trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 11 / 11 bài
  1 - 11 / 11 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Sách mới
31.12.2004
Phạm Quốc Ca
Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975–2000
Nhà xuất bản Hội nhà văn 2003
 


Có thêm một công trình nghiên cứu đáng tin cậy về thơ Việt Nam sau 1975

Trong những công trình nghiên cứu về thơ Việt Nam sau 1975, có thể kể đến những công trình tiêu biểu như: Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại của Nguyễn Bá Thành (1995); Nửa thế kỷ thơ Việt Nam 1945-1995 của Vũ Tuấn Anh (1997); Thơ trữ tình Việt Nam giai đoạn 1975-1990 của Lê Lưu Oanh (1998). Và gần đây có thêm một công trình nghiên cứu có chất lượng về thơ Việt Nam sau 1975. Ðó là chuyên luận Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000 của tác giả Phạm Quốc Ca, Nhà xuất bản Hội nhà văn 2003, vốn là tiền thân của luận án tiến sĩ được bảo vệ đầu năm 2004.

Người viết những dòng này đã sớm được tiếp xúc với những luận điểm cơ bản của công trình này từ lúc còn là sinh viên qua những bài giảng của chính tác giả và phải đọc, phải học và thi, vì đây vốn là chuyên đề dành cho sinh viên năm thứ tư khoa Ngữ văn, Ðại học Ðà Lạt.

Tác giả chuyên luận xác lập mình ở hai tư cách vừa là nhà thơ nhưng đồng thời là nhà khoa học, nói cách khác con người nghệ sĩ và con người khoa học kết hợp nhuần nhuyễn trong toàn bộ 224 trang của cuốn sách đã tạo nên những trang viết vừa có cảm xúc thẩm mỹ vừa thể hiện một trình độ tư duy lý luận cao, chứng minh một cách thuyết phục cho luận đề phê bình văn học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật.

Ngoài lời mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, công trình gồm có 5 chương.

Ở chương một, khi lý giải về sự đổi mới trong quan niệm thơ, công trình đã có những kết luận mang tính phát hiện khá thú vị về người đọc, công chúng thơ hôm nay: “...nhà thơ tài năng phải là người tạo ra công chúng thơ của mình. Ðây là ý thức nghệ thuật mới về người đọc. Người đọc thơ hôm nay có khuynh hướng đòi hỏi cái mới, cái hiện đại cả về nội dung lẫn hình thức. Họ xem bài thơ như một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ độc đáo hơn là một thế giới tinh thần để nhập cảm.” (trang 37). Luận điểm vừa dẫn trên biểu hiện sự nhạy cảm của tác giả trong việc nắm bắt vận dụng một lý thuyết còn khá mới không chỉ ở Việt Nam- lý thuyết tiếp nhận- bên cạnh nhiều lý thuyết phương pháp khác để tiếp cận lý giải đối tượng nghiên cứu trong toàn bộ các khâu của quá trình văn học (nhà văn – tác phẩm – bạn đọc).

Theo tác giả, lực lượng sáng tác gồm có năm thế hệ và ba kiểu nhà thơ (trữ tình công dân; trữ tình cá nhân; trữ tình thế sự) trong đó “góp phần làm lên diện mạo chính của thơ sau 1975 là lớp nhà thơ trẻ xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước” (trang 39).

Trong toàn bộ chương hai, tác giả triển khai luận điểm phi sử thi hoá và thế sử hoá. Ông cho rằng “cảm hứng đối thoại với một số giá trị sử thi trước 1975 và phi sử thi hoá cho thấy bước tiến mới của thơ về giá trị nhận thức” (trang 51) và ở trang 59 tác giả tiếp tục triển khai luận điểm trên: “xu hướng phi sử thi hoá nền thơ còn thể hiện rõ nét ở sự chuyển hướng sang trữ tình thế sự...”. Luận điểm này đã gặp phải sự phản bác khá gay gắt, cho rằng phi sử thi hoá là phi dân tộc hóa, phi Việt Nam hóa.

Cũng ở chương này khi nói về thơ sau 1975 là sự tiếp nối nền thơ cách mạng theo xu hướng phi sử thi hoá tác giả đã viết: “Trong thực tế văn hoá cộng đồng thời chống Mỹ đã không phôi pha, tan rã mà trở thành một phần máu thịt, sống động trong mỗi con người Việt Nam hôm nay” (trang 56 - 57), khi viết câu này có lẽ là ông đang tranh luận ngầm với ai đó.

Ở chương ba: Một giai đoạn thơ trở về với trữ tình cá nhân, kiến giải về sự thành công cũng như những hạn chế và hướng đi mà thơ tình sau 1975, ông viết: “Con người hiện đại vẫn say mê tình yêu như mọi thời nhưng tình yêu với tư cách một đề tài văn học đã không còn mới mẻ và có sức hấp dẫn tinh khôi của ‘Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy’. Sau sự nở rộ ở giai đoạn đầu đổi mới theo quy luật bù trừ khoảng trống, khoảng thiếu, thơ tình yêu đã dần trở nên lạm phát. [...]. Người đọc thời hiện đại cũng từng trải hơn. Họ có xu hướng nhìn thơ tình như những tác phẩm nghệ thuật hơn là một thế giới cảm xúc để nhập cảm với nó.[...]. Vấn đề quan trọng đặt ra là tiếng nói trữ tình cá nhân của nhà thơ phải mang vẻ đẹp của tư tưởng nhân văn hiện đại. Nếu không có điều này trữ tình cá nhân trong thơ hôm nay sẽ chỉ là sự lặp lại đáng chán của Thơ Mới hoặc sa vào tầm thường vụn vặt.” (trang 98 - 99).

Ở chương bốn: Một giai đoạn thơ trăn trở hiện đại hoá, tác giả đã phân biệt rõ hai khái niệm thơ hiện đạithơ hiện đại chủ nghĩa. Ông đã có những nhận xét hết sức thận trọng mà vẫn đảm bảo tính khách quan của một luận điểm khoa học. “Cần ghi nhận ở đây sự tìm tòi, còn thành công đến mức độ nào lại là chuyện khác” (trang 118). “Ðặc biệt đáng ghi nhận là ý thức tìm tòi sáng tạo những giá trị thơ mới mẻ, góp phần thúc đẩy hành trình thơ ca nhân loại tiến về phía trước” (trang 119).

Chương năm là chương cuối của sách và cũng là chương khảo sát Mấy đặc điểm về phương diện thi pháp như không gian, thời gian nghệ thuật, sự biến đổi thể loại, ngôn ngữ và giọng điệu, trong đó sự biến đổi của các thể loại trữ tình là khá rõ nét. Theo tác giả, sau năm 1975 các thể thơ thường được sử dụng là thơ tự do, lục bát, năm chữ, bảy chữ. Thơ tự do chiếm tỉ lệ cao nhất: 645/1144 (56%) dựa trên Tuyển tập thơ Việt Nam 1975–2000. Ðiều đó phản ánh xu thế tiếp tục tự do hoá về hình thức thơ. Một phía khác là sự tiếp tục sử dụng hình thức thơ truyền thống và có những cải tiến mới (trang 186 - 187).

Có thể khẳng định đây là một công trình công phu, là kết quả của một quá trình làm việc nghiêm túc, những chiêm nghiệm, những điều tâm huyết của tác giả đã thể hiện phần nào qua công trình. Người đọc càng tin tưởng hơn vào hướng đi này khi Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng loại B (lý luận – phê bình ) cho công trình này cuối năm 2003.

Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975–2000 xứng đáng có mặt trong tủ sách của các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến vấn đề này.

Trần Minh Tuấn

© 2004 talawas