trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
27.12.2006
Nguyễn Hữu Vinh
Thèm đàn bà!
 
Bạn sẽ cười. Tất nhiên, vì bạn chưa biết "tôi" là ai, nhất là chưa quen nghe những lời nói quá thật, lại còn đượm vẻ dung tục. "Tôi", có thể là một gã trai mù lòa, hoặc ngồi trên xe lăn, thậm chí không còn trẻ trai gì nữa và suốt ngày lê lết quanh giường, không tự chăm sóc cho mình được... Tôi, nói chung, đều mang một nỗi đau đớn và khát khao - được làm người đàn ông đích thực. Và đương nhiên đi liền với cảm giác đó chính là một nhu cầu còn lớn lao hơn rất nhiều - thèm đàn bà.

Tại sao lại lớn lao hơn rất nhiều nhỉ? Bạn vẫn chưa rõ đâu. Vì cái "thèm" ở đây không hẳn, không phải chỉ là tình yêu đôi lứa, thèm khát nhục dục. Tôi thèm ở người "đàn bà" đó một đôi bàn tay ấm như người mẹ ân cần xoa dịu nỗi đau. Có khi chỉ thế thôi. Hay một nụ cười dịu hiền của người chị. Hoặc chỉ như người bạn gái hồn nhiên vô tư (đẹp và trong sáng biết bao) với tiếng cười lảnh lót, đem tôi trở về với tuổi thơ mà mình chưa bao giờ được sống. Còn nếu như có tất cả những con người đó trong một người đàn bà thì quả ngoài sức tưởng tượng.

Tôi, không hẳn là người Việt Nam, mà có thể từ Đài Loan hay đâu đó trên thế giới, đến Việt Nam để tìm người đàn bà ấy, hy vọng chung xây một mái ấm gia đình đến trọn đời.

Nhưng sao mà khó quá!

Tôi biết xứ sở của bạn còn rất nghèo, những người phụ nữ mà tôi tìm đến còn nghèo hơn nữa. Họ là những cô thôn nữ muốn thay đổi cuộc sống quanh năm lam lũ ruộng đồng, cả những cô gái bị cho là "tham giàu sang", chỉ thích "ăn trắng mặc trơn" nữa... nhưng không thiếu những người trong số họ có cả những ước ao thật giản dị, người ước một gia đình bình yên, người chồng khấm khá, lại không đánh đập vợ con, người khác lại khát khao được sinh nở - được làm mẹ. Còn trong đó, cả những ước nguyện đáng quý, là góp phần chia sẻ gánh nặng cho gia đình, báo hiếu cha mẹ... Nhưng dường như tất cả họ đều giống nhau trong con mắt mọi người: những cô gái "đua đòi", "lười lao động". Và chúng tôi cũng vậy, chỉ một hạng người, lũ "đui què mẻ sứt", "trọc phú" vô học nhưng lắm tiền... (đó là chưa kể, xin lỗi, rất có thể còn có một tâm lý bài ngoại nào đó trong bạn nữa). Chính thế nên cái sự tìm đến nhau của chúng tôi đều có vẻ như nhuốm một màu "bán-mua" đen đúa. Vì tôi cũng biết xứ sở của các bạn nửa thế kỷ nay luôn hăng say hướng tới một mục tiêu cao cả nhất là công bằng, bình đẳng cho mọi người, sẽ không thể dung thứ cho những thái độ coi thường phụ nữ và tình yêu trong sáng, xem như vật mua bán trao tay. Nhưng cũng chính xứ sở các bạn lại đang phải giằng xé trước đòi hỏi nâng cao đời sống dân chúng, hơn nữa, là cho họ quyền định đoạt, thay đổi số phận của chính mình, gia đình mình... Phải chăng các bạn đang tự làm khổ nhau trong cái mối mâu thuẫn này (không phải chỉ trong chuyện yêu đương lứa đôi)? Vì chính tôi cũng đã tự tìm hiểu, biết được không chỉ riêng tôi, mà có hàng ngàn người con trai khác đang vất vả tìm vị hôn thê trên xứ sở các bạn, cũng hàng ngàn cô gái muốn tìm tới chúng tôi, nhưng sao đều quá khốn khổ. Họ đâu có lỗi gì mà phải chui lủi, gian dối, kẻ thì phơi mặt ra đúng như món hàng trao đổi, kẻ lại bất đắc dĩ trong vai "thương lái". Chúng tôi là một lũ "buôn lậu chính mình"! Đành rằng không thiếu những người đáng giận, nhưng sao tất thảy chúng tôi phải chịu đựng những ánh mắt ác cảm, những trở ngại phi lý như nhau? Thật không thể kể hết những "đoạn trường" phải trải qua, nhất là với những người "được" làm vợ. Còn với xã hội của các bạn, về lâu về dài, tôi e rằng sẽ phải đối mặt với những hậu quả khó lường. Bởi bạn thử nghĩ xem, trong lúc các bạn đang bằng mọi cách khuyến khích người Việt ở nước ngoài hướng về, đóng góp xây dựng đất nước, thì lại có hàng ngàn vạn người phụ nữ đã, đang, sẽ đứng trong hàng ngũ đó, nhưng họ lại hầu như chẳng được chuẩn bị gì cho cái sự đóng góp này một khi cuộc sống khấm khá hơn, ngoài một tâm trạng cay đắng và tội lỗi. Trong câu chuyện này, cũng như nhiều nhiều nữa những vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế (như chuyện xuất khẩu lao động chẳng hạn) liệu chúng ta có thể có cái nhìn xa hơn không hay chỉ làm những việc kiểu "chữa cháy" như hiện nay? Đó là chưa nói đến việc hàng triệu người gốc Việt hiện đang định cư khắp thế giới sẽ nghĩ gì qua những hình ảnh này? Và cũng chưa nói đến những "chàng rể tương lai" như tôi, những con cháu mang dòng máu Việt của chúng tôi, họ sẽ nghĩ gì? Ngoài ra, theo tôi hiểu, "nhân vô thập toàn", nên vả chăng trong số họ có nhiều người còn thiếu cái văn minh trong mình, thì sao không cho họ một cơ hội sống, cư xử với nhau thật văn minh ở ngay trong cái ý nguyện đẹp đẽ này (tìm ý trung nhân cho mình), mà lại đẩy họ tới gần hơn nữa một hành động thiếu văn minh đến thế? Thêm nữa, tại sao lại không thể có những người mà có thể lúc đầu đến với nhau chỉ với những mục đích... ngoài tình yêu, nhưng rồi họ sẽ tìm được tình yêu, được chỗ dựa tinh thần, tình cảm đích thực; tại sao ta không thể có cách giúp đỡ họ?

Tôi dám nói vậy, vì qua tìm hiểu mà biết được cũng có lúc ở xứ các bạn đã ra đời vài công ty "môi giới hôn nhân", nhưng rồi lại bị cấm. Có lẽ bởi cái điều mà tôi nói ở trên. Các bạn không muốn chuyện tình yêu, hôn nhân mang cái vẻ mua-bán, nên đã đưa cả vào quy định của luật pháp, lập ra những "Trung tâm" của đoàn thể quần chúng mang tính chất bất vụ lợi hòng trợ giúp chúng tôi việc này, hạn chế trò chui lủi đang đầy rẫy. Điều đó vô cùng cần thiết và đáng quý, nhưng, nó có cái mặt trái, bất lợi trong đó (cũng như những mặt trái của dịch vụ "môi giới hôn nhân" thôi). Không khó để thấy điều này, vì theo tôi biết, các bạn cũng đã quen với một nền kinh tế thị trường mà ở đó, hàng hóa-dịch vụ đều được đánh giá đúng với giá trị thực của nó. Vậy thì trong "môi giới hôn nhân", không phải là tình yêu và con người mà chính là những dịch vụ đi liền trong đó mới thực là hàng hóa, như giới thiệu người tương hợp, tư vấn pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán dân tộc, giúp thực hiện các thủ tục pháp lý, tổ chức những lễ cưới hỏi, học ngôn ngữ của nhau... kể cả tìm hiểu, rồi nói hộ những điều khó nói (nhất là với những người phải chịu thiệt thòi như tôi). Nhưng những thứ dịch vụ này đương nhiên đòi hỏi ít nhiều chi phí, thậm chí là kha khá, tuỳ theo hoàn cảnh và nhu cầu khách hàng. Mà nước các bạn còn rất nghèo, nhà nước làm sao trợ giúp được, còn mô hình các "Trung tâm" của tổ chức bất vụ lợi thì không thể có được khả năng cung cấp dịch vụ theo đúng nghĩa "cơ chế thị trường". Nhất là, điều này thật tế nhị, những đoàn thể quần chúng của các bạn đứng ra lo việc này vẫn nặng chất "nhà nước". Như vậy sẽ khó khăn mọi bề, không như các tổ chức phi chính phủ ở đại đa số các nước khác. Thêm nữa, nó cũng chỉ mang tính chất "thiện nguyện", "trợ giúp" mà thôi. Thực tế hiện nay đang chứng tỏ điều đó. Nhưng rồi tôi lại tự hỏi "hay là các bạn đang không khuyến khích phụ nữ nước mình lấy người nước ngoài nhiều quá, tựa như chuyện "vượt biên"? Vậy thì tôi lại phải nói rằng, trong một cái thế giới mà bạn đang hết sức nỗ lực mà hòa nhập này, điều đó là vô vọng, thậm chí "lợi bất cập hại". Một ví dụ điển hình: ngày ngày với chiều dài biên giới đất liền hàng chục ngàn cây số, bạn có kiểm soát được những người phụ nữ đi làm ăn, lấy chồng hay không, bạn có thống kê nổi hay chưa?

Các bạn có câu nhắc nhở trong dân gian là đừng để "cái khó bó cái khôn". Đúng vậy, đã có những người không chịu để cho những điều còn "bất cập" cản trở cuộc sống. Nên đã có nhiều công ty làm dịch vụ môi giới hôn nhân này, nhưng buộc phải "khoác" cái áo của kẻ khác, gọi là "kết bạn". Trong số đó, có cả một công ty của anh chàng thương binh ở Hà Nội nữa. Thật cảm động cho những con người biết tìm cho mình con đường hòa hợp giữa đồng tiền-lòng nhân ái-luật pháp.

Nhưng cũng không thể cứ mãi mãi trói buộc mình trong cái sự luồn lách tránh né đó. Như "vẽ đường hươu chạy", khuyến khích thêm con người ta sống gian dối. Các bạn sẽ khó có được một xã hội văn minh đích thực, ở đó mọi người sống, ăn nói, cư xử trung thực, với nhau và với pháp luật.

Để kết thúc bài viết buồn này, tôi lại tự hỏi: nếu các bạn cứ loay hoay tìm cách để "lách" luật cho cuộc sống được nhẹ nhàng hơn, mà lương tâm cũng không bị cắn rứt, thì sao không gọi cái dịch vụ này - dịch vụ môi giới hôn nhân - là dịch vụ mai mối tình yêu nhỉ? Bạn thử nghĩ xem, nó sẽ vừa rất "thuần phong mĩ tục" (không nặng cái "chất" thị trường), lại rất thực tế (có phải ai cũng cần "hôn nhân" ngay đâu, mà muốn "hôn nhân" thì phải "yêu" đã chứ), mà còn tránh được (chứ không phải là "lách" đâu) cái "lưới" của pháp luật đang vướng víu không cần thiết đấy.

Nếu được như thế thì những kẻ thiệt thòi như tôi sẽ lại mỉm cười, may tìm được một người đàn bà, để mà yêu, mà nhớ. Có thể không có chuyện "hôn nhân", vì đâu dễ. Nhưng tôi cũng sẽ được thỏa cái cơn "khát",... thèm đàn bà!

© 2006 talawas