trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
18.5.2006
Hậu Học
Về bản dịch “Triết lý kiểu phụ nữ” của Vũ Ngọc Thăng
 
Có lẽ đã hơi trễ để viết bài này vì thực sự tôi đọc bản dịch của ông Vũ Ngọc Thăng trên talawas vào đúng ngày 8/3/2006 và ngay lúc ấy tôi đã bắt tay vào liệt kê ngay những sai sót về dịch thuật trong văn bản này. Nhưng sau đó có hai vấn đề làm tôi trễ nải:

  1. Các sai sót này quá nhiều;
  2. Tôi bận nhiều công việc khác phải hoàn thành đúng kỳ hạn.
Tuy vậy cũng vì nhiều sai sót và có những cái thuộc loại không thể bỏ qua nên tôi cố gắng viết ra những điều mình thấy và nghĩ, hầu cho những ai đã đọc bài ấy thì nay được nhìn lại để không hiểu sai ý của tác giả Umberto Eco (về mặt chủ quan tôi cho như vậy) và đồng thời cũng để trao đổi với dịch giả Vũ Ngọc Thăng.

Tôi xin đi ngay vào những điểm của bản dịch mà tôi cho rằng sai lầm.

Ngay câu đầu tiên, phần nằm giữa hai gạch nối: “đàn ông thì có khả năng tư duy về cái vô hạn còn đàn bà thì mang lại ý nghĩa cho cái hữu hạn”, đã thấy ngay một sự phi logic. Tất nhiên vị triết gia nổi tiếng kia không đi phát biểu một câu mà hai vế chẳng ăn nhập gì với nhau. Vậy ắt hẳn một trong hai vế đã bị dịch sai. Đó là vế thứ hai. Ở đây dịch giả đã không rõ nghĩa của cụm động từ “dare senso a” nên đã dịch word-by-word theo nghĩa thông thường của động từ “dare” là “cho, mang lại”. Câu này thực ra nên hiểu là “đàn ông thì có khả năng nghĩ được những điều vô tận, cao siêu còn đàn bà chỉ quẩn quanh với (nghĩ, để ý) những điều tủn mủn, vụn vặt” (xin lưu ý: những câu tôi “tạm dịch” là tôi chỉ “diễn lại” đúng cái ý của nguyên gốc chứ không phải là tôi đang “dịch”, vì nếu dịch tôi không dịch một câu mà tôi chỉ dịch một văn bản trọn vẹn, có giọng điệu, tính cách… theo phong cách dịch của tôi).

Ngữ tiếp theo “có thể đọc theo nhiều cách” lại tiếp tục được dịch word-by-word từ nguyên bản mà dịch giả không ngừng lại một chút để tự vấn rằng độc giả Việt Nam đọc có hiểu được không, hay nói đúng hơn là tiếng Việt có cho phép viết như vậy để diễn tả ý đó không. Vì trong tiếng Việt, khi nói “đọc theo nhiều cách” người ta sẽ hiểu có thể là đọc xuôi, đọc ngược… Chỉ cần thay chữ “đọc” trên thành chữ “được hiểu” hay “được diễn dịch” là diễn tả được đúng ý tác giả.

Ở câu thứ 5, ngữ: “như thể qua cách nào đó bảo rằng”, hoàn toàn là một “sáng tác” của dịch giả vì trong nguyên bản không bói ra được từ nào có nghĩa qua cách nào đó, và khi “sáng tác” như vậy, dịch giả đã đẩy độc giả Việt vào một nỗi hoang mang không biết tác giả muốn nói cách nào đó là cách gì? Hay là lập ý của ông quá ẩn mật ở tầm cỡ triết gia và người thường không thể nào hiểu nổi. Cách giải quyết câu này là bỏ hẳn những chữ “qua cách nào đó” (mà trong nguyên tác không có) thì mọi chuyện đã rõ ràng: “như thể bảo rằng” hoặc “cũng giống như bảo rằng”.

Câu thứ 6: “Văn hóa Do Thái quả thực thịnh hành về thính giác mà không thịnh hành về thị giác và tính thần thánh chẳng nên biểu hiện qua hình ảnh, nhưng có một nền sản xuất thị giác rõ ràng là thú vị trong nhiều văn bản chép tay Do Thái” có 1 sai lầm và có 2 điểm cần lưu ý.

Lưu ý 1: là lưu ý về thì. Tác giả sử dụng các động từ đều ở thì quá khứ và dịch giả khi dịch như vậy theo tôi là không chuẩn xác vì có thể gây cho độc giả Việt Nam hiểu lầm rằng đó là văn hóa Do Thái hiện tại. Theo tôi nên thêm vào từ thời ấy sau ngữ văn hóa Do Thái thành văn hóa Do Thái thời ấy.

Lưu ý 2: là lưu ý về từ ngữ. Thực ra hai dịch giả khác nhau là đã dùng những từ ngữ khác nhau để dịch một văn bản rồi, vì điều ấy tùy thuộc vào trình độ thẩm thấu bản gốc, chọn văn phong dịch… Nhưng ở đây ngữ: “nền sản xuất thị giác thú vị” theo tôi là không ổn, vì dịch giả đã dịch từng từ một trong nguyên bản mà không hề “chuyển dịch” sang tiếng Việt. Thực ra chỗ này trong tiếng Việt có thể dịch đơn giản là “những hình ảnh thú vị”.

Sai lầm: là ngữ “tính thần thánh chẳng nên biểu hiện qua hình ảnh”. Trong nguyên bản, tác giả đã dùng một động từ có nghĩa là “không được phép” hoặc “bị cấm” chứ không nhẹ nhàng là “chẳng nên”. Nếu tìm hiểu thêm một chút về “văn hóa Do Thái thời ấy”, ta sẽ biết đây là điều luật quan trọng nhất trong 12 Điều răn, trong đó Jehova (thần của dân Do Thái – được xem là Đấng ban 12 Điều răn qua lãnh tụ Moise) đã cấm dân tộc Do Thái làm bất cứ một hình tượng nào để biểu hiện Ngài. Vì vậy ở đây phải được dịch là “cấm tuyệt đối” chứ không phải là “chẳng nên”.

Câu thứ 7: “… ở các thế kỷ khi nghệ thuật tượng hình nằm trong tay Nhà Thờ thì khó mà một người Do Thái được khuyến khích vẽ Đức Mẹ và Thánh giá...”. Ở đây có 2 từ ngữ có vấn đề: Nhà Thờ Thánh giá. Từ Nhà Thờ thực ra đã thường xuyên xuất hiện trong các bản dịch, được dịch từ tiếng Anh là Church (viết hoa) và trong bản tiếng Ý này là Chiesa (viết hoa). Lẽ ra từ này phải được dịch là Giáo hội, trong trường hợp văn bản này là giáo hội Công giáo Roma. Mặc dù ở đây tác giả đã viết hoa là Nhà Thờ, nhưng theo tôi như vậy vẫn là không chính xác và có thể gây nhầm lẫn cho nhiều người Việt Nam.

Từ Thánh giá được dịch từ chữ crocifissioni mà ở đây thực ra là hình ảnh Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập giá. Nếu dịch là Thánh giá sẽ dễ gây nhầm lẫn cho người đọc là chỉ hình ảnh của cây thập giá. Vậy nguyên chỗ này nên được hiểu là “khi nghệ thuật tượng hình còn nằm trong tay giáo hội Công giáo Roma (La mã) thì một người Do Thái khó mà đuợc khuyến khích vẽ những hình ảnh Đức mẹ hay Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập giá”.

Câu thứ 8: “Biên niên của đại học Bologna kể rằng các vị nữ giáo sư như Bettisia Gozzadini và Novella d’Andrea đẹp đến nỗi họ phải giảng bài đằng sau một màn trùm mặt để sinh viên khỏi xốn xáo, nhưng các vị ấy không dạy triết”. Dịch giả hiểu sai ý tác giả và không nắm mạch văn nên đã dịch ngược nghĩa hoàn toàn với bản gốc. Đại ý toàn bài viết thực ra nằm trong câu đề từ: Thực ra lịch sử có nhiều những nữ triết gia nhưng họ đã bị những ông triết gia quên đi một cách cố ý (sau khi những ông này chắc là đã ăn cắp những ý tưởng của họ). Trong chủ đề như vậy thì câu: “nhưng các vị ấy không dạy triết” là non-sense (ngu ngơ, vô nghĩa). Thực ra Umberto Eco (bản thân ông cũng đang là giáo sư của đại học Bologna) bảo rằng biên niên có ghi lại việc các bà ấy đẹp, giảng bài mà phải đeo mạng che mặt, nhưng lại “quên” ghi lại cái điều cốt lõi là các bà ấy dạy triết học.

Câu thứ 9: “Heloise, người học trò cực kỳ thông minh và bất hạnh của Abelard hẳn là đành lòng trở thành một nữ tu viện trưởng”. Chữ hẳn là ở đây trong nguyên bản là một động từ chỉ thể bắt buộc, nên được dịch là đã phải.

Câu 14: “Bảo rằng các nhà huyền học nữ chú trọng thân thể hơn các ý niệm trừu tượng…”. Nngười đọc bình thường có thể hiểu ngay rằng ở đây tác giả muốn dùng một từ có ý nghĩa đối nghịch với cụm từ các ý niệm trừu tượng. Trong nguyên bản là từ corpo mà nếu lật tự điển thì thân thể chỉ là một trong hàng chục nghĩa của từ này. Ở đây, dịch giả cẩn thận và có suy nghĩ buộc phải chọn nghĩa sự vật (hiện tượng, đồ vật… đại khái là cái gì đó) cụ thể chứ không thể chọn nghĩa thân thể làm cho người đọc bản Việt ngữ “chới với”, không hiểu trình độ viết văn của nhà văn lừng danh Umberto Eco sao kỳ cục vậy!

Câu 19: “Nếu thắc mắc tác giả Gilles Ménage là ai, thì chúng ta có thể khám phá: sống ở thế kỷ 17…” Mặc dù tác giả đã dùng mạo từ giống đực khi nói về Gilles Ménage, nhưng không hiểu sao dịch giả đã biến ông Gilles Ménage thành Gilles Ménage. Vậy người đọc từ đây về sau xin đổi những đại từ dùng để chỉ Gilles Ménage thành ông (còn nếu độc giả nào nghi ngờ, xin cứ lên internet và tra cái tên này, ắt hẳn sẽ chắc chắn về giới tính của Gilles Ménage).

Trên đây là một số điểm cơ bản có vấn đề của bản dịch. Nói “cơ bản” vì thực ra còn nhiều những chỗ khác mà tôi cho là cũng có vấn đề về mặt dịch thuật, nhưng không ảnh hưởng lớn lắm đến nội dung. Trong khi đó, mục đích của tôi khi viết bài này là sửa lại những chỗ trong bản dịch tôi cho là sai lầm, để những ai đã đọc bài này mà có những hiểu lầm hoặc những điểm chưa rõ nào được hiểu rõ và đúng hơn những gì mà Umberto Eco đã trình bày.

© 2006 talawas