trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạcXã hộiGiáo dục
30.8.2006
Vũ Đông Ngọc
Nghiên cứu về Trịnh Công Sơn: Một luận văn tốt nghiệp thạc sĩ tại Việt Nam với số điểm tối đa có vấn đề trầm trọng
 
Trịnh Công Sơn là một trong những hiện tượng đặc thù của âm nhạc Việt Nam. Cũng đặc thù như thế là dấu ấn sáng tạo của ông trong ngôn ngữ văn học Việt. Nhiều nghệ sĩ và nhiều nhà nghiên cứu văn học có uy tín, cả trong lẫn ngoài nước, khi nghiên cứu về ca từ của Trịnh Công Sơn, đã công nhận điều này. Việc tiếp tục nghiên cứu và đào sâu vào những vỉa tầng khác nhau trong sáng tác của người nhạc sĩ này là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa. Cũng như những nghệ sĩ, những nhà văn, nhà thơ và những nhà văn hoá lỗi lạc khác của Việt Nam, Trịnh Công Sơn đã có những đóng góp của mình vào việc làm phong phú và đẹp đẽ hơn nữa gia tài văn hoá Việt. Ðặc biệt đối với Trịnh Công Sơn, đóng góp của ông nổi bật lên trong lãnh vực ngôn ngữ. Ông đã làm mới lạ cách diễn tả tình ý của con người Việt Nam, đặc biệt trong khía cạnh tình yêu và thân phận con người trong cuộc chiến cũng như trong chuyến đi lữ thứ của nó về cõi vĩnh hằng. Ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn để diễn tả cuộc chiến tàn bạo của lịch sử Việt hậu bán thế kỷ XX, cái nhìn của ông về phận người giữa cõi vô thường là cuộc đời này, tiếng đập ngọt ngào yêu thương và thiết tha nhân ái trong trái tim ông khi nói về tình yêu nam nữ nói riêng, hoặc tình yêu giữa người và người nói chung, đã là những dấu ấn khó phai trong tâm thức con người Việt Nam hiện đại.

Những tìm hiểu, nghiên cứu về Trịnh Công Sơn, từ nhiều góc độ, như thế, là những nỗ lực có ý nghĩa trong sự tìm hiểu chính mình của chúng ta, nếu ta khách quan nhìn nhận vai trò đặc thù của âm nhạc, thi ca, ngôn ngữ, và những sáng tạo trong lãnh vực văn học nghệ thuật nói chung, như những yếu tố phản ánh và giúp những thành viên trong một cộng đồng người nhìn rõ chính chân dung mình.

Trong hơn năm năm qua, kể từ khi Trịnh Công Sơn ra đi, đã có nhiều bài viết và nghiên cứu về Trịnh Công Sơn, cả trong lẫn ngoài nước. Nhiều tuyển tập tổng hợp những tài liệu và các bài viết về người nhạc sĩ này đã ra đời, cho chúng ta những hiểu biết thêm về con người, đời sống cũng như những khía cạnh đẹp đẽ, tài hoa trong sáng tác của ông. Là một người yêu thích văn học nói chung và cũng yêu thích các sáng tác của Trịnh Công Sơn nói riêng, tôi đã có cơ hội đọc và thu góp được nhiều tài liệu về người nhạc sĩ này. Trong nước, có nhiều tuyển tập. Hầu hết đều giới thiệu những bài viết ngắn, từ hai cho đến khoảng 15 trang, cho ta những cái nhìn nghiêng, những “bán diện” của Trịnh Công Sơn, qua mắt nhìn của những người viết. Ðặc biệt, về nội dung và cách trình bày, nổi bật lên cuốn sách của Trịnh Cung và Nguyễn Quốc Thái (Trịnh Công Sơn (1939 – 2001) - Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội hoạ và suy tưởng) và tuyển tập Một cõi Trịnh Công Sơn của Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thuỵ Kha và Ðoàn Tử Huyến. Trong hai tuyển tập này, ngoài bài viết của những tác giả trong nước, có nhiều bài viết của những tác giả không sống ở Việt Nam. Ở ngoài nước, có những tuyển tập đặc biệt về Trịnh Công Sơn, với những bài viết đa số là dài hơi hơn so với những bài viết trong nước, của các tạp chí sáng tác, nhận định văn nghệ như Văn Học, Văn, Hợp Lưu...

Trong thời gian một, hai năm trở lại đây, về đề tài Trịnh Công Sơn, trong nước nổi bật lên cuốn sách Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của Hoàng tử bé (nhà xuất bản Trẻ, 2004) của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người bạn của người nhạc sĩ. Cuốn sách là một tập hợp nhiều bài viết mang tính đoản văn, tuỳ bút, pha với phần nào tính chất ký và tự truyện, cho người đọc thấy được chân dung đời thường của người nhạc sĩ, được nhìn ngắm từ những góc độ đời thường pha lẫn một chút triết lý của tác giả. Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người có được những nét tài hoa trong tạp bút và ký, lại là bạn thân của Trịnh Công Sơn, nên cuốn sách của ông có những nét đặc biệt riêng, chiếu rọi được những “cận ảnh” đời thường mà những tác giả khác khó nhìn thấy. Ở ngoài nước, có cuốn Trịnh Công Sơn: Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật (nhà xuất bản Văn Mới, 2005) của Bùi Vĩnh Phúc. Ðây là chuyên luận của một nhà lý luận phê bình hiện sống tại Mỹ. Ông dạy Anh văn cũng như ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam tại đại học Mỹ. Là một nhà lý luận phê bình văn học, cùng với các nhà phê bình lý luận như Nguyễn Hưng Quốc, Ðặng Tiến và một vài người khác nữa, được nhiều độc giả văn học quan tâm theo dõi và đánh giá cao [1] , trước chuyên luận về Trịnh Công Sơn này, Bùi Vĩnh Phúc đã cho ra mắt nhiều tác phẩm mà cuốn sách tương đối gần đây của ông được nhiều người chú ý là cuốn Lý luận và phê bình - Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước (1975 – 1995). Cuốn chuyên luận của Bùi Vĩnh Phúc có thể nói là cuốn sách nghiên cứu dài hơi và chuyên sâu đầu tiên [2] về Trịnh Công Sơn có tính văn học, thậm chí văn chương, về ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật của người nhạc sĩ, với một phương pháp luận đặc biệt [3] .

Gần đây nhất, trên báo Văn Học (số 232, tháng 7 & 8.2006), một tạp chí sáng tác và nhận định văn nghệ xuất bản tại Mỹ, người ta thấy có đăng bài “Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn” của Ban Mai. Toàn bài, chiếm 69 trang báo Văn Học, được đăng với lời giới thiệu: “Ban Mai tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thuý, hiện đang làm việc tại một trường đại học tại miền Nam Trung bộ Việt Nam. Tháng Tư 2006 bảo vệ luận văn thạc sĩ đầu tiên ở Việt Nam về đề tài ca từ Trịnh Công Sơn với số điểm tuyệt đối 10/10”. Ban Mai cũng đã có hai trích đoạn, lấy từ luận văn này, đăng trên talawas. Dù sao, hai trích đoạn đó không chứa đựng những điều cần được phân tích trong bài viết này.

Tôi đã tò mò đọc thử luận văn của tác giả Ban Mai trên số báo Văn Học vừa nói. Luận văn này được bố cục thành bốn phần/chủ đề: Một, Cuộc đời và sự nghiệp; hai, Tầm ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn; ba, Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn; và bốn, Trịnh Công Sơn người ca thơ. Bố cục luận văn cân đối, ngôn ngữ trình bày sáng sủa. Cái đặc biệt cần nhắc đến là tác giả luận văn đã sử dụng được rất nhiều nguồn tài liệu, cả trong lẫn ngoài nước, và đặc biệt là số tài liệu ngoài nước được trích dẫn khá phong phú so với dung lượng bài viết. Ðiều đó cho thấy tác giả có sự công phu trong việc tìm và chọn lựa những nguồn tài liệu thích đáng cho nội dung khai triển của mình.

Dù sao, lý do để tôi viết bài này là, do cuốn chuyên luận về Trịnh Công Sơn của nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc mà tôi đã nhắc đến ở trên đã được phổ biến rộng rãi ngoài nước trong khoảng hơn một năm qua, phần chính của chuyên luận lại được phổ biến trên nhiều kênh truyền thông [4] , và do tôi đã đọc nó nhiều lần, tôi đã nhìn thấy là tác giả Ban Mai, ngoài việc trích dẫn Bùi Vĩnh Phúc bốn lần (qua cuốn chuyên luận của ông và qua bài phỏng vấn Bùi Vĩnh Phúc do Phạm Văn Kỳ Thanh thực hiện, phổ biến trên talawas vào tháng 12. 2005), đã sao chép nguyên văn (hoặc gần như nguyên văn, chỉ sửa đổi một vài từ) nhiều đoạn văn dài trong chuyên luận Trịnh Công Sơn: Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật của nhà phê bình này.

Trước hết, ở đây, tôi xin đưa ra một số dẫn chứng về điều vừa nói. Sau đó, tôi sẽ xin phép thử đưa ra một vài suy nghĩ và nhận định của riêng tôi về một vài vấn đề có liên hệ đến đạo đức và kỹ thuật trong thao tác khoa học của người làm nghiên cứu, một vấn đề đang là mối quan tâm lớn của nhiều người Việt cả trong lẫn ngoài nước.


1. Trong phân đoạn “Ám ảnh về cái vô thường của cuộc đời”, ở trang 56 và 57 trong chuyên luận của mình, Bùi Vĩnh Phúc viết:

Những sự mất mát trong đời sống đã mở mắt cho Trịnh Công Sơn thấy được cái vô thường của đời này. Nỗi ám ảnh về cái chết, về sự mất mát, về tính vô thường của đời sống, luôn luôn là một ám ảnh theo sát Trịnh Công Sơn từ những ngày anh còn khá trẻ. Có lẽ vì là một người sống ngay trong một thành phố mà lúc nào bom đạn cũng bủa vây tứ phía, được nhìn tận mặt chiến tranh, nghe và thấy cái chết một cách quá rõ nét trong cuộc đời, Trịnh Công Sơn đã có những cảm nhận sâu xa về những cái mất còn của đời sống. Cuộc chiến đã dựng lên những cận ảnh tang tóc và kinh hoàng ngay trong những thành phố mà anh đã từng sống với. Cái còn hay mất của tất cả mọi thứ, kể cả tình yêu, trong chiến tranh, cũng là một điều mà con người phải kinh nghiệm và chấp nhận. Hạnh Phúc hay Bất Hạnh. Nỗi Buồn hay Niềm Vui. Khổ Ðau hay Hoan Lạc. Tất cả chỉ là hai mặt sấp ngửa của Cuộc Ðời. Từ đó, người nhạc sĩ nhận ra rằng:

Một hôm bỗng nghe ra buồn vui kia là một
Như quên trong nỗi nhớ (...)
Vườn năm xưa em đã đến
Nay trăng quá vô vi
Giọt sương khuya rụng xuống lá
Như chân ai lần về

(“Nguyệt ca”)

Ở trang 69 của luận văn mình, đăng trên Văn Học, Ban Mai viết:

Những sự mất mát trong đời sống đã giúp cho Trịnh Công Sơn thấy được cái vô thường của đời này. Nỗi ám ảnh về cái chết, về sự mất mát, về tính vô thường của kiếp người, luôn luôn ám ảnh theo sát ông từ những ngày ông còn khá trẻ. Và cũng có lẽ do thời đại ông sống, là thời đại của bom đạn bủa vây tứ phía, được nhìn tận mặt chiến tranh, nghe và thấy cái chết hằng ngày một cách rõ nét trong cuộc đời, nên Trịnh Công Sơn đã có những cảm nhận sâu xa về những cái mất còn của đời sống. Hạnh Phúc hay Bất Hạnh. Nỗi buồn hay niềm vui, khổ đau hay hoan lạc. Tất cả chỉ là hai mặt sấp ngửa của cuộc đời, cuối cùng đời sống con người chỉ như một vết mực:

Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xoá bỏ không hay

(“Cát bụi”)

Vết mực, rồi theo thời gian nó sẽ nhoà đi. Rồi nó sẽ bị bôi xoá. Thực/biến. Có/ không. Ði/về. Ðối với ta, giờ đây, cũng chỉ là một đường ranh hư ảo.

Dòng sông trước kia tôi về, bỗng giờ đây đã khô không ngờ
Lòng tôi có khi mơ hồ, tưởng mình đang là cơn gió (...)
Chợt tôi thấy thiên thu là, một đường không bến bờ

(“Lời thiên thu gọi")

Phần đầu, khá dài, việc sao chép trong luận văn của Ban Mai gần như nguyên văn. Tác giả chỉ thay đổi một vài chữ và cắt bỏ một đoạn ngắn. Phần sau, về “vết mực”, ta thấy đó là sự lắp ghép từ những trang khác trong chuyên luận của Bùi Vĩnh Phúc. Tại trang 42 của chuyên luận mình, Bùi Vĩnh Phúc viết:

Nhìn vào thiên nhiên, có những lúc Trịnh Công Sơn nhìn thấy mình là chiếc lá phai mờ, là chút mực nhoè...

Ở trang 84, ông viết:

Tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, và tình yêu quê hương, cuối cùng, đã giúp Trịnh Công Sơn sống trọn vẹn với trần gian này. Cho đến khi “vết mực” kia được bôi xoá đi.

Ở trang 58, ông viết:

Tất cả những kinh nghiệm, những nhận thức ấy càng làm cho anh ý thức hơn nữa cái khoảng ngắn hẹp của thời gian mà chúng ta gọi là đời người này:

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày (...)
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xoá bỏ không hay.

(“Cát bụi")

Phải, đời sống con người cũng chỉ như một vết mực. Rồi nó sẽ nhòe đi. Rồi nó sẽ được xoá bỏ. Thực, biến. Có, không. Ði, về. Ðối với ta, bây giờ, tất cả trông chỉ giống như một đường chỉ kéo dài tít tắp.

Dòng sông trước kia tôi về
Bỗng giờ đây đã khô không ngờ
Lòng tôi có khi mơ hồ
Tưởng mình đang là cơn gió
Về chân núi thăm nấm mồ
Giữa đường trưa có tôi bơ phờ
Chợt tôi thấy thiên thu là
Một đường không bến bờ

(“Lời thiên thu gọi")

Ta đã thấy rõ là sự sao chép, lắp ráp trong luận văn của Ban Mai đã được thực hiện một cách khá công phu.


2. Tại trang 76 trong luận văn của mình, Ban Mai viết:

Ðời chỉ là một cuộc đi. Ði mãi đi mãi. Và đi một mình. Ði một mình như thế qua suốt cuộc trần gian này. Nếu có về chốn cũ của mình, ông chỉ nhìn thấy sự hoang vu quạnh quẽ: Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ / Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên (“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”). Tất cả những gì là êm ấm, gần gũi ngày xưa, bây giờ chỉ còn là sự hờ hững, vắng không, tăm tối, khiến cho nỗi cô đơn trong ông càng đầy, càng nặng: Nhà im đứng cửa cài đóng then / Vườn mưa xuống hành lang tối tăm / Về thôi nhé, cổng chào cuối sân / Hờ hững thế loài hoa trắng hồng (“Vườn xưa”).

Ðoạn văn này của Ban Mai cũng là một sự lắp ghép công phu khác từ những trang trong chuyên luận của Bùi Vĩnh Phúc. Trong phân đoạn “Ám ảnh về sự cô đơn”, trang 42, Bùi Vĩnh Phúc viết:

Ðời chỉ là một cuộc đi. Ði mãi đi mãi. Và đi một mình. Ði một mình như thế qua suốt cuộc trần gian này:

Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên

(“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”)

Nỗi cô đơn luôn vây bủa Trịnh Công Sơn. Cho dù có những lúc gặp gỡ bạn bè, nói cười xôn xao ngoài phố, nhưng khi trở lại với riêng mình, anh chỉ thấy tất cả những niềm vui giữa phố chợ kia cũng giống như những hạt khô rụng rơi lả tả quanh mình:

Tôi như mọi người mong ngày sẽ tới
Nhưng khi về lại thu mình góc tối
Trong tôi rụng đầy bao nhiêu nụ cười ...
Có tối thật đều trong linh hồn nhỏ

(“Bay đi thầm lặng”)

Tại trang 43, ông viết:

Nếu có về chốn cũ của mình, anh chỉ nhìn thấy sự hoang vu quạnh quẽ. Tất cả những gì là êm ấm, gần gũi ngày xưa, bây giờ chỉ còn là sự hờ hững, vắng không, tăm tối, khiến cho nỗi cô đơn trong anh càng đầy, càng nặng:

Nhà im đứng cửa cài đóng then
Vườn mưa xuống hành lang tối tăm
Về thôi nhé, cổng chào cuối sân
Hờ hững thế loài hoa trắng hồng

(“Vườn xưa”)


3. Sau đây lại là một đoạn lắp ghép khác. Tại trang 70 của luận văn, Ban Mai viết:

Giống như Nguyễn Du đã nhìn thấy hình ảnh vô thường trong bóng mây:

Du du vân ảnh biến thần tịch
(Bóng mây lững thững biến đổi sớm chiều)

("La Phù Giang thuỷ các độc toạ)

Trong khi đó, Trịnh Công Sơn xem cuộc đời như ngọn gió hư vô:

Ôi phù du / từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ / Ðời người như gió qua

("Phôi pha")

Ðối với ông, cuộc đời phù du như cơn gió. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những ca từ của ông nói về gió, những làn gió bay, những hơi gió thoảng. “Em ra đi như thoáng gió thầm...” ("Tạ ơn"). “Lòng tôi có khi mơ hồ, tưởng mình đang là cơn gió...” (“Lời thiên thu gọi"). Em hay ta, rồi cũng sẽ ra đi. Và cả trần gian này nữa. Tất cả rồi thì cũng sẽ chìm trôi. Ðó là ám ảnh không nguôi của Trịnh Công Sơn.

Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm trước mây qua mây qua ...
Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm nữa mây qua mây qua ...
Bờ bến thiên thu nằm chìm dưới cơn mưa

(“Chìm dưới cơn mưa”)

Ðoạn văn trên của Ban Mai được đan dệt khá công phu và, hầu hết, có thể tìm thấy ở trang 59 và 60 trong chuyên luận của Bùi Vĩnh Phúc:

Giống như Nguyễn Du đã nhìn thấy hình ảnh vô thường trong bóng mây:

Du du vân ảnh biến thần tịch
(Bóng mây lững thững biến đổi sớm chiều)

(La Phù Giang thuỷ các độc toạ),

Trịnh Công Sơn cũng nhìn thấy cái chớp mắt của vô thường kia trong bóng nắng. Bóng nắng trong câu kinh Phật:

Con mắt còn lại nhìn đời là không
Nhìn em hư vô nhìn em bóng nắng

Thiền sư Vạn Hạnh trong bài “Thị đệ tử” nói rõ:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
(Thân như ánh chớp có rồi không)

Người con gái yêu dấu bên cạnh đời ta kia rồi một ngày nào đó cũng sẽ bay đi. Bay đi như một ánh chớp. Bay mãi vào cuộc trăm năm hay vào những cõi bờ không còn không mất. Hình ảnh cánh hoa trắng ngần kia có phải là hình ảnh của em không?

Mùa mưa tới cành hoa trắng ngần
Ðã ra đời đùa vui phút giây
Sau một lần đến bên người
Khép lại tấm lòng nghìn năm nhớ ai

(“Chuyện đoá quỳnh hương)

Và hình ảnh ngọn gió kia, chính là ta đó. Một ngọn gió hư vô:

Ôi phù du / từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ / Ðời người như gió qua

(“Phôi pha”)

Em hay ta, rồi thì cũng sẽ ra đi. Và cả trần gian này nữa. Tất cả rồi thì cũng sẽ mịt mù. Tất cả rồi sẽ nằm chìm dưới cơn mưa của trăm năm. Hay của ngàn năm. Trăm năm, cái dấu chấm bé cỏn con ấy cho một đời người. Và ngàn năm, so với thiên thu, thì cũng chỉ là một cơn gió phù du:

Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm trước mây qua mây qua ...
Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm nữa mây qua mây qua ...
Bờ bến thiên thu nằm chìm dưới cơn mưa

(“Chìm dưới cơn mưa”)

Tất cả rồi sẽ chìm trôi. Ðó là nỗi ám ảnh không nguôi của Trịnh Công Sơn. Tính chất vô thường của đời sống, và của mọi sự trong nó, dẫn đến một thứ hư vô rợn ngợp bao phủ không gian tinh thần của một số ca khúc Trịnh Công Sơn. Nhưng, vì là một con người luôn thiết tha gắn bó và yêu thương cuộc đời, như đã phân tích ở trên, nhận thức về hư vô này không đưa người nghệ sĩ đến một thứ hư vô luận có tính cách tàn phá và phủ nhận cuộc đời. Trái lại, chính sự thiết tha ấy đã làm nên một chiếc phao giúp cho Trịnh Công Sơn khỏi phải “chìm dưới cơn mưa”. Ít ra, cho đến hết kỳ hạn của anh. Cho đến lúc “vết mực” kia bị xoá bỏ đi.


4. Ở trang 73 và 74 trong luận văn mình, Ban Mai viết:

Trịnh Công Sơn nhìn ngắm thân phận mình như một cái gì hư ảo, chóng tàn, chóng mất. Phần nào giống như Trần Thái Tông trong “Khoá hư lục” ngày xưa:

Thân như băng kiến hiệu
Mệnh tựa chúc đương phong
(Thân như băng gặp nắng trời
Mệnh như ngọn đuốc giữa gió)

Trần Thái Tông ví mệnh mình như “ngọn đuốc”, Trịnh Công Sơn ví đời mình như “đốm lửa”. Chúng ta thấy, cái nhìn của Trịnh Công Sơn về thân phận mình có chút gì mong manh, dễ tàn, dễ mất hơn:

Ðời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya

("Ðêm thấy ta là thác đổ")

ánh lửa ấy, rồi cũng như vệt nắng chiều mong manh hấp hối kia, sẽ tắt khi đêm về.

Ta có thể nhận ra là gần như nguyên văn đoạn này được sao chép lại từ chuyên luận của Bùi Vĩnh Phúc, trang 43:

Trịnh Công Sơn nhìn ngắm thân phận mình như một cái gì hư ảo, chóng tàn, chóng mất. Phần nào giống như Trần Thái Tông trong "Khoá hư lục" ngày xưa:

Thân như băng kiến hiệu
Mệnh tựa chúc đương phong
(Thân như băng gặp nắng trời
Mệnh như ngọn đuốc giữa gió)

Dù sao, cái nhìn của anh về thân phận mình có chút gì mong manh, dễ tàn, dễ mất hơn:

Ðời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya

("Ðêm thấy ta là thác đổ")

Ánh lửa ấy, rồi cũng như vệt nắng chiều mong manh hấp hối kia, sẽ đậy lại một ngày qua.


5. Trong phần “Trịnh Công Sơn, người ca thơ”, trang 100 trên Văn Học, Ban Mai viết:

Không ai nghe nhạc Trịnh Công Sơn mà lại không thấy những nét kỳ ảo trong ngôn ngữ của người nhạc sĩ. Những nét kỳ ảo trong thế giới của ông đã khiến cho cái thế giới ấy trở nên đẹp đẽ, lung linh nhiều mầu sắc, có khi nhòe nhạt thấp thoáng những nét nghệ thuật hơn.

Ðoạn này có thể nói là sao chép nguyên văn một đoạn văn trong chuyên luận của Bùi Vĩnh Phúc, chương năm, phần đầu của “Nghệ thuật ngôn ngữ”, trang 131:

Không ai nghe nhạc Trịnh Công Sơn mà lại không thấy những nét kỳ ảo trong ngôn ngữ của người nhạc sĩ. Những nét kỳ ảo trong thế giới của anh đã khiến cho cái thế giới ấy trở nên, có khi, đẹp đẽ, lung linh nhiều mầu sắc, có khi, nhòe nhạt thấp thoáng những nét nghệ thuật hơn.

*


Tất cả những phần vừa được trích dẫn để so sánh là những phần, trong luận văn của mình, Ban Mai không hề có ghi một chú thích nào cho thấy là mình trích văn của nhà phê bình trong chuyên luận của ông. Ðộc giả không có dịp đọc trước chuyên luận của Bùi Vĩnh Phúc sẽ tin rằng đó là suy nghĩ và chữ nghĩa của Ban Mai. Ðây có thể là một sự “nhập tâm”, hoặc một sự vô ý lớn, gây tai hại khá trầm trọng cho luận văn của Ban Mai. Nó cũng có thể phản ánh một khiếm khuyết của nền giáo dục Việt Nam trong khâu huấn luyện viết luận văn/luận án cấp hậu đại học.

Ngoài những đoạn vừa được phân tích trên, luận văn của Ban Mai còn những đoạn khác có thể cần được góp ý, nhưng trong giới hạn tìm hiểu và nghiên cứu của người viết bài này, tôi không muốn đi sâu vào việc phân tích thêm nữa. Bởi, như thế, có lẽ tương đối cũng đã đủ cho mục đích của bài viết này. Qua những điều vừa trình bày, tôi thấy mình có một vài cảm xúc và suy nghĩ sau, để kết thúc bài viết:

Thứ nhất, tôi tiếc vì mình đã phải viết ra bài này. Tôi yêu những công trình nghiên cứu có chất lượng và có chiều sâu về văn học và văn hoá Việt Nam. Ðề tài chọn lựa của tác giả Ban Mai là một đề tài có thể đưa đến một kết quả như thế, nếu ta biết sử dụng những thao tác đúng cách về mặt kỹ thuật cộng với một ý thức rõ ràng về vấn đề đạo đức nghề nghiệp khi cầm bút. Chọn lựa một đề tài như thế để làm luận văn bảo vệ bằng thạc sĩ (văn học) của mình là một chọn lựa đẹp và đáng quý. Tôi tiếc, nhưng tôi vẫn phải viết bài này. Vì những điều tôi phát hiện ra như đã trình bày có thể mang chứa trong nó những ảnh hưởng rất tiêu cực đối với công trình của tác giả Ban Mai, nói riêng, cũng như đối với cung cách và phong thái làm việc của những thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam sau này, nói chung.

Thứ hai, riêng cá nhân mình, tôi không nghĩ Ban Mai là một tác giả thiếu năng lực. Biết lợi dụng sức mạnh của công nghệ thông tin, sử dụng được những nguồn tài liệu rất phong phú trên hệ thống liên mạng toàn cầu với biết bao bài vở và thông tin hữu ích thuộc mọi đề tài, biết kết nối những thông tin đó và diễn giải chúng theo một trình tự hợp lý, mạch lạc và bám sát vào đề tài mình đã chọn lựa, đòi hỏi một quá trình đào luyện và học hỏi nhất định. Tác giả Ban Mai là một người đã vượt qua được cái mặt bằng nhận thức thông thường (xét theo một nghĩa nào đó) để vươn lên mức chuyên môn. Nhận thức được điều đó, mặc dù phải viết bài này, cá nhân tôi, tôi tránh không đi vào thái độ “xổ toẹt” mà người ta dễ có thể có khi đối diện với một trường hợp tương tự. Có thật nhiều những trường hợp như thế đã và đang xảy ra tại Việt Nam, từ cấp độ của một học sinh cho đến cấp độ của một tiến sĩ [5] . Tôi không muốn quy trách hoàn toàn cho hệ thống giáo dục tại Việt Nam, cho dù cái hệ thống ấy thật sự vẫn còn quá nhiều điều cần phải sửa đổi. Theo dõi những bài viết của những vị thức giả có quan tâm tới phẩm chất giáo dục của ta trên nhiều trang báo (in và điện toán) của cả trong lẫn ngoài nước, ta thấy được rất rõ những điều ấy. Ðiều tôi muốn nói ở đây là không chỉ Việt Nam là quốc gia duy nhất đang phải đối đầu với vấn đề nan giải liên hệ đến đạo đức và kỹ thuật trong thao tác khoa học gắn bó với quá trình viết luận văn cấp Thạc sĩ và Tiến sĩ. Mới đây, trên bài báo “Student Plagiarism Stirs Controversy at Ohio University”, đăng trên tờ Wall Street Journal ngày 15 tháng 8, 2006, tác giả bài báo là Robert Tomsho đã cho biết là khủng hoảng về việc đạo văn trong giới sinh viên ngoại quốc theo học tại Ohio University đang gây sóng gió tại đây. Vì những lý do khác nhau, nhiều sinh viên Trung Hoa, Ấn Ðộ, Sri Lanka, Saudi Arabia, Thái Lan, Nam Hàn (và cũng có cả Hoa Kỳ nữa) đã thực hiện những hành vi không đúng này. Ðại học Ohio đang đòi những sinh viên bị cáo buộc đạo văn phải sửa đổi lại luận văn bảo vệ bằng cấp của mình; nếu không, nhà trường sẽ huỷ bỏ bằng cấp đã trao, cho dù người sinh viên bị cáo buộc ra trường đã lâu. Có những sinh viên đã ra trường 5, 10, thậm chí 20 năm rồi nay mới bị phát hiện. Các giáo sư đỡ đầu hoặc chấm luận án đang gặp khó khăn; một số từ chức, một số đang bị cho nghỉ việc. Kể ra như thế để thấy rằng không nên chỉ vì vấn đề này mà xem Việt Nam là nước duy nhất “tụt hậu” về mặt phẩm chất giáo dục. Nhưng cũng không nên có thái độ “người sao ta vậy”, không cần sửa đổi làm chi. Trung Hoa và Ấn Ðộ là hai nước đang phải đối đầu một cách rất khó khăn với tệ nạn này. Dù sao, họ đang có những nỗ lực cần thiết để sửa sai. Việt Nam ta cũng cần phải có một thái độ tương tự.

Cuối cùng, chuyên luận Trịnh Công Sơn: Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật của Bùi Vĩnh Phúc mặc dù chưa chính thức phổ biến trong nước, nhưng, theo chỗ tôi biết, đã có mặt ở Việt Nam, ít nhất trong dạng photocopy. Ngoài ra, như nhiều người đã biết, khoảng một nửa chuyên luận, được đăng lần đầu trên tuyển tập đặc biệt về Trịnh Công Sơn của tạp chí Văn Học tại Hoa Kỳ, đã được phổ biến trên một số mạng điện toán toàn cầu. Việc tác giả Ban Mai (vô ý hay cố ý) sao chép lại nguyên văn nhiều đoạn văn (mà không có những ghi chú chính đáng và cần thiết về thẩm quyền tác giả) từ chuyên luận của Bùi Vĩnh Phúc, một chuyên luận văn học mà ngôn ngữ mang đậm chất văn chương là một việc làm rất thiếu ý thức và không khôn ngoan. Hầu hết các sinh viên “có vấn đề” như vừa được trình bày ở trên tại đại học Ohio, Hoa Kỳ, là những sinh viên ngành kỹ sư. Các phần sao chép của họ là các phần với ngôn ngữ mang nặng tính khoa học và khô khan của các lý thuyết. Sự phát hiện, như thế, có thể khó nhận ra hơn. Nhưng sao chép các đoạn văn trong một tác phẩm còn khá mới, được phổ biến rộng rãi trên nhiều kênh thông tin khác nhau, của một tác giả được sự theo dõi của nhiều người cả trong lẫn ngoài nước, là một việc làm thật khó hiểu! Nói như vậy không có nghĩa là người ta có quyền đi sao chép những tài liệu khó phát hiện hơn. Tôi chỉ muốn nói là tôi khó tìm được cách giải thích về trường hợp này. Dù sao, tôi cũng muốn nói thêm rằng luận văn của Ban Mai có những đóng góp nhất định ở một số mặt. Nét sáng tạo trong luận văn của tác giả Ban Mai có thể chưa nhiều, nhưng những cố gắng tổng hợp và hệ thống hoá là có. Bỏ qua những sai sót trầm trọng kia—những sai sót mà riêng cá nhân mình tôi vẫn muốn nghĩ là mang nhiều dấu vết của sự thiếu kinh nghiệm và thiếu hướng dẫn trong việc viết luận văn/luận án, cũng như là do sự vội vã, hơn là do sự thiếu vắng một “đạo đức nghề nghiệp”—luận văn của Ban Mai vẫn có thể mang lại cho người đọc những hiểu biết hữu ích về đề tài mà tác giả đã chọn lựa.

Bài viết này chấm dứt ở đây với những cảm xúc buồn bã và xót xa. Dù sao, tôi không mất hy vọng vào phẩm chất giáo dục của Việt Nam. Tất cả những ai vấp phạm, vì bất cứ hoàn cảnh hay bất cứ lý do gì, trong những vị trí riêng của mình, đều có thể sửa đổi. Chúng ta tự sửa đổi và dạy cho những thế hệ sau những phong cách làm việc chính đáng và khoa học hơn. Ðược thế, tất cả chúng ta vẫn có thể tin tưởng vào sự vươn lên của những giá trị nhân văn trong văn hoá của người Việt.

23 tháng 8.2006

© 2006 talawas



[1]Xem Nguyễn Mộng Giác, “Trò chuyện với sinh viên”, đăng trên talawas ngày 14 tháng 3. 2006.
[2]Nếu không kể luận văn cao học về nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn của Yoshii Michiko. Chuyên luận của Bùi Vĩnh Phúc nghiên cứu về mặt ngôn ngữ và đào sâu vào vùng vô thức của Trịnh Công Sơn nhiều hơn.
[3]Xem phỏng vấn Bùi Vĩnh Phúc của Phạm Văn Kỳ Thanh trên talawas, “Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật”, đăng làm hai phần, ngày 10 tháng 12, 2005.
[4]Cuốn Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật do nhà Văn Mới (Hoa Kỳ) xuất bản vào khoảng giữa năm 2005. Trước đó, theo tác giả Bùi Vĩnh Phúc trong phần giới thiệu chuyên luận này, khoảng nửa cuốn sách, với sự sắp xếp nhiều phân đoạn của chính tác giả, đã được giới thiệu trên tuyển tập đặc biệt về Trịnh Công Sơn, cũng do tạp chí Văn Học xuất bản, vào tháng 10 & 11, năm 2001 (Trịnh Công Sơn - Tình yêu, quê hương, thân phận – ấn bản đặc biệt). Phần nghiên cứu này, theo nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc trong lời mở sách của mình, sau đó đã được một số websites, có thể do sự quý mến nội dung của nó, tự ý đánh máy và cho phổ biến. Cũng theo tác giả, một tuyển tập các bài viết công phu về Trịnh Công Sơn ở trong nước, thu thập nhiều bài viết từ nhiều nguồn tài liệu cả trong lẫn ngoài nước, dày trên 650 trang, đẹp và trang trọng (mà trong sự tìm hiểu và sưu tầm riêng, tôi được biết là quyển Một cõi Trịnh Công Sơn), cũng đã tự ý đăng gần như trọn vẹn lại phần tài liệu của Bùi Vĩnh Phúc đã được giới thiệu trên Văn Học, với lời xin lỗi chung các tác giả ngoài Việt Nam là vì trở ngại địa lý nên nhóm chủ trương đã không thể chính thức xin phép các tác giả này trong việc sử dụng bài của họ.
[5]Xem tin về Việt Nam: thí sinh thi văn vào đại học được điểm 10, “Bài văn điểm 10 là bản sao” trên http://www.bbc.co.uk/vietnamese ngày 11 tháng 8, 2006 và bài “Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương “đạo văn” như thế nào?” của Nguyễn Hoà trên http://www.viet-studies.org ngày 15 tháng 8, 2006.