trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
29.4.2005
Lê Xuân Khoa
Tranh luận về tên gọi cuộc chiến 1955-1975
 1   2 
 
III.

Lê Xuân Khoa
Xuyên tạc sự thật hay phục hồi sự thật?

Ngày 15-03-2005, nhật báo Nhân Dân có đăng bài “Gọi tên cuộc chiến hay xuyên tạc sự thật?” của ông Nguyễn Hoà nhận xét về một bài viết của tôi đã được BBC đưa lên trang web của đài ngày 15-2-2005 dưới tựa đề “Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến?”. [1] Khác với một số ít người bảo thủ cực đoan ở trong nước cũng như ở bên Mỹ đã chỉ trích tôi bằng những lời lẽ có tính chất thoá mạ, chụp mũ, ông Nguyễn Hoà đã giữ được thái độ nghiêm chỉnh, lịch sự, mặc dù cũng có lúc ông đã chê trách tôi là “ngô nghê” hay ”khôi hài”. Tôi cám ơn ông Hòa về thái độ nghiêm chỉnh cần thiết trong khi tranh luận vì lẽ phải và sự thật, để cuối cùng nếu hai bên không đồng ý được với nhau thì vẫn có thể tôn trọng sự khác biệt, đúng với tinh thần thảo luận dân chủ “we agree to disagree” (đồng ý là chúng ta bất đồng ý với nhau).

Ông Nguyễn Hoà nhìn nhận tôi có thiện ý “nhắc lại quá khứ không phải nhằm khơi dậy lòng thù hận” mà để “rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai.” Nhưng ông khuyến cáo tôi phải “xem xét cẩn trọng” vì, theo ông, tôi đã phạm phải nhiều sai lầm về phương pháp học cũng như trong quan niệm về chính nghĩa của chiến tranh “chống Mỹ cứu nước.” Ông Hoà đã nêu lên ba sai lầm lớn trong bài viết của tôi:


1. Về tên gọi của cuộc chiến

Trong đoạn kết, tôi đề nghị “cuộc chiến này (1955-1975) nên được gọi đơn giản là ‘Chiến tranh Việt Nam’ với ý nghĩa khách quan phi chính trị là chiến tranh xảy ra trên đất nước Việt Nam” để cho các bên liên hệ có thể “vượt lên khỏi những ám ảnh tiêu cực của quá khứ và những cuộc tranh luận do tình cảm chủ quan.”

Ðề nghị này bị ông Nguyễn Hoà phê bình nghiêm khắc vì cho rằng tôi đã phạm phải hai sai lầm quan trọng: (a) tôi đã loại bỏ yếu tố chính trị ra khỏi cuộc chiến, tức là đã phủ nhận chính nghĩa của “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam” và thay thế vào đó bằng cách giải thích bản chất của cuộc chiến này là “nội chiến” đồng thời là “chiến tranh uỷ nhiệm”; và (b) tôi đã “khá ngô nghê” khi xác định rằng “Cuộc nội chiến vì lý tưởng khác biệt, cộng sản và không cộng sản, có mầm mống từ cuối thập kỷ 1920” với sự thành lập của Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Theo ông Nguyễn Hòa, tôi đã “đánh đồng mục tiêu mà Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông theo đuổi với bản chất ‘thừa hành’ của những người cầm quyền do người Pháp, và sau này là người Mỹ, dựng lên ở miền Nam Việt Nam.”

Về điểm (a), trước hết tôi cần phải nói ngay rằng mục đích chính và rõ rệt của tôi khi viết bài này vào dịp Tết là mong ước rằng chính quyền trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại, sau chiến tranh đã ba mươi năm, có thể “nhìn nhận nhau với những trao đổi bình đẳng hai chiều để cùng góp công xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ, hội nhập thành công vào cộng đồng thế giới và có đủ khả năng đối phó với những đe dọa mới từ phương Bắc.” Ðây cũng chính là điều mà các nhà lãnh đạo Ðảng và Nhà nước mong muốn từ nhiều năm nay nên đã luôn luôn kêu gọi mọi người hãy khép lại quá khứ, hướng về tương lai để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước. Muốn đạt được mục đích ấy thì cả hai bên – trước tiên là phe thắng trận – cần phải thực lòng hoà giải với nhau, nhìn nhận nhau và đối xử trong tinh thần bình đẳng. Kết quả này chỉ có thể đạt được nếu cả hai bên đều bình tâm ôn lại những bài học quá khứ, kiểm điểm không chỉ những thành tựu mà cả những sai lầm của mình vì lợi ích chung của dân tộc.

Trong lúc chiến tranh, nếu hai bên đối nghịch có gán cho nhau đủ mọi thứ lỗi lầm và tội ác thì cũng là điều dễ hiểu, nhưng khi cuộc chiến đã chấm dứt thì phe thắng trận không thể cứ tiếp tục thái độ tự tôn và khinh miệt đối với phe thất trận. Tôi không hề phủ nhận khả năng lãnh đạo, tổ chức, và chính nghĩa mà Mặt trận Việt Minh đã giành được trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954, cũng như tôi đã không bỏ qua những nhược điểm về tổ chức và lãnh đạo của các lãnh tụ quốc gia, cùng với sự phản bội của đồng minh, đã khiến cho họ phải thất bại. Nhưng nhất định không thể vì những nhược điểm ấy mà khẳng định rằng những người không theo hay đối lập với Ðảng Cộng sản đều không yêu nước, thậm chí là “Việt gian phản quốc”. Cứ tiếp tục khẳng định như thế mới chính là “tuyên truyền một chiều”, “xuyên tạc lịch sử” và “độc quyền yêu nước”.

Không thể nói rằng những người có lập trường chính trị không cộng sản không phải là những người yêu nước. Những trí thức Tây học như Nguyễn An Ninh, Bùi Quang Chiêu, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn Tường Tam, dù đường lối chính trị có khác nhau, cũng đều là những người đã chống thực dân Pháp kịch liệt. Tuy nhiên, trong quá khứ đã có nhiều nhà cách mạng và chính trị gia không cộng sản hay thuộc phe đệ tứ quốc tế bị sát hại do chính sách “tiên hạ thủ vi cường” của Việt Minh, nhất là trong chiến dịch truy diệt đảng phái quốc gia tháng Năm–tháng Mười năm 1946. Cứ thực tình mà nói, ngay cả những nhà cách mạng tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, giả thử còn sống cho đến khi Ðảng Cộng sản chính thức cầm quyền thì số phận của các cụ chắc hẳn đã đổi khác và khó lòng được đặt tên cho các đường phố ở Việt Nam.

Trong cuộc chiến 1955-1975, một lần nữa Ðảng Cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ khả năng tổ chức và lãnh đạo giỏi trên cả hai mặt trận tuyên truyền và quân sự. Do chính sách sai lầm của Mỹ, do quan niệm trị nước phong kiến của Ngô Ðình Diệm và sự tồi tệ của những chính quyền quân phiệt kế tiếp, quân và dân miền Bắc đã tin tưởng ở nghĩa vụ “giải phóng đồng bào miền Nam khỏi vòng kìm kẹp của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai” và chấp nhận mọi hi sinh gian khổ để “chống Mỹ cứu nước”. Cuộc “Mỹ hoá chiến tranh” với hàng triệu tấn bom và hỏa lực khủng khiếp trong những cuộc oanh tạc miền Bắc và hành quân lùng và diệt địch tại chiến trường miền Nam đã chỉ làm gia tăng niềm phẫn nộ của dân chúng toàn miền Bắc và làm mất lòng người trong những vùng bị càn quét ở miền Nam.

Tuy nhiên, không thể vì những nhược điểm lãnh đạo của Ngô Ðình Diệm hay tham vọng chính trị của một số tướng lãnh miền Nam mà kết luận rằng toàn thể chế độ Việt Nam Cộng Hòa là “bù nhìn” hoặc “tay sai của đế quốc Mỹ.” Cần phải nhìn nhận rằng Ngô Ðình Diệm, khi mới lên cầm quyền, đã ổn định được tình trạng hỗn loạn năm 1955 và được nhân dân miền Nam tin tưởng vì đức tính thanh liêm và các thành tích yêu nước của ông từ thời Pháp thuộc. Chỉ đến khi củng cố chế độ độc tài gia đình trị theo quan niệm “dân chi phụ mẫu”, ông mới gây nên luồng sóng bất mãn trong dân chúng đưa đến những mưu toan đảo chánh mà kết cuộc là ông bị thảm sát năm 1963. Ngoài ra, Ngô Ðình Diệm luôn luôn giữ tinh thần độc lập, không chịu nhượng bộ trước mọi áp lực của Hoa Kỳ, thậm chí có nhà ngoại giao Mỹ đã nhận xét về nhãn hiệu “bù nhìn” mà phía cộng sản đã gán cho ông: “(Ông Diệm) là một bù nhìn tự giật giây lấy và giật giây luôn cả chúng ta (Mỹ) nữa.” [2] Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã xác nhận rằng nhà lãnh đạo miền Nam khi ấy là “một người yêu nước theo cách của ông ta” và “với cá tính độc lập, Ngô Ðình Diệm rất khó hợp tác với Mỹ vì Mỹ muốn kiểm soát mọi chuyện.” [3]

Sau Ngô Ðình Diệm là một chuỗi chính quyền quân phiệt do một số tướng lãnh chỉ lo tranh giành quyền lãnh đạo chính trị hơn là chỉ huy quân sự khiến cho Hoa Kỳ phải đem quân chiến đấu vào “Mỹ hoá” cuộc chiến, để rồi khi Mỹ rút quân về nước và cắt viện trợ thì sự sụp đổ của miền Nam sẽ phải là hậu quả tất nhiên không thể tránh được. Nhiều binh chủng thiện chiến bị tan rã, các tướng tá ngoài mặt trận bị cắt phương tiện chiến đấu và quyền quyết định nên trước tình thế tuyệt vọng nhiều người đã tự chọn cái chết thay vì đầu hàng hay bị bắt. Ngay cả những tướng lãnh ham làm chính trị cũng không phải là những kẻ chỉ biết phục tùng mệnh lệnh của Mỹ. Tham quyền cố vị như Nguyễn Văn Thiệu cũng đã làm cho Nixon và Kissinger phải điên đầu trước khi không còn sự lựa chọn nào khác hơn là chấp thuận bản Hiệp định Paris để đổi lấy những lời cam kết của Nixon sẽ “tiếp tục hỗ trợ đầy đủ nhất, cả về kinh tế lẫn quân sự phù hợp với những điều khoản về ngưng chiến của bản hiệp định này”, và nhất là “Tôi tuyệt đối đoan chắc với Ngài là nếu Hà Nội không tôn trọng những điều thoả thuận thì tôi sẽ quyết định hành động trả đũa nghiêm khắc và mau chóng.” [4]

Ngoài ra cũng cần phân biệt nhân sự lãnh đạo với cấu trúc chính trị của chế độ. Dù cá nhân lãnh đạo miền Nam có thể bị chỉ trích vì lạm dụng quyền hành, cấu trúc chính trị của Việt Nam Cộng Hòa là một mô hình dân chủ tam quyền phân lập có giá trị mà nếu được thi hành đúng đắn thì chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc và tiến bộ cho dân tộc. Ngay trong thời chiến tranh và lãnh đạo lạm quyền, ngưòi dân miền Nam cũng đã được hưởng các quyền tự do căn bản ở mức độ đáng kể như tự do tín ngưỡng, báo chí, kinh doanh, lập hội, biểu tình. Nước Nga ngày nay, dù lãnh đạo vẫn còn khuynh hướng độc đoán, đã thiết lập được một cấu trúc chính trị tương tự như miền Nam Việt Nam thời trước.

Trong bài viết về tên gọi cuộc chiến, tôi đã xác nhận “lý do chính đáng để gọi giai đoạn Mỹ hoá chiến tranh (1965-1972) là Chiến tranh của Mỹ (American War). Nhưng ngoài thời gian bảy năm có sự can thiệp trực tiếp từ bên ngoài, cuộc chiến hai mươi năm vẫn là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn vì những lý tưởng chính trị khác nhau, một bên là những người tin tưởng ở một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình đẳng do chủ nghĩa cộng sản đem lại cho toàn thể nhân dân, và một bên là nhừng người chọn lựa một xã hội dân chủ tư sản trong đó người dân có nhiều quyền tự do và cơ hội phát triển đời sống cá nhân. Từ những lý tưởng đối lập đó, cả hai bên đã bị những đồng minh khổng lồ sử dụng trong cuộc tranh giành vai trò lãnh đạo quốc tế được gọi tên là Chiến tranh Lạnh. Cuộc nội chiến do đó cũng là chiến tranh ủy nhiệm. Tôi không thấy cần phải nói gì hơn về chiến tranh ủy nhiệm vì trong bài “Gọi tên gì cho cuộc chiến” và nhất là trong cuốn Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử, tôi đã chứng minh tính chất này qua những áp lực của các “nước bạn” mà mỗi bên đã phải chịu đựng trong suốt hai cuộc chiến kéo dài ba mươi năm (1945-1975).

Về điểm (b), tôi không thấy tôi sai lầm khi nhắc đến lai lịch cuộc nội chiến, có “mầm mống” từ những cương lĩnh khác nhau giữa Việt Nam Quốc Dân Ðảng của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Cộng Sản Ðảng của Hồ Chí Minh, qua những hoạt động cạnh tranh giữa các lãnh tụ quốc gia và cộng sản trong những ngày lưu vong ở Trung Hoa, cho đến những cuộc thanh toán đẫm máu năm 1946. Viết như thế, tôi không thấy tôi đã “xúc phạm vong linh của tiền nhân” vì những nhà cách mạng không cộng sản như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam đều là những người yêu nước chân chính, dù họ đã thất bại. Những lãnh tụ chính trị hay tôn giáo đã bị Việt Minh thủ tiêu như Trương Tử Anh, Lý Ðông A, Hồ Văn Ngà, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Phú Sổ, Trần Quang Vinh đều là những người yêu nước chống Pháp. Tiếp đến là những chính trị gia thời Việt Nam Cộng Hòa như Ngô Ðình Diệm, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Tiến Hỷ, Trần Văn Tuyên (ba người sau này chết trong trại tù cải tạo,) dù đường lối chính trị có thể khác nhau, nhưng nhất định không thể bảo là những kẻ “thừa hành” hay là “tay sai của đế quốc Mỹ.”


2. Về ý thức hệ quốc gia

Ông Nguyễn Hòa khẳng định rằng, từ đầu thế kỷ 20, người Việt Nam đã yêu nước bằng những con đường khác nhau “nhưng cuối cùng, sự lựa chọn duy nhất đúng chỉ có được với sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh.” Ông đã nêu ra giả thuyết là nếu Pháp không quay trở lại xâm lược Việt Nam thì “với chính quyền nhân dân đã được thành lập trên cả nước vào cuối năm 1945… chúng ta hoàn toàn có thể chung tay xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.”

Từ lý luận đó, ông cho rằng các chính quyền Quốc Gia Việt Nam thời 1945-1954 cũng như chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thời 1955-1975 chỉ là những “công cụ thừa hành” của Pháp rồi sau đó là của Mỹ, “không có một định hướng chính trị cụ thể” vì thế “sẽ là hài hước nếu cho rằng chính quyền thừa hành nói trên lại được xây dựng trên cơ sở một ‘ý thức hệ’.”

Trước hết, cần nhận xét về lai lịch và bản chất của những chính quyền quốc gia trong giai đoạn chiến tranh 1945-1954. Khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ trên toàn quốc vào cuối năm 1946 [5] thì các lực luợng đảng phái quốc gia đã bị tiêu diệt gần hết. Các lãnh tụ và đảng viên còn sống sót của Quốc Dân Ðảng hay Cách Mệnh Ðồng Minh Hội đều đã phải chạy sang Tàu hay lẩn sâu trốn kỹ. Vì được Mỹ giao cho nhiệm vụ ngăn chặn Cộng sản ở Á châu, Pháp phải điều đình với Bảo Ðại để thành lập một chính quyền quốc gia với lời hứa hẹn trao trả độc lập cho một nước Việt Nam không cộng sản. Do Hiệp Ðịnh Hạ Long năm 1948, chính phủ Quốc Gia Việt Nam đầu tiên được ra đời. Một số chính khách vì tin tưởng ở sự ủng hộ của Hoa Kỳ sau lưng Pháp nên nhận lời tham gia chính phủ. Ðây chỉ là sự hợp tác chẳng đặng đừng của những người bị thất thế, lại bị lẫn lộn với những phần tử hoàn toàn thân Pháp nên không lôi cuốn được sự ủng hộ của nhân dân. Thái độ ngoan cố và giả dối của Pháp đã phá hoại cơ hội gây dựng tín nhiệm của tất cả các chính phủ hợp tác với Pháp chống Việt Minh. Mãi đến ngày 4 tháng Sáu, chỉ hơn một tháng trước ngày ký hiệp định Genève, khi biết rằng đằng nào cũng phải ra đi, Pháp mới chịu trao trả độc lập hoàn toàn cho Quốc Gia Việt Nam, qua hiệp ước Daniel–Bửu Lộc.
Các chính phủ quốc gia thời Bảo Ðại, dù có những khuôn mặt thân Pháp như Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, đều có những nỗ lực đòi Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam. Tuy nhiên, do những lỗi lầm của Pháp, họ không đạt được kết quả mong muốn và công cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Pháp đến thắng lợi là hoàn toàn do Việt Minh lãnh đạo. Bởi thế, tôi đã nêu ý kiến là cuộc chiến 1945-1954 có thể gọi bằng nhiều tên khác nhau: chiến tranh giành độc lập, chiến tranh chống đế quốc Pháp, hay ngắn gọn hơn, chiến tranh Việt–Pháp. Quốc Gia Việt Nam của Bảo Ðại dù sao cũng chưa phải là một thực thể độc lập và đã bị gắn liền với vai trò của Pháp nên không đáng được nhắc tới.
Tuy nhiên, sau khi đất nước đã bị chia đôi và miền Nam đã hoàn toàn độc lập từ 1955 dưới danh hiệu Việt Nam Cộng Hoà thì đây là một thực thể độc lập về chính trị, quân sự và ngoại giao, hiện diện trong mọi sinh hoạt của cộng đồng quốc tế, đối lập với thực thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở miền Bắc. Nếu chính sách của Mỹ không phạm phải sai lầm, nếu đường lối cai trị của Ngô Ðình Diệm không trở thành độc đoán thì Việt Nam Cộng Hoà đã có triển vọng trở thành giàu mạnh không thua kém gì Ðại Hàn ngày nay.

Về mặt ý thức hệ, nếu hiểu sát nghĩa là một hệ tư tưởng chính trị toàn diện với cơ sở lý luận đặc thù và những giáo điều soi sáng cho hành động của đảng viên như chủ nghĩa Mác-xít và Cộng sản quốc tế thì đúng là phe quốc gia Việt Nam không có một hệ tư tưởng nào có tầm vóc tương đương. Ngoại trừ các tôn giáo lớn với kinh điển của những vị giáo chủ được mặc khải hay tự giác và một số lý thuyết về dân tộc chủ nghĩa của một số lãnh tụ quốc gia, khi nói về ý thức hệ của những người Việt Nam không cộng sản thì tức là nói về những quan điểm chính trị đa nguyên nhưng đều lập cước trên những nguyên tắc căn bản về dân tộc, dân quyền và dân sinh, chú trọng vào công cuộc phát triển cá nhân để cùng đóng góp vào tiến bộ chung của xã hội. Hiểu như vậy thì tất cả những công dân trong một quốc gia không cộng sản đều có ý thức hoặc được giáo dục về quyền lợi và bổn phận của mình, và những người cầm quyền đều phải có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đạt được các nguyện vọng chính đáng của họ. Lãnh đạo mà đi ngược với nguyện vọng của nhân dân thì sớm muộn gì cũng sẽ bị thay thế hay lật đổ. Các biến cố lịch sử mấy chục năm về trước đã cho thấy các chính quyền miền Nam không phải là những “pho tượng đất được thổi linh hồn” như ông Nguyễn Hoà đã mô tả mà chính là những con người thật có ý thức đã phải đối phó rất vất vả—và có khi phải thiệt mạng—khi có những quyết định trái ngược với nguyện vọng của nhân dân.

Trở lại điều khẳng định của ông Nguyễn Hoà là “sự lựa chọn duy nhất đúng” của người dân Việt Nam là “Ðảng Cộng sản Việt Nam và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhận xét của tôi là điều khẳng định này chỉ đúng có một phần rất nhỏ. Trước hết, Ðảng Cộng sản Ðông Dương [6] đã tự giải tán từ tháng Mười Một 1945 cho đến khi tái xuất hiện năm 1951 với tên mới là Ðảng Lao Ðộng Việt Nam, sau khi Mao Trạch Ðông đã thống nhất được Trung Quốc và trở thành “hậu phương lớn” của đồng minh Cộng sản Việt Nam. Nhân dân Việt Nam chưa khi nào có cơ hội lựa chọn giữa Ðảng Cộng sản và các đảng khác để có thể nói rằng đây là sự lựa chọn “duy nhất đúng”. Tổ chức chính thức qui tụ được các đoàn thể nhân dân từ Cách Mạng tháng Tám 1945 và điều động cuộc kháng chiến cho đến 1954 là Mặt trận Việt Minh, và trong suốt thời gian đó Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh luôn luôn nêu cao chính nghĩa “toàn dân kháng chiến chống Pháp giành độc lập”, không bao giờ tuyên bố chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản hay kêu gọi nhân dân theo Ðảng Cộng sản. Nói cách khác, hầu hết những người đi theo Việt Minh đều do lòng yêu nước chứ không phải vì ý thức hệ mác-xít. Chủ tịch Hồ Chí Minh được đa số biết đến và tin tưởng dưới hình ảnh của một nhà cách mạng vì dân tộc chứ không phải với tư cách một lãnh tụ cộng sản.

Ông Nguyễn Hòa có nêu lên một giả định lịch sử là nếu Pháp không trở lại Việt Nam năm 1945 thì sau khi chính quyền nhân dân đã thành lập trên toàn quốc, “chúng ta hoàn toàn có thể chung tay xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.” Ðiều này không có gì đảm bảo vì lịch sử đương đại đã chứng minh là không có một nước cộng sản nào có thể làm cho dân giàu nước mạnh trừ khi chấp nhận kinh tế thị trường và thực hiện “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.” Trên kia, tôi cũng đã đưa ra một giả định lịch sử có tính hiện thực hơn là nếu Ngô Ðình Diệm không lãnh đạo sai lầm thì miền Nam Việt Nam đã có thể trở thành một con rồng nhỏ ở Á châu như trường hợp một nửa phía Nam của Hàn quốc.


3. Về chiến tranh ủy nhiệm

Ở đây, ông Nguyễn Hoà trở lại điểm số 1 để phản bác nhận xét của tôi trong cuốn sách Việt Nam 1945-1995 (tập I) mà ông cho là “khôi hài” khi tôi viết: “Cuộc chiến hai mươi năm ở Việt Nam vừa là nội chiến vừa là chiến tranh ủy nhiệm mà rốt cuộc là ‘tất cả mọi phe đều thua’.”

Ông Hòa buộc tội tôi đã coi “nền độc lập và sự kiện sau ba mươi năm giang sơn thống nhất về một mối” là “một sự thất bại” và đặt câu hỏi: “phải chăng giáo sư lại mong muốn Tổ quốc Việt Nam – nơi ông đã sinh ra, lại mãi mãi bị chia cắt, mãi mãi phải quằn quại dưới gót giày ngoại bang?”

Ông Hoà giải thích: “sự ủng hộ rộng rãi về tinh thần, sự giúp đỡ to lớn về vật chất của khối xã hội chủ nghĩa mà chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc… chính là sức mạnh vật chất–tinh thần của phong trào giải phóng dân tộc chân chính dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.” Sau đó, ông cũng cho thấy “hơn 200 tỷ USD (theo thời giá hiện tại là hơn 600 tỷ USD) mà người Mỹ đã chi phí để nuôi sống bộ máy chính quyền cùng quân đội tay sai trong hơn 20 năm là một con số vượt trội gấp nhiều lần so với viện trợ mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, cùng đồng bào yêu nước ở hai miền nam-bắc nhận được trong những năm chiến tranh”. Về điểm này, tôi lại phải nói ngay rằng chi phí của Mỹ cho chiến tranh Việt Nam bao gồm cả những chi phí cho quân đội Mỹ đánh trận theo kiểu nhà giàu, [7] tốn kém phí phạm gấp nhiều lần so với số viện trợ cho quân đội và dân chúng miền nam. Ngoài ra, “sự giúp đỡ to lớn” của Liên Xô và Trung Quốc không phải là không kèm theo những áp lực đòi Ðảng Cộng sản Việt Nam phải thi hành, và khi thấy Việt Nam không còn có lợi ích cho quốc gia họ thì họ không ngần ngại bỏ rơi. Những nỗi đắng cay trong quan hệ với các “nước bạn” đã được tiết lộ bởi Tổng Bí thư Lê Duẩn trong những buổi nói chuyện với các đồng chí Bộ Chính trị, bởi các nhà ngoại giao Hà Nội trong những phiên họp hậu chiến với Mỹ từ 1995 đến 1998, và cuốn Sách trắng nhan đề Sự thật về Quan hệ Việt Nam–Trung Quốc trong 30 năm qua của Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam công bố ngày 4 tháng Mười năm 1979.

Khi đọc bài “gọi tên cuộc chiến” của tôi, ông Nguyễn Hòa không thể không để ý đến câu tôi viết: “Lịch sử Việt Nam là một thiên hùng sử của một dân tộc hàng ngàn năm tranh đấu chống ngoại xâm và bảo vệ độc lập cho tổ quốc” và việc tôi nhấn mạnh đến nhu cầu hòa giải và “đoàn kết dân tộc để có đủ khả năng đối phó với những đe dọa mới từ phương bắc”. Như vậy, làm sao mà tôi lại có thể là con người “mong muốn Tổ quốc Việt Nam… mãi mãi bị chia cắt, mãi mãi phải quằn quại dưới gót giày ngoại bang?” Khi đọc cuốn sách đã dẫn trên của tôi, ông Hoà hẳn cũng nhận thấy rằng khi nói về chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tôi đã nêu lên ba nguyên nhân chính: (1) viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc, (2) lãnh đạo giỏi của Ðảng Cộng sản Việt Nam với sự cố vấn của Trung Quốc, và (3) tinh thần chiến đấu dũng cảm cùng với sức chịu đựng phi thường của quân đội và dân công Việt Nam.

Ngoài việc phê phán tôi xuyên tạc lý tưởng của những người đã “hy sinh thân mình cho sự thống nhất của Tổ quốc”, ông Hoà còn không chấp nhận ý kiến của tôi là “không phải chỉ có kẻ thắng trận mới là người yêu nước.” Ông dứt khoát phủ nhận lòng yêu nước của những người đối lập với chủ nghĩa cộng sản và buộc tội họ là những kẻ phản quốc. Ông kết án tôi “đã xoá nhoà ranh giới giữa lòng yêu nước chân chính của nhân dân ta với những kẻ đã bán rẻ đất nước, phục vụ quyền lợi và mưu đồ của ngoại bang.” Tôi thấy không cần phải thêm vào những điều tôi đã trả lời rất rõ ràng trong hai vấn đề 1 và 2 trên đây cũng như trong cuốn sách của tôi về lòng yêu nước và lý tưởng tự do dân chủ của những người không cộng sản.

Stanley Karnow, tác giả cuốn VIETNAM: A History được đánh giá cao ở Việt Nam, đã đặt tên cho chương sách đầu tiên của ông là “Cuộc chiến không ai thắng” vì theo ông, đây là “cuộc chiến tranh giữa các nạn nhân”. Nhận xét ấy đã gợi ý cho tôi suy nghĩ thêm và kết luận đây là “cuộc chiến mà mọi phe đều thua.” Như đã chứng minh ở trên, tôi không hề phủ nhận tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội cộng sản và lòng hi sinh vô bờ của nhân dân miền Bắc, nhưng tôi không thể không nhắc đến cái giá quá đắt về tài sản và nhân mạng và những tác hại lâu dài của một cuộc chiến lẽ ra không cần thiết hoặc có thể đã được chấm dứt sớm hơn nhiều. Chỉ riêng sự kiện Ðảng Cộng sản đã quyết định thực hiện tiến trình “đổi mới” từ ngót hai chục năm nay và đang cố gắng đáp ứng điều kiện của các nước để có thể gia nhập “Tổ chức Thương mại Thế giới” (WTO) cũng đủ cho thấy một thực tế là Nhà nước đang từ bỏ nền kinh tế tập trung để quay trở lại nền kinh tế thị truờng. Tôi chợt nhớ đã được đọc ở đâu đó một định nghĩa thật gọn gàng và chính xác: “Chủ nghĩa cộng sản là một chu trình lâu dài và đẫm máu từ chủ nghĩa tư bản đến… chủ nghĩa tư bản.”

Ðể tổng kết, ông Nguyễn Hòa đã khuyến cáo rằng điều tôi mong muốn về sự nhìn nhận và trao đổi bình đẳng hai chiều chỉ có giá trị nếu kết quả nghiên cứu của tôi “xuất phát từ một phương pháp luận khoa học, tôn trọng sự thật, với những khảo chứng khách quan, lịch sử, cụ thể, toàn diện… Còn nếu không, nghiên cứu đó xét đến cùng, sẽ chỉ là lẩn tránh, xuyên tạc sự thật, biện hộ cho các luận điệu của những kẻ đã và đang rắp tâm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phá hoại quá trình hòa hợp của người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước”.

Thật là một lời cảnh cáo nghiêm khắc và một lời buộc tội nặng nề. Tôi hi vọng khi đọc hết bài trả lời này, ông Nguyễn Hòa sẽ đồng ý rằng tôi không chỉ là một kẻ có thiện chí muốn vận động cho mục tiêu hoà giải và đoàn kết dân tộc để cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ mà còn là một người nghiên cứu khách quan, khoa học, tôn trọng sự thật. Nếu ông Hoà thật sự tán thành ý kiến của tôi là “đã đến lúc chính quyền trong nước và cộng đồng hải ngoại cần phải nhìn nhận nhau với những trao đổi hai chiều” thì ông không thể cứ tiếp tục bảo vệ thái độ tự tôn của kẻ thắng trận và chủ trương chỉ có người cộng sản là yêu nước. Thật là vừa ngô nghê vừa khôi hài nếu bảo rằng một người đã giảng dạy trên hai mươi năm ở nhiều đại học và đã điều hành nhiều chương trình giúp đỡ nhân đạo ở Việt Nam từ mười mấy năm nay, là một kẻ làm việc thiếu phương pháp nghiên cứu khoa học, lẩn tránh, xuyên tạc sự thật và biện hộ cho những kẻ đang rắp tâm chia rẽ dân tộc.

Ôn lại quá khứ và phục hồi sự thật lịch sử sẽ không khỏi làm phật lòng những người có trách nhiệm hay làm buồn lòng những người liên hệ. Nhưng sự thật lịch sử, kể cả những sai lầm khó tránh trong những tình huống đặc biệt, sẽ không thể che giấu mãi được. Vả lại, phục hồi sự thật lịch sử không phải để khơi lại lòng thù hận mà để cùng nhau rút ra những bài học quá khứ để làm tốt cho tương lai. Nhìn nhận những sai lầm đã qua sẽ chứng tỏ tư cách chân chính của người lãnh đạo. Hầu hết những người có trách nhiệm đều đã khuất, những người lãnh đạo hiện tại càng dễ vượt lên khỏi những ràng buộc của quá khứ để thực hiện đại đoàn kết dân tộc bằng những hành động hoà giải và hợp tác bình đẳng hai chiều để cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và dân chủ. Ðể có thể “khép lại quá khứ, hướng về tương lai”, hãy trả lại những tên gọi “chiến tranh chống Mỹ–Ngụy” và “chiến tranh chống Cộng sản” cho quá khứ huynh đệ tương tàn. Chỉ như vậy mới có thể xóa bỏ được hận thù, tạo điều kiện cho những đóng góp to lớn và có kế hoạch, về tài chánh cũng như chất xám, của ba triệu người Việt Nam từ những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới ngày nay.

Rốt cuộc, vấn đề chính vẫn là có hay không những người thật tâm nghĩ đến lợi ích chung của đất nước và dân tộc?

Maryland, 1 tháng Tư 2005

© 2005 talawas


[1]Bài này được viết dưới tựa đề “Tranh luận về tên của cuộc chiến” đăng trong số Xuân Ất Dậu của tạp chí Nhịp Sống do một nhóm bạn trẻ vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ chủ trương. BBC xin phép tôi cho đưa bài này lên trang web của đài và được tôi đồng ý, không phải như có người đã viết là tôi “xin” đài BBC để được đăng. Khi đăng bài này, BBC đã bỏ mất phần chú thích quan trọng. Ðộc giả muốn có bài với đầy đủ chú thích xin viết e-mail cho tôi về địa chỉ : lxkhoa@hotmail.com
[2] Stanley Karnow, Vietnam: A History (New York : Viking, 1991), tr. 251.
[3]Lời kể lại của Ramchundur Goburdhun, Chủ tịch Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Ðình chiến, được Ellen J. Hammer dẫn trong A Death in November (New York: E.P. Dutton, 1987), tr. 222.
[4]Thư của Richard M. Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 16-10-1972 và ngày 15-11-1972.
[5]Cuộc chiến tranh chống Pháp trên toàn quốc chính thức ngày 19-12-1946, nhưng cuộc kháng chiến đã diễn ra ở miền Nam từ tháng Chín 1945.
[6]Chỉ tám tháng sau ngày thành lập (tháng Hai 1930) Ðảng Cộng sản Việt Nam đã phải lấy lại tên cũ là Ðảng Cộng sản Ðông Dương, do chỉ thị của Comintern, để phù hợp với mục tiêu quốc tế đấu tranh giai cấp hơn là mục tiêu độc lập dân tộc.
[7]Chẳng hạn “cứ 4 lính Mỹ chiến đấu thì có 5 người phục vụ ở hậu tuyến kể cả những người làm bếp, làm cà-rem, nhân viên làm việc ở các trung tâm giải trí và kho hàng PX.” Tướng Westmoreland xác nhận “hầu hết các binh sĩ của chúng ta đều có những bữa ăn nóng ngay cả ở trong rừng” (Jack Anderson, báo The Washington Post, 21-7-1967).