trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
16.6.2007
Ronald Düker
Những đứa trẻ khóc lóc đang nhìn bạn
Trần Kh. dịch
 
(Ảnh: AP)
Giữa hai tấm hình này là quãng thời gian tròn 35 năm, chính xác đến từng ngày tháng: Cả hai đều được chụp bởi nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng thông tấn AP. Phải chăng cô Paris Hilton là "Kim Phúc của năm 2007"?

"Đường nào dẫn ra mặt trận?": Những người lính bị lạc phương hướng đã tự hỏi như thế trong cuốn phim cùng tên do Jerry Lewis đạo diễn (Which Way to the Front, 1970). Hoặc đấy cũng có thể là câu hỏi nhằm xác định vị trí được đặt ra trong thời chiến bởi những nhiếp ảnh gia chuyên sử dụng máy ảnh của mình như là một vũ khí. Chụp đúng đối tượng vào đúng thời điểm: những bức ảnh như thế có thể có tác dụng như một quả bom trong môi trường công luận. Chính điều này đã xảy ra với tấm ảnh được chụp bởi Nick Út - một nhiếp ảnh gia người Việt Nam làm việc cho hãng thông tấn AP - vào ngày mồng 8 tháng 6 năm 1972, lúc quân đội Mỹ đang dội bom Napalm tại Trảng Bàng. Trên tấm hình là cảnh năm đứa trẻ đang chạy trốn, đặc biệt hình ảnh của cô bé bấy giờ 9 tuổi tên Kim Phúc ở giữa tấm hình đã trở thành một kiểu "thánh tượng" (icon) của những người theo chủ nghĩa hoà bình. Hình ảnh một bé gái trần truồng và khóc lóc thảm thiết hẳn phải hiện ra trong mắt của độc giả báo chí Mỹ hồi ấy như là hiện thân của sự vô tội, và nó cũng khiến cuộc chiến tranh hiện ra như là một điều hoàn toàn bất công đối với những thường dân không có một chút khả năng tự vệ. Susan Sontag cho rằng tấm ảnh này đã góp phần đáng kể trong việc dư luận Mỹ xoay chiều chống chiến tranh Việt Nam, hiệu quả còn hơn "hàng trăm giờ truyền hình phát đi những cảnh man rợ".

Thực ra thì chính Nick Út - người đã nhận giải Pulitzer cho tấm hình này - cũng biết rõ là lúc ấy ông đã may mắn hưởng sự chiếu cố của một thời khắc thuận lợi: "Tấm hình này còn chân xác hơn bản thân cuộc chiến", ông đã phát biểu như thế ít lâu sau đó. Những tấm ảnh được chụp chỉ vài giây sau đấy bởi những nhiếp ảnh gia khác cũng phô bày chính những đứa trẻ ấy, với những khuôn mặt căng thẳng, nhưng nét mặt thì đã bớt đi nhiều phần bi thảm.

Chẳng rõ con "ma số" nào đã đưa đường dẫn lối mà đúng 35 năm sau, cũng vào ngày 8 tháng 6, Nick Út - năm nay 56 tuổi và vẫn còn làm việc cho hãng AP - lại chụp được tấm hình của một đứa trẻ đang khóc khác. Và những blogger Mỹ hiện đang tranh cãi với nhau trên trang web jezebel.com là liệu không biết bức ảnh này rồi có trở thành một "icon" của năm nay hay không. Cô Paris Hilton mà ta thấy trên tấm ảnh nay đã 26 tuổi, nhưng chỉ riêng chuyện cô ta kịp bật ra lời cầu cứu: "Mẹ ơi! Mẹ ơi!" lúc bị áp tải vào tù là cũng đủ để chúng ta phải xem cô như là một đứa trẻ. Tấm ảnh của Út cho ta thấy tiểu thư Paris đang nức nở đằng sau tấm kính của một xe tuần tiễu chở cô vào nhà giam, nơi bản án phạt tù cô - vì tội say xỉn trong lúc lái xe - được thi hành, ngay sau khi cái quyết định biến đổi án tù của cô thành hình thức quản chế tại gia bị huỷ bỏ. Những thanh màu đen phản chiếu trên tấm kính xe chạy chéo qua bức ảnh và chất lượng xấu đầy "hạt" của nó là một bảo đảm đáng tin cậy cho tính tự phát không đắn đo khi tấm hình được chụp.

Những blogger tỏ vẻ am hiểu lịch sử nhiếp ảnh đã đặt tên cho vở bi kịch này là: "Paris Hilton: The Kim Phúc of 2007", một lối gọi tên nhằm làm tăng thêm sức lôi cuốn cho một cô gái thiếu cá tính. Và trong thực tế, "ảnh chiến tranh" cũng có thể ra đời ở một nơi hoàn toàn không có chiến tranh: điều này đã được chứng minh mới đây thôi ngay tại xứ Đức, bởi vô số những tấm ảnh đã được chụp trong khu phố cổ của thành phố Rostock. [1]

Thế nhưng tấm ảnh mới đây của nhiếp ảnh gia chiến tranh Việt Nam ngày xưa và của Hollywood ngày hôm nay có tên là Nick Út kể cho chúng ta điều gì? Bức ảnh kể chuyện mở rộng và đồng thời giới hạn phạm vi chiến đấu [2] . Bởi vì trong lúc một số người còn tranh luận về thứ đạo đức hai mặt đầy tính kỳ thị chủng tộc, loại đạo đức luôn tìm cách làm cho các án tù của những nhân vật da trắng tiếng tăm được thi hành nhẹ nhàng hơn, và một số hiệp hội bảo vệ quyền lợi lên tiếng cảnh báo rằng con số người Mỹ tử vong trong giao thông gây ra bởi chứng nghiện rượu ngày càng gia tăng, thì ta vẫn không thể quên sự thực này: Từ lâu rồi người ta đã cấm nghiêm ngặt việc chụp những hình ảnh xảy ra trên những mặt trận thực thụ. Hay là có ai đó đã từng phô bày cho chúng ta một Kim Phúc của Iraq? "Mặt trận" đã được dời vào bên trong. Ở đấy cuộc chiến đang hoành hành mà những đứa trẻ tuối vị thành niên và những đứa trẻ trưởng thành phải cắn răng chiến đấu với chính mình cho đến phút cuối.

Cuộc chiến này xoay quanh thói quen và sở thích ăn uống, phép xã giao lịch thiệp, chuyện chăm sóc sắc đẹp hay là những cuộc giải phẫu thẩm mỹ và đấy cũng là sự hoán chuyển vĩnh viễn những mối quan tâm về những diễn biến thế giới thành những quan tâm nhảm nhí của hè phố. Có cả một đạo quân Paparazzi - những nhiếp ảnh gia chuyên đi săn chụp những tấm ảnh giật gân - sống nhờ vào cuộc chiến này. Trong khi đứa trẻ kêu khóc Kim Phúc đã có khả năng gợi lên lòng thương xót với những kẻ khốn cùng của quả đất này, thì đứa trẻ khóc sụt sùi Paris Hilton chỉ có thể sản sinh ra sự hiếu kỳ. Phải chăng chính vào giây phút ấy, lúc lớp vỏ cứng che mặt vỡ ra, thì một cái gì đấy chưa từng biết, một cái gì đấy cực kỳ thú vị sẽ lộ diện: một nỗi kinh hoàng, một người đến từ hành tinh lạ, một niềm hạnh phúc, hay chỉ là một ảo ảnh? Thì đây, xin mời, đây là đường dẫn ra mặt trận.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas


[1]Tác giả ám chỉ những cuộc xô xát làm cho hàng trăm người bị thương giữa những người biểu tình bạo động và lực lượng cảnh sát nhân Hội nghị Thượng đỉnh G8 diễn ra vừa qua tại Heiligendamm gần thành phố Rostock, CHLB Đức.
[2]Nhại tên một cuốn tiểu thuyết của Michel Houellebecq (ND)