Văn há»cVăn há»c nÆ°á»›c ngoà i Loạt bài: Cao Hà nh Kiện
4.5.2005
Mabel Lee
Cao Hà nh Kiện: Chống lại tÃnh hiện đại mỹ há»c
Thạch Anh dịch
Vài năm sau khi Cách mạng văn hoá (1966-1976) kết thúc, những bài phê bình của Cao Hành Kiện viết về văn học thế giới hiện đại được xuất bản dưới dạng một tập sách nhỏ nhan đề Tiểu luận đầu tiên về nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại (1981). Được những nhà văn lớn hoan nghênh nhiệt liệt, cuốn sách được phát hành rộng rãi, nhưng ngay năm sau đó bị cấm. Vở kịch của ông Dừng xe buýt (1983) “đã gây ấn tượng mạnh nhưng cũng gây ra nhiều rắc rối mà Cao phải chịu đựng khi vở kịch bị nhà cầm quyền cấm trình diễn”. Hai tác phẩm này đã làm cho Cao bị công kích vì ông đã cổ vũ cho văn học suy đồi tư bản chủ nghĩa phương Tây. Cuối năm 1987, việc cấm xuất bản toàn bộ sáng tác và những phiền hà gây ra cho Cao đã khiến ông phải bỏ tổ quốc sang sống tại Paris. Chỉ ở đây, ông mới có điều kiện để dành toàn bộ thời gian cho ba lĩnh vực mà ông vốn yêu thích: kịch, truyện hư cấu và hội hoạ. Sau đó, vào năm 2000, ông nhận giải Nobel văn học vinh danh một tác phẩm kiệt xuất viết bằng tiếng Hoa. “Lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng văn học này”.
Tôi đặc biệt băn khoăn về sự tiếp xúc thực sự của Cao với Nietzsche chính vì ông đã đặc biệt công kích Nietzsche, trong cả diễn từ Nobel năm 2000 lẫn bài phát biểu nhân kỷ niệm một trăm năm giải thưởng Nobel. Tôi biết rằng Nietzsche đã gây kinh hoàng ở Trung Quốc trong những năm 80 và giờ đây một bản dịch trọn bộ những trước tác của nhà triết học này đã được xuất bản ở Trung Quốc. Mặt khác, một phần lớn công trình của tôi là tập trung nghiên cứu Lỗ Tấn (1881-1935), nhà văn được người đương thời mệnh danh là “Nietzsche Trung Quốc”. Trong thời kỳ Ngũ tứ (1915-1925), Lỗ Tấn cùng một nhóm các nhà văn trẻ đã viết những tác phẩm văn học hiện đại đầu tiên bằng Hoa ngữ, đúng vào lức những tác phẩm đầu tiên của Nietzsche được dịch sang thứ tiếng này. Đây cũng là lý do khiến tôi đặc biệt quan tâm đến những phản ứng của Cao đối với Nietzsche.
Cao cho tôi biết ông đã đọc những tác phẩm chính của Nietzsche vào khoảng giữa những năm 80, qua bản in ở Hồng Kông. Ông không ngừng lặp đi lặp lại thái độ ghê tởm của ông với Nietzsche nhưng cũng cho biết rằng ông thấy một số trước tác của nhà triết học này “rất tuyệt”. Sau khi đã kiểm tra lại, tôi biết rằng những tác phẩm chính của Nietzsche đã được Zhou Guoping dịch từ tiếng Đức, được xuất bản trong năm 1986 và sau đó được tái bản trong năm 1987. Như vậy, có lẽ Cao đã đọc những trước tác của Nietzsche trong khoảng 12 năm ngay trước khi ông rời Trung Quốc.
Trong bài viết này, tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ chứng minh cho một giả thuyết: việc Cao phủ nhận tư tưởng về siêu nhân của Nietzsche vừa tiết lộ với chúng ta những phân tích của ông về cuộc Cách mạng văn hoá tập trung trong cuốn Kinh thánh cho một người (1999), đồng thời cũng phản ánh thái độ chống hiện đại của ông, nền tảng của quan niệm mỹ học của ông về sự mong manh của con người cá nhân.
Biến cố Thiên An Môn (4/6/1989) đã tạo nên sự phân cực trong tư tưởng của Cao về văn chương và chính trị. Để cắt đứt hoàn toàn những mối dây liên hệ với tổ quốc, trong tháng chín, ông viết những dòng cuối cùng của tập bản thảo cuốn tiểu thuyết Linh sơn, một tác phẩm đã được khởi thảo từ năm 1982 khi ông còn ở Trung Quốc. Dẫu vậy, trong thời gian viết vở kịch Đào vong (1990), ông đã tiết lộ quan điểm không thoả hiệp của ông trong văn chương. Trong những ghi chú dành cho việc dựng vở Đào vong, ông cho biết vở kịch là một tác phẩm chính trị - triết học – tâm lý và không thể được dựng như một vở kịch hiện thực xã hội miêu tả một biến cố chính trị đương đại. Tuy vậy, đối với tất cả những ai đã theo dõi trong nhiều tháng biến cố Thiên Anh Môn, quảng trường không tên mà các nhân vật vừa trốn chạy chỉ có thể là Thiên An Môn.
Nhân vật chính của Đào vong, một nhà văn trung niên chắc chắn là hình chiếu của chính bản thân Cao. Rõ ràng anh ta là một cá nhân yếu đuối, phản đề của con người siêu nhân trong triết học Nietzsche. Con người này hiểu và đồng tình với những đòi hỏi của các sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn nhưng anh ta chỉ trích chủ nghĩa anh hùng mù quáng và tư tưởng a dua của họ. Nhân vật thanh niên, một sinh viên bất mãn, chắc chắn là phẫn nộ truớc thái độ vô sỉ của nhân vật trung niên. Anh mắng ông nhà văn và coi ông ta như một kẻ chống lại tuyên ngôn anh hùng. Người thanh niên chính là kẻ tượng trưng cho con người siêu nhân của Nietzsche. Với tư cách con người cá nhân, Cao công khai tố cáo những hành động tàn bạo của nhà cầm quyền Trung Quốc trong sự kiện Thiên An Môn, nhưng với tư cách một nhà văn, Cao không chấp nhận lời đề nghị của đoàn kịch đã đặt ông viết vở diễn đòi ông thay đổi kịch bản để miêu tả những sinh viên nổi loạn như những anh hùng. Trái lại, ông đòi lại bản thảo. Sự lựa chọn của Cao đã gây sốc. Đối với ông, dẫu văn học có thể là một công cụ đấu tranh chính trị, ông vẫn khước từ việc dùng văn chương để cổ động cho đường lối của bất cứ nhóm chính trị nào. Với tư cách là một nhà văn, ông lựa chọn là một cá nhân mong manh.
Thái độ phê phán Nietzsche của Cao xuất hiện ngay sau đó, trong Paris lục (1990) và Không chủ nghĩa (1993), và trở thành một chủ đề được lặp đi lặp lại trong các bài tiểu luận của cuốn Không chủ nghiã (1996). Tập tiểu luận này trình bày những quan điểm có tính tranh đấu về một mỹ học ly khai khỏi mọi thứ “isme”, kể cả những thứ “isme” trong văn chương, cũng như những chủ đề phi văn học khác như chính trị, dân tộc, tôn giáo và thị trường. Nhà văn thường xuyên được trình bày như một cá thể mong manh, một kẻ quan sát dửng dưng mà những sự viết lách của anh ta không thể và cũng không tìm cách khích động những sự thay đổi trong xã hội và trong chính trị. Cao đã hình thành nên một thứ mỹ học đối lập với tính hiện đại, đặc biệt là với dạng thức được truyền vào Trung Hoa.
Bắt nguồn từ phương Tây, tính hiện đại có cội nguồn từ những phong trào đòi lật đổ quyền lực trí tuệ của nhà thờ. Dẫu vậy, thời gian trôi qua, tinh thần phê phán dữ dội đã trở thành một trong những đặc tính nội tại của tính hiện đại, và sự phê phán dần dần trở thành một thứ phê phán sự phê phán. Được áp dụng vào văn chương và nghệ thuật, sự phê phán không thương tiếc những giá trị của quá khứ và hiện tại đã loại trừ bất kỳ tính phổ quát nào của những giá trị và tạo nên một sự quyến rũ năng động cũng như hợp thức hoá cho những gì chỉ đơn giản là mới. Những trang viết đầy hoa mỹ của Nietzsche đã báo trước tính hiện đại và trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX, hình thành nên những ý thức hệ về con người cá nhân tham gia một cách chủ động vào sự trỗi dậy của một thế giới hoàn hảo, một thế giới mà, thật mâu thuẫn, được định nghĩa là chỉ có thể tồn tại trong một tương lai không thể đạt tới được. Đối với giới trí thức Trung Hoa, những tuyên ngôn của Nietzsche về cái chết của Thượng đế và sự ra đời của siêu nhân vang vọng trong suốt thời kỳ Ngũ tứ. Say sưa với những tư tưởng của Nietzsche, những trí thức của thời kỳ Ngũ tứ kết tội nền văn hoá truyền thống là đã ngăn cản nước Trung Hoa bước vào thế giới hiện đại. Văn chương cổ điển Trung Hoa cũng như thứ ngôn ngữ làm công cụ chuyển tải thứ văn chương đó bị công kích vì đã hà hơi tiếp sức cho một nền văn hoá đang hấp hối và người ta thấy cần phải tạo dựng một nền văn chương hiện đại viết bằng ngôn ngữ đương đại. Được đào tạo trong nền văn học cổ điển và có một công chúng rộng lớn trong đời sống văn chương đương đại, những nhà văn của thời kỳ Ngũ tứ có khả năng đáp ứng được nhu cầu đó bằng một khối lượng đáng kể sáng tác đặt nền tảng thành công cho nền văn học hiện đại Trung hoa. Chính vì những nhà văn này tự coi mình như những anh hùng và sáng tác của họ cứu vãn cả dân tộc nên những mục tiêu ái quốc gắn bó chặt chẽ với tính chủ động chính trị trở thành một phần không thể thiếu trong thứ văn chương đó. Nhà văn Lỗ Tấn, trái lại, thừa nhận một cách hiển nhiên rằng văn chương và chính trị là những thứ không tương thích. Dẫu vậy, trái với Cao bảy mươi năm sau ngả về văn chương, Lỗ Tấn đã lựa chọn việc hy sinh cả cuộc đời sáng tạo để cống hiến cho chính trị. Đối với Cao, lựa chọn của Lỗ Tấn là bi kịch của văn chương Trung Quốc.
Trong cuốn Hoa ngữ hiện đại và bút pháp văn chương (1996), Cao quan sát thấy những nhà văn của phong trào Ngũ tứ có khả năng hoà trộn thành công những ảnh hưởng của văn học phương Tây trong sáng tác của họ bởi lẽ họ thông thạo văn chương cổ điển. Trường hợp những nhà văn đương đại thì khác. Họ quá khó nhọc khi đọc tiếng Trung cổ điển và hiểu biết của họ về văn học truyền thống lại quá ít ỏi. Hơn nữa, trên bình diện cấu trúc, ngôn ngữ viết đã bị chính trị, bị những mưu toan chuẩn hoá tiếng Trung theo mô hình ngữ pháp phương Tây, bị những bản dịch văn học phương Tây tồi tệ và bị những thứ phê bình văn học dập khuôn một cách phi lý làm cho hư hoại. Hậu quả là ngôn ngữ viết đã mất đi nhạc tính cố hữu của ngôn ngữ nói trong tiếng Hoa.
Tiểu thuyết của Cao, Linh sơn là một dự án quy mô lớn trong việc tìm lại âm nhạc nội tại của ngôn ngữ nói và triển phát tiềm năng biểu hiện của ngôn ngữ viết trong tiếng Trung. Tham chiếu chặt chẽ vào những phân tích của chính ông về văn chương cổ điển và ngôn ngữ nói hiện đại, Cao cố tình tránh sử dụng nhưng chữ thừa, chẳng hạn như những tiếp tố sinh sôi nảy nở ngày một nhiều trong tiếng Hoa. Mục tiêu của ông là mang lại cho tiếng Trung một khả năng hành chức dồi dào. Để đảm bảo tính hấp dẫn về thính giác, trước hết Cao ghi âm lại những bản thảo đầu tiên và sau đó ông biên soạn lại. Trong sự tinh luyện những bản tiếp theo, ông đã làm cho những trang viết của mình ngân vang một cách lặng lẽ. Sự chú tâm một cách nghiêm ngặt làm cho những trang viết của ông toả ra một cảm giác thi ca, vay mượn trong ngôn ngữ (văn chương) thi cử (truyền thống). Cao được dẫn dắt bởi sự sống động của ngôn ngữ nói tiếng Trung trong những biến thể của nó và ông không ngần ngại khai thác cả những phương ngữ khác nhau. Tiêu chí duy nhất của ông là tất cả mọi người đọc Trung Quốc đều phải hiểu tất cả những gì ông đã viết ra. Ông không có ý định viết bằng một thứ phương ngữ xa lạ với đa số người Trung Hoa.
Xuất bản ngay trước khi khởi thảo Linh sơn, Tiểu luận đầu tiên về nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại thâu tóm toàn bộ kỹ thuật mà Cao sẽ thể nghiệm và phát triển dự án triển phát tiềm năng biểu hiện của ngôn ngữ viết bằng tiếng Trung. Trong phần phân tích về sự sử dụng các đại từ mà sau này sẽ làm nên sự độc đáo cho hai tác phẩm của ông -Linh sơn và Kinh thánh cho một người - Cao chỉ rõ việc sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ hai “anh” bắt buộc người đọc phải dừng lại để suy nghĩ và phóng chiếu chính bản thân y vào hình hài của nhân vật tiểu thuyết. Sự sử dụng ngôi “anh” giống như một tấm kính phóng đại chĩa vào nhân vật, cho phép ngưòi độc trầm tư một các thâm tư về con người hư cấu đối diện trước y và quan trọng hơn nữa, bắt buộc tác giả trong khi viết phải thường xuyên tự vấn về sự công chính và tính xác đáng trong việc miêu tả những tình cảm cũng như sự tiếp nhận mà y gán cho nhân vật trong tác phẩm của mình. Sự sử dụng ngôi “anh” có lẽ là một trong những hiệu ứng đặc biệt của nghệ thuật điện ảnh thể hiện trong việc hướng cái nhìn của diễn viên về phía khán giả và gây khó khăn cho “anh” (ý chỉ người xem) trong việc bước vào giao tiếp trực tiếp với nhân vật trên màn ảnh nhỏ.
Trong cuốn tiểu thuyết Kinh thánh cho một người, hệ thống đại từ nhân xưng là cơ sở để Cao duy trì một khoảng cách phê phán cho phép ông giữ được vị thế trung lập. Việc sử dụng ngôi “anh” (ngôi thứ hai) và “nó” (ngôi thứ nhất) giữ cho Cao, với tư cách tác giả, không bị trượt vào tâm thế nạn nhân, cho phép ông tự miễn trừ khỏi mọi sự tòng phạm trong tấn bi kịch nhân sinh mà “nó” là nhân chứng trong suốt Cách mạng văn hoá. Bằng phương pháp này đồng thời với việc đặt mọi sự ở thời hiện tại, người kể chuyện, nhân vật ở ngôi thứ hai có toàn quyền tự do trong việc tự kết án chính con người mình trong quá khứ, sự hèn nhát, ngu dốt cũng như tính vị kỉ, hám lợi của y. Trong cuốn tiểu thuyết, Cao tìm cách khai thác chiều kích tâm lý trong những hành vi của con người, những gì đã gây nên những biến cố có tính thảm kịch trong mười năm Cách mạng văn hoá. Nhà sử học có thể, bằng cách này hay cách khác diễn dịch những gì đã xẩy ra. Điều đó là đương nhiên. Nhưng ông, với tư cách tác giả văn chương, chỉ có thể khai thác chiều sâu trong những hành xử và đời sống tâm lý cá nhân, đồng thời chứng thực bằng cách miêu tả những hành vi của con người mà ông đã được chứng kiến trong thời kỳ này. Sự từ khước con người siêu nhân của Nietzsche đã cung cấp đối âm cho những phân tích của ông.
Đối lập với con người siêu nhân của Nietzsche, Cao nhấn mạnh rằng tính tự kỷ có trong mỗi con người chúng ta và sự quá cỡ của cái tôi sẽ làm cho cá nhân mất đi khả năng kiểm soát chính mình. Sự quan sát đó biểu lộ trong nhiều cấp độ khác nhau của cuốn Kinh thánh cho một người. Trước hết, Cao ý thức sâu sắc rằng chính ông và gia đình cũng như bao nhiêu người khác đã phải thống khổ dưới thời Cách mạng văn hoá. Dẫu vậy, khi ông cố miêu tả thực tế của thời thời kỳ này, ông lại bắt buộc phải tự kiềm chế không cho cái tôi của mình làm méo mó thức tại và tự biến mình thành một thứ nạn nhân kiểu mẫu. Cái giúp cho Cao đạt được điều đó chính là việc xây dựng hình tượng người kể chuyện ở ngôi thứ hai và nhân vật ở ngôi thứ nhất “nó” như là đại diện cho cái “tôi” của người kể chuyện trong thời quá khứ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhân vật “nó” hai lần bị tách khỏi tác gải và luôn có một sự cảnh giác trong cái nhìn hướng nối chiếu vào nhân vật này.
Biết bao nhiêu con người đã thống khổ dưới thời Cách mạng văn hoá nhưng một lần nữa, tất cả đang diễn ra cứ như là cả một thời đại đã bị xoá khỏi trí nhớ của con người. Trong Kinh thánh cho một người, có lẽ nhân vật ở ngôi thứ hai, “anh” của thời hiện tại đang cố xoá đi khỏi ký ức của anh ta những kỷ niệm về thời đại đó. Tôi ngờ rằng trường hợp của tác giả, Cao Hành Kiện, hoàn toàn không phải vậy, mà đúng hơn là ông bị dẫn dắt bởi một xung lực mạnh mẽ phải viết nên cuốn sách này, dẫu đã ba mươi năm sau biến cố. Trong cuốn Kinh thánh cho một người, nhân vật Marguerite được tạo nên để khuyến khích nhân vật người kể chuyện ở ngôi thứ hai khơi gợi lại những ký ức của anh ta về thời đại này. Khi quan sát hành vi và đời sống tâm lý cá nhân của anh ta trong tiểu thuyết, Cao đã đồng thời cung cấp một suy nghĩ sâu sắc về những hành động và tâm lý của con người dưới chế độ độc tài toàn trị. Ngấm ngầm trong việc tái hiện nhân vật người kể chuyện muốn quên đi Cách mạng văn hoá và Marguerite, người mà điều ám ảnh là không thể quên ký ức về trại tập trung Holocauste, dường như nhà văn muốn làm cho chúng ta biết rằng chiều kích của nỗi đau mà con người phải chịu đựng trong hai thảm kịch vĩ đại này là một.
Sự kinh hoàng làm nên sự tuân phục của các cá nhân trong thời gian Cách mạng văn hoá được biểu lộ trong hành vi của nhân vật “nó” cũng như những nhân vật khác trong cuốn Kinh thánh cho một nguời. Dẫu vậy, điểm mấu chốt của cuốn tiểu thuyết liên quan đến sự hư hoại âm ỉ trong hành vi của những con người, gây ra bởi những cá nhân tự nhận mình như những siêu nhân. Mao là một siêu nhân, kẻ cho phép cái tôi quá khổ tước đoạt khả năng tự kiểm soát và hành xử cứ như là một kẻ thay thế Thượng đế. Cũng chính vì cái tôi quá khổ đó mà không biết bao nhiêu nhưng tiểu siêu nhân tin rằng mình là trợ thủ của Người cầm lái vĩ đại trong dự án tạo nên những cá thể hoàn hảo noi theo ông ta. Kinh thánh cho một người là một suy nghĩ thấm thía về việc những siêu nhân tự nhận thức về tinh thần anh hùng của mình đã dẫn đến những hành xử bạo tàn hoặc biến con người thành những cá nhân giật dây bởi kẻ khác. Những tiểu siêu nhân là những con người bầy đàn. Những khớp nối chỉ rõ việc cảm xúc anh hùng đẩy cá nhân đến chỗ mất tự chủ được bổ sung khi nhân vật “nó” trong thời đại ấy được quan sát một cách không thương tiếc. Chần chừ trong việc tham gia một toán hồng vệ binh, “nó” có cảm giác không tham gia buổi họp đầu tiên của bọn kia có lẽ là “một dấu hiệu của sự hèn nhát”: “nó” đã bị điều khiển bởi ý muốn của kẻ khác. Chính cái cảm giác có một “sứ mạng thiêng liêng cứu vãn thế giới” đã khiến nó dứt khoát lên đường đến dự một cuộc họp kín được báo trước ở công viên Taoranting. Sau đó, khi nó bị đẩy vào các vị trí lãnh đạo khác nhau, dần dần nó ý thức rõ hơn về việc kẻ khác dật dây hành vi của “nó”. Cuối cùng, chính bản năng sinh tồn của một con vật đã cứu nó. Chỉ bằng cách chạy trốn, “nó” mới thoát được đúng vào lúc “bầy chó săn” sắp đuổi kịp “nó” và bắt nó phải trả lời cho những hành vi của nhóm hồng vệ binh mà trước đây “nó” chỉ huy.
Bằng cuốn Kinh thánh cho một người, Cao đã kết án mẫu hình siêu nhân của Nietzsche trong tội ác gây nên cơn điên tập thể của cả một dân tộc trong Cách mạng văn hoá. Ở chương 24, người kể chuyện ghi lại thực tế tầm thường của anh ta: “và mày không phải là một siêu nhân. Kể từ Nietzsche, thế giới này đã tràn ngập những siêu nhân và những bầy đàn. Thực ra thì mày rất tầm thường, tinh hoa của cái tầm thường…”
Tác giả: Mabel Lee, Giáo sư Đại học Sidney. Bài viết là tham luận tại hội thảo về Cao Hành Kiện tổ chức trong hai ngày 28 và 29 tháng 1 do Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Provence chủ trì với sự có mặt của chính Cao Hanh Kiện.
© 2005 talawas
|