trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
5.9.2005
Lý Quí Chung
Hồi ký không tên
15 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
4. Người vợ từ thuở sinh viên

Không thể kéo dài tình hình này, nửa đêm một ngày cuối năm 1964 tôi lén đưa vợ con rời khỏi nhà cha mẹ, sang Tân Định tạm ở chung với mẹ vợ trong khi chờ thuê một nơi nào đó.

Nơi cuối cùng hai vợ chồng tôi thuê được là một căn phòng nhỏ khoảng 12 mét vuông, trong một căn nhà có một gác gỗ xóm lao động Cầu Phong (Tân Định). Căn nhà này nằm sát kinh Nhiêu Lộc nước đen ngòm, bùn lầy, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Khi mới đến nơi này, tôi không tưởng tượng được rằng mình có thể ở lại đây.

Nhưng vợ chồng tôi không có lựa chọn nào khác vì thu nhập của tôi ở báo Bình Minh đột ngột bị cắt phân nửa. Từ 16 trang, báo rút xuống còn 8 trang do số phát hành sụt giảm, tiền lương của nhân viên cũng bị giảm theo. Nhưng kể cũng lạ, khi đã sống được ở nơi này rồi thì không còn nghe thấy mùi hôi thối nữa. Cái mũi con người ta luôn phải thích nghi với môi trường sống một cách tài tình.

Thời điểm này tôi rất khó khăn về tiền bạc. Có hôm, tiền đi xe ô-tô-buýt cũng không có, tôi phải thập thò ở đầu cầu thang gỗ năn nỉ mượn tiền cô con gái nhỏ của bà chủ nhà. Đứa con thứ hai của chúng tôi sinh ra (Lý Quí Dũng) bị suy dinh dưỡng. Một lần nó bị bệnh nặng nhưng trong nhà không có tiền đi bác sĩ. May mắn hôm đó một người bạn gái thân của vợ tôi tình cờ đến thăm và đem cầm sợi dây chuyền đang đeo để cho vợ chồng tôi mượn.

Có lúc tôi có ý định đưa vợ con trở về nhà cha mẹ vì thấy vợ con cực khổ quá nhưng vợ tôi cương quyết không chịu, nhất định tạo dựng cho được cuộc sống tự lập. Quỳnh Nga (tên vợ tôi) không hề than van cuộc sống khó khăn và đồng lương ít ỏi của chồng. Yêu nhau năm tôi còn học ban Philo ở trường Jean Jacques Rousseau, tức chưa đậu Tú tài 2 và lấy nhau khi tôi chưa có một nghề ngỗng gì, rõ ràng nàng chuẩn bị tinh thần để đối đầu trước cuộc sống đầy khó khăn khi chọn tôi làm chồng.

… Tôi gặp Quỳnh Nga lần đầu khi đi xem cuộc đấu bóng bàn quốc tế tại Nhà Kiếng, lúc đó là trụ sở của Tổng liên đoàn Lao công (tổ chức công nhân của chế độ Sài Gòn) trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Buổi tối đó có mặt Quỳnh Nga là cháu của nhà vô địch Mai Văn Hòa (gọi Mai Văn Hòa bằng chú). Khi gia đình của Quỳnh Nga còn ở Kompong Cham, Mai Văn Hòa được cha của Quỳnh Nga nuôi ăn học và tập đánh bóng bàn. Trước khi trở thành vô địch miền Nam, Mai Văn Hòa đã từng vô địch Nam Vang (Campuchia). Trong buổi xem bóng bàn tại nhà Kiếng, tôi đi chung với một người bạn cùng lớp và chính người bạn này đầu tiên tìm cách làm quen với Quỳnh Nga, chứ không phải tôi, mặc dù trong lòng tôi cũng rất muốn được làm quen nàng. Không có tiền nhiều trong túi, không có ô tô như thằng bạn, tôi tự thấy mình thua trước trong cuộc chạy đua này. Quỳnh Nga không có sắc đẹp kiểu rực rỡ, thu hút ngay ở cái nhìn đầu tiên, mà nàng đẹp một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Sau vài lần đi theo người bạn sang chơi bên nhà của Quỳnh Nga ở quận Tư, tôi càng mến nàng, nhất là ở tánh tình rất giản dị và thẳng thắn của nàng. Sự phô trương của người bạn tôi, con trai một của một gia đình giàu có ở Sài Gòn – mỗi lần đến nhà Quỳnh Nga đều tự lái xe hơi hiệu Mercedes, sẵn sàng tặng nàng những món quà đắt tiền như nhẫn hạt xoàn – vẫn không “lung lạc” được Quỳnh Nga. Nàng dứt khoát từ chối các món quà bất thường của bạn tôi. Thái độ ấy của nàng càng làm rung động con tim tôi.

Lần đầu tôi “bạo gan” mời Quỳnh Nga đi xem chiếu bóng ở rạp Majestic trên đường Catinat (bây giờ là Đồng Khởi), trong túi tôi chỉ đủ tiền xe taxi và tiền mua hai chiếc vé. Cha mẹ tôi thuộc gia đình khá giả nhưng ông bà rất khắt khe trong việc cho tiền con cái. Sau này khi đã yêu nhau, tôi có kể lại cho Quỳnh Nga nghe về “tình hình tài chính” của tôi ở buổi đi chơi lần đầu tiên ấy. Nàng cười và nói với tôi: “Trong đầu em lúc đó cũng có thoáng qua thắc mắc sao anh ấy không mời mình đi uống nước hay ăn kem sau khi xem chiếu bóng nhỉ?”. Khi đã thành vợ chồng rồi, vợ tôi mới biết vào thời điểm mới quen nhau, trước mỗi tối đi chơi và mời nàng ăn nhà hàng, tôi đều lén lấy trong tủ rượu của cha tôi một chai rượu ngoại rồi đem bán ở Chợ Cũ. Tủ rượu của cha tôi vơi đi hai phần ba thì cũng vừa lúc tôi và Quỳnh Nga trở thành chồng vợ!

Con đường đi đến chồng vợ của chúng tôi thật vô cùng gay go. Ban đầu, cả mẹ của Quỳnh Nga và cha mẹ tôi đều chống đối, mỗi bên có lý do khác nhau. Lý do về phía cha mẹ tôi trước hết là vấn đề môn đăng hộ đối, thêm nữa ông bà không muốn con mình lấy vợ quá sớm không tập trung vào việc học hành. Với riêng mẹ tôi, việc bà mất quyền chọn cô dâu đầu tiên là cả một sự thất vọng và đau khổ. Còn về phía mẹ của Quỳnh Nga, làm sao bà vui vẻ được khi người con trai muốn làm rể của bà chưa có nghề ngỗng gì. Vả lại bà cũng không biết rõ gia thế chàng rể như thế nào, ngoại trừ nghe phong thanh cha mẹ cậu ta nhất quyết không chịu chấp nhận con gái mình làm dâu. Quỳnh Nga lúc đó đã đi làm – thư ký hành chánh ở Tổng nha Thanh niên (sau đó tại Tòa Đô Chính). Nàng là một trong hai nguồn thu nhập chính của gia đình. Nguồn thu nhập kia từ mẹ nàng, làm công nhân may thêu ở khách sạn Caravelle. Người anh lớn thất nghiệp ở nhà, còn ba em trai đều còn nhỏ đang đi học. Cha của Quỳnh Nga, Nguyễn Bá Linh, là một nhà báo từng cộng tác với tờ Sài Gòn Mới nhưng đã mất khi Quỳnh Nga được khoảng 10 tuổi. Nếu Quỳnh Nga đi lấy chồng, nhất là lấy một anh chàng sinh viên như tôi, thì gia đình sẽ mất một trong hai nguồn thu nhập. Bà còn âu lo không biết con gái mình sẽ có cuộc sống ra sao với cậu sinh viên vô nghề này! Nhưng mẹ vợ tôi là một người phụ nữ không hẹp hòi tính toán, bà sống trải lòng với mọi người, luôn hy sinh cho con cái. Do đó dù không hài lòng về tôi nhưng rốt cuộc mẹ của Quỳnh Nga vẫn không nỡ cự tuyệt tôi vì bà rất thương con gái mình. Bà làm lơ để tôi lui tới nhà khá tự do. Thế là có tuần tôi ở bên nhà Quỳnh Nga đến bốn, năm ngày, bất chấp sự cấm đoán của cha mẹ tôi. Bấy giờ tôi đã thật sự yêu nàng và quyết tâm cưới nàng làm vợ - dù không được cha mẹ tán đồng và cũng không biết hai đứa sẽ sống bằng thu nhập nào khi lấy nhau. Lúc đó thường trong túi tôi chỉ đủ tiền đưa nàng đi xem hát hoặc ăn bò vò viên!

Lúc này cha tôi đang làm Phó tỉnh trưởng hành chính ở tỉnh Ba Xuyên (tức Sóc Trăng). Khi về Sài Gòn hay tin tôi vẫn đeo đuổi Quỳnh Nga và ở luôn bên đó, ông tức giận đi xe hơi xang quận Tư tìm địa chỉ nhà Quỳnh Nga với ý định trực tiếp áp lực với mẹ của Quỳnh Nga không để tôi lui tới nữa. Có lần Quỳnh Nga ngồi trong nhà, núp sau cửa sổ nhìn ra đường, sợ run lên khi thấy chiếc ô tô chở cha tôi chạy qua chạy lại năm, bảy lần, nhưng vẫn không dừng lại. Tôi nói với Quỳnh Nga: “Cha anh sẽ không vào đâu. Ông không có lý do chính đáng để xông vào nhà em tìm gặp anh hoặc gặp mẹ em. Anh là con trai chứ đâu phải con gái đâu mà mắng vốn”. Nhưng thực tế cha tôi nghĩ rằng con trai mình đã bị “một cô con gái sành sỏi” rù quến và ông tự thấy phải ra tay cứu con. Chuyện không thể tưởng tượng đã xảy ra ít ngày sau đó: cha tôi vào tận nơi làm việc của Quỳnh Nga (ở Tòa đô chính) và gặp xếp của nàng là trung tá Phước, phó đô trưởng nội an để “tố cáo” rằng nữ nhân viên của ông ta đã “dụ dỗ con trai tôi”! Trung tá Phước là người quen biết với cha tôi. Để không làm phật lòng bạn mình, ông ta đã cho gọi Quỳnh Nga vào phòng làm việc và trước mặt cha tôi, ông đã nhẹ nhàng “hỏi tội” nàng cho có lệ: “Sao cháu lại dụ dỗ con trai của bác Phát?”. Tan giờ làm, gặp tôi đến rước, Quỳnh Nga khóc sướt mướt, kể lại chuyện vừa xảy ra và nói: “Cha anh đã làm nhục em ngay tại cơ quan. Em đâu còn mặt mũi nào để tiếp tục đi làm?”

… Dù tôi nài nỉ cách mấy và nói rõ tánh tình, con người của Quỳnh Nga xứng đáng như thế nào, cha mẹ tôi vẫn nhất quyết không chịu cho tiến hành lễ cưới. Nhưng ngược lại mẹ của Quỳnh Nga vẫn chấp nhận tôi như một chàng rể tương lai và đã tổ chức một bữa cơm đạm bạc ra mắt gia đình. Và từ đó tôi được coi như con rể chính thức của gia đình Quỳnh Nga. Thế là tôi đành triển khai kế hoạch tổ chức cuộc sống riêng. Đầu tiên, tôi cố gắng tìm cho mình một công việc: tôi đi cùng Quỳnh Nga đến một số trường tư thục xin vào dạy môn Pháp văn. Các nơi đều từ chối vì cái bằng Tú tài Pháp còn mới toanh của tôi chưa có gì bảo đảm về khả năng đứng lớp. Tôi đánh liều thuê phần trước một căn phố gần nhà Quỳnh Nga để trực tiếp mở lớp luyện Pháp văn dành cho người lớn. Ngày khai giảng có khoảng 10 người đăng ký nhưng dạy được nửa tháng chỉ còn ba người theo học! Lúc này Quỳnh Nga cũng vừa nghỉ việc ở sở làm theo yêu cầu của tôi. Lý do: tôi không thể chịu đựng lâu hơn cái tình trạng có quá nhiều người đàn ông trong sở làm đeo đuổi nàng đến tận nhà. Trong số đó có một trung tá chiều nào cũng đến nhà Quỳnh Nga “trồng cây si”. Tôi bực bội vô cùng nhưng không biết cách nào để loại hắn. Nghĩ mãi tôi mới tìm ra một cách: chờ đúng lúc hắn tới và vừa ngồi vào ghế xa–lông ở nhà Quỳnh Nga, tôi từ ngoài bước vào chào hắn một cách đầy tự tin. Rồi tôi đi thẳng vào trong buồng và một lát sau trở ra với bộ đồ pyjama, ung dung đến ngồi xuống ghế bên cạnh hắn. Tôi xử sự như mình là chủ trong nhà và là chồng sắp cưới của Quỳnh Nga. Sau đó tôi mới gọi Quỳnh Nga đang còn ở phía nhà sau: “Em ơi rót trà cho khách”.

Kể từ chiều hôm sau, không còn thấy “cây si” đến mọc giữa nhà Quỳnh Nga nữa!

Và rồi chuyện khó tránh giữa nam nữ yêu nhau tự do đã xảy ra. Một buổi sáng đầu năm 1962 trong nhà chỉ còn lại hai chúng tôi, Quỳnh Nga sợ sệt nói với tôi “Em đã có…”. Tôi không hoảng hốt nhưng lúng túng không biết phải lo cho Quỳnh Nga như thế nào đây trong những ngày sắp tới. Suy nghĩ mãi tôi thấy chỉ còn một nước là thử về nói thật với cha mẹ xem sao.

Giận con cãi lời mình tự quyết định việc chọn vợ, nhưng khi nghe mình sắp sửa có cháu nội, cả hai ông bà đều dịu giọng. Mẹ tôi bảo xin lỗi cha tôi để ông đồng ý tổ chức đám cưới. Tôi đã xin lỗi và quì lạy cha tôi. Sau đó quyết định tiến hành đám cưới rất mau chóng vì Quỳnh Nga đã có thai gần một tháng. Đám cưới được tổ chức khá lớn, lần lượt tại hai nơi: ở Sài Gòn, nhà riêng của gia đình tôi và ở Sóc Trăng, nơi cha tôi đang làm phó tỉnh trưởng.

Thời đẹp nhất và cũng gay go nhất trong đời – tôi đã sống với Quỳnh Nga (từ 1961 đến 1985). Khi không còn là vợ chồng nữa, do những bất đồng phát sinh trong cuộc sống chung không thể giải quyết, chia tay nhau nhưng chúng tôi vẫn kính trọng nhau và tất cả đã diễn ra khá êm đẹp. Chúng tôi hứa với nhau vẫn là bạn tốt của nhau. Thời gian đã chứng minh đúng như thế. Dù sau này vì hoàn cảnh đặc biệt, tôi phải đi thêm hai bước nữa (người vợ thứ hai của tôi – Cúc Phượng – mất vì bệnh) nhưng giữa tôi và Quỳnh Nga luôn giữ một quan hệ rất tốt đẹp và tình nghĩa với nhau. Quỳnh Nga vẫn duy trì một sự quan tâm đặc biệt đối với tôi và giáo dục các con (bốn trai, một gái) luôn yêu thương và chăm sóc cha của chúng. Nhờ vậy dù cuộc hôn nhân thứ nhất không được trọn vẹn, nhưng những dằn vặt, mất mát tình cảm cũng được giảm thiểu tối đa cho cả hai phía, nhất là cho các con.

Quỳnh Nga là một mẫu phụ nữ khá đặc biệt, không coi nặng đồng tiền và danh vọng. Gắn bó với chồng, nàng gắn bó với cả lý tưởng của chồng, sẵn sàng chấp nhận mọi bất trắc và hy sinh. Trong thời kỳ hoạt động chính trị đối lập của tôi, có những lúc nhà riêng bị cảnh sát chìm theo dõi và bao vây ngày đêm, nàng bình tĩnh chịu đựng mà không hề thở than. Sau tờ Sài Gòn Tân Văn là tờ báo đầu tiên tôi làm chủ nhiệm do cha tôi tài trợ, các tờ báo sau đó tôi xuất bản đều do tiền của hai vợ chồng vay mượn. Mỗi khi chính quyền Thiệu ra lệnh đóng cửa một tờ báo tôi bỏ tiền ra làm là coi như thêm một lần trắng tay, nợ nần lại chồng chất. Khi tự khai thác một tờ báo, tôi mượn trước các nhà phát hành một số tiền, tiền mua giấy để in báo cũng được trả chậm có khi năm, bảy số, còn tiền nhà in được “gối đầu” ít nhất hai, ba kỳ in. Do đó vốn bỏ ra cũng không bao nhiêu, thế nhưng với khả năng tài chính và cái sức của chúng tôi lúc đó thì mỗi khi báo bị đóng cửa là cả vấn đề gay go. Nhưng chẳng bao giờ nàng than van hay hỏi tôi làm báo như thế để làm gì. Quỳnh Nga chỉ biết một điều là chồng mình hành động vì một lý tưởng nào đó, chắc chắn là đẹp, không nhằm làm giàu hay thu lợi riêng, nhưng được bạn bè thân thiết ủng hộ, những người chung quanh và độc giả tán đồng. Có lần, khi tôi làm tờ Tiếng Nói Dân Tộc (1966), nửa chừng hết tiền mua giấy để tiếp tục in báo, đầu óc căng lên chưa biết tính sao, thì vợ tôi đưa ra ý kiến: Hãy bán chiếc ô tô FIAT 125 (do một người bạn vừa giúp mua trả góp không đầy hai tháng), để có tiền mua giấy. Tờ Tiếng Nói Dân Tộc là tờ báo duy nhất trong các tờ báo tôi bỏ tiền ra làm có hi vọng phất lên. Có thể Tết năm đó (1967) sẽ là cái Tết tốt đẹp cho tờ báo và nhất là cho anh em công nhân sắp chữ. Khi tôi xuống phòng sắp chữ theo dõi việc lên trang, anh xếp typô nói với tôi bằng giọng gần như van nài: “Anh Chung ơi, tờ báo đang bán rất chạy, anh ráng “dịu giọng” cho qua cái Tết này để anh em tránh lận đận”. Nhưng số phận khắc nghiệt đã định sẵn, không làm sao né tránh hay “dịu giọng”, một sự kiện chính trị xảy ra buộc tờ báo phải nói lên chính kiến của mình. Đó là vụ án Châu–Hồ-Trúc. Cả ba đều bị tòa án của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu kết án tử hình. Hai người – dân biểu Trần Ngọc Châu và nhà báo dân biểu Hoàng Hồ - bị coi là hoạt động cho cộng sản, còn người thứ ba, cũng là dân biểu, anh Phạm Thế Trúc, bị ghép tội “phản quốc” vì đã đốt hình nộm Nguyễn Văn Thiệu trong một cuộc biểu tình phản chiến ở Tokyo bên Nhật. Tôi phản đối sự kết án của tòa án chính quyền Sài Gòn và trong một bài báo tôi đặt vấn đề: đất nước đang bị chia đôi, vậy Tổ quốc ở đâu và họ đã phản lại Tổ quốc nào?

Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đã trả lời câu hỏi của tôi một cách rất đơn giản: đóng cửa tờ báo Tiếng Nói Dân Tộc khi chỉ còn không đầy một tháng là Tết đến! Tôi chẳng than phiền gì cái quyết định của chính phủ Thiệu vì nó nằm trong luật chơi của chính trường. Đối đầu với thế lực cầm quyền là đương nhiên phải hứng chịu những đánh trả của nó. Biết trước những hậu quả ấy nhưng tôi vẫn không cưỡng lại được cái xu thế phải đứng về phía người dân – phần đông chống chính quyền Thiệu, chống lại chính sách can thiệp của Mỹ tại Việt Nam. Cái xu thế ấy chảy trong huyết quản tôi như thể một dòng thác. Nó cuốn trôi các toan tính riêng tư và quyền lợi cá nhân, mặc dù lúc ấy tôi không ý thức được rõ ràng dòng thác ấy sẽ đưa mình đến đâu.

Nhưng khi gặp lại các anh em sắp chữ, tôi thấy xót xa vô cùng. Tết này họ không có những món tiền thưởng kha khá để mang về cho gia đình. Với vợ tôi, hình như nàng đoán trước những bất trắc luôn chực chờ các hoạt động của chồng nên nàng không tỏ ra bất ngờ mà ngược lại nàng còn tán đồng lập trường của chồng. Cái xe FIAT 125 bay mất, tôi không tiếc nó, nhưng nhiều năm sau này tôi vẫn tự hỏi mình có thể chọn một thái độ nào khác mềm dẻo hơn để vẫn giữ vững lập trường, tránh được cho anh em công nhân sắp chữ một cái Tết khó khăn, lại đồng thời duy trì được lâu dài hơn một công cụ đấu tranh cho dân chủ và hòa bình?

Suốt 10 năm chồng làm dân biểu Quốc hội, Quỳnh Nga vẫn sống và sinh hoạt rất giản dị, thời gian của nàng chủ yếu dành cho chồng con, cái thú đam mê duy nhất của nàng là quần vợt. Nàng vẫn là nàng, chẳng thay đổi bao nhiêu so với cô gái mà tôi quen biết ở bên quận Tư ngày nào. Nàng không se sua và tụ tập với các bà, các cô thuộc xã hội trưởng giả Sài Gòn. Chiếc áo dài vẫn luôn là cách ăn mặc quen thuộc của nàng.

Mỗi khi tôi làm chủ nhiệm một tờ báo hoặc thuê manchette một tờ báo nào đó tiếp tục làm báo, Quỳnh Nga đều đảm nhận vai trò người quản lý của tờ báo. Trong quan hệ với các ký giả làm việc với chồng, Quỳnh Nga luôn tạo được tình cảm thân thiết, gắn bó. Cái cảnh cảnh sát hùng hổ đến bao vây nhà in và tòa soạn tịch thu báo, phá tung các bản kẽm mỗi khi tờ báo có bài chống chính phủ, chẳng xa lạ đối với nàng. Tinh thần của nàng không hề bị lung lạc. Mỗi khi biết báo sắp sửa bị tịch thu, nàng tổ chức tuồn báo ra ngõ sau nhà in để bán vớt vát phần nào (báo bị tịch thu thường bán rất chạy!)

Là một người trực tính nên tính cách của Quỳnh Nga cũng khá đặc biệt. Nàng thường hành động theo bản năng và sở thích cá nhân, đôi khi bất kể những ràng buộc hay khuôn phép chung nên làm tôi nhiều phen cũng phải điên đầu. Tôi không thể quên được những chuyện xảy ra trong chuyến tham dự Hội liên hiệp các đại biểu dân cử châu Á (APU) năm 1967 tổ chức tại Bangkok. Vợ các dân biểu nghị sĩ dự hội nghị cũng được mời tháp tùng. Lúc đó Quỳnh Nga đang mang thai đứa con gái (Lý Quỳnh Kim Trinh) một tháng. Ngày đầu thành viên các đoàn (có cả cựu Thủ tướng Nhật Kisi bấy giờ là Thượng nghị sĩ) được Nhà Vua Thái Lan và Hoàng hậu mời dự tiếp tân tại Hoàng cung. Các đoàn đều xuất phát từ khách sạn đúng giờ, duy chỉ có vợ tôi chậm trễ mặc dù tôi liên tục thúc hối nàng. Nàng không chịu hiểu rằng dự buổi tiếp tân – “reception” – của Nhà Vua hoàn toàn khác các “reception” bình thường mà khách có thể đến trễ cũng không sao. Còn lại chỉ hai vợ chồng tôi, xe cảnh sát Thái dẫn đường phải chạy trên tuyến ngược chiều để hạn chế sự trễ nải. Khi chúng tôi vào Hoàng cung thì thành viên các đoàn đã đứng xếp hàng đâu đó ngay ngắn nhưng nhà vua và hoàng hậu vẫn chưa xuất hiện vì ban nghi lễ còn chờ chúng tôi! Đứng vào hàng, tôi như người mọc đầy gai. Nhưng sau đó khi buổi tiệc bắt đầu, khách mau chóng quên đi cái lỗi quá cỡ của hai vợ chồng tôi. Chiếc áo dài màu xanh turquoise (ngọc lam) vừa vặn thân hình rất thon thả của Quỳnh Nga đã trở thành trung tâm của sự chú ý đầy thiện cảm.

Trong chuyến đi Bangkok còn xảy ra một chuyện tày trời khác: Vợ tôi vốn không thích ăn đồ Tây, mà các món ăn chiêu đãi trong suốt mấy ngày ở Bangkok đều là đồ Tây. Nàng đang ốm nghén nên càng thèm ăn các món Việt Nam. Do đó khi cả đoàn dự Hội nghị được đưa đi tham quan khu Chợ Nổi (Floating market), lúc chiếc thuyền máy đưa chúng tôi đi chạy ngang một chiếc ghe bán hủ tiếu, thế là cơn thèm ăn ở người đang ốm nghén không làm sao kềm chế được. Nàng nhất định yêu cầu chiếc thuyền máy dừng lại cho nàng ăn hủ tiếu, bất kể bị cả đoàn bỏ lại đàng sau. Sống với nhau biết tính ý, tôi đành chiều nàng thôi. Chuyện này may không bị đoàn phát hiện!

Còn khi nàng nổi cơn ghen lên thì chẳng coi trời đất ra gì, dù đang dự buổi tiếp tân tại một sứ quán đi chăng nữa. Lần đó chỉ vì một cái bắt tay với một nữ chính khách duyên dáng nhưng hơi lả lơi, nàng đã buộc tôi phải rời sứ quán ra về tức khắc “nếu không sẽ bùng nổ chuyện không tốt lành” vì “tôi không thể kềm chế lâu được”. Cái tính ghen tuông của Quỳnh Nga nổi tiếng trong giới bạn bè, nhưng thẳng thắn mà nói lỗi ấy do tôi. Nếu tôi là một người đàn ông nghiêm túc, không yếu lòng với phụ nữ, không tái đi tái lại “tội lỗi” đối với vợ, thì chắc chắn Quỳnh Nga vẫn giữ được sự thùy mị, dịu dàng thời con gái. Lấy vợ lúc còn quá trẻ, sự tò mò về phụ nữ còn đầy ắp khát khao, cho nên dù rất yêu vợ, tôi vẫn không thể giữa được sự thủy chung đúng nghĩa với vợ mình. Khi chia tay nhau sau 25 năm chung sống, tôi đã nhận trách nhiệm sự gãy đổ về mình, dù rằng chưa bao giờ trong suốt thời gian chung sống với Quỳnh Nga tôi lại có một cuộc sống chung song song với ai khác. Đó chỉ là những cuộc tình lãng mạn, những dan díu ngắn ngủi nhưng không thể đi xa hơn giới hạn mà tôi cố gắng đặt ra, bởi mình là người đã có vợ và vợ mình chẳng có lỗi lầm gì cho mình đối xử tệ bạc. Tôi may mắn, trong tình cảm riêng tư, đã gặp những phụ nữ luôn ý thức về hoàn cảnh người đàn ông mà họ đang yêu để biết tự kiềm chế và dành cho nhau những cảm nghĩ tốt dù đã chia tay. Tôi không bao giờ coi những quan hệ đó là những chiến tích, mà coi đó là những rung động con tim mình không né tránh được, trách nhiệm thuộc về mình.

Và khi chính mình không gương mẫu, tôi thấy khó hướng dẫn, khuyên can vợ cái đúng cái sai trong cuộc sống chung. Cứ thế, những căng thẳng cứ nổ ra, những mâu thuẫn phát sinh, sự tương kính cũng giảm dần để rồi vẫn còn yêu nhau nhưng không thể tiếp tục chung sống với nhau được nữa. Cuộc tình lý ra có thể kéo dài một đời thật đẹp với biết bao nhiêu kỷ niệm, đành kết thúc sau 25 năm! Hôm chúng tôi chia tay nhau, tôi đặt lên hai má nàng hai cái hôn đầy tình cảm biết ơn, bởi vì cuộc đời tôi trong 1 phần 4 thế kỷ sống với nàng, hơn phân nửa sự nghiệp gây dựng lên là do công lao của nàng. Tôi rời khỏi nhà mang theo cho riêng mình “sự nghiệp tinh thần” mà cả hai đã cố gắng xây đắp và chẳng để lại gì đáng giá cho nàng. Vào cái năm 1985 còn đầy khó khăn ấy, gia đình tôi tay trắng hoàn toàn.

Thế nhưng, một mình bươn chải, từ một người phụ nữ nội trợ, nàng cùng các con dần dần thoát qua các giai đoạn hết sức khó khăn ấy để cuối cùng rất thành đạt trong ngành kinh doanh nhà hàng ở TP. HCM. Nàng vẫn là một phụ nữ mà tôi rất kính trọng.


5. Con đường tình cờ đi vào chính trị

Trở lại những năm tháng đầu tiên rời gia đình – sống riêng đầy khó khăn ở bên kinh Nhiêu Lộc nơi nước đen xì hôi hám, đứa con thứ nhì bị bệnh không có tiền đưa đi bác sĩ – bản thân tôi ở trong tình trạng trốn quân dịch, may mắn một lần thoát khỏi lưới cảnh sát – dù như thế, nhưng thời kỳ đó thật sự không hoàn toàn đen tối. Trốn quân dịch, nhưng tôi cũng đã có dịp đi tận Seoul (Nam Triều Tiên). Và cũng ở trong tình trạng không hợp lệ quân dịch, tôi lại được mời làm giám đốc Nha tác động tâm lý của Bộ Thanh niên Thể thao! Chuyện khó tin ấy xảy ra như thế này: Năm 1965, tôi đang làm tổng thư ký tòa soạn báo Bình Minh, tôi có viết loạt bài vận động sự thành lập một đại học ở miền Tây. Tôi chỉ trích nội các Nguyễn Cao Kỳ cố tình không thành lập đại học tại miền Tây để tiếp tục duy trì khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở tình trạng dân trí thấp, hạn chế sự phát triển dân chủ. Cùng lúc này có một nhóm trí thức miền Nam tên tuổi như Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Văn Trường, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Hảo, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Võ Long Triều cũng mở cuộc vận động mạnh mẽ đòi thành lập đại học miền Tây (ban đầu chưa xác định tên Đại học Cần Thơ). Người tự đứng ra phối hợp các cuộc vận động này là kỹ sư Võ Long Triều. Chính anh đã mời tôi nhập nhóm và tham gia các cuộc hội thảo tổ chức ở Cần Thơ để gây áp lực với chính quyền. Võ Long Triều là người Công giáo, có hậu thuẫn từ Tòa Tổng giám mục, thêm nữa lúc bấy giờ anh là một gương mặt trí thức trẻ miền Nam có khá nhiều uy tín, nên Nguyễn Cao Kỳ chọn anh làm đầu cầu để với tới giới trí thức miền Nam mà phần đông dị ứng phong cách “cao bồi” của ông và đồng thời không ủng hộ lập trường hiếu chiến của “nội các chiến tranh” mà ông đứng đầu. Thủ tướng Kỳ (chức vị chính thức lúc đó gọi là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương) mời Võ Long Triều vào nội các của mình với tư cách Bộ trưởng Thanh niên (chức danh chính thức là Ủy viên Thanh niên). Để lấy lòng người dân miền Nam, Thủ tướng Kỳ cũng ra quyết định thành lập Đại học Cần Thơ.

Khi ông Võ Long Triều trở thành Bộ trưởng, qua trung gian đại tá Lê Quang Hiền (anh ruột của liệt sĩ Lê Quang Lộc), ông mời tôi tham gia Bộ này, lúc đầu ở cương vị phó giám đốc Nha thể thao, nhưng tôi từ chối. Sau ông lại mời tôi vào chức vụ giám đốc Nha tác động tâm lý. Cái tên Nha này nghe rất “xôm” nhưng thực chất là phụ trách tuyên truyền và báo chí. Nha này có sẵn trong sơ đồ tổ chức của Bộ Thanh niên từ trước khi ông Triều về làm Bộ trưởng.

Ngày đầu tiên tôi vào làm ở Bộ Thanh niên, đại tá Hiền đến tận nhà rước tôi bằng xe Mercedes. Cả xóm nghèo bên kinh Nhiêu Lộc tò mò ào ra xem. Trước khi nhận lời làm ở Bộ Thanh niên, tôi có ý về nhà hỏi ý kiến cha tôi. Ông vẫn chưa hết giận về chuyện tự ý lấy vợ của tôi và nhất là việc nửa đêm tôi đem vợ con trốn ra ở riêng. Không quay lại nhìn tôi, tiếp tục đọc báo, ông nói: “Có thằng điên mới mời mày làm giám đốc!”. Với ông, đó là một chuyện khó tin, vì trong con mắt của ông, tôi còn là một thằng thanh niên hư hỏng. Phần khác, bản thân ông từ tỉnh trở về Sài Gòn không tìm được cái ghế giám đốc dù ngạch trật của ông ngang với một Đốc phủ sứ (ngạch bậc cao nhất của công chức Sài Gòn trước đây). Thế mà “ông con” lại được ai đó mời làm giám đốc một Nha hẳn hòi – làm sao tin nổi!

Trong thực tế việc làm giám đốc của tôi ở Bộ Thanh niên suýt nữa không thành. Tôi vẫn đang trong tình trạng bất hợp lệ về quân dịch. Khi Bộ trưởng Võ Long Triều ký xong quyết định bổ nhiệm tôi, ông mới biết tình hình này. Ông có hơi trách tôi đã không cho ông hay trước. Nhưng thật sự mục đích chính của tôi khi nhận làm giám đốc là muốn hợp thức hóa tình trạng quân dịch của mình. Tôi xử sự như thế với người tin tưởng mình là không đúng nhưng đây là cơ hội gần như duy nhất để gỡ bỏ thế bí của tôi. Cũng nên nói rõ thêm lý do tôi “trốn quân dịch”: hoàn toàn không do sợ cầm súng ra chiến trường mà là sợ chết một cách vô nghĩa. Vào năm 1964, chiến trường miền Nam chưa ác liệt. Tôi mê làm báo, không muốn niềm say mê của mình bị gián đoạn, đó là một lý do. Nhưng lý do lớn hơn là tôi không tìm thấy trong chuyện cầm súng bảo vệ chế độ Sài Gòn một mục đích lý tưởng, một ý nghĩa nào để dấn thân.

… Nếu biết trước tôi không hợp lệ tình trạng quân dịch, rất có thể ông Triều đã không mời tôi tham gia Bộ Thanh niên. Còn khi đã lỡ rồi (đã có quyết định bổ nhiệm) nên ông phải tìm cách hợp thức hóa tình trạng của tôi. Ông Triều có quan hệ khá thân với đại tá Nguyễn Đình Vinh, đổng lý văn phòng Bộ Quốc phòng (lúc này, Bộ trưởng Quốc phòng là trung tướng Nguyễn Hữu Có). Nhờ sự can thiệp của đại tá Vinh với đại tá Bùi Đình Đạm, giám đốc Nha động viên, tôi được cấp giấy tạm hoãn quân dịch một khóa (khóa mà tôi không trình diện) và phải trình diện ở khóa tới. Và như thế coi như tôi được hợp thức tình trạng quân dịch bất hợp lệ trước đây của tôi. Nếu diễn tiến các sự việc bình thường, tôi phải nhập ngũ trong bốn tháng tới. Điều tôi không thể nào ngờ là cái giấy hoãn dịch ấy, đến đúng lúc đã giúp tôi có một bước ngoặt hết sức quan trọng trong cuộc đời mình.

Ngày 6-6-1965, Ủy ban lãnh đạo quốc gia, một định chế do quân đội lập ra gồm các tướng lãnh, đứng đầu là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đóng vai quốc trưởng (còn thiếu tướng Kỳ, chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, đóng vai trò thủ tướng) dưới sức ép của Mỹ buộc phải tuyên bố tổ chức Quốc hội lập hiến. Sắc lệnh tổ chức bầu cử do tướng Kỳ ký hai tuần sau đó, ấn định ngày bầu cử là 11-9-1966. Ý đồ của Mỹ là tạo ra một nền tảng pháp lý và dân chủ do chính quyền Sài Gòn, từ đó sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, núp dưới chiêu bài theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn, cũng có cơ sở pháp lý với quốc tế.

Cả ông Thiệu và ông Kỳ đều hiểu rằng đây cũng là lúc Washington sẽ chọn chính thức – trong hai người, ai sẽ đứng đầu miền Nam vì tiếp theo cuộc bầu Quốc hội lập hiến, sẽ là cuộc bầu cử tổng thống. Người Mỹ được chọn ra ứng cử sẽ đương nhiên đắc cử vào vị trí này. Cuộc chạy đua giành ảnh hưởng và gây thế lực giữa hai người đã diễn ra ngay sau khi ngày bầu cử Quốc hội lập hiến được công bố. Ông Thiệu và ông Kỳ đều muốn rằng đa số dân biểu trong quốc hội sắp tới là người của mình. Do đó cả hai phía đều tung ra tay chân để tập hợp lực lượng, đưa người ra ứng cử vào quốc hội.

Từ khi lên làm thủ tướng, ông Kỳ tìm cách lấy thêm hậu thuẫn ở cánh trí thức miền Nam để lấp vào chỗ yếu nhất của mình. Ông là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Người làm trung gian đắc lực cho ông Kỳ trong ý đồ này là kỹ sư Bộ trưởng Thanh Niên Võ Long Triều. Chính ông Triều đã “thầy dùi” cho thủ tướng Kỳ ký quyết định thành lập Đại học Cần Thơ. Tôi cũng đã chứng kiến một nỗ lực khác của Kỳ, qua trung gian ông Triều, nhằm lôi kéo trí thức miền Nam vào chính phủ của ông ta. Thời gian này tôi đang làm giám đốc ở Bộ Thanh niên. Ông Triều thay mặt thủ tướng Kỳ mời một nhóm trí thức miền Nam như Âu Trường Thanh, Nguyễn Văn Trường, Khương Hữu Diểu, Âu Ngọc Hồ, Nguyễn Văn Bông, Trương Văn Thuấn đến nhà riêng của tướng Kỳ nằm trong một khu đặc biệt ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ này. Ông Nguyễn Cao Kỳ xuất hiện trong bộ đồ bay phi công. Sau khi nâng ly và có vài lời thăm hỏi xã giao với khách, ông Kỳ đi thẳng vào mục đích cuộc gặp gỡ. Đầu tiên ông than phiền cụ ngoại trưởng Trần Văn Đỗ già quá, đi họp với Mỹ ở Honolulu (đầu tháng 2 năm 1966) mà ho sù sụ, do đó ông muốn trẻ hóa nội các. Ông cũng muốn đính chính một cách cụ thể nội các của ông không phân biệt Nam Bắc bằng cách muốn mời nhiều người miền Nam tham gia chính phủ của ông. Đến đây nhìn những vị khách ngồi trước mặt mình, ông Kỳ nói: “Tôi chính thức mời tất cả quý vị có mặt ở đây tham gia chính phủ. Quí vị cần trả lời đồng ý là tôi bổ nhiệm”. Ngay lúc đó không ai trả lời “đồng ý” với ông Kỳ. Nhưng sau đó, nội các của ông Kỳ cũng “kéo” được bốn người miền Nam tham gia: Âu Trường Thanh (Bộ trưởng tài chánh), Trương Văn Thuấn (Bộ trưởng giao thông), Nguyễn Văn Trường (Bộ trưởng giáo dục), Trương Thái Tôn (Bộ trưởng kinh tế), không kể Võ Long Triều được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thanh niên trước đó. Tướng Kỳ tha thiết mời ông Nguyễn Văn Bông, đang là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, làm bộ trưởng tại Phủ tướng nhưng ông Bông từ chối. Có thể tướng Kỳ không biết hoặc biết nhưng phớt lờ, sở dĩ ông Bông không quan tâm tới lời mời của ông là vì chính ông Bông đang nuôi tham vọng giành lấy chức vụ thủ tướng của tướng Kỳ. Hơn nữa còn phải hiểu khuynh hướng chính trị của ông Bông gần với trung tướng Thiệu hơn là thiếu tướng Kỳ. Có lẽ trên thế giới chưa có một thủ tướng nào mời người tham gia nội các một cách độc đáo như thế!

Trở lại cuộc chạy đua giành ảnh hưởng trong quốc hội lập hiến giữa hai tướng Thiệu, Kỳ, phía nào cũng tìm cách đưa người của mình ra ứng cử. Ông Triều là một trong những đầu mối tập hợp quân cho tướng Kỳ. Dĩ nhiên khi làm việc này, ông Triều cũng nhằm củng cố cho mình một hậu thuẫn riêng có thể mặc cả có lợi cho mình trên sân khấu chính trị sắp tới. Theo tôi hiểu, người tài trợ cho các ứng cử viên dân biểu được ông Triều tập hợp chính thức là tướng Kỳ chứ không ai khác. Rất có thể ông Kỳ đã lấy tiền từ quỹ đen (caisse noire) dành cho thủ tướng để chi. Trong số những người được ông Triều đưa vào danh sách ứng cử có tôi. Nhưng trong kế hoạch ban đầu của ông Triều, tôi chỉ đóng vai người lót đường trong một liên danh ứng cử mà người đứng đầu là ông Nguyễn Bá Nhẫn, một người bạn thân của ông Triều, đang là tổng cục trưởng Tổng cục tiếp liệu.

Thể thức bầu cử Quốc hội lập hiến, theo liên danh tỷ lệ, tiến hành như sau: chẳng hạn như đơn vị tôi ra ứng cử là đơn vị 3 Sài Gòn gồm các quận 4, 6, 7, 8, có khoảng 250 ngàn cử tri bầu 5 dân biểu. Như vậy trên lý thuyết 1 dân biểu đại diện cho 50 ngàn cử tri. Mỗi liên danh ứng cử gồm 5 người. Nếu có liên danh nào lấy được tất cả 250 ngàn phiếu thì giành trọn 5 ghế dân biểu về mình, cũng có nghĩa cả 5 người trong liên danh đều trúng cử. Điều đó trong thực tế không thể xảy ra. Liên danh về đầu khó đoạt hơn 2 ghế, bởi muốn đoạt 2 ghế phải giành ít nhất từ 75 ngàn phiếu trở lên (3 ghế phải trên 125 ngàn phiếu). Các liên danh kế tiếp thường chỉ đoạt số phiếu 50 ngàn trở xuống và giành tối đa 1 ghế. Do đó gần như chỉ có người đứng đầu liên danh mới hi vọng đắc cử. Trong liên danh của ông Nguyễn Bá Nhẫn, gồm 5 người, tôi đứng thứ hai sau ông. Tôi không có tham vọng chính trị và cũng chưa ý thức được vào quốc hội để làm gì nên bình thản chấp nhận vai trò “người lót đường” theo yêu cầu của ông Võ Long Triều, lúc đó vừa là người đứng đầu một tập hợp chính trị có tên Phong trào Phục hưng Miền Nam (PTPHMN). PTPHMN qui tụ một số trí thức trẻ miền Nam, phần nhiều là nhà giáo – học trò cũ của các giáo sư Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trường. Ông Triều và ông Trung đều là người Công giáo và là bạn thân thiết với nhau trong thời điểm đó. Tôi cũng có tham gia phong trào này lúc ban đầu. Các liên danh do ông Triều thúc đẩy ra ứng cử tại Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây đều trương bảng hiệu PTPHMN. Phong trào này không đề ra một cương lĩnh chính trị rõ ràng, chủ yếu chỉ đề cao tình yêu nước chung chung, và kêu gọi góp sức phục hưng các giá trị truyền thống của miền Nam Việt Nam. Với sự hỗ trợ tích cực phía sau của thủ tướng Kỳ, ông Triều và những người bạn thân thiết của ông như Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận, Hoàng Ngọc Tuệ, Đỗ Ngọc Yến, Trần Văn Ngô còn thành lập một phong trào hoạt động xã hội có tên là “Phong trào phát triển quận 8”. Phong trào này nhằm hô hào chính quyền và dân chúng góp tay biến các khu ổ chuột thành những khu dân cư khang trang.

Chỉ còn không đầy một tuần hết hạn nộp đơn ứng cử thì xảy ra một sự kiện hoàn toàn bất ngờ: ông Nguyễn Bá Nhẫn thông báo cho ông Triều quyết định rút tên của ông. Lý do chính thức ông Nhẫn nêu ra thật hết sức lạ: mẹ ông không đồng ý cho ông tham gia chính trị. Thật hư thế nào không thể biết được. Nhưng hậu quả là thời gian còn lại quá cận kề, ông Triều chỉ còn cách yêu cầu tôi thay ông Nhẫn, tức đôn tên tôi lên và tìm thêm một người bổ sung vào vị trí độn (tôi mời một nhà báo Hoa văn có quốc tịch Việt Nam bổ sung cho đủ danh sách năm người). Việc ông Nhẫn rút lui, với tôi như một thứ định mệnh: nó làm thay đổi dòng chảy của đời tôi. Từ lãnh vực báo chí, tôi bước sang lãnh vực chính trị một cách hết sức tình cờ! Kết quả liên danh của tôi về thứ ba với khoảng 40 ngàn phiếu (được một ghế) sau liên danh của dược sĩ La Thành Nghệ (có trên 75 ngàn phiếu giành 2 ghế) và liên danh của Văn Công Đính, một cựu nghị viện Hội đồng thành phố (được trên 50 ngàn phiếu cũng chỉ được 1 ghế). Liên danh về thứ tư của một giáo viên, ông Nguyễn Văn Sâm, giành chiếc ghế dân biểu cuối cùng của đơn vị Sài Gòn. Vào thời điểm này rất ít ai biết tôi, vì tôi còn quá trẻ, chưa từng tham gia hoạt động chính trị, thời gian hoạt động báo chí cũng ngắn ngủi – nên đạt vị trí thứ ba trên năm liên danh là khá lắm rồi. Nếu cuộc bầu cử này không theo thể thức liên danh tỷ lệ thì chắc chắn tôi không có chút hi vọng nào. Mục đích của thể thức liên danh tỷ lệ nhằm thành lập một quốc hội làm Hiến pháp với sự tham gia của đại diện nhiều đảng phái và khuynh hướng chính trị khác nhau, dĩ nhiên ngoại trừ những người cộng sản. Cuộc tham gia vào chính trường miền Nam của tôi bắt đầu như thế - không do tôi chủ động và với quá nhiều tình cờ không thể tưởng tượng (nhưng hầu như đều thuận lợi cho tôi).

Thế là trong vòng không đầy một năm, từ một sinh viên bỏ học dở dang, trốn quân dịch, mới tập tễnh với nghề viết báo, tôi trở thành giám đốc ở Bộ Thanh niên rồi bây giờ là dân biểu Quốc hội! Lúc đó tôi tròn 26 tuổi.

Khi tôi làm giám đốc Nha tác động tâm lý tại Bộ Thanh Niên, dưới quyền tôi có hai chánh sự vụ (tương đương với trưởng phòng hiện nay, cả hai đều tốt nghiệp Học viện quốc gia hành chánh. Một người tốt nghiệp khóa 3 (anh Nguyễn Dõng )và một người tốt nghiệp khóa 6 (anh Đỗ Tiến Đức). Tôi cũng học trường này nhưng lại bỏ ngang; khóa học của tôi là khóa 10, lúc tôi làm giám đốc, khóa của tôi vẫn còn một năm nữa mới tốt nghiệp! Làm thế nào để hai người thuộc thế hệ đàn anh rất xa mình, tốt nghiệp trước mình từ 4 đến 7 năm, lại chấp nhận cộng tác dưới quyền mình – quả thật không đơn giản. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tôi đến bộ Thanh niên để nhận nhiệm vụ, anh Đỗ Tiến Đức (sau này làm giám đốc Trung tâm điện ảnh quốc gia ở Sài Gòn) đã đưa tôi đi giới thiệu với các nhân viên trong Nha với một thái độ gần như thiếu kính trọng đối với tôi – một cấp trên vừa nhỏ tuổi đời, lại học dưới ông quá xa. Tôi bình tĩnh và phớt lờ như chẳng thấy gì cả. Nhưng liền sau đó tôi cho mời cả hai ông chánh sự vụ vào phòng tôi và nhấn mạnh cho hai ông rõ chức vụ giám đốc của tôi được Bộ trưởng trao là nhiệm vụ chính trị (fonction politique) chứ không phải một chức vụ thuần về hành chính. Về mặt điều hành hành chính của Nha, hai ông vẫn là những người chịu trách nhiệm chính; các văn bản và đề xuất do hai ông trình ký phải có chữ ký tắt của một trong hai người, chịu trách nhiệm trước về mặt quy cách hành chính.

Một thời gian sau có lệnh tổng động viên, mỗi cơ quan chỉ được giữ lại một người ở tuổi quân dịch thuộc diện gọi là “tối cần thiết”. Ông Đỗ Tiến Đức xin gặp tôi để biết số phận của ông ra sao. Ông trình bày với tôi nếu ông không được tôi xếp vào loại nhân viên “tối cần thiết” thì cho ông biết sớm, để ông “chạy” một nơi khác có thể giữ ông lại khỏi đi quân dịch. Tôi trả lời: “Ông Đức yên tâm. Người được xếp vào loại tối cần thiết ở Nha này là ông, chứ không ai khác”. Khi bước vào phòng tôi, tôi nghĩ ông Đức đang chờ đợi nhận một câu trả lời như thế bởi ông chưa quên được thái độ của ông trong ngày đầu ông giới thiệu tôi với nhân viên của Nha như thế nào.

Tại Nha tôi điều hành còn có một tạp chí chuyên đề thanh niên do nhà văn Lê Tất Điều phụ trách. Tôi đã từng đọc và thích thú một số tác phẩm của Lê Tất Điều nên khi gặp anh trực tiếp tại Bộ Thanh niên tôi không giấu giếm tình cảm của mình dành cho anh.

Cũng chính trong thời gian tôi cộng tác với ông Triều tại Bộ Thanh niên – thể thao, bóng đá Việt Nam đạt đỉnh cao ở Đông Nam Á: đoạt danh hiệu vô địch Merdeka, một giải có qui mô tương đương với Tiger Cup sau này. Tôi có tham dự buổi chiêu đãi của Bộ Thanh niên dành cho đoàn quân chiến thắng mà cầu thủ nổi bật là Tam Lang. Nhưng cần nói ngay, vai trò về mặt nhà nước của Bộ Thanh niên đối với bóng đá lúc đó hoàn toàn khác. Sinh mệnh của làng bóng đỉnh cao hoàn toàn nằm trong tay của Tổng cụ bóng tròn, một tổ chức 100% xã hội hóa.

Khi tôi vào Quốc hội sau đó, hành trang chính trị của tôi hầu như chẳng có gì, vì tôi chưa từng trải qua một ngày học luật và chưa từng có những hoạt động chính trị đúng nghĩa. Tuy nhiên phải nói rằng thời gian hòa nhập vào làng báo trong 3 năm (từ 1963 đến 1966) cũng giúp tôi có một số hiểu biết về tình hình đất nước và hình thành bước đầu thái độ chính trị của mình. Lập trường của tôi trong Quốc hội ở những ngày đầu tiên là sự khẳng định lại quan điểm chính trị mà mình đã từng phát biểu trên báo chí. Dù đây là một Quốc hội làm hiến pháp nhưng tôi nghĩ trước hết nó phải là diễn đàn của dân và vì dân và tiếng nói quan trọng nhất đối với một dân biểu trên diễn đàn Quốc hội vào thời điểm đó nhất thiết phải là tiếng nói đấu tranh cho dân chủ và công bằng, tiếng nói đòi chấm dứt chiến tranh, chống lại sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.


6. Vào Quốc hội lập hiến

Buổi khai mạc Quốc hội, tôi mời cha tôi và Quỳnh Nga, vợ tôi tham dự với tư cách khách mời riêng của cá nhân tôi (mỗi dân biểu đắc cử được mời hai người khách trong buổi khai mạc). Dù thế nào, đây cũng là bước thành đạt đầu tiên của tôi khi tham gia vào đời sống chính trị Sài Gòn, tôi muốn cha tôi và vợ tôi được chứng kiến ngày này. Đó cũng là một cách nhớ ơn sinh thành của cha mẹ và công lao của người vợ đã chia sẻ những gian nan và khó khăn ban đầu với mình. Ngồi giữa khung cảnh rộng lớn của Nhà hát thành phố, lần thứ hai được sử dụng làm trụ sở Quốc hội (lần đầu dưới chế độ Ngô Đình Diệm), tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng những gì đã xảy ra với mình. Tôi bước vào sân khấu chính trị không do chính tôi chủ động mà do định mệnh chọn lựa mình. Tôi không than phiền gì về sự “chỉ định” này của định mệnh vì trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước rất cần tiếng nói ở nhiều phía và từ nhiều đấu trường khác nhau để có một sức mạnh tổng hợp lòng lay chuyển tình thế thì diễn đàn Quốc hội cũng là một môi trường hoạt động khá thuận lợi. Mặc dù nhiều lúc Quốc hội Sài Gòn khi ấy không khác một nhà hát hài kịch rẻ tiền và lố lăng, nhưng từ diễn đàn này cũng đã vang lên khá nhiều tiếng nói của những phần tử đối lập, của những ý thức vận nước tìm cách thể hiện nguyện vọng của người dân miền Nam không chịu tách rời với miền Bắc ruột thịt, muốn được thấy Tổ quốc hòa bình, độc lập và thống nhất.

… Lúc đó tôi không bao giờ ngờ mình sẽ ngồi luôn trong cái “nhà hát” ấy ở Công trường Lam Sơn suốt 10 năm qua, qua 3 nhiệm kỳ liên tiếp: 1966-1967, 1967-1971 và 1971-1975! Biết bao tấn tuồng đã diễn ra ở nơi này. Chẳng thiếu gì cả: từ dân biểu buôn lịch “ở truồng” đến dân biểu buôn bạch phiến, từ những màn đấu miệng đến những màn đấu đá thật sự u đầu sứt trán. Những cuộc mua bán phiếu như ngoài chợ trời v.v… Nó đúng là sân khấu thu hẹp của một chế độ bát nháo, tham nhũng, mất định hướng, mỗi lúc một suy tàn. Và màn chỉ hạ xuống sau ngày 30-4-1975.

Phong trào Phục hưng miền Nam do kỹ sư Võ Long Triều tập họp có khoảng bảy người lọt vào Quốc hội lập hiến. Trong 117 dân biểu được bầu ở toàn miền Nam, tôi là người nhỏ tuổi thứ hai (26 tuổi) sau nhà giáo Nguyễn Hữu Hiệp, đắc cử tại Đà Lạt. Mặc dù số dân biểu của Phong trào Phục hưng Miền Nam chỉ có bảy người nhưng tôi vẫn vận động được sự liên kết của một số dân biểu khác để thành lập khối dân biểu Dân tộc. Theo nội qui của Quốc hội lập hiến, bất cứ một nhóm dân biểu nào, từ 20 người trở lên, tự nguyện tập họp lại sinh hoạt chung thì được chính thức công nhận là một khối, được bầu một trưởng khối, một hay hai phó trưởng khối và một thư ký khối. Quốc hội dành cho khối một văn phòng trong trụ sở Quốc hội, một ô tô riêng với tài xế cho trưởng khối. Tại diễn đàn quốc hội, trưởng khối được hưởng quyền ưu tiên phát biểu (không chờ thứ tự đăng ký) khi đại diện cho khối. Trong 117 dân biểu có đủ tất cả các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Hòa hảo, Cao đài, Tin lành, đủ các thành phần như quân nhân, công chức, giáo viên, doanh nhân, trí thức, các đảng phái như Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt, Tân Đại Việt. Do chưa có ai nắm trọn quyền lực tại miền Nam vào thời điểm này, cuộc đối đầu lúc ngấm ngầm, lúc công khai giữa hai tướng lãnh Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ vẫn chưa ngã ngũ, nên có lẽ đây là quốc hội có nhiều thành phần độc lập nhất so với các kỳ Quốc hội sau này (1967-1971 và 1971-1975). Để thành lập khối Dân tộc, tôi dựa vào 3 thành phần: các dân biểu Phục hưng miền Nam, các dân biểu Phật giáo và một số dân biểu độc lập. Người tiếp tay một cách tích cực dựng lên khối này, không có anh không thể hình thành khối là dân biểu Phan Xuân Huy, đơn vị Đà Nẵng. Là một giáo viên dạy toán nhưng thuộc thành phần đấu tranh cánh tả trong giới trí thức miền Trung, đồng thời hoạt động trong hàng ngũ Phật giáo chống chính quyền (thường được gọi là Phật giáo Ấn Quang), Phan Xuân Huy đã thuyết phục các dân biểu Phật giáo và một số nhân sĩ miền Trung gia nhập khối Dân tộc. Để thuyết phục mạnh mẽ hơn các dân biểu Phật giáo gia nhập khối Dân tộc do tôi làm trưởng khối, dân biểu Phan Xuân Huy đưa tôi đi thăm thượng tọa Thích Thiện Minh, người có ảnh hưởng khá lớn trong Phật giáo Ấn Quang.

Nhưng cho đến gần hạn chót nộp danh sách của khối, chúng tôi vẫn thiếu một người để khối được công nhận chính thức. Người cuối cùng chúng tôi tìm ra để bổ sung cho đủ 20 người là ông Giáp Văn Thập, chủ trường dạy lái xe ở Tân Định, đắc cử dân biểu ở đơn vị 1 Sài Gòn nhờ những phát biểu ồn ào và mị dân. Dân chủ theo kiểu tư sản, một thứ tự do vô tổ chức, thường sản sinh những phần tử cá biệt như ông Thập. Nhưng vẫn cần ông để có đủ số dân biểu thành lập khối. Thuyết phục ông không phải dễ dàng, lúc đầu ông đặt điều kiện gia nhập khối phải được trao chức Trưởng khối, vận động mãi ông mới chịu hạ yêu sách xuống còn phó trưởng khối. Trong khối còn có một nhân vật đối lập rất được báo chí theo dõi và đưa tin vì ông luôn có những tuyên bố chống chính phủ mạnh mẽ: Trương Gia Kỳ Sanh, dân biểu Bình Thuận. Tôi nhớ ông Kỳ Sanh được mời làm cố vấn khối.

Tôi được bầu trưởng khối vì số dân biểu Phong trào Phục hưng miền Nam đông nhất và mặt khác tôi cũng được sự ủng hộ của các dân biểu Phật giáo. Không công khai tuyên bố nhưng mặc nhiên khối Dân tộc trở thành khối dân biểu đối lập đầu tiên trong quốc hội Sài Gòn, do lập trường chống chính quyền quân sự và chống chiến tranh. Dân biểu Phan Xuân Huy nhiều lần bị các tờ báo thân chính quyền tố cáo là tay sai của cộng sản nhưng anh Huy không hề nao núng. Chúng còn tìm cách bôi lọ anh bằng cách tung tin tại quốc hội và trên báo chí rằng anh bị bệnh liệt dương! Nhưng Phan Xuân Huy đã phản công trở lại ngay trong một phiên họp khoáng đại bằng cách lên diễn đàn công khai đặt vấn đề: Những vị nào bảo rằng tôi bị bệnh liệt dương thử để các bà vợ đến “kiểm tra” tôi thì biết ngay sự thể như thế nào!

Giới quân nhân đang chi phối chính trường miền Nam lúc đó có ý định đưa vào hiến pháp một chương riêng công nhận vai trò lãnh đạo miền Nam Việt Nam của một Hội đồng quân sự tối cao. Số dân biểu đàn em của các tướng Thiệu – Kỳ ra sức vận động cho mục tiêu này. Phản ứng của các dân biểu độc lập và đối lập cũng rất quyết liệt. Cụ Phan Khắc Sửu được bầu làm chủ tịch Quốc hội là một trong những tiếng nói có trọng lượng chống lại ý đồ này của các dân biểu gốc quân nhân và thân chính quyền. Phe quân đội tổ chức nhiều cuộc hội thảo để gây áp lực với quốc hội. Bản thân tôi được mời tham dự một cuộc đối thoại với sinh viên cao học luật khoa mà mục đích là vận động cho sự chấp nhận một Hội đồng quân sự trong bản hiến pháp. Buổi đối thoại này được chủ trì bởi hai vị giáo sư hàng đầu của Đại học Luật là Nguyễn Cao Hách và Vũ Quốc Thúc lúc đó có khuynh hướng ủng hộ phe quân nhân. Cần nói thêm rằng các sinh viên dự buổi đối thoại phần nhiều cũng được chọn theo quan điểm của lãnh đạo trường. Ở phía dân biểu, ngoài tôi còn có dân biểu – bác sĩ Phan Quang Đán. Rất may ông Đán có lập trường giống tôi đối với vấn đề này: bác bỏ một cách thẳng thừng sự hiện diện của Hội đồng quân sự trong hiến pháp. Cuộc đối thoại đôi khi căng thẳng nhưng vẫn giữ được không khí ôn hòa.

Với tư cách trưởng khối Dân tộc, gần cuối nhiệm kỳ quốc hội, tôi cũng được Học viện quốc gia hành chính mời thuyết trình về bản dự thảo hiến pháp cho lớp Cao học (ngạch đốc sự). Điều đáng nói là các sinh viên cao học dự buổi thuyết trình của tôi đều là bạn học cùng khóa với tôi trước khi tôi đi bỏ học nửa chừng. Người chủ trì là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng là nhân vật lãnh đạo của đảng Tân Đại Việt, thân chính quyền Thiệu, chống Cộng và rất có thế lực trong giới quân nhân cấp tá và công chức. Giáo sư Huy còn là một chuyên viên về luật Hiến pháp. Thật không dễ dàng chút nào cho một tay ngang như tôi nói về luật Hiến pháp trước ông thầy dạy môn hiến pháp và với những sinh viên mà đáng lý mình vẫn còn phải ngồi học chung với họ. Nhưng sau gần một năm tham dự không biết bao nhiêu phiên họp của quốc hội, bàn đi bàn lại từng điều của Hiến pháp – được nghe từ những phát biểu chính thống của những chuyên viên luật nhiều kinh nghiệm cho đến những đề xuất, yêu cầu rất thực tế của các dân biểu thuộc các thành phần khác nhau – hầu như tôi được tiếp cận với tất cả các ngóc ngách liên quan đến luật Hiến pháp. Không có câu hỏi hay thắc mắc nào mà không được mổ xẻ trên diễn đàn Quốc hội. Nhờ trải qua cái trường “đại học luật” đặc biệt ấy, tôi đã đối đầu khá suôn sẻ và thuyết phục trước những đồng học cũ của mình tại buổi thuyết trình.

Cũng trong thời gian này, với tư cách dân biểu đối lập, tôi được Tổng hội Sinh viên Sài Gòn mời tham dự cuộc hội thảo về tình hình miền Nam và quốc hội lập hiến tại trụ sở của Tổng hội ở số 4 Duy Tân (nay là Nhà Văn hóa Thanh niên). Tôi nhắc lại cuộc hội thảo này vì đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên của tôi với giới sinh viên và cũng là lần đầu tôi gặp linh mục Nguyễn Ngọc Lan. Linh mục cũng là khách mời của Tổng hội. Tại cuộc hội thảo, linh mục Lan tỏ ra rất tả khuynh, thỉnh thoảng tấn công lập trường của tôi lúc đó còn khá ôn hòa. Tôi còn nhớ cha Lan nhìn tôi như “một chàng thanh niên làm chính trị tài tử” sẽ không đủ sức và đủ quyết tâm kiên trì theo đuổi con đường chính trị đối lập của mình. Ngày hôm sau, khi báo chí Sài Gòn, nhất là báo chống Cộng tường thuật cuộc hội thảo, họ lại tấn công chủ yếu vào tôi, tố cáo tôi có lập trường lập lờ.

Từ cuộc gặp nhau lần đó tại trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, tôi và linh mục Lan suốt cả chục năm sau này (cho đến ngày 30-4-1975) có rất nhiều cơ hội hoạt động chung với nhau và thời gian đã trả lời cho cha Lan “cái chàng thanh niên có vẻ làm chính trị tài tử” ấy cũng có đủ sự kiên trì để đi đến cùng con đường đã chọn.

… Thời gian hoạt động khoảng một năm trong Quốc hội lập hiến đã tạo điều kiện cho tôi tích lũy được một số uy tín đối với cử tri đã bầu cho mình và cả trong dư luận xã hội nói chung. Tên của tôi xuất hiện thường xuyên trên các báo qua các phát biểu thẳng thắn và mạnh dạn tại quốc hội, dần dần được nhiều giới biết đến và ủng hộ. Báo chí Sài Gòn rất “mặn mà” với các buổi thảo luận và “đấu khẩu” trên diễn đàn quốc hội vì loại bài tường thuật này rất được độc giả ưa chuộng. Phần nhiều các báo đều dành thiện cảm cho các dân biểu đối lập và tỏ ra coi thường các phần tử thân chính quyền mà họ gọi là “gia nô”. Chính sự thuận lợi này trong dư luận và trên báo chí đã giúp tôi sau này tái đắc cử vào Quốc hội lập pháp (1967) mà không cần phải dựa vào một thế lực hay đảng phái chính trị nào.

Tại Quốc hội lập hiến, sau khi dân biểu Trần Văn Văn bị ám sát ở ngã ba Phan Kế Bính và Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) – lúc đó nhiều người cho rằng do bàn tay của trung tá Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc cảnh sát – tôi được Quốc hội bầu làm chủ tịch “Ủy ban điều tra vụ ám sát DB Trần Văn Văn”. Tôi tiến hành cuộc điều tra một cách hăng say và cũng rất thơ ngây! Đầu tiên tôi yêu cầu Tổng nha cảnh sát phải cung cấp cho tôi chứng cứ người ám sát ông Trần Văn Văn là “Việt cộng” như trung tá Loan đã công bố với báo chí. Tiếp đó tôi đòi Tổng nha tổ chức cho tôi buổi gặp riêng với “thủ phạm” Võ Văn Em mà không có sự chứng kiến của bất cứ người thứ ba nào.

Diễn tiến buổi gặp do Tổng nha cảnh sát tổ chức ngay tại Tổng nha có vẻ đáp ứng các yêu cầu của tôi với tư cách là chủ tịch Ủy ban điều tra Quốc hội. Điều mà tôi không hay biết là đại tá Loan đã giăng sẵn cái bẫy ở phía sau. Khi tôi vào gặp nhân vật có tên là Võ Văn En, theo Tổng nha là người đã cầm súng ngắn hạ sát ông Văn và thuốc súng còn tìm thấy trên bàn tay của Võ Văn En lúc bị bắt cách hiện trường không xa, thì đúng như yêu cầu của tôi: trong phòng riêng chỉ có tôi và anh En. Tôi bước vào và ra dấu cho En không nói gì cả và để tôi kiểm tra xem trong phòng có đặt máy nghe lén không. Ngoài một cái bàn và hai cái ghế, trong phòng chẳng có một vật nào khác. Bố bức tường cũng hoàn toàn trống trải. Tôi không thấy chỗ nào cảnh sát có thể đặt máy. Cuộc nói chuyện giữa tôi và anh En có thể tóm lược như sau: En cho rằng anh chỉ lái xe máy chở một người lạ mặt thuê anh, còn người cầm súng bắn ngồi phía sau anh đã tẩu thoát. Về phần tôi, tôi nói với En nếu anh không phải là thủ phạm thì phải cương quyết phản đối, tối sẽ giúp anh làm việc đó. Nếu không phản đối quyết liệt, họ có thể xử kín và thủ tiêu anh.

Về nhà, tôi chuẩn bị một bản tường trình để ngày mai báo cáo với các thành viên trong Ủy ban điều tra và sau đó là trước phiên họp khoáng đại của quốc hội. Thật bất ngờ: sáng hôm sau khi vừa bước vào phòng họp Quốc hội, tôi thấy trên bàn của mỗi dân biểu đều có một tập hồ sơ của Tổng nha cảnh sát với nội dung: “Dân biểu Lý Quý Chung đã xúi giục Võ Văn En phản cung như thế nào?”. Kèm theo những lời lẽ lên án tôi và đòi Quốc hội “phải có thái độ với dân biểu Lý Quý Chung” là một tài liệu ghi lại nguyên văn cuộc nói chuyện của tôi với bị cáo Võ Văn En. Tài liệu ghi lại chính xác cuộc nói chuyện từng lời, điều đó chứng tỏ Tổng nha đã tổ chức ghi băng toàn vẹn cuộc gặp này. Sau này tôi mới biết từ thời đó đã có những thiết bị hiện đại nghe lén, không cần đặt máy thu trực tiếp trong phòng.

Trước sự việc quá bất ngờ, trấn tĩnh một lúc lâu tôi mới tìm ra cách gỡ bí. Trước hết hồ sơ của Tổng nha cảnh sát phổ biến trong phòng họp Quốc hội nhưng lại không có chữ ký cho phép của Chủ tịch Quôc hội, như vậy đây là một tài liệu phổ biến vi phạm nội qui của Quốc hội. Mặt khác Tổng nha cảnh sát đã vi phạm nguyên tắc đã được Ủy ban điều tra đề ra: cuộc gặp chỉ diễn ra giữa hai người và nội dung không được tiết lộ trước khi Ủy ban điều tra có bản báo cáo của mình trước Quốc hội. Khi phiên họp khoáng đại vừa bắt đầu, tôi lên diễn đàn ngay và yêu cầu ông Chủ tịch Phan Khắc Sửu ra lệnh thu hồi tất cả các tài liệu được phân phát bất hợp pháp trong Quốc hội vì không có ý kiến chấp thuận của Chủ tịch. Ông Phan Khắc Sửu đáp ứng ngay yêu cầu của tôi. Ở đây cần nói thêm về con người của cụ Sửu: khi cụ được đưa lên làm Quốc trưởng thay trung tướng Dương Văn Minh, cụ đã tỏ ra là một con người không dễ dàng để cho phe quân nhân nhào nắn. Cuộc đối đầu của Quốc trưởng Phan Khắc Sửu với Thủ tướng Phan Huy Quát khiến cho chính phủ này phải sụp đổ (và chức vụ Quốc trưởng của ông cũng bị dẹp bỏ luôn!). Trong suốt thời gian cụ Sửu làm Chủ tịch Quốc hội, cụ dã tương đối giữa được tư cách của một nhân sĩ có tinh thần dân tộc và không chịu bán mình cho chính quyền dù luôn phải đối phó với rất nhiều áp lực.

Do sự cố kể trên, Ủy ban điều tra do tôi làm chủ tịch đã tự giải tán để phản đối thái độ “hợp tác không trung thực của Tổng nha cảnh sát”. Thật sự quyết định giải tán này cũng nhằm tránh sự bế tắc mà ủy ban chắc chắn sẽ gặp phải.

Từ khi tôi làm chủ tịch Ủy ban điều tra vụ ám sát dân biểu Trần Văn Văn, đi đâu tôi cũng bị hai cảnh sát chìm theo dõi. Tôi đưa việc này ra Quốc hội và tố cáo trên diễn đàn. Tôi cho đó là một hành động đàn áp tinh thần nhằm vào dân biểu đối lập. Đối phó lại, trung tá Nguyễn Ngọc Loan gửi một công văn cho Quốc hội, giải thích rằng Tổng nha cảnh sát buộc lòng làm điều này là để bảo vệ tính mạng của một số dân biểu có nguy cơ bị Việt cộng ám sát, trong đó có tôi (!). Tổng nha cảnh sát cũng gởi riêng cho tôi một công văn, đặt vấn đề với tôi phải chấp nhận một trong hai biện pháp bảo vệ: Cảnh sát chìm – như đang diễn ra hoặc chính thức nhận hai cận vệ thuộc phòng bảo vệ yếu nhân. Còn nếu tôi từ chối cả hai biện pháp bảo vệ do Tổng nha đề ra thì phải trả lời chính thức bằng văn bản và Tổng nha không còn chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh của tôi.

Đây là một cách bắt bí của Tổng nha cảnh sát. Hoặc tôi phải chấp nhận sự theo dõi ngày đêm của họ hoặc có thể trở thành mục tiêu của một hành động mờ ám nào đó mà mình không có quyền kêu ca! Tôi đem việc này hỏi ý kiến cha tôi. Theo cha tôi, việc Tổng nha có theo dõi tôi chẳng phiền hà gì cho lắm vì các hoạt động của tôi đều công khai. Tôi chẳng phải là “Việt cộng nằm vùng” mà cũng không làm việc cho CIA. Ngược lại nếu từ chối sự “bảo vệ” của họ nghĩa là tôi sẽ cung cấp cho họ lý do chính thức phủi sạch trách nhiệm về những gì có thể xảy ra với tôi. Vào thời điểm này, không ai đoán trước được trung tá Loan sẽ ra tay với ai và lúc nào. Cái chết đầy bí ẩn của đại tá Phạm Ngọc Thảo sau cú đảo chính hụt tháng 2-1965- mà nhiều người cho rằng kẻ ra tay là đàn em của trung tá Loan - trong nhiều năm là một ám ảnh đe dọa đối với nhiều giới hoạt động chính trị tại Sài Gòn. Đại tá Thảo bị cảnh sát chìm của trung tá Loan phục kích bắt tại địa phận thuộc một nhà thờ công giáo ở miền Đông, nơi ông đang trốn với sự tiếp tay của cha xứ tại đây. Khi bị bắt, sức khỏe của đại tá Thảo tuy yếu vì bị trúng đạn trong lúc chạy trốn, nhưng tính mạng không hề bị đe dọa. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, chính trên chiếc máy bay trực thăng đưa đại tá Thảo về Sài Gòn, các đàn em của đại tá Loan đã ra tay bằng cách bóp vào tinh hoàn đại tá Thảo cho đến khi tắt thở. Lúc trực thăng đáp xuống sân Tổng tham mưu thì đại tá Thảo đã chết. Sự thật như thế nào là một dấu hỏi. Sau này trong hồi kỳ của mình, tướng Nguyễn Cao Kỳ có nhắc đến cái chết của đại tá Thảo nhưng cho rằng ông chết trong tù sau mấy tuần bị giam và bị đánh đập.

Mặc dù chỉ là một cấp thừa hành trong guồng máy chính quyền đứng đầu ngành cảnh sát nhưng trung tá Loan – sau thăng đại tá – tự coi mình là nhân vật thứ hai trong chính quyền của Kỳ, chẳng coi ai ra gì. Các phiên họp nội các do thủ tướng Kỳ chủ trì, đáng lý chỉ có các Bộ trưởng hoặc cấp ngang Bộ trưởng dự nhưng gần như luôn luôn có sự hiện diện của trung tá Loan với khẩu súng “ru lô” mang kè kè bên hông! Có lần trung tá Loan can thiệp thô bạo vào một vụ việc của Bộ kinh tế ngay trong buổi họp nội các khiến lãnh đạo Bộ này đe dọa đưa đơn từ chức, việc này đã gây nên một cuộc khủng hoảng nội các.

Sau này cả dân biểu Quốc hội cũng bị trung tá Loan trực tiếp đe dọa: trong một phiên họp Quốc hội lập hiến (năm 1967), lúc đó tướng Kỳ còn là thủ tướng, trung tá Loan đã xuất hiện trên bao lơn tầng trên của phòng họp (khu loge của Nhà hát) bên hông vẫn đeo khẩu súng kè kè. Trung tá Loan có mặt ở đây theo lệnh của tướng Kỳ nhằm gây áp lực cuộc bỏ phiếu của dân biểu để hợp thức hóa kết quả bầu cử liên danh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ. Từ dưới hàng ghế phòng họp nhìn lên, tôi thấy trung tá Loan đi qua đi lại với vẻ đầy tự tin như thể đang đi bách bộ trong văn phòng riêng của mình. Tôi không phải là người duy nhất phát hiện sự có mặt của ông Loan trên tầng trên, nhiều dân biểu cũng ngước nhìn lên nhưng không ai có phản ứng gì. Rõ ràng đây là một xúc phạm đối với định chế quốc gia dù cho định chế này được giới cầm quyền Sài Gòn dựng lên với ý đồ sử dụng nó như một thứ trang trí dân chủ. Tôi bước ngay lên diễn đàn và đặt vấn đề với chủ tịch Hạ nghị viện Phan Khắc Sửu: “Dân biểu chúng tôi không thể tiếp tục họp dưới áp lực của trung tá Tổng giám đốc cảnh sát, vả lại nội qui của quốc hội cấm mang súng vào phòng họp nếu không có phép của Chủ tịch. Do đó tôi yêu cầu ông Chủ tịch mời trung tá Nguyễn Ngọc Loan rời khỏi phòng họp, nếu không chúng tôi sẽ ngưng họp và chính chúng tôi sẽ rời khỏi phòng họp Quốc hội”. Liền đó Chủ tịch Hạ nghị viện đã công khai yêu cầu trung tá Loan ra khỏi phòng họp và ông Loan không thể làm gì khác hơn là chấp hành lệnh của chủ tịch Hạ Nghị Viện.

Thế là đã có hai lần tôi “đụng đầu” trung tá Nguyễn Ngọc Loan từ cuộc điều tra vụ ám sát dân biểu Trần Văn Văn đến vụ phản đối ông ta xuất hiện tại buổi họp của Hạ nghị viện. Nhưng lần thứ ba, cuộc gặp giữa ông ta và tôi đã diễn ra trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Trung tá Nguyễn Ngọc Loan bị Việt cộng bắn gãy chân trong cuộc tổng công kích Tết Mậu thân, nằm trong bệnh viện Grall (nay là bệnh viện Nhi đồng 2). Một đồng viện của tôi cũng thuộc phe đối lập đưa ra ý kiến: bây giờ trung tá Loan đã gãy chân, sắp mất hết quyền lực, đi thăm ông ta lúc này cũng nên lắm. Cần nhắc lại trung tá Loan bị bắn gãy chân chỉ ít ngày sau vụ ông ta tự tay cầm súng ngắm bắn vào đầu một quân giải phóng bị trói tay ra sau lưng và đứng cách ông ta không hơn một mét. Đây là một hành động trái với công ước Genève về tù binh chiến tranh, còn về mặt con người thì mất hết tính người, xảy ra giữa đường phố Sài Gòn hết sức dã man. Tướng Kỳ sau này có những lời biện hộ cho chiến hữu của mình, nhưng hình ảnh về sự kiện nay mau chóng loan truyền trên khắp thế giới đã tiêu hủy cuộc đời chính trị của Nguyễn Ngọc Loan (sau này được thăng cấp đại tá) và cả cái “chính nghĩa” mà người Mỹ cố gắng xây đắp trong cuộc chiến tại miền Nam. Người đã ghi lại và truyền đi hình ảnh khủng khiếp của vụ “hành quyết giữa đường phố” khiến cho cả thế giới xúc động và góp phần cho phong trào phản chiến nổi lên khắp nơi, nhất là tại Mỹ, chính là phóng viên ảnh Eddie Adams của hãng tin AP (Associated Press). Chứng kiến cảnh tượng dã man này còn có một cameraman người Việt Nam tên Võ Sửu, cộng tác cho đài truyền hình Mỹ National Broadcasting Company, có mặt đúng lúc trung tá Loan nổ súng vào đầu người lính Việt cộng. Với bức ảnh này, nhà báo Eddie Adams được trao giải Pulitzer. Nhưng không hiểu sao người ta ít nhắc tới cameraman Võ Sửu.

Khi tôi vào thăm trung tá Loan tại bệnh viện Grall, trong phòng của ông ta có bà Đặng Tuyết Mai – vợ của tướng Kỳ - đã đến trước. Ông Loan nằm trên giường, đắp một chiếc mềm mỏng ngang ngực, nói năng vẫn to tiếng như mọi khi. Ông ta kể cho bà Kỳ nghe: “Tôi là người đầu tiên nhận huy chương mà không mặc quần”. Vừa nói ông ta vừa chỉ phần dưới thân thể của mình để cho những người hiện diện hiểu rằng dưới lớp mềm của ông ta chẳng có gì mặc cả, khi ông ta được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào tận giường bệnh gắn huy chương. Bà Kỳ không thể nín cười sau điều tiết lộ của Nguyễn Ngọc Loan. Đấy là lần cuối cùng tôi gặp ông ta. Hai tháng sau, khi trung tướng Nguyễn Văn Thiệu đã củng cố cái ghế tổng thống của mình, ông ta liền đưa đại tá Trần Văn Hai lên thay Nguyễn Ngọc Loan (lúc này đã là đại tá) ở chức vụ Tổng giám đốc Tổng nha cảnh sát. Từ đó đại tá Loan chìm vào quên lãng trên chính trường Sài Gòn, thỉnh thoảng chỉ được nhắc tới khi báo chí thế giới đưa trở lại bức ảnh của phóng viên Mỹ Eddie Adams. Tại Mỹ sau 1975, ông Loan gặp nhiều khó khăn trước khi được chấp nhận vào quốc tịch Mỹ do có một số người Mỹ phản đối tư cách của ông Loan bằng cách nêu trở lại chuyện ông hành quyết người lính Việt cộng trên đường phố. Nghe nói khi ông Loan chết, phóng viên nhiếp ảnh Eddie Adams có đến dự đám tang.

Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu thân 1968, phe của phó tổng thống Kỳ chịu thiệt hại khá nặng. Ngoài trường hợp Nguyễn Ngọc Loan bị loại, nhiều đàn em thân cận của ông Kỳ đã bị một máy bay trực thăng chiến đấu của quân đội Mỹ “bắn lầm” làm thiệt mạng 6 sĩ quan và nhiều người bị thương tại một trường người Hoa ở khu vực Chợ Lớn. Theo ông Kỳ, chính tổng thống Thiệu âm mưu với người Mỹ định giết ông. Ông Kỳ còn quả quyết rằng trên chiếc trực thăng đã bắn rocket xuống trường học ở Chợ Lớn có sự hiện diện của đại tá Trần Văn Hai là tay chân thân cận của tướng Thiệu.

Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 Ä‘