trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
20.8.2003
Nguyễn Hữu Hồng Minh
“Vùng” Hoàng Hưng
 
Vùng không phải là chữ tôi hay chữ của Hoàng Hưng mà chính là chữ của Apollinaire. Khi Hoàng Hưng dịch bài Zone thì ông cũng đã làm chết từ vùng. Hoàng Hưng dịch thơ Boris Pasternak, Allen Ginsberg và nhiều nhà thơ hiện đại Pháp nhưng thành công hơn cả vẫn là thơ của Garcia Lorca và Apollinaire...cũng bởi họ nằm gần với "vùng" của ông nhất: "Rút cuộc mi đã chán cái thế giới cũ kĩ này""Mi uống rượu này cháy bỏng như đời mi / Đời mi mi uống như rượu tì tì" [1] . Có lẽ vì luôn bị ám ảnh, chán ngán cái thế giới toàn phong cách đã chết nên các nhà thơ đích thực luôn ngắm đến những chân trời, vùng bay mới. Và chính từ không gian vùng bay đó mới kiểm định được giá trị (nếu có) của nhà thơ. Thơ Hoàng Hưng theo cách đọc của tôi ngắm điểm S. Toạ độ rung là S(os)- S(ex).

SOS là vùng nguy hiểm. Vùng báo động. Hoàng Hưng vẫn hay dùng "thơ tới ngưỡng". Nhưng ngưỡng của thơ là gì thì thật là khó nắm bắt. Nó như ngưỡng vọng, ngưỡng mộ, chiêm ngưỡng chiêm bái. Đó là một từ tôn giáo. Trong một bài viết giới thiệu cho tập thơ đầu của tôi ông đã nói: "Đường vào thơ gian nan như đường lên động Thiếu Thất" [2] . Vì thế có thể hiểu thơ tới ngưỡng là thơ đã thành đạo. Cuộc đời và thi ca của Bùi Giáng không phải là bằng chứng cho Đạo Thơ đó sao? Cứ cho "ngưỡng", "vượt ngưỡng" chính là "trần", "đụng trần" và "vượt trần" thi ca thì điều trước tiên hết là nổ tung về Thi pháp. Thơ với những luật tắc (meter) trước đó, hay ngụy hình thức (pseudo-formal) đều phá sản. SOS sẽ là mạng lưới mở rộng và hỗn loạn. Thơ có thể là xới tung trong một con đường cụt, tức tưởi ngột thở hay có thể viết như thôi miên, trụi trần, kì dị và quái đản. Những hình ảnh chồng lên nhau như những tia chớp sáng mà nếu không nắm bắt kịp sẽ phụt tắt, sẽ thoáng qua một lần trong đời để vĩnh viễn xếp lớp, chất dày dưới hầm sâu kí ức. Hoàng Hưng chủ trương Thơ Vụt Hiện, Thơ Vọt Trào chính là vì vậy. Ông tôn thờ cảm giác tươi mới, cảm giác đầu tiên trước khi "Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ" [3] . Đó cũng chính là Quán Tưởng của nhà thơ Mỹ hiện đại Allen Ginsberg: "Cuộc sống như một bức ảnh chuyển động. Nhà thơ chỉ việc nắm bắt các ý nghĩ. Ý nghĩ đầu tiên là tốt nhất". Nhưng ý nghĩ đầu tiên ấy sẽ rất khó bởi nó loại bỏ ý thức, sự can thiệp thô bạo giết chết cái cá thể. Cái chất cá thể mà chính Sartre đã viết mở màn ngay đầu tập Buồn Nôn (La Nausée) một tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa hiện sinh: "Hắn không nắm giữ vai trò gì quan trọng trong tập thể. Chỉ vừa vặn là một cá thể". Có lẽ vì vậy mà Allen Ginsberg còn gọi thẳng trường phái thơ mình chủ trương là Hú Gào. Nhưng rõ ràng trong một dòng chảy bị nghẽn mạch, bị đứt đoạn đôi lúc vọt trào hay hú gào chính là một trạng thái phản tỉnh. Bởi đó là những nghịch điệu cố ý (la disarmonia prestsbilitia) giữa một đời sống quá mỏi mòn:"Giữa phố xá đông vui thèm một tiếng người" (Nguyễn Đỗ) và bởi thiếu những toa thuốc đặc trị cho tinh thần giữa một khung cảnh sống quá lầy nên chính bản thể cuộc tồn tại (theo nghĩa của Hamlet: To be not to be?) cạn trơ ý nghĩa. Rốt cuộc"sống chỉ còn như một thói quen".

Tính chất báo động ấy đã trở thành cuộc bạo-động-thơ làm nên gương mặt thơ Hoàng Hưng cuối những năm 80 của thế kỉ 20. Đó là độ chênh tâm trạng mà ông còn gọi là tâm thế theo nghĩa điện thế [4] . Những vùng lạc lạ bất bình thường: "Anh biết anh có kẻ thù giấu mặt / Cứ rình chơi những cú bất ngờ". Từ vùng hoảng hốt và lạc lạ ấy thơ Hoàng Hưng đã đem đến những tranh luận nháng lửa cho giới phê bình cùng bạn đọc tiếp cận thơ ông. SOS đã trở thành một quan điểm nghê thuật Avant-garde, nghệ thuật tiên phong. Vượt qua mọi khuôn khổ để tự tìm đến ngưỡng không giới hạn. Với ý thức đó thơ Hoàng Hưng hoàn toàn khác với thơ của các nhà thơ đương thời và đồng thời như Trúc Thông, Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Quần Phương, Bằng Việt…Sự khác đó như phát biểu của nhà thơ Mỹ Dana Gioia:"Tôi không đòi có một thứ thơ bình thường. Tôi muốn có một nghệ thuật chi phối và dễ hiểu, vừa đủ để phản ánh trọn vẹn kinh nghiệm sống và lạc thú của con người…" [5]

Lạc thú, tính dục hay SEX ở góc độ nào đó ít thể hiện trọn vẹn và trực tiếp trong thơ Việt Nam hiện đại. Chúng ta thường tự hào về thơ "Sex-Nhục thể" của Hồ Xuân Hương hay "Tay chơi trống bỏi" Nguyễn Công Trứ nhưng tinh thần tiếp cận Sex trong thơ đương đại hôm nay ở trong nước rụt rè và e lệ như một cô thiếu nữ (Tôi không kể đến trường hợp thơ Sex của nhà thơ Đỗ Kh. gần đây nổi lên như một vấn đề và hiện tượng ở Hải ngoại vì chưa có điều kiện tiếp cận và đọc đầy đủ thơ anh). Chúng ta cổ điển và rụt rè hơn cả thơ cổ và thơ cận đại. Hay chúng ta cho rằng mình đang ý thức trí thức, đang có văn hoá hơn những thế hệ đi trước khi phải xử lí về những đề tài buồng the húy kị chăng? Toạ độ của Hoàng Hưng lại ngắm vào điều ấy. Ông dám nói thật cảm giác thèm làm tình, thèm đụ, thèm lên giường:"Tụt quần / Chửi thề / Con gà quay / Con gà quay…". Ông phát hiện ra con người bản thể và nhục tính nguyên uỷ "Nứng / Nẩy / Nồng / Nây" giữa "Háp háp / Sắp tan sắp tan sắp tan""Đờm / dãi / Tinh khí / Phì phào"… Phải chăng nhận xét như nhà thơ Trần Mạnh Hảo đó là thơ kinh dị? Giữa tần số giao động mạnh (strong measures) của âm thanh và thị ảnh cộng với ám tượng sex vụt hiện Hoàng Hưng đã tìm được những hình tượng đạt đến độ vi tế của ẩn ý, cảm xúc Ngựa Biển: "Em con ngựa non thon vó/ Giữa rừng người hoang vu". Đề tài tính dục như lạc ra khỏi những đề cương văn hoá của cách mạng và thi ca xã hội chủ nghĩa. Nhưng chính nhà thơ Lê Đạt có lần nói với tôi:"Thơ cách mạng không phải là cách- mạng- Thơ". Cách mạng thơ đòi hỏi một ý chí nội lực ghê gớm, những tiếng nổ vào thành trì cũ. Tính dục không hẳn là khiêu dâm, là đồi trụy. Tính dục là cuộc cách mạng lớn nhất của con người bảo tồn nguoàn laïc thú và nuôi dưỡng sự sống. Ngựa Biển tạo nên một cảm giác khỏe khoắn về tính dục. Nói chung là Li-bi-đô cao. Ngựa mà! Về ý nghĩa nó đã là sự phong độ, xung lực. Nó là mũi khoan, mũi nhọn đầy ưu thế của giống đực. Nó là "lin-ga mặt ngang" [6] ,đầu pzanh, một từ còn sót lại trong những trò chơi của tuổi thơ tôi. Biển là sự tràn bờ, trường tồn. Là tới bến. Đóng ngập lút cán. Thơ Hoàng Hưng chính là con ngựa bơi trong biển sex. "Bán tem gạo/ mua cái sầu giữa phố", "Tuổi ba mươi mất tân vì một cô điếm ế". Tình dục không còn ảo mà là thực. Không còn mơ mộng mà đã khủng hoảng. Chính vì đuổi theo ý nghĩ đầu tiên, chụp bắt tức thì cảm giác vụt hiện, ông đã đẩy thơ đến nhiều tầng nghĩa. Đó là nghĩa của mùi. Mùi sex, mùi thú, mùi người. Trong thơ hiện đại Việt Nam tôi chưa từng thấy "ca" nào người con gái thổ lộ với người đàn ông " mùi ghiền" của mình như thế này:"Nhớ điên cuồng mùi anh như con bò cái nhớ mùi phân rác". Hoàng Hưng đã biến những từ dơ bẩn nhất trong các đại danh từ thành những từ nhiệt hứng nhất của thơ. Trong cơn ghiền đụ ông còn hứng chí "lục bát", cất lên tuy nghe mùi mẫn nhưng vì đúng độ, nghe vẫn "đã", vẫn "sướng": "Bạn ơi giao hợp nơi đâu?/ Trở về gác cũ sắc màu đong đưa". Thơ bạo như thế thì đâu phải ai cũng "chịu" được? Thơ Hoàng Hưng nhận xét như nhà thơ Thanh Thảo:"Đọc thấy sợ mà sướng, đọc thấy sướng mà sợ" [7] . Bởi đó là thơ của những thể nghiệm, của trả giá mà đâu phải ai cũng dám đem cả cuộc đời mình ra mà thể nghiệm, trả giá bao giờ?

Cũng cần nói thêm từ vùng Sos, ngưỡng thơ-báo-động chuyển sang vùng Sex ẩn-ức-dục-tính đó là một quá trình tổng hợp (combinatoria) kinh nghiệm sống chứ không phải tập hợp (collection) thuần túy những ghi chép đời sống. Thơ Tự do của Hoàng Hưng bạo liệt, phát tán và tung vỡ sắc độ, ấn tượng mạnh chứ không khô cứng bê-tông như thơ của một số nhà thơ tự do khác. Cả thơ lục bát của ông cũng vậy. Nó làm người đọc nổi gai góc vì chạm được tới "ngưỡng" của tần số cảm. Trong cơn sốt ông đã phát hiện thế giới nghiêng ngửa như đang ở trong một cơn địa chấn. Có thể nổ tung và chấm dứt bất cứ khi nào. Phát hiện mửa máu đó làm bung vỡ những lớp chai lì đã từng vây bọc lên cảm xúc của chúng ta như vây bọc xác chết:"Ngày dài ăn cả vào đêm / Em ngồi như núi lặng im mà buồn / Anh còn chao đảo vô thường / Những cơn động đất điên cuồng dưới da…". Và thơ lục bát không còn cảm giác co cưỡng gượng ép nữa mà như đã đẩy về cực âm của vô hạn. Đem đến sửng sốt cho việc tiếp nhận:"Bao giờ cơn sốt lùi xa / Để anh lẳng lặng tan ra thành lời"…

Cách tân thơ không phải là học trở lại những phong cách đã chết. Là một tay sừng sỏ, Hoàng Hưng hoàn toàn nắm được các qui tắc của luật chơi đó. Trong tiến trình thơ hiện đại hôm nay vẫn thấy ông là một trong số ít ỏi những gương mặt nội lực thơ đi tiền phong. Sos-tìm-tòi hay báo-động-thơ cuối cùng lại trở về chính số phận thơ. Kẻ tìm kiếm đơn độc trên biên thùy của vô tận và tương lai, keû đã nhận lãnh sứ mệnh:"Có bao nhiêu nát tan / Đội lên đầu mà hát". Từ khi Nietzsche phát hiện ra Thượng đế đã chết [8] và đêm đêm vẫn có kẻ chờ mơ thấy Thượng đế để chỉ nhổ nước bọt vào mặt của ông ta [9] thì sự tìm kiếm Thiên đàng "trên cái bụng nhà nghề"(Làm sao đến cõi Niết bàn trên cái bụng nhà nghề?) đã là một toa thuốc đặc trị hữu hiệu. Thiên đàng ở đâu xa và có thực cần thiết không, khi thực tại địa ngục đang chính là cuộc sống? Bản chất của nghệ thuật luôn kiếm tìm và thơ sẽ luôn mở rộng (expansive poetry). Nhà thơ, người đi tìm mặt mình với nỗi ngứa ngáy tiền kiếp "phát điên vì không nói được" cuối cùng lại thấy mình chính là thú hoá người [10] . Là con ngựa biển phi qua những vùng chấn động, hóa thân vào tình yêu, vào một giọt nước:"Khi cuộc sống làm mình hoá đá / Bỗng rùng mình vì một hạt mưa"…

Sài gòn 8.2003.

© 2003 talawas



[1]Thơ Apollinaire, Hoàng Hưng chuyển ngữ, Nxb Hội Nhà Văn 1997.
[2]Trích "Gửi Nguyễn Hữu Hồng Minh", Giọng Nói Mơ Hồ, Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nxb Trẻ 1999.
[3]Những câu thơ trích trong bài viết này lấy từ hai tập thơ Ngựa Biển (Nxb Trẻ 1998) và Người Đi Tìm Mặt (Nxb Văn hoá Thông tin 1993) của Hoàng Hưng.
[4]Xem chú thích 2
[5]Nguồn: Tạp chí Thơ -nhà thơ Khế Iêm chủ trương (Mỹ)
[6]Thơ Đỗ Kh.
[7]Ngón thứ Sáu của bàn tay, Phê bình tiểu luận của Thanh Thảo (Nxb Đà Nẵng 1994).
[8]Zarathustra Đã Nói Như Thế - Trần Xuân Kiêm dịch (Nxb Am Tiêm 1960).
[9]Voix, Tiểu thuyết của Linda Lê, Nguyễn Đăng Thư ờng dịch, Tạp chí Thơ
[10]Học thuyết tiến hoá của Darwin.