trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
30.5.2007
Thế Uyên
Tình dục trong ca dao và thơ Hồ Xuân Hương
 
1. Tình dục trong ca dao

Những nữ tác giả đầu tiên bàn tới, nhắc tới vấn đề sex (người viết dùng từ này cho ngắn gọn) trong tác phẩm của mình, là những tác giả ca dao. Ca dao vốn vô danh, làm sao biết chắc được những câu nào của nam, những câu nào của nữ? Đặt câu hỏi như thế là đúng.

Người viết đã giải quyết vấn đề này một cách tương đối, tương đối thôi, căn cứ vào phong thái, văn phong của nam và nữ khi bàn, đả động đến những cơ phận nam hay nữ của mình và sự việc xẩy ra khi giao hợp. Đọc nhiều truyện do các nhà văn nữ hiện đại viết, thấy các vị nữ nhân nặng về phần miêu tả y phục, cảm giác, xúc cảm... kiểu như bà Huyện Thanh Quan hay Margaret Mitchell, tác giả Gone with the Wind (chúng ta chỉ được biết cô Scarlett tóc đen mắt xanh leo có dáng đi gợi dục... thế thôi). Tránh né miêu tả những cơ phận nữ như đôi vú, bụng, âm mao, âm hộ, âm thuỷ... cũng như các động tác giao hợp, thậm chí mình có sướng hay không, một lần hay nhiều lần, cũng ếm nhẹm không nói. Trong khi các tác giả nam miêu tả chính xác những cơ phận nữ cùng động tác làm tình, cả before lẫn after. Thí dụ những ca dao dưới đây có cho là của những người nam cũng không sai mấy:

Cô kia cắt cỏ bên sông,
Cái váy thì cộc, cái lông thì dài.
Thuyền chài nó trả quan hai,
Cô không chịu bán để dài quét sân...

Hay là những câu ca dao chọc gái sau đây, dứt khoát là của nam nhân:

Sáng trăng vằng vặc,
Vác cặc đi chơi,
Gặp con vịt trời,
Giương cung định bắn,
Gặp cô yếm thắm,
Đội gạo lên chùa,
Giơ tay bóp vú,
Khoan khoan tay chú,
Đừng bóp vú tôi
Hôm nay ba mươi,
Ngày mai mồng một,
Để tôi đội gạo
lên chùa cúng Phật.
Đức Thích Ca mở miệng cười khì,
phán: Của tam bảo,
Để làm gì chẳng... bóp.

Phía người nữ chỉ nói đến cơ phận nữ chính của mình một cách... phác thảo, thuỷ mạc thôi. Thí dụ như câu ca dao nổi tiếng:

Sáng trăng suông em tưởng tối trời,
Em ngồi em để cái sự đời em ra:
Sự đời như cái lá đa,
Đen như mõm chó, chém cha sự đời...

Một thí dụ khác:

Chị em tắm mát ngọn con sông đào,
Của em thì trắng, của chị sao thâm thế này?
Chị thâm bởi tại anh mày,
Xưa kia chị cũng hạt chay đỏ lòm...

(Hạt chay: hạt trái chay ngoài Bắc màu đỏ thắm)

Về động tác giao hợp, người nữ chỉ nói sơ sơ thôi, như:

Của tôi tôi để đầu hè,
Bỗng dưng anh đến anh đè tôi ra,
Kêu lên, xấu mẹ hổ cha,
Nín thinh, ướt của tôi ra thế này...

Người nữ thường thụ động trong vấn đề tiến tới cũng như giao hợp (và điều đó cũng đúng cho hiện nay: theo Tờ trình Kinsey của Mỹ thập niên 50 - gọi là tờ trình, thực ra là một cuốn sách dầy cộp - nếu nhu cầu về sex của đàn ông là 5 thì đàn bà chỉ là 1 (đàn bà không dành cho sex một ưu tiên cao trong cuộc sống thường nhật của mình):

Đương khi bếp tắt cơm sôi,
Lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem.
Bây giờ cơm đã chín rồi,
Lợn no con nín tòm tem thì tòm.

Ngay một vụ cưỡng hiếp, hiếm khi được nói tới trong ca dao, cũng chỉ được ghi lại bằng một giọng khá dịu dàng, chịu đựng:

Hôm qua lên núi hái chè,
Gặp thằng phải gió nó đè em ra,
Em lậy nó cũng chẳng tha...
Em càng nhúc nhích nó càng vào sâu,
Váy em nó tốc ngang đầu,
Vú em nó bóp bầu dầu nó chơi...

(Thằng phải gió: lời mắng nhẹ nhất đàn bà dành cho đàn ông; bầu dầu: thời xưa những người đi bán hàng rong hay đựng dầu trong những cái bao da mềm)

Về bài ca dao trên: phần ghi chép của tiền bối Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và sưu tập của người viết bài này chỉ đến đoạn trên. Ai biết được toàn bài, xin cho biết để bổ túc sau.

Người phụ nữ Việt Nam bình dân thời xưa không chịu ép một bề, ngoan ngoãn im lìm chịu đựng đàn ông áp chế như phụ nữ Trung Hoa, nơi phát xuất đạo Khổng nghiêm túc với các thứ như tam tòng tứ đức. Ý thức phản kháng, châm biếm thói đạo đức giả của đàn ông, ngoài miệng thì rao giảng đạo đức truyền thống dân tộc này nọ (bây giờ ở cả hải ngoại lẫn hải nội vẫn còn hiện tượng này, thường là trong giới cao tuổi) thực ra thâm tâm thường nghĩ tới phụ nữ, nhất là cái đồ đó của họ. Phụ nữ Việt Nam dân dã đã phê phán thái độ đạo đức giả của giới quan lại một cách trực tiếp, thẳng thắn với thái độ đi gần tới cái thứ gọi là tranh đấu nữ quyền hiện nay:

Ban ngày quan lớn như thần,
Ban đêm quan lớn tần mần như ma.
Ban ngày quan lớn như cha,
Ban đêm quan lớn ngầy ngà như con...

(Ngầy ngà: chữ cổ miền Bắc, chỉ con nít khóc lóc đòi bú tí mẹ)

Ngay cả giới kẻ sĩ nói chung, cũng bị các bà các cô phê phán thẳng thừng:

Văn chương chữ nghĩa bề bề,
Thần lồn ám ảnh cũng mê mẩn đời...

Thái độ đạo đức chỉ vì tâm trạng ích kỷ "trâu buộc ghét trâu ăn, không được ăn thì đạp đổ" (tục ngữ) của truyền thống đa số dân Việt, cũng bị phê phán, bằng thứ ngôn ngữ của phụ nữ ít học thời xưa:

Xưa kia ai cấm duyên bà,
Bây giờ bà già bà cấm duyên tôi!

Sự đề cao trinh tiết một cách quá đáng, cũng bị phản ứng một cách đáo để chanh chua:

Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn,
Chính chuyên cũng chẳng sơn son mà thờ!

Đến đây xin ngừng một chút để người viết tranh cãi với các cụ bà thời xưa một chút: dĩ nhiên không ai sơn đỏ cái đó rồi thượng lên bàn thờ mà thờ cúng, cùng lắm chỉ đội lên đầu thôi, nam nhi miền Nam thường gọi là "đạo thờ bà"... và dù tục ngữ đã có câu: Cái lồn vợ thì gần hơn bàn thờ cha, nhưng "lẳng lơ" mà không "mòn" cái đó, là sai trên thực tế. Nhiều nam nhân thời nay, cũng như người viết bài này, đã có nhiều dịp để thưởng thức tường tận những cái đó phơi bầy trên những tờ báo (vẫn bán ở các tiệm sách, các quầy sách báo ở phi cảng...) chuyên về phụ nữ khoả thân như Playboy, Penthouse... đều dễ nhận thấy cái đó của những phụ nữ trẻ, ít làm tình, trông gọn ghẽ khép kín xinh xắn hơn của các phụ nữ lớn tuổi, hoặc loại "họp chợ trên bụng cỡ dăm trăm người" (ca dao). Bởi thế các ông thường tránh lấy các cô gái nhiều bồ trai, cũng như giữ gìn vợ cẩn thận, để cái đó của vợ mình lúc nào cũng "tun hút như hang thỏ", chứ không "toang hoác quá lỗ trê" (thơ cổ truyền khẩu)... Gần đây ngành giải phẩu thẫm mỹ tiến bộ và phát triển đến độ ở nội địa cũng như hải ngoại, có thể đại tu, tune-up lại một số bộ phận trên cơ thể phụ nữ cho trở thành gần như mới, hoặc làm cho to hơn, phồng hơn. Nhất là những cái "lá đa" đã bị "mòn", bị rộng ra vì quá "lẳng lơ" hoặc sinh con đẻ cái nhiều.

Lùi lại một khoảng cách mà nhận xét chung, dễ thấy phụ nữ Việt Nam nói chung không có mặc cảm tội lỗi, xấu xa về cái giống của mình như phụ nữ Thiên chúa giáo. Họ nhắc tới một cách thường là đùa cợt hay âu yếm cái "lá đa, lá vông" của mình, và coi những chức năng của "nó" trong việc giao hợp, sinh nở... là tự nhiên, không việc gì phải xấu hổ, giấu giếm như trong nhiều nền văn hoá văn minh khác.


2. Bạch hoá tình dục trong thơ Hồ Xuân Hương

Những ca dao trích dẫn ở phần trên nguyên gốc là văn chương truyền khẩu, đến thập niên 30 của thế kỷ 20 mới được Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc sưu tập và viết thành văn tự, in thành sách nhan đề Phong dao tục ngữ. Thời đó di chuyển khó khăn, ông Ngọc mới chỉ sưu tập được ở phần đất Bắc kỳ, chưa đả động tới Trung kỳ, Nam kỳ. Vậy nhà văn nữ mà bàn tới tình dục trong tác phẩm thành văn của mình, tính từ lúc Ngô Quyền lập quốc thế kỷ thứ 10 cho đến thế kỷ 19, vẫn chỉ có nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương.

Gần đây có một số nhà biên khảo Việt Nam ở Âu châu cố gắng chứng minh rằng có thật một Hồ Xuân Hương từng có thời là người tình của Nguyễn Du, nhưng cái bà Hồ Xuân Hương "mới tìm thấy" này thường chỉ làm thơ chữ Hán đứng đắn nghiêm túc như bà Huyện Thanh Quan vậy, không liên quan đến bà Hồ Xuân Hương chuyên làm thơ nôm hài hước châm biếm về tình dục quen thuộc với chúng ta từ trước đến nay. Bà này nói tới cái giống đàn bà, đôi khi cái giống đàn ông, và vấn đề giao hợp một cách vui vẻ cười cợt, bằng một bút pháp hai nghĩa và một vài thủ thuật về chữ nghĩa. Thời bà, chưa có các cơ quan kiểm duyệt và các tổ chức "bảo vệ sự trong trắng của con nít" cho đến năm 18 tuổi (ở Mỹ), đến già như ở nội địa Việt Nam hiện nay, nhưng bà làm thơ khéo léo, luồn lách hay đến độ phải là người lớn (lắm khi mới 18 tuổi cũng không đủ kinh nghiệm để hiểu) mới có thể đoán ra, hiểu được ý nghĩa đúng thật của lời thơ câu thơ.

Thủ thuật nói lái:

Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo...


(Lộn lèo: lẹo lồn)

Thủ thuật dùng chữ ngược chỗ: Thí dụ như chữ "người quân tử" đầy nghiêm túc với tu thân đủ loại... của văn minh Trung Quốc/ Việt Nam, bà đem dùng chỉ người đàn ông đang ở vị thế tình dục đủ loại đủ kiểu, kể cả coi cọp.

Về động tác đàn ông sờ l...:

Quân tử có thương thì đóng nõ
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.


(Muốn trái mít chóng chín, người ta thường đóng một khúc gỗ vào cuống trái mít, cũng chỉ đàn ông nếu muốn giao hợp thì cho cái đó của mình nhập cung, đừng sờ soạng mâm mê nhiều dâm thuỷ làm ướt tay.)

Về người đàn ông coi trộm phụ nữ ngủ ngày quần áo xốc xếch phơi bầy thân thể:

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
Một lách đào nguyên suối chửa thông...
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.

(Phụ nữ miền Bắc thời xưa trời nóng chỉ mặc yếm, không mặc áo và mặc váy ngắn không đồ lót, nên khi ngủ họ hở nhiều hơn phụ nữ thời nay.)

Những từ chỉ dùng trong những lúc xưng hô nghiêm túc, như chàngthiếp, Hồ Xuân Hương dùng ngay trong trường hợp trai gái giao hợp:

Chàng với thiếp đêm hôm trằn trọc,
Đét đồn lên đánh cuộc cờ người...
Mới đầu vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên,...
Hai xe hà chàng gác hai bên,
Thiếp sợ bí thiếp liền nghểnh sĩ.
Chàng thừa cơ thiếp đang khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung...

Thủ thuật chính Hồ Xuân Hương hay dùng, qua thí dụ dễ thấy như trong bài thơ trên, là lối khẩu khí ngược ngạo, phồn thực. Thơ khẩu khí hay khẩu khí bình thường là thứ thơ Lê Thánh Tông hay dùng nhất trong mọi thi sĩ thời xưa, là tả một vật, con vật hay sự việc bình thường, nhưng chọn chữ đặt câu chọn lọc khéo léo như thế nào để làm người đọc phải nghĩ tới một vật, con vật hay sự việc quan trọng hay lớn lao hơn nhiều. Tả một con cóc nhưng làm độc giả nghĩ tới một ông chúa hay vua, tả một vật trong nhà như cái chổi nhưng làm người đọc nghĩ tới môt vị tướng tài ba... Lê Thánh Tông hay làm loại thơ này cốt để chứng tỏ mình đích thực là con vua cháu chúa, vì mẹ ông là con bà thứ, bị hoàng hậu ghen, phải trốn khỏi cung điện nên Lê Thánh Tông lớn lên ở bên ngoài hoàng thành.

Còn thủ thuật khẩu khí ngược ngạo, phồn thực của Hồ Xuân Hương là tả một vật bình thường, vô tính như cái quạt, hoặc một món quà như bánh trôi, một hang động ngoài thiên nhiên, hay một sự việc rất bình thường như chơi cờ người... nhưng bà dùng chữ, hình ảnh như thế nào để bắt buộc người đọc phải nghĩ tới các cơ phận nữ như vú, âm hộ, hay việc giao hợp:

Chành ra ba góc, da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa...
Chúa dấu vua yêu một cái này...
(Tả cái quạt: âm hộ)

Cửa son đỏ hoét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh lì lún phún rêu...
Đầm địa cành liễu hạt sương gieo...
(Hang Cắc Cớ: âm hộ mở)

Thân em thì trắng phận em tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non...
(Bánh trôi: vú)

Hiền nhân quân tử ai là chẳng,
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn chèo
(Đèo Ngang: giao hợp với nam ở trên)

Những thủ thuật văn chương Hồ Xuân Hương (và các tác giả ca dao) đã dùng, thường là dễ hiểu cho người Việt, nhưng chuyển ra một ngôn ngữ khác, do cấu trúc ngôn ngữ khác biệt, thường là khó hiểu và khó dịch. Truyện chơi chữ, đảo ngữ, đồng âm dị nghĩa, chữ hai nghĩa... trong Anh Pháp cũng có nhưng ít, và thường là ít gây hào hứng. Gần đây có bản dịch thơ Hồ Xuân Hương sang Anh ngữ của một giáo sư Mỹ miền nam California, tôi chưa được đọc nên không biết ông dịch thơ của Hồ Xuân Hương làm thơ chữ Hán đứng đắn hơn cả bà Huyện Thanh Quan, hay bà Hồ Xuân Hương chữ nôm quen thuộc với chúng ta. Và hơn nữa, liệu ông dùng chữ Anh ra sao... Dịch cái quạt đúng là cái quạt, cái hang đúng là hang động, đánh cờ là đánh cờ quốc tế... thì đúng dịch là phản như các cụ bên Tây thế kỷ 19 đã nói. Chưa kể người dịch có mắc những lỗi sơ đẳng như: mulberry sea (bể dâu), phòng khuê lạnh lùng (cold bedroom)... hay không...

Đã bàn về chữ nghĩa thì bàn thêm: người viết bài này, trong phần đầu của bài, khi nhắc tới cái đó của phụ nữ thì gọi bằng chữ nôm, chữ Việt thuần tuý, là cái lồn. Không viết l... như Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc hay các cụ Việt Nam hoặc Mỹ trắng Mỹ đen hiện nay vì nghĩ rằng hậu sinh phải tiến bộ hơn tiền bối. Chữ nào viết đúng chữ đó, không việc gì phải chỉ viết phụ âm đầu rồi chấm chấm chấm... Nhưng càng viết về sau càng cảm thấy người đọc nói chung chưa quen với lối viết thẳng thừng, thẳng thắn như vậy, nên lại lùi về lối viết l..., b..., c... dù biết rằng lối viết đó dễ gây lầm lẫn. Trừ chữ l... độc đáo ai cũng hiểu ngay và hiểu đúng là cái gì, còn viết b... thì có thể lẫn giữa buồi và bòi, viếc c... còn dễ lẫn hơn nữa, vì c... có thể là cặc, cu hay cứt... Nhưng thôi, thói quen chung vẫn là ưu thắng, người viết không muốn gây "sốc", vướng mắt vô ích cho người đọc, nên trở lại lối viết phụ âm chấm chấm chấm, mỗi khi đụng độ với những thứ mà người Mỹ hay gọi là four letter words.

© 2007 talawas