trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
15.4.2006
Phan Quân
Nhà thổ Tây
 
Cách nay sáu mươi năm, ngày 13.4.1946, bộ luật Marthe Richard đã chủ tâm xóa sạch khỏi xã hội Pháp một cơ chế nặng tính "tư sản", thường gọi là "nhà chứa có môn bài", được cảnh sát và y tế trông nom. Một năm trước đó, người ta kiểm kê trên toàn nước Phú Lang Sa cả thảy là 1.500 nhà thổ, trong số đó Paris chiếm 178 đơn vị. Vì là người đứng ra vận động phong trào chống nhà thổ nên danh tính của bà nghị viên thành phố Paris đã gắn liền với bộ luật đó. Một bộ luật có tham vọng sẽ dẹp hết các nhà chứa trong vòng sáu tháng.

Có khá nhiều huyền thoại về nhân vật nữ Marthe Richard này. Có người cho rằng bà là con người như mọi người, anh hùng thời Thế chiến I, theo kháng chiến thời Thế chiến II và người bênh vực nữ quyền. Có dư luận cho rằng bà là gián điệp đi moi móc tin tức cho Pháp cạnh nam tước von Krohn, một nhân vật của Đức. Hồ sơ lưu trữ cảnh sát ở Nancy năm 1905 có ghi nhận năm 16 tuổi, trong khi đang làm thợ may, bà có ra đứng đường để tăng thu nhập hàng tháng. Như vậy bà đã làm đủ ngành nghề. Marthe gái làng chơi, Marthe phi công, Marthe nữ gián điệp, Marthe kháng chiến quân,... Một con người muôn mặt!

Khi bộ luật này ra đời, nhà thơ đương thời Pierre Mac Orlan, một môn đệ thuộc trường phái lẳng lơ, than rằng: "Thế là căn bản của một nền văn minh hàng nghìn tuổi đời đã tiêu tan". Trong nghị trường không một dân cử nào dám hó hé chống đối, chỉ có một ông nhận xét hóm hỉnh là rồi đây giống đực bị kiêng cữ và cấm kỵ "thứ đó" đành phải lao vào một loại trụy lạc "phản vật lý", nghĩa là đồng tính luyến ái mà thôi.

Mầm móng nhà thổ Tây bắt đầu từ thời vua Louis thứ IX (1226-1270), còn gọi là Saint Louis, hệ thống nhà khép kín này được hoàn chỉnh dưới trào Nã Phá Luân Đại Đế (1804-1815). Thời đó, thiên hạ công nhận rằng hệ thống nhà chứa có những điều sằng bậy, thô bạo, khó coi. Nhưng trái lại cũng có dư luận cho rằng nó thực hiện được chức năng xã hội lớn lao. Vì nhà thổ giúp cho các cậu con trai ra ràng có cơ hội phá trinh và khám phá điều mới lạ, cho binh lính có chỗ giải sầu và cho bọn đàn ông có vợ thỏa mãn được những biến thể tình dục bị cấm đoán với bà xã ở nhà. Đó là chưa kể các bà vợ sợ sanh đẻ cảm thấy nhẹ nhõm khi đấng lang quân của mình đem của gởi nơi khác.

Nhà thổ Tây, giống như khách sạn, cũng có đủ hạng, đủ cỡ. Giai tầng xã hội nào thì theo hạng loại nấy. Những nhà kinh doanh bạc đầy túi, những chính khách, những siêu sao thì đi nhà chứa cấp ba sao của Paris như "Chabanais", "Sphinx" hoặc "One Two Two", là những nơi mà các tai to mặt lớn của thế giới đến mua vui trong một khung cảnh cung điện. Giới trung lưu thì vào những nhà chơi được tổ chức cũng vén khéo gọn gàng. Thợ thuyền, lính tẩy, dân nhập cư cháy túi thì chui vào các ổ em út như "Panier Fleuri" hoặc "Charbo", mà Tây họ gọi là những "xưởng giao hợp".

Đối với nhà nước thì hệ thống nhà chứa là hũ bạc trời cho. Năm 1946, một chủ nhà chứa đã nộp cho thuế vụ 67% tổng số tiền lời. Thế nhưng, điều quan trọng hơn thì đây là ổ những tên chỉ điểm và cũng là nơi thu thập tin tức nóng hổi và hấp dẫn.

Bộ luật này kết liễu một hệ thống ra đời từ năm 1804, cho phép thành lập những nhà chứa chấp gái điếm, những cô gái được coi như là thành viên của một hạng người nguy hiểm, với mục đích bảo vệ luân lý, trong thời buổi hưng thịnh của chế độ quý phái. Các "cô nội trú", trong đó cũng có một số cô xé lẻ đứng đường như hàng nghìn gái lậu khác, đều bị lục xì định kỳ để bảo vệ khách hàng khỏi vướng những căn bệnh xấu hổ, như hoa liễu, giang mai,... Với hệ thống đó, chủ nhà chứa cần có sự rộng lượng của cảnh sát và thường là chỉ điểm ngầm cho công an. Một số nhà chứa xử sự như một loại đồ tể của nghề bán dâm, như ở "Moulin Galant" ở Paris, hoặc ở "Panier Fleuri", người ta đếm phút mỗi "cái đáp" và quy định tối thiểu mỗi cô gái phải đi 70 lần trong một ngày, không vệ sinh mà cũng chẳng cần kín đáo. Còn có những nhà thổ loại hai, như "Maison Tellier" với những khách chơi nổi tiếng và những nhà tu hành như nhà văn Maupassant đã kể và sau cùng là những nhà chứa hạng sang như "Chabanais" hoặc "One Two Two", với những "cô nương" và những "khách làng chơi" chọn lọc.

Nhà "Chabanais" còn có một vai trò chiến lược trong bang giao Pháp-Anh vì ông hoàng xứ Galles đã giữ riêng cho mình một căn phòng ở đó, trước khi trở thành Edouard VII (Vua Anh quốc 1901-1910) và ký kết hiệp ước thân hữu Anh-Pháp. Vua chúa, tổng thống và thủ tướng nước ngoài ghé qua thường là khách quý của nhà này dưới ám số "Viếng thăm chủ tịch thượng viện". Một khi các nhà chứa đã đi vào nếp sống quen thuộc của quần chúng, nó cũng nằm trong sinh hoạt của các văn nghệ sĩ như họa sĩ Toulouse-Lautrec đóng đô ở nhà chứa đường Moulins, họa sĩ Van Gogh vẽ nhà thổ Arles, văn sĩ Zola viết quyển Nana, nhà văn Goncourt viết quyển La fille Elisa, ca sĩ Piaf hát bài "Les marlous et leurs marmites", với những nhân vật thuộc thành phần nhà chứa.

Trong quyển hồi ký của mình - với tựa đề One Two Two (căn nhà số 122, đường Provence, quận 8 Paris), nxb Olivier Orban, 1975 - bà Fabienne Jamet cho biết nhà chứa của bà được những nhân vật nổi tiếng, thậm chí của cả thế giới, ghé qua. Như các chính khách lừng danh, những bậc vua chúa (Agha Khan), những siêu sao ca nhạc và điện ảnh (Gabin, Tino Rossi, Mistinguett, Charlie Chaplin, Cary Grant, Bogart, ...) và ngay cả những sĩ quan Đức Quốc xã.

Còn những nhà chứa cho hạng cùng đinh của xã hội thì thời đó người Pháp gọi là những "nhà ngã thịt". Là một thứ địa ngục trần gian, nơi mà các cuộc làm tình với giá biểu thấp và tính từng phút. Những nhà chứa này thường nằm cạnh những xưởng thợ, những trại binh. Ở đây, gái chơi rẻ như bèo, giá mỗi "chuyến đi" bằng tiền một cốc rượu vang. Họ phải "đi khách" theo nhịp độ công nghiệp dây chuyền, từ 60 đến 100 "độ" một ngày. Khách mua hoa ở đây là thợ thuyền, lính tẩy cháy túi, chủ yếu là ba đá các tiểu đoàn Phi Châu (Bat'd'Af', bataillon d'Afrique), dân vô gia cư, những người nhập cư đói rách. Họ xếp hàng rồng rắn, dài thòng ra cả ngoài đường phố, để chờ tới phiên xả bầu tâm sự. Các cô gái ở đây "làm việc" không ngơi nghỉ, từ sáng tinh sương cho đến đêm tối. Làm tình ngắn gọn, mỗi chuyến vài ba phút, có khi cứ nằm ì cho khách hàng thay nhau "oanh kích"...!

Đàng sau cánh cửa nhà thổ là những thực tế phũ phàng, nào là buôn bán phụ nữ, hành hung, rượu chè và cần sa ma túy. Những cô gái điếm, mà các tay ma cô, cò mồi, gọi là những "kiện hàng", được đem bán hết nhà này đến nhà khác còn bị hành hạ thẳng tay. Họ phải mua sắm để ăn diện, để phòng ngừa bệnh tật qua chủ chứa, chủ nợ muôn đời của họ. Chủ chứa còn lấy xâu của họ qua từng lần đi khách một.

Đến năm 1946, dưới thời chiếm đóng của Đức Quốc xã, các nhà chứa đã bị xuống dốc lại còn chịu thêm gánh nặng "hậu chiến" của các chủ chứa, thân cận với chế độ Vichy, với quân chiếm đóng và các tay buôn bán chợ đen. Theo bà Marthe Richard, người chủ trương bộ luật cấm nhà thổ, thì trong thời chiếm đóng, nhà thổ là những ổ phản bội vì các chủ chứa là những nhà cung cấp tin tức cho Gestapo.

Luật 1946 che đậy bớt tệ mãi dâm, chớ không loại bỏ được. Các cô gái, bị các tên ma cô dụ dỗ, lại đi đứng đường, hành nghề lậu hay đón khách ở "nhà hẹn", như điểm hẹn của bà Billy ở đường Paul-Valéry, tồn tại cho đến năm 1978. Vậy mà sáu mươi năm đã qua, bước sang thế kỷ 20, 21 rồi, vẫn có những người đòi mở lại nhà chứa, như ông nghị Jean Durand (1951), bà dân biểu Michèle Barzach (1990) và bà nghị viên đô thành Paris Françoise de Panafieu (2002). Nghe đâu ở Bá Linh, người ta định xây dựng một trung tâm hành lạc "Eros Center" khổng lồ, dành cho những ủng hộ viên bóng đá của Giải bóng đá thế giới 2006 sắp tới. Và mới hồi gần đây, ở kinh đô ánh sáng Ba Lê, các cô gái ăn sương tổ chức biểu tình tuần hành gọi là "Pute Pride", xuất phát từ khu ăn chơi lừng danh của Paris, Place Pigalle, để đòi hỏi nhà nước hợp thức hóa ngành nghề của họ.

Tây tà hết chỗ nói! Có những điều chẳng giống ai hết vậy mà cứ tự hào với cái gọi là "biệt lệ của Pháp", exception française, do tinh thần hoài cổ, qua những hào quang xưa cũ thời vua chúa. Y như rằng là đất nước của một Âu Châu cổ lỗ sĩ!

© 2006 talawas