trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
27.9.2008
Đinh Từ Thức

Trong bài viết của ông Trương Công Khanh "Bàn chuyện ở thì tương lai", ngày 25/9 có đoạn sau đây:

"Copernic và Galilée phát hiện (chứ không phải suy nghĩ) ra trái đất quay chung quanh mặt trời. Cứ nghĩ rằng nhờ phát hiện ấy sẽ chứng minh cho nhà thờ thấy và hiểu ra mà sửa lại Kinh Thánh, ai dè họ kết tội hai ông là ma quỷ và đưa lên giàn hỏa thiêu. Đúng là không diễn ra như trật tự mong muốn của mình. Còn khi bị lên giàn hỏa thiêu: Hai ông vẫn nhất mực không chịu nói ngược với phát kiến của mình dù phải chết..."

Theo những tài liệu mà ngày nay ai cũng có thể dễ dàng kiểm chứng qua nhiều nguồn khác nhau trên internet, cả hai ông Nicolaus Copernicus và Galileo Galilei không bao giờ bị đưa lên giàn hỏa thiêu. Cả hai ông đều qua đời trên giường bệnh, và cả hai ông đều không bao giờ chống lại Giáo hội Công giáo La Mã.

Sách của ông Copernicus về Thái dương hệ (De Revolutionibus Orbium Coelestium), được in năm 1543 (21 năm trước khi Galilei ra đời), do một Hồng y bảo trợ, và đề tặng Giáo hoàng thời ấy là Phaolồ Đệ Tam. Tác giả chỉ mới được cầm cuốn sách của mình trước khi tắt thở, nên không có cơ hội ra tòa hay lên giàn thiêu.

Mãi đến năm 1616, dưới thời Giáo hoàng Clement VII, vì ông Galilei ca tụng khám phá của ông Copernicus là đúng, Tòa Thánh mới xét tới tác phẩm của ông này, và ra lệnh đặt vào bảng liệt kê các sách bị cấm, cho đến khi được sửa đổi. Việc sửa đổi diễn ra năm 1620 với 9 câu bị bỏ. Năm 1750 thì sách này không còn trong bảng cấm nữa.

Ông Galilei phải ra tòa dị giáo (Inquisition) vào tháng 4 năm 1633, không hề bị tra tấn hay phải lên giàn hỏa thiêu. Ông không cương quyết bảo vệ khám phá của mình, mà thú nhận đã sai lầm trong việc chủ trương rằng mặt trời không quay quanh trái đất, và trái đất không là trung tâm cố định của vũ trụ. Đồng thời, ông hứa từ bỏ việc nghiên cứu hoặc quảng bá chủ thuyết đã bị coi là sai lầm của mình.

Ông Galilei bị xử phạt tù, nhưng sau được Giáo hoàng Urban VIII cho quản thúc tại gia ở Florence. Chỉ có 7 Hồng y trong 10 thẩm phán ký vào bản án. Một trong ba người không đồng ý là Hồng y Barberini, cháu của Giáo hoàng Urban VIII. Trong hơn 8 năm bị giam lỏng, ông Galilei đã viết được thêm một cuốn sách quan trọng về “Hai khoa học mới…” Ông Galilei bị mù mấy năm trước khi qua đời vì bệnh vào đầu năm 1642. Xác được âm thầm an táng trong nhà thờ Santa Croce ở Florence.

Trước tin ông Galilei qua đời, quản thủ thư viện của Hồng y Barberini ở Roma tuyên bố: “Tin hôm nay về sự ra đi của ngài Galilei không chỉ xúc động Florence, mà toàn thế giới, và cả thế kỷ của chúng ta, trong đó con người thánh thiện này đã nhận được vinh hiển hơn hầu hết các nhà hiền triết bình thường khác. Bây giờ, đố kỵ không còn nữa, cao cả của sự thông thái đó sẽ bắt đầu được nhận biết và sẽ phục vụ các thế hệ sắp tới như kim chỉ nam trong việc tìm kiếm sự thật”.

Florence không dám làm lễ an táng trọng thể, vì sợ uy quyền của Giáo hoàng Urban VIII, người đã quyết định đưa Galilei ra tòa. Nhưng hơn hai năm sau khi vị Giáo hoàng này mất, thì chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, tượng của ngài tại Collegio Romano đã bị thanh toán không còn dấu tích.

Năm 1992, Giáo hoàng John Paul II đã chính thức xin lỗi về vụ án Galilei.

Ngày 13 tháng 8 năm 1600, tại Roma, có một ông linh mục bị rút phép thông công vì chống lại Tòa Thánh, là Giordano Bruno đã bị đốt trên giàn thiêu. Ông là một giáo sư đại học, không phải nhà thiên văn học, tuy trong khi diễn thuyết chống Giáo hội, ông cũng ủng hộ lý thuyết của Copernicus. Có thể dư luận đã lầm ông này với ông Galilei.