trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
9.3.2004
Hoài Nam
Từ một giải thưởng không thành
 
1.

Dưới cái đầu đề Từ một giải thưởng không thành, người viết bài này xin được đề cập tới cuốn tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của nhà văn Hồ Anh Thái - cuốn sách gây xôn xao dư luận ngay khi nó xuất bản lần đầu (NXB Ðà Nẵng 2002), và càng gây xôn xao dư luận hơn khi nó "được" Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khước từ trao giải thưởng văn học năm 2003. Tốt hơn cả, chúng ta đọc lại sự việc này từ một phần bản báo cáo công tác xét giải thưởng văn học năm 2003, do nhà văn Nguyễn Trí Huân ( Phó Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, Phó chủ tịch hội đồng chung khảo) chấp bút:

"Cuốn sách nhận được số phiếu quá bán của giai đoạn sơ khảo, chung khảo, nhưng không đủ số phiếu cần thiết của Ban chấp hành. Các thành viên trong hội đồng giải thưởng đều nhất trí rằng, trong những năm vừa qua, nhà văn Hồ Anh Thái đã cố gắng tìm tòi một lối đi riêng trong phương pháp tiếp cận và phản ánh hiện thực. Nhà văn luôn không bằng lòng với cái mà mình đã có, đang có, và anh đã cố gắng đi tìm, tìm triết lý nhân sinh trong giáo lý của đạo Phật, nghiên cứu thi pháp tiểu thuyết của các tác giải hiện đại trong và ngoài nước. Ðó là một hướng đi đúng, cần thiết đối với một nhà văn. Nhưng, ở Cõi người rung chuông tận thế, tác giả đã không đạt được cái đích cần phải tới. Một cuốn sách mang nội dung hướng thiện, chối bỏ cái ác, nhưng khi biểu đạt, anh lại tỏ ra lúng túng trong việc xử lý các mối quan hệ giữa cái thực và cái ảo. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của anh bạo liệt, không phù hợp với sự tiếp nhận của phần đông công chúng yêu văn học Việt Nam..."

(Báo Văn nghệ, số 6. ngày 7.2.2004, trang 7)


2.

Tôi sẽ không bàn tới ở đây sự bất cập trong cách thức xét giải trao giải của Hội nhà văn (Gần như toàn bộ Ban chấp hành Hội nhà văn có mặt trong hội đồng chung khảo, nhưng ở giai đoạn này, Cõi người rung chuông tận thế được quá bán số phiếu, còn khi lên Ban chấp hành lại không!). Tôi cũng sẽ không bàn ở đây rằng, Cõi người rung chuông tận thế có xứng đáng hơn hay không so với cuốn tiểu thuyết được giải (Cơn giông của Lê Văn Thảo). Ðiều tôi đọc thấy từ những dòng nhận xét trên, là dường như có sự lệch pha nào đó giữa đối tượng được định giá và hệ quy chiếu dùng để định giá đối tượng: thay vì dùng con dao, người ta lại dùng chiếc kim để giải phẫu!


3.

"Các thành viên trong Hội đồng đều nhất trí với nhau rằng, trong những năm vừa qua, nhà văn Hồ Anh Thái đã cố gắng tìm tòi một lối đi riêng trong phương pháp tiếp cận và phản ánh hiện thực". Ðó là sự xác nhận cho những nỗ lực nghệ thuật của Hồ Anh Thái, song chỉ là xác nhận trên những phương diện cục bộ và thuần tính kỹ thuật (phương pháp tiếp cận và phản ánh), vẫn còn nguyên đó cái khái niệm "hiện thực" chật hẹp và cổ lỗ, cái "hiện thực như nó vốn có" mà các tín đồ của chủ nghĩa hiện thực cổ điển vẫn tôn sùng! Và Hồ Anh Thái chẳng qua chỉ ghi điểm bằng việc bóc cái hiện thực ở điểm mà người khác chưa bóc, bóc bằng công cụ mà người khác chưa dùng. Nhưng thực chất - chỉ nói riêng trong trường hợp tác phẩm Cõi người rung chuông tận thế - Hồ Anh Thái đã thể hiện một quan niệm mới về hiện thực, đúng hơn, anh đã dựng lên một hiện thực mới, và không thể đo hiện thực ấy bằng hệ đơn vị đo lường của quan niệm hiện thực cũ. "Tôi quan niệm tiểu thuyết như một giấc mơ dài", Hồ Anh Thái đã nói thế (Báo Thể thao và Văn hoá ngày 23.8.2003). Ở đây ta bắt gặp một sự tương đồng (hoặc ảnh hưởng) giữa nhà văn Việt Nam và Milan Kundera, ông khổng lồ của tiểu thuyết thế giới đương đại, khi ông chỉ ra một trong bốn khả năng đi tiếp của tiểu thuyết: Tiếng gọi của những giấc mơ, "tiểu thuyết là nơi sự tưởng tượng có thể bùng nổ như trong một giấc mơ, và tiểu thuyết có thể vượt qua đòi hỏi trông chừng có vẻ tất yếu phải giống như thật" [1] . Hiện thực vốn "không bờ bến". Giấc mơ cũng là một kiểu hiện thực, và nó có quyền là hiện thực, ít nhất cũng không kém kiểu "hiện thực như nó vốn có" của chủ nghĩa hiện thực cổ điển. Trở lại với Cõi người... của Hồ Anh Thái. Ðây không phải là cuốn tiểu thuyết - tấm gương, không phản ánh "hiện thực như nó vốn có" và đem lại cho người đọc sự ảo tưởng về cái "giống như thật". Ðây là một hiện thực - giấc mơ, giấc mơ của Hồ Anh Thái về một nhân vật xưng Tôi sống giữa cõi nhân gian đầy hỗn loạn. Khởi điểm giấc mơ: Tôi chìm đắm trong đời sống bản năng, chìm đắm trong sự thù hận và cái ác. Kết thúc giấc mơ: Tôi thành tâm sám hối và chứng nghiệm cảm giác an lạc của kẻ đã tìm lại được chân tính thiện của mình. Có khởi điểm và có kết thúc thật đấy, nhưng vì là giấc mơ, nên quá trình từ khởi điểm đến kết thúc tuyệt nhiên không hề ngoan ngoãn vận hành theo những quy luật hợp lôgic của đời sống hữu thức. Con đường từ ác đến thiện của Tôi - con đường trong mơ - được đánh dấu bằng hàng loạt các sự kiện và hình ảnh biểu tượng phi thực nhất mà sự ngông cuồng của tưởng tượng trong mơ có thể đẻ ra: vũ điệu đốt vía tập thể ma mị của các cô gái bán dâm sau ghềnh đá, cái chết quái đản của bộ ba hung thần Cốc - Phũ - Bóp, người con gái có sứ mệnh tiêu diệt cái ác, cuộc trò chuyện rùng mình sởn gáy giữa đôi ngả âm dương... Bên cạnh đó, lại có cả những chi tiết lấy từ cái hiện thực sờ sờ đầy tính thời sự của đời sống đương thời mà ai cũng biết: tệ nạn mua bán dâm, tệ đua xe trái phép, hối lộ, quyền lực xã hội đen hoành hành, tình yêu riđô trong ký túc xá sinh viên, giải toả mặt bằng... Và tất cả những cái thực và phi thực ấy lại "hôn phối" với nhau theo cái cách bất chấp "lẽ phải". Nó khiến ta nhớ tới Milan Kundera khi ông để các nhân vật thuộc các thời đại lịch sử khác nhau, cùng nhau trò chuyện, cãi vã "mặt đối mặt". Nó khiến ta nhớ tới tác giả của Những vần thơ của quỷ Satăng khi hai nhân vật của ông vẫn hăng hái tranh luận triết học trong lúc đang rơi xuống từ vụ nổ máy bay. Nhưng giấc mơ là thế! Nó bóp méo tất cả, nó phóng đại tất cả, nó xáo trộn tất cả, nó cười vào mũi sự tỉnh táo có tư duy lôgic và những yêu cầu về sự hợp lý! Ai đã mơ (ai mà chẳng đã mơ) thì đều không lạ gì điều này. Nhưng Hồ Anh Thái lại không dựng lên một hiện thực - giấc mơ để chơi, mà anh nhằm vào "nội dung hướng thiện, chối bỏ cái ác". Có điều, nhẽ ra chỉ nên đọc ở giấc mơ sự xuất hiện trá hình của những ẩn ức bị dồn nén vào cõi vô thức (theo cách của các nhà phân tâm học), hoặc những nội dung điềm triệu (theo cách của các thầy bói), thì người ta lại cứ nhăm nhăm tìm sự hợp lý, để rồi kết luận rằng: Hồ Anh Thái "tỏ ra lúng túng trong việc sử lý mối quan hệ giữa cái thực và cái ảo"!


4.

"Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của anh bạo liệt, không phù hợp với sự tiếp nhận của phần đông công chúng yêu văn học Việt Nam". Tôi có cảm giác như là đang được nghe lời phán quyết của một pháp đình đạo đức dội xuống một tác giả văn chương. Nó khiến tôi nhớ đến Gustave Flaubert khi ông bị toà án Pháp thế kỷ 19 kết tội "làm hỏng thuần phong mỹ tục" bằng kiệt tác Bà Bôvary. Nó khiến tôi nhớ đến Song An Hoàng Ngọc Phách khi ông bị các nhà nho cuối mùa lên án là đã đầu độc thanh niên thói trăng hoa qua cuốn Tố Tâm. Khổ! Các ông có định tán tụng lối sống tiểu thị dân phù phiếm (Bà Bôvary) và quan hệ nam nữ ngoài lễ giáo (Tố Tâm) đâu. Các ông mô tả nó để chỉ ra nguyên nhân của cái kết cục bi thảm mà những kẻ nào sa chân vào nó tất phải gánh chịu. Trường hợp Hồ Anh Thái cũng thế. Anh đứng trên cỗ xe của cái ác, mô tả - thậm chí là thực tả - cái ác, chỉ là cách để khẳng định cái thiện và sự tất yếu phải vươn tới cái thiện. Anh không tìm hứng thú trong việc miêu tả cái ác, nhưng quả thật, nếu cái ác không được cực tả, không "bạo liệt", thì đâu có hồi chuông rung lên báo hiệu ngày tận thế cho cõi nhân gian - mà đây là luận đề thấy rất rõ trong tác phẩm!

Cũng có thể chữ "bạo liệt" ở đây phải được lý giải theo cách khác, cái cách mà Hồ Anh Thái không lảng tránh, cũng không "uyển ngữ" khi viết về tình dục, một vấn đề nhạy cảm, dễ khiến các nhà đạo đức và các công dân nghiêm nghị phải đỏ mặt. Nhưng cũng dễ nhận thấy, nhà văn mô tả tình dục không phải để phục vụ thị hiếu tầm thường. Ðọc cả cuốn tiểu thuyết, hầu như tất cả các pha ấy đều thuộc diện trường của cái ác, đều là hiện thân của đời sống thuần động vật, sa đoạ, quái đản của cái ác (chỉ duy nhất một ngoại lệ: cuộc làm tình bất thành giữa Mai Trừng và anh chàng Nam bộ tên Duy). Vả chăng, nếu chỉ là sự bạo liệt trong mô tả tình dục mà dẫn đến kết luận rằng, ngôn ngữ tiểu thuyết "không phù hợp với sự tiếp nhận của phần đông công chúng yêu văn học Việt Nam", thì tôi e hơi quá. Hãy thử đọc lại Trăm năm cô đơn của García Marquez xem: "bạo liệt" khủng khiếp, "bạo liệt" còn nhân đôi khi nó là quan hệ loạn luân! Ấy vậy mà tôi chưa được biết một độc giả Việt Nam nào lên tiếng phản đối. Phải chăng người Côlômbia được phép viết như thế, còn người Việt thì không? Hay cái oai của một tác giả đoạt giải Nôbel văn chương đã biến điều đó trở thành không còn gì để bàn cãi?


5.

Ðó là tất cả những gì tôi đọc được từ một giải thưởng văn học bất thành.



[1]Di sản bị mất giá của Cervantes, trang 23, Milan Kundera, tiểu luận. Nguyên Ngọc dịch. Nhà xuất bản Văn hoá thông tin 2001.
Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân, số ra ngày 8.3.2004