trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
12.5.2002
Lý Côn
Bệnh từ thời cổ đại
 
Từ lâu tôi cho mình thói quen đọc sách báo với thái độ thường trực cảnh giác. Tôi biết nhiều người suốt đời say mê sử dụng ngôn ngữ để phục vụ hoặc tranh đấu cho những giá trị mà họ tin tưởng, tận tụy trong nghề nghiệp thông tin báo chí... Nhưng tôi cũng biết nhiều người khác lại có thể cho tung ra những tin tức hay dữ kiện rất sai lạc, những nhận định phiến diện hoàn toàn thiếu tinh thần trách nhiệm, những phê phán hồ đồ..., với nhiều lý do hay mục đích khác nhau: thiếu kinh nghiệm, không thực nghiệm, kiến thức giới hạn, gây tò mò chú ý để câu độc giả vì lợi nhuận, để được nổi danh nhanh, tệ hơn là để tạo hoặc củng cố một thứ quyền lực xảo nào đó.
Ví dụ trong tháng 4 vừa qua, giữa đám sách báo Việt Nam đang khởi sắc về mặt in ấn tôi nhặt chơi một tờ Tiếp Thị & Gia Ðình. Tờ ghi số 13–2002, ra ngày 11.4.2002, thông tin thượng vàng hạ cám. Lướt qua những “Tin Hội Chợ”, “Dịch Vụ Massage Bấm Huyệt Chân”, “Cách Học Mới: Luyện Thi Qua Mạng”, “Những Bài Học Ðầu Ðời”..., lật đến trang 25, mục Lá Thư Tình Yêu, hỏi đáp hướng dẫn thanh thiếu niên trong vấn đề tình cảm thì tôi không thể đọc theo kiểu lướt được nữa. Nó thế này:

Hỏi: “Tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Cả nhà ai cũng mong tôi lấy vợ, sinh con. Nhưng dường như tôi không bình thường như những thanh niên đồng trang lứa. Trong khi họ thích người khác giới, tôi thì ngược lại. Nói thẳng ra, tôi là người mắc bệnh đồng tính ái.
Ðọc sách nhiều, tôi biết sự bất thường của mình. Tôi đã tự chữa bằng cách làm quen với nhiều cô gái, tạo cho mình nhiều cơ hội để có thể trở lại một người bình thường... Nhưng vô ích, dù có vài cô yêu tôi, nhưng tôi không thể yêu ai... Gia đình tôi không ai biết điều này. Họ luôn thúc tôi cưới vợ. Ðiều này làm tôi hết sức buồn khổ... Tôi phải làm sao?” (T.T.H., Q. Tân Bình)
Ðáp: “... Hiện nay tại Việt Nam chưa có bệnh viện nào chữa bệnh đồng tính ái. Ðây là chứng bệnh của những người bị tổn thương não về nhận định giới tính. Cũng có một số trường hợp mắc bệnh này do bắt chước, tò mò. Tuy nhiên bạn có thể liên hệ khoa Nam khoa giới tính, bệnh viện Bình Dân, 371 Ðiện Biên Phủ... để được các bác sĩ hướng dẫn thêm. Việc nhận định tình trạng bệnh không thể chỉ dựa vào sự “cảm thấy” chủ quan của riêng bạn...” (TT&GÐ).


Với một tờ báo lá cải như TT&GÐ thì vấn đề thông tin hay hướng dẫn khá lệch lạc như trên là chuyện bình thường, không đáng quan tâm. Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn thấy khó chịu. TT&GÐ phát hành hàng tuần trên cả nước! Theo các thống kê trên thế giới thì Ðồng Tính Luyến Ái (ÐTLA) có thể chiếm đến 10 phần trăm dân số loài người hoặc còn cao hơn thế. Tưởng tượng ở Việt Nam đang có 8 triệu người ÐTLA, cùng vài chục triệu thân nhân, sẽ bị làm cho khốn đốn thêm một lần nữa vì cái nhãn “bệnh, không có bệnh viện nào có thể chữa trị”. Dạo qua Talawas, chủ đề Ðồng Tính Luyến Ái, thì lại đọc thấy không chỉ TT&GÐ mới có cái bài như trên, mà cả tờ Tuổi Trẻ, cơ quan ngôn luận của cả Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã từng có những nhận định và hướng dẫn về ÐTLA tương tự thế, và người phụ trách (Trần Bồng Sơn) lại chức vị bác sĩ hẳn hòi. Không biết ở Việt Nam, các trường đại học y khoa có những nghiên cứu cụ thể nào về ÐTLA, và bác sĩ như bác sĩ Trần Bồng Sơn có bao nhiêu kiến thức cập nhật về ÐTLA để có thể đứng ra hướng dẫn giải đáp “những thắc mắc không biết hỏi ai” như vậy. Ðiều tôi biết là từ năm 1975, tại Mỹ, hai hội y khoa quốc gia American Psychiatric Association lẫn American Medical Association đều đã chính thức loại bỏ ÐTLA ra khỏi danh loại những chứng bệnh. Tìm trong cuốn Johns Hopkins Family Health Book, xuất bản năm 1999 cuả trường Đại học y khoa và Bệnh viện Johns Hopskins, (theo thống kê cuả U.S. News & World Report, Johns Hopskins được xếp hàng đầu về công tác chữa trị bệnh nhân trong cả gần một thập niên nay và là trường đại học danh tiếng được nhiều tài trợ nhất trong các cuộc nghiên cứu y khoa tại Mỹ): cả cuốn sách hướng dẫn về mọi điều kiện y học, bệnh trạng, thuốc men và dịch vụ y tế dày 1660 trang này, biên soạn bởi 120 bác sĩ và giáo sư y khoa, vấn đề ÐTLA chiếm vỏn vẹn một phần tư trang, dưới đề mục “Gay Men and Women” (Ðàn Ông và Ðàn Bà Vui), với tựa “Am I Gay?” (“Tôi có phải là người vui không?”) hướng dẫn thanh thiếu niên nhận biết khuynh hướng tính dục cuả mình (chứ không hề xem đó là một chứng bệnh). Nguyên văn phần hướng dẫn này như sau:
“ Mặc dù có một số đàn ông và đàn bà vui (gay) báo cáo là họ tự biết mình khác lạ hơn từ khi bắt đầu có trí nhớ, nhiều người lại phải chịu qua rất nhiều sự nghi ngờ lẫn thống khổ trước khi đối diện với điều họ không thể lảng tránh. Những năm trung học có thể là thời gian bối rối nhất. Trong tuổi dậy thì, trai gái chơi trò tính dục với bạn cùng phái là chuyện thường, thỉnh thoảng còn hôn hít và sờ mó nhau. Ðiều này không có nghĩa bạn là người đồng tính luyến ái. Khi bạn đi vào tuổi trưởng thành, thì khuynh hướng tính dục cuả bạn sẽ cho thấy rõ ràng hơn bạn là dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái, hay lưỡng tính luyến ái.
ÐTLA không phải là một kiểu sống tự chọn, cũng như thể nếu bạn sinh ra có màu tóc nâu. Ðây là một điều kiện sinh học đã hiện hữu từ khởi thuỷ cuả loài người, và ảnh hưởng đến khoảng từ 1 đến 10 phần trăm dân số, với con số hơi cao hơn cho phái nam. Mặc dù dường như đã có những nghiên cứu cho thấy ÐTLA có vài thành phần là do di truyền, các nhà nghiên cứu vẫn còn khá lúng túng về các nhân tố kết tạo khiến một nguời trở thành vui. Với nhiều người vui, sự công nhận mình thực sự là vui đến từ thời gian họ vào đại học, khi có thời gian riêng cho mình, thời gian để có bạn mới. Vì trong lịch sử đã có những thành kiến quá nặng nề về ÐTLA, sự thú nhận về ÐTLA – hoặc nói về nó, hoặc có quan hệ tính dục – có thể là nguồn gốc cuả những sự lo lắng và khủng hoảng đáng kể. Nếu bạn nghĩ bạn có thể vui nhưng không cảm thấy mình có thể nói về chuyện này với gia đình, hãy tìm một nguời thân ái biết lắng nghe khác. Nếu bạn không tin cậy được bạn bè, hãy gọi một đường dây nóng để được cố vấn miễn phí. Nhiều trường đại học và cao đẳng có những tổ chức liên minh cuả người vui, và họ sẽ có thể mang đến cho bạn sự thông cảm, những gì bạn cần biết, cùng sự bảo vệ.”


Một số người vẫn từ chối những công nhận khoa học về vấn đề ÐTLA, chủ yếu để bảo vệ cho những thành kiến xấu về ÐTLA với một mục đích khác, tuy vẫn khư khư sử dụng cái chiêu bài tồn vong nhân loại. Họ thừa biết trong lịch sử loài người chưa bao giờ ÐTLA đã từng là sự đe doạ cho vấn đề tuyệt chủng. Ngược với lý luận rằng sự tồn vong cuả giống người dựa trên sinh hoạt lưỡng tính luyến ái và ÐTLA là mối đe doạ cho sự tuyệt chủng, những xã hội có thái độ tương đối dễ dãi hơn đối với vấn đề ÐTLA, (những xã hội thiếu văn minh nhất, hoặc có nền văn minh cao nhất) lại là nơi có vấn đề nhân mãn trầm trọng hơn cả. Ðể ngăn chận cái hiểm hoạ nhân mãn càng ngày càng ở mức báo động, một số quốc gia đang nỗ lực hạn chế gần như tối đa mức độ sinh đẻ. Tỷ lệ người lưỡng tính luyến ái sử dụng thuốc hay các dụng cụ ngừa thai trong hiện tại và tương lai chắc chắn phải cao hơn một chục lần số người ÐTLA có mặt trên trái đất.
Không tìm ra được lý do nào khác để lên án và đàn áp ÐTLA, lại một số người, dựa trên cơ sở đạo đức, cho ÐTLA là một căn bệnh có tính thời đại phát sinh từ sự tha hoá cuả những xã hội phương Tây đang phát triển quá đà về công nghiệp. Vậy thì hãy cùng đi ngược lại thời gian để truy tìm cái gốc tích ÐTLA. Homosexuality, chúng ta quen dịch là đồng tính luyến ái, do Benkert, một nhà văn người Hung đặt ra từ năm 1869, kết hợp từ homo (giống), chữ Hy Lạp, và sexus (tình dục), chữ Latin, để phân biệt với hetero (khác) sexuality. Hậu bán thế kỷ 19 đánh dấu cho sự khởi đầu cuả nền văn minh công nghiệp phương Tây cùng với những mâu thuẫn xã hội lên tới cực độ đã trở thành ngòi nổ cho các cuộc nội chiến, đại chiến, đấu tranh giải phóng nô lệ, đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ,... theo ngay sau đó. Không phải tình cờ mà đúng vào thời điểm này người ÐTLA ở châu Âu, và sau đó châu Mỹ, cũng đã thực sự nhận cho mình một cái tên gọi, công khai và tự hào xác nhận bản sắc riêng biệt cuả mình. Tuy nhiên đây chỉ là một phản ứng tất nhiên phải có trước sự gia tăng cuả sức ép đã bắt đầu quá nặng nề lên cộng đồng ÐTLA, cùng loạt với những bất công và phân chia giai cấp trong xã hội gây ra bởi sự bành trướng của những tham vọng về quyền lực. Sự hiện hữu cuả ÐTLA, thuở sơ khai vốn hồn nhiên sống chung hoà bình với mọi hiện hữu mang khuynh hướng tính dục khác cuả loài người khi “tất cả chúng ta còn là một” chưa bị phân rẽ, đã được đánh dấu từ thuở con người bắt đầu sử dụng phương tiện để ghi lại sự sống đầy yêu thương cuả mình. Cách đây hơn 2600 năm, trên đảo Lesbos, Sappho đã viết những câu thơ tình lãng mạn đầy nhục cảm cho những người nữ bà ta đã yêu, kiểu: “Tựa cơn gió núi đập vào những cây sồi, tình yêu lay mạnh tim tôi. Em đã đến, và tôi đã khát khao chờ đợi. Em làm mát dịu đi trái tim đang cháy lên vì thèm muốn cuả tôi”, hoặc “và trên những mặt giường mềm mại, em đã thoả mãn điều em mong muốn...” Ba trăm năm trước công lịch, Plato, một trong những ông tổ của triết học, cũng đã viết đối thoại Symposium nhắc đến những huyền thoại về nguồn gốc cuả tình yêu với sự đa dạng của nó, trong đó có tình yêu giữa những người đồng phái. Trong tác phẩm này nhân vật Aristophane cho rằng khởi đầu không phải chỉ có hai phái tính – đàn ông và đàn bà – mà đến ba phái tính. Phái tính thứ ba (androgynos) có cả hai đặc tính nam lẫn nữ. Phái tính nam tạo thành bởi mặt trời, phái tính nữ bởi trái đất, và phái thứ ba từ mặt trăng. Ban đầu, dạng thể con người có hình tròn, gấp đôi hiện tại, với hai cái đầu và có hai đôi tay, hai đôi chân, có thể xoay chuyển, lăn tròn với vận tốc rất nhanh. Kiêu mạn với sự hoàn chỉnh cuả mình, dám tấn công Zeus, loài người bị hình phạt tách đôi nhân thể. Từ đó, loài người phải sử dụng năng lực cuả mình để đi tìm nửa con người kia đã bị mất. Người có phái tính thứ ba, nguyên thuỷ nửa nam nửa nữ, đi tìm sự kết hợp với người khác giới tính. Người nguyên thuỷ toàn nam thì đi tìm cái nửa nam kia để tái hợp, và người toàn nữ sẽ khát khao trở về với bản thể thiên nhiên cuả mình bằng cách kết đôi với một người nữ khác. (Ðiều thú vị ở đây là Plato cho người dị tính luyến ái có nguồn gốc nguyên thuỷ là bán nam bán nữ!).
Nhiều nguồn truy cập rộng rãi cho thấy ÐTLA có mặt nhiều nơi trên thế giới trong mọi thời. Sinh hoạt tình dục công khai và đương nhiên được chấp nhận ở nhiều bộ lạc châu Phi (Kiwai, New Guinea, Papuans, Keraki...), Nam Mỹ (những dân tộc bản xứ miền đông Peru thuần ÐTLA, đến nỗi liên hệ dị tính luyến ái chỉ được xảy ra trong một, hai dịp lễ lượt hàng năm), châu Á (Nhật Bản là nơi ÐTLA có quan hệ tình dục đồng phái công khai nhất trong các nước châu Á trong suốt mấy trăm năm)... Mọi sự đàn áp giam giữ tù đày và ngay cả muốn tiêu diệt người ÐTLA suốt từ thời kinh Cựu Ước đến kinh Tân Ước, (án tử hình cho bất cứ hai người đàn ông nào có quan hệ tình dục với nhau, Gen.38:24, Lev. 20:10, Deut. 22:12, John. 8:5) đến thời Hitler trại tập trung và hơi ngạt, cho đến nay vẫn chưa bao giờ có thể làm thay đổi được bản năng thiên nhiên cuả họ, mà chỉ cho thấy khuôn mặt vô nhân tính cuả những người dị tính luyến ái đầy thành kiến muốn toàn trị thế giới. Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa cuả những thành kiến và hành động đàn áp tiêu diệt người ÐTLA trong quá khứ, khó có câu trả lời nào xác đáng hơn rằng đó là cách thức đàn áp và khủng bố để tạo quyền lực tuyệt đối cho những cá nhân hoặc tập thể thống trị, mà một cách vô tình hoặc có ý thức, đám đông xã hội đã nhận sự nhồi sọ, huấn luyện và khuyến khích để trở thành những công cụ đàn áp qua các thái độ kỳ thị ngấm ngầm hoặc công khai, cưỡng đoạt quyền lợi chung, có khi sử dụng cả bạo lực để gây tội ác.

Thành kiến là một tấm vải đen bịt mắt, người ta không thể hay không muốn nhìn thấy những ưu điểm dù là nổi bật cuả kẻ họ ghét bỏ. Họ không thấy được người ÐTLA đã đóng góp những gì cho dân tộc hay xã hội họ đang sống, hoặc giả có được chỉ cho thấy thì cũng xem đó là một vài hiện tượng cá biệt có tính cách ngẫu nhiên. Trong thực tế, đa số những người ÐTLA rất thông minh, vui tươi, phóng khoáng, cởi mở, nhiều tình cảm. Những người ÐTLA nam thường xinh đẹp, sống động, chăm sóc tươm tất cho ngoại hình mình; trong khi những người ÐTLA nữ thường khoẻ mạnh và có tinh thần độc lập. Sinh hoạt trong mọi lãnh vực, nhưng họ có mặt đông đảo trong số những người kiệt xuất nhất trong lãnh vực văn hoá nghệ thuật. Dân tộc Hy Lạp đã tự hào vì đã là quê hương cuả nhà thơ Sappho và những triết gia như Aristotle, Socrates và Plato. Nước Ý được nhắc đến với hai cái tên lớn nhất trong lịch sử hội hoạ và điêu khắc thế giới là Leonardo Da Vinci và Michelangelo. Văn chương Pháp vinh dự có những ngôi sao sáng như các nhà văn, nhà thơ Marcel Proust, Arthur Rimbaud, Paul Verlaine, Andre Gide. Ðức đã bị thế giới lên án bao nhiêu vì Hitler thì hãnh diện bấy nhiêu vì văn hào Johann Woflgang von Goethe và nhà thơ Rainer Maria Rilke. Như Tây Ban Nha với nhà thơ Federico Garcia Lorca, hoạ sĩ Salvador Dali, Anh với Oscar Wilde, George G. Byron, Mỹ với Walt Whitman, Tennessee Williams và Gertrude Stein, Nga với nhạc sĩ Tchaikovski, và ở Việt Nam không ai không thuộc một vài câu thơ tình Xuân Diệu, v.v... Những tài năng ấy lại chính là những người bị xã hội xem là bất bình thường bởi khuynh hướng yêu người đồng phái. Ðó chỉ là một số tên tuổi tiêu biểu trong một danh sách rất dài cuả những nhân tài thế giới trong đó có cả những nhà lãnh đạo quốc gia và tôn giáo. Những giá trị nghệ thuật và nhân bản tối cần thiết cho sự sinh tồn hoà bình và hạnh phúc cuả nhân loại mà họ đã mang đến thì đã được nhắc nhở ca tụng lui tới trong hàng trăm hàng ngàn cuốn sách. Ðiều miả mai là,như một cách ăn cháo đá bát, những người được thưởng thức, thụ hưởng những công trình đóng góp cuả người ÐTLA cũng có thể là kẻ gay gắt lên án khuynh hướng dục tính lẽ ra là một bản sắc rất riêng tư cuả họ. Dù sao đi nữa, những khả năng ưu việt luôn được chứng tỏ cuả người ÐTLA vẫn có thể xoá bỏ hẳn cái quan niệm hết sức sai lầm về người ÐTLA như những con bệnh yếu đuối trong xã hội.

Từ năm 1969, bắt đầu từ nước Mỹ, người ÐTLA đã khẳng danh cho mình là người vui vẻ (gay), xoá bỏ mặc cảm tội lỗi mà một số nguời dị tính luyến ái cố tình tạo ra cho họ. Vui, và đi ra (coming out), tự do rời khỏi những cái tủ (closet) tối tăm ngạt thở mà người khác đã muốn vĩnh viễn nhốt họ bên trong. Một số quyền cuả người ÐTLA khắp nơi trên thế giới đang dần dà được trả lại một cách miễn cưỡng và chậm chạp. Ðiều này cũng dễ hiểu (tuy khó chấp nhận), có mấy ai đã ăn cướp cái gì cuả người khác mà lại vui vẻ hoàn trả lại ngay đâu? Tháng 5, 2002 này ở tại Ontario, Canada, một học sinh lớp 12 đã có can đảm mang trường học (công giáo) cuả mình ra toà vì trường đã không cho phép em mang người yêu cùng phái đến tham dự dạ tiệc tốt nghiệp, và báo chí toàn tỉnh đều loan tải tin tức này với thái độ bênh vực. Những cuộc đấu tranh chống bất công, đòi tự do, quyền lợi bình đẳng và sự tôn trọng cuả người ÐTLA như thế sẽ vẫn còn tiếp diễn, lâu dài và bền bỉ, mặc dù trong cuộc chiến đấu trường kỳ dai dẳng này họ chưa nếm được trọn vẹn tất cả mùi vị cuả vinh quang và chiến thắng. Trái đất vẫn còn dày bóng tối độc ác và quyền lực xảo cuả những kẻ luôn muốn chà đạp kẻ khác dưạ trên sức mạnh cuả số đông. Những người ÐTLA, cái nhóm nhỏ bằng một phần mười dân số trái đất, vẫn tiếp tục là những con người hiền lành, nhạy cảm, vui tươi, xinh đẹp, thông minh, nhiều khả năng, tiếp tục yêu người đồng phái, thương người khác phái, tiếp tục được sinh ra, hiện hữu, tồn tại, tranh đấu cho sự sống tự do và hạnh phúc cuả mình cùng kẻ khác. Ðạo đức luôn thay đổi từng thời, luôn được cải tiến để càng lúc càng tốt đẹp và phù hợp với nhu cầu cuả mỗi một thành viên trong xã hội. Ðạo đức không phải là soi mói lên án những biểu lộ tình cảm cá nhân, thái độ tính dục riêng tư để lấy đó làm duyên cớ cho sự đối đãi bất công. Ðạo đức sẽ biến thành vô đạo đức nếu nó không đem lại sự tương thân tương kính, tự do, công bằng và an toàn cho tất cả mà chỉ nhằm để phục vụ riêng cho chính tập thể cuả mình.

Tôi đang ngồi trong một căn phòng Bắc Mỹ tương đối rộng rãi thoáng mát để viết những dòng chữ này. Bỗng tự hỏi, nếu mình là một người ÐTLA đang sống ngay tại Việt Nam thì sẽ viết với tâm trạng ra sao? Người ÐTLA ở Việt Nam có lẽ đi ra đường không phải trùm khăn kín mít từ đầu xuống chân như đàn bà ở A Phú Hãn, nhưng cũng đang phải giấu, ít nhất là những cảm giác xôn xao rộn ràng cuả mình khi gặp người yêu, sao cho đừng lộ liễu. Và hàng trăm con mắt khác thì có thể đang còn lom lom rập rình, chờ đợi một cơ hội để biểu diễn một thứ quyền lực xảo? Bệnh quá đi! Bệnh từ thuở khai thiên lập địa tới giờ...