trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
28.1.2006
Sức Mấy
Chó Đông, chó Tây
 
Trên hai mươi năm trước, trong cuộc biểu tình của cộng đồng Việt tị nạn chống Trương Như Tảng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, có người dắt một con chó đeo tấm biển “Trương Như Tảng”, ký giả chụp hình đăng báo, được nhiều người chú ý. Đầu năm 2005, cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ đi Việt Nam làm môi giới thương mại, khen nhà cầm quyền cộng sản và chê bai những người chống cộng, có người đã viết báo chỉ trích ông Kỳ, viết trại tên ông thành “Nguyễn Cao Kầy”, ngụ ý so sánh ông với chó, vốn có tên khác là “con cầy”. Trong khi ấy, gia đình cựu Tổng thống Bush (Bố) lấy tên người bạn thân nhất của ông để đặt tên cho chó là C. Fred, và cựu Tổng thống Clinton lấy tên ông chú đáng kính đặt tên cho chó của mình là Buddy.

Những việc làm trên đây có vẻ khó hiểu: Phải chăng người Việt tị nạn yêu mến các ông Trương Như Tảng và Nguyễn Cao Kỳ, hay các tổng thống Bush và Clinton sỉ nhục bạn và chú mình? Tuy cùng liên hệ người với chó, nhưng ý nghĩa trái ngược nhau, vì “chó Đông” khác “chó Tây”. Nói rõ hơn, chó Đông chó Tây đều là chó, nhưng người phương Đông và phương Tây có cái nhìn khác nhau đối với loài chó. Phương Đông coi chó là con vật thấp hèn, giận ai thì mắng là “ngu như chó”, mặc dầu có nhiều con chó rất khôn. Phương Tây ngược lại, không coi chó “như” một phần tử của gia đình, mà coi chó “là” một phần tử của gia đình.

Tâm trạng coi thường chó, không phải chỉ riêng người Việt mới có, mà bắt nguồn từ người Tầu. Trong ngôn ngữ Trung Hoa, có nhiều chữ liên hệ tới chó chỉ sự khinh bỉ. Ví dụ: Cẩu là chó, “cẩu hạnh” là tính nết chó, chỉ bọn tiểu nhân; “cẩu hợp” là kết giao một cách bất chánh, hay nam nữ “lẹo tẹo” với nhau ngoài vòng lễ giáo. Đến nỗi, chó không biết cười, mà cũng có chữ “cẩu tiếu”, tức là cười bậy, không mục đích. Ngay cả lòng trung thành của chó cũng bị chê: “cẩu mã chi trung”, là lòng trung thành của loài chó ngựa, chỉ trung thành với những ai cho ăn (khẳng định này có vẻ hơi oan cho loài chó, vì có nhiều con chó bị bán cho chủ mới, vẫn tìm đường về với chủ cũ). Một chữ khác trong Hán tự chỉ loài chó là “khuyển”. Chữ này cũng chỉ sự khinh bỉ, ví dụ khi người ta không ưa một nhà nho có tư tưởng cấp tiến, vượt ra ngoài khuôn khổ chỉ dậy của thánh hiền, thì gọi là “khuyển nho”.

Ngay trong thời đại mới này, người Tầu vẫn còn khinh bỉ loài chó. Vào tháng Năm 2005, hãng thông tấn Reuters đã đăng lại một tin của Chongqing Morning Post ở Trùng Khánh cho biết nhà cầm quyền Trung Quốc đã cho cả một nhóm trên 50 người đổi họ cùng một lúc, từ họ Cẩu (Gau) thành họ Kính (Jing). Lý do là vào thế kỷ thứ mười, nhóm người này mang họ Kính, nhưng Hoàng Đế Shi Jingtang (Kim Kính Đường?) muốn dành riêng chữ Kính cho mình, bắt họ Kính phải bỏ đi nửa chữ bên phải, biến thành họ Cẩu. Nay họ xin bỏ họ Cẩu, trở về với họ Kính. Theo một người trong nhóm xin đổi họ này, Cẩu là một tiếng sỉ nhục tại Trung Hoa, và con trai ông ta đã không thể kiếm được bạn gái chỉ vì mang họ Cẩu. Không cô nào dám lấy chồng họ Cẩu, sợ mang tiếng cẩu hợp.

Trong khi chó Đông bị xa lánh, có những con chó Tây đã được kính trọng đặc biệt, đó là trường hợp con Beau, đã tạo ra biến cố lịch sử tại Thượng viện Hoa Kỳ. Năm 1995, Thượng viện biểu quyết Quốc hội cũng phải áp dụng như mọi cơ sở khác đạo luật tạo điều kiện thuận tiện cho những người tàn phế (Americans With Disabilities Act), như bảo đảm cho nhân viên khiếm thị được mang chó dẫn đường vào nơi làm việc. Trong khi ấy, nội quy Thượng viện cấm chó không được vào phòng họp. Năm 1997, bà Moira Shea, phụ tá về chính sách nguyên tử của nghị sĩ Ron Wyden (D-Ore), mặc dầu mắt không nhìn rõ, đã bị cấm không được mang con chó dẫn đường tên Beau vào phòng họp. Kết quả, Thượng viện đã phải làm luật cho chó dẫn đường vào phòng họp. Beau thành anh hùng, tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo loài người. Đầu tháng 12-2005, không muốn để Beau chịu đau đớn thêm vì chứng tê thấp của tuổi già, bà Shea đành cho chích thuốc để Beau ra đi, thiêu xác và giữ tro tại nhà.

Một con chó khác cũng khiến Quốc hội Mỹ phải thay đổi luật. Giữa năm ngoái, Rex, một con bẹc-giê chuyên đánh hơi bom và người chỉ huy nó là nữ trung sĩ không quân 27 tuổi Jamie Dana bị bom nổ dưới gầm chiếc Humvee trong khi đang di chuyển ở Iraq. Rex chỉ bị thương nhẹ, nhưng Dana trọng thương. Theo ký giả Donna St. George của Washington Post, câu nói cuối cùng của Dana trước khi bất tỉnh là “Rex đâu?”. Nhiều tuần lễ sau mới hồi tỉnh, Dana xin nuôi Rex. Không quân không cho, vì theo luật, tuổi về hưu của chó là từ 10 tới 14, trong khi Rex mới 5 tuổi. Hai mươi chín ngàn người đã ký tên ủng hộ việc Dana nhận nuôi Rex. Không quân đã nhựơng bộ, yêu cầu Quốc hội sửa luật, quy định những trường hợp đặc biệt cho phép chó giải ngũ sớm. Một cuộc lễ đã diễn ra ngày 13-1-06 tại căn cứ không quân ở Peterson, Colorado, chính thức cho Dana nuôi Rex.

Nhân dịp đầu năm Chó, xin ghi lại một số tin tức đáng chú ý liên can tới chó trong năm qua. Vào đầu tháng 12-2005, hơn hai trăm nhà khoa học thuộc Broad Institute tại Cambridge, bang Massachusetts, một viện nghiên cứu thuộc Harvard và MIT, đã công bố “genome” của loài chó, gồm 2,41 tỉ “chữ” hay nhân tố (tạm dịch từ chữ nucleotide) trong DNA. Trước đây, “genome” của loài người đã được công bố gồm 3 tỉ “chữ”. Genome là toàn thể những chỉ dẫn về sự cấu tạo một cơ thể. Nhờ biết được genome của người và của chó, rồi đây, các nhà nghiên cứu có thể biết được tại sao chó trung thành, và cái gì làm cho một số người không trung thành. Khi đã biết rõ căn nguyên, chỉ việc chích cho người không trung thành loại nhiễm tố trung thành của loài chó, thế là người sẽ trung thành như chó. Ngày xưa, tác giả Lý Ngư viết là người Tầu lấy cái của chó tháp cho người, khiến người yêu đương dai như chó. Đúng là bịa. Nhưng bây giờ biết genome của chó, chẳng bao lâu nữa, có thể Viagra thành vô dụng.

Theo các nhà nghiên cứu, chó là dã thú đầu tiên do các dân tộc ở Á Đông biến thành gia súc, vào khoàng 15 ngàn năm trước. Tất cả giống chó ngày nay đều bắt nguồn từ loài chó sói mầu xám (gray wolves), rồi càng ngày người ta càng pha trộn thành nhiều giống khác nhau. Khởi đầu, người ta nuôi chó vì những lợi ích thiết thực. Ngoài đồng thì chăn cừu, săn thú. Tại nhà thì canh trộm, và là cái cầu tiêu di động của đám con nít. Khi chó mập, người lớn ngả ra đánh chén. Như vậy, người Á Đông đã biết tái dụng sự vật, ít nhất là từ khi biết nuôi chó, trong khi người Tây bây giờ mới hô hào “rì-xai-cơn” (recycle), lại không biết ăn thịt chó, và tốn tiền mua đồ ăn cho chó. Thế thì rì-xai-cơn ở chỗ nào?

Tuy phương Đông có thói quen khinh chó, nhưng quả thật, có những con chó khôn như người, hay có khi hơn người, và nghe nói có cả thần chó nữa.

Theo tin hãng Reuters ngày 16-9-05 đánh đi từ thủ đô Nam Hàn (Seoul), có một con chó tên là Hama sống chung với các nhà sư trong chùa Buljang trên hòn đảo Chindo, cũng biết lậy Phật và ngồi nghiêm trang tụng kinh như mọi người. Du khách đã kéo tới ngôi chùa khá đông, để chiêm ngưỡng con chó ngoan đạo này. Nhiều người phân vân, phải chăng kiếp trước nó là người? Có một sự kiện lịch sử không nên bỏ qua: Tại Đại Hàn có dòng họ Lý, đã tới Việt Nam thăm quê cha đất tổ, nói rằng tổ tiên họ vốn chạy khỏi Việt Nam khi triều Lý suy tàn. Người ta còn nói rằng, Tổng thống Lý Thừa Vãn chính là người thuộc dòng dõi họ Lý từ Việt Nam. Mới đây, một sử gia trong nước lại trưng tài liệu nói rằng vị thần chó trong chùa Tiêu Sơn đã làm cho bà Phạm thị thụ thai và sinh ra vua Lý Thái Tổ. Biết đâu chó Hama đang sống trong chùa Buljang chẳng có liên hệ với thần chó trong chùa Việt Nam cả ngàn năm trước? Thật may, nếu không chạy thoát, khúc ruột ngàn dặm này chắc đã thành khúc dồi thơm phức từ lâu rồi!

Cũng tại Đại Hàn, cách đây ba năm, các nhà khoa học đã dùng thí nghiệm nhân bản vô tính tạo được một con chó, đặt tên là Snuppy. Khi nào các nhà bác học Đại Hàn tiến bằng Việt Nam, họ có thể tạo ra toàn dồi chó, thay vì phải tạo ra cả con chó.

Loại chó hơn người, ngay ở Việt Nam cũng chẳng thiếu. Hồi nhỏ, người viết biết một anh chuyên môn làm thịt chó. Mỗi lần anh này ra khỏi nhà, đều bị chó gầm gừ, sủa vang từ đầu thôn tới cuối xóm. Và từ làng này qua làng khác. Chó không biết sợ, đã cùng nhau có phản ứng trước kẻ sát hại đồng loại của chúng. Trong khi ấy, có những người, chẳng những không dám phản ứng, còn tỏ ra xum xoe, bợ đỡ những kẻ sát hại đồng loại mình. Ngay cả những loại chó săn cũng không bao giờ săn chó. Trong khi người săn người ở đâu cũng có. Những người này, nếu so sánh với chó, người không nhục, chó nhục. Về chuyện trung thành, ai cũng biết chó trung thành với người cho nó ăn. Có nhiều người ăn lương của dân, nhưng trung thành với kẻ làm hại dân. Đúng là ngu hơn chó!

Có mấy tin đáng lưu ý liên hệ tới chó Tây trong năm qua, theo tin BBC ngày 11-12-05, nước Anh đang cần tuyển nhiều “chó nghiệp vụ cao cấp” để phục vụ ngành năng lượng hạt nhân, bảo đảm an ninh cho các cơ sở nguyên tử khỏi bị phá hoại. Trong khi ấy, theo tin từ New York, một chung cư 27 tầng tại 205 Đông và đường 59, mà mỗi đơn vị gia cư giá từ trên một triệu tới 10 triệu đô la, đã mướn kiến trúc sư thiết kế một cái vườn đặc biệt dành riêng cho chó, để chó giữa thành phố có cảm tưởng như sống ở ngoại ô.

Theo Washington Post ngày 7-8-05, tại quận Montgomery thuộc Maryland ở ngoại ô Hoa Thịnh Đốn, có một nghĩa địa chó khá lớn, gọi là “Pet Gardens”, nói chung là nghĩa trang gia súc, nhưng phần lớn chôn chó. Chó chết được mai táng theo nghi thức nghiêm chỉnh, xác cũng được bỏ vào quan tài mở nắp (nằm nghiêng), giữa những vòng hoa. Cũng có giờ viếng xác trước khi chôn. Quan tài được chở tới huyệt bằng xe li-mu-din Lincoln Town Car. Trên mộ cũng có mộ bia. Tất cả chi phí cho một đám ma chó là 1150 đô la. Theo thống kê, nghĩa trang chó đầu tiên được thành lập ở Mỹ năm 1896, tại New York. Trên toàn nước Mỹ có khoảng 600 nghĩa trang chó.

Cũng tại vùng ngoại ô Hoa Thịnh Đốn, mới xẩy ra một vụ liên hệ tới chó ở quận Loudoun, khiến Washington Post ngày 9-1 phải loan tin lớn nhiều cột trang nhất, nơi thường dành cho những tin tức quan trọng hơn chuyện chó mèo. Bà Marylin Christian và gia đình mới dọn về căn nhà với 5 mẫu đất, để đàn mèo bốn con được thảnh thơi. Chẳng bao lâu, con mèo Cody 13 tuổi của bà bị giết. Thú y mổ xác giảo nghiệm cho biết nguyên do cái chết vì chó cắn. Sau nhiều ngày dò xét, bà nghi con chó Lucky của người hàng xóm là thủ phạm, nhưng chẳng có ai là nhân chứng. Cảnh sát có thể phóng tay với những người bị nghi là quân khủng bố, nhưng không thể bắt chó vô cớ. Bà Marylin xin phép chủ chó cho lấy nước bọt con Lucky, gửi tới phòng thí nghiệm của Đại học California ở Davis để thử nghiệm DNA cùng với mớ lông tang vật còn vướng nơi móng chân xác mèo. Tốn 500 đôn phí tổn, kết quả cho biết gần như chắc chắn Lucky là thủ phạm, tỉ lệ sai lầm một trên 67 triệu. Dù có kết quả thử nghiệm, sau khi tham khảo luật sư, nhà cầm quyền Quận vẫn không thể tuyên bố con Lucky thuộc loại nguy hiểm, để có thể bị trừng phạt, vì thiếu nhân chứng. Chưa biết nội vụ rồi sẽ đi tới đâu.

Có một nơi tuy ở phương Đông nhưng chó được đối xử như ở phương Tây, đó là Singapore. Theo báo The Straits Times ngày 2-9-05, ông Lim Bee Leong đã bị phạt ba ngàn đô la Singapore (gần hai ngàn đô la Mỹ) vì tội bỏ bê một con chó Bắc cực, khiến nó chết. Singapore nóng quanh năm, như Sài Gòn, người ta nuôi chó Bắc cực không phải để được mát mẻ, mà để “mát mặt”. Loại chó xứ lạnh này có hai lớp lông, phải có máy lạnh mới sống được ở xứ nóng, chứng tỏ chủ nó thuộc loại giầu có hơn người.

Đối với nhiều người Singapore, chó chết chưa hết chuyện: ông Lim chỉ bị phạt tiền mà không phải vào tù, là cái án quá nhẹ. Ở một nước người dân không được quyền biểu tình để đòi nhân quyền, có hai ngàn tám trăm người đã hăng hái ký tên vào bản thỉnh nguyện đòi bảo vệ cẩu quyền, đòi phạt tù những người sao lãng bổn phận đối với chó như ông Lim. Trước ông Lim, đã có nhiều người bị vào tù vì chó: Năm 2003, Leong Yew Foo 36 tuổi bị tù 4 tuần vì đấm một con chó nhà, và đánh nó bằng chai rượu; cùng năm 2003 Chinnaiah Solai 28 tuổi bị tù ba tháng vì giết một con chó con bằng cách đập nó xuống đất.

Tại Việt Nam, theo tin báo Dân Trí Online từ Hà Nội ngày 30-12-05, vào dịp cuối năm, người ta đi ăn thịt chó rất đông. Báo này viết: “Thịt chó là món ăn rất bình dân, thế nhưng xuất phát từ tâm lý ăn thịt chó ‘giải đen’ vào dịp cuối năm nên tất cả những nhà hàng thịt chó trong những ngày này đều chật cứng”. Và: “Ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực Yên Phụ, các nhà hàng thịt chó mà lâu nay người ta đã quen tên như Hồ Kiểng, Anh Tú... đều kín chỗ”.

Nhìn chung, dù Đông hay Tây, chó cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống loài người. Chó Tây giúp người ta bảo vệ an ninh, và là bạn trung thành của người, khi người không còn biết tin ai. Vai trò chó Đông có vẻ còn quan trọng hơn. Như Singapore, người dân được quyền hoàn toàn tự do bảo vệ cẩu quyền, có thể tạm quên đi việc tranh đấu đòi nhân quyền cho chính mình. Nhờ đó, tình hình được ổn định mà làm giầu. Còn dân Việt Nam, sau thời gian dài hy sinh mạng sống và tài sản, bây giờ chẳng còn ai nghèo hơn để phải bận tâm giải phóng, cộng sản trên thế giới cũng chẳng còn mấy ngoe để phải làm nghĩa vụ quốc tế. Cuối cùng, về tinh thần, ai muốn thờ chó đều được tự do, còn về vật chất, được sống trên đời hưởng miếng dồi chó, là vui rồi. Đâu còn lý do để đòi hỏi gì nữa?

© 2006 talawas