Ðặt vấn đề:
Là một tất yếu của lịch sử. Mỗi thời đại đều gắn kết với nhiều thế hệ con người. Sự ra đời của các thế hệ thanh niên trong xã hội bao giờ cũng là minh chứng sinh động nhất cho hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Bởi vì thanh niên luôn là lớp người có lý tưởng, có hoài bão, có tình yêu, niềm say mê và khả năng cống hiến nhiều nhất cho xã hội.
Nhìn vào Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, gặp được những điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đất nước, sau dằng dặc những năm tháng chiến đấu giành lại độc lập chủ quyền, có thể thấy một thế hệ thanh niên mới ra đời và trưởng thành.
Trong chuyển dịch kinh tế, thế hệ này được mệnh danh là thế hệ kinh tế thứ 3. Trong chuyển dịch chung của xã hội hướng về một tương lai toàn cầu hoá về kinh tế và văn hoá, trong thời đại của công nghệ thông tin, thế hệ này được mệnh danh là thế hệ @, một thế hệ có thể được nhìn nhận là ra đời và chịu ảnh hưởng trực tiếp của mạng Internet.
Vẽ nên chân dung cả một thế hệ, khi thế hệ ấy mới chỉ manh nha xuất hiện nhưng đã nhận được nhiều mối quan tâm của các bậc cha chú, đàn anh với không ít hy vọng là mục đích của bộ phim "Thế hệ@".
Ðiều căn bản nhất mà bộ phim muốn bộc lộ về họ, về thế hệ @ là ý thức làm giầu không phải để tái thiết hay xây dựng đất nước một cách đơn thuần mà phải hướng tới đưa đất nước lên một tầm cao mới.
Chúng ta đã mất gần một thế kỷ để đấu tranh giành lại chủ quyền của dân tộc với khẩu hiệu: "Không có gì quí hơn độc lập tự do". Và giờ đây, một khẩu hiệu mới đang ăn sâu vào tâm thức người dân của một đất nước có chủ quyền: "Tất cả vì mục tiêu: dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Không ai khác, chính "Thế hệ @" đang đặt những viên gạch đầu tiên cho nhiệm vụ cơ bản của mình. Những công dân của thế hệ mới biết ý thức về việc làm giàu, xây dựng đất nước trên cơ sở của một xã hội công bằng, dân chủ,văn minh.
Ký hiệu @ trên chiếc xe máy đời mới trị giá 5900 đô la Mỹ đang vun vút lao trên đường phố đông đúc, lấp lánh đèn màu của đô thị. Theo sát chủ nhân của chiếc xe, dừng chân trước một quán bar nhỏ khuất nẻo trong phố cổ. Những bước chân luồn lách trong cầu thang chật hẹp, tối tăm, trước mắt mở ra một phòng chơi bi-a mờ mịt khói thuốc và đông đúc. ánh sáng được hắt xuống từ chiếc đèn treo thẳng giữa bàn bi-a. Một cú đánh mạnh từ chiếc gậy chọc bi-a, những quả bóng màu va chạm vào nhau và lăn trên mặt thảm xanh biếc.
Âm nhạc ồn ào.
Một dãy bàn trong góc san sát những chiếc máy tính của hàng cà phê internet. Những đôi mắt chăm chú dõi trên màn hình "chat" trên mạng. Trên mặt bàn máy tính, còn sót lại các ly cốc đựng kem, các gói ô mai và giấy bạc gói kẹo cao su...
Ly tách cà phê nhỏ giọt. Thương hiệu: Trung Nguyên "niềm hứng khởi sáng tạo vô tận" trên một trang quảng cáo của cà phê Trung Nguyên có hình ảnh Trương Ðình Anh, giám đốc Công ty phần mềm máy tính FPT bên bàn máy tính trong phòng làm việc với nụ cười sảng khoái gương mặt thông minh, tự tin.
Tên phim: Thế hệ @
Thế giới đã đổi thay quá nhiều. Và quá nhanh. John Lennon một thần tượng của giới trẻ và cái chết huyền thoại của anh ta vào năm 1980 đã lặng lẽ được thay thế bằng một hình ảnh mới: Bill Gates. Nếu chúng ta còn hoang mang đôi chút về Bill Gates: Anh ta là ai? Tại sao anh ta lại là thần tượng của giới trẻ? Ðiều đó chứng tỏ, chúng ta đã đứng ngoài cuộc, chúng ta đã thuộc một thế hệ khác. Ðây cũng chính là lúc chúng ta nên nói chuyện nghiêm túc về một thế hệ: thế hệ Bill Gates của kinh tế và tri thức, thế hệ @ của thời đại công nghệ thông tin.
*
Vào đầu những năm 90, các thiết bị máy móc, các linh kiện, con chip điện tử của những chiếc máy tính đầu tiên được nhập vào Việt Nam. Một số trường đại học mở khoa đào tạo công nghệ thông tin. Một điều gì đó thật mới mẻ, hấp dẫn bắt đầu trong thế giới tri thức trẻ.
Chỉ ít lâu sau, Việt Nam NET hoà nhập được vào nạng Internet. Ðiều đó đánh dấu một thế giới có xu hướng đại đồng, toàn cầu hoá về thông tin, tri thức và kinh tế đã được thiết lập, cho dù dưới một hình thức "ảo" của khoa học công nghệ.
Các ông bố bà mẹ Việt Nam bắt đầu tỏ ra lúng túng khi sự xuất hiện của con chuột điện tử đang chen vào hình ảnh chú chuột Mickey ngộ nghĩnh của tuổi thơ. Ngay từ bậc trung học cơ sở, với bọn trẻ, một thế giới bí ẩn và hấp dẫn đang còn nằm trong những phím "keyboard" và sự kỳ diệu sẽ mở ra khi nhấp con chuột điện tử. Còn với cha mẹ chúng, xen lẫn niềm tự hào là một khoảng cánh rõ rệt giữa hai thế hệ, dù chỉ bằng một trò chơi điện tử hay những ký hiệu telex trên bàn phím.
*
Một quán cà phê buổi sáng tụ tập toàn thanh niên con nhà khá giả. Họ ăn mặc những bộ quần áo thật là phóng khoáng, không ngại phô bày da thịt, hở hang. Có thể nhìn thấy một hình xăm trổ @ xinh xinh trên vai trần của một thiếu nữ, điều đó cho thấy cô gái là một "con nghiện chat" trên mạng; cũng có cô xăm một con bướm nhỏ xíu bên cạnh hông khi mặc của một chiếc quần "ngáp" cạp rất trễ. Một loại quần jeans thời thượng nhất "made in 2003" của các cô cậu sinh viên Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan ...Và đương nhiên, khi đã hoà mạng toàn cầu, sự xuất hiện của các mốt thời thượng như vậy ở Việt Nam chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả! Những mái tóc nhuộm hoe vàng hay pha "line" hai màu không chỉ xuất hiện ở những nơi mang nặng tính hưởng thụ như hàng cà phê internet hay sàn nhảy, quán bar...những mái đầu nhuộm lốm đốm, vuốt keo nhọn hoắt hay cạo trọc còn xuất hiện trên giảng đường đại học. Chẳng có ranh giới nào rõ ràng cho tuổi trẻ. Khi cùng trang lứa, họ có thể rất dễ dàng nhận được những tín hiệu và hoà đồng với nhau.
Giới trẻ thường hay tự tạo cho mình những sân chơi riêng mà những thế hệ đi trước hoặc đã trải qua hoặc chưa từng qua đều không thể hiểu nổi.
*
Trương Ðình Anh sinh năm 1970. Khi tròn 20 tuổi, anh ta đã tuyên bố mơ ước của mình: "Ðến năm 40 tuổi sẽ trở thành thủ tướng và tỷ phú". Xin nhấn mạnh từ "và " chứ không phải "hoặc". Khi 30 tuổi Trương Ðình Anh đã có vợ, 2 con và là tổng giám đốc một công ty phần mềm máy tính cỡ lớn của Việt Nam. Có thể anh ta đã trở thành tỷ phú và còn 10 năm nữa để thực hiện nốt mơ ước của mình. Nhưng cho dù chỉ thực hiện đựơc một nửa mơ ước "ngông cuồng" đó thôi, Trương Ðình Anh cũng đã làm được quá nhiều so với một mơ ước của tuổi trẻ trong cuộc đời một con người.
Người ta thường hay gán cho tuổi trẻ những tội mơ ước vỉển vông, những hoài bão mang nặng ảo tưởng. Bên cạnh đó, cũng có sự hăng hái, liều lĩnh bất cần vì thiếu kinh nghiệm sống. Và cũng không ít những thế hệ con người bội ước với tuổi trẻ của chính mình. Làm sao để có thể mang theo suốt cuộc đời mình một mơ ước, một khao khát và thực hiện nó với trọn vẹn tấm lòng mình?
Khi tuyên bố mơ ước của mình vào tuổi 20, chàng thanh niên Trương Ðình Anh đã gây một cú sốc lớn cho các thế hệ cha anh. Họ tức giận, bực bội cho rằng đấy là sự bồng bột và hợm hĩnh. Nhưng sau khi tức giận, người ta chợt nhận ra rằng cần phải tìm hiểu bản chất của vấn đề: một thế hệ mới đã tồn tại, thế hệ của khoa học và công nghệ thông tin, thế hệ của hưởng thụ và khám phá, thế hệ của hoà bình và hội nhập với thế giới, thế hệ ấy được mệnh danh là Thế hệ @. Một thế hệ hoàn toàn chịu ảnh hưởng của mạng Internet.
*
Dương Anh Xuân sinh năm 1984. Năm 16 tuổi, cô là đại diện trẻ nhất được tham dự Ðại Hội Nhà Văn trẻ Việt Nam. Lúc ấy, Xuân đang là học sinh lớp 11, trường PTTH Việt- Ðức Hà Nội.
Xuân đã từng có mặt trong tuyển tập Văn Trẻ, cô hay viết những truyện ngắn trên báo Hoa Học Trò và Tác phẩm tuổi xanh của Báo Tiền Phong, nơi cha cô, nhà báo Dương Xuân Nam làm tổng biên tập. Xuân trông rất giống cha. Chắc chắn, khi cầm súng trên chiến trường, nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh (bút danh của ông Dương Xuân Nam) vẫn kỳ vọng vào một ngày như ngày hôm nay, thế hệ của con gái mình phải được hưởng hoà bình, no ấm.
Xuân vẫn thường có những quan sát, ghi chép về bộn bề những cảnh ngộ, những câu chuyện thường nhật diễn ra xung quanh mình. Từ một câu chuyện tình cảm của các bạn cùng lớp đến những hiện thực tràn lan trong giới thanh niên thế hệ @. Xuân đã từng vừa là trưởng lớp, vừa tham gia công tác Ðoàn của trường. Bây giờ, Xuân đã là sinh viên, một cô sinh viên @ chính hiệu. Các thế hệ đi trước hẳn sẽ phát ghen lại sung sướng thoả mãn biết bao khi giảng đường đại học của thế hệ@ ngày nay là một chốn thiên đường của tri thức, quá tiện nghi và dân chủ.
*
Xuân là sinh viên khoá 2002-2006.
Lớp học là một trong những giảng đường đẹp nhất Ðông Nam á. Thầy cài mic vào áo, vừa giảng, vừa chỉ vào màn hình lớn. Máy chiếu hiện đại mang lại những ví dụ minh hoạ sống động hấp dẫn. Lớp Lịch sử được xem những băng tư liệu quí giá của cuộc kháng chiến chống Pháp, thỉnh thoảng còn được xem những thước phim về Ai cập cổ đại. Mọi hoạt động diễn ra trên lớp đều được kiểm soát chặt chẽ bằng một camera tự động. Sự kiểm soát này nhắc nhở cả các ý thức kém của sinh viên lẫn với những bài giảng tẻ nhạt, thiếu nhiệt tình của thầy giáo.
Nhìn chung, ngoài giờ lên lớp, hầu hết sinh viên @ đều lúi húi vào mạng, tìm trong thư viện các cuốn sách mới và đắt giá, các trang Web của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới đã bị bọn trẻ khuấy tung lên từ khi là học sinh cấp 3, truy tìm các cơ hội du học và các qũi hỗ trợ học bổng khắp nơi trên thế giới. Bọn trẻ quan tâm đến mọi biến đổi trên chính trường quốc tế, soi từng milimét chuyển động của công nghệ khoa học. Ngoại ngữ bật ra nhanh như gió và bắt đầu trở thành một chuyện hết sức bình thường.
*
Tại nhà riêng, Xuân và bố cùng ngồi trong phòng khách để nói chuyện, cuộc trò chuyện giữa hai thế hệ con người và cũng là hai thế hệ nhà văn Việt Nam. Hai cha con Xuân thường nói chuyện với nhau về các chuẩn mực, các thước đo giá trị. Và vấn đề về: một số những quan niệm cũ về các chuẩn mực, các thước đo giá trị đang cần được nhìn nhận lại một cách khách quan, nghiêm túc luôn là đề tài gay cấn giữa các cuộc tranh luận. Khi nào cần phải xem xét lại các giá trị đã trở thành cố hữu, không thức thời? Vậy như thế nào thì được coi là "giá trị" mới? Làm thế nào để "các giá trị mới "(theo quan niệm của thế hệ @) sẽ được cha anh mình chấp nhận?
Xuân kể cho cha nghe, bây giờ, sinh viên bước vào lớp với các trang phục đài các, xinh xắn và hấp dẫn. Các loại xe máy đắt tiền bóng loáng trong nhà xe. Trong lớp học máy nhắn tin của các điện thoại di động đời mới rung bần bật. Những thông tin được coi là quan trọng kiểu như: "Ðêm qua, Real chơi đẹp đấy!" hoặc "Công ty X đang có chiến dịch "thay máu" nhân sự, Thời cơ đến rồi chờ ngày ra tay!" ...
Vừa mới năm thứ nhất, sinh viên đã lăm le hùn vốn mở công ty. Không đủ tiền, có đứa bán xe, bán đồng hồ, điện thoại di động... Gom tiền lại kinh doanh với mục tiêu: "bỏ tiền ra để mua bài học thương trường".
Xuân kể cho cha mình nghe về quan niệm "Thầy giáo là người dẫn đường nhiều tuổi". Xuân nói: "Học trò vào thời điểm hiện tại có đứa lắc lắc đầu đã nghe trong ấy leng keng tiếng sỏi". Người thầy sẽ được tôn vinh nếu chinh phục được sinh viên bằng kiến thức và phương pháp sư phạm. Sinh viên bây giờ dám đứng lên rất lễ phép: "Thưa thầy, trong bài giảng của thầy có phần bất hợp lý". Cũng có đứa đứng lên xin thuyết trình như một nhà hùng biện chuyên nghiệp về một phương án hoàn toàn khác, khoa học hơn, hợp lý hơn so với cách giải quyết của thầy.
Xuân nói: "Thầy không phải là một vĩ nhân. Thầy là một người lớn đáng kính trọng, một người dẫn đường nhiều kinh nghiệm, nhưng không phải lúc nào các kinh nghiệm cũng thức thời". Ông Dương Xuân Nam, chăm chú lắng nghe con gái. Bản thân ông cũng đã từng nghe một vài người bạn làm nghề giáo trong các trường đại học nhận xét về sinh viên @: "Sinh viên ngày nay giỏi đến mức kinh ngạc! Bọn trẻ qui hoạch lại thành phố, thật khó tin khi biết rằng tác giả của đồ án thiết kế lại Nhà quốc hội và Hội trường Ba Ðình đã được chấp nhận là của một @ sinh năm 1980. Chưa kể đến các @ Việt Nam luôn đầu các kỳ thi Olimpic quốc tế về toán học, vật lý, những kiện tướng thể thao. Bọn trẻ có nhưng tấm huy chương mà thế hệ chúng ta không thể có được!"
*
Từ năm 1996, khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam cũng bắt đầu làm quen với hàng loạt sân chơi mới dành cho tuổi trẻ. Khởi động là "SV96" với hình ảnh quen thuộc là người dẫn chương trình: anh Lại Văn Sâm "chín phẩy năm" ...sinh viên các trường đại học trên cả nước hào hứng thể hiện khả năng trí tuệ của mình. Sau đó, những chương trình như "Bảy sắc cầu vồng" dành cho đối tượng trẻ hơn là học sinh trung học cơ sở cũng vừa là nơi vui chơi, thi thố tài năng nhưng cũng vừa là nơi "Phổ biến kiến thức" cho chính các bậc phụ huynh không có điều kiện trau dồi, dung nạp thêm kiến thức đại cương sau khi cầm súng đánh giặc rồi lại bắt tay xây dựng đất nước trên một đống đổ nát của chiến tranh.
Ðến cuộc thi "Ðường lên đỉnh Olympia", trí tuệ của thế hệ trẻ đã được các thế hệ đi trước "tâm phục, khẩu phục". Cái ý thức "khẳng định mình" bằng kiến thức, bằng trí thông minh và sự nhạy bén rất nhiều ưu việt của tuổi trẻ đã khiến các thế hệ cha anh thật tự hào, thật khâm phục và hi vọng vào tương lai của đất nước. Một nhân vật ấn tượng của "Ðường lên đỉnh Olimpia" lần thứ nhất là cậu học sinh Thanh Hoá: Nguyễn Thành Vinh. Tuy chỉ về thứ hai trong cuộc thi chung kết hơi thiếu may mắn, Vinh cũng đã nhận được học bổng của cuộc thi sang du học tại úc. Sau một năm đèn sách, xa gia đình, bè bạn. Vinh về nước nghỉ hè và nhận một vai diễn rất ấn tượng trong bộ phim: "Phía trước là bầu trời" của đạo diễn Ðỗ Thanh Hải, một bộ phim của những người trẻ tuổi làm về những người trẻ tuổi. Bộ phim cũng đã nhận được giải thưởng xứng đáng của Hội Ðiện ảnh, có thể coi đây là một sự ghi nhận của Hội nghề nghiệp về thế hệ trẻ.
*
Xuân cũng đã có lần đọc một diễn đàn mang tên @ trên mạng internet. Cô cũng đã có không ít những băn khoăn về sự nhìn nhận chung của xã hội về thế hệ của mình, một thế hệ được mệnh danh là @.
Bức thư thứ nhất Xuân nhận được từ diễn đàn @ trên mạng:
Tôi là Nguyễn Ðức Thọ, tôi là một @ chính hiệu, 20 tuổi hiện đang du học trường Ðại Học Texas tại Austin Hoa Kỳ. Tôi đã đọc và nghe nói nhiều về thế hệ @, một danh từ chỉ về thế hệ thanh niên như chúng tôi trên Mạng Internet. Tôi thích một cuộc sống tốt đẹp nhưng đó không phải là một cái tội. Cuộc sống phải chăng đã rất khó khăn đó sao? Quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền của mỗi cá nhân. Xin đừng lấy những khó khăn cực nhọc của những thế hệ trước ra để chê bai thế hệ chúng tôi là lười biếng, là chỉ biết hưởng thụ. Cuộc sống là tốt đẹp, tôi quan niệm như vậy và đang sống đúng với quan niệm của mình. Tôi không thực dụng, tôi chỉ là người sống có mục đích. DiDerot đã nói rằng:" anh sẽ chẳng làm được gì lớn lao nếu mục đích tầm thường. Tôi là một thanh niên Việt nam, tôi đau nỗi đau nghèo đói và lạc hậu. Tôi có thể thờ ơ bên ngoài nhưng trong lòng tôi lửa đốt: Mình là người Việt Nam. Tôi không muốn như bao người trẻ tuổi và đã từng trẻ tuổi khác, tôi không muốn đổ vấy cho chiến tranh, cho hoàn cảnh, cho cơ chế, cho đất nước, cho sự bất lực hay do những thế lực thù địch bên ngoài...Không! bởi vì tôi là một @ cho nên việc của tôi là góp phần làm đổi thay một cách thật sự, bắt đầu từ trong suy nghĩ.
*
Xuân cũng giống như các bạn cùng trang lứa, cô thấy hứng thú và rất khâm phục nhân vật Bill Gates. Ðiều khiến cho lớp trẻ thích thú ở Bill có lẽ là vì chân dung dễ gần của ông ta. Xuân giải thích: "Nhiều người cho rằng Gates cho đến giờ vẫn giống như một đứa trẻ phát triển quá sớm. Tuy rằng giàu có và thông minh." Cô cũng thấy rất hào hứng khi thấy rằng Bill Gates dường như không có khoảng cách với thế hệ trẻ là bao, cô nói: "Bill lúc nào cũng sẵn sàng kể về những trò ngông cuồng thời tuổi trẻ...Ðiều đáng khâm phục ở Bill là ông đã biết lựa chọn và quyết định đúng. Mặc dù bỏ dở năm thứ ba đại học để đến với việc thành lập công ty Microsoft, nhà khoa học, người giàu nhất hành tinh này đã khiến cho giới trẻ toàn cầu tin một điều: "Trường đại học không phải là nơi duy nhất để học. Bạn còn có thể học trong một thư viện".
*
Trong một đám đông thoạt nhìn có vẻ hỗn loạn, bát nháo của giới trẻ hiện nay, các bậc cha chú vẫn thường xuyên kiếm tìm và gây dựng nên những nhân vật, những sự thành đạt ở tuổi rất trẻ để khích lệ thế hệ con em mình. Trong khi các bậc phụ huynh và nhiều người đang quan tâm đến các thần tượng của lớp trẻ đang tỏ ra quá lo lắng trước những cách biểu lộ sự hâm mộ với các thần tượng là ngôi sao, các diễn viên Hàn Quốc, các ca sĩ, cầu thủ Việt Nam cũng như quốc tế...đang có nguy cơ làm thui chột thẩm mỹ và quan niệm của thanh niên Việt Nam thì không ít những nhà trí thức, tâm lý xã hội nhìn nhận rằng sở dĩ, tuổi trẻ hiện nay có vẻ không bình ổn trong tinh thần là vì họ sống quá thiếu lý tưởng. Thật khủng khiếp, nếu tuổi trẻ của một con người sống không có lý tưởng hoặc lý tưởng mù mờ. Nhưng, sự thật là đối với ngay cả các bậc trí thức của thế hệ cha chú, việc Bill Gates nghiễm nhiên trở thành thần tượng của giới trẻ cũng thật đáng phải suy nghĩ.
Giáo sư Chu Hảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhân một chuyến đi hội thảo ở Mỹ đã tìm cách tiếp cận Bill. Sau chuyến đi, ông đã mang về Việt Nam bốn thông điệp của Bill Gates gửi đến thế hệ trẻ Việt Nam kèm theo chữ ký của Bill. Bốn thông điệp ấy là:
- Hãy thư giãn cho tốt
- Hãy sử dụng máy tính điện tử và kết nối với mạng Internet.
- Hãy theo đuổi một việc gì đó mà bạn thích làm.
- Ðọc là một kỹ năng quyết định.
Chỉ bằng bốn thông điệp này, Bill đã dẫn dắt chúng ta đi sâu vào bản chất của những cá nhân thành đạt thuộc thế hệ @.
*
Trở lại với Trương Ðình Anh, nhiều bạn đồng niên vẫn còn nhớ rằng cậu ta là sinh viên xuất sắc nhất của trường đại học kinh tế quốc dân. Hãy nghe Trường Ðình Anh nói về thế hệ cha anh mình: "Cha tôi suốt bao nhiêu năm kiếm tiền là để cống hiến cho đất nước, chưa bao giờ ông dám nghĩ đến chuyện kiếm tiền làm giàu cho chính bản thân và gia đình mình. Thế hệ chúng tôi vẫn thường bị nhìn nhận như một thế hệ thực dụng, nhưng nếu hiểu thực dụng theo nghĩa là làm việc một cách thực tế và có định hướng để có lợi nhuận cao. Ðiều đó không xấu. Mục đích hoàn toàn rõ ràng."
Vậy có thể coi một người trở thành giám đốc khi 20 tuổi là bình thường được không?
Trương Ðình Anh khẳng định: "Hoàn toàn có thể, miễn là anh ta làm tốt cương vị đó. Cha tôi từng là hiệu trưởng khi ông 50 tuổi, tôi thì khác. Tôi thích một giám đốc 20 tuổi biết biến cuộc họp thành một cuộc trò chuyện thoải mái và thẳng thắn hơn là một giám đốc đầu hói bụng phệ, độc diễn giữa phòng."
Nếu các thế hệ đi trước bảo rằng: Một lũ ngựa non háu đá, rồi chúng mày sẽ thất bại?
Trường Ðình Anh nói: "Thuyết phục những người với tư duy cách mình hẳn một thế hệ là điều cực khó. Cách duy nhất là hãy cho họ thấy những gì mình làm được và những gì đã thực sự thay đổi so với thế hệ của họ. Chẳng hạn, cha tôi trước đây đi xe đạp, ông mơ ước sẽ có một chiếc xe máy loại cà tàng. Còn tôi, bốn năm trước đây vẫn còn đi xe máy và bây giờ, tôi đã thay đến hai đời ô tô."
Mọi người sẽ nói rằng chúng mày sẽ chẳng làm nổi gì đâu nếu thiếu kinh nghiệm?
Trường Ðình Anh thừa nhận: "Nói như vậy cũng đúng. Bắt buộc chúng ta phải học tập một số điểm tốt của các thế hệ đi trước. Nhưng chúng ta muốn tồn tại ngon lành thì phải tập thích nghi. Nếu trước đây cha mẹ chúng tôi thu được một kinh nghiệm trong vòng 2 năm hoặc lâu hơn thế thì bây giờ chúng tôi phải ngộ ra trong vòng 2 tháng, thậm chí ngắn hơn. Như thế mới kịp thích nghi và thay đổi."
*
Người ta cũng kỳ vọng vào thế hệ @. Những điều kiện lý tưởng như: hoàn toàn không sinh ra trong chiến tranh, kinh tế và tri thức mà họ đang làm chủ không phải để tái thiết đất nước mà là đưa đất nước lên một tầm cao mới. Những cũng không ít băn khoăn khi sự phát triển kinh tế của đất nước manh nha nằm trong tay những kẻ trẻ tuổi liều lĩnh. Họ sẽ đưa đất nước này về đâu? Cũng có thể vì cuộc sống thay đổi với tốc độ quá nhanh mà thế hệ trẻ phải liều. Nếu như trước đây, các thế hệ cha anh đã từng nuôi khát vọng, hoài bão trong vòng 10 năm, 20 năm và cố gắng hết sức để biến mơ ước của mình thành hiện thực. Nhưng với tốc độ phát triển hiện tại, để tránh cho mình khỏi cảm giác bị bỏ rơi và tự đánh mất cơ hội, những người trẻ tuổi phải tính toán trong vòng 1 giây và quyết định.
Bức thư thứ hai Xuân nhận được từ diễn đàn @ trên mạng Internet:
Tôi là Phan An Tuân, một @ đã tốt nghiệp loại ưu của một trường đại học danh tiếng trong nước. Giờ đây tôi đang du học tại Nga, một thành trì XHCN đã sụp đổ với rất nhiều bộn bề khó khăn của xã hội. Tôi cũng bằng tiếng nói của mình, mong muốn được nhận diện cả một thế hệ được xã hội đặt tên là @..
Theo tôi, thế hệ @ không phải là một thế hệ đồng nhất. Mỗi đại diện của thế hệ @ có những suy nghĩ và ước mơ riêng (Liệu đây có phải là điều khác biệt với các thế hệ đi trước?)
Cá nhân tôi nghĩ: "Phải kiếm tiền!". Muốn nói gì thì nói, để có thể khẳng định mình, trước tiên anh phải kiếm đựợc tiền, nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đinh, người thân của mình.
Cá nhân tôi nghĩ: "Phải hưởng thụ!". Ðiều đầu tiên tôi nghĩ: "Hưởng thụ cũng là một cách kích thích sản xuất và dịch vụ phát triển". Một người biết hưởng thụ còn đòi hỏi phải có văn hoá...
Cá nhân tôi nghĩ: "Phải khẳng định mình". Nếu tôi thành công bằng hai lĩnh vực trên, tôi đã khẳng định được mình. Xin nhắc lại là mỗi @ có riêng một cách để khẳng định mình..
*
Có thể những cô cậu sinh viên đang túm năm tụm ba trong một quán cà phê sinh viên (dành cho đối tượng sinh viên nghèo, sống xa gia đình là chủ yếu) hoặc đang nhốn nháo hò hét quanh bộ bài ở ký túc xá sinh viên vừa cùng nhau khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện về tận các làng bản xa xôi, xoá mù chữ, giúp đỡ các hộ nông dân nghèo hay các vùng lũ lụt thiên tai, phòng chống các dịch bệnh, giúp người cai nghiện, qui tập hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong... Một hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa mỗi dịp hè .
Báo Sinh viên Việt Nam đưa tin: Một con số thống kê chính xác và đáng mừng trong dịp hè 2002: lần đầu tiên 100% các Tỉnh đoàn, Thành đoàn trục tiếp ra quân với hơn 4 triệu lượt thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia phong trào Thanh niên tình nguyện, trong đó có 700.000 đội viên của 4500 đội TNTN tập trung vào 2500 xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa... chưa kể đến 3,5 triệu lượt thanh niên tham gia tình nguyện tại chỗ trên một diện rộng là 5.500 xã trên cả nước. Chỉ trong vòng 3 tháng, 2176 đoàn viên được kết nạp Ðảng...
*
Xuân cho xem ảnh cô chụp kỉ niệm khi về các bản miền núi làm công tác tình nguyện. Trong ảnh, Xuân mặc áo thanh niên tình nguyện màu xanh và đội mũ bộ đội giải phóng quân, mũ là kỷ niệm của cha năm xưa đi bộ đội. Xuân kể những chuyên thật vui khi tham gia phong trào Thanh niên tình nguyện.
Xuân nói: "Trong khi nhà nước có chủ trương xây hệ thống quĩ khuyến học như: cho sinh viên nghèo vay vốn, các thanh niên tình nguyện lại tự nguyện tham gia các phong trào tình nguyện nên Thành đoàn cũng đề ra một quĩ :"Hỗ trợ thanh niên tình nguyện"
*
Trở lại tất cả những vấn đề của thế hệ @ hiện tại, trong số đông các tầng lớp thanh niên, sinh viên Việt nam, chúng ta có Bạch Ðình Vinh, một sinh viên không may mắn bị tai nạn do các thanh niên khác đua xe đâm phải đã mất đi vĩnh viễn khả năng hoạt động như một người bình thường. Với những năm tháng đau đớn về thể xác, ngồi liệt trên chiếc xe lăn, kiên trì với trò chơi của mình bằng những viên sỏi trên bàn phím máy tính, Bạch Ðình Vinh là một @ thuần khiết, chất lượng cao. Chàng thanh niên này đã trở thành một thần tượng mới của giới trẻ Việt Nam. Khi anh đã vượt qua được bệnh tật, tốt nghiệp xuất sắc Ðại Học Bách Khoa-Công nghệ thông tin và trở về với cuộc sống đời thường của một cán bộ khoa học nghiêm túc. Trở thành một nhân vật có ảnh hưởng của xã hội sau khi xuât hiện hai lần trong một năm trên chuyên mục: "Người đương thời" của Ðài truyền hình Việt Nam, có gia đình đùm bọc yêu thương, nhiều thanh niên ngưỡng mộ, Vinh cũng cảm thấy xã hội đã công nhận mình là một kiểu người thành đạt. Bạch Ðình Vinh đã khẳng định được mình.
Rất nhiều câu chuyện về thanh niên, sinh viên Việt Nam tự lập, vừa học vừa làm để giúp đỡ gia đình và tự nuôi sống bản thân trong những năm tháng ngồi trên giảng đường đại học. Người ta nhớ ra ngay trường hợp của Nguyễn Sơn Lâm, một cậu sinh viên mang di chứng của chất độc màu da cam, với chiều cao vĩnh viễn như một đứa trẻ một tuổi (83 cm). Lâm đã thi đỗ vào trường Ðại học dân lập Phương Ðông, Khoa tiếng Nhật, cậu cũng đã xuất hiện trên truyền hình, chuyên mục "Người đương thời" và vì thế, hình ảnh của cậu đã có tính chất đại chúng, tác động rất lớn đến nghị lực của thanh niên Việt Nam. Hình ảnh Nguyễn Sơn Lâm còn xuất hiện trên trang bìa của báo Sinh viên Việt Nam như bao @ ưu tú khác. Lâm nói: "Ðối với mình, đấy là một lời tuyên bố lạc quan với cuộc đời!" Ðây chẳng phải là một kiểu khẳng định bản thân mình hay sao?
Nhưng cũng không ít những "cậu ấm, cô chiêu" con những gia đình mới giầu trong cơ chế thị trường lại sa vào những con đường ăn chơi hưởng thụ thiếu lành mạnh. Có thể dễ dàng nhận ra họ ở các vũ trường buổi tối, các buổi chiều hàng quán, shopping và một cuộc sống loanh quanh buồn tẻ trong sự đầy đủ vật chất. Cũng có khi lại chính là họ trong đám lô nhô mái đầu đang lúi húi tiêm chích, hút hít. Ðua xe trái phép, vi phạm pháp luật...Ðã biết bao chàng trai, cô gái ngã gục giữa đường đời bởi trò chơi dại dột và ngông cuồng với ma tuý và đánh mất tuổi xuân của mình một cách phi lý bởi các cuộc đua xe.
*
Năm 2002, Việt Nam đoạt giải vô địch cuộc thi sáng tạo rô bôt tầm cỡ thế giới lần đầu tiên được tổ chức ở Nhật. Một điều quá bất ngờ với cả giới chế tạo rô bốt châu á chứ không riêng gì giới trẻ Việt Nam. Bên cạnh sự may mắn, các tuyển thủ Việt Nam đã kiên cường và tập trung trí tuệ cho cuộc thi lần đầu tiên mang tính thử thách phản xạ và sáng tạo bí ẩn, tầm cỡ Châu lục như vậy. Gương mặt những người chiến thắng đã được in đậm trong giới trẻ Việt Nam, một phóng sự truyền hình đi theo từ đầu đến cuối, lại thêm những cuộc giao lưu tiếp xúc, "kích hoạt " trí tuệ Việt Nam đầy hào hứng khiến cho không ít những bậc cha chú mỉm cười đầy tự hào về cái gọi là "thương hiệu trí tuệ" Việt Nam trên trường quốc tế. Tất cả những thành viên của nhóm sinh viên Việt Nam sau khi đăng quang cũng đã kịp đi du học với những học bổng lý tưởng. Cuộc thi sáng tạo phần mềm máy tính mang tên Trí tuệ Việt Nam đã ngày một mở rộng tầm cỡ theo cấp số nhân với lễ trao giải được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc. Tất cả những niềm vinh quang và tự hào ấy thuộc về giới trẻ.
*
Dương Anh Xuân ngồi trong một dãy bàn dài của hàng cà phê Internet. Cô đang truy cập vào mạng. Xuân bị ám ảnh bởi quá nhiều câu hỏi đặt ra trên diễn đàn @ của mạng Internet.
Xuân thường theo dõi các tham luận trên mạng. Xuân giải thích: "Nếu hiểu được bốn thông điệp của Bill Gates, bạn sẽ thấy cô đơn biết bao nếu không biết cách liên hệ với mọi người. Câu châm ngôn của Microsoft: "thông tin ở ngay trên đầu ngón tay của bạn là một hứa hẹn trong thời đại điện tử này" chính là của Bill viết.
Có một điều khiến Xuân đã phải nghĩ ngợi nhiều hơn về thế hệ @ của mình. Ðộng lực gì khiến họ đề cao việc kiếm tiền, khẳng định mình bằng giá trị đồng tiền? Phần lớn các tham luận đều của các sinh viên, trí thức Việt Nam cho dù họ du học nước ngoài hay đang học tập, lao động ngay trên quê nhà. Họ đều gần như gặp nhau trong một quan điểm sống: Kiếm tiền, hưởng thụ và khẳng định mình.
Có thể vì quá nôn nóng trong việc khẳng định mình, thấy quá dễ dãi với việc có thể làm giàu và hưởng thụ mà không ít các @ đánh mất đi một điều vô cùng quí báu của con người, đó là sự nhìn nhận chuẩn mực về nhân cách. Nếu không có nền tảng vững chắc và cơ bản là tri thức, mọi hình thức kiếm tiền và hưởng thụ đều không lâu bền. Thậm chí, con người còn dễ bị thoái hoá nhân tính một cách đáng lo ngại.
Vậy thì bạn hãy thử làm một trắc nghiệm nhỏ. Hãy trả lời câu hỏi mật mã (pass word) ban đầu nếu muốn truy cập vào trang web của thế hệ @: Bill Gate là ai? Bạn sẽ không thể hiểu thế hệ @ là gì nếu trả lời Bill Gate là ông vua Microsoft. Một câu trả lời máy móc và quan liêu! Câu trả lời đơn giản hơn rất nhiều: Bill Gate là người đàn ông giầu nhất thế giới. Và ông ta làm giàu bằng chính trí tuệ của mình.
*
Khán giả truyền hình cả nước đều được biết đến Bạch Ðình Vinh, biết đến đội tuyển ROBOCORN của Việt Nam đăng quang vẻ vang ở Nhật, biết đến những gương mặt sáng giá của Trí tuệ Việt Nam, biết đến Trương Ðình Anh, Dương Anh Xuân, Nguyễn Thành Vinh...đấy là những con người cụ thể, những @ cụ thể... nhưng còn cả một thế hệ đang tồn tại và nhanh chóng làm chủ cuộc sống, làm chủ vận mệnh của đất nước nay mai?
Tất cả những bộn bề của cuộc sống đang tác động trực tiếp với tốc độ chóng mặt đến thế hệ trẻ. Chắc chắn, tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của đất nước đều gặp nhau ở một câu hỏi:
Chúng ta có bao nhiêu hi vọng rằng giới trẻ hiện nay sẽ làm Việt Nam trở thành một chốn tốt đẹp hơn để sống?
Và thực ra
chúng ta có bao nhiêu cơ hội để nghe những tiếng nói của họ trên chính diễn đàn dành cho họ trong bộ phim này?
*
Cha con Xuân cùng chạy tập thể dục buổi sáng trong công viên. Trong lúc nghỉ giải lao, họ cùng nhau dạo trên một lối đi của Công Viên. Cha cô kể cho cô nghe về nguồn gốc cái tên "Công viên Thống Nhất" đã một thời là tên của công viên này. Cha cô cũng kể cho cô nghe về biết bao sức người tình nguyện để biến một bãi rác khổng lồ thành công viên xanh tốt như bây giờ. Hai cha con họ đã cùng gặp nhau trong một suy nghĩ: Thế hệ cha anh đã không tiếc xương máu, tuổi trẻ phấn đấu vì một mục tiêu cao cả: "Không có gì quí hơn độc lập tự do". Vậy thì thế hệ trẻ ngày nay sẽ phấn đấu hết sức mình, không thua kém gì thế hệ cha anh bằng một mục tiêu mới: "Tất cả vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh".