trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
15.9.2008
Zhang Yongle
Không có vùng cấm trong lĩnh vực đọc? “Ðộc thư” và giới trí thức Trung Quốc
Hoài Phi dịch
 1   2 
 
Vào tháng 7 năm 2007, Ðộc thư tinh tuyển gồm 6 tập các bài tiểu luận [1] – đã được lên kế hoạch từ lâu - tuyển chọn từ Ðộc thư – có lẽ là tạp chí trí thức hàng đầu của Trung Quốc, cũng là tạp chí gây nhiều tranh cãi nhất, trong thập niên vừa qua – xuất hiện tại các tiệm sách. Mỉa mai thay, cũng vào thời điểm đó, hai tổng biên tập của tờ tạp chí hàng tháng này là Uông Huy và Hoàng Bình [2] , bị công ty mẹ là Nhà xuất bản SDX bãi nhiệm. Lý do chính thức cho việc bãi nhiệm này không mấy hợp lý: thoạt đầu, người ta nói là số lượng xuất bản bị giảm sút, mặc dù trong thực tế, dưới quyền của tổng biên tập Uông và Hoàng, số người đặt mua tạp chí Ðộc thư tăng vọt từ khoảng 60.000 lên đến hơn 100.000 độc giả. Nhà xuất bản SDX sau đó tuyên bố là họ chỉ thực thi chính sách của công ty, đòi hỏi tất cả các tổng biên tập đều phải làm việc toàn thời gian (full-time), chứ không phải chỉ làm thêm ngoài công việc giảng dạy ở trường đại học như trường hợp của Uông và Hoàng. Nhưng công ty SDX không giải thích được tại sao bỗng nhiên lại “nhớ ra” cái chính sách vốn tồn tại nhưng không hề được thực thi từ nhiều năm nay này.

Việc bãi nhiệm Uông và Hoàng đã gây ra một trận bút chiến lớn giữa các trí thức Trung Quốc: các cuộc tranh luận nổ ra trên không gian mạng, trên báo và các tạp chí về những đóng góp của Ðộc thư “thời [hai tổng biên tập] Uông và Hoàng”. Những người chống lại Uông và Hoàng biện luận rằng hai người này đã biến Ðộc thư từ một tạp chí “được sự công nhận của toàn bộ” giới trí thức Trung Quốc trong suốt thập niên 80 và đầu thập niên 90 thành diễn đàn cho “một nhóm tân-tả (new left)” nhỏ, từ bỏ truyền thống văn xuôi tao nhã của tờ tạp chí này, và chuyên môn hoá nó đến mức [độc giả] không đọc nổi. Những người ủng hộ Ðộc thư phản bác rằng chính sách biên tập của Uông và Hoàng thể hiện chính đường hướng phê bình mà trí thức nên đi theo trong thời đại của chuyển đổi xã hội mạnh mẽ, khi quá trình thị trường hoá và phát triển không đồng đều đã tạo ra những bất bình đẳng to lớn ngay giữa lòng sự tăng trưởng cao tốc. Bộ Ðộc thư tinh tuyển cho phép độc giả tự hình thành đánh giá của riêng mình về những đóng góp của tờ tạp chí này trong việc tìm hiểu và định giá những thay đổi đó. Tuyển tập cung cấp một cái nhìn khái quát về những mối quan tâm trí thức của Ðộc thư trong thập niên từ 1996 đến 2005, phản ánh những thay đổi lớn dưới thời của đồng tổng biên tập Uông và Hoàng. Với những độc giả bên ngoài Trung Quốc, tuyển tập này cũng cung cấp một cửa sổ hữu ích để tìm hiểu các cuộc tranh luận của trí thức Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trong giai đoạn này: tờ tạp chí đã gây ra rất nhiều cuộc thảo luận, trao đổi, cũng như nhiều cuộc luận chiến chính trị; và như tựa đề cho thấy, tuyển tập này bao gồm hầu như toàn bộ các tiểu luận quan trọng (đã đăng trên Ðộc thư trong thập niên đó – ND).


Thời kỳ đầu

Ðộc thư là tạp chí hàng tháng, ra đời vào năm 1979, với khẩu hiệu nổi tiếng “Không có vùng cấm trong lĩnh vực đọc”. Tạp chí đã xuất bản nhiều bài điểm sách, hồi ký và các tiểu luận học thuật, in những thông báo ngắn - chỉ vài trăm chữ - tới những văn bản dài cả 12.000 chữ (khoảng 7.500 chữ khi dịch sang tiếng Anh), với độ dài trung bình khoảng 4.000 ký tự (khoảng 2.500 từ). Ðầu thập niên 1980, dưới quyền của hai tổng biên tập Ni Ziming và Chen Yuan, tạp chí chủ yếu in những bài viết tao nhã của lớp học giả lớn tuổi và tiểu luận chính trị của các đảng viên có tư tưởng cởi mở. Ðộc thư không phải là diễn đàn duy nhất dành cho tranh luận của trí thức vào thời điểm đó: Nghiên cứu Lịch sửKhoa học Xã hội Trung Quốc là hai tạp chí cũng có ảnh hưởng khá lớn trong các cuộc tranh luận về những vấn đề đương đại. Ðộc giả biết đến Ðộc thư nhất là qua [việc tạp chí này đăng] các hồi ký và chân dung trí thức, cung cấp một dạng “đền thờ danh nhân” (pantheon) mà nhờ đó, giới trí thức Trung Quốc có thể xây dựng một căn cước tập thể mới.

Bất chấp nhiều khác biệt, có một sự đồng thuận ngầm trong quan điểm của giới trí thức thời đó: họ cùng chia sẻ một tâm trạng mệt mỏi sau quá khứ cách mạng gần đây và sau khát vọng hiện đại hoá đất nước, được tóm tắt lại qua khái niệm về một thời đại “tân khai sáng”, phản ánh xu hướng nghiêng về thuyết phổ quát tự do (liberal universalism), được thể hiện qua sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Xu hướng “tân khai sáng” được biểu thị qua thuyết lấy phương Tây làm trung tâm (West-centrism), dựa trên niềm tin vào một mẫu hình lịch sử tuyến tính của quá trình hiện đại hoá, mà trong đó kinh nghiệm của phương Tây được xem là những tấm gương chính. Ðiều thú vị là nhiều bài tiểu luận trên Ðộc thư vào thập niên 1980 cũng hướng về Nhật Bản: được Mỹ giúp tái kiến thiết sau năm 1945 và tránh được những chấn thương của các cuộc cách mạng chính trị, nền kinh tế Nhật Bản đã vùng dậy thành cường quốc thứ nhì trên thế giới. Niềm ngưỡng mộ dành cho Nhật Bản được củng cố bằng một sự so sánh ngầm: ở Trung Quốc, (các cuộc) cách mạng đã ngăn cản tiến trình hiện đại hoá, khiến cho đất nước này bị tụt hậu. Khi Ðảng Cộng sản Trung Quốc tự tách mình khỏi quá khứ cách mạng và đúc khuôn thành “đảng của công cuộc hiện đại hoá” sau năm 1978, nhiều trí thức cho rằng (đảng) đã quay lại đúng đường. Với Trung Quốc, nhiệm vụ cấp bách là noi theo gương của những nước phát triển và hoà nhập vào trật tự thế giới chính dòng (mainstream world order), theo sự đồng thuận thời hậu cách mạng. Tương tự như vậy, sứ mệnh vinh quang của trí thức Trung Hoa là sử dụng tiêu chí đã được mã hoá về cái hiện đại để phê bình sự phát triển, quá khứ và hiện tại của Trung Quốc.

Từ khoảng giữa năm 1985, việc giới thiệu các quan niệm và phương pháp luận Tây phương đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Ðộc thư: lý thuyết về hiện đại hoá, ký hiệu học (semiology), hình thức học của Nga, các phân tích theo lý thuyết Foucault, các trường phái BraudelAnnales trong ngành biên sử, là những chất gây men say cho một thế hệ trí thức trẻ. Chuyển động này là một phần của làn sóng được biết đến với cái tên “cơn sốt văn hoá” của thập niên 1980, trong đó SDX đóng một vai trò tích cực; nhà xuất bản này đã in một loạt các tác phẩm dịch do Gan Yang biên tập, với đề mục, “Văn hoá: Trung Hoa và Thế giới,” nhằm mục đích giới thiệu tác phẩm của các nhà tư tưởng phương Tây một cách có hệ thống. Gan Yang khi đó là nghiên cứu sinh ở Ðại học Bắc Kinh. Một loạt ấn bản dịch thuật tương tự khác, do Jin Guantao và Bao Zunxin biên tập, cũng được Nhà Xuất bản Nhân dân Tứ Xuyên in với đề mục “Tiến vào Tương lai’. Ðộc thư đăng nhiều bài điểm sách các ấn phẩm dịch này, trong đó có tác phẩm của Nietzsch, Freud, Heidegger, Sartre và nhiều người khác. Nhưng đồng thời, nếu xem lại các số Ðộc thư vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, độc giả hầu như sẽ chẳng hề thấy được những thay đổi đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc bên ngoài thế giới của trí thức lúc đó: sự sự tan rã của các Công xã Nhân dân, sự trỗi dậy của các doanh nghiệp ở thị trấn và làng xã, quá trình thị trường hoá nền kinh tế, việc giải tập trung hoá (decentralization) công khố, v.v…; tạp chí Ðộc thư hoạt động như một phòng khách (salon) hay một câu lạc bộ [tách biệt với xung quanh – ND].

Ðộc thư không phải chịu chính sách siết chặt sau năm 1989 như một số tạp chí anh chị em khác, và tiếp tục là một diễn đàn cho “cơn sốt văn hoá”. Thực tế là nhiều tờ tạp chí có ảnh hưởng khác trong thập niên 1980 chịu áp lực rất nặng và mất đi phần lớn sức sống trí thức, điều này khiến cho Ðộc thư càng chiếm vị trí nổi bật hơn. Thách thức lớn hơn, nếu có, với tờ tạp chí này, chính là quá trình thương mại hoá của xã hội Trung Quốc sau năm 1992. Số độc giả của các bài viết trí thức khi đó giảm xuống, và Thẩm Xương Văn, tổng biên tập tạp chí thời kỳ 1986-1996, đã chuyển hướng sang một chính sách dân tuý hơn, chọn in các bài báo dễ đọc hơn. Nhưng từ năm 1996 trở đi, sau khi Uông Huy và Hoàng Bình được mời tham gia tạp chí – ban đầu chỉ với vị trí tạm thời – sau khi Thẩm về hưu, Ðộc thư chuyển sang hướng mang tính phê bình và học thuật hơn. Hai tổng biên tập này tăng cường các bài viết về khoa học xã hội và khuyến khích việc bàn luận công khai các vấn đề kinh tế và chính trị đương đại. Họ cũng quan tâm tới việc trao đổi với cộng đồng trí thức quốc tế hơn những tổng biên tập tiền nhiệm. Dưới quyền lãnh đạo của Uông và Hoàng, Ðộc thư trở thành một tạp chí phê bình xã hội, không hợp với một số người, nhưng rõ ràng đã đặt ra những vấn đề gây được tiếng vang rộng hơn.


Thế hệ mới

Hai học giả Uông và Hoàng đại diện cho một sự thay đổi về tính chuyên nghiệp cũng như về tính thế hệ. Trong thời kỳ 1979-1996, tổng biên tập của Ðộc thư là các chuyên gia và biên tập viên trong ngành xuất bản, những người mà sự hình thành trí thức phần lớn thuộc về các lĩnh vực văn chương, lịch sử và triết học. Uông Huy và Hoàng Bình có một nền tảng học thuật chính thức hơn. Uông sinh năm 1959, thoạt đầu được biết đến như một chuyên gia về Lỗ Tấn; ông hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ về lịch sử văn chương Trung Quốc. Cuối thập niên 1980, ông chuyển hướng quan tâm sang lịch sử trí thức. Bài tiểu luận dài của ông, “Tư tưởng Trung Quốc đương đại và vấn đề hiện đại”, được viết vào năm 1994, nhưng mãi đến năm 1997 mới in, tạo một cú sốc trong giới trí thức Trung Quốc khi đó và gây ra nhiều cuộc tranh luận nghiêm túc, do thái độ phê bình của bài viết về tính hiện đại tư bản chủ nghĩa và do cách tiếp cận lịch sử tư tưởng (Trung Quốc) thiên về lịch sử-xã hội. [3] Tác phẩm 4 tập gần đây của ông, Sự phát triển của tư tưởng Trung Quốc hiện đại, nghiên cứu một cách có hệ thống quá trình biến đổi của lối nghĩ truyền thống trong bối cảnh xã hội hiện đại. Uông hiện đang giảng dạy tại Ðại học Thanh Hoa và là một trong những học giả nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Hoàng Bình sinh năm 1958 và tốt nghiệp tiến sĩ ngành xã hội học tại Ðại học Kinh tế London (the London School of Economics); ông hiện giảng dạy ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Ông tham gia ban biên tập của một số tạp chí quốc tế, bao gồm Comparative Sociology (Xã hội học So sánh), the British Journnal of Sociology (Tạp chí Xã hội học Anh quốc) và Current Sociology (Xã hội học Hiện nay); ông đã viết về sự phát triển xã hội, về tính hiện đại và toàn cầu hoá, và – trên hết - về sự phát triển nông thôn và sự cân bằng vùng miền ở Trung Quốc. Cả hai học giả này đều có nền tảng vững chắc về lý thuyết xã hội, cho phép họ đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng về Trung Quốc đương đại. Về mặt hình thành trí thức, họ bổ sung lẫn cho nhau: Uông mạnh về văn học và lịch sử, trong khi Hoàng mạnh về khoa học xã hội thực nghiệm.

Ðiều này đại diện phần nào cho tiến trình phân hoá rộng hơn trong giới trí thức Trung Quốc vào những năm 1990. Khoa học xã hội ngày càng trở nên quan trọng trong thảo luận về những vấn đề công kể từ giữa thập niên trở đi, và Uông Huy là một trong nhiều học giả chuyển từ lĩnh vực văn học sang lịch sử trí thức và xã hội trong giai đoạn này. Nhưng đường hướng của Ðộc thư cũng phản ánh một sự chia rẽ về tư tưởng rất lớn trong lòng giới trí thức từ giữa những năm 1990, khi nhiều tác giả bắt đầu phê phán con đường phát triển của Trung Quốc. Lập trường gây tranh cãi rất lớn này mau chóng được dán nhãn “tân tả” hay “hậu hiện đại”. Cả hai nhãn đều mang nghĩa tiêu cực lớn trong ngữ cảnh này: trong suốt một thời gian dài sau thập niên 1970, việc gọi một trí thức là “tả” (thay vì “cấp tiến”) gần như một scandal, bởi phần lớn giới trí thức đã từng là nạn nhân của cánh cực-tả trong Ðảng Cộng sản Trung Quốc. Hậu hiện đại thậm chí còn có vẻ lạ lùng hơn: làm thế nào mà một trí thức lại có thể phê bình lý tưởng về hiện đại hoá trong một xã hội lạc hậu?

Thế nhưng sự phát triển của thập niên 1990 đã sản sinh ra những hệ quả xã hội mà trí thức của thập niên 80 hầu như không hình dung nổi. Tiếp sau diễn văn trong chuyến “thăm miền nam” nổi tiếng của Ðặng Tiểu Bình vào năm 1992, Ðảng Cộng sản Trung Quốc lao vào tiến trình cải cách, với công cuộc thị trường hoá, tư hữu hoá và hoà nhập vào trật tự thế giới tư bản, trong đó sự phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất hướng về xuất khẩu đặt nền móng cho việc Trung Quốc trỗi dậy thành “công xưởng của thế giới”; cùng lúc đó, việc đấu giá những xí nghiệp quốc doanh, cộng với việc cắt giảm phúc lợi xã hội nhằm cân bằng những thâm hụt do việc giải thể kinh tế tập trung trong thập niên 1980, đã dẫn đến việc hàng triệu công nhân trong các xí nghiệp quốc doanh bị mất việc. Khi làn sóng tư hữu hoá tràn qua những cơ sở sở hữu tập thể ở các làng xã và thị trấn, lại có thêm hàng triệu nông dân thất nghiệp và phải di cư tới những thành phố ven biển để tìm việc. Sự chênh lệch giữa giàu và nghèo, giữa nông thôn và thành thị, giữa miền biển và vùng sâu vùng xa ngày càng gia tăng. Ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Cái giá khá cao phải trả cho công cuộc phát triển trút lên đầu dân thường.

Chính những điều này đã chia rẽ sự đồng thuận tương đối đạt được vào thập niên 1980 của giới trí thức Trung Quốc. Chính phủ tiếp tục bám lấy thuyết “hiệu suất là trên hết” và cấm bất kỳ một thách thức công khai nào đối lập với chủ thuyết này. Các nhà kinh tế học chính dòng tạo thành một tầng lớp lãnh đạo bậc trung [4] quanh dự án tư hữu hoá và cắt giảm phúc lợi xã hội, và trong một thời gian dài, họ gần như độc quyền tranh luận trong giới trí thức nói riêng và trong xã hội nói chung. Bất kỳ vấn đề gì nảy sinh do việc tư hữu hoá và sự phát triển không đồng đều đều bị bác bỏ như một cơn nấc tạm thời, sẽ được giải quyết bằng việc thị trường hoá mạnh hơn nữa. Ðối với nhiều trí thức, sự phát triển nhanh chóng của thập niên 1990 khẳng định lòng tin tưởng của họ vào công cuộc hiện đại hoá: tư hữu hoá sẽ dẫn đến phát triển kinh tế; phát triển kinh tế đến lượt nó sẽ mang lại tự do chính trị; người ta cho rằng tiến trình Hayekian-Friedmanite này là trào lưu không thể cưỡng lại được của lịch sử thế giới. Nhưng những người khác lại lưu ý mọi người về “mặt tối” của mô hình phát triển Trung Quốc. Những tiếng nói mới được cất lên; quan niệm về hiện đại hoá của thập niên 1980 giờ ngày càng tỏ ra có nhiều vấn đề và nhược điểm. Những bất đồng về quan điểm nổi lên, và nền tảng trí thức vốn không vững chắc của sự đồng thuận cũ giờ bị phơi bày. Là một tạp chí trí thức hàng đầu, Ðộc thư không chỉ chứng kiến những biến chuyển này, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong đó.

Bộ Ðộc thư tinh tuyển cung cấp cho người đọc một hồ sơ khá tốt về nhiều cuộc tranh luận đó và về những quan điểm phê phán mạnh được thể hiện qua những bài viết. Ngược lại với thập niên 1980, Ðộc thư “thời Uông và Hoàng” cũng cho người đọc thấy một bức tranh rõ nét về những phát triển hỗn loạn trong xã hội Trung Quốc qua những bài viết về các vấn đề đương đại. Ðộc thư không phải là nơi duy nhất dành cho những tranh luận như vậy: các tạp chí khác nổi lên trong thập niên vừa qua, gồm cả Thế kỷ 21, Chiến lược và Quản lý, và cả tờ Chân trời thiên tả hơn. Cả ba tạp chí này đều đăng những bài viết dài hơn Ðộc thư. Chính Uông Huy đã viết bài cho cả ba tờ này; tiểu luận nổi tiếng của ông, “Tư tưởng Trung Quốc đương đại và vấn đề hiện đại,” dài khoảng 35,000 ký tự, được in trên Chân trời. Nhưng Chân trời chuyên về văn học, không về khoa học xã hội; Chiến lược và Quản lý tập trung vào khoa học xã hội, không quan tâm đến nhân văn; Thế kỷ 21 mạnh về cả hai, nhưng xuất bản ở Hồng Kông và chỉ đến được với một thiểu số độc giả ở đại lục. Ðầu thập niên 1980, Thế kỷ 21 là tạp chí sẵn có duy nhất đối với những người trốn khỏi đại lục sau sự kiện [Thiên An Môn] 1989 và trở thành một nguồn tư liệu rất quan trọng. Tạp chí này đăng những cuộc tranh luận then chốt, chẳng hạn về đường hướng bảo thủ và cấp tiến trong tư tưởng Trung Quốc thế kỷ 20, và về khả năng của nhà nước Trung Quốc. Kể từ giữa thập niên 1990, khi báo chí trong đại lục lấy lại được sức mạnh của mình, tầm quan trọng của Thế kỷ 21 đã suy giảm. Về phần mình, Ðộc thư chiếm được một lợi thế quan trọng là xuất bản ở Bắc Kinh, và có một lịch sử quan hệ thân thiết với học giả trong nhiều ngành khác nhau. Nhưng những điều đó không phải là nguyên nhân chính mang lại tầm quan trọng của Ðộc thư trong thời kỳ này: sức mạnh thực sự của tạp chí này nằm ở việc nó phản ánh một cách có hệ thống những thay đổi đang diễn ra của thời đại.


Những chiến lược xã hội

Bộ Ðộc thư tinh tuyển 6 tập được sắp xếp theo chủ đề. Tập đầu tiên, Cải cách: Nhìn lại, Ðẩy mạnh về phía trước, tập trung vào những vấn đề kinh tế chính trị học, gồm 62 bài viết, được phân loại theo bốn tiểu đề: các vấn đề nông nghiệp, công cuộc cải cách các xí nghiệp quốc doanh, “vốn sở hữu và hiệu suất”, và sự phát triển bền vững. [5] Ðộc thư đáng được ca ngợi vì đã đăng thảo luận về những vấn đề nông nghiệp, khởi đầu một cuộc tranh luận trên toàn quốc. Vào thập niên 1990, chính phủ chủ yếu chỉ chú trọng đến cải cách ở thành thị, và ít để ý đến những vấn đề ở nông thôn. Việc Ðộc thư đăng bài đã báo động cho mọi người về tình trạng tuyệt vọng của nông dân, nông nghiệp và nông thôn, - thường được gọi là “tam nông” trong tiếng Trung. Một số người cho rằng nguồn gốc của vấn đề là hệ thống kép nông thôn/thành thị (dual system), trong đó, người nông dân bị phân biệt đối xử một cách có tổ chức; họ đề xuất cải cách hệ thống này để đảm bảo tính bình đẳng công dân, và gia tăng tiến trình đô thị hoá để chuyển cư dân nông nghiệp ra các thị trấn - về bản chất, đây là một chính sách theo định hướng thị trường. Những người khác bày tỏ mối hoài nghi sâu xa hơn về thị trường và về khả năng đô thị hoá của Trung Quốc. Wen Tiejun, trong bài “Những vấn đề ‘Tam Nông’” đăng năm 1999, chỉ ra rằng tình trạng nông nghiệp hiện thời của Trung Quốc xuất phát từ mâu thuẫn giữa dân số to lớn và nguồn tài nguyên nghèo nàn của nước này, và phân tích những thay đổi chính về mặt tổ chức ở nông thôn trong thế kỷ vừa qua. Xem xét từ quan điểm này, chính sách của nhà nước trong việc đẩy mạnh đô thị hoá và thị trường hoá có nguy cơ dẫn đến một “quá trình Mỹ-Latin hoá,” với những đặc điểm như tình trạng nghèo đói ở thành thị, bạo lực và bất ổn chính trị. Rồi Wen Tiejun chuyển từ những vấn đề này sang việc xem xét con đường phát triển tổng thể của Trung Quốc. Các tác giả khác có thể không chia sẻ với ông quan điểm này, nhưng họ cũng quan ngại về nhân tố rủi ro cao của thị trường có thể làm cho hoàn cảnh của người nông dân thêm trầm trọng; tất cả các tác giả đều nắm vững tình hình.

Tương tự, về đề tài cải cách các xí nghiệp quốc hữu: nhiều tác giả trên Ðộc thư nghi ngại về một chính sách tư hữu hoá thô bạo và chỉ ra rằng đổ lỗi hiệu suất thấp của SOES (Hệ thống giao dịch lệnh nhỏ) cho mỗi công hữu thôi là sai, vì thực hành quản lý cũng rất quan trọng. Việc tư hữu hoá mạnh thường gây ra tham nhũng và dẫn đến tình trạng ăn cắp tài sản công thực sự; trong những trường hợp này, việc giới thiệu hệ thống cổ phần không phải lúc nào cũng cải thiện sản lượng. Một loạt bài phản bác thuyết “hiệu suất là trên hết”, và biện luận rằng thuyết này đã chứng tỏ là một sức mạnh tự huỷ hoại. Câu hỏi “liệu kinh tế có nên bàn luận đến đạo đức không?” đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về chính bản chất của kinh tế, trong đó cả hai phía (của cuộc tranh cãi) đều kêu gọi (đối phương) đọc lại cuốn Wealth of Nations and Theory of Moral Sentiments của Adam Smith. Vai trò của chính các chuyên gia kinh tế cũng bị xem xét kỹ: Tính thẩm quyền của họ bị đặt thành vấn đề trong bài báo “Các lý thuyết kinh tế và nghệ thuật giết rồng” của He Qinglian in năm 1996. He Qinglian là một nhà báo cấp tiến. Tác phẩm nổi tiếng của bà, Cái bẫy của hiện đại hoá, bàn về những bất bình đẳng xã hội trong mô hình phát triển của Trung Quốc. Bài báo này gây ra phản ứng dữ dội cho một số kinh tế gia, và các bài phản bác của họ cũng được in trong tập này. Ðây là một cuộc tranh luận khác mà Ðộc thư đáng tự hào: nó là cuộc tranh luận sớm nhất về đề tài này ở Trung Quốc, và là lần đầu tiên mà vị trí tri thức độc tôn của các chuyên gia kinh tế bị đặt thành vấn đề. Thậm chí ngay cả khi quan điểm của các nhà kinh tế ấy cũng được thể hiện trong tập sách này, thì bản thân chương trình nghị sự - sự bất bình đẳng xã hội, đạo đức của việc làm giàu tư nhân khổng lồ - cũng đặt ra thách thức với họ (các nhà kinh tế).

Tập sách thứ hai, Tái dựng hình ảnh của chúng ta trên thế giới, thể hiện phản ứng của Ðộc thư với trật tự quốc tế đang thay đổi, cả về chính trị và kinh tế. [6] Cuộc chiến ở Nam Tư, việc Mỹ ném bom sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới, sự kiện 9-11, cuộc xâm lược Afghanistan và Iraq tất yếu dẫn đến việc nhiều trí thức phải xem xét lại bức tranh màu hồng về trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo mà họ ôm ấp từ thập niên 1980. Bài “Khủng bố quốc tế và chính trị quốc tế” của Shu Chi, in tháng 11 năm 2001, phân tích là phong trào Hồi giáo chính thống (Islamic fundamentalism) bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh; trong khi đó, nhà thơ Huang Canran của Hồng Kông luận bàn về phản ứng của giới trí thức trước cuộc chiến Iraq và với chủ nghĩa tân bảo thủ Tây phương trong bài viết “Ðược đế chế, nhưng mất nền dân chủ”. Cuộc xâm lược Iraq đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt ở Trung Quốc, trong đó một số thành phần hữu phái tuyên bố ủng hộ cuộc chiến, còn phe tả thì phản đối.

Nhiều bài viết trong tập Hai – có 41 bài tất cả - đặt vấn đề với con đường hiện thời của toàn cầu hoá và thăm dò những khả năng lựa chọn khác, công bằng hơn. Tập Hai cũng phản ánh quan hệ tương tác ngày càng tăng giữa Ðộc thư và các trí thức khác trên thế giới: có bài đóng góp của Benedict Anderson, Chomsky, Amy Chua, Derrida, J.K. Galbraith, Habermas, Thomas Pogge và Vandana Shiva. Cũng có một cuộc tranh luận nóng bỏng về cuộc Khủng hoảng Tài chính Á châu năm 1997. Xu Baoqiang, một tác giả ở Hồng Kông, trong bài “Ðọc lại Braudel trong Cơn bão Khủng hoảng Tài chính Á châu” đăng năm 1998, biện luận rằng sự sụp đổ tài chính đã bộc lộ ra nhược điểm của nền kinh tế tân cổ điển, lý thuyết nhà nước phát triển, và những mô hình “chủ nghĩa tư bản [theo kiểu] Nho giáo”; cuộc khủng hoảng này cần được đặt trong bối cảnh “trọng tâm” của chủ nghĩa tư bản thế giới nghiêng về phía đông, theo lý thuyết phân tích kết cấu của Braudel. Trong “Từ Xã hội mở tới cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản,” Luo Yongshen, cũng từ Hồng Kông, lưu ý độc giả tới những phê bình của George Soros về thị trường cực đoan. Bài “Bóng ma phía sau điều kỳ diệu” của Benedict Anderson xem xét cuộc khủng hoảng từ góc cạnh lịch sử. [7] Khi bốn điều kiện địa-chính trị [tạo thuận lợi] cho điều kỳ diệu kinh tế Ðông Nam Á - viện trợ của Mỹ, đầu tư của Nhật, sự tự cô lập của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc và việc người Hoa di cư tới các nước Ðông Nam Á - dần dần biến mất, trong khi đó, lại không có cuộc cải cách có hiệu quả nào khác, điều kỳ diệu cuối cùng đã sụp đổ.

Những phân tích này mới mẻ đối với phần lớn trí thức Trung Quốc tại đại lục; họ vẫn chưa quen với khái niệm khủng hoảng tư bản hay những cuộc tranh luận xung quanh việc nới lỏng kiểm soát dòng lưu thông vốn; [cuộc khủng hoảng] năm 1997 cung cấp rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Bài “Thị trường có chế định” của Jiao Wenfeng năm 2002, trích dẫn công trình của Polanyi và Braudel, biện luận rằng nền kinh tế thị trường tiền tư bản gắn chặt với xã hội địa phương, và vạch ra vai trò của nhà nước trong việc phá bỏ rào cản giữa các thị trường địa phương. “Thị trường có chế định” là thành phẩm cuối trong một quá trình chính trị-xã hội lâu dài. Những cuộc tranh luận này là phản ứng ngầm với học thuyết của Hayek (Hayekian doctrine) về một “trật tự tự phát”. Mục đích chung của tập sách này nhằm nhấn mạnh rằng thị trường không độc lập, mà vận hành trong các bối cảnh văn hoá, xã hội và chính trị đặc thù. Trật tự kinh tế thế giới không thể tách biệt khỏi chính trị thế giới. Một số bài viết chỉ ra rằng tư tưởng mậu dịch tự do che đậy đằng sau nó sự thực lịch sử là (những người đề xướng) chủ thuyết này lên nắm quyền nhờ chế độ bảo hộ và cướp bóc thuộc địa. Những người khác cho rằng con đường toàn cầu hoá hiện thời không chỉ dẫn đến việc tăng thêm ngăn cách giữa giàu và nghèo, mà còn đào sâu thêm những xung đột quốc nội về chủng tộc hoặc xã hội, như Amy Chua đã chứng minh trong cuốn The World on Fire (2004). Vấn đề chủ nghĩa khủng bố toàn cầu được xem xét dưới ánh sáng tương tự: một số đông dân chúng bị áp bức, những người hứng chịu hậu quả của việc phát triển không đồng đều, đã trở thành nguồn nuôi dưỡng chủ nghĩa quá khích. Nhìn chung, những cuộc tranh luận này đưa ra một bức tranh ảm đạm về trật tự kinh tế-chính trị thế giới; tuy vậy, ngụ ý của các bài viết này không nhằm quay trở lại với chủ nghĩa tách biệt, mà kêu gọi việc chuyển con đường toàn cầu hoá sang một hướng bình đẳng hơn.

Những nỗ lực của Ðộc thư trong việc tạo lại một chiều kích châu Á trong thế giới quan của trí thức Trung Quốc đáng được chú ý đặc biệt. Châu Á luôn hiện diện với các nhà cách mạng Trung Quốc, dù thuộc phe quốc gia hay cộng sản, trong nửa đầu thế kỷ 20, nhưng đến thập niên 1980 thì [sự hiện diện này] biến mất; đối với phần lớn trí thức của thập niên 90, thế giới về bản chất có nghĩa là Trung Quốc và phương Tây, trong đó hình ảnh của phương Tây lúc thì là đế quốc bóc lột, lúc lại là kiểu mẫu của nền văn minh hiện đại. Nước Á châu duy nhất thường được đề cập đến là Nhật Bản, và thường chỉ được đề cao do thành công về kinh tế. Hai tổng biên tập Uông và Hoàng đã thay đổi tình hình này. 30 bài viết trên Ðộc thư (dài khoảng 350 trang) in trong Tập Bốn với tựa Bệnh lý học châu Á bao gồm lịch sử quấn bện giữa Trung Quốc và Nhật Bản, tình trạng nan giải của ngành biên sử Ðông Á, vấn đề Triều Tiên, cái gọi là “những giá trị châu Á”, căn cước văn hoá và chính trị của Hoa kiều, “subaltern studies” và một số đề tài khác. [8] Các tác giả - trong số đó có Sanjay Subrahmanyam, Chalmers Johnson, Samir Amin, Arundhati Roy, Partha Chatterjee, Muto Ichiyo, Mizoguchi Yuzo, Koyasu Nobukuni, Kojima Kiyoshi, Baik Young-Seo, Lee Nam Ju, Chen Lijuan, Wang Gengwu và Ma Yiren - từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Ðộ, Singapore, Malaysia, Mỹ và Ai Cập; bốn tác giả người Ðài Loan viết về lịch sử đảo quốc trong thời gian gần đây. Phạm vi tác giả rộng lớn này cho thấy rõ mục đích của hai tổng biên tập: không chỉ đơn giản là tái tạo chân trời “châu Á” cho giới trí thức Trung Quốc, mà còn nhằm xây dựng Ðộc thư thành một diễn đàn cho việc thảo luận quốc tế về các vấn đề châu Á – bao gồm cả tính mơ hồ và tính mâu thuẫn trong bản thân khái niệm châu Á. Như Uông Huy đã tuyên bố trên tờ Le Monde Diplomatique:

“Khái niệm [châu Á] đồng lúc mang tính thực dân chủ nghĩa và chống thực dân, bảo thủ và cách mạng, quốc gia và quốc tế (cộng sản); nó xuất phát từ châu Âu và định hình sự tự diễn giải của châu Âu; nó có quan hệ mật thiết với vấn đề quốc gia-dân tộc (nation-state) và chồng chéo với quan niệm về đế quốc; nó là một phạm trù địa lý được thiết lập trong các mối quan hệ địa chính trị.” [9]

Ðiểm tham chiếu ngầm của Bệnh lý học châu Á là sự chuyển tiếp của châu Âu từ các quốc gia-dân tộc xung đột nhau thành một liên minh chính trị và kinh tế. Trong khi [khái niệm] châu Âu với tư cách như một căn cước đã đạt được một số thực chất, thì “châu Á” vẫn là một khái niệm còn khá mơ hồ. Hai tổng biên tập có xu hướng cho rằng mặc dù một “Liên minh châu Á” với thực chất kinh tế và chính trị còn là một viễn cảnh, vẫn có thể hình dung ra một cộng đồng trí thức dựa trên các mạng lưới trí thức xuyên quốc gia. Nỗ lực của Ðộc thư ít nhất cũng khuyến khích sự hiểu biết qua lại giữa các nhà tư tưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Chẳng hạn, nhiều trí thức Trung Quốc đã nhận thức được tầm quan trọng của Trường [phái] Kyoto và đã bắt đầu hưởng ứng. Học giả Hàn Quốc Wook-yon Lee và học giả người Nhật Yaoichi Momori công khai bày tỏ niềm tiếc nhớ của họ khi Uông và Hoàng bị mất chức tổng biên tập Ðộc thư. Cả hai đều ca ngợi đóng góp của tạp chí này cho cuộc đối thoại trí thức ở Ðông Á trong thập kỷ vừa qua.

(Còn 1 kì)

Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Dushu Jing Xuan (Ðộc thư tinh tuyển), 1996-2005, Nhà xuất bản SDX, Bắc Kinh, 2007: 6 tập.
[2]Trong quá trình dịch, tôi có tra cứu được tên một số tác giả, ấn phẩm… bằng tiếng Hán. Những tên không tìm được, tôi giữ nguyên phiên âm tiếng Anh – ND.
[3]Uông Huy, “Hoàn cảnh tư tưởng Trung Quốc đương đại và vấn đề tính hiện đại” (“Dangdai Zhongguo Sixiang Jingkuang uy Xiandaixing Wenti” trong Tianya [Chân trời], số 5, 1997. Muốn đọc bản dịch tiếng Anh, xem Wang Hui, “Contemporary Chinese Thought and the Question of Modernity” trong Social Text, số 55, 1998, trang 9-44.
[4]Nguyên văn “priesthood”: một lớp thầy tu – ND.
[5]Dushu Jing Xuan, vol. i: Gaige: Fansi yu Tuijin, 547 trang.
[6]Dushu Jing Xuan, vol. ii, Chonggou Women de Shijie Tujing, 430 trang.
[7]Bản tiếng Anh “From Miracle to Crash” đăng trên London Review of Books, 16 April 1998.
[8]Dushu Jing Xuan, vol. iv, Yazhou de Bingli, 350 trang.
[9]Wang Hui, “An Asia that isn’t the East”, Le Monde Diplomatique, 27 February 2005.