talaCu
Cơ quan ngôn luận của talawas – Sát cánh cùng Nhân Dân
Số 31 – Ngày 10 tháng 5 năm 2006
Món ăn trưa
(Chan Lowe)
Trung Quốc tăng trưởng kinh tế
(Deng Coy Miel, Singapore)
Chuyện trạng: Cuộc thi cá vượt vũ môn
Chuyện trạng là một thể loại văn học dân gian của Nghệ An, có truyền thống từ xa xưa, thường gắn liền với phương thức ứng diễn độc đáo gọi là “nói trạng”. Người nói trạng phải là người nhạy cảm và giỏi biến báo, có óc hài hước và trí thông minh bẩm sinh, biết căn cứ vào những chuyện thời sự có thật, nóng hổi, để biến báo thành những câu chuyện thú vị, dí dỏm, rất giàu kịch tính, đôi khi còn “chơi chữ” khá điệu. Tuy vậy, do tính chất thời sự chi phối nên khi mọi thứ qua đi, thường không ai còn nhớ đến những chuyện này và cũng ít khi có được một cốt truyện trọn vẹn. Giáo sãi tôi vốn là người rất nghiêm túc, dù sống ở xứ Nghệ từ nhỏ cũng chẳng mấy để ý đến chuyện trạng mà sinh thời ông thân tôi vẫn coi là chỉ thuộc một thể loại cận văn học, nhưng không hiểu vì lý do gì mà từ sau Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, chuyện trạng lại lọt vào tai hơi nhiều, toàn của sĩ phu Bắc Hà và sĩ phu Nghệ Tĩnh. Xin cung cấp cho quý bạn một chuyện dưới đây, bảo đảm được nghe trực tiếp trăm phần trăm. Riêng mình chỉ đóng vai người sưu tầm không dám thêm bớt.
Giáo sãi HT
Để đảm bảo chất lượng cho nhân sự Đại hội X, sát trước ngày Đại hội được tổ chức, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX có hội ý và tham khảo kinh nghiệm Bộ Chính trị Trung Quốc tổ chức một khóa sát hạch cho các đại biểu về dự Đại hội gọi là cuộc thi “Cá Vượt Vũ Môn”. Cuộc thi diễn ra ở Đèo Ngang do TBT Nông Đức Mạnh chủ trì. Trần Đình Hoan đứng trên đèo ghi sổ. Phía Nam đèo tập trung không biết cơ man nào là ô tô vào loại sang nhất nước. Phía Bắc đèo, Nông Đức Mạnh tươi cười đứng vẫy tay khuyến khích các đại biểu vượt đèo. Mở đầu, ông tuyên bố: “Chúng ta quyết tiến hành cuộc thi một cách nghiêm túc, để cho thế giới thấy Đảng ta thật sự đổi mới, thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh ngay từ kỳ đại hội này. Vì thế các đồng chí cứ tự do phóng xe, ai vượt qua đèo bình an là coi như kiểm tra xong tư cách đại biểu. Nhưng cũng cần chú ý chớ lái nhanh phóng ẩu, một tình trạng phổ biến hiện Việt Nam chưa có cách khắc phục; phải tránh ổ trâu; khi lên đèo cũng phải mắt trước mắt sau cẩn thận một tí. Chẳng giấu gì các đồng chí, đèo này dài và có hơi heo hút, mà tệ nạn xã hội ở ta còn khí nhiều, con đường mới sửa xong lại bị PMU 18 làm cho xuống cấp nhanh quá, còn hai đồng chí Đào Đình Bình và Cao Ngọc Oánh thì đang lâm nạn, phải để cho họ hạ cánh an toàn chứ không tiện tham gia vượt đèo, nên không có ai sửa đường và bảo vệ an ninh cho các đồng chí được đâu”.
Thế là cuộc thi bắt đầu.
Tốp thứ nhất gồm vài ba trăm đại biểu miền Trung, vọt xe rất nhanh qua đèo đầu tiên. Nông Đức Mạnh mừng rỡ hỏi: “Các đồng chí làm sao mà nhanh thế?”. Mấy đại biểu Quảng Bình, Hà Tĩnh thay mặt cả đoàn trả lời: “Có chi mô!
Đèo Ngang (đang nghèo) là sản phẩm của nhà mềnh mà, đi như đi nhởi. Phải vượt trước mà kiếm phần chớ. Chậm chân nỏ chơi”.
Tốp thứ hai đông hơn nhiều, người nào ngồi trong xe cũng một cặp da to bự hơn cặp da của Nguyễn Văn Lâm. Xe họ chạy ì ạch nhưng cuối cùng cũng vượt qua. Nông Đức Mạnh chưa kịp hỏi gì đã thấy hai ông Nguyễn Văn Tự (Bí thư Khánh Hòa) và Vũ Văn Hiền (TGĐ Đài Phát thanh) thò cổ ra trao đổi với nhau: “Ủa? Phải gọi là
Đèo Nghếch (đếch nghèo) mới được chớ hả? Tui cứ thấy tiếng chi lao xao như hàng vạn tiếng réo ở đằng sau, nghe mà muốn nổi da gà, ngứa hết con ráy! Chứ vậy mà cứ nhắm mắt bịt tai vượt lên rồi cũng xong à!”
Lại một tốp thứ ba đông bằng tốp trước, cũng mỗi người một cặp da dày cộp, trong đó có những phong bì thòi cả ra ngoài, thấy đề “Cựu cố vấn M”, “Đại tướng A”... Xe họ chạy xem chừng hơi loạng choạng nhưng khi nhìn thấy phía sau Nông Đức Mạnh thấp thoáng có bóng một ông tay cầm dao mổ lợn và một ông đeo kính đen che một con mắt thì tay lái người nào cũng vững vàng hẳn. Họ vượt qua. Nông Đức Mạnh đến gần hỏi: “Các đồng chí có mệt không?”. Nghe một tiếng “xì”, thì ra Nguyễn Văn Thuận (Bí thư Hải Phòng) và Nguyễn Bắc Son (Bí thư Thái Nguyên) đang lần lượt chui ra khỏi xe, dắt tay nhau đi tới; một ông lên tiếng: “Nhằm nhò gì cái loại
Đèo Ngố (đố nghèo) này. Cánh này thì chấp!”
Đến tốp thư tư thì xe nào cửa cũng bịt sắt như xe tù nhưng hóa ra là xe chống đạn rất sang vừa lấy từ Tổng cục An ninh ra. Xe chạy khá nhanh, tuy nhiên lên đến đỉnh đèo thì nhất loạt dừng cả lại, ngắc ngứ không đi được nữa, có lẽ vì chở nặng quá mà người ngồi trong xe vừa dự tiệc cho nên hơi say. Nông Đức Mạnh nhìn lên như hiểu ý bèn quay sang một vị tướng đứng bên cạnh nói nhỏ câu gì đấy, thế là phía bên này một xe cảnh sát phóng như bay lên giữa đèo trao một tờ giấy cho chiếc xe đi đầu, nhìn vào chỉ thấy một chữ “Quắc!”. Lập tức tiếng máy xe đang gầm gừ bỗng lại giòn giã, cả đoàn rú ga xuống đèo an toàn. Người đi đầu đoàn bước ra khỏi chiếc xe đen bóng, mồ hôi dầm dề, nhìn kỹ là Đoàn Mạnh Giao, ngập ngừng thưa với ông Mạnh: “Báo... cáo đồng chí, Văn phòng Chính phủ đã gặp nạn ở con
Đèo Ngừng (đừng nghèo) này nhiều... nhiều lần lắm rồi, may có giấy của đồng chí tư đến kịp không thì...”. Ông Mạnh lặng thinh vội phẩy tay cho đoàn đi tiếp.
Đi sau cùng là một đoàn xe phụ nữ, loáng thoáng thấy mặt các bà Trần Thị Trung Chiến (Bộ trưởng Y tế), Nguyễn Thị Hằng (Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội) và nhiều bóng hồng khác nữa, đang hốt hoảng lái xe, xa xa tít đằng sau lại có những chiếc xe còn sang hơn đang tăng tốc đuổi theo, nhìn vào trong thấy hình như có bóng hồn ma của cả mấy ông PH, LĐT. Ở bên này, khi thấy đoàn xe của các bà, Nông Đức Mạnh mừng rỡ giơ tay vẫy gọi rối rít: “Cố lên! Cố lên!”. Nhưng một số xe của mấy nàng còn trẻ thì vượt được qua, còn lại mấy chiếc xe của Trần Thị Trung Chiến, Nguyễn Thị Hằng... không hiểu sao chạy đến giữa con dốc ngày một cao dần lại chậm hẳn lại, máy phát ra rì rì. Cuối cùng chỉ nghe thấy những tiếng gào thảm thiết từ phía các bà vọng tới: “
Đèo Đứng (đừng đ.)!”
... Khi tất cả các đoàn xe đều đã sang đèo được hết, ai nấy đưa mắt về phía Nông Đức Mạnh, ra ý bây giờ đến lượt TBT. Nông Đức Mạnh đang cười bỗng xịu mặt có vẻ hơi miễn cưỡng, chần chừ một lúc rồi cũng định bước lên chiếc xe đang đợi mình. Bỗng từ phương Bắc có tiếng còi toe toe vọng tới. Mọi người giật mình đều ngoái cổ nhìn lại thì thấy một chiếc xe rất dài nhãn hiệu của Đức nhưng lại treo cờ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, trên có Giả Khánh Lâm (Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc) ngồi, phía sau là Nguyễn Chí Vịnh hộ tống, đang lao tới như bay. Ông cầm dao và ông đeo kính đen bỗng đưa mắt liếc nhau. Ngài Giả vừa dừng xe vội mở cửa bước xuống, không kịp chào hỏi, đã nói ngay: “Thỉnh giáo! thỉnh giáo! Có bút phê của Hồ Bí thư đây rồi. Hảo hảo! Xin nguyên lượng cho Nông Bí thư. Con cháu các cụ cả đấy mà, nhỡ có mệnh hệ gì thì thật là chí nguy cho định hướng xã hội chủ nghĩa và mười sáu chữ vàng lắm lắm. Các đồng chí không biết chứ cái đèo này là
Đèo Hố (đồ héo/Hồ đ.) đấy. Rơi xuống tắc tử lơ”. Nông Đức Mạnh mặt tươi trở lại, ngước mắt lên gặp ngay ánh mắt của Nguyễn Văn An và Nguyễn Minh Triết đang chiếu kính vào mình, cả hai ông lịch sự nở nụ cười. Sau đó cả 1176 đại biểu cùng hối hả lên xe trở ra Hà Nội.
Cảnh báo
|
Này, tớ thấy có lời cảnh báo in trên chai bia của tớ này. |
Nó nói gì vậy? |
Cảnh báo: Sản phẩm này có thể làm cho bạn nghĩ rằng bạn hát Karaoke hay |
(Glenn McCoy)
Ký ức lịch sử
Ôn lại quá khứ và trau dồi ý thức lịch sử là nghĩa vụ của mọi công dân. Đóng vai trò gương mẫu, talaCu xin giới thiệu mục “Ký ức lịch sử”. Chúng ta hãy cùng nhau sống lại những giây phút hào hùng của lịch sử dân tộc cũng như của những đất nước (đã từng là) anh em.
Sưu tầm
Thập kỷ 60, Walter Ulbricht (lãnh tụ theo Stalin của Đông Đức) và Willy Brrandt (thủ tướng Tây Đức) gặp nhau và chuyện trò xã giao. “Ông có sở thích gì không, ông Brandt?” Ulbricht hỏi. “Có”, Brandt trả lời, “Tôi sưu tầm chuyện tiếu lâm về bản thân tôi. Còn ông?”. “Tôi sưu tầm những tay sưu tầm chuyện tiếu lâm về bản thân tôi.”
*
Hai cộng hai
“Hai cộng hai có bằng bốn không?”
“Tôi không biết, báo Pravda hôm nay nói gì?”
*
Địa ngục
Một người chết phải xuống địa ngục. Tại đó, có hai cửa, một cửa đề "Địa ngục xã hội chủ nghĩa", cửa kia đề "Địa ngục tư bản chủ nghĩa". Trước cửa "Địa ngục xã hội chủ nghĩa", người ta xếp hàng rồng rắn, còn ở cửa "Địa ngục tư bản chủ nghĩa" chẳng có ai chờ. Anh này đến cổng "Địa ngục tư bản chủ nghĩa" và hỏi:
“Vào cửa này thì phải chịu hình phạt gì?”
“Bị đóng đinh vào người, bị xiên và nướng trên sắt nung bỏng rồi bị nấu trong dầu!”
Hoảng sợ, anh ta sang cổng "Địa ngục xã hội chủ nghĩa" và hỏi:
“Thế vào cửa này thì phải chịu hình phạt gì?”
“Bị đóng đinh vào người, bị xiên và nướng trên sắt nung bỏng rồi bị nấu trong dầu!”
“Thế sao vẫn lắm người xếp hàng thế?”
“Vì ở đây, hoặc không có đinh, hoặc không có sắt xiên thịt, hoặc không có dầu, nhưng thường là không có cả ba!”
*
Cái gì khỏe hơn
Thời đó, Kádár (lãnh tụ Hungary) và Brezhnev tranh luận xem bò đực khỏe hơn hay xe tăng khỏe hơn. Kádár bảo bò đực, Brezhnev bảo xe tăng. Hai người bất phân thắng bại, vì thế họ đồng ý phải thử. Một chú bò đực được đặt trước chiếc xe tăng T34, nhưng trước khi cuộc thư hùng bắt đầu, Kádár đến cạnh chú bò đực và thì thầm vào tai nó. Trong nháy mắt, chú bò đực húc đổ xe tăng.
Brezhnev thừa nhận:
“Thật khó tin, nếu không chứng kiến tận mắt, tớ chả tin được. Nhưng cho tớ biết, cậu thì thầm gì với con bò vậy?”
“Tớ chỉ bảo nó: năm 1945, lũ xe tăng này cướp vợ của mày và đưa về Nga đó!”
*
Tên đường
Bác Józsi lên Budapest, nhưng vì lâu lắm rồi - từ hồi trước Thế chiến - bác không lên thủ đô, nên bị lạc đường. Bác ngẫm nghĩ và hỏi một người qua đường:
“Anh làm ơn cho biết phố Horthy Miklós” (
Thủ tướng Hung thời kỳ 1920-1944, khét tiếng vì tư tưởng chống Liên Xô) ở đâu?”
“Ôi, bác đừng nói thế, người ta bắt bác ngay bây giờ! Làm gì còn phố Horthy Miklós?” - ông khách qua đường nói. “Thay bằng phố Vladimir Ilyich Lenin rồi!”
Bác Józsi đi tiếp, rồi hỏi người thứ hai:
“Anh làm ơn cho biết quảng trường Mussolini ở đâu?”
“Ấy chết, khẽ thôi bác, không thì chết ráo cả nút đấy! Không còn quảng trường Mussolini nữa đâu! Thay vào đó là quảng trường Moscow rồi.”
Bác Józsi ngạc nhiên, đi tiếp rồi lại hỏi người thứ ba:
“Anh làm ơn cho biết phố Adolf Hitler ở đâu?”
“Chết nỗi, bác lẫn đấy à? Phố Adolf Hitler, từ lâu là phố Hồng quân rồi.”
Bác Józsi rất bực bội và đi tiếp. Đến bờ sông Duna (Danube), bác rầu rĩ ngồi bệt xuống một bậc thang. Một tay công an đi qua và hỏi:
“Bác làm gì ở đây đấy?”
“Tôi ngắm dòng Volga!” - cụ già buồn bã đáp.
Báo chí
“Lúc nào người đi săn cũng thắng, bò tót cũng thua như thế kia à?”
“Không, đây lại là một trường hợp báo chí nói phét ấy mà.”
(Bob Thaves)
Cô bé quàng Khăn Đỏ và các nhà văn
Với Gabriel García Marques
Nhiều năm sẽ trôi qua, và khi Sói đứng dựa vào bức tường chờ đợi phát súng bắn vào tim, anh sẽ nhớ lại buổi chiều xa xôi ấy, khi mà Bà ăn cái bánh ga tô với lượng thạch tín đủ để đầu độc một bầy chuột cống. Nhưng Bà vẫn tiếp tục hành hạ cây đàn dương cầm, và hát đến tận nửa đêm, như là không có chuyện gì xảy ra. Hai tuần sau thì Sói và Khăn Đỏ tìm cách gây nổ trong căn lều của bà cụ khó có ai chịu nổi này. Họ căng thẳng đến thót tim nhìn ngọn lửa xanh từ từ bò theo dây dẫn đến khối thuốc nổ. Cả hai bịt tai lại, nhưng thật là uổng công, vì không có tiếng nổ nào cả. Khi Khăn Đỏ đủ can đảm đi vào trong lều, hy vọng thấy xác của Bà, thì nàng thấy trong lều vẫn ngập tràn sự sống: Bà mặc một chiếc áo rách, với bộ tóc giả cháy dở, chạy thoăn thoắt trong lều và dùng cái chăn để dập lửa.
Với Umberto Eco
Ngày 16 tháng 8 năm 1968 tôi mua một quyển sách với cái tên
Những truyện cổ tích cho trẻ em và trong gia đình (Leipzig, nhà in Abel và Muller, 188). Tác giả bản dịch ghi là những anh em nhà Grimm nào đó. Những chú thích lịch sử tương đối nghèo nàn cho biết các dịch giả đã dịch theo đúng bản thảo viết tay thế kỷ XVII. Ông Pero, một thành viên nổi tiếng của Viện Hàn lâm Pháp thế kỷ 17, người đã có đóng góp to lớn trong việc chép sử thời vua Lui XIV, đã tìm thấy bản dịch này trong thư viện của tu viện Melk. Trong trạng thái xúc động tôi đã bị cuốn hút bởi câu truyện cổ tích kinh dị đến nỗi tôi không nhận thấy là tôi đã bắt đầu dịch truyện cổ tích này và chép vào những cuốn vở lớn tuyệt diệu của công ty “Josep Giber”, những cuốn vở này vốn rất thuận tiện cho việc viết sách, đặc biệt nếu bút đủ mềm. Có lẽ người đọc đã hiểu rằng tôi đang nói về “Khăn Đỏ”.
Với Honore de Balzac
Sói đến gần ngôi nhà nhỏ của bà và gõ vào cánh cửa. Cánh cửa này được một người thợ vô danh nào đó làm vào khoảng giữa thế kỷ 17. Người thợ đã làm nó từ gỗ sồi Canada rất mốt vào thời đó, tạo cho miếng gỗ một kiểu dáng cổ điển và treo nó lên những bản lề sắt. Có lẽ hồi xưa thì những bản lề này cũng tốt lắm đấy, nhưng bây giờ thì kêu cót két kinh khủng. Trên cánh cửa không hề có hoa văn nào cả, chỉ có ở góc phải phía dưới vẫn còn nhìn thấy một vết xước nhỏ. Theo truyền thuyết trong vùng thì đó là vết xước do cựa giày của Selesten de Shavard – tình nhân của Maria Antoinette và anh em họ hàng về phía ngoại của bà của ông của Khăn Đỏ. Ngoài điều đó ra thì đó là một cánh cửa hết sức bình thường, và vì thế chúng ta sẽ không cần thiết phải xem xét cánh cửa ấy kỹ lưỡng hơn.
Với Arthur Conan Doyle
Thế đấy, bây giờ các vị cũng thấy rằng cả những khả năng khiêm tốn của tôi cũng cho phép sử dụng phương pháp suy luận, phương pháp mà bạn tôi đã sử dụng thành công xiết bao. Từ chỗ nấp của mình tôi thấy rất rõ một cô gái đội cái mũ đỏ rực đang nói chuyện bên bờ đầm lầy với một chàng thanh niên trẻ tuổi mà tôi hoàn toàn chưa biết, nếu cứ xem quần áo và mũ đội đầu của anh ta. Đó là một con Sói tầm thước, vẫn chưa mất hy vọng đạt được những đỉnh cao trong nghề nghiệp của mình, nhưng lại đang phải khổ sở vì không đủ khả năng đảm bảo cho gia đình mình những gì cần thiết nhất.
Tất nhiên là giá như có bạn tôi ở đây thì anh ấy sẽ xác định ngay được theo dạng của đuôi và tai của người lạ mặt, rằng cái gia đình ấy gồm có người mẹ - một bà lão, người cha hay quá chén, và hai cô em gái, nhưng những suy luận của cá nhân tôi thì không trải xa hơn những phỏng đoán mơ hồ về những gì chứa trong chiếc làn trên tay cô gái…
Không, không còn nghi ngờ gì nữa, người lạ mặt lịch sự đến để giúp cô gái, và bây giờ họ đang thảo luận sôi nổi vấn đề cứu bà cô – một bà lão tuyệt diệu mà không hiểu tại sao lại sống ở một nơi khỉ ho cò gáy, rất xa cô con gái hoàn toàn tầm thường của mình – một người phụ nữ nông thôn nước Anh điển hình, biểu tượng của tính bảo thủ của chúng ta và một ít truyền thống tức cười, ôi, những thứ mà tôi rất thiếu trong những năm lang thang ở Afghanistan…
Nhưng ai hay là cái gì đe dọa phu nhân đứng tuổi kia trong cái xứ hoang vu chẳng có người nào, chắc Chúa đã quên ấy? Bạn tôi đã có thể tự hào vì tôi – tôi đã có giả thuyết độc lập của mình! Tất nhiên là nguy hiểm xuất phát từ những gã đàn ông đáng nghi ngờ mà tôi đã nhìn thấy trong rừng tới hai lần – hình như là họ chẳng bao giờ rời tay khỏi những chiếc rìu của mình. Nhưng làm sao tôi có thể cản trở không cho chúng thực hiện âm mưu đó? Ôi, Holms, Holms, tôi cần anh đến chừng nào…
Với Fedor Mikhailovich Dostoevsky ("Tội ác và trừng phạt")
Sóikônnhikov thức dậy vào một sáng sớm mùa hè u ám, trong căn phòng nhỏ hẹp của mình. Tâm trạng anh đang tăm tối. Những khó khăn tài chính thường xuyên do cuộc sống thủ đô đắt đỏ, những ngày ăn kiêng nhiều khi đã làm anh thấy cuộc sống tởm lợm. Anh chỉ còn thấy một cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là đi ăn trộm. Xoáy tiền cũng không phải khó khăn gì lắm. Anh biết rằng có một người nào đó thường xuyên đi qua rừng. Trong chiếc làn của người đó dưới lớp bánh rán là một số tiền. Anh quyết định. Không biết cái linh tính lạ lùng nào đã khiến anh nhét chiếc rìu dưới áo tu lup khi ra khỏi nhà.
Trên con đường mòn tăm tối thoáng hiện chiếc bóng của ai đó. Sóikônnhikov xông tới, tìm cách giật chiếc làn khỏi tay người kia. Cuộc vật lộn bắt đầu. Nhưng sức lực rõ ràng là không bằng nhau, và Sóikônnhikov cảm thấy chỉ một chút nữa thôi anh sẽ bị đối thủ vặn tay mất. Lúc bấy giờ anh rút rìu ra và lấy đà bổ xuống hai nhát. Thân thể đối thủ mềm nhũn. Hóa ra trong làn không có tiền. Và đối thủ của anh là một bà già.
Sóikônnhikov cảm thấy mặt đất rung rinh dưới chân anh.
Hai tháng sau tờ báo
Vedomosti đăng tin trong mục “Tai nạn” rằng ở sông Neva người ta nhìn thấy cái xác nổi lên của Sóikônnhikov trước đó tưởng là đã mất tích.
(
www.xitrum.net)