Mấy hôm nay, từ lúc đọc được bài
Một Giải Thưởng Văn Chương Mang Tên Bùi Giáng của nhà văn Phạm Thị Hoài trên diễn đàn talawas, chẳng hiểu tại sao mà hầu như lúc nào trong đầu tôi cũng ám ảnh về cái giải thưởng tương lai ấy.
Ðấy quả là một đề nghị hết sức đột ngột, nhất là với những người có thói quen suy nghĩ theo lối mòn như tôi. Ở Việt Nam ta, các loại giải thưởng cũng như các loại danh hiệu khác, (từ bé là cái giấy khen của nhà trường cho các cháu học sinh cấp một, đến lớn là cái huân chương sao vàng, huân chương độc lập của đảng và nhà nước cho những vị công thần) từ trước tới nay hình như chỉ là một thứ phiếu bé ngoan cho những ai biết nghe lời. Trong tinh thần ấy, những giải thưởng cho văn chương cũng không là ngoại lệ. Từ những giải nho nhỏ, danh dự là chính, của các hội văn học nghệ thuật địa phương đến những giải lớn đáng bát gạo đồng tiền của nhà nước bao giờ cũng được các hội đồng xét nét một cách hết sức tỉ mỉ nghiêm ngặt, mà chủ yếu là xăm soi xem có vấn đề gì sai trái so với các chuẩn mực thuần phong mỹ tục cũng như đạo đức xã hội chủ nghĩa hay không. Ðể đảm bảo uy tín của hội đồng, ngay từ đầu, không ai bảo ai, các vị giám khảo cứ tự tiện gặt phắt tác giả cũng như tác phẩm nào bị coi là vi phạm (một từ rất chuyên ngành hình sự) ra ngoài cho rảnh nợ. Trong nước thì như vậy, tình hình ngoài nước cũng chẳng có gì đáng gọi là thoải mái, khích lệ hơn, giải thưởng văn học (ôi, thật là hiếm hoi làm sao) của các uỷ ban, các tổ chức, hội đoàn cũng chỉ dám trao cho những ai biết giữ vững đường lối, khéo léo không đi ra bên lề của những tôn chỉ mục đích... Trong bầu không khí quá nhạt nhẽo, nhàm chán về giải thưởng như thế, tự nhiên nhà văn Phạm Thị Hoài lại đưa chuyện giải thưởng ra bàn, thì quả là lạ lùng thật.
Người Việt, lâu nay có tâm lý khá thờ ơ với các loại giải thưởng. Và đặc biệt là với các giải thưởng văn học thì người ta lại càng tỉnh tình tinh hơn. Vì, xét ra thì tác phẩm đoạt giải A, giải B trong các cuộc thi của các hội văn nghệ các tỉnh thành hay các tuần báo, tác phẩm của những cây bút vàng, bút bạc, các loại bằng khen trong các cuộc thi của các tạp chí, các giải nhất nhì ba trong cuộc thi của các hội đoàn... cũng chẳng có gì đáng phải quan tâm nhiều. Chúng cũng chỉ chuồi chuội như phần lớn các tác phẩm khác mà thôi. Bây giờ lại có thêm giải Bùi Giáng nữa, chẳng biết rằng uy tín của ông có làm thay đổi thái độ của đồng bào ta với khái niệm giải thưởng từ trước đến nay hay không?
Tâm lý của người Việt lại cũng rất thích oai. Hội viên hội nhà văn Việt Nam oai hơn hội viên hội văn nghệ các địa phương, người có bài viết trên tạp chí Cộng Sản thì oai hơn trên báo An Ninh Thế Giới, nhà giáo nhân dân oai hơn nhà giáo ưu tú, nhà giáo ưu tú oai hơn nhà giáo thường...; giải Bùi Giáng tương lai này so với các giải vốn có của các cơ quan đoàn thể nhà nước (cả trong lẫn ngoài) từ trước đây thế nào, có oai hơn không, và vì thế mà có xứng đáng để người ta phấn đấu giành được hay không? Ðọc sách, đọc báo Việt Nam, thỉnh thoảng người ta lại thấy có ông này ông kia mang giải nọ giải kia ra doạ thiên hạ, giải Bùi Giáng sau đợt vận động này, nếu có, thì có ai mang ra doạ không, và nếu có thì doạ cũng có ai sợ không?
Trong sự hy vọng ở sự thành công của đợt vận động thành lập một giải thưởng văn học mang tên Bùi Giáng, tôi lại cũng rất băn khoăn về giải thưởng này. Mà cái băn khoăn nhất là tầm cỡ của nó. Bùi Giáng xứng đáng là giải thưởng văn học của nhà nước, của địa phương hay của một bộ, một ngành, một nhóm nào đó? Ai cũng biết rằng, tuỳ từng cơ quan chủ quản mà giải thưởng này có ý nghĩa rất khác nhau... Cũng một giải Bùi Giáng của ngành Ðường Sắt Việt Nam chắc chắn là phải khác của Hội Cựu Chiến Binh Biệt Kích Việt Nam Cộng Hoà ở Califonia rồi, chẳng ai biết cái nào giá trị hơn cái nào?
Lâu nay người ta có thói quen hay lấy các vĩ nhân ra để đặt tên cho các giải thưởng, nào là Nguyễn Du, Nguyễn Trãi...nào là Nguyễn Ðình Chiểu, Nguyễn Ái Quốc... Nhưng trong đề nghị của mình, hình như nhà văn Phạm Thị Hoài không đặt Bùi Giáng vào hạng những người này. Vĩ nhân thì xứng đáng và phải ca ngợi hết lời, suy tôn hết lời, còn trong bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài từ đầu đến cuối người ta chẳng tìm được một dòng nào như vậy cả. Vậy mà ý kiến của chị vẫn hết sức thuyết phục. Mà điều thuyết phục nhất lại là Bùi Giáng. Quả là ông có một cách đi vào lòng công chúng Việt Nam rất tự nhiên, vô tư. Nó khác với cách đi của các vĩ nhân nhiều lắm. Mà ông nào có phải cậy cục, phải cố gắng, phải hết sức phấn đấu đâu? Ông vẫn dửng dưng đứng
bên nề. Tình yêu có cái đỏng đảnh của nó. Nhiều kẻ cố tình bôi son trát phấn, hết sức đánh bóng, quảng cáo phô trương cho mình hết cỡ mà vẫn chẳng ăn ai, chẳng ma nào đoái hoài đến, và ngược lại là Bùi Giáng.
Không ai ép, nhưng trong mỗi người chúng ta đều có một Bùi Giáng. Thế mới gọi là hữu xạ tự nhiên hương. Chính vì thế mà nhiều người hoàn toàn đồng tình với nhà văn Phạm Thị Hoài khi chị cho rằng, bởi những ảnh hưởng sâu sắc của Bùi Giáng tới văn học và xã hội Việt Nam mà tên tuổi của ông xứng đáng được đặt cho một giải thưởng văn học nước nhà.
Chắc chắn rằng cuộc vận động này sẽ sớm có kết quả. Mong lắm thay! Và càng mong hơn là sớm có những tác phẩm văn học xứng đáng với giải thưởng mang tên Bùi Giáng này.
© 2003 talawas