trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Sân khấu
  1 - 20 / 24 bài
  1 - 20 / 24 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
17.10.2005
Hà Văn Cầu
Chúng tôi thắc mắc
 
Sau Hội diễn chuyên ngành Chèo 2005 (07-17.9.2005), một số diễn viên (kể cả diễn viên Nhà hát Chèo Trung ương) kéo đến nhà tôi để trao đổi một số vấn đề học thuật mà trong tổng kết, chủ tịch Hội đồng giám khảo đã không đề cập đến.

Tôi tự thấy không có quyền hạn, trách nhiệm và vinh dự trả lời, nên đã hệ thống lại các vấn đề đã được nêu ra, kính gửi các báo nói, báo viết như một bức thư ngỏ, yêu cầu các cơ quan hữu trách trả lời công khai trên báo (đúng theo nguyện vọng của anh chị em).

Khi xem Tấm Cám thì ai cũng cảm nhận ngay được ý đồ của các nghệ sĩ là ca ngợi ai va phê phán ai. Còn người đánh giá tác phẩm lại phải xuất phát từ các tín hiệu hình tượng tổng hợp và ngôn ngữ nghệ thuật để giải mã và phát hiện ra khuynh hướng tư tưởng của Tấm Cám là "không thế lực nào vùi dập và tiêu diệt được tình yêu chân chính".

Nửa thế kỷ qua, Ðảng dạy rằng: Muốn đạt tới khuynh hướng tư tưởng như vậy, các tác giả phải miêu tả được "các nhân vật điển hình trong các hoàn cảnh điển hình" [1] , để rồi thông qua sự tương tác giữa các hệ thống nhân vật, làm nổi lên khuynh hướng tư tưởng của tác phẩm.

Những vần thơ thép, hình tượng Bác Hồ có phải là hình tượng điển hình của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh điển hình không? Ở đây, người xem chỉ cảm nhận thấy Bác ở trong nhà tù rất được ưu ái: Ngủ ở chỗ cao ráo, được lính coi ngục gọi là Hồ tiên sinh và mỗi lần Bác gợi ý một câu là chúng đã vâng lời.

Một cảnh trong vở Những vần thơ thép, tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn Bùi Đắc Sừ, Nhà hát Chèo Việt Nam, Huy chương Vàng, giải thưởng dành cho vở diễn xuất sắc nhất
Những công việc vụn vặt (của những người tù khác) như bắt rận, đánh bạc, cãi nhau, ghẻ lở, nằm cạnh hố xí…, hết sức rời rạc, để lại không thừa, bớt đi không thiếu, thêm nữa không hại… có phải là hoàn cảnh điển hình không? Dù đó là điển hình thì cũng là điển hình của các tù nhân khác, Bác không tham gia (nói cho công bằng cũng có được vài ba lớp không mang tính tất yếu. để nói lên cố gắng của Bác và các lớp đó cũng rất tuỳ tiện và ngẫu hứng, không tất yếu)

Trong khi đó, biết bao đồng chí của Bác như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng… nằm trong hầm xay lúa hay trong xà lim án chém, vẫn đấu tranh chống chế độ thực dân mở lớp học văn hoá, chính trị cho đồng chí, cho đồng bào, vẫn giác ngộ các tù hình sự và dân sự… Rõ ràng, do đặc thù thể loại, ý tứ của tác giả và nghệ sĩ phải thông qua việc làm và thông qua phản ứng của nhân vật trước tình huống, đâu có phải là chỉ đứng ở ngoài lề cuộc sống của các nhân vật khác để làm thơ vịnh cảnh, vịnh người mang tính chất thời sự. Tác giả và cả Hội đồng giám khảo hoàn toàn không hiểu hoàn cảnh ra đời của Ngục trung nhật ký mà nhiều nhà lý luận đã phát hiện [2] .

Thêm vào đấy, Hội đồng Giám khảo đã không chỉ ra được cái hay của vở (căn cứ vào sự giải mã khuynh hướng tư tưởng nào của vở) để chúng tôi thấy vở đó xứng đáng là vở tiêu biểu của Hội diễn chèo năm 2005.


*


Sau Hội diễn ở Nam Ðịnh cuối thế kỷ 20, Bộ Văn hoá tổ chức Hội diễn ở Quảng Ninh năm 2001 với yêu cầu là chỉ diễn vở cổ. Thực tế, ở Hội diễn đó, tuy gọi là vở cổ, nhng toàn là đã qua bàn tay "viết lại" của người thời nay, đâu còn chất cổ nữa.

Ðó là một sai lầm nếu không nói là thất bại trong chủ trương.

Tới Hội diễn 2005, Bộ lại chủ trương chỉ diễn vở viết về đề tài lịch sử (và sau thêm đề tài hiện đại). Chúng tôi cho rằng không phải vở hay là do đề tài (Những vần thơ thép là một ví dụ). Xưa nay, làm rung động lòng người là khuynh hướng tư tưởng của vớ chứ đâu phải ở đề tài? Romeo và Juliet, Ðậu Nga oan… rất hay nhưng hay không ở đề tài. Lại một sai lầm mới trong chủ trương.

Nguy hơn thế và đau hơn thế là hầu hết (không phải là tất cả) các vở đã không thực hiện đúng đắn đường lối của Ðảng, ít nhất là cho đến hôm nay, là đạt tới mục tiêu "tất cả vì con người". Hãy đối sánh Ðời người phu mỏCà phê chín đỏ trong hội diễn:

Trong Ðời người phu mỏ, anh Hào, một ngời thợ hiền lành bị tay chân của chủ mỏ đánh đập, cúp phạt, đuổi việc. Tên sếp Thuận lại lừa gạt vợ anh đến ở cho chủ Tây để tên này hãm hiếp, đánh đập đến ốm chết. Tuy vậy, anh Hào không cô đơn bới dưới ách thống trị của thực dân Pháp, người với người vẫn là bạn, nhất là người bạn ấy là chị Trạch, người của cách mạng, người đã chỉ ra con đường mà anh cần đi. Trên đường lên chiến khu, anh gặp tên Thuận trốn nợ, bỏ khu mỏ lên rừng. Tên Thuận bị rắn độc cắn chết, con hắn nhỏ dại, bị bơ vơ, lại được anh Hào nhận nuôi.

Mặc dù vở chưa sâu sắc lắm, song lòng tin vào con người của anh Hào và ý nghĩa nhân văn của vở đã làm cho Ðời người phu mỏ đứng vững trong lòng ngời xem.

Còn trong Cà phê chín đỏ, cha con chị Cốm cũng bị các thế lực đen tối lừa gạt, cướp đoạt, chặn hết đường sống, cướp đến cả thân xác của chị khiến cho chị phải đem "cái vốn tự có" của mình để làm đòn bẩy, tìm đường trả thù, bởi chị không có nơi nương tựa về tinh thần, tình cảm, để rồi nhận một ca axit oan nghiệt.

Xin hỏi: Tại sao dưới chế độ thực dân thì Ðảng quan tâm đến con người, còn dưới bầu trời độc lập tự do, lại không có Ðảng, và chính quyền nhân dân, mặc cho kẻ xấu hoành hành? Dẫn tới việc chị Cốm phải tự giải quyết nỗi bất công một cách đơn độc để bị ăn đòn trừng phạt của kẻ ác?

Ở bất cứ nơi nào và bất cứ thời đại nào, nếu người với người không là bạn mà là lang sói mà người làm nghệ thuật lại đề cao việc tự cân bằng pháp luật bằng cách mua vui thông qua múa hát, không chú ý đến chủ thể con người, thì xã hội có thể sẽ tràn ngập sự vui chơi dẫn tới bạo lực và tội ác. Phim ảnh xấu đã cho chúng ta nhiều ví dụ rồi.

Một ví dụ khác là vở Dũng tướng Hà Chương:

Giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta. Lấn lướt như một cơn gió mạnh, không chỗ nào không len lỏi tới, nhưng chỉ nhìn thấy những người nộm là giặc đã ngã sấp ngã ngửa. Sau khi đã giết được Hà Ðặc và bắt được nàng Mai, bắt trói được Hà Chương, giặc dương oai diễu võ giữa chốn núi rừng như ở chỗ không người, vậy mà chỉ cần Hà Chương thổi cái vuốt hổ gọi đàn chó chiến, giặc mới trông thấy chó từ xa đã bỏ chạy. Hà Chương thoát chết. Thì ra công đánh giặc là của người nộm và của lũ chó!

Tất nhiên, người nộm và chó là do người bày đặt, nhưng ở vở chỉ thấy kết quả, không thấy quá trình cho nên không thấy được con người là chủ thể trong mọi trường hợp. Người ta coi con người có vai trò "tạo hoá" ngang với Trời Đất (Tam tài giả: Thiên-Ðịa-Nhân) đâu có phải con người kém cỏi như được miêu ta trong vở.

Còn nhiều vở (tất nhiên không phải là tất cả) lại mượn tên nhân vật lịch sử để rồi ghép việc của người khác vào (như Thần đồng đất Việt), hoặc muốn đề cao nhân vật này lại gièm pha (nếu không là vu khống) nhân vật khác (như Lê Quý Ðôn)…

Trong nhiều vở, rất đông nhân vật nhưng lại thiếu con người. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy Hội diễn này là một bước lùi của cái thời nghệ thuật bệnh hoạn này.

Chúng ta đều biết cơ quan quản lý hạn chế đề tài (lịch sử và hiện đại) đồng thời hạn chế thời lượng (120 phút +/- 5). Vậy xin hỏi: Người tạo dựng ngai vàng là lịch sử thời nào? Lý Thường Kiệt dài tới 148 phút, tại sao không phạm qui?

Không mấy vở đem đến cho khán giả những hàm lượng tinh thần của thời đại mà vở đã đề cập đến (như tư tưởng, tâm hồn, triết lý, tư duy, ứng xử…) nên vua chúa, quan lại và trăm họ các thời Ðinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn… cứ giống nhau (nói xin lỗi) như những cái quần đùi bộ đội vậy (nguyên văn lời của một diễn viên).

 
*

 
Tuy nhiên, cũng phải thấy một hiện tượng đáng mừng - rất đáng mừng - là đội ngũ diễn viên hiện nay rất giàu tài năng và có bản lĩnh, vượt trội hơn các tác giả và đạo diễn. Chẳng hạn, nếu Phú Kiên gặp được một vở về Bác hay hơn chắc chắn sẽ trở thành một hiện tượng của chèo đầu thế kỷ XXI này. Các diễn viên các đoàn Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nam Ðịnh, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình… cũng có thể còn dang rộng cánh đại bàng bay tới những chân trời nghệ thuật chói lọi hơn nữa, nếu có vở hay.

Tóm lại, sự lúng túng về lãnh đạo, sự bất cập của lực lượng tác giả và đạo diễn (vừa mỏng lại vừa mòn) đã làm cho chèo có nguy cơ xuống cấp.

Ðáng trách hơn nữa là phần lớn các vị giám khảo lại là người ngoại đạo, nên dù có tâm thì cũng thiếu tầm, hoặc có tầm mà không có tâm (cũng có thể thiếu cả hai) khiến cho chân nguỵ bất minh, con nhà nghề không biết nên đi theo con đường nào.

Trong khi chờ đợi câu trả lời, xin chân thành kiến nghị:

Hai mươi năm qua, Ðảng ta luôn dựa vào nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tởng Hồ Chí Minh, người tài đã khẳng định được chân lý "phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chăm lo phát triển nhân tố con người làm cho văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội" [3] . Những người giỏi phân tích chân lý đó thành các điểm a điểm b để giáo dục toàn dân, rồi người xoàng xoàng chúng tôi thì bám vào các điểm a, b đó để mắng nhau là dốt (vì dốt thật).

Tôi nghĩ rằng thực tiễn mới là tiêu chuẩn và thước đo chân lý nên chân thành đề nghị các nhà quản lý văn hoá dựa vào thực tiễn Hội diễn, nêu ra các kết luận khoa học để chỉ đạo ngành nghệ thuật dân tộc này trong những năm tháng sắp tới để khỏi có tội với cha ông và hổ thẹn với con cháu.

Xin được đội ơn mãi mãi.

Thay mặt hai mươi tám vì sao

H. V. C.


Giáo sư Hà Văn Cầu (sinh năm 1927), nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, biên khảo về sân khấu, được coi là chuyên gia lão thành quan trọng nhất về nghệ thuật chèo cổ Việt Nam hiện nay.

© 2005 talawas



[1]Mác-Ăng ghen, Về Văn học nghệ thuật. NXB Sự Thật, Hà Nội 1959
[2]Nhiều tác giả. Ðọc “Nhật ký trong tù”. NXB Tác Phẩm Mới, Hà Nội, 1977
[3]Ban chỉ đạo tổng kết lý luận (Ban Chấp hành Trung ương ÐCSVN), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986–2006), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005 (công bố theo thông báo số 189TB/TW ngày 10 tháng 8 năm 2005).