talaCu
Cơ quan ngôn luận của talawas – Sát cánh cùng Nhân Dân
Số 30 – Ngày 3 tháng 5 năm 2006
Bush và Hồ Cẩm Đào đối thoại về quyền con người
Bush: Ông cho tụi tù nhân không được xét xử của ông ăn gì?
Bush và Hồ Cẩm Đào đối thoại về thâm hụt thương mại
Bush: Bây giờ tôi muốn nói chuyện nghiêm túc về vấn đề thâm hụt thương mại, thưa ông Hồ.
Hồ: Ô…, đồ sứ Nhà Trắng, làm ở Trung Quốc.
(Low Chen)
Ba trường đại học chuẩn bị mở chợ luận văn trên mạng
Đầu tháng Ba vừa qua, ba trường đại học lớn là Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đại học Bách khoa TP HCM và Học viện Chính trị Quốc gia, đã bắt đầu triển khai dự án đưa chợ luận văn lên mạng Internet. Giáo sư, phó tiến sĩ Phan Thị Tươi, hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP HCM cho biết: “Chúng ta đều biết hiện nay gần các khu ký túc xá của nhiều trường đại học, tại các phố tập trung kinh doanh dịch vụ vi tính, đều có chợ mua, bán, hay có dịch vụ thuê viết các bài tập lớn, các bài thiết kế, đồ án, luận văn tốt nghiệp v.v… Hiện nay các dịch vụ này đều nằm trong tay các cửa hàng tư nhân, nên chất lượng dịch vụ nhiều khi không tốt, giá cả dao động gây khó khăn cho cả người mua lẫn người bán, và đặc biệt là bản thân các trường đại học chúng tôi bị bỏ qua một nguồn thu lớn.”
[1]
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, hiệu trưởng trường Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bổ sung với phóng viên talaCu: “Nói theo ngôn ngữ kinh tế tân tự do (neo-liberal) hiện đại thì thị trường luận văn của ta hiện nay không minh bạch. Ví dụ như một trung tâm chuyên ‘tư vấn, viết đồ án, luận văn thuê’ có thể quảng cáo rất hoành tráng ‘nhận tư vấn, viết luận văn, luận án cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc mọi lĩnh vực khoa học, nhanh, chất lượng bảo đảm’, nhưng người đang cần bài thì không thể kiểm tra được là trung tâm này có thật sự thuê được các giáo sư, giảng viên đầu ngành để sản xuất bài như là họ quảng cáo, hay họ chỉ có trong tay mấy anh sinh viên năm cuối quèn.”
Phó giáo sư, tiến sĩ Tô Huy Rứa, giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, trong email trả lời phỏng vấn của talaCu, nhận xét thêm: “Thời gian vừa qua tôi nhận thấy chất lượng của một số luận án cử nhân, thạc sĩ của Học viện tôi tương đối kém. Trong khi đó, ở bên ngoài có rất nhiều các luận án với đề tài giống hệt mà chất lượng lại tốt hơn. Người ta đã làm cả rồi, mà người đi sau lại không biết mà sử dụng lại. Tôi vẫn nói kinh tế tri thức là nền kinh tế mà trong đó người ta xào xáo lại tri thức của người đi trước. Thế là tôi nảy ra ý tưởng dự án này, và may mắn là được cả hai trường bạn hết sức ủng hộ.”
Ông Rứa giải thích cách thức chợ luận văn ảo vận hành: “Chúng ta hình dung một nghiên cứu sinh của Học viện muốn có một luận án về đề tài “Lê Duẩn và vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước”, anh chỉ cần vào chợ luận văn trên mạng, và sau mấy cái nhấn chuột sẽ có được một danh sách các luận văn đã được viết, với đầy đủ thông tin về số trang, giá cả, số điểm đạt được v.v… Nếu đề tài mới, chưa có luận án nào, ví dụ như “Cá độ - Những đặc thù chính của một phương pháp giải trí lành mạnh của các nhà lãnh đạo Việt Nam”, thì người tìm sẽ nhận được một danh sách các giáo sư nhận viết về lĩnh vực này, với các thông tin số năm kinh nghiệm trong ngành, giá cả và thời gian đợi.” Theo ông Rứa, qua đây cũng tránh được hiện tượng các giảng viên đi đánh lẻ ở ngoài mà không chia thu nhập với trường.
|
Trong tương lai, các cửa hàng tại phố luận văn này sẽ bị cạnh tranh bởi chợ luận văn trên mạng |
Cả ba trường đều khẳng định cho sinh viên yên tâm là khi chợ luận văn ảo đi vào hoạt động sẽ không có thay đổi đáng kể về giá cả. Một bài tập lớn, thiết kế môn học, thuê làm trong vòng 4-5 ngày, vẫn khoảng trên dưới 300.000 đồng. Một đồ án tốt nghiệp thuộc khối kỹ thuật làm trong một tháng rưỡi giá 3 triệu đồng. Luận văn cho những ngành xã hội giá "mềm" hơn, khoảng 2 triệu đồng. 25-30 triệu đồng cho một luận án thạc sĩ.
Các sinh viên năm cuối và giảng viên ba trường đại học đã bắt đầu có thể đăng ký bán dịch vụ của mình. Ngoài ra, dự
án cũng đang cho nhập vào ngân hàng dữ liệu tất cả các luận án hiện đang được giao bán trong máy tính hay dưới dạng CD tại các phố luận văn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo dự báo, công việc này có thể kéo dài vài tháng.
[1]Xem thêm thông tin tham khảo tại:
http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2005/06/455311/
http://www.vnn.vn/giaoduc/chuyengiangduong/2003/5/12899/
Mới phát hiện 23 trang giấy trắng, có thể là một vở kịch bị thất lạc của Samuel Beckett
Paris, 26.04.2006 – Chỉ vài tuần sau ngày kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của nhà soạn kịch tối giản tiên phong Samuel Beckett, trong khi phân tích giấy tờ trong di sản của ông ở Paris, các nhà lưu trữ thư viện đã phát hiện ra một tập giấy trắng. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là “ví dụ cuối cùng của thiên tài của nhà văn người Ireland này”.
|
Giáo sư văn học O'Donoghue chỉ ra một trang giấy trắng, có thể là cảnh mở đầu đầy bi kịch của tác phẩm |
Các chuyên gia văn học cho rằng tập giấy gồm 23 trang giấy trắng này là một vở kịch hai hồi được sáng tác khoảng từ 1973 và 1975. Nó ngay lập tức đã được đánh giá là một trong những tác phẩm tham vọng nhất của tác giả của vở
Chờ Godot được giải Nobel này, và là một tiến trình tự nhiên từ những sáng tác trước kia của ông, trong đó có
Hơi thở, một vở kịch 30 giây không có nhân vật nào, và vở
Không phải tôi viết năm 1972, trong đó phần được chiếu sáng duy nhất của sân khấu là một cái mồm trôi nổi.
“Chắc chắn Becket đã quyết định có ý thức khi ông để tập giấy trắng, giống hệt nhau, không dòng kẻ này trong trạng thái không đóng bìa, không đánh dấu, không được chạm tới, tượng trưng cho sự ảm đạm và trống rỗng của cuộc đời”, giáo sư văn học Fintan O’Donoghue của trường Đại học Trinity nói. “Và dường như để nêu bật sự vô danh và vô cá tính của con người ở thế kỷ 20, tác phẩm này được tìm thấy ở giữa một đống giấy tờ khác”.
“Tôi chỉ có thể kết luận rằng chúng ta đã gặp phải một điều hết sức đặc biệt.” O’Donoghue nói thêm.
Theo nhà phê bình văn học Eric Matheson, người ca ngợi “cấu trúc trần trụi và sự tái diễn lạnh lẽo của cái chỉ có thể được mô tả là ‘hư không’ của vở kịch”, cho rằng tác phẩm này thể hiện sự rời bỏ thời kỳ giữa trong sự nghiệp sáng tác của Beckett. Ông nói, “nhưng nó có thể là một trong những sáng tác tuyệt vời nhất của Beckett”.
“Tác phẩm hàm chứa những yếu tố kinh điển nhất của Beckett, chẳng hạn những chỉ dẫn sơ sài cho đạo diễn, một chất lượng khó giải thích của tính vô danh, quá trình xây dựng kịch tính chậm mà không có hứa hẹn của giải thoát, và một chân dung khắc khổ về điều kiện tồn tại của con người”, Matheson nói. “Nhưng gợi ý truyền thống của Beckett về một ý chí sống không thuyên giảm, về khả năng đột phá và chạy trốn khỏi sự đơn điệu vây quanh chúng ta – điều này không thấy ở đây. Nếu ông có ý này, tôi cho rằng hẳn ông đã dùng giấy có đục lỗ.”
Các nhà nghiên cứu cho rằng Becket có thể đã có dụng ý đặt tên vở kịch là
Năm cuộc đối thoại, Entropolis hoặc
Dừng lại.
Ngoài ra, một tài liệu dầy 81 trang, cũng để trắng, được tìm thấy. Nó được coi là bản nháp trước của tác phẩm.
“Tôi đoán rằng đây là một thử nghiệm theo kiểu dòng chảy ý thức”, O’Donoghue nói về tập giấy trắng được tìm thấy rải rác trong đồ dùng cá nhân của Beckett và làm các nhà nghiên cứu mất bốn ngày làm việc cật lực để sắp xếp lại chúng theo đúng thứ tự. “Trong phiên bản cuối cùng, Beckett đã dùng phong cách đặc trưng của ông, lược giản hết mức để tới được gốc rễ của điều mà ông không muốn nói.”
Một số nhà sử học lại cho rằng vở kịch có thể là một sáng tác của một trong những học trò của Beckett.
“Mặc dù đề tài trung tâm và tính châm biếm độc địa của vở kịch có thể làm cho người ta tin rằng đây chính là một tác phẩm nguyên gốc của Beckett, nhưng thật ra nó có thể chỉ là một sản phẩm của Rick Cluchey, người bạn thân nhất của Beckett,” nhà viết tiểu sử Neal Gleason nói. “Và nếu nó thực sự là của Beckett thì với sự khôi hài sắc sảo của ông, rất có thể ông chỉ coi nó là một trò đùa. Nếu ngày nay Beckett còn sống, có thể ông thậm chí sẽ cho rằng đây không phải là một vở kịch. Nó có thể là tiểu thuyết ngắn, hay là một kịch bản phim.”
Những người hâm mộ vẫn cho rằng những “sự tinh tế, những sắc thái tinh vi, và những ám chỉ tới những sáng tác trước” chắc chắn là đến từ Beckett. Họ tuyên bố có tìm thấy ghi chép và ý tưởng về vở kịch này bên lề bản thảo của những tác phẩm trước.
Hiện đã có kế hoạch đưa vở kịch lên sàn trong giờ giải lao của một buổi diễn sắp tới của
Chờ Godot.
(Nguồn:
www.theonion.com)
Làm sao để hạnh phúc
(Shannon Wheeler)
Ký ức lịch sử
Ôn lại quá khứ và trau dồi ý thức lịch sử là nghĩa vụ của mọi công dân. Đóng vai trò gương mẫu, talaCu xin giới thiệu mục “Ký ức lịch sử”. Chúng ta hãy cùng nhau sống lại những giây phút hào hùng của lịch sử dân tộc cũng như của những đất nước (đã từng là) anh em.
Bị đột nhập
Năm 1950, ở Hung. Bác Kohn đến đồn cảnh sát:
“Thưa đồng chí chỉ huy, tôi muốn báo cáo là có hai quân nhân người Hoà Lan đột nhập vào nhà tôi và cuỗm hết sạch tiền bạc của tôi.”
“Ơ này bác Kohn, Hoà Lan là thế nào? Ở nước ta chỉ có lính Nga thôi.”
“Tôi không nói câu ấy đâu nhá! Đồng chí nói đấy!”
(HL sưu tầm)
*
Chiếc tẩu của Stalin
Stalin gọi điện cho Beria (Bộ trưởng Bộ Công an lúc đó): “Beria, tôi vừa bị mất chiếc tẩu, mà lại đúng chiếc mà tôi tự làm trong thời kỳ đi đầy ở Turukhan”.
Sau một giờ, Beria báo cáo: “Trong vụ chiếc tẩu có 315 người bị bắt. 217 người đã nhận tội. Công tác điều tra đang tiến hành với số còn lại.
“Khá lắm, đồng chí cứ tiếp tục. Tôi tìm thấy chiếc tẩu rồi.”
(ĐTA sưu tầm)
*
Cho phép và cấm đoán
Ở Pháp: Cái gì được phép thì được phép. Còn cái gì bị cấm cũng có thể được phép.
Ở Đức và Áo: Cái gì được phép mới được phép, còn cái gì không được phép là bị cấm.
Ở Hung: Cái gì không được phép tức là không được phép. Còn cái gì được phép là bắt buộc.
Cuối cùng, ở Liên Xô: Cái gì không được phép thì không được phép. Và cái gì được phép cũng không được phép.
(HL sưu tầm)
*
Lính nào giỏi hơn
Kádár (lãnh tụ Hung) và Brezhnev tranh luận xem lính Hung hay lính Nga giỏi hơn.
“Theo tôi lính Nga giỏi hơn” - Brezhnev nói trước – “Vì họ suy nghĩ trước khi hành động.”
“Lính Hung giỏi hơn chứ!” - Kádár khẳng định – “Vì họ hành động trước khi suy nghĩ.”
Để chứng tỏ cái lý của mình, Brezhnev cho gọi một người lính Nga và bảo:
“Đây là Kádár János, lãnh tụ Đảng Cộng sản Hung. Anh hãy cho đồng chí ấy một cái tát!”
Người lính Nga suy nghĩ, rồi báo cáo:
“Thưa đồng chí, không bao giờ tôi làm điều đó.”
“Đúng!” - Brezhnev khen và cho anh ta ra về.
Đến lượt mình, Kádár cũng cho gọi một người lính Hung:
“Đây là Leonid Brezhnev, lãnh tụ Đảng Cộng sản Liên Xô. Anh hãy cho đồng chí ấy một cái tát!”
Anh Hung nhảy chồm tới gần Brezhnev và giáng cho ông ta một cái tát trời giáng.
“Được, anh có thể đi!” - Kádár khen ngợi và bảo anh lính.
Nhưng rồi người lính dừng lại ở cửa ra vào và suy nghĩ. Kádár hỏi:
“Sao, cậu còn muốn gì?”
“Thưa, tôi đang nghĩ là có nên đạp cho đồng chí ấy một cái nữa không?”
(HL sưu tầm)
Cá câu
“Này, cậu dùng mồi gì đấy?”
“Bia.”
Danh ngôn về đàn ông
“Đàn ông là một loại con vật nuôi trong nhà mà với bàn tay cứng rắn và lòng tử tế thì ta có thể dạy chúng làm phần lớn mọi việc.” (Jilly Cooper)
“Đàn ông không muốn thú nhận thậm chí những khiếm khuyết bé nhất của mình. Chồng tôi quên mất mã số để tắt hệ thống báo động. Khi công an tới nơi, anh ấy không thú nhận mình quên mã số, anh ấy để cho công an bắt đi.” (Rita Rudner)
“Đàn ông nên giống như băng vệ sinh: mềm mại, dẻo dai, dễ vứt đi sau khi dùng xong.” (Cher)
“Các vị biết không, khi các vị nhúng một cái gậy xuống nước, nó trông như là gẫy. Chính vì thế mà tôi không bao giờ tắm cả.” (Steven Wright)
“Đàn ông là những thứ đơn giản. Họ có thể sống sót cả một cuối tuần chỉ với ba thứ: bia, quần đùi và thanh điều khiển TV.” (Diana Jordan)
“Một phụ nữ không có đàn ông thì giống như cá không có xe đạp.” (Gloria Steinem)
“Nếu bạn không muốn nhìn mặt một người đàn ông nữa, bạn chỉ cần nói ‘Em yêu anh, em muốn cưới anh, em muốn có con với anh.’ Anh ta sẽ biến mất trong khoảnh khắc.” (Rita Rudner)
“Đàn ông không hiểu biết về phụ nữ được chia làm hai loại: loại có vợ và loại không có vợ.” (Jacques Languirand)
“Phụ nữ yêu đàn ông vì những thiếu sót của họ. Nếu đàn ông có nhiều thiếu sót thì phụ nữ có thể tha thứ cho họ mọi thứ, thậm chí cả trí tuệ sắc sảo của họ.” (Oscar Wilde)
Music Video: I Want It That Way
Silicon
Giờ học vật lý, thầy giáo dạy về chất liệu. Thầy giáo hỏi: “Các em, nếu bấy giờ được chọn một chất liệu trên thế giới này, các em sẽ chọn gì?”
Học trò thứ nhất giơ tay: “Thưa thầy, em sẽ chọn vàng. Có vàng em sẽ có rất nhiều tiền. Em sẽ mua được một chiếc xe BMW.”
Thầy giáo gật đầu và gọi học trò thứ hai.
Học trò thứ hai nói: “Thưa thầy, em sẽ chọn platin. Platin còn giá trị hơn vàng, và em sẽ mua được một chiếc Mercedes.”
Thầy giáo mỉm cười và gọi học trò thứ ba.
“Thưa thầy, em sẽ chọn silicon.”
Thầy giáo ngạc nhiên “Sao vậy?”
“Thưa thầy, mẹ em có hai bịch silicon, và thầy không thể hình dung có bao nhiêu xe ôtô xịn đậu trước cửa nhà em đâu.”