trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
15.6.2007
Nguyễn Việt Hùng
Rừng câm
 
Xem tranh không cần người giảng giải, cho dù đó là tranh trừu tượng, nếu có chút kiến thức về hội hoạ hiện đại và hội hoạ đương đại thì sẽ cảm nhận dễ dàng và thích thú nhiều hơn. Trong hàng trăm, ngay cả hàng ngàn cách vẽ trừu tượng, không khó để phân biệt đâu là những hoạ phẩm tầm thường, đâu là tác phẩm lạ đẹp. Nhưng đối với một sáng tác trừu tượng độc đáo thì khó tìm ra, ngay cả khó nhận diện, đó là lý do của bài viết này.

Tác phẩm “Rừng câm”, tranh sơn dầu của hoạ sĩ Đinh Cường là một chứng cớ, tác phẩm có kích thước vuông 40 x 40 inch (102 x 102cm), hoàn thành vào tháng Hai năm 2003. Màu sắc hoạ phẩm gần như đơn điệu của sắc đen xám, thoạt nhìn như là kết quả của hai màu chính; đen và trắng, lợ lợ đâu đó một số tảng màu phụ của sắc xám xanh, xám nâu cam… vài vết nhỏ, màu mạnh nguyên thuỷ của đỏ, trắng và đen.

Hội hoạ Đinh Cường thường được cấu trúc bằng một số ít đường ngang, như khoảng không gian cuối trời trong hoạ phẩm, và nhiều đường thẳng đứng. Đường ngang chân trời tạo nên cảm giác an bình, nhưng những đường thẳng dọc, đưa đến cảm giác của một sự sắp sửa chuyển động; có thể là một thay đổi nhẹ nhàng, hoặc một tiềm lực có thể làm nổ tung.

Rừng câm (2003) của Đinh Cường
Trung tâm hoạ phẩm là một hình tượng gây cảm giác kinh hoàng: một người thắt cổ, hoặc xúc động: Chúa đóng đinh trên thập tự giá. Khối vệt đen trên hơn nửa khuôn mặt, tạo hình nổi như trong không gian ba chiều, đồng thời gây ấn tượng khuôn mặt gục xuống của người chết, theo định luật trọng lực. Một hoạ phẩm hai chiều (2D) trên mặt phẳng của vải, mà đã gây được ấn tượng không gian ba chiều (3D) và trọng lượng của vật thể. Nhưng thể tam giác nhỏ màu đỏ tươi, đối diện với khuôn mặt cúi xuống, đưa tôi một ý tưởng khác; khuôn mặt cúi xuống không còn là vật thể chết, chịu chi phối của trọng lực, mà là thể sống, chủ động ngắm nhìn vệt đỏ như một cuộc đối thoại.

Hình như, một cách mơ hồ, nhưng mãnh liệt, tôi tin tưởng vào cảm nhận; đây là tác phẩm mà ở đó tác giả đối diện với nỗi cô đơn, niềm tuyệt vọng, và cái chết. Là một tuyên ngôn của hoạ sĩ Đinh Cường, cả cuộc đời sống chết với hội hoạ, như một tử đạo.

Tác phẩm đơn giản, ít màu, ít nét vậy mà đã cho tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Và rồi tôi đọc cái tựa “Rừng câm”, hình như không liên hệ gì nhiều những điều tôi nghĩ. Theo phản ứng bình thường, tôi nhìn kỹ tác phẩm có cây cỏ, hoa lá… hình như không có các hình thể để tạo nên cảnh rừng, một số đề nghị về phần dưới của tác phẩm, như mặt nước hồ phản chiếu nhà thờ làng mạc hơn là rừng cây. Thông thường tôi không bận tâm nhiều về tên của hoạ phẩm, nhưng Đinh Cường chắc không đặt tên cho vui, nhất là một tác phẩm gói trọn nhân sinh quan. Và tôi đã điện thư đến hoạ sĩ Đinh Cường.

Điện thư từ Nguyễn Việt Hùng:

5.21.2007
Anh Đinh Cường,

Tác phẩm “Rừng câm” (Mute forest) rất mạnh. Hy vọng tác phẩm này có cơ hội đến được người sở hữu có đủ điều kiện, để đưa tác phẩm lên mức giá trị đích thực của nó, và bảo quản như một tài sản của nền hội họa Việt Nam.

Theo sự nhận xét của tôi, Rừng Câm là tác phẩm đối thoại với niềm tuyệt vọng, với cái chết, nỗi cô đơn,… làm sao những người sưu tập nghệ thuật, mua tranh theo phong thuỷ dị đoan, trang trí nhà cửa… mà nhận thấy được cái đẹp u uẩn đến tận cùng thân phận người sáng tạo?

Anh có thể nói một chút về tác phẩm này, có phải đây là khu rừng sau nhà anh?

Việt Hùng


Điện thư từ Đinh Cường:

5.21.2007
Thân gởi Việt Hùng ,

Tôi không ngờ gặp được người bạn am hiểu tận cùng tim can như vậy. “Rừng câm”... đó là sự tích lặng của những năm tháng tôi âm thầm làm việc cô đơn nơi này. Cảnh rừng sau nhà ở chỗ vẽ, nhìn ra mỗi ngày. Có ngày dông lớn, có đêm bão tuyết, có mùa đông cây trơ cành, mùa thu rừng lá ngập vàng như khu rừng Klimt vẽ... hay bây giờ là mùa xuân xanh lá cây. Tôi đã có bao nhiêu điều muốn nói và đã chôn dưới những lớp màu chồng chất.

Suốt 3 tháng mùa Đông băng giá... Tôi chỉ vẽ bức này. Đó là hình ảnh tôi càng nhìn càng thấy như Chúa bị đóng đinh cùng cảnh rừng... “Rừng câm” mà tiếng gió lớn như lửa táp... Cám ơn bạn vô cùng, bạn làm tôi cảm động...

ĐC

Trong thế giới nghệ thuật tạo hình hiện nay, chất mới lạ trong các sáng tác, mới là điều đáng quan tâm. Để có được chất mới lạ, thì việc cần thiết là đừng làm chuyện cũ. Một số sáng tác nghệ thuật được đánh giá cao, là do tính chất phủ nhận, phù hợp với hướng phát triển của hội hoạ đương đại, luôn từ chối những gì đã thực hiện, đây là một hành động ý thức của người sáng tác trong quá trình đi tìm chất mới cho hội hoạ. Những sắc độ và hình thể trong tác phẩm “Rừng câm”, đã có lúc là những màu sắc rực rỡ, cùng những đường nét tài hoa, tích luỹ và phát tiết từ hoạ sĩ, với hơn nửa thế kỷ miệt mài với hội hoạ. Không vì thế mà hoạ sĩ bằng lòng, ngày qua ngày, tháng qua tháng, những thành quả màu sắc và đường nét cũng trở thành kỷ niệm lắng đọng theo thời gian, theo những lớp phủ của từng tảng màu câm lặng, trầm tối của sắc độ xám. Hình thể Chúa trên thập tự giá, hoặc người thắt cổ, là những nét triển khai mà hoạ sĩ bắt nắm được trong tình thế ngẫu nhiên của bố cục. Hình thức và nội dung của tác phẩm “Rừng câm” là sự kết hợp mạnh mẽ của ý thức và tình cờ trong quá trình sáng tạo.

Nhưng khi Đinh Cường đặt tựa “Rừng câm”, thì chính hoạ sĩ đã mạo hiểm về số phận của tác phẩm. Làm sao Đinh Cường có thể nói được những tình cảm tâm tư, không những trong ba tháng cô đơn với bức hoạ, mà hình như cả cuộc đời, vui buồn thế cuộc vào trong một tác phẩm, mà chính hoạ sĩ đã tự đặt mình vào thế chìm lắng, không cần phát biểu, giải thích. Chính cái tựa của tác phẩm đã tạo nên một khái niệm, một khuynh hướng hội hoạ hiện nay; nghệ thuật tạo hình từ ý niệm (conceptual art). Một điều rất trái ngược; các hoạ sĩ thuộc trường phái hội hoạ ý niệm, thường làm rất ít và nói thật nhiều, trong khi đó tác phẩm “Rừng câm” của hoạ sĩ Đinh Cường thì làm quá nhiều, để rồi không còn gì để nói. Câm lặng là một thiệt thòi, nhưng có thể là niềm kiêu hãnh, bất khuất, như danh họa Cézanne, suốt cuộc đời còn lại ẩn mình, cô đơn sáng tác những tác phẩm bất hủ, để trở thành nền tảng cho nền hội hoạ Hiện đại.

Như là duyên hội hoạ, nếu tôi không có dịp tiếp xúc với hoạ phẩm, và xúc cảm của tôi không cùng tần điệu với hoạ sĩ Đinh Cường, để hoạ sĩ có thể tiết lộ vài điều về sáng tác này, thì có thể “Rừng câm” không có dịp giãi bày đến khách yêu thích hội hoạ. Màu sắc, đường nét, hình thể là ngôn ngữ của hội hoạ, là tiếng nói của hoạ sĩ, Đinh Cường đã vẽ cánh rừng sau nhà, đã tâm sự cùng với cánh rừng, và rồi chôn lấp để trở thành “Rừng câm”.

6.2007

Website của hoạ sĩ Nguyễn Việt Hùng: www.art-hung.com

© 2007 talawas