trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
13.11.2006
Đinh Tuấn Minh
Hai paradigm tư duy dịch thuật và các sai lầm mang tính hệ thống xuất phát từ chúng
(Bài viết thay cho lời phúc đáp phản hồi của Nguyễn Quang A về bản dịch “The Intellectuals and Socialism” của F. A. Hayek)
 
Ở một mức độ nào đó trình tự công bố một bản dịch của một tác phẩm học thuật có lẽ cũng cần được thực hiện tương tự như việc công bố một công trình khoa học. Nó cần trải qua các giai đoạn kiểu như “discussion paper” (“bài viết mang tính trao đổi), “working paper” (“bài viết sắp sửa hoàn thành”) và cuối cùng mới là “published paper” (“bài viết chính thức công bố”). Qui trình này giúp cho người dịch đón nhận được những đóng góp từ bằng hữu và những người quan tâm khác. Và quan trọng hơn, nó giúp người dịch có thời gian tĩnh lặng để xem lại công trình của mình với tư cách như là một độc giả. Rất tiếc là bản dịch của tôi cho bài luận “The Intellectuals and Socialism” của F.A. Hayek đã tiến tới giai đoạn cuối quá nhanh. Việc tồn tại những sai sót có thể loại bỏ được trong bản dịch của tôi trước khi công bố chính thức chắc chắn sẽ là kinh nghiệm mà tôi cần phải lưu ý hơn khi công bố các công trình của mình, đặc biệt những thứ xuất phát từ một bức xúc nào đó khiến ta phải làm ngay nhưng điều kiện thực tiễn lại không cho phép ta có thể toàn tâm với nó.

Vì thế, trước hết tôi chân thành cảm ơn anh Nguyễn Quang A đã phản hồi lại bản dịch của tôi. Các nhận xét của anh trong các điểm 1, 2, 5, 6, và 7 đều xác đáng và tôi ghi nhận. (Tuy nhiên, trừ điểm 6 và 7, cách dịch của anh về các điểm sai còn lại của tôi theo tôi cũng không chuẩn xác). Trước mắt tôi sửa một số các câu sai mà anh Nguyễn Quang A đã phát hiện giúp tôi. Các sửa chữa này được trình bày trong phần phụ lục I. Tuy nhiên, có lẽ ban biên tập talawas vẫn nên giữ nguyên bản dịch cũ của tôi trên mạng như hiện nay và nếu được thì thêm vào một đường link phía dưới tới bài viết này để độc giả có thể tham khảo. Nhân đây tôi cũng mong các độc giả khác góp ý và tìm ra thêm các sai sót khác nếu có. Trong thời gian tới, khi điều kiện thời gian cho phép, tôi sẽ xem xét lại toàn bộ bản dịch để nó có thể “sạch” nhất có thể.

Nhưng sẽ thật là đáng thất vọng nếu như tôi chỉ dừng lại ở việc chỉnh sửa một số câu sai trong bản dịch của tôi mà anh Nguyễn Quang A phát hiện ra, và rồi sau đó lại đi liệt kê một đống các sai sót trong bản dịch của anh ấy (mặc dù cũng rất cần thiết). Đối với công việc sau tôi chỉ đưa ra một danh sách những câu hỏi như là một độc giả bình thường trong phần phụ lục II, một phần để anh Nguyễn Quang A có thể tự giải đáp nhằm nâng cao chất lượng bản dịch của mình, nhưng một phần quan trọng hơn là để giúp tôi minh hoạ một luận điểm mà tôi sẽ trình bày dưới đây liên quan đến vấn đề dịch thuật các tác phẩm học thuật [1] nói chung.

Vấn đề dịch thuật mà tôi đặt ra là tại sao chúng ta lại dịch sai? Và phải chăng những sai sót mà chúng ta gặp phải chỉ là tình cờ hay là nó thuộc về một loại sai sót mang tính hệ thống nào đó? Và nếu đó là những sai sót mang tính hệ thống thì loại hệ thống nào sẽ dẫn đến những sai sót mà chúng ta có thể loại bỏ dần được bằng một số biện pháp nào đó và loại hệ thống nào thì chúng ta hầu như không thể loại trừ được trừ phi phải dịch lại từ đầu?

Một bài luận học thuật về cơ bản là một tập các mệnh đề P[P1, P2,... .,Pi,.., Pn] được nối kết với nhau bởi một tập các logic tử (logical operators) O[O1, O2, ...Oj,....,Om]. Mỗi một mệnh đề Pi có thể là một từ hoặc là một tập của các từ Ai, Bi, Ci được nối kết với nhau theo một cấu trúc ngữ pháp (abc)i nhất định nào đó để truyền tải một nghĩa Mi nào đó. Nếu giả sử bài luận mà chúng ta cần dịch là một bài luận chặt chẽ, tức tất cả các mệnh đề Pi (i=1..n) đều có nghĩa và không thừa, và các mối quan hệ logic của chúng qua các logic tử Oj (j=1..m) đều cần thiết, thì nhiệm vụ của người dịch thuật từ hệ ngôn ngữ L1 sang hệ ngôn ngữ L2 sẽ là: (i) thay thế tập hợp các mệnh đề P[.] dưới dạng hệ ngôn ngữ L1, tức tập hợp các [AiBiCi], bằng các mệnh đề P[.] dưới dạng hệ ngôn ngữ L2, chẳng hạn tập hợp các [XiYiZi], sao cho các nghĩa của chúng, [Mi], vẫn được bảo tồn, và (ii) các mệnh đề này quan hệ với nhau thông qua tập các logic tử O*[O*1, O*2,...., O*k,..., O*r] tương đương với O[.]. Giả sử trên của chúng ta nói chung là được thoả mãn trong thực tế khi chúng ta dịch những bài luận của các học giả mà uy tín học thuật của họ đã được những người đồng nghiệp trong giới của họ thừa nhận.

Các sai sót trong dịch thuật xảy ra khi:
  • Loại 1: Dịch sai mệnh đề Pi. Ta có thể phân chia loại này thành hai trường hợp nhỏ. Trường hợp thứ nhất là khi người dịch hiểu sai nghĩa Mi do hiểu sai một hay một số trong các Ai, Bi, Ci cũng như mối quan hệ (abc)i giữa chúng trong hệ ngôn ngữ L1. Điều này dẫn đến anh ta chọn sai tập hợp các từ Xi, Yi, Zi cũng như mối quan hệ (xyz)i giữa chúng trong hệ ngôn ngữ L2. Trường hợp thứ hai là khi người dịch hiểu đúng nghĩa Mi nhưng vì vốn liếng ngôn ngữ L2 không đủ nên anh ta chọn các từ Xi, Yi, Zi cũng như mối quan hệ (xyz)i giữa chúng không chuẩn xác theo tiêu chuẩn hiện tại của đa số người đọc thuộc hệ ngôn ngữ L2. Loại sai sót thứ hai thường chỉ khiến người đọc hiểu nhầm nhưng nếu người đọc cố gắng hiểu thì vẫn có thể tìm thấy nghĩa Mi trong đó. Loại này thường là rất khó cải thiện vì nó phụ thuộc vào khả năng ngôn ngữ của dịch giả. Nó cũng mang tính cá biệt đối với một số mệnh đề của P[.] thay vì là mang tính hệ thống trên toàn bộ các mệnh đề. Vì lẽ này chúng ta quan tâm ở đây chủ yếu tới sai sót trong trường hợp thứ nhất.

  • Loại 2: Dịch sai mối quan hệ logic Oj giữa các mệnh đề. Loại dịch sai này chủ yếu là do người dịch không phát hiện ra sự tồn tại của mối quan hệ logic đó.
Đối với các bài viết mang tính tường thuật, mối quan hệ logic giữa các mệnh đề thường tương đối đơn giản và đơn tuyến. Vì thế, người dịch thường ít bị mắc lỗi dịch sai mối quan hệ logic và chỉ bị mắc vào lỗi dịch sai ngữ nghĩa mệnh đề. Không nghi ngờ gì, trong trường hợp này, vốn từ của người dịch cũng như sự chịu khó tra cứu từ điển giúp cho người dịch tránh được những sai sót không cần thiết.

Nhưng đối với bài viết mang tính học thuật cao mối quan hệ logic giữa các mệnh đề lại thường rất phức tạp. Nó không hiển hiện một cách hiển nhiên để cho bất cứ ai cũng có thể nắm bắt ngay được nó. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là vì các từ ngữ để chỉ các logic tử trong ngôn ngữ tự nhiên (natural language) thường ẩn chứa ngay bên trong các mệnh đề thay vì được tách biệt rõ ràng như trong ngôn ngữ chuẩn thức (formal language). Điều này khiến cho người đọc, và tất nhiên là cả dịch giả, đôi khi đọc một tác phẩm, mặc dù hiểu hết nghĩa của từng mệnh đề (chẳng hạn tác phẩm được viết bằng tiếng mẹ đẻ), nhưng lại chẳng hiểu tổng thể nội dung tác phẩm là gì cả.

Đối với công việc dịch thuật các tác phẩm học thuật, khó khăn về việc phát hiện mối quan hệ logic giữa các mệnh đề trong tác phẩm lại thường bị các dịch giả xem nhẹ. Và chính ở đây chúng ta thấy nảy sinh hai paradigm [2] tư duy dịch thuật và hệ quả là các sai sót dịch thuật có tính hệ thống gắn với chúng. Dịch giả theo paradigm thứ nhất, mà tôi gọi là paradigm bám logic, luôn chú trọng việc tìm các từ ngữ chỉ logic tử mà nối kết các mối quan hệ logic giữa các mệnh đề trước khi bắt tay vào dịch. Và bởi vì họ phải xoay hệ thống cấu trúc logic O[.] ở hệ ngôn ngữ L1 sang một hệ thống tương đương O*[.] ở trong hệ ngôn ngữ L2 nên khi dịch mệnh đề Pi họ cũng bắt buộc phải xoay ở một chừng mực nhất định cấu trúc mối quan hệ (abc)i giữa các từ Ai, Bi, Ci trong hệ ngôn ngữ L1 thành cấu trúc mối quan hệ (xyz)*i giữa các các từ X*i, Y*i, Z*i trong hệ ngôn ngữ L2, mà mới thoạt trông khác hẳn (abc)i và các từ Ai, Bi, Ci nếu như anh ta bám chặt vào các từ và cấu trúc ngữ pháp chuẩn tắc trong từ điển L1-L2. (Vì mục đích đối sánh với phần tiếp sau bàn về loại paradigm tư duy dịch thuật khác, tôi dành các ký hiệu Xi, Yi, Zi cũng như cấu trúc câu (xyz)i cho các từ và cấu trúc ngữ pháp tương đối chuẩn tắc trong từ điển. Tất nhiên, người dịch theo paradigm này vẫn thường ưu tiên lựa chọn các từ và cấu trúc ngữ pháp chuẩn tắc đó nhưng họ có phạm vi rộng rãi hơn nhiều. Chính vì lẽ đó, các ký hiệu [.] hay [.*] không hề ảnh hưởng đến lập luận ở đây). Anh ta tiến hành việc này miễn là anh ta đủ tự tin rằng [X*iY*iZ*i] cũng truyền tải được nghĩa Mi như [AiBiCi] trong ngôn ngữ gốc và rằng mệnh đề Pi sau khi được dịch nằm đúng trật tự logic của nó trong O*[.] như anh ta mong muốn. Dịch giả theo paradigm bám logic vì thế sẽ đối xử với tác phẩm dịch như là một công trình học thuật cứ như thể tác giả của các phẩm nguyên gốc trong hệ ngôn ngữ L1 viết lại chính tác phẩm đó trong hệ ngôn ngữ L2 nếu giả dụ như ông ta hiểu biết ngôn ngữ L2 giống như dịch giả. Tất nhiên, các sai lầm xuất phát từ paradigm bám logic có thể sẽ thực sự khủng khiếp nếu như dịch giả chẳng hiểu gì về tác phẩm cả bởi vì khi đó anh ta sẽ dịch sai toàn bộ từ logic cho tới ngữ nghĩa của các mệnh đề. Nhưng đối với một dịch giả có một khả năng tư duy logic nhất định và cố gắng đọc hiểu tổng thể tác phẩm thì sai lầm này hiếm khi xảy ra. Hệ quả là anh ta hầu như tránh được các lỗi liên quan đến mối quan hệ logic, nhưng với cái giá phải trả là anh ta lại hay bị mắc phải các lỗi về ngữ nghĩa của mệnh đề. Chẳng hạn, đối với một lập luận (if A and B, then C) anh ta đáng ra phải dịch là (nếu A và B, thì C) nhưng bởi vì anh ta quan tâm tới mối quan hệ logic tổng thể nên có thể anh ta sẽ bỏ quên một chi tiết nào đó cấu thành nghĩa của B trong quá trình tìm cách đặt B vào đúng vị trí của nó trong hệ thống logic mới chuyển đổi và kết quả anh ta dịch sai thành (nếu A và B’, thì C). Nhưng như tôi sẽ chỉ ra dưới đây, loại lỗi lầm này về cơ bản có thể loại bỏ dần được trong quá trình hoàn thiện bản dịch. Còn điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ngay cả khi tồn tại một vài Pi sai nghĩa thì cấu trúc tổng thể của bài luận như là tập các mệnh đề P[.] thông qua hệ thống mối quan hệ logic O*[.] vẫn đem lại cho độc giả một nghĩa xác định về cơ bản gần như tương đương với nghĩa tổng thể của bài luận ở ngôn ngữ gốc. Tựa như người sao chép tranh, mặc dù bản nhái của anh ta thiếu một số các chi tiết so với bức tranh thật, nhưng người xem vẫn có thể cảm nhận được nội dung cũng như vẻ đẹp của tác phẩm gốc thông qua bản nhái đó.

Dịch giả theo paradigm thứ hai, mà tôi gọi là paradigm bám nghĩa từ, lại luôn chú trọng vào việc làm thế nào để dịch mệnh đề Pi một cách “chuẩn xác” nhất theo nghĩa anh ta thường cố gắng tra cứu và chọn các từ Xi, Yi, Zi cũng như cấu trúc câu (xyz)i trong từ điển sao cho Xi tương đương với Ai, Yi tương tương với Bi, Zi tương đương với Ci, và(xyz)i tương đương với (abc)i . Anh ta tiến hành công việc này với hy vọng là việc ghép các từ với nghĩa tương đương theo một cấu trúc ngữ pháp tương đương sẽ cho một mệnh đề với nghĩa tương đương giữa hai hệ ngôn ngữ. Nếu như tác phẩm mà anh ta dịch được viết bằng một thứ ngôn ngữ chuẩn thức (loại ngôn ngữ đang được giới ngôn ngữ học phát triển để dùng cho robot) thì, ở một mức độ nhất định, cách tiến hành này sẽ dẫn anh ta tới thành công. Nhưng nếu như tác phẩm mà anh ta dịch lại được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên (loại ngôn ngữ mà tất cả mọi người, từ học giả cho tới người bình thường, đều dùng) thì cách làm mà anh ta tưởng là không thể mắc sai lầm lại hầu như chắc chắn dẫn anh ta đến sai lầm. Loại sai lầm này xuất phát từ việc tồn tại những từ ngữ biểu đạt các logic tử trong [AiBiCi] có chức năng nối kết mệnh đề này với một số các mệnh đề khác. Việc anh ta không nhặt những từ ngữ ấy ra và rồi dịch từng từ tương đương một dẫn đến một kết cục là anh ta coi những từ ngữ ấy là một bộ phận cấu thành nghĩa của mệnh đề cần dịch thay vì chúng đơn thuần chỉ là các logic tử. Điều này khiến cho không những mệnh đề mà anh ta muốn dịch trở nên sai mà còn khiến cho nó bị mất kết nối logic với các mệnh đề xung quanh khác. Kết quả chung cuộc là anh ta tạo ra một bức tranh không những chỉ chứa đựng vô số những mệnh đề sai nghĩa mà lại còn chẳng chuyển tải được bất kỳ một nghĩa tổng thể nào cả. Chẳng khác gì người sao chép tranh, anh ta vừa nhái lại bức tranh gốc vừa vẽ ngang vẽ dọc lên bản nhái, khiến cho người xem bản nhái chỉ có thể nhìn thấy những vết ngang dọc chứ chẳng thể nào cảm nhận được nội dung cũng như vẻ đẹp của bức tranh thật thông qua bức tranh nhái đó.

Điều nguy hiểm của việc dịch thuật theo paradigm bám nghĩa từ là dịch giả hầu như tin rằng mình chắc không thể mắc sai lầm, bởi lẽ tất cả các từ cũng như các cấu trúc nối kết chúng trong các mệnh đề anh ta đều đã tra từ điển hết sức cần mẫn và cẩn thận. Khi anh ta đưa bản dịch cho ai đó hiệu đính thì người hiệu đính, dù rằng ngay khi đọc bản dịch anh này gần như có thể phát hiện ra những bất ổn trong bản dịch do sự tối tăm về lập luận và ngữ nghĩa trong đó, anh ta lại vẫn không thể xác định được lỗi sai là từ đâu. Và khi người hiệu đính so sánh bản dịch với văn bản gốc, anh ta có thể xác định được các sai lầm đó là gì thì anh ta lại chịu không thể hiệu đính được bởi vì nếu hiệu đính anh ta không còn cách gì khác hơn là phải dịch lại toàn bộ. Đối với bản thân dịch giả, khi anh ta đọc lại bản dịch, mặc dù anh ta cũng có thể cảm thấy rất “khó tiêu hoá”, nhưng anh ta lại không biết sửa thế nào, vì rằng dù có tra lại từ điển thêm hàng trăm lần nữa thì anh ta vẫn thấy rằng những từ và cấu trúc nối kết các từ mà mình đã chọn là “cực chuẩn” rồi. Kết quả là anh ta vẫn giữ nguyên như vậy, và những sai lầm trong bản dịch của anh ta sẽ không có cách nào loại trừ được; nó sẽ không có được cơ hội để thoát khỏi cảnh một bản dịch “không thoả đáng”.

Trong khi ngược lại, dịch giả theo paradigm bám logic thường ý thức được rằng: khi bám theo logic của các mệnh đề, anh ta rất khó có thể không mắc một số sai lầm nào đó trong quá trình chuyển tải nghĩa của từng mệnh đề. Ngay cả khi anh ta cẩn trọng nhất và áp dụng một số thủ thuật, chẳng hạn như đánh dấu những chỗ anh ta cảm thấy không chắc chắn lắm, thì sai lầm từ việc xoay chuyển cấu trúc mệnh đề cũng như trình tự các mệnh đề là một điều thường trực khó tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng hơn là anh ta cũng biết luôn được rằng các lỗi đó là có khả năng truy tìm được, khoanh vùng được, và sau đó thì có thể sửa được chính ở những chỗ sai đó thay vì phải sửa lại toàn bộ. Anh ta biết được điều đó là bởi vì anh ta hiểu rằng logic và ngữ nghĩa (meaning) là một cái gì đó phổ quát cho mọi ngôn ngữ – nếu không thế thì chúng ta chẳng thể nào tiến hành dịch thuật được. Vì thế, nếu như bản gốc là một tác phẩm được trình bày một cách chặt chẽ về mặt logic và mang một nghĩa tổng thể xác định nào đó thì không có lý do gì anh ta lại không thể tái dựng lại được cái hệ thống logic và nghĩa tổng thể đó trong hệ ngôn ngữ của mình. Khi tiến hành dịch thuật theo cách này, anh ta sẽ có một bản dịch mà người hiệu đính hay bản thân anh ta khi đọc lại có thể xác định được các lỗi một cách dễ dàng, chẳng hạn một phần nào đó có lập luận không chặt chẽ, một mệnh đề nào đó mang nghĩa không ăn khớp với một mệnh đề khác, v.v. và người hiệu đính cũng như anh ta sau đó có thể khoanh vùng đó lại và xem xét nó một cách cẩn thận hơn thông qua việc đối chiếu lại với bản gốc (tất nhiên, với sự trợ giúp của các loại từ điển và sách ngữ pháp). Qui trình này sẽ giúp cho bản dịch của anh ta từ chỗ “không thoả đáng” có cơ hội loại bỏ dần được các sai lầm và vì thế trở nên ngày càng “thoả đáng”.

Không có minh hoạ nào tốt hơn cho lập luận của tôi ở đây bằng cách so sánh các loại lỗi mắc phải ở hai bản dịch của Đinh Tuấn Minh và Nguyễn Quang A cho bài luận “The Intellectuals and Socialism” của F.A. Hayek. Bạn đọc có thể dễ nhận thấy là các lỗi trong bản dịch của ĐTM chủ yếu là các lỗi trong các mệnh đề cụ thể nào đó. Dịch giả của nó có thể không mấy khó khăn trong việc khoanh vùng các mệnh đề sai lại và tiến hành sửa chữa chúng mà về cơ bản không ảnh hưởng gì tới các mệnh đề gắn kết với nó. Điều này có được là bởi vì ĐTM dịch theo paradigm bám logic. Trong khi các lỗi trong bản dịch của NQA (điều mà tôi kỳ vọng là anh Nguyễn Quang A sau khi xem bài viết này của tôi sẽ chấp nhận đấy là các lỗi, dù đấy không phải là các lỗi do khả năng dịch thuật của anh mà từ cách tiếp cận vấn đề dịch thuật của anh) mà tôi liệt kê với tư cách như là một độc giả bình thường thì chắc chắn sẽ không có cách nào sửa được trừ phi, theo phỏng đoán của tôi, phải dịch lại toàn bộ các mệnh đề liên quan xung quanh. Vì thế, dù là anh Nguyễn Quang A có không muốn thừa nhận thì từ danh sách những câu hay đoạn mà tôi cho là lỗi trong bản dịch của anh, tôi buộc phải xếp anh vào nhóm các dịch giả theo, hoặc bị chi phối chủ yếu bởi, paradigm bám nghĩa từ.

Có lẽ trước khi kết thúc bài viết này, tôi nên nói thêm một chút về ý nghĩa của việc tiến hành dịch thuật theo paradigm bám logic đối với sự phát triển khả năng dịch thuật (và có lẽ cả khả năng viết lách nói chung nữa). Khi một người quyết định dịch theo paradigm bám logic, anh ta (hoặc nhờ một người khác có kinh nghiệm hơn) có thể kiểm nghiệm được là mình bị yếu ở khâu nào, khâu tiếng nước ngoài, tiếng mẹ đẻ, hay tư duy logic, thông qua việc xem xét các loại lỗi mà anh ta thường mắc phải. Nếu anh ta, giả sử đã tốt tiếng mẹ đẻ nhưng hay mắc phải các lỗi dịch sai một số loại mệnh đề nào đó, thì điều này chứng tỏ anh ta còn yếu về tiếng nước ngoài liên quan đến loại mệnh đề đó; nếu anh ta, giả sử đã có những vốn liếng nhất định về ngoại ngữ nhưng lại hay mắc phải các lỗi không làm rõ nghĩa được các mệnh đề, thì chứng tỏ tiếng mẹ đẻ của anh ta còn yếu; còn nếu anh ta, giả sử đã tốt cả hai nhưng khi dịch lại hay mắc phải các lỗi lập luận, thì chứng tỏ tư duy logic của anh ta chưa được tốt. Căn cứ vào đó dịch giả có thể tự trau giồi cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác đối với các vấn đề mà mình hay mắc sai sót. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, khả năng cho phép kiểm soát và giảm thiểu được sai sót và nâng cao được năng lực dịch thuật cũng như viết lách mà paradigm tư duy dịch thuật này mang lại cho dịch giả cũng chính là những công năng của loại công cụ mà con người mong muốn đi tìm kiếm để giải quyết các vấn đề xuất phát từ sự xét đoán trí tuệ của con người (thứ vốn luôn chứa đựng những yếu tố sai lầm do sự hạn chế có tính bản thể của trí tuệ con người). Chúng tựa như của nền kinh tế thị trường, nền chính trị dân chủ, hay nền học thuật dựa trên phê phán [3] , nơi thừa nhận và chấp nhận sự tồn tại của những con người thường trực mắc sai lầm, nhưng đồng thời lại có cơ chế để chính những người đó và những người xung quanh hiệu chỉnh những sai lầm vừa bị người đó tạo ra, và cứ như thế bức tranh về cái xã hội tổng thể ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.


*


Phụ lục 1 - Một số sửa chữa đối với bản dịch đầu tiên của Đinh Tuấn Minh

1. “And it is specially significant for our problem that every scholar can probably name several instances from his field of men who have undeservedly achieved a popular reputation as great scientists solely because they hold what the intellectuals regard as "progressive" political views; but I have yet to come across a single instance where such a scientific pseudo-reputation has been bestowed for political reason on a scholar of more conservative leanings.” (nhận xét thứ 1 của NQA)

được dịch trong bản dịch trước là:

“Và đặc biệt quan trọng đối với vấn đề của chúng ta là mỗi học giả có lẽ đều có thể nêu ra được nhiều ví dụ từ lĩnh vực của mình về những người đã đạt được danh tiếng đại chúng một cách không xứng đáng như các nhà khoa học lớn chỉ bởi lẽ họ bám giữ cái mà giới trí thức coi là quan điểm chính trị “tiến bộ”; nhưng có lẽ tôi vẫn nên điểm qua một thí dụ nơi kiểu hư danh khoa học (scientific pseudo-reputation) như vậy lại được ban cho học giả vốn có thiên hướng bảo thủ hơn.”

nay thành:

“Và đặc biệt quan trọng đối với vấn đề của chúng ta là mỗi học giả có lẽ đều có thể nêu ra được nhiều ví dụ từ lĩnh vực của mình về những người đã đạt được danh tiếng đại chúng một cách không xứng đáng như các nhà khoa học lớn chỉ bởi lẽ họ bám giữ cái mà giới trí thức coi là quan điểm chính trị “tiến bộ”; nhưng có lẽ tôi vẫn nên điểm qua một thí dụ nơi kiểu hư danh khoa học (scientific pseudo-reputation) như vậy, vì lý do chính trị, lại được ban cho học giả vốn có thiên hướng bảo thủ hơn.”

2. “This is the more significant as in recent times it is as likely as not that it was an early interest in socialist schemes for reform which led a man to choose economics for his profession.” (nhận xét thứ 2 của NQA)

được dịch trong bản dịch trước là:

“Một điều còn có ý nghĩa hơn là, trong thời gian gần đây, người ta có khuynh hướng chọn kinh tế học làm nghề của mình không phải là do sự quan tâm ban đầu đến những kế hoạch cải cách theo thiên hướng xã hội chủ nghĩa”.

nay thành:

“Đây là điều còn có ý nghĩa quan trọng hơn việc gần đây người ta có vẻ như là đã chọn kinh tế học làm nghề của mình xuất phát từ sự quan tâm ban đầu đến những kế hoạch cải cách theo thiên hướng xã hội chủ nghĩa.”

3. “With many of the more general preconceptions of socialist thought, the connection with their more practical proposals is by no means at once obvious,…” (Nhận xét thứ 5 của NQA; lưu ý, mặc dù không quan trọng lắm, trong nguyên bản từ in đậm là “with” chứ không phải “of” và dấu ở cuối câu là “,” chứ không phải “;”)

được dịch trong bản dịch trước là:

“Việc càng có nhiều định kiến chung thuộc tư duy xã hội chủ nghĩa thì càng có nhiều mối quan hệ giữa hệ tư tưởng này với các kiến nghị thực tiễn chẳng hề hiển nhiên ngay lập tức,…”

nay thành:

“Mối quan hệ giữa việc họ ngày càng bị nhiễm các định kiến phổ quát hơn thuộc tư duy xã hội chủ nghĩa với việc họ ngày càng đưa ra các kiến nghị thực tiễn hơn chẳng hề hiển nhiên ngay lập tức,…”

4. “Not only moral ideals act in this manner, however”. (Nhận xét thứ 6 của NQA)

được dịch trong bản dịch trước là:

“Tuy nhiên, các lí tưởng đạo đức không chỉ vận động theo cách này.”

nay thành:

“Tuy nhiên, không chỉ các lí tưởng đạo đức vận động theo cách này.”

5. “He is in consequence more likely to become an expert scholar rather than an intellectual in the specific sense of the word; while to the more radically minded the intellectual pursuit is more often than not a means rather than an end, a path to exactly that kind of wide influence which the professional intellectual exercises.” (Nhận xét thứ 7 của NQA)

được dịch trong bản dịch trước là:

“Hệ quả là, khả năng để anh ta trở thành một học giả chuyên sâu cao hơn nhiều so với một trí thức theo cái nghĩa cụ thể của từ này; trong khi đối với người có đầu óc cấp tiến hơn thì nghề trí thức thường không phải là một phương tiện mà là một mục đích, một con đường dẫn đến chính xác cái loại ảnh hưởng rộng khắp mà nhà trí thức chuyên nghiệp thực hiện.”

nay thành:

“Hệ quả là, khả năng để anh ta trở thành một học giả chuyên sâu cao hơn nhiều so với một trí thức theo cái nghĩa cụ thể của từ này; trong khi đối với người có đầu óc cấp tiến hơn thì nghề trí thức thường là một phương tiện thay vì là một mục đích, một con đường dẫn đến chính xác cái loại ảnh hưởng rộng khắp mà nhà trí thức chuyên nghiệp thực hiện.”


*


Phụ lục II

Dưới đây là một số câu hỏi đập vào mắt tôi khi tôi đọc một cách nghiêm túc bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Quang A như là một độc giả bình thường (tức hầu như không tham khảo bản tiếng Anh).


Phần I

1. “Không nghi ngờ gì điều này là đúng về khả năng của trí thức để làm cho ý kiến riêng nhất thời của họ ảnh hưởng đến các quyết định, về mức độ mà họ có thể gây ảnh hưởng đến bầu cử nhân dân về các vấn đề mà họ khác với quan điểm hiện thời của quần chúng.”

“các quyết định” gì? Của ai?

2. “Đặc điểm của quá trình, theo đó quan điểm của các trí thức ảnh hưởng đến hoạt động chính trị của ngày mai, vì thế là nhiều hơn sự quan tâm học thuật.”

Có thể so sánh “Đặc điểm của quá trình” với “sự quan tâm học thuật” được hay không?


Phần II

3. “Tuy vậy, thuật ngữ “trí thức” không ngay lập tức truyền đạt bức tranh thật về giai cấp lớn mà chúng ta nhắc đến, và sự thực rằng chúng ta không có cái tên tốt hơn để mô tả cái chúng ta gọi là những người buôn bán đồ cũ về tư tưởng, không phải là lí do nhỏ nhất vì sao quyền lực của họ lại không được hiểu đúng.”

Tức là còn có lý do khác nữa quan trọng hơn? Nhưng lý do đấy là gì?

4. “Ngay cả các cá nhân, những người dùng từ “trí thức” chủ yếu như một từ lạm dụng, vẫn có thiên hướng giấu nó với nhiều người rõ ràng thực hiện chức năng đặc trưng đó.”

Tại sao các cá nhâm lạm dụng việc sử dụng từ “trí thức” lại “giấu nó” với người khác?

5. “Và đặc biệt quan trọng đối với vấn đề của chúng ta rằng mỗi học giả có lẽ có thể nêu ra nhiều ví dụ từ lĩnh vực của mình về những người đã đạt danh tiếng một cách không xứng đáng như các nhà khoa học lớn chỉ vì họ giữ cái mà các trí thức coi là quan điểm chính trị “tiến bộ”; nhưng tôi còn phải tìm ra một thí dụ duy nhất nơi vì lí do chính trị mà danh tiếng-giả khoa học như vậy được ban cho một học giả có thiên hướng bảo thủ hơn..”

Tại sao lại là duy nhất trong khi ở trên Hayek nói rằng học giả nào cũng có thể tìm ra được vô số ví dụ?

6. “Điều này còn quan trọng hơn như mới đây hẳn đã là sự quan tâm ban đầu đến sơ đồ xã hội chủ nghĩa cho cải cách đã dẫn người ta chọn kinh tế học làm nghề của mình.”

“Điều này” là điều nào? Và “Hơn” cái gì?

7. “Đúng hơn là quyền lực của người, mà kiến thức chung của người ấy được cho là khiến anh ta đủ tư cách để đánh giá chứng thực chuyên gia và để xét đoán giữa các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau, được tăng lên.”

“đánh giá chứng thực chuyên gia” nghĩa là sao?

8. “Tuy vậy, điểm quan trọng đối với chúng ta là, học giả người trở thành hiệu trưởng trường đại học, nhà khoa học người chịu trách nhiệm về một viện hay một quỹ, học giả người trở thành một chủ bút hay người đề xướng của một tổ chức phục vụ một mục đích đặc biệt nào đó, tất cả mau chóng không còn là các học giả hay chuyên gia nữa và trở thành các trí thức, chỉ dưới ánh sáng của các tư tưởng chung thời thượng nhất định.”

Mệnh đề “chỉ dưới ánh sáng của các tư tưởng chung thời thượng nhất định” bổ trợ cho cái gì trong câu này?

9. “Tuy chẳng ai tiếc rằng giáo dục đã không còn là một đặc ân của giai cấp hữu sản, sự thực rằng giai cấp hữu sản không còn được giáo dục tốt nhất và sự thực rằng số đông người có vị trí của mình chỉ do giáo dục chung của họ và họ không có kinh nghiệm về hoạt động của hệ thống kinh tế mà việc quản lí tài sản cung cấp, là quan trọng để hiểu vai trò của trí thức.”

Mệnh đề “và họ không có kinh nghiệm về hoạt động của hệ thống kinh tế mà việc quản lí tài sản cung cấp” có quan hệ gì với các mệnh đề trên? Tại sao Hayek lại mang vấn đề “hữu sản” vào đây?

10. “Tuy vậy, sẽ dẫn đi quá xa ở đây để khảo sát thêm sự phát triển của giai cấp này và yêu sách lạ kì được đưa ra gần đây bởi một trong những nhà lí luận của nó, người duy nhất mà quan điểm không bị ảnh hưởng dứt khoát bởi các lợi ích kinh tế riêng của mình.”

“Yêu sách” gì? “Người duy nhất” này là ai?


Phần III

11. “Ảnh hưởng của việc lọc các tư tưởng, thông qua các xác tín của một giai cấp mà nó sẵn sàng một cách hợp hiến cho những quan điểm nhất định, chẳng hề hạn chế đối với quần chúng.”

“Sẵn sàng một cách hợp hiến” là gì? “Chẳng hề hạn chế” nghĩa là sao?

12. “Với nhiều định kiến tổng quát hơn của tư duy xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ của các kiến nghị thực tiễn hơn của họ chẳng hề hiển nhiên ngay lập tức; do hậu quả của điều đó nhiều người tin mình là những kẻ thù kiên quyết của hệ tư tưởng đó thực ra lại trở thành những người truyền bá hữu hiệu các tư tưởng của nó.”

“Mối quan hệ” với cái gì?

13. “Sẽ vượt xa giới hạn của bài báo này để lần ra dấu vết các nguyên nhân và tầm quan trọng của sự thực rất quan trọng rằng, trong thế giới hiện đại các trí thức cung cấp hầu như cách tiếp cận duy nhất cho một cộng đồng quốc tế.”

“cách tiếp cận duy nhất” để làm gì?

14. “Chính điều này là cái giải thích chủ yếu cho cảnh tượng lạ thường rằng suốt hàng thế hệ cái được phương Tây cho là “tư bản chủ nghĩa” lại đã ủng hộ đạo đức và vật chất hầu như chỉ riêng cho các phong trào ý thức hệ ở các nước tổ tiên phương Đông nhắm tới làm xói mòn nền văn minh phương Tây và rằng, đồng thời, thông tin mà công chúng phương Tây nhận được về các sự kiện ở Trung và Đông Âu hầu như không thể tránh khỏi bị một thiên kiến xã hội chủ nghĩa tô vẽ.”

Chẳng lẽ “cái được phương tây cho là...” lại có thể ủng hộ một cái gì đó?


Phần IV

15. “Nếu chúng ta vẫn nghĩ anh ta sai, thì chúng ta phải thừa nhận rằng có thể là sự sai lầm đích thực cái dẫn những người có ý tốt và thông minh, nắm giữ các địa vị then chốt trong xã hội chúng ta đi truyền bá các quan điểm tỏ ra với chúng ta là một mối đe dọa đối với nền văn minh của chúng ta.”

“có thể là sự sai lầm đích thực cái dẫn...” tồn tại? xuất hiện? hay ra sao?

16. “Khi anh ta biết ít về các vấn đề cá biệt, tiêu chuẩn của anh ta phải nhất quán với các quan điểm khác của anh ta và sự thích hợp để kết hợp vào một bức tranh mạch lạc về thế giới.”

“Sự thích hợp” gì ở đây?

17. “Thế mà sự lựa chọn này từ vô số tư tưởng mới phô bày ra mỗi lúc, tạo ra bầu không khí đặc trưng về quan điểm, tạo ra cái Weltanschauung (thế giới quan) của một thời kì, cái sẽ thuận lợi cho sự chấp nhận một số quan điểm và không thuận lợi cho các ý kiến khác và cái sẽ làm cho người trí thức sẵn sàng chấp nhận một kết luận và bác bỏ kết luận khác mà không có một sự hiểu thật sự về các vấn đề.”

“Thế mà” ở đây có nghĩa là sao?

18. “Các quan niệm trước này chủ yếu là những áp dụng vào cái mà đối với ông ta có vẻ là các khía cạnh quan trọng nhất của các thành tựu khoa học, một sự chuyển giao cái đặc biệt gây ấn tượng với ông ta trong công việc của các chuyên gia sang các lĩnh vực khác.”

Điều này phải chăng có nghĩa là “các quan niệm trước này” được áp dụng vào cái gì đó?

19. “Những niềm tin như vậy, như cả ở trong công việc xã hội nữa thì sự điều khiển có cân nhắc hay sự tổ chức có ý thức là luôn luôn ưu việt hơn kết quả của các quá trình tự phát, không do đầu óc con người chỉ huy, hay bất cứ trật tự nào dựa trên một kế hoạch được đưa ra trước hẳn phải tốt hơn trật tự do sự cân bằng của các lực lượng đối chọi nhau tạo ra.”

“Những niềm tin như vậy” sẽ dẫn đến đâu? Những mệnh đề tiếp đó có nghĩa gì với “những niềm tin như vậy?

20. “Biện pháp cá biệt đó nhằm dẫn đến sự bình đẳng lớn hơn đã được coi là một kiến nghị mạnh đến mức cái khác sẽ ít được cân nhắc đến.”

“Biện pháp cá biệt đó” là biện pháp nào?

21. “Vì trên mỗi vấn đề cá biệt chính một khía cạnh này, khía cạnh mà những người hướng dẫn dư luận có một xác tín rõ ràng, sự bình đẳng đã xác định sự thay đổi xã hội thậm chí còn mạnh hơn những người chủ trương nó dự định.”

“chính một khía cạnh này” gây ra/dẫn đến cái gì?

22. “Dù theo lệ thường một khái quát hóa mới như vậy sẽ chỉ chia sẻ các hệ quả sai có thể rút ra từ nó với các quan điểm đã có hiệu lực trước, và như thế không dẫn tới lỗi lầm mới, rất có khả năng là một lí thuyết mới, hệt như giá trị của nó được chứng tỏ bởi những kết luận mới hợp lệ mà nó dẫn tới, sẽ tạo ra những kết luận mới khác mà sự tiến bộ hơn nữa sẽ chỉ ra là đã sai lầm.”

“hệt như giá trị của nó” có nghĩa là gì? Cả mệnh đề đó có quan hệ gì với lập luận ở đây?

23. “Rằng, với sự áp dụng những kĩ thuật kĩ sư, chiều hướng của mọi dạng hoạt động của con người theo một kế hoạch chặt chẽ phải tỏ ra thành công trong xã hội như nó đã thành công trong vô vàn nhiệm vụ kĩ thuật, là một kết luận có vẻ quá hợp lí để không quyến rũ hầu hết những người phấn chấn bởi thành tựu của các khoa học tự nhiên.”

“quá hợp lý để không quyến rũ hầu hết những người phấn chấn bởi...” có nghĩa là gì không?

24. “Quả thực phải thừa nhận cả hai rằng, cần đến những lí lẽ mạnh mẽ để chống lại giả định ủng hộ một kết luận như vậy và các lí lẽ này vẫn chưa được bày tỏ một cách thỏa đáng. Là không đủ đi chỉ ra những thiếu sót của các đề xuất cá biệt dựa trên loại lập luận này. Lí lẽ không mất đi sức mạnh của nó cho đến khi được chứng tỏ một cách thuyết phục vì sao cái đã tỏ ra thành công xuất chúng đến vậy để tạo ra những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực đến vậy vẫn có những giới hạn đối với tính hữu ích của nó và trở nên cực kì tai hại nếu được mở rộng quá các giới hạn này.”

“Thừa nhận cả hai” cái gì? “là không đủ đi chỉ ra” là cái gì? “lí lẽ” ở đây là lí lẽ chung chung hay là một lí lẽ cụ thể nào đó?


Phần V

25. “Điều này đúng đặc biệt trong các giai đoạn ban đầu của sự thâm nhập các ý tưởng xã hội chủ nghĩa; muộn hơn, dù bên ngoài giới trí thức vẫn có thể là một hành động dũng cảm để bày tỏ những niềm tin xã hội chủ nghĩa, áp lực dư luận giữa các trí thức để ủng hộ chủ nghĩa xã hội thường mạnh đến mức một người cần nhiều sức mạnh và tính độc lập hơn để chống lại nó hơn là gia nhập vào cái mà các bạn hữu của anh ta coi là các quan điểm hiện đại.”

Sao “giới trí thức” lại “vẫn có thể là một hành động dũng cảm”?

26. “Sự khác biệt này có lợi cho chủ nghĩa xã hội, không chỉ bởi vì sự suy đoán về các nguyên lí chung tạo một cơ hội cho sự đùa giỡn của trí tưởng tượng của những người không bị nhiều hiểu biết về các sự thực của cuộc sống hiện tại làm vướng víu, mà cũng bởi vì nó thỏa mãn một sự khát khao chính đáng để hiểu về cơ sở duy lí của bất kể trật tự xã hội nào và tạo cơ hội cho việc thực hiện ham muốn mạnh mẽ mang tính xây dựng đó mà chủ nghĩa tự do, sau khi đã có những chiến thắng lớn, lại chỉ để lại ít cách thỏa mãn.”

“đó” ở đây là cái gì?

27. “Sự thực này, rằng những suy đoán của những người xã hội chủ nghĩa thỏa mãn tốt hơn các sở thích của trí thức, tỏ ra là tai họa đối với ảnh hưởng của truyền thống tự do. Một khi những đòi hỏi cơ bản của các cương lĩnh tự do dường như được thỏa mãn, thì các nhà tư tưởng tự do lại quay sang các vấn đề chi tiết và thường sao nhãng việc phát triển triết lí chung của chủ nghĩa tự do, hệ quả là triết lí đó thôi không còn là một vấn đề sống động tạo cơ hội cho suy đoán chung.”

Đoạn này nói về quá khứ hay hiện tại?

28. “Tất cả những thứ cần để khiến hầu như bất cứ đề xuất xã hội chủ nghĩa nào tỏ ra có lí đối với những đầu óc “sáng suốt” này, những người được thuyết phục một cách hợp hiến rằng chân lí luôn phải nằm đâu đó giữa các thái cực, đã để cho ai đó đi chủ trương một đề xuất còn cực đoan hơn.”

“một cách hợp hiến” là gì? Chẳng lẽ “tất cả những thứ cần thiết để khiến...” lai cái “đã để cho ai đó” làm cái gì chăng?


Phần VI

29. “Bất cứ quyền lực nào anh ta có để ảnh hưởng đến các quyết định thực tiễn anh ta có được nhờ thế đứng của anh ta với các đại diện của trật tự hiện hành, và anh ta sẽ làm nguy hại thế đứng này nếu anh ta hiến dâng cho loại suy đoán quyến rũ đối với các trí thức và qua họ có thể ảnh hưởng đến những sự phát triển trong các giai đoạn dài hơn.”

Mệnh đề này để làm gì?

30. “Việc thảo luận những cải thiện này phải được tiến hành ở một mức thiết thực hơn mức của các cương lĩnh cách mạng hơn, như thế mang lại một hình thái ít quyến rũ đối với trí thức và có khuynh hướng đưa vào các yếu tố cho người mà anh ta cảm thấy đối lập trực tiếp.”

“Như thế” ở đây là cái gì?

31. “Không giống như người đi tìm một trật tự tương lai hoàn toàn mới và quay sang nhà lí luận một cách tự nhiên nhờ chỉ dẫn, những người tin vào trật tự hiện tồn cũng thường nghĩ rằng họ hiểu nó tốt hơn bất cứ nhà lí luận nào và vì thế chắc sẽ loại bỏ bất cứ cái gì xa lạ và lí thuyết.”

Mệnh đề “và quay sang nhà lí luận một cách tự nhiên nhờ chỉ dẫn” có nghĩa gì ở đây?

32. “Trong một đoạn mà sự tiếp đón một cuốn sách mới đây của tôi thường nhắc nhở tôi, Lord Acton từ rất lâu đã mô tả như:”

“Trong một đoạn” của cuốn sách nào? Của Hayek hay của Lord Acton?

33. “Mới đây, một trong những nhà kinh tế học Mĩ tài ba nhất đang còn sống đã than phiền một cách vô vọng tương tự rằng nhiệm vụ chính của những người tin vào các nguyên lí cơ bản của hệ thống tư bản chủ nghĩa là thường xuyên phải bảo vệ hệ thống này chống lại các nhà tư bản – thực ra các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do vĩ đại, từ Adam Smith đến nay, đã luôn luôn biết điều này.”

Nhiệm vụ “thường xuyên phải bảo vệ hệ thống này chống lại các nhà tư bản” nghĩa là gì?

© 2006 talawas



[1]Theo nghĩa của bài viết này, một tác phẩm được gọi là học thuật là một tác phẩm nhằm mục đích giải quyết một số vấn đề nào đó thông qua một số lập luận nhất định. Tôi không rõ những điều tôi trình bày dưới đây có thể áp dụng cho việc dịch thuật các tác phẩm văn chương thi phú hay không? Rất có thể loại tác phẩm này đòi hỏi một loại lý thuyết dịch thuật khác hẳn.
[2]Thuật ngữ paradigm được Thomas S. Kuhn dùng trong tác phẩm The Structure of Scientific Revolutions để ám chỉ một tập các niềm tin, các nguyên lý, các qui tắc, các tiêu chuẩn, hay các chuẩn mực mà một nhóm các nhà khoa học hay một thế hệ các nhà khoa học cùng chia sẻ. Điều này dẫn họ đến những thành tựu khoa học cũng như sai lầm khoa học thuộc về cùng một truyền thống (xem Kuhn T., 1970, The Structure of Scientific Revolutions, The University of Chicago Press: Chicago, esp. pp. 10- 22). Thuật ngữ này sau đó được sử dụng rộng rãi hơn, chẳng hạn Giovanni Dosi dùng trong lĩnh vực phát triển công nghệ để chỉ một tập các thứ tương tự dẫn đến sự phát triển cũng như hạn chế của một hay một số dòng phát triển công nghệ của một quốc gia hay trên thế giới trong một khoảng thời gian nào đó (xem Dosi G., 1982, “Technological Paradigms and Technological Trajectories", Research Policy, 11, pp. 147-162). Nó giờ đây cúng được phổ thông hoá để chỉ một hệ thống các niềm tin, qui tắc, vv... mà một người hay một nhóm người bám theo để dẫn đường cho các hành động của mình, và vì thế đưa họ đến những thành công cũng như sai lầm mang tính hệ thống. Tôi dùng từ paradigm ở đây để chỉ việc một dịch giả hay một nhóm các dịch giả tuân thủ theo một số các niềm tin hay qui tắc dịch thuật nhất định, và kết cục sẽ dẫn họ đến những kết quả cũng như các sai sót thuộc về cùng một chủng loại.
[3]Hai loại đầu độc giả người Việt có lẽ đã nghe đến nhiều trong thời gian gần đây. Vì thế, sẽ là không quá thừa nếu như tôi nói thêm một chút về loại sau, tức nền học thuật dựa trên phê phán (critical intellectual tradition). Karl Popper chỉ ra rằng đóng góp của các triết gia Hy Lạp trước Socrates không đơn thuần chỉ là những ý tưởng triết học thô sơ của họ mà, có lẽ còn quan trọng hơn, là việc họ tạo ra được một nền học thuật dựa trên phê phán. Đây chính là lý do giải thích cho việc nền trí tuệ phương Tây phát triển vượt xa hơn của phương Đông trong suốt thời gian sau đó. Ông viết: “First, they [their works or myths] were not just repetitions or re-arrangements of the old stories, but contained new elements. Not that this in itself is a very great virtue. But the second and main thing is this: the Greek philosophers invented a new tradition–the tradition of adopting a critical attitude towards the myths, the tradition of discussing them; the tradition of not only telling a myth, but also of being challenged by the man to whom it is told” (Popper K., 1949, Toward a Rational Theory of Tradition, The Rationalist Annual. In lại trong Popper, 1989[1963], Conjectures and Refutations: The Growth of Scientific Knowledge, Routledge & Kegal Paul plc: London and New York, tr. 126). (Tạm dịch trích đoạn: [các tác phẩm hay truyền thuyết của họ] trước hết không chỉ là những thứ lặp lại hay sắp xếp lại những câu chuyện cũ, mà còn chứa đựng những yếu tố mới. Bản thân điều này không phải là cái gì lớn lao cả. Nhưng điều thứ hai và quan trọng hơn là: các triết gia Hy lạp đã tạo ra một truyền thống mới – cái truyền thống nhìn nhận một cách phê phán các truyền thuyết, cái truyền thống tranh luận về chúng; cái truyền thống không chỉ kể ra một truyền thuyết, mà là bị tranh biện bởi chính cái người mà anh ta kể cho câu chuyện đó”.)