trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
24.5.2007
 
Trò chuyện cùng Pramoedya Ananta Toer
Đoàn Minh Châu dịch
 
Chân dung Toer, chụp tại tư gia năm 1997, © 1998 Alex G Bardsley
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nước Anh vẫn duy trì một chế độ cai trị hà khắc đối với nhân dân Bắc Mỹ từ năm 1600 đến sau Thế chiến II? Làm thế nào mà những cư dân thuộc địa, sống dựa vào đồn điền hoặc bị cưỡng bức lao động với mức lương chỉ đủ sống trong các nhà máy, có thể khởi sự một phong trào giành độc lập qua nhiều thế kỷ, với những đòn bẩy sức mạnh - kinh tế, chính trị, quân sự, luật pháp, văn hoá - dưới sự thống trị của chính phủ Anh? Trong loạt tiểu thuyết rất hấp dẫn The Buru Quartet (This Earth of Mankind, Child of All Nations, Footsteps và House of Glass), tác giả người Indonesia, Pramoedya Ananta Toer, đã mô tả quá trình phát triển của trí tuệ, ý chí và lòng can đảm cần thiết để tổ chức một phong trào giành tự do dưới những điều kiện như thế. Nhờ vào sức mạnh của một người kể chuyện, Pramoedya, theo như người ta biết, đã phải gồng mình chịu đựng một cách phi thường. Ông chứng kiến việc người ta cấm bài viết của mình và phá huỷ các ghi chú, bản nháp của cuốn tiểu thuyết. Ông bị tù 14 năm phần lớn thời gian trong các trại lao động khổ sai ở đảo Buru; buộc phải ăn sâu bọ, thằn lằn, chuột hay chịu nhịn đói, và cùng lúc chứng kiến cái chết của hàng trăm người bạn tù, những người không bao giờ được xét xử. Ông bị suy yếu khả năng nghe trong một trận đòn của bọn lính. Và hầu hết những năm ở Buru ông bị giam biệt lập, không được liên lạc - thậm chí ngay cả thư từ với vợ con.

Tháng 5.1999, khi Pramoedya đang ở ký túc xá thì nhận được bằng tiến sĩ danh dự với những lời phê bình đầy nhân ái trong Spring Commencement. Bất kể sự đối xử tàn tệ, gương mặt người đàn ông mạnh mẽ 74 tuổi này thoáng lên niềm hạnh phúc và điềm tĩnh, thoảng nét khoan hoà của Nelson Mandela. Pramoedya phát biểu ý kiến và ký tặng sách [bao gồm cuốn hồi ký trong tù mới xuất bản gần đây A Mute’s Silent Song (Khúc hát không lời của người câm), mang tựa đề The Mute’s Soliloquy (Độc thoại người câm) trong bản Anh ngữ] và trả lời phỏng vấn trên tờ Michigan Today với chuyên gia về Đông Nam Á Nancy K. Florida, Ann L. Stoler (nhà nghiên cứu lịch sử và nhân loại học) và John Woodford của tờ Michigan Today, cùng với vợ, bà Maimoenah Thamrim, người bạn và cũng là biên tập viên của ông, cũng như Joesoef Isak của công ty xuất bản Hasta Mitra ở Jakarta.

Đây là một trong những bài phỏng vấn hiếm hoi trước khi ông mất vào năm 2006 tại Indonesia.


*


Nhân vật Minke, người anh hùng đã thức tỉnh nhân dân Indonesia và lãnh đạo họ từ năm 1989, có phải được lấy mẫu từ cha ông, nhà giáo dục và là nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc?

Khi tôi tạo nên những chuyến phiêu lưu của Minke, tôi đã nhờ một số sinh viên nghiên cứu kĩ các câu chuyện trên báo chí từ thời kỳ này và sắp xếp các biến cố theo trình tự. Nhưng để tìm hiểu chính sách nội bộ của các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc Indonesia trên các hòn đảo và các vùng ở đất nước chúng tôi, tôi không dựa vào cha tôi mà nhờ vào một học giả người Hà Lan, Willem Wertheim. Ông ấy đã làm sống lại những nhân vật từng bị xoá sổ trong lịch sử chúng tôi.

Sự báo ứng dành cho Minke, một Robert Surhoff hiểm độc, là dựa vào một con người có thật?

Tôi lấy nhân vật này từ bài báo về một nhóm người lai Âu Á được người Hà Lan tổ chức nhằm khủng bố dân vùng Jakarta. Người Hà Lan đã tạo ra một hệ thống phân loại chủng tộc tương tự với sơ đồ phân biệt chủng tộc (apartheid) ở Mỹ và Nam Phi. “Indo” là tên gọi những hậu duệ mang dòng máu lai giữa người Hà Lan và người Java. Người Indo sinh ra trong một hoàn cảnh tâm lý phức tạp, và Surhoff tượng trưng cho sự hỗn loạn tâm lý và xã hội di chứng từ tổ tông. Surhoff cứ nghĩ mình là một người Hà Lan chính cống, nhưng người Hà Lan lại không hề xem Surhoff là người Hà Lan, và Surhoff đã cho dân bản xứ là bẩn thỉu và thấp hèn. Điều này khiến anh ta áp dụng một số biện pháp cực đoan thể hiện cái chủ nghĩa chủng tộc của mình.

Ông yêu thích tác giả người Mỹ nào?

John Steinbeck và William Saroyan. Cuốn Of Mice and Men của Steinbeck là cuốn sách vỡ lòng tôi dùng để tự học tiếng Anh. Tôi rất xúc động và ấn tượng với hai nhà văn đó đến nỗi tôi e rằng mình không thể nào cởi mở lòng mình đối với những người khác như mong muốn.

Thế ông còn thích ai nữa không?

Lúc trẻ tôi đọc Zola nhiều và trước khi bị đày đi tù, tôi đã dịch Tolstoy sang tiếng Indo. Tôi ấn tượng với việc giành tự do của các nhân vật nông nô trong sách Tolstoy, nhưng Tolstoy không phải là một kiểu mẫu trong trang viết của tôi. Gorky có ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn. Ông đã miêu tả cơ cấu xã hội của đất nước mình và giúp người đọc hiểu sâu tính cách đặc trưng của dân tộc Nga. Tiểu thuyết gia người Philippine Jose Rizal [bị Tây Ban Nha hành quyết năm 1896 sau 3 năm giam cầm và tra tấn vì đã ủng hộ cho phong trào tự do của thuộc địa] cũng là một nguồn cảm hứng đối với tôi.

Hiện tại ông đang viết một cuốn sách chứ?

Vâng, một cuốn có tên là The Originator, cuốn sách không thuộc loại hư cấu về một người phóng viên có tinh thần đấu tranh, lấy Minke làm mẫu, Tirto Adhisurijo. Người Hà Lan đã trục xuất ông đến đảo Molucca. Gia đình góa phụ của ông đã gởi cho tôi rất nhiều tài liệu quan trọng làm sáng tỏ cuộc đời ông, nhưng cảnh sát đã lấy cắp chúng và tôi chẳng bao giờ còn thấy lại nữa.

Sukarno, người tiền nhiệm vị trí của tướng Suharto, nhà lãnh đạo đầu tiên của Indonesia, cũng đã bắt giam ông dù chỉ một thời gian rất ngắn. Tại sao lại vậy?

Chính phủ không thích cách tôi ủng hộ quyền lợi của nhóm dân tộc thiểu số người Hoa. Tôi ngưỡng mộ và muốn nghiên cứu sự trỗi dậy của phong trào dân tộc chủ nghĩa của người Hoa vào đầu những năm 1900. Người Indo đã được khích lệ nhờ các nguyên tắc về công bằng xã hội và chủ nghĩa quốc tế của phong trào người Hoa như đã được mô tả trong các bài viết của Sun Yat-sen (Tôn Dật Tiên). Các nhân vật người Hoa nổi lên trong truyện của tôi là biểu tượng của sự tác động đó. Tôi cố gắng trình bày lịch sử thông qua những gì các nhân vật của tôi nói và hành động. Lần đầu tiên tôi biết những người Hoa trẻ tuổi đến Indo như thế nào đều là từ mẹ tôi.

Bây giờ thì Suharto đã không còn nắm quyền nữa - ông có hy vọng gì đối với mối quan hệ Indo-Mỹ không?

Tôi đã trình bày ý kiến của mình ở khắp nơi, rằng Mỹ nên chấm dứt gởi vũ khí đến Indonesia, rằng lực lượng vũ trang không phải là một nhân tố giúp giữ ổn định tình hình. Đất nước bạn - toàn thể phương Tây - có ảnh hưởng rất lớn đến thế giới ngày nay. Nhờ những áp lực từ chính quyền Carter mà tôi đã được thả vào năm 1979. Tôi yêu cầu mọi người giúp đỡ giới trẻ Indonesia hoàn thành cuộc cải cách đất nước. Nếu chúng tôi không cải cách xã hội của chúng tôi, sẽ có một cuộc cách mạng xã hội mà người ta tấn công, cướp bóc, giết hại nhau. Chỉ có giới lãnh đạo dân tộc hiệu quả mới ngăn chặn cái kết cục vô vọng này. Một cuộc cách mạng xã hội mà không có sự lãnh đạo dân tộc sẽ chỉ khiến Indonesia bị xoá sổ khỏi bản đồ thế giới. Mỗi phe phái sẽ thành lập một đơn vị tự trị riêng của nó, và kể từ khi, theo như những gì mà Sukarno dạy chúng tôi, thế kỷ này là thế kỷ của can thiệp, mọi tài nguyên của đất nước chúng tôi sẽ bị đem dâng cho những kẻ chiếm đoạt.

Ông giải thích thế nào về bạo lực chết người đang diễn ra giữa các nhóm thiểu số, quân đội và các nhân tố chính trị ở Indonesia hiện nay?

Cái được gọi là những vấn đề thiểu số và cộng đồng mà bạn đọc thấy - rõ ràng đã có ai đó giấu mặt sau nó. Ai đó đang khuấy nó lên để phục vụ cho mục đích ngăn chặn việc các nguồn tài nguyên thiên nhiên trả về cho nhân dân, những thứ bị Trật tự Mới (tên gọi hệ thống cai trị quân đội của Suharto) đánh cắp.

(Câu hỏi dành cho bà Maimoena Thamrin, vợ của Pramoedya) Bà và 5 đứa trẻ đã xoay xở như thế nào trong thời gian ông Pramoedya ở tù vậy?

Tôi bán bánh ngọt, kem que và những đồ trang trí lặt vặt ở nhà và vải vóc ở một quầy hàng nhỏ ngoài phố. Chỉ tội nghiệp cho bọn trẻ có người thân là tù chính trị. Chúng bị lăng mạ và hoàn toàn bị tước đoạt các cơ hội việc làm hay học tập.

(Hỏi Pramoedya) Bộ The Buru Quartet có tất cả các yếu tố cho một bộ phim vĩ đại. Liệu có một dự án nào chuyển thể tác phẩm thành phim không?

Một nhà làm phim Mỹ đã nói với nhà biên tập của tôi là ở đất nước này (nước Mỹ) bộ phim sẽ được làm chính yếu dựa vào nhân vật người vợ da trắng đầu tiên của Minke là Annelise chứ không phải Minke. Bằng không, sẽ có quá nhiều khán giả da màu so với khán giả Mỹ đến rạp.

Tại sao chính quyền Indonesia lại cấm bộ Quartet trong khi mục tiêu nó nhắm tới lại là chủ nghĩa thực dân của người Hà Lan?

À, tất nhiên bề ngoài Suharto ủng hộ cái mục tiêu đó. Nhưng chính giới trẻ và sinh viên mới là những người có khả năng hạ bệ Suharto. Từ bỏ việc nắm quyền của ông ta chỉ là trên danh nghĩa, chứ thực quyền vẫn nằm trong tay ông. Căn nguyên những vấn đề của chúng tôi là chủ nghĩa thực dân. Những gì diễn ra hiện nay là bản sao những gì chúng tôi đã trải qua trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Indonesia là quốc đảo lớn nhất thế giới [hơn 200 triệu người sống trên 3.000 hòn đảo và nói hơn 200 ngôn ngữ], nhưng bị quân đội điều hành. Đó là di sản từ hệ thống thuộc địa và là một lỗi lầm khôn lường. Đó là nguyên nhân của rất nhiều vấn đề.

Vị thần bảo hộ cho người anh hùng trong Quartet là Nya Ontosoroh, người từng là một nàng hầu, đã giành được tự do cho mình và tích luỹ được một vốn khá. Làm thế nào mà ông ngẫu nhiên sáng tạo nên một nhân vật nữ mạnh mẽ đến vậy?

Khi tôi kể cho các bạn tù nghe những câu chuyện mà sau này tập hợp thành tiểu thuyết, tôi đã nói với họ, “Hãy nhìn cô ấy. Nhìn những gì cô ấy đang làm - cô ấy chỉ là một phụ nữ thôi đấy. Dĩ nhiên, chúng ta, những gã đàn ông, còn có thể làm được nhiều hơn nữa kìa”. Tôi muốn cô ấy khích lệ họ. Trong đời sống thực, mẹ tôi là một tính cách mạnh mẽ khó ngờ, mặt dù thể trạng bà rất yếu do bệnh lao phổi và mất lúc 34 tuổi, khi đó tôi mới 17 tuổi. Khi mọi người yêu cầu tôi kể mẹ đã có ảnh hưởng đến tôi như thế nào, tôi nói rằng những gì trong sách của tôi - mọi thứ - là những gì tôi nhận được từ mẹ. Bà thường khuyến khích tôi tiếp tục việc học sau khi tôi bỏ trường Trung học. Bà nói với tôi, “Con phải nắm vững tiếng Hà Lan, để có thể mở mang kiến thức của mình. Rồi con phải đến châu Âu và các nước khác để học nhiều nữa. Không được ngừng học cho tới khi nào con giành được bằng tiến sĩ”. Và bây giờ, nhờ vào vinh dự mà trường Đại học Michigan trao cho, cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành những gì mẹ tôi mong mỏi.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas