trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Sân khấu
  1 - 20 / 24 bài
  1 - 20 / 24 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
20.11.2006
Lê Kim N.
Dürrenmatt và vở kịch "Chuyến về thăm"
 
Theo tin đăng trên Tiền phong online ngày 07.11.2006, vở kịch nổi tiếng thế giới Der Besuch der alten Dame (1956) của nhà văn kiêm kịch tác gia Thụy Sĩ Friedrich Dürrenmatt (1921-1990) sẽ được công diễn lần đầu, dựa trên bản dịch theo nguyên tác, tựa đề Bà tỉ phú về thăm quê (BTPVTQ), tạm gọi tắt Bà tỉ phú của dịch giả Lê Chu Cầu, ở Hà Nội vào cuối tháng 11, sau đó ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng trong tháng 12.

Dürrenmatt là một trong những tên tuổi không thể thiếu khi người ta nhắc đến những văn nghệ sĩ có ảnh hưởng sâu rộng trong nửa sau thế kỷ hai mươi. Phần lớn tác phẩm của ông là kịch bản, trong đó vở Die Physiker (Những nhà vật lý, 1962) cũng được công diễn khắp thế giới. Các kịch bản này, cũng như các tác phẩ văn xuôi viết trong những năm 1950-1958 của ông (Der Richter und sein Henker, Der Verdacht, Das Versprechen) được đưa vào giáo trình văn học cơ bản cho học sinh trung học ở các nước nói tiếng Đức (Đức, Áo, Thụy Sĩ). Hai vở nói trên nằm trong danh sách tiết mục của mọi kịch viện và được luân phiên dàn dựng mới suốt năm thập kỷ nay.

Ở Việt Nam, Dürrenmatt được biết đến vào năm 1981 (xem bản tin Tiền phong online nói trên). Theo đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc [1] , dịch giả Diễm Châu cũng dịch Những nhà vật lý vào thời điểm này trong khuôn khổ tìm kịch bản cho sinh viên bộ môn kịch nghệ-sân khấu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, cũng như nhà văn Phạm Thị Hoài trong lời tựa bản phỏng dịch [2] theo yêu cầu của Viện Goethe–Hà Nội, đều cho biết đã có nhiều người, nhiều tập thể trong văn học kịch nghệ đã cố công nghiên cứu, giới thiệu các tác phẩm trên.

Một trong những lý do giải thích được thành công ngoại lệ của các vở kịch này là tính cách vượt thời gian, vượt không gian của chủ đề. Trong Những nhà vật lý, vấn đề tinh thần trách nhiệm mà nhà khoa học đặt cho chính mình là vấn đề không thể không đặt ra, nhưng cũng không thể lý giải rốt ráo. Tính bi-hài nằm ở chỗ tác giả cho các nhân vật chọn cách giả điên trốn vào dưỡng trí viện, thậm chí phạm tội sát nhân, nhưng rồi cũng không thoát, và các hành động này rốt cuộc hoàn toàn vô ích. Cùng với In der Sache J. Robert Oppenheimer (Về vụ án xử J. Robert Oppenheimer, 1964) của kịch tác gia Đức Heinar Kipphardt, vở Những nhà vật lý đưa ra một vấn nạn của con người kể từ khi khoa học mang đôi hia bảy dặm tiến những bước khổng lồ ở thế kỷ hai mươi.

Như Những nhà vật lý, mở đầu bằng những đối thoại ngớ ngẩn của những bệnh nhân dở điên dở dại, nhưng kết thúc trong bi đát, bế tắc, vở Bà tỉ phú mở màn với những nhân vật rất bình thường trong bối cảnh của một thị trấn với mức sống sa sút, không khác gì ở bao tỉnh nhỏ khác, nhưng ở cuối vở kịch, mỗi người dân đều gián tiếp nhúng tay vào một tội ác, điều mà họ luôn chối bỏ, tìm cách biện minh để trắng án. Điều gì đã xảy ra trong thời gian ngắn ngủi đó?

Nguyên tác mang tựa đề thực ra rất vô thưởng vô phạt, Der Besuch có nghĩa: buổi thăm viếng, chuyến ghé thăm; die alte Dame: người đàn bà cao tuổi, bà mệnh phụ, cụ già, lão bà... Tựa đề trong bản dịch tiếng Anh còn bị giảm thiểu, chỉ còn The Visit: Chuyến về thăm. Người đọc cũng như các nhân vật mãi cuối màn đầu mới ngỡ ngàng thảng thốt hiểu ra mục đích của chuyến về thăm quê xưa: Bà Claire Zachanassian sẵn sàng giúp thị trấn một tỉ (tác giả để đơn vị tiền tệ tùy nơi diễn) với điều kiện công lý phải được tái lập, nỗi oan khiên của bà phải được hoá giải, cụ thể là đòi đánh đổi mạng sống của Alfred Ill, người không những đã phụ bạc cô gái Klara ngày đó mà còn mua chuộc quan toà và người làm chứng gian, bức bách cô phải tủi nhục bỏ xứ mà đi, bán thân nuôi miệng, có lẽ chỉ sống qua bao thăng trầm là nhờ căm cắm trong lòng quyết tâm sẽ có ngày về báo thù xưa.

Đến đây thì vở kịch hết còn vẻ vô thưởng vô phạt lúc đầu. Tính cách nhân vật dần dần rõ nét: những người dân tỉnh nhỏ nọ không phải chỉ đáng thương, đáng tội nghiệp mà tùy hoàn cảnh có thể trở thành hung ác, tàn nhẫn; bà lão từ thiện, tật nguyền (mang chân tay giả, máu còn lưu thông nhờ máy điều hoà nhịp tim) nay là hiện thân của Nữ thần báo oán Nemesis như trong truyền thuyết Hy Lạp. Nhân vật thầy giáo ở đầu chương ba nhìn ra ở bà một Medea [3] tái sinh, mọi van nài thuyết phục kêu gọi lòng nhân từ, đức bác ái ở bà đều gặp phải một lý lẽ chắc nịch làm ta nhớ đến câu "Oeil pour oeil, dent pour dent" [4] trong Kinh thánh:

Claire Zachanassian: "... Die Welt machte mich zu einer Hure, nun, mache ich sie zu einem Bordell. Wer nicht blechen kann, muß hinhalten, will er mittanzen. Ihr wollt mittanzen. Anständig ist nur, wer zahlt, und ich zahle. Güllen für einen Mord, Konjunktur für eine Leiche..." (Dritter Akt, 1. Teil)

Claire Zachanassian: "... Thế giới này đã bắt tôi phải làm điếm, vậy bây giờ tôi biến nó thành cái ổ điếm. Ai không có tiền để vung ra mà lại muốn được chia chác, thì ít nhất cũng phải gánh chịu một phần trách nhiệm của mình chứ. Mà quý vị người nào cũng muốn được chia chác cả. Đúng ra ai chi tiền người đó mới là kẻ ngay thẳng đàng hoàng nhất, và kẻ chịu bỏ tiền ra chính là tôi. Tôi trao tiền, còn thị trấn Güllen trả bằng một án mạng, nền kinh tế Güllen được vực dậy còn tôi lãnh về một tử thi..." (Màn ba, cuối chương đầu).

Như trong nhiều tác phẩm khác của Dürrenmatt, các nhân vật như viên thanh tra trong Der Richter und sein Henker (Quan toà và tay đao phủ thừa lệnh), hay trong Das Versprechen (Lời hứa) hoặc nhân vật Claire đều như bị ám ảnh và theo đuổi một mục tiêu đến cùng, ý nghĩa những hành động của họ thường quá khích, kỳ quái đối với người ngoài nhìn vào. Thế nhưng những lý lẽ mọi bên đưa ra lại cũng có tính thuyết phục. Độc giả và khán giả lúc nghe theo bên này, lúc thấy bên kia cũng có lý, cuối cùng phân vân không biết ai phải ai trái. Dürrenmatt cũng nhiều lần phát biểu ông không có ý định lý giải, đưa ra biện pháp nào cả. Độc giả khi tự hỏi nếu mình ở trong hoàn cảnh nhân vật Claire, hay Alfred Ill, hay nhân vật X, Y, Z nào đó, thì sẽ phải tự suy nghĩ, tìm cách ứng xử lấy nếu cơ hội xẩy đến.

Thời đại con người tin có số phận và Thượng đế an bài, làm ác thì vẫn còn cơ ăn năn hối cải, làm lành chuộc tội, ở hiền thì cuối cùng cũng gặp lành, hình như đã trôi vào quá khứ. Nhưng khi con người không còn tin vào kiếp sau, cũng không trông chờ ở luật pháp công lý đời này được nữa, thì chỉ còn cách đạt đến địa vị tự mình làm quan toà và đao phủ nếu không muốn ôm hận ngàn thu. Nhưng có mấy ai trong bao cô gái sa cơ lỡ bước đồng cảnh ngộ với nhân vật Claire sẽ có dịp trở thành một mệnh phụ kiểu Claire Zachanassian. Có mấy người biết được đích danh ai là kẻ gây ra tai họa làm mình phải suốt đời điêu linh. Trong bài thuyết trình "Theaterprobleme" [5] ("Các vấn đề kịch nghệ") Dürrenmatt phát biểu về vấn đề thể loại kịch:

"Để xây dựng một vở thuộc thể loại bi kịch cần phải xác định được tội lỗi nào đã phạm, hoàn cảnh cùng quẫn nào đưa đẩy, mức độ của sai lầm hay nỗi khốn đốn, tầm nhìn tổng quan, trách nhiệm quy vào ai. (Nhưng) trong tình thế nhốn nháo hỗn độn của thế kỷ chúng ta, màn múa rối cuối cùng của dân bạch chủng, không còn ai là kẻ đích danh có tội hay đứng ra chịu trách nhiệm nữa. Chẳng ai làm gì để cứu vãn nổi, và cũng chẳng hề có ai muốn sự thể xảy ra như vậy. (...) Chỉ còn thể loại hài kịch là giúp chúng ta tiếp cận được các vấn đề."

Vở Bà tỉ phú được trình diễn hàng nghìn lượt ở nhiều nuớc, chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng. Bản thân tác giả cũng chú trọng cách trình diễn tác phẩm của mình, kịch bản có in kèm theo bài phụ lục về chi tiết dàn dựng, về một số điểm cần tránh để diễn đạt không sai ý ông. Việc dàn dựng vở này với sự hỗ trợ của các tổ chức văn hóa Đức và Thụy Sĩ, cả về mặt nhân lực (đạo diễn, âm nhạc, thiết kế sân khấu và trang phục, với hơn 100 người cho diễn xuất và hậu cảnh - theo Tiền phong online) cho thấy tính nghiêm túc của dự án trong cố gắng giúp phát triển nền kịch nghệ sân khấu Việt Nam. Hẳn sẽ không phụ lòng khán giả, chỉ e số buổi trình diễn và số chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu người xem.

© 2006 talawas


[1]Nguyễn Thị Minh Ngọc: Nàng Thúy trở về, Bi hài kịch. Phỏng dịch từ vở Der Besuch der alten Dame của Friedrich Dürrenmatt (theo bản dịch tiếng Anh The Visit của Patrick Bowles), Tạp chí Gió Văn, Alief, Texas, USA, số 6, tháng 4 năm 2006, tr. 78-127.
[2]Phạm Thị Hoài: Bà lớn về thăm, Bi hài kịch, talawas 2006. Phỏng dịch từ Der Besuch der alten Dame, đăng trong Werkausgabe (Toàn tập), 1980, Verlag der Arche, Zürich, Diogenes Verlag, Zürich.
[3]Medea: nhân vật trong truyền thuyết Hy Lạp, vì muốn giành lại ngôi vua ở Iolkos cho chồng là Jason nên dùng ma thuật giết Pelias em chồng là kẻ tiếm ngôi, nhưng không được dân chấp nhận, cả hai phải mang con lưu lạc sang Korinth. Khi biết Jason muốn đoạn tuyệt để lấy công chúa Korinth là Glauke, Medea lập kế, dùng ma thuật giết Glauke và đang tay hạ sát cả hai đứa con để trừng phạt Jason trước khi tiếp tục lưu vong ở Athen.
[4]"Oeil pour oeil, dent pour dent": lấy mắt trả mắt, lấy răng đền răng; lấy máu trả máu, lấy mạng đền mạng.
[5]Dürrenmatt, Friedrich: "Theaterprobleme", 1954, Vortrag am 5. Darmstädter Theatergespräch: "...Die Tragödie setzt Schuld, Not, Maß, Übersicht, Verantwortung voraus. In der Wurstelei unseres Jahrhunderts, in diesem Kehraus der weißen Rasse, gibt es keine Schuldigen und auch keine Verantwortlichen mehr. Alle können nichts dafür und haben es nicht gewollt (...) Uns kommt nur noch die Komödie bei."