trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thế hệ @
  1 - 20 / 34 bài
  1 - 20 / 34 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
16.2.2004
Lê Hồng Lâm
Xem „Những công dân @“
 
Tham vọng đưa ra chân dung của một thế hệ @ là điều mà Phan Huyền Thư, một giọng thơ nữ rất lập ngôn tạo được nhiều dư luận gần đây ấp ủ và xây dựng trong bộ phim tài liệu đầu tay của chị. Nhưng việc giải mã chân dung của một thế hệ trẻ "chịu ảnh hưởng trực tiếp của mạng Internet" trong thời đại công nghệ thông tin ở bộ phim dài 36 phút Những chân dung @ (Kịch bản và lời bình: Phan Huyền Thư, đạo diễn: Nguyễn Thước) dường như mới chỉ dừng lại ở trên bề mặt của thế hệ này với một đường dây dẫn chuyện tham lam mà vụn vặt, dài dòng mà rời rạc, nhiều tuyên ngôn mà quá ít chân tình thấu hiểu, nhiều nhân vật mà ít đường "link" kết nối. Một thế hệ mà tác giả cho rằng luôn tồn tại với cả đỉnh cao và niềm tuyệt vọng, nhưng với người xem, tác giả chỉ để lại cho họ những niềm tuyệt vọng khi không tìm ra được chân dung của thế hệ mình...


Công dân @ là...?

Hao hao những phóng sự trên truyền hình, giông giống những chân dung người tốt việc tốt trên báo viết, thể hiện như một bài tập làm văn của học sinh trung học - Những chân dung @ mở đầu bằng hình ảnh của những người chiến thắng trong cuộc thi Trí tuệ Việt Nam và kéo dài suốt 36 phút còn lại với hàng loạt chân dung (khoảng 20 nhân vật) của những người thành đạt hay mơ ước thành đạt, những cô cậu sinh viên mơ ra trường có việc làm "trước để cho mình sau cho xã hội", những cử nhân du học ở nước ngoài để mơ có ngày về làm giàu cho đất nước, một nhóm bạn luôn online để bàn về Việt Nam của những năm 2020, một cô hoạ sỹ "đa-dzê-năng", một ban nhạc rock nhiều fan hâm mộ, vài vị tiến sĩ trẻ với những lời phát ngôn gây shock, vài ông chủ tịch tập đoàn CNTT, và vô số anh giám đốc trẻ thành đạt... Họ phát ngôn lung tung tí mẹt mỗi người một kiểu và đã nghe nói rất nhiều: nào là thương hiệu Việt trên thương trường thế giới, nào là khẳng định vị trí của mình trong lòng bạn bè quốc tế, nào là cách làm ra tiền và đối xử với đồng tiền, nào là thần tượng, ước mơ, quan niệm, mục đích sống, nào là những khác biệt về thế hệ, đối xử như thế nào với những giá trị truyền thống, lịch sử...

Cứ sau mỗi mệnh đề đưa ra lại có dăm ba câu trả lời minh hoạ. Xen lẫn giữa những đoạn phỏng vấn kiểu bàn tròn đó là những lời bình, lời dẫn chuyện rời rạc và đôi khi chả ăn nhập vào chủ điểm nào. Và đôi khi vừa sáo rỗng vừa lên lớp vừa mâu thuẫn: "Mặt trái của mục đích kiếm tiền một cách mù quáng như một lưỡi dao khắc sâu vào nỗi cô đơn và ích kỷ của tuổi trẻ sống trong nhung lụa đầy bế tắc. Không ít người trẻ tuổi của các đô thị giả danh là thế hệ @ lại đang héo mòn cô đơn bởi sự bao vây của tiện nghi vật chất. Ðồng tiền đang lạnh lùng giết chết tình người và đạo đức xã hội. Vũ trường đêm, những trò chơi dại dột và mạo hiểm của chất kích thích đang là một kiểu khẳng định mình của giới trẻ theo cách ngông cuồng, phô diễn bằng đồng tiền không phải do họ làm ra..."

Hay "Hệ điều hành máy tính đã làm đảo lộn mọi mối quan hệ, ứng xử, thậm chí thay đổi cả tâm tính con người dưới sự ảnh hưởng của công nghệ thông tin. Những công dân @ có thể chưa phải là một thế hệ nhưng họ dám tuyên ngôn cái tôi của mình với thế giới. Ðứng trước chữ @ mong manh ấy là một thế giới ảo không sắc tộc, không đẳng cấp, không nhận diện, không địa vị. Bạn hoàn toàn có thể tin rằng tôi sánh vai với toàn thế giới và như vậy dân tộc Việt Nam sánh vai với toàn thế giới (ảo tưởng). Bên cạnh khẩu hiệu thiêng liêng "Không có gì quý hơn độc lập tự do" chúng ta bắt tay vào công cuộc CNH -HÐH, chúng ta bắt tay vào một mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh" (biết rồi, khổ lắm, nói mãi)...

Sai lầm đầu tiên của Phan Huyền Thư và êkíp làm bộ phim này là không chọn ra được một chủ điểm thống nhất và xuyên suốt bộ phim, những nhân vật phục vụ cho ý tưởng đó, những hình ảnh thể hiện được ngôn ngữ điện ảnh (đây là một bộ phim tài liệu điện ảnh chứ không phải một phóng sự truyền hình). Và vì không có một chủ điểm, một ý tưởng và nhân vật xuyên suốt nên bộ phim trở thành một vở kịch vụng về với những con rối nhảy múa loạn xạ dưới bàn tay điều khiển yếu ớt của người điều binh. Nội dung không tạo được cảm xúc thẩm mỹ. Lời bình khô khan. Hình ảnh đuối, vụn vặt và thiếu thuyết phục (xem mà tiếc nuối nhớ lại một thời của những Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế hay gần đây như Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai của Trần Văn Thuỷ, Trở lại Ngư Thuỷ của Lê Mạnh Thích). Nhân vật trong Những công dân @ trở thành cái loa phát ngôn và minh hoạ cho những ý tưởng cũ rích của tác giả. Nhiều nhân vật trong phim, tự thân họ đã là những nhân vật của công luận, của báo giới lâu nay. Hầu như bộ phim không làm họ mới hơn một chút nào nếu không nói là làm cũ đi vì những điều họ đã lập ngôn (hoặc tuyên ngôn!).


Tư duy liệt kê và mô tả

Năm 2002, một năm sau sự kiện 11 - 9, một tổ chức điện ảnh quốc tế (Artificial Eye) đã mời 11 đạo diễn tên tuổi của 11 nước trên thế giới làm 11 bộ phim ngắn (mỗi phim dài đúng 11phút, 9 giây) về sự kiện gây chấn động quốc tế này. Chủ đề của bộ phim mà họ thực hiện phải xoay quanh sự kiện 11 - 9, thế nhưng xem 11 bộ phim này, từ cô đạo diễn trẻ 20 tuổi người Iran (Samira Makhmalbaf), nữ đạo diễn ấn Ðộ (Mira Nair) và 9 nam đạo diễn của nhiều quốc gia khác như Claude Lelouch (Pháp), Youssef Chahine (Ai Cập), Shohei Imamura (Nhật), Danis Tanovic (Nam Tư), Ken Loach (Anh), Sean Penn (Mỹ), Alejandro Gonzalez Inarritu (Mexico), Amos Gitai (Israel)... mỗi đạo diễn đều có những góc nhìn và xử lý hoàn toàn không trùng khớp nhau dù có chung một chủ đề. Thậm chí, sự kiện 11 - 9 chỉ trở thành cái ý tưởng minh hoạ hoặc xuất hiện thoáng qua như là một cái cớ trong bộ phim để nói đến những vấn đề từ đất nước họ. Ngay cả trong phim của đạo diễn Mỹ Sean Penn, nơi xảy ra sự kiện gây chấn động này - hình ảnh của toà tháp đôi sụp đổ chỉ xuất hiện duy nhất một lần trên màn hình ti vi trong ngôi nhà chung cư của một người đàn ông già cô đơn khi ông ta đang ngủ và không hề hay biết. Dẫn dắt hơi dài dòng như vậy để nói rằng, một bộ phim nói riêng hay một tác phẩm nghệ thuật nói chung không nhất thiết cứ nói đến chủ đề nào thì cứ "trần sì" như thế mà "phang" theo cái lối mô tả trực quan, mà lôi hết nhân vật này đến nhân vật khác và bắt nói cho đúng cái ý đồ mà mình đưa ra. Ðiều này, tệ thay là nhược điểm lớn nhất mà Những công dân @ mắc phải. Bộ phim đã kể lể, liệt kê (hoặc mô tả bằng lời bình) ra hàng loạt nhân vật tiêu biểu ít nhiều đã được khẳng định và để họ phát ngôn mỗi người mỗi kiểu (điều này báo chí và truyền hình đã làm rất nhiều). Và vì vậy, không có một nhân vật nào tạo được dấu ấn sâu sắc hơn những gì mà họ đã có. Ðiều mà người xem chờ đợi ở Thế hệ @ là những ảnh hưởng một cách sâu sắc của thời đại Internet đến cuộc sống của họ, là những giá trị thật được kiến tạo từ một không gian ảo, là những bài học của sự chiến thắng, là những trải nghiệm và trả giá với mỗi thành công mà họ đạt được, là những khoảng trống và nỗi cô đơn không thể bù đắp của những con người sống trong thế giới ảo...đều gần như hoàn toàn không có!

Sơ lược, vụn vặt, đơn giản Những công dân @ khép lại nhạt nhoà và để lại câu hỏi hẫng hụt trong lòng người xem.

*


Ý kiến của người xem

Nhà thơ Lê Ðạt: Bộ phim đã có công đưa ra một khái niệm mới (riêng với lĩnh vực điện ảnh) nhưng hơi minh hoạ và còn thiếu độ sâu.

Nhà văn Hồ Anh Thái: Phim có tham vọng làm theo lối luận đề, nhưng lập luận còn non, tính luận đề càng về sau càng yếu dần, nhường chỗ cho sự trình bày kiểu phóng sự. Hình ảnh cũng không mang tính luận mà như cảnh quay một hội thảo bàn tròn, được cắt vụn ra, chèn giữa những ngoại cảnh dựng theo kiểu video clip. Lời dẫn nhiều lúc câu chữ cũng không chính xác, ví dụ người cha đang sống hẳn hoi, đang hiện hữu trên màn ảnh mà lời thuyết minh thì: ông đã đem cả sinh mạng mình ra...

*


Những khán giả @ nói gi?


Lưu Bách Việt, 24 tuổi, họa sỹ thiết kế

Trước khi bộ phim này ra mắt tôi có đọc một bài phỏng vấn đạo diễn phim. Tất nhiên là tôi chờ đợi xem người ta nói gì về thế hệ trẻ hiện nay, đặc biệt là những con người đang rất gần gũi với mình. Tôi cứ cho rằng phim này sẽ làm về những con người trẻ, trẻ thực sự và làm nên nhiều việc phi thường, chứ không ngờ nó lại bó hẹp trong khả năng của một vài người, mà lại chủ yếu trong việc kinh doanh. Việc dẫn chứng những thành công của doanh nghiệp trẻ, những triết lý của họ không phải là tiêu biểu cho thế hệ @. Phần lớn số họ có những suy nghĩ không tân tiến cho lắm, hoặc là bản thân tôi thấy như thế.

Có thể là một thế hệ sẽ có người nọ người kia nhưng về việc một số nhân vật xuất hiện với những câu cú "củ chuối" chẳng mang lại điều gì, nếu như không nói là sẽ gây ra một cái nhìn sai lạc về thế hệ @ của Việt Nam. Không phải tất cả thanh niên thế hệ mới đều nghĩ sai về những gì cha ông họ đã phải chịu đựng trong kháng chiến hay có thể tranh luận một cách "sòng phẳng" với cha mẹ mình.

Phần tôi muốn thấy trong phim này là nói về những sinh viên mang robot Việt Nam đi thi quốc tế hay những sinh viên Việt Nam ở nước ngoài và những vị giám đốc thực sự trẻ, những con người thực sự mới mẻ với những tư tưởng mới. Nhưng về những công dân @ mà chỉ có thế thì quá ít, không tiêu biểu và phần nào quá già. Tôi cho rằng thế hệ @ không được quá 27 tuổi vì theo nhiều nghiên cứu, thế hệ từ sau năm 1978 khác rất nhiều so với thế hệ từ 1977 trở về trước, đến mức có thể gọi là bước tiến của sự phát triển. Thế hệ sau này có nhiều điều kiện về phương tiện, tri thức, mở mang với bạn bè quốc tế…vì thế mà nên nói về những gì đang diễn ra với thế hệ này, thế hệ sẽ trực tiếp trở thành sức mạnh của đất nước trong 20 năm tới. Có thể phim quá ngắn để diễn đạt hết nhưng tôi vẫn cho rằng phim không thành công ngay từ ý tưởng sản xuất.


Trần Mai Lan, 23 tuổi, biên tập viên

Nhìn chung nội dung, ý tưởng và nhân vật được chọn khá hay nhưng nói thật ra người ta háo hức xem phim này chỉ vì được quảng cáo quá nhiều và người viết kịch bản là một người khá "nổi tiếng" vì gần gũi và được giới trẻ biết đến. Đây là một phim nói được những nét nổi của thế hệ trẻ, bằng những thước phim chân thật vào thời điểm mà người ta đã quá chán với những thước phim ngồn ngộn lời bình, át hết cả hình ảnh. "@" đã có những hình ảnh mang được ngôn ngữ hình, tuy nhiên vẫn còn nhiều góc quay xấu.
Mặc dù vậy, cảm giác của tôi sau bộ phim là thất vọng, hụt hẫng. Tôi chưa thấy được cái mà người làm phim muốn nói, chưa đưa ra được hình dung về một thế hệ. Mọi ý tưởng, thông điệp khá mơ hồ.


Đỗ Thu Hằng, 26 tuổi, phóng viên

Cái được của phim này là gom nhặt được một số gương mặt tiêu biểu thực sự để người xem thấy được: đấy, những người trẻ hiện nay là thế đấy, hoài bão, cả gan và thành đạt. Cái chưa được là người làm phim nhầm nhọt ngay từ ý tưởng, giữa khái niệm "công dân @" và "công dân đương đại". Nếu phim làm về những công dân đương đại thì tạm được chứ @ thì hoàn toàn không. Bản thân người làm phim chưa thấu đáo về khái niệm thì không thể mong chuyển tải được ý tưởng của mình tới người xem. Ngay cả khi bỏ qua tên phim và nhìn nhận nó như là một phim làm về thế hệ trẻ ở Việt Nam thì cũng vẫn khá nhạt.

Câu hỏi chung là: chả nhẽ người trẻ ở Việt Nam chỉ có thế thôi ư? Những gì họ nói không mang tính đột phá mà chỉ mô tả hiện trạng. Việc đạo diễn "cả gan" để Dương Anh Xuân nói về "nỗi sợ" trước chiến tranh là một điều không đáng. Có nhiều điều đáng để cả gan hơn là tỏ vẻ cả gan khi nói ra một điều tưởng là bản lĩnh, mới mẻ nhưng kỳ thực là một sự kém cỏi về lịch sử và văn hóa.

Nếu là một phóng sự truyền hình thì tạm được, thậm chí chưa nói đến quá nhiều lỗi về khuôn hình, còn là một phim tài liệu thì không.
Nguồn: Bài đã đăng trên báo Sinh Viên Việt Nam, số 7, ra ngày 11 - 2- 2004