trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
28.5.2007
DÆ°Æ¡ng Danh Dy
Giới thiệu cuốn “Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng”
 
Ngày 31 tháng 1 năm 2007, Nhà xuất bản “Khai phóng” (Kai fang chu ban she), Hồng Kông đã phát hành cuốn Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng (趙紫陽軟禁中的談話/ triệu tử dương nhuyễn cấm trung đích đàm thoại/ Zhao Ziyang: captive conversations. ISBN: 9789627934219) đến ngày 28/3/2007 đã tái bản lần thứ tư. Tác giả, người ghi lại những câu chuyện này là Tôn Phượng Minh (宗鳳鳴/Zong Fengming), nguyên Bí thư Đảng ủy Học viện Hàng không Trung Quốc. Sau khi biết Triệu Tử Dương bị giam lỏng, ngày 10/7/1991 bằng cách nhận là thầy dạy khí công, lần đầu tiên Tôn Phượng Minh đã vào được nơi Triệu Tử Dương bị quản thúc; để rồi từ đó, trước sau ông đã tới thăm Triệu hơn 100 lần mà lần cuối cùng là ngày 24/10/2004, trước ngày Triệu Tử Dương mất không lâu. Trong hơn 100 lần tiếp xúc ấy, Tôn Phượng Minh đã ghi lại những điều mà Triệu Tử Dương đã trò chuyện với mình thành 81 đầu đề câu chuyện (có một số lần trò chuyện, chưa rõ vì sao Tôn Phượng Minh không đưa vào cuốn sách này).

Khoảng hai năm sau ngày Triệu Tử Dương mất, qua nhiều cố gắng của một số lão chiến hữu và Nhà xuất bản, cuốn ghi chép dầy 420 trang chữ Trung Quốc cỡ nhỏ và 33 trang ảnh đã ra mắt tại Hồng Kông.

Dưới đây là nội dung chính của cuốn sách và một số đầu đề câu chuyện:


Nội dung chính

Triệu Tử Dương (1919-2005), lãnh tụ chính trị nổi tiếng của Trung Quốc trong thập kỷ 80. Đã từng giữ chức Thủ tướng Quốc vụ Viện, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo chính công cuộc “cải cách, mở cửa” của Trung Quốc trong giai đoạn này. Nhưng sau sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, do phản đối việc trấn áp bằng vũ lực, Triệu bị bãi chức, quản thúc tới chết, trở thành nhân vật truyền kỳ kiểu Trương Học Lương [1] . Trong 16 năm giam lỏng nghiêm nhặt, may có Tôn Phượng Minh - một lão chiến hữu của Triệu có thể đến thăm, mật đàm hơn 100 lần với Triệu, ghi chép lại những phát biểu của Triệu về cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và chân tướng những bất đồng về chính sách. Các câu chuyện bao gồm: Đặng Tiểu Bình buông rèm coi việc nước như thế nào, quan hệ giữa Triệu và Hồ Diệu Bang, nguyên nhân thực của việc Triệu bị mất chức, việc gửi thư cho Đại hội 15 Đảng Cộng sản Trung Quốc (1997), phân việc Trung Quốc đi theo “chủ nghĩa tư bản quyền quí”, những phê bình đối với Ban lãnh đạo cầm quyền Giang (Trạch Dân), Hồ (Cẩm Đào) sau sự kiện Thiên An Môn. Ngoài ra, còn có những bài phản tỉnh, phê phán về lý luận và lịch sử chuyên chính của Đảng Cộng sản, đề xuất chủ trương cải cách chính trị Trung Quốc về nhiều mặt như khởi mông tư tưởng, dân chủ nghị viện, liên bang, tự trị v.v... Cũng có những kiến giải độc đáo về quan hệ Trung Mỹ, diễn biến của Liên Xô và vấn đề Đài Loan, hiển thị tầm nhìn rộng rãi và tài năng hiếm có cũng như gánh nặng của thế hệ lãnh đạo Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương. Cuốn sách này trình bầy bi kịch Triệu Tử Dương bị biến mất trên vũ đài chính trị Trung Quốc, và cũng cung cấp những tư liệu giá trị cho việc nghiên cứu giai đoạn lịch sử này.

Ngoài ra, qua các câu chuyện của Triệu Tử Dương còn có thể thấy khá rõ những bất đồng, những mâu thuẫn về lý luận, đường lối, về đánh giá tình hình, biện pháp thực hiện...; về những cuộc đấu tranh giành quyền lực, về tính cách... của nhiều nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc (ngoài những người đã nêu tên trên còn có nhiều nhân vật như: Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Dương Thượng Côn, Hồ Khởi Lập, Tống Bình, Lưu Hoa Thanh, Trì Hạo Điền, Trương Chấn, Đinh Quang Căn, Lý Thiết Ánh, Hứa Gia Đồn v.v…) mà nếu không phải là người trong cuộc như Triệu Tử Dương thì không thể nào biết được.

Có thể đây là một cuốn sách mà những người muốn tìm hiểu Trung Quốc đương đại không thể không đọc. Cũng có thể thấy điều này khi chưa tới ba tháng, nó đã được tái bản đến lần thứ tư.



Mục lục

Lời giới thiệu của Lý Nhuệ (Đảng viên Đảng Cộng sản lão thành, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức của Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc) và của tác giả, lời nói đầu của Nhà xuất bản

81 câu chuyện (tạm dịch giới thiệu một số)

1) Ngày 10/7/1991: “Nói là tự mình lựa chọn” - Lời bào chữa của Triệu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa 13 (toàn văn)

3) Ngày 12/1/1992: Thăm dò chỉ tiêu tiến bộ xã hội; Tác dụng đặc biệt của Đặng Tiểu Bình.

4) Ngày 12/4/1992: Những nước lạc hậu sau khi cách mạng thắng lợi không thể thực hiện chủ nghĩa xã hội; Một số cách nhìn về chuyến tuần du phương nam của Đặng Tiểu Bình.

6) Ngày 5/9/1992: Những tương tự lịch sử giữa Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình lúc cuối đời.

7) Ngày 11/10/1992: “Chính trị học mơ hồ” của Đặng Tiểu Bình

8) Ngày 6/11/1992: Triệu: không ngờ là bị giam lỏng; Bi kịch của Đặng Tiểu Bình.

11) Ngày 3/4/1993: Người già lãnh đạo: đặc sắc của lãnh đạo chính trị Trung Quốc; Phân tích của Marx về chủ nghĩa tư bản không phù hợp với sự thực.

12) Ngày 28/4/1993: Phải giải quyết vấn đề chế độ sở hữu; Bi kịch của Stalin, Mao Trạch Đông là ở chỗ không được học tập bổ sung về chủ nghĩa tư bản.

15) Ngày 31/5/1993: Hai tay chính trị, kinh tế của Đặng Tiểu Bình đều cứng rắn cả; Giam lỏng là vi phạm điều lệ Đảng.

17) Ngày 9/9/1993: Không mổ xẻ lớn xí nghiệp quốc hữu không được; Bình luận của nước ngoài.

20) Ngày 14/12 1993: Nhìn lại lịch sử cận đại Trung Quốc, phê bình chủ nghiã xã hội Utopia của Mao Trạch Đông.

22) Ngày 17/1/1994: Ba quan điểm cải cách mở cửa của Triệu.

24) Ngày 7/6/1994: Phê bình Kiều Thạch, Lý Thụy Hoàn, Chu Dung Cơ, Vạn Lý.

25) Ngày 14/7/1994: Quan hệ với Hồ Diệu Bang.

28) Ngày 6/10/94: Đặng Tiểu Bình là người chủ trương quyền uy chính trị; Quyền tự trị địa phương, vấn đề liên bang.

30) Ngày 1/5/1995: Hủ bại hiện nay là sản phẩm của chế độ.

36) Ngày 23/11/1995: Tính báo thù của Lý Bằng mạnh, muốn đưa Triệu vào chỗ chết.

37) Ngày 14/12/1995 : Một vấn đề khó do Đặng Tiểu Bình để lại - phân chính trị, kinh tế ra để quản lý; Cuốn sách Con đường mười năm của Ngô Giang xuyên tạc sự thực.

41) Ngày 26/9/1996: Cải cách Trung Quốc đã xuất hiện tầng lớp đặc quyền.

46) Ngày 6/7/1997: Sau khi Đặng Tiểu Bình tạ thế, Triệu chân thành mong Vạn Lý biểu thị thái độ; Cuộc nói chuyện với Gorbachev...

47) Ngày 11/9/1997: Gửi thư cho Đại hội 15


Tiếp theo: (sở dĩ gọi là “phần tiếp” vì sau khi gửi thư cho Đại hội 15, Triệu Tử Dương bị buộc không được tiếp xúc với người ngoài hơn nửa năm)

1) Ngày 27/5/1998: một lần “đột phá xông qua cửa” của Triệu trước việc cấm cửa.

4) Ngày 19/8/1998: Giang Trạch Dân chuyển lời cho Triệu: “việc này là do ông tự gây ra”.

6) Ngày 17/10/ 1998: Triệu bàn về nhân quyền.

10) Ngày 19/12/1999: Triệu phân tích trạng thái tâm lý của Giang Trạch Dân.

14) Ngày 18/10/2000: Lịch sử không thể để lại khoảng trống; “Giang Trạch Dân là kẻ độc tài chuyên chính cuối cùng của Đảng Cộng sản trên thế giới.”

19) Ngày 22/6/2002: Tốt nhất là do nước Mỹ chủ đạo xã hội loài người.

20) Ngày 25/8/2002: Khủng hoảng của Trung Quốc đã nổi trên mặt nước.

24) Ngày 15/8/2003: Người ta kỳ vọng vào Hồ Cẩm Đào quá cao.

26) Ngày 25/10/2003: Trung Quốc đang phát triển “chủ nghĩa tư bản quyền quí”; Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc dựa vào một đảng chuyên chính; Cách mạng thượng tầng và cách mạng hạ tầng.

29) Ngày 20/3/2004: Hẹn nói chuyện với Diêu Lam Phục, nguyên Chủ nhiệm Ban nghiên cứu chính sách nông thôn của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

32) Ngày 20/6/2004: Thể chế này thực chất là hủ bại; Mô hình Trung Quốc và mô hình Liên Xô; Trần Thủy Biển dựa vào dân ý Đài Loan.

34) Ngày 24/10/2004: Bộ mặt của Hồ Cẩm Đào đã bộc lộ; Điểm bất đồng giữa con đường cải cách của Đặng Tiểu Bình và Triệu.

Lời kết thúc

Triệu Tử Dương đã thoát khỏi phương thức tư duy cũ; Là người đầu tiên trong tầng lớp lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đề xuất Trung Quốc phải đi con đường dân chủ và pháp trị.

Hà Nội, 25 tháng 5 năm 2007

© 2007 talawas



[1]Nhân vật nổi tiếng trong “Sự biến Tây An” năm 1936. Sau đó, bị Tưởng Giới Thạch giam cầm hơn 50 năm.