trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
3.9.2008
William A. Darity Jr.
Xã hội dân sự
Lương Nguyễn dịch
 
Xã hội dân sự (từ tiếng La-tinh civilis societas) là không gian của các hoạt động và hiệp hội mang tính tự nguyện và độc lập – những yếu tố không được tổ chức bởi nhà nước. Nguồn gốc của khái niệm này thường được truy nguyên tới nhà triết học Xcốt-len thời kỳ Khai sáng, Adam Ferguson (1723–1818), và tác phẩm Luận về Lịch sử Xã hội dân sự (1776) của ông. Ferguson nhìn nhận nền văn minh thương mại mới mà đã thay thế trật tự phong kiến dựa trên thị tộc cũ kỹ của vùng Cao nguyên Xcốt-len như là sự cổ vũ cho tự do cá nhân thông qua việc làm quen với “xã hội dân sự”, “đời sống dân sự”, và “xã hội kinh tế”. Với cùng truyền thống học thuật, một nhà triết học và lý thuyết xã hội Xcốt-len thời kỳ Khai sáng khác, Adam Smith (1723–1790), nhắc đến ý niệm xã hội dân sự như là khả năng của các cộng đồng người trong sự tự tổ chức mang tính tự trị. Đối với cả Ferguson và Smith, hình mẫu về một thị trường kinh tế tự điều tiết đã biểu thị khả năng tổ chức xã hội mà không cần đến sự giám sát chặt chẽ của nhà nước.

Nhưng chính nhà triết học duy tâm Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770–1831) là người đã định ra ranh giới giữa không gian nhà nước và không gian xã hội trong tác phẩm Cơ sở của triết học pháp quyền (1820) của mình. Theo Hegel, xã hội dân sự (bürgerliche Gesellschaft) là một không gian đối trọng với nhà nước. Nó đóng vai trò là trung giới (hay bước trung gian) của những đối lập biện chứng giữa cộng đồng vĩ mô của nhà nước và cộng đồng vi mô của gia đình. Theo quan điểm của ông, xã hội dân sự là một phương thức quan hệ tạm thời giữa cá nhân (hoặc gia đình) và nhà nước, và sẽ bị vượt qua khi các lợi ích công và lợi ích tư đạt được sự hài hòa.

Có một số định nghĩa cạnh tranh nhau về khái niệm xã hội dân sự. Đối với một số nhà tư tưởng, như nhà triết học Pháp thời kỳ Khai sáng Charles Louis de Montesquieu (1689–1755) và nhà phê bình xã hội Pháp Alexis de Tocqueville (1805–1859), xã hội dân sự là một không gian của các hiệp hội trung gian đứng giữa cá nhân và nhà nước. Nó bao gồm các thỏa ước xã hội và kinh tế, các chuẩn mực đạo đức và pháp lý, các ràng buộc hợp đồng, và các thể chế độc lập với nhà nước; nhưng thuộc tính cơ bản [của xã hội dân sự] là nó liên quan tới đời sống công cộng, hơn là đời sống cá nhân hay các hoạt động dựa trên hộ gia đình. Xã hội dân sự là sự kết nối giữa gia đình với nhà nước, và nó tồn tại trong khuôn khổ của các quy tắc pháp luật, chấp nhận một số ràng buộc nào đó với cộng đồng chính trị cũng như các quy tắc được nhà nước lập ra. Hầu hết các nhà tư tưởng trong truyền thống này dường như cùng suy nghĩ rằng [xã hội dân sự bao gồm] sự tham gia công trong các tổ chức tự nguyện, hay truyền thông đại chúng, các hiệp hội chuyên môn, công đoàn, các phong trào xã hội, hoặc các hiện tượng tương tự. Trong tác phẩm của các nhà tư tưởng này, xã hội dân sự trở thành sự mô tả tất các các khía cạnh phi nhà nước của xã hội, bao gồm nền kinh tế, nền văn hóa, các cấu trúc xã hội, và thậm chí là chính trị.

Các nhà tư tưởng khác, như nhà triết học Pháp thời kỳ Khai sáng Jean-Jacques Rousseau (1712–1778) và nhà lý thuyết xã hội & nhà cách mạng Đức Karl Marx (1818–1883), có khuynh hướng phê phán hơn đối với xã hội dân sự, cái mà họ nhìn nhận như là một trật tự kinh tế và xã hội, phát triển trong sự phù hợp với những quy tắc của chính nó và độc lập với nhà nước. Trong khuynh hướng định hình khái niệm này, xã hội dân sự có nghĩa là các thỏa ước xã hội, kinh tế, pháp lý và đạo đức mà được nhìn nhận là tách biệt khỏi nhà nước. Khái niệm này về tổng quát nói đến phương thức quan hệ đặc biệt giữa nhà nước với các nhóm xã hội tự tổ chức – một phương thức đã được hình thành bởi các quốc gia châu Âu hiện đại, mặc dù những mầm mống của nó có thể tìm thấy ở các thời kỳ xa xưa hơn. Trong khi ca ngợi xã hội dân sự – cái được hình thành một cách tự nguyện bởi các công dân như là một không gian tự tổ chức xã hội [nhằm kết nối] cá nhân với nhà nước, Rousseau (1762) thừa nhận rằng xã hội dân sự có thể bị tổn thương bởi những yếu tố tiêu cực như bất công xã hội, chủ nghĩa tinh hoa, và bất bình đằng kinh tế – những hiện tượng trái ngược với tư tưởng của ông về một “ý chí phổ quát” của toàn thể công dân (volonté générale). Trong khi Marx nhấn mạnh đến đặc điểm kinh tế của xã hội dân sự theo tư tưởng chủ đạo của Ferguson và Smith, ông lại nhìn nhận nó như là một biểu hiện của sự thiên về vật chất một cách thô bỉ, sự bóc lột phi nhân tính, cạnh tranh vô chính phủ, và phi hiệu quả kinh tế (Marx 1843). Theo ông, xã hội dân sự là một xã hội đầu sỏ thiểu số trị, suy đồi đạo đức, bị tràn ngập bởi tính tham lam, thói vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân và sự tha hóa – một xã hội mà chỉ làm lợi cho giai cấp tư sản đầy đặc quyền (một giai cấp gồm những người sở hữu tư bản sản xuất giàu có) – những kẻ sống bằng lao động của tất cả những người khác trong xã hội, đặc biệt là giai cấp công nhân công nghiệp (“giai cấp vô sản”).

Đối với nhà Mác-xít người Ý lỗi lạc Antonio Gramsci (1891–1973), xã hội dân sự là thành trì của “quyền bá chủ” bị thao túng bởi giai cấp “tư sản” thống trị về kinh tế. Đối lập với Marx, ông định nghĩa xã hội dân sự là không gian chủ yếu mang yếu tố văn hóa và ý thức hệ, hơn là yếu tố kinh tế. Ông khẳng định rằng trong các nước tư bản phát triển, nhà nước có những mối liên hệ chặt chẽ về mặt thể chế và ý thức hệ đối với xã hội dân sự – những liên hệ mà thông qua đó “sự đồng thuận tích cực” của quần chúng bị nhào nặn liên tục. Đồng thuận công không đạt được thông qua dân chủ chính trị, mà thông qua sự thống trị về mặt ý thức hệ – bao gồm sự tuyên truyền, truyền bá học thuyết, giáo dục công và sự “nhồi sọ” một thế giới quan có lợi cho giai cấp thống trị về xã hội và kinh tế. Do vậy, xã hội dân sự cuối cùng sẽ ủng hộ cho nhà nước “tư sản” – một nhà nước sử dụng xã hội dân sự để định hình nhận thức và tình cảm của quần chúng dựa trên chính ý niệm về ý thức hệ của nhà nước này. (Gramsci 2001)

Ngày nay các nghiên cứu về xã hội dân sự tập trung vào mối quan hệ nhân quả giữa dân chủ hóa và các khía cạnh phi chính trị của trật tự xã hội đương đại, mở ra một cuộc tranh luận về vấn đề liệu có một sự kình địch và mâu thuẫn giữa xã hội dân sự và nhà nước hay không. Sự tồn tại của một xã hội dân sự tự tổ chức, mạnh mẽ, phát triển đầy đủ, không ràng buộc bởi nhà nước, và [hình thành được] vô số không gian công mang tính tự trị, trong đó các hiệp hội tự nguyện điều chỉnh các hành vi của chính chúng và chi phối các thành viên của chúng – đó là một điều kiện cần, nhưng chưa đủ, cho một nền dân chủ khả dĩ và một sự chuyển đổi từ chế độ độc tài và toàn trị sang chế độ dân chủ. Diễn tiến của xã hội dân sự trong thời gần đây đã đưa tới những trải nghiệm về sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu, nơi mà các lực lượng đối lập phi cộng sản đã nắm lấy sự phục hồi của xã hội dân sự như là một công cụ trong suốt những năm dẫn đến các cuộc cách mạng vào năm 1989. Bên cạnh đó, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản thường được liên hệ, về mặt lý thuyết, với sự nổi dậy của xã hội dân sự còn sót lại hay mới trưởng thành nhằm chống lại tính bất khoan dung chính trị và sự cứng rắn về ý thức hệ của nhà nước cộng sản.


Thư mục

Baker, Gideon. 2002. Xã hội dân sự và Lý thuyết dân chủ: Những tiếng nói khác. [Civil Society and Democratic Theory: Alternative Voices]. London and New York: Routledge.

Cohen, Jean L., và Andrew Arato. 1994. Xã hội dân sự và Lý thuyết chính trị. [Civil Society and Political Theory]. Cambridge, MA: MIT Press.

Dahrendorf, Ralf. 1997. Sau năm 1989: Các nền đạo đức, các cuộc cách mạng, và Xã hội dân sự. [After 1989: Morals, Revolution, and Civil Society]. New York: St. Martin’s Press.

Gramsci, Antonio. 2001. Chọn lọc từ các ghi chép trong tù. [Selections from the Prison Notebooks]. Quintin Hoare và Geoffrey N. Smith dịch & biên tập. London: Electric Book.

Keane, John. 1998. Xã hội dân sự: Các hình ảnh cũ, những tầm nhìn mới. [Civil Society: Old Images, New Visions]. Stanford, CA: Stanford University Press.

Marx, Karl. [1843] 1958. Về vấn đề người Do Thái. [On the Jewish Question]. Trans. Helen Lederer. Cincinnati, OH: Hebrew Union College. (Orig. pub. as Zur Judenfrage, 1843.)

Rosenblum, Nancy L., and Robert C. Post, eds. 2002. Xã hội dân sự và Chính quyền [Civil Society and Government]. Princeton, NJ: Princeton University Press.

Rousseau, Jean-Jacques. [1762] 1987. Về Khế ước xã hội [On the Social Contract]. Donald A. Cress dịch và biên tập. Indianapolis: Hackett. (Nguyên tác: Du Contrat Social, 1762.)

Seligman, Adam B. 1995. Ý tưởng về Xã hội dân sự. [The Idea of Civil Society]. Princeton, NJ: Princeton University Press.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas