nguyên [7] cô nguyệt ưng hồi chiếu
Châu thổ hàn sương quyện lữ hồn
Tiếu mạo tại thiên nan vấn tấn
Bệnh Duy Ma Cật tiện vô ngôn



[1]Introduction à la Métaphysique, p. 22. Tất cả các đoạn Pháp văn trong bài viết ngắn này đều được trích dẫn từ cuốn Introduction à la Métaphysique của Heidegger, qua bản dịch của G. Kahn, NXB Epiméthé, 1958. Các đoạn văn trích đó đều được dịch và diễn giải đầy đủ thông qua các đoạn văn khơi dẫn.
[2]Sương tỳ hải, NXB An Tiêm, tr.46
[3] Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Kimura Taiken, Thích Quảng Ðộ dịch, Tu thư Vạn hạnh 1969, tr. 200
[4] Cốt tủy của đạo Phật, Suzuki, Trúc Thiên dịch, An Tiêm xb, 1968, tr. 120
[5]Thúy Vân và Tam hợp đạo cô, nxb Quế Sơn, 1969, tr.63
[6]Thơ Bùi Giáng: Bao đêm thao thức thật thà, Sưu tầm chân lý té ra tầm ruồng
[7]Sương bình nguyênTrăng châu thổ là tên hai tác phẩm đặc dị của Bùi Giáng bàn về thi ca và tư tưởng.
Nguồn: Tạp chí Hợp LÆ°u số 67, tháng 10 & 11.2002