trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
25.6.2007
 
Những lời thú nhận bước đầu của một số phần tử trong nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm
 1   2 
 
Những lời thú nhận của Hoàng Cầm
(Trích)

… Đã sẵn cái nhìn đen tối, vào chế độ, lại sẵn một mớ luận điệu phản động chống lại đường lối chính sách của Đảng, nhất là về mặt văn nghệ, bên cạnh một vài vấn đề thắc mắc thật về đời sống và sáng tác của văn nghệ sĩ, lại có nhiều thắc mắc giả tạo do những luận điệu trên kia đẻ ra, do không chịu học tập chính sách, không chịu tìm hiểu đâu là lẽ phải, lại lấy lòng mình làm chân lý, lấy sách Nho giáo làm chân lý, thì cái việc tự thân tôi hăng hái nhảy vào làm báo Nhân văn là một hành động có ý thức. – Tôi đã chủ động dựa vào tên Đang, tên Phan Khôi, là nhằm phê bình đả kích vào lãnh đạo văn nghệ.

Bàn về tiền ra báo, tôi tán thành tên Tước do Nguyễn Hữu Đang giới thiệu, bỏ tiền ra làm vốn. Tôi đã đi họp hai lần ở nhà tên Tước, lần đầu với Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Tước bàn về thể tài tờ báo. – Tư tưởng tôi lúc đó phản đối mọi đường lối, chính sách của Đảng nên tôi nghĩ: Báo Văn nghệ hay Văn hoá xã hội cũng được, miễn là ra được, nhưng chỗ tôi biết hơn cả là mặt văn nghệ, thì tôi tự nhận phần văn nghệ, còn ngoài ra ai muốn viết về vấn đề gì, tôi cũng tán thành. Một lần nữa, có Nguyễn Bính, Đang, Tước bàn về tên tờ báo và mời Nguyễn Bính làm thư ký toà soạn, thì tôi nghĩ là “tên báo gì gì cũng được” miễn là có báo ra được.

Chỉ có việc Nguyễn Hữu Đang mời tôi làm thư ký toà soạn là tôi không nhận, lý do chỉ vì sợ trách nhiệm, muốn đùn trách nhiệm cho người khác. Tôi đã đùn cho Trần Duy trong một buổi tình cờ gặp Trần Duy ở nhà Minh Đức. Tôi gọi nó lên gác nhà tên Đang, giới thiệu nó với tên Đang. Trần Duy nhận lời ngay.

Thế là tôi đã bỏ hết công tác ở cơ quan Hội Văn nghệ để làm báo Nhân văn. Tôi đã là một tên đào ngũ, bỏ hàng ngũ Cách mạng, đi làm một tay sai lợi hại cho tư bản phản động. Từ một người trong có vẻ hiền lành, “nho nhã”, kéo lê cái xác thịt hưởng lạc, hiếu danh, hiếu sắc, thèm tiền, trong các tiệm trà, tiệm cà phê, tửu quán, đầu óc vẩn đục đen tối bởi những ý nghĩ phản động, tôi đã rất nhanh chóng biến thành một con rắn độc cắn lại Cách mạng.

Và đây là những “sáng kiến” của tôi trong suốt thời kỳ làm báo Nhân văn.

Viết bài “Con người Trần Dần…” Trước khi viết: mục đích của tôi là phân tách ra một khuyết điểm (tôi cho là khuyết điểm của Phòng văn nghệ quân đội), theo cách nhìn của tôi (mà tôi cho là hoàn toàn đúng). Phơi bày cái khuyết điểm ấy ra để bênh vực Trần Dần, đồng thời là bênh vực một kiểu yêu đương, để nhằm đả kích vào Phòng văn nghệ và đồng chí Tố Hữu mà tôi cho là người đã chủ tâm bỏ tù Trần Dần. Khi đặt bút viết thì cái “xót thương, ai oán, lâm ly” tràn ngập vào cái “trái tim” ai oán, lâm ly của tôi, cái “trái tim” lầy lũa, đã không còn mảy may rung động trước bất cứ một cái gì sáng sủa trong lành, không còn rung động vì lý tưởng nào hết, mà chỉ còn gợn lên mùi bùn đen của tình yêu suy đồi, gợn lên những đợt sóng hằn thù ti tiện. Tôi đã tuân theo “cái trái tim” như thế mà để ngòi bút cứ tuôn ra những chất men độc địa. - Đồng thời tôi tuân theo những ý nghĩ chống lại lập trường của Đảng về tình yêu, chống lại đường lối giáo dục của Đảng với cán bộ quân đội, chống lại kỷ luật của tổ chức quân đội. Tuân theo một “trái tim” “khối óc” như thế, nên bài “Con người Trần Dần” khi in ra đã kích động vào tất cả những cái hèn yếu, bẩn thỉu sẵn có ở một số thanh niên nam nữ, gây ra một không khí bi quan, gây ra hoài nghi đối với chế độ, hờn oán quân đội. Bài báo đó lại nguy hiểm ở chỗ nó len lỏi, ngấm sâu vào tình cảm người đọc, như một chất độc êm đềm giết chậm tâm hồn người đọc. Bởi vì trong cách viết, tôi đã dụng tâm xử dụng kỹ thuật mà lâm ly hoá cảnh ngộ Trần Dần, từ một cánh cửa bình thường trong phòng làm việc của quân đội, tôi đã hình dung ra cái cửa nhà tù đen tối, từ một cô K. mà tôi biết là cũng không trong sạch, thuỳ mị, ngây thơ gì đâu, tôi đã tạo thành một cô K. tốt đẹp, một người “vợ lý tưởng”. Hình ảnh cô K. trong bài đó ve vuốt những tâm hồn của cô gái lạc hậu thêm cho họ sức mạnh đòi quyền tồn tại những cái sa đoạ ở giữa chế độ này. – Bài báo này, cộng với một loạt bài thơ tình của tôi và của Lê Đạt, đã mở cửa cho những cái rác bẩn của xã hội cũ ngóc lên: những trai gái đi ve vãn nhau trên Hồ Tây, trong vườn Bách thảo, cao bồi, lưu manh, gái điếm. Bài báo đó là một tiếng gọi của tình yêu bất chính, lời gửi gắm của một tâm hồn đồi truỵ, tiếng kêu lâm li thống thiết của một con đĩ thập thành khăng khăng đòi được làm đĩ mười phương. Có thể nói bài báo đó là một việc phá hoại vào tâm hồn quần chúng, vào đời sống xã hội và đời sống chính trị của nhân dân.

Hơn nữa, viết bài đó, tôi định làm cho cả cụ Hồ, cả Trung ương cũng phải thương xót cảnh ngộ Trần Dần, mà trừng trị người nào đã gây ra cảnh ngộ đó. “Người nào” đây, trong óc tôi, là đồng chí Tố Hữu. - Thật là “vừa đánh trống vừa ăn cướp”. Người đáng trừng trị chính là Trần Dần, và hơn nữa, là tôi. – Tôi đã gây ra một tội ác nghiêm trọng trong lịch sử văn học, dưới chế độ này.

Khi bài đó gặp một sức phản ứng mạnh mẽ của những người tốt, tôi vẫn tự bưng tai bịt mắt bằng những lời khen rải rác của giai cấp tư sản, vì tôi là một công cụ thảm hại nằm trong tay một số tư sản phản động rồi. – Tôi được vuốt ve bằng những lời phỉnh nịnh: “anh dũng” “nghĩa khí”, “dám nói thật, nói thẳng” của chúng ban cho.

Đồng chí Lê Quang Đạo có mời tôi vào giải thích rõ trường hợp Trần Dần, tôi có nhụt đi, có ý muốn cải chính bài báo, tôi về viết bài cải chính, có nói rõ sự giáo dục của Quân đội với Trần Dần, sự săn sóc của đồng chí Nguyễn Chí Thanh và của Phòng văn nghệ, nhưng trong ý nghĩ vẫn không chịu rằng mình đã xuyên tạc bóp méo sự thật, không chịu nhận rằng mình bôi đen chế độ, nên vẫn viết thêm một đoạn cuối nói rằng: việc bỏ tù Trần Dần là quá đáng, đến nỗi Trần Dần phải tự tử, và tôi vẫn viết một câu đại ý: đồng chí Tố Hữu là người phụ trách toàn bộ công tác lãnh đạo văn nghệ, phải chịu trách nhiệm về việc này. Thế là cải chính một nửa, để lại bôi xấu một nửa. – Bài đó (không đăng) chỉ là một hành vi không thành thật.

Tôi viết bài “Vũ Như Tô”, ý nghĩ lúc đầu là muốn đề cao một vở kịch trước cách mạng, cho là vở kịch ấy hay hơn tất cả những vở kịch sau cách mạng. – Ý nghĩ khi viết là định ám chỉ vào Đảng giống như một chế độ phong kiến suy tàn làm chết tài năng nghệ sĩ. – Ý nghĩ khi đưa đăng là: tranh thủ đồng chí Nguyễn Huy Tưởng.

Tôi đi động viên Phùng Cung viết chuyện, và khi Phùng Cung viết “Con ngựa già của chúa Trịnh” đưa tôi xem bản thảo đầu tiên, tôi có góp ý kiến vào việc diễn tả “chỗ con ngựa vào cung vua”, nên tả cho nó đáng ghét hơn. Khi Phùng Cung đưa bản thảo lần thứ hai, tôi chữa văn và thêm nhiều câu diễn tả cảnh đẹp, diễn tả con ngựa ngày càng béo…

Cả hai việc trên này đều xuất phát từ một quan điểm phản động dùng lịch sử của tôi. Mượn chuyện lịch sử, mượn cổ tích, thần thoại để đả kích chế độ. – Đó là một thủ đoạn văn học bất chính đối với cách mạng.

Cả thời kỳ làm báo Nhân văn, tôi viết chỉ có thế, nhưng hành động của tôi là những hành động có ý thức chính trị nguy hiểm.
  • Lôi kéo anh em miền Nam viết bài (Hoàng Tố Nguyên, Yến Lan, Thanh Bình) để thêm vây cánh, để chặn những tiếng nói của anh em miền Nam khác đang công kích vào báo Nhân văn.

  • Tự đi bán báo số 1, lấy abonné (khoảng 25 tờ) cho ban kịch Đông Phương, gửi người bán hộ với mục đích tuyên truyền tư tưởng của tờ báo đó vào đoàn kịch Đông Phương, hòng lôi kéo những anh em Đông Phương để thêm vây cánh.

  • Lấy bài “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” của Lê Đạt - Một đoạn “Tôi đứng mênh mông chỉ thấy mặt ngài Ngô” của Trần Dần và một đoạn thơ của Văn Cao, mục đích để quảng cáo cho tập thơ Cửa biển lúc đó đang in. - Với bài thơ Lê Đạt, tôi còn có ý nghĩ sẽ xếp cạnh bài “Con người Trần Dần” cho tăng thêm phần bi đát. Với đoạn thơ Văn Cao, tự ý tôi chọn đoạn thơ có ý đả kích, và cũng là dựa vào cái tên tuổi Văn Cao cho tờ báo thêm thanh thế.

  • Sáng chế ra mục “ôn cố tri tân” rất sỏ lá thâm hiểm trên mặt báo.

  • Tích cực đi họp bàn, tham gia thường trực tờ báo, luôn luôn xuống nhà in Xuân Thu để chữa morrasse [1] và trông nom in.

  • Viết bài cho Giai phẩm mùa thu, cho Tự do diễn đàn. – Tôi đã viết một bài phê bình đề cao một bài thơ Lê Đạt cũng gửi đăng Tự do diễn đàn là bài “Giếng Anh Ân. Đại ý bài phê bình là đề cao những “tìm tòi”, “sáng tạo” chống lại cái quan liêu, lạc hậu.
Ngoài những cuộc họp báo ở nhà Tước, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thịnh, Trần Duy những cuộc họp chia tiền nhuận bút của Giai phẩm, mà một vài lần tôi chủ động chia, với cái ý thức “đàn anh”, tôi chơi bời thân thiết với Trần Duy, Nguyễn Hữu Đang, thường kéo nhau đi ăn uống, hoặc với Minh Đức thì ngày ngày đến nhà, uống rượu tây, uống trè. Nội dung trò truyện là ăn tục, nói khoác, nói xấu cán bộ văn nghệ, nói xấu Đảng.

Có một lần, trong một cuộc nói chuyên bốc nhau lên. Lê Đạt thì bảo Nguyễn Hữu Đang làm bộ trưởng bộ văn hoá, Nguyễn Hữu Đang thì bảo: Văn Cao làm vụ trưởng nghệ thuật. Phan Vũ thì làm đoàn trưởng kịch, Hoàng Cầm có thể thay Hoài Thanh, thì trong óc tôi càng nổi lên cái tham vọng địa vị chính trị.

Tóm lại, từ khi bắt đầu làm báo Nhân văn, tôi đã đứng hẳn về lập trường tư sản phản động. Ý thức chống lại chế độ đã tỏ rõ trong những bài viết, trong việc đi lôi kéo người này người khác, nhận thường trực, nhận mọi sự phân công của tên Đang về bài vở. Chủ động trong việc chọn đăng sáng tác văn thơ, tán thành và phụ hoạ với các bài khác từ số 1 đến số 5. Tư tưởng tôi trong thời gian đó hoàn toàn là tư tưởng thù địch chống Đảng, chống chế độ, chống chủ trương chính sách của Đảng. – Tôi tán thành và phụ hoạ với những luận điệu chống vô sản chuyên chính, đòi tự do dân chủ tuyệt đối, đòi trăm hoa đua nở bừa bãi. Khi ở Ba lan và Hung – ga – ri xảy ra biến động, tôi cũng nghĩ: “Đây là cách mạng của quần chúng chống lại hệ thống quan liêu”, khi nghe tin quân đội Liên xô giúp nhân dân Hung đánh tan bọn phản cách mạng tôi cũng cho là: “Liên xô can thiệp vào nội trị nước khác, Liên xô vẫn là hệ thống Staline”. Đầu óc tôi vẩn lên và đen tối một mối thù hằn dân tộc.

Tình hình trong nước thì tôi mù mịt không biết gì, tai lúc nào cũng vểnh lên sẵn sàng chờ nghe những tin đồn phản động, nghe một cách chăm chú và khoan khoái. Những tin đồn càng làm cho đầu óc tôi thêm say, và trong ý nghĩ thầm mong có biểu tình để thay đổi Chính phủ hay ít ra Chính phủ cũng phải thay đổi đường lối, thay đổi cán bộ. Tôi soắn lấy Duy, tên Đang nghe chúng nó phỉnh nịnh, bốc lên chửi lại Đảng, nghe tin gì, chuyện gì cũng ở mồm chúng nó, tôi tin chúng nó hơn tin sách, tôi hoà với chúng nó làm một. Khi cùng ăn, khi cùng ngủ, khi cùng làm, chúng nó tôn tôi là “bạn quí”, tôi phục chúng nó là “bạn tốt”. Thế là trong thời gian ba tháng ấy, tôi đã làm tên tay sai ngoan ngoãn của chúng nó, một thứ tay sai thâm hiểm và thảm hại. Chẳng qua là một mùi tanh hôi quyện lấy những mùi tanh hôi khác. Chẳng qua là vì tôi đã điên rồ chống lại Đảng và chế độ này, tự chui vào cái cũi của tư sản phản động, định lợi dụng nó hoá ra nó lợi dụng mình, đúng là kẻ cắp gặp bà già, tôi đi bán mạt cưa, tôi gặp phường bán mướp đắng.

Từ sau số 3 Nhân văn, càng ngày tôi càng thấy tờ báo bị công kích dữ, nhất là sau số 4, Nhân văn bị thi hành kỷ luật, tôi bắt đầu chùn và muốn lảng ra, không phải vì tư tưởng chống Đảng đã giảm đi mà chính là vì sợ, muốn tìm chỗ yên thân, nên tôi lại cố sức đi vận động Trần Duy đóng cửa báo. - Muốn lảng ra không được, tên Trần Đức Thảo lại thuyết phục, tôi vẫn bị hút vào, nhưng vẫn chân trong chân ngoài chỉ chực trốn. - Thời kỳ cuối Nhân văn, cái tính chất “văn dốt, vũ rát” của tôi biểu hiện rất rõ ràng: nghe ý kiến của Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang nêu ra những “trách nhiệm với lịch sử” để tiếp tục ra báo, tôi cũng thấy phải - Về gặp Văn Cao, Trần Dần nêu ra vấn đề “đóng cửa báo, vì tờ báo đang phiêu lưu, dễ bị đánh chết” tôi lại thấy phải.

Cả một thời gian Nhân văn - Giai phẩm từ cái bản chất xấu của tôi nảy ra tư tưởng chống Đảng, chỉ loáng một cái tôi đã đứng sang mặt trận bên kia. Đầu óc thù hằn bịt mắt tôi, bọn thù địch lại bịt cho chặt nữa, tôi thành một anh hăng hái xông lên, mắt không cần trông thấy gì, tai chỉ nghe thù địch phỉnh nịnh, và cả lời tự mình phỉnh nịnh mình, mồm cũng hò hét, cũng lấy khí thế “dũng cảm”, cầm vững bút phá hoại nguy hiểm.

Nói một cách khác, tôi cũng chỉ là “một con ngựa chiến” mà những phần tử phản động trong giai cấp tư sản đã kéo được về để làm con ngựa cho nó cưỡi xông xáo đánh vào chế độ ta. Tư tưởng và cả giai cấp tư sản cũng đem hai cái “lá đa” che hai bên mắt tôi, chỉ cho tôi nhìn một chiều, cứ thế mà xông lên. Tôi đã thành một người “điếc tai nghe Đảng, sáng tai nghe thù”.

Cứ cái kiểu nghĩ như thế, ở mỗi hành động, mỗi lời nói, tôi đều tưởng rằng mình đúng hơn Đảng, mình là người biết chân lý hơn Đảng. - Thật ra là những tư tưởng phản động, những luận điệu, quan điểm phản động đã ngấm sâu vào óc vào tim tôi, nó đã tiêu diệt gần hết những cái tốt lành của tôi trong những năm kháng chiến. - Chỉ một khoảng thời gian ngắn, những cái nọc độc, những cái gì xấu xa hèn kém, hằn thù bẩn thỉu nhất đã xâm nhập nhanh chóng vào người tôi, biến tôi thành kẻ thù chế độ, tay cầm đồng tiền lương của chế độ nuôi ăn nuôi mặc, phần xác ra vào cơ quan của Đảng, phần hồn nằm trong cái cũi của bọn phản động. Đến nỗi ra vào nhà Minh Đức rượu chè, tôi cho là nơi sống tốt đẹp nhất, nó lôi đến hàng ngoại quốc B… ăn bánh uống trà, tôi cho là lịch sự nhất, ký tên vào sách tặng tư bản ngoại quốc lại cho là một cử chỉ văn minh, tên Đang kéo đến ăn cơm nhà tư sản N.S.H., tôi cho là nơi gia đình ấm áp nhất, giao thiệp lại quanh quẩn ở mấy gia đình tư sản như nhà P. nhà Đ.T. hàng sắt, đến để thưởng thức ấm trà ngon, bữa cơm ngon, nghe họ phỉnh phờ, mồm tôi lại tuôn ra những lời chê bai Chính phủ. – Trong bữa tiệc mừng tái bản Giai phẩm mùa xuân, tại cao lâu Mỹ kinh có đủ mặt nhóm Giai phẩm mùa xuân, với mấy tên Đang, Duy, Phan Khôi, Minh Đức, tôi sung sướng cảm thấy đây mới là những người “chân chính Cách mạng”! Hôm đó tên Đang có nói chuyện định vẽ rồng chầu cái sắc luật báo chí, giữa có ngôi sao vàng, tôi cũng cao hứng nói: - Không, ngôi sao này là của chúng ta! “Chúng ta” là cái nhóm người ngồi cùng bàn tiệc ấy! những người “chân chính cách mạng ấy!” Lập trường tư sản phản động của tôi đã vững chắc đến nỗi, một lần vào khoảng đang in số 5 Nhân văn, bên hành lang gác nhà in Xuân Thu, tên Đang nói với tôi định lập một “nhóm chính trị xin với cụ Tôn Đức Thắng cho gia nhập Mặt trận tổ quốc” tôi tán thành. Cách đó ít lâu, nó lại nói với tôi, lần này đã lên đến cái mức “làm một Đảng của quần chúng”. Trong ý nghĩ tôi sau đó là cũng thích có một cái “Đảng của quần chúng!”

Nhưng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân nổi lên đấu tranh chống Nhân văn, và Chính phủ đã cấm báo Nhân văn, chứ nếu để một thời gian nữa, thì tôi còn đi quá xa vào con đường phản quốc, phản dân, phản Đảng.

Nhìn lại hơn ba tháng làm báo Nhân văn, rõ ràng tôi đã nằm trong cái tập đoàn chính trị phản động do Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Duy cầm đầu, mà tôi đã là một người hoạt động tích cực lúc đầu, tuy về sau vai trò có yếu đi vì hoang mang lo sợ, nhưng ý thức phản động của tôi thì vẫn thế.


Những lời thú nhận của Lê Đạt
(Trích)

… Sau thời gian lớp học 18 ngày Nguyễn Hữu Đang cùng với Hoàng Cầm ra báo. Hoàng Cầm đặt vấn đề với nhóm Giai phẩm mùa xuân.

Văn Cao, Trần Dần, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm và tôi bàn ở tiệm trà Phúc châu.

Đa số đồng ý là không tham gia biên tập vì cho Nguyễn Hữu Đang không phải là người văn nghệ, có thể nhiều động cơ cá nhân không tốt, hai là tập họp anh em đông quá trong số đó có nhiều phần tử chạy theo cơ hội không nắm chặt được sợ manh động (viết lách ẩu, quá khích bị lãnh đạo đánh).

Về mục tiêu đấu tranh của Nhân văn lật đổ bộ phận lãnh đạo mà tôi cho là bè phái (đồng chí Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi) một mặt nữa đấu tranh với Trung ương về tự do dân chủ, tôi tán thành nhưng vẫn muốn đấu tranh bằng hình thức văn nghệ. Lúc đó tôi có khuyên Hoàng Cầm nên đẩy mạnh mặt văn nghệ của tờ báo còn phần đấu tranh cho tự do dân chủ thì làm một phần nhẹ thôi.

Tôi viết bài “Chống bè phái trong văn nghệ” phần I tiếp tục tấn công vào đồng chí Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi nhưng giấu tên vì sợ kỷ luật của chi bộ, hơn nữa trong công tác còn nhiều quan hệ với các đồng chí đó không muốn đánh ra mặt ngại phiền đến công tác của mình.

Xét cho cùng lúc đầu tôi với Nguyễn Hữu Đang chỉ khác nhau về chiến thuật. Tuy không tham gia biên tập nhưng khi in số 1 thỉnh thoảng tôi cũng có đến. Nghe bài Phan Vũ tôi kích: “Vào tay tao viết thì phải biết”.

Sau số 1 tôi tham gia vào ban biên tập một mặt vì bị Hoàng Cầm và Nguyễn Hữu Đang kích nhưng chính là vì tôi thấy Nhân văn có “quần chúng”, mình vào sẽ được tiếng là người cầm đầu của một phong trào đấu tranh, có uy tín với anh em và quần chúng sau này. Lại một lần nữa tôi tính chuyện kiếm chác danh vọng của tôi trên những sai lầm của Đảng.

Tôi tham gia Nhân văn với ý thức là người lãnh đạo lý luận của tờ báo đó vì tôi cho là tôi vững vàng hơn Nguyễn Hữu Đang. Ban biên tập lúc đó gồm bốn người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và tôi.

Tư tưởng chống đối của tôi càng lên. Tôi chọn bài “Ngọc bích họ Hoà” động cơ là minh oan với quần chúng, đổ cho Trung ương là bảo thủ ngoan cố. Tôi đi vận động Thanh Bình, Hoàng Tố Nguyên viết bài trả lời Lê Tấn Biên, vận động Nguyễn Thành Long và Yến Lan để cho tờ báo có tính chất một phong trào đấu tranh rộng rãi bao gồm cả văn nghệ sĩ Bắc - Nam.

Tôi chữa bài của Bùi Quang Đoài “lấy chuyện Picasso không vẽ đa đa” để riễu đồng chí Hoàng Xuân Nhị là dốt.

Sau cuộc toạ đàm với Trung ương, tôi viết bài “Hoan nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng” để gây thanh thế cho báo Nhân văn. Một mắt khác tôi luôn luôn đả kích chuyên chính vô sản mà tôi cho là độc tài. Tôi tung ra trong anh em lập luận: “Từ khi về hoà bình mất đối tượng đế quốc và địa chủ, Đảng chĩa nhầm mũi dùi chuyên chính vào nhân dân.”

Sự phản ứng của quần chúng tôi cho là lãnh đạo bố trí.

Tin Ngô Đình Diệm triển lãm báo Nhân văn, tôi cũng cho là tin bịa.

Lúc này tôi vẫn còn ở trong Đảng, nhưng tư tưởng chống đối trong tôi đã phát triển mạnh.

Tôi còn tán thành và đi nói với anh em quan điểm của Nguyễn Hữu Đang. Bản thân tôi cũng từng nói “Đảng trị” cho nên trong cuộc họp số 4 Trần Đức Thảo, Trần Duy đưa ra chủ trương đề cập đến những vấn đề chính trị mạnh hơn nữa tôi cũng đồng ý.

Tôi đồng ý với Nguyễn Hữu Đang đề cập đến vấn đề Hiến pháp để làm áp lực chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp sắp đem bàn ở Quốc hội. Tôi góp ý kiến với Trần Duy trong bài “Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ” sửa chữa nhiều đoạn:

“Đấu tranh cho tự do dân chủ là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ vì nó là một cuộc tấn công quyết liệt vào những tệ lậu hủ bại của xã hội. Nó sẽ bị những phần tử tệ lậu và hủ bại hiện đương còn quyền hành và thế lực cản trở xuyên tạc phá hoại có khi bằng cả những phương pháp đen tối độc ác (chỗ này tôi ám chỉ các đồng chí lãnh tụ) đấu tranh cho tự do dân chủ không bao giờ chỉ là một công việc thuần tuý có tính chất quần chúng rộng rãi”.

Tôi chữa bài “Phản đối đế quốc Mỹ đem quân đội xâm nhập miền Nam” hay bài “Góp ý kiến về phần tự do dân chủ trong nghị quyết Trung ương lần thứ 10”.

Nhưng trong lúc tình hình thiếu dân chủ là một tình hình phổ biến, chưa nói đến mở rộng dân chủ mà vội quá nhấn mạnh vào vấn đề chuyên chính là một điều không nên vì nó có thể gây những hiểu lầm tai hại trong quần chúng và mở cho những tệ quan liêu bảo thủ phát triển ảnh hưởng không tốt đến công tác sửa sai của Đảng và Chính phủ.” v.v…

Để tấn công quan điểm vô sản chuyên chính của Đảng, tôi vận động Thanh Châu viết bài “Mậu dịch” và còn dự định vận động Thanh Châu viết về vấn đề nhà cửa. Tôi góp ý kiến vẽ tranh một người đẽo chân cho vừa giầy mậu dịch.

Động cơ tôi lúc đó là:
  • Không thích mậu dịch, cho là có tự do cạnh tranh hàng mới tốt và rẻ mua bán đỡ phiền.

  • Mậu dịch là chỗ yếu của Đảng ai cũng biết, đánh vào đấy sẽ được quần chúng ủng hộ đấu tranh với Đảng, và báo chí dù có muốn tấn công lại cũng chịu.

  • Tôi lại đặt ra lý luận:
“Đây là một phương pháp mới, phương pháp dựa vào quần chúng phương pháp đấu tranh công khai với Đảng, và tôi đem lý luận này tuyên truyền trong anh em.

Tôi lại viết “lời toà soạn” cho chuyện “Con ngựa già” của Phùng Cung đả kích và vu khống lãnh đạo văn nghệ không chú ý đến các nhà văn trẻ.

Trên thế giới lúc đó xẩy ra hai sự kiện: Vụ Poznan và vụ Hung-ga-ri. Lúc đó tôi rất bất mãn với nhận định của Đảng về vấn đề Hung–ga–ri mà tôi cho là “đổ tất cả cho địch” đồng thời đề ra khẩu hiệu tăng cường chuyên chính. Tôi viết bài “Bài học Ba lan, Hung–ga-ri” để làm áp lực đấu tranh với quan điểm đó.

Đôi lúc tôi có nghĩ “Giá có biểu tình để Trung ương thay đổi đường lối thì tốt”. Nhưng lại lo không muốn biểu tình xảy ra vì nếu có “một là tôi sẽ bị bắt vào Hoả lò, hai là trong lúc hỗn quân hỗn quan sẽ bị treo cổ”.

Quan điểm của Trần Dần trong bài “Phải để cho trăm hoa đua nở” cũng là quan điểm của tôi và Trần Dần thường bàn chủ trương “Đảng không thể quyết định, quần chúng mới là trọng tài tối cao.”

Đến số 6, Đang mượn được một số France Observateur, bàn nên ra một số đặc biệt về Ba lan. Tôi rất tán thành cho rằng Đảng ta hay bưng bít tài liệu bây giờ đấu tranh bằng cách trình bày những tài liệu nước ngoài tác dụng rất tốt mà Đảng có muốn phê bình cũng không làm gì được. Đây cũng là một chiến thuật tốt để tấn công Đảng.

Bài vở số này do Đang và Trần Duy sắp xếp. Về bài xã luận của Nguyễn Hữu Đang tôi cũng xem cũng như những bài xã luận mấy số 4, 5 trước khi Nguyễn Hữu Đang đưa in. Đọc đến chỗ “nhân dân có quyền biểu tình”, tôi hỏi?

Nguyễn Hữu Đang trả lời “Báo Nhân dân đã khoẻ chửi, đánh cho một đòn như thế là chịu”.

Lúc đó tất cả tâm trí tôi chỉ lo đối phó với các báo của Đảng, nên đồng tình. Trong lúc đương in số 6, thì phong trào phản đối lên mạnh. Tôi muốn đóng cửa. Nhưng trong cuộc họp chủ trương tiếp tục, Trần Đức Thảo và Trường Xuân, Phan Khôi thắng thế. Nhưng kết quả báo cũng bị đóng cửa. Tôi ngại Chi bộ thi hành kỷ luật và cũng hoang mang ngại sự phẫn nộ của quần chúng không biết làm thế nào nên lánh mặt và không gặp anh em nữa.

Nhân văn bị đóng cửa nhưng tư tưởng Nhân văn, tư tưởng chống đối vẫn chưa hết. Sau một thời gian các báo ngớt đánh, tình hình trở lại bình thường. Chúng tôi lại vẫn gặp nhau đả kích Đảng cho là độc đoán. Tôi vu khống Đảng với anh em “Đảng mà đã phải khủng bố tư tưởng như thế là dấu hiệu của một sự décadence” [2] . Thời kỳ này sắp họp Đại hội Văn nghệ.

Nhóm Giai phẩm lại hoạt động lại năng đi lại tiệm trà Phúc Châu, Phúc Long bàn chuyện chống đối. Lúc này nhóm tập họp quanh Văn Cao vì cho là Văn Cao thận trọng, chủ trương đúng (như chủ trương đóng cửa Nhân văn từ số 4) và có uy tín với lãnh đạo. Sự chống đối rút lui vào lĩnh vực văn nghệ, chúng tôi bàn đến Hội nghị sẽ phản đối bằng im lặng. Nhưng đến nơi Phùng Quán đòi nói.

Tôi sợ Phùng Quán hớ hênh bị lãnh đạo đánh nên lấy về chữa và cũng để Phùng Quán nói (Gần toàn bài tham luận là ý kiến của Phùng Quán tôi chỉ thêm đoạn nhấn mạnh vào tính chất trẻ hay nói thẳng và đoạn minh oan kết luận). Tôi nghĩ Phùng Quán lên phát biểu để lãnh đạo hiểu rằng “anh em chưa hàng đâu”. Phùng Quán mới chỉ là bom cỡ nhỏ thôi. Sau Đại hội văn nghệ chiếu hướng xem chừng mở rộng. Nhóm Giai phẩm mùa xuân lại họp bàn là nên đưa Hoàng Cầm vào Ban chấp hành vì Hoàng Cầm là văn nghệ sĩ lâu năm, lãnh đạo có thể chấp nhận được. Sau đó một hôm tôi thấy Văn Cao và Hoàng Cầm có triển vọng vào Ban chấp hành.

Sau đó Hoàng Cầm được bầu và phân công vào trong Ban Giám đốc nhà xuất bản, Trần Dần và ban nghiên cứu sáng tác và tôi vào ban văn học nước ngoài. Tôi và Trần Dần nhất định với nhau: “Lực lượng anh em khá” (hiểu theo nghĩa chống đối khá) và bàn nhau “phải nâng tinh thần chống đối của anh em lên, không anh em dễ cầu an”. Phương pháp tôi thường dùng là nói khích anh em “chạy theo lãnh đạo”.

Ban chấp hành Hội Nhà văn lúc đầu có một số người chúng tôi không thích nên phản đối mạnh. Nhưng sau thấy Đảng đoàn tỏ ra dễ dãi, lại đổi sang hoan nghênh.

Lúc đó tôi luôn luôn kích, như sau khi Hoàng Cầm vào chấp hành tôi kích (cả Văn Cao tôi cũng kích như thế): “Ông anh làm nên rồi, đừng quên anh em”. Hay Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khắc Dực: “Vừa làm vừa run”. Một mặt khác lại bàn ra báo để tiếp tục chống đối bằng văn nghệ.

Văn Cao không bằng lòng, nói anh em chưa phục hồi sau trận Nhân văn, phải làm anh em hồi phục và sáng tác. Khi có sáng tác sẽ lấy tiền Lưu Hữu Đức mở xuất bản “Auteur Réunis”. Bây giờ nên nắm lấy cơ sở anh em đẩy mạnh sáng tác. Lý luận đó được Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Dực tán thành. Lúc đó nhóm kịch hoạt động mạnh. Tôi thỉnh thoảng mới đến, thường thường là họp ở nhà Hoàng Tích Linh. Về kịch tôi không sở trường, nhưng đến lần nào cũng tuyên truyền lý luận kịch có tư tưởng, kịch phát hiện những vấn đề xã hội rồi kích, rồi kéo anh em, ví dụ tôi nói với Phan Vũ: “Trong anh em mình là người mong cậu sống lâu nhất vì bây giờ kịch cậu mới là kiếm thế đứng, chưa có tư tưởng và triết học mấy”, hay với Hoàng Tích Linh: “Khuyết điểm của cậu không phải ở kỹ thuật mà ở thái độ, nghĩa là sợ”. Người nào tốt đi với lãnh đạo là mỉa mai vu cho “đồ bợ đỡ, đồ nịnh hót” để đả kích khống chế. Thời gian này tôi viết bài “Cửa hàng Lê Đạt” nói to lên sự không chịu đầu hàng và chống đối của tôi.

Mũi nhọn của nó hằn học chĩa vào cái mà tôi gọi là “bộ phận lạc hậu” hệ thống quan liêu trong Đảng.

Lúc đó tôi rất chán Đảng cụ thể và chỉ còn tin ở một Đảng trừu tượng.

Tôi chủ quan cho là in ra sẽ gây một dư luận sôi nổi và mình đúng là lá cờ đầu trong văn nghệ mới. Bài “Cửa hàng Lê Đạt” là một bài thơ chính trị chống đối. Đang hứa in “Cửa hàng Lê Đạt” cho tôi và hứa sẽ in thật đẹp. Tôi dục: “In mau lên không lãnh đạo biết lại đòi xem đòi sửa lôi thôi”. Tôi muốn đặt lãnh đạo trước một sự đã rồi. Tôi cho là lúc đó lãnh đạo đã tách rời quần chúng, thơ tôi in ra sẽ được quần chúng ủng hộ. Nhưng sau không in được vì anh em công nhân phản đối. Đang thông qua Minh Đức lại mời Trần Dần viết Tiếu lâm và tôi viết Trạng Quỳnh, Trạng Lợn nhưng tôi lười không viết.

Một mặt khác Minh Đức tập họp Lê Đại Thanh, Trần Lê Văn, Thanh Châu, Quang Dũng, Mai Hạnh viết cổ tích.

Âm mưu của Đang sau này là biến thành nhà xuất bản Minh Đức thành nhà in đối lập với Hội Nhà văn và tập họp nhóm Nhân văn quanh nhà Minh Đức. Cũng giai đoạn này nổi bật vai trò Thuỵ An. Nhà Thuỵ An, Phan Tại như một câu lạc bộ.

Về Hà nội tôi rất ghê tởm Thuỵ An. Nhưng sau khi bài thơ “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” Thuỵ An tìm gặp tôi rất niềm nở và mời đến nhà bảo có nhiều sách mới.

Một thời gian dài tôi không đến. Nhưng từ sau khi “Cửa hàng Lê Đạt”, tôi bị khai trừ khỏi Đảng, tôi bắt đầu lui tới đó.

Thuỵ An bảo tôi: “Kể tôi cũng phục ông thật, Đảng mài người như thế mà ông vẫn giữ được caractère [3] của mình”. Rồi Thuỵ An khen thơ tôi nói nữ sinh, công nhân rất thích. Thuỵ An luôn luôn mời đến đọc thơ và khen nức nở. Thuỵ An bảo: “Thơ này dịch ra ngoài thì kém gì thơ thế giới”. Tôi lại càng oán lãnh đạo hẹp hòi, dìm mình, càng thích Thuỵ An. Tôi đi tuyên truyền cho Thuỵ An là tốt là một cây bút phụ nữ xuất sắc ở miền Bắc tôi thường nói “đàn bà dễ có mấy tay”. Thuỵ An đưa vợ tôi đi may áo, đi mua vải, may áo cho con tôi và đi lấy cả một chiếc giường cũi cho con tôi. Thuỵ An nghiễm nhiên trở thành thân thuộc với cả gia đình tôi. Mỗi lần tôi gặp Thuỵ An sau khi nói chuyện về tư sản, tiểu thương bất mãn, chuẩn bị đi Nam, các tin BBC. [4] về hiệp thương, lại kể chuyện Tassigny, chuyện các phóng viên chiến tranh, các tiểu thuyết tư sản, và sau hết đả kích vào sự lãnh đạo của Đảng cho là hạn chế sự phát triển của tài năng. Mỗi lần ở nhà Thuỵ An ra là mỗi lần tôi thấy mình tài giỏi thêm, oán Đảng thêm và chán nản thêm. Có lúc Thuỵ An lại hỏi dò về từng người các đồng chí Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, v.v… Lòng tin tưởng vào Đảng của tôi mất dần cho đến khi Thuỵ An nói đến “những con người không đất đứng” tôi cũng tự hỏi “đất đứng của mình ở đâu”.

Nhận định của tôi đảo ngược hết cả. Tôi luôn luôn đem tin BBC. về cơ quan, làm cái loa cho mọi luận điệu tư sản phản động như về vấn đề thuế, tôi nói “lãng phí nhiều quá chỉ gõ vào đầu dân”. Tin sửa sai thành công không tin, nhưng tin chuyện “miền Nam biểu tình nhiều quá nên ngoài này ta hoãn việc biên chế”. Lúc đó nghĩ đến việc bị khai trừ khỏi Đảng tôi cho là tốt càng đỡ bị gò bó, càng tự do.

Tôi đọc Nam hoa kinh Bible [5] . Tôi ao ước được bỏ Tổ quốc đi Pháp.

Về tài liệu của ban văn học nước ngoài tôi cắt phần đầu tài liệu Ehrenbourg nói về hiện thực xã hội chủ nghĩa đánh bọn văn sĩ tư sản, tôi giữ lại phần đả phá quan liêu và phương pháp hành chính trong văn học nhằm đả kích sự lãnh đạo văn học của ta. Tôi viết tựa Mai-a cũng để đả kích những cái xu nịnh mà tôi cho là đang lan tràn trong chế độ.

Về sinh hoạt tôi không mấy khi họp công đoàn, không tham gia những buổi công tác lao động do công đoàn tổ chức, đến cơ quan thất thường, nói năng bô bô trong giờ làm việc, gây một không khí tự do chủ nghĩa nặng nề trong cơ quan (nhất là bộ phận đối ngoại về sáng tác).

Tôi hay nhắc lại câu nói của Nguyễn Sáng mà tôi rất tán thành:

Lạc quan cũng sai - bi quan cũng sai – chỉ hoang mang là đúng

hay luận điệu:

Ăn như tư sản - sống như Lão, Trang - viết như vô sản.

Nhưng nói viết như vô sản cũng chỉ để lừa dối mình mà thôi, tập thơ Trên ghế đá đã nói rõ sự đồi truỵ của tâm hồn tôi đến thế nào.

Tư tưởng chủ đạo của tập thơ này như thế nào:
  • phản đối chính trị, thoát ly trốn vào tình yêu vào phong cảnh (kỳ thực là phục vụ chính trị của giai cấp tư sản phản động). Bài “Khúc hát người làm thơ và Người thuỷ thủ”, bài “Những cánh buồm mùa thu” v.v…

  • mệt mỏi hưởng lạc đòi tự do cá nhân tuyệt đối (“Chửa hoang”, “Mỏi mệt”).

  • nhìn chế độ bằng con mắt bi quan, xuyên tạc bôi đen (“Gia đình”, “Lại gặp”) cho chế độ vùi rập con người (“Con búp bê”, “Tình người”, “Biển và người”) hay lập lờ xỏ xiên [6] dùng phương pháp biểu tượng hai mặt (symbole équivoque).
Một mặt khác tôi làm thơ tình vì lúc bấy giờ có phong trào thơ tình mình làm sẽ càng nổi tiếng, và mình sẽ dẫn dầu trong phong trào thơ tình.

“Anh thợ cầu già chưa vợ” hay “Con ma mèo” đăng trong báo Thiếu nhi cũng có ý ám chỉ đả kích ta “cảnh giác quá trớn”.

… Xuất thân từ giai cấp tư sản bóc lột, vào Đảng với động cơ địa vị, coi thường quần chúng lao động, không chịu kiên quyết tiêu huỷ tư tưởng giai cấp cũ của mình, nên óc cơ hội kiếm chác của tôi càng ngày càng phát triển, nhất là từ sau hoà bình sống giữa vòng vây của giai cấp tư sản.

Lấy vợ cũng cơ hội, kiếm chác “lập trường” trên đời một người cốt cán rồi đến lúc về Hà nội lại hiện nguyên hình giai cấp bóc lột khinh công nông ruồng rẫy vợ, cho vợ không xứng đáng với mình.

Đồng chí Tố Hữu đối với tôi rất tốt luôn luôn nâng đỡ tôi, nhưng tư tưởng “háo hức kiếm danh” đã khiến tôi nhìn đồng chí như một bức tường cản bước tiến của mình, tôi quên hết cả những điều tốt của đồng chí Tố Hữu, hằn học đả kích hòng dìm đồng chí xuống để nâng mình lên.

Đảng đối với tôi có rất nhiều ân huệ, kéo tôi ra khỏi bàn tay phản động của bọn Quốc dân đảng, cho tôi công tác gần các đồng chí lãnh tụ, và tôi đi thực tế để cải tạo, nâng đỡ những sáng tác của tôi, đến khi va chạm vào quyền lợi cá nhân, tôi trở mặt tấn công vào Đảng nhảy sang trận điạ của giai cấp tư sản phản động và làm người phát ngôn sau chúng.

Lý luận “nhà văn không cần đời sống riêng” chỉ là cái lá chắn cho những tư tưởng truỵ lạc của giai cấp tư sản đồi bại phát triển. Khẩu hiệu “mới” “phá công thức” của tôi cũng là một sự nổi loạn của chủ nghĩa cá nhân tự do tư sản tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng mà nó thấy kìm hãm nó trong sinh hoạt cũng như trong sáng tác.

“Con người” chung chung mà tôi bảo vệ là “con người tư sản lạc hậu”, tiếng nói của tôi đã trở thành tiếng nói của nó.

Con mắt nhìn cải cách ruộng đất cũng là con mắt giai cấp tôi đã quen nhìn thấy những tội ác dã man của giai cấp địa chủ chỉ còn nhìn thấy một số sai lầm lệch lạc của cán bộ, từ đó phủ nhận thắng lợi căn bản của ta.

Từ một số hiện tượng cá biệt tôi phủ nhận bản chất của Đảng, cho Đảng là phong kiến là “dressage” là mài rũa con người không biết rằng sự mài rũa đó, sự “dressage” đó là mài rũa là uốn nắn khống chế cái phần phản động, phần thú tính trong tôi.

Chống sự gò bó đó tôi đã mở cửa cho những phần phản động, phần thú tính trong tôi chồm dậy. Tôi đổ cho Đảng hạ thấp con người, nhưng chính tôi hạ thấp tôi xuống, tôi chống sự lãnh đạo của Đảng mà tôi cho “nô lệ hoá” con người, để tôi thực sự trở thành nô lệ cho tư tưởng của giai cấp tư sản lạc hậu. Dưới nhãn hiệu chống “bè phái lãnh đạo” tôi đã tập họp thành một nhóm một bè phái thực sự chống Đảng. Tôi nêu những chiêu bài trống rỗng để lừa bịp quần chúng tấn công vào Đảng.

Trước khi tham gia Nhân văn tư tưởng tôi đã có nhiều quan điểm phản động về chính trị.

Tôi đã xuyên tạc chuyện mấy người tự tử vì tệ tục ép duyên của cha mẹ, để tấn công chế độ.

“Chiếc bục công an” trong bài những người tự tử là một mũi nhọn bắn vào Đảng, hằn học đả kích sự lãnh đạo của Đảng đòi tự do tuyệt đối. Nó cũng họ hàng với luận điệu “cộng sản không tim không óc” của bọn chống cộng. Cho nên những phần tử cao bồi, lưu manh dùng nó để chửi ta cũng không phải là ngẫu nhiên, chính là vì bản chất phản động của nó.

Giữa tôi và Nguyễn Hữu Đang lúc đầu không phải là khác nhau về lập trường chống đối mà chính chỉ khác nhau về phương pháp mà thôi.

Cũng vì đã mang nặng những tư tưởng phản động về chính trị nên tôi đã trở thành một phần tử tích cực trong Nhân văn, một tay sai đắc lực của bọn phản động và của giai cấp tư sản phản động, trở thành “lương tâm” thối nát của thời đại” đầu cơ những sai lầm của Đảng để kiếm chác tên tuổi cho mình, quyền lợi cho mình.

Tờ Nhân văn thực chất là một tờ báo “chống cộng”, phản cách mạng.


Những lời thú nhận của Phùng Quán
(trích)

Giai phẩm mùa xuân được nhà xuất bản Minh Đức tái bản. Đó là một hành động khiêu khích, chống lại chế độ rất trắng trợn. Việc làm này đã đem lại một món lời cho tên tư sản Minh Đức: Hắn tổ chức chiếu bóng ở rạp M. chiêu đãi văn nghệ sĩ, phim này do tên chủ rạp ủng hộ. Trong buổi chiếu phim đó, tên Minh Đức đã lên sân khấu, bằng những lời lẽ đểu cáng, xảo trá, nói rõ mục đích và lý do buổi chiếu phim. Trong buổi chiếu phim đó, hắn tổ chức bán sách Giai phẩm. Nhóm Giam phẩm, trong đó có tôi không biết lấy thế làm nhục, mà trái lại rất vui thích, mặt mày hớn hở, tự kiêu tự đắc.

Sau buổi chiếu phim tên Minh Đức lại vận động tên tư sản chủ hiệu bánh B. chiêu đãi bánh ngọt nước trà. Trong bữa tiệc này đủ mặt Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh và đủ mặt các thứ văn nghệ sĩ chống Đảng, bôi đen chế độ. Ăn, uống, cười, nói, ba hoa, khoác lác, coi như là trên đời này mình là những vị “anh hùng xuất chúng” (!) Phan Khôi đọc thơ, Hoàng Cầm ngâm nga những bài thơ đồi truỵ, khốn nạn của mình đăng trong Giai phẩm mùa thu? Lê Đạt cười khằng khặc khen là thơ tư tưởng của Hoàng Cầm hay lắm. Còn tôi, được coi như là một kẻ trong nhóm tiên phong, đã đi trước trong Giai phẩm mùa xuân. Tôi hãnh diện lắm và lấy làm tiếc, tại sao trong Giai phẩm mùa xuân mình lại không làm được một bài thơ u ám, đen tối như bài Nhất định thắng”. Bài thơ “Cái chổi” của tôi chưa được oai lắm. Và tự cảm thấy mình kém phần giá trị. Ăn uống xong lúc ra về anh em lại tặng cho chủ hiệu hai cuốn Giai phẩm có đủ chữ ký của các tác giả bắt tay hắn thân mật, bạn bè, tỏ lời cảm ơn bữa bánh ngọt mà hắn đã chiêu đãi.

Đấy, tâm hồn như thế đấy, con người như thế đấy mà lúc nào tôi cũng tự cho mình là một người cộng sản nhất, vô sản địa cầu ta nhất, người đồng chí của Mai-a. Trong lúc đó tôi lại chửi rủa những người khác, những người đang lăn lộn hàng giờ, hàng ngày đấu tranh với giai cấp tư sản, đang thức thâu đêm suốt sáng lo nghĩ để phục hồi và dựng xây đất nước, đang nhịn ăn, nhịn mặc, cặm cụi, vui lòng chịu đựng đủ mọi thiếu thốn làm việc cho Tổ quốc. Bữa tiệc trà này đủ ghi lên trán tôi một vệt đen xấu hổ mà tôi không còn có cách gì để gột rửa được. Tôi không còn là bạn của người nghèo nữa, tôi đã trở thành bạn bè của bọn tư sản, không phải chỉ trong nước mà là cả tư sản của ngoại quốc.

Đây là ý nghĩa văn thơ của nhóm Giai phẩm chúng tôi.

Khi báo Nhân văn ra đời, tôi không “được” ở trong nhóm tích cực của tờ báo này, nhưng trước khi ra báo tôi đã có lần nghe Tử Phác, Hoàng Cầm nói chuyện về tờ báo sắp ra. Và họ hứa là sẽ giới thiệu cho mỗi người một trang thơ. “Phùng Quán” chuẩn bị thơ mà đăng.

Khi Nhân văn sắp ra, tôi có tên trong tờ quảng cáo.

Nhân văn số 1 ra mắt. Tôi được báo tin và tức tốc phóng xe đạp đến ngay nhà Minh Đức để xem, và trong bụng nghĩ: “Đó là công việc của mình, của nhóm mình. Và tôi rất được mong là một nhân vật quan trọng của toà báo”. Nhưng những tên cầm đầu báo Nhân văn tỏ ý chẳng cần thiết đến tôi, như Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy. Tôi lấy đó làm buồn và khổ tâm lắm: “Một vấn đề quan trọng như thế mà tôi chỉ được ở ngoài rìa thôi.”

Tôi đọc báo Nhân văn số 1 và nhận thấy bài Hoàng Huế phê bình cuốn Câu chuyện tuyệt giao của Liên xô có nhiều điểm xuyên tạc sai lầm. Thực ra lúc phát hiện vấn đề không phải là tôi yêu mến gì cuốn sách ấy đâu, mà chính là tôi muốn tỏ cho Trần Duy và Nguyễn Hữu Đang biết “Tôi tuy trẻ nhưng không phải kém đâu”. Trần Duy nghe ý kiến tôi xong thì rất lo lắng và đề nghị tôi viết một bài cải chính. Hắn động viên tôi: “Phùng Quán hăng hái như một Triệu Tử Long.” Tôi lấy làm phấn chấn vì lời động viên đó lắm.

Tôi giúp công việc xếp báo, đem báo về Phòng văn nghệ để phát cho văn công và một số anh em khác. Tuyên truyền cho báo Nhân văn, và sẵn sàng đả kích tất cả đơn vị để bảo vệ cho báo Nhân văn. Tôi đã tự công nhận báo Nhân văn như là tờ báo mang lý tưởng của tôi, tôi sẽ bảo vệ nó đến cùng.

Không mấy chốc, tôi đã biến thành một công cụ trung thành của bọn phản cách mạng.

Những cuộc tranh luận sôi nổi đã nổ ra ở Phòng văn nghệ. Phần nhiều một bên là anh em, một bên là tôi. Sau đó tôi lôi kéo được mấy người nữa cùng ủng hộ tôi, ủng hộ lập trường của báo Nhân văn.

Trong thời kỳ Nhân văn này tôi lại quen thêm một số nhân vật như Trần Đức Thảo. Trần Đức Thảo đã tỏ ý yêu mến, chăm sóc tôi, y truyền bá cho tôi một số lý luận phản cách mạng mà tôi cho là mới mẻ, hay lắm. Tôi đi truyền lại những lý luận ấy cho những anh em mà tôi quen biết. Những lý luận ấy hắn đã viết ở báo Nhân văn. Hắn lại còn bịa đặt ra nhiều tin tức rất kỳ lạ: Như Hồ chủ tịch bị giữ lại để kiểm thảo, Liên xô sắp có sự thay đổi lớn v.v… Những tin tức đó hắn nói ra là tôi tin ngay, và làm một cái loa phóng thanh, đi truyền bá cho những người khác. Truyền bá một cách say sưa, đầy nhiệt tình và chắc chắn y như chính mắt tôi đã trông thấy điều này.

Mỗi ngày tôi càng lội sâu vào vũng bùn nhơ phản cách mạng. Và tôi đã lội một cách kiên quyết, không một chút băn khoăn, không một chút ngập ngừng, vì tôi cho đó là một hành động cách mạng nhất, cộng sản nhất! Tôi say sưa chống Đảng và cũng trong lúc này, tôi bắt đầu nói đến chữ cộng sản nhiều nhất. Đến số 3 báo Nhân văn thì vụ Hung-ga-ri nổ ra. Nhân dân Hà nội đã sống qua những ngày đêm căng thẳng, hồi hộp ngồi dưới máy phóng thanh, theo dõi tính mệnh của nước anh em.

Tôi nghe đài phát thanh loan báo, đó là một nhiệm vụ phản cách mạng, do bọn phát xít cầm đầu.

Nhưng đến khi ra gặp những bạn bè Nhân văn, Giai phẩm thì họ bảo: “nói dối! Đó là cuộc nổi loạn nhân dân chống lại tập đoàn Rắc-cốt-xi, ở đâu có đè nén, cùng khổ, bất công, thì ở đó tất nhiên phải nổi loạn.” Tôi tin ngay luận điệu này, và tự nhiên có ý nghĩ:

“Chính phủ của ta cũng giống như Chính phủ Rắc-cốt-xi và Nhân văn - Giai phẩm cũng giống như những người nổi loạn”, và tôi có cảm tình ngay với cuộc nổi loạn ở Hung-ga-ri. Tôi nghĩ: “không chịu được thì cứ việc nổi loạn, lật đổ và lập nên một cái mới hơn. Loài người, bao giờ cũng có nhiều máu nổi loạn. Cách mạng cũng chỉ là những cuộc nổi loạn trường kỳ”. Tôi thú vị với những ý nghĩ đó lắm. Và nghĩ thầm rằng: “Nếu ở miền Bắc này có một cuộc nổi loạn thì nhất định mình phải vác cờ dẫn đầu. Có chết thì cũng là chết vinh quang, sau này nhân dân sẽ ghi tên mình vào lịch sử!” Nhưng rồi vụ phản cách mạng ở Hung bị dập tắt. Tôi ức lắm và cho Im-rê-nát sao lại hèn thế.

Sau đó thì tất cả những điều gì nói ở đài phát thanh, hoặc cán bộ cao cấp trong quân đội nói, tôi không còn tin một tý gì cả. Dần dần tôi rất ghét đài phát thanh của ta.

Tôi mày mò đi tìm sự thật về cuộc phản cách mạng ở Hung bằng cách tìm những người như Thảo, Tửu để hỏi.

Tôi bắt đầu đọc những sách phản động do bọn Thảo, Tửu cho mượn như:
  • Tôi chọn tự do của Kráp-sen-cô

  • Retour de l’Urss của Gide
Sức phản động của những chính sách đó ngấm vào tôi rất nhanh, làm cho tôi tin những điều nói trong sách đó đều là sự thật. Tôi đâm ra ghét Liên xô. Tôi đã nói những ý nghĩ của tôi cho mọi người nghe và chống lại kịch liệt khi người nào phản đối.

Sau đó tôi lại được Chu Ngọc cho mượn Temps modernes số đặc biệt về Hung. Tôi đã đọc thơ văn phản động của bọn phản cách mạng Hung đăng trong đó. Tôi đọc say sưa, cảm động và đem đi truyền bá cho nhiều người khác biết. Tôi đã dịch bài thơ: “Sự thật” để đọc ở những nơi đông người. Từ khi đọc xong tập thơ văn này thì ý thức chống đối lại Đảng của tôi đã lên đến chỗ quyết liệt. Tôi không còn tin ai nữa ngoài tin những nhà văn phản cách mạng ở Hung. Tôi cho bọn này là đại diện cho chân lý ở thế kỷ này. Lòng tin đã đến chỗ mê muội, điên cuồng.

Đến Đại hội văn nghệ lền thứ hai. Tôi đã lên tham luận. Lúc lên tham luận ăn mặc bộ đội, thắt xanh tuya, đội mũ, chào theo kiểu quân sự, trông rất lố bịch, cốt để khiêu khích và làm trò cười cho mọi người. Bài tham luận của tôi có sự góp ý kiến của Lê Đạt. Chứa đầy những nọc độc, những luận điệu phản cách mạng, đả kích vào các lãnh tụ của Đảng. Bài tham luận của tôi gây ra một không khí phẫn nộ cho toàn Đại hội. Anh em Nam bộ đòi đánh tôi. Tôi lại càng thấy thích thú, tỏ thái độ chế giễu [7] , khiêu khích trước sự phẫn nội đó. Tôi đã khinh thường hết tất cả mọi người, mọi sự căm phẫn. Càng căm phẫn tôi càng tỏ ra mình có khí phách anh hùng dũng cảm.

Sau Đại hội văn nghệ, đến Đại hội Nhà văn, tôi cũng đọc tham luận, đả vào Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Văn Bổng. Lê Đạt xem bài tham luận của tôi và khen: “Lại bom nguyên tử!” Tôi rất thích thú với lời khen đó. Và trong Đại hội này tôi đã quen con mụ Thuỵ An. Sau khi tôi tham luận xong, đến giờ nghỉ mụ chạy đến, mặt mày hớn hở, nói với tôi: “Tôi cảm phục anh lắm, tuổi trẻ sôi nổi thật; tuổi già tôi đâm ghen với tuổi trẻ”. Trước đây tôi rất ghét và kinh tởm, nhưng sau câu khen ngợi của mụ thì tôi thấy bớt kinh tởm, và có cảm tình.

Mấy hôm sau Lê Đạt dẫn tôi đến nhà mụ ta chơi, và tôi bắt đầu quen, chuyện trò từ đấy.

Sau này Hội Nhà văn tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ. Câu lạc bộ Hội Nhà văn đã biến thành diễn đàn cho những tư tưởng, lý luận phản động. Các buổi sinh hoạt tôi là một trong những người nói hăng hái nhất. Tôi đã nói đến lòng can đảm của nhà văn – “Nhà văn phát hiện thực tế cho Đảng. Nhà văn một đôi khi còn sáng suốt hơn Đảng” “Việc học tập chính sách đã làm cho nhà văn sai lầm, bé lại, hèn kém ngu dốt đi, không phát hiện được thực tế một cách đúng đắn” “Tôi viết văn yêu con người trước hết, không cần lập trường vội” và nhiều thứ khác nữa.

Với những lý luận ấy tôi nói năng rất hùng hồn. Có một số đã tán đồng ý kiến của tôi.

Tôi chán bộ đội lắm rồi, nên tôi xin ra bộ đội. Xin nhiều lần, khi xin, khi lại bảo ở lại. Vì tính tự do muốn ra, nhưng không biết lấy gì để sống nên tôi lại thôi. Đến khi Hội Nhà văn cho vay tiền thì tôi quyết định xin ra. Tôi định ra bộ đội để đi đọc thơ ở Bờ Hồ, bán thơ tuyên truyền cho thơ ca của nhóm tôi.

Để đi học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, đọc hết sách vở trên thế giới, để đủ tài chọi nhau.

Trong thời gian chờ đợi xin ra bộ đội, tôi chẳng chịu làm gì cho quân đội cả. Ăn, đi chơi, sáng tác thơ đả kích, trêu trọc, khích bác anh em trong phòng. Tôi tự phong cho tôi là người cộng sản nhất trong Phòng văn nghệ. Tôi lại cho là anh em trong phòng đều là một bọn lười nhác, cơ hội, địa vị, không xứng đáng là nhà văn! Tôi nuôi một con bú dù, anh em hỏi: “Sao lại nuôi bú dù?” Tôi trả lời chua chát: “Chơi với người chán lắm rồi, thành phải chơi với bú dù”. Những lời hỗn láo ấy tôi nói ra nhiều không nhớ hết.

Đến khi học nghị quyết của Đảng về sai lầm cải cách ruộng đất, tôi từ chối không đi. Đồng chí phụ trách hỏi tại sao? Tôi ngang ngược trả lời: “Đảng làm đúng, ra nghị quyết tôi mới phải học, Đảng làm sai sao lại bắt tôi học cái sai?” Suốt một tháng học tập, tôi nằm lỳ ở nhà. Đến khi được giấy ra bộ đội, tôi ghi vào lý lịch ở mục nguyện vọng: “Tôi có hai nguyện vọng: một là đấu tranh cho giai cấp vô sản toàn thế giới, hai là được mua một đôi lốp theo đúng giá Mậu dịch”. Tôi lấy làm khoái chí với lời đề nghị ấy lắm. Tôi đi khoe lời đề nghị ấy với nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Ai cũng khen hay và cười ầm ĩ tán dương.

Trong thời gian này, tôi làm bài thơ: “Làm theo yêu cầu của Đảng”, đả kích rất hỗn láo vào các bạn làm thơ và các lãnh tụ, bài “Lời mẹ dặn” đăng ở báo văn. Bài thơ này tôi viết ra và coi như một lời tuyên chiến với Đảng. Một ý nghĩa phản động cao nhất trong văn thơ của tôi.

Tôi ra bộ đội, lại cùng giao du với những bạn bè xấu.

Tôi định bụng ra bộ đội để học tập bồi dưỡng thêm về lý luận, học thêm về sinh ngữ. Vậy tôi học tập lý luận ở những ai. Tôi học ở Trần Đức Thảo, những lý luận phản cách mạng của hắn. Nghe hắn phán đoán về tình hình trong nước và ngoài nước. Như “Liên xô đang có một cuộc đại hội của các nhà luật học, để thảo ra một lý luận về tội ác. Bốn mươi năm nay Liên xô chưa có lý luận về tội ác. Cuộc đại hội này phải đi đến kết luận, tội ác ở Liên xô là do bộ máy quan liêu của Nhà nước gây ra”. Những lý luận của hắn rất phù hợp với tư tưởng phản cách mạng của tôi nên cứ vào tuồn tuột, làm cho tư tưởng xấu ấy mỗi ngày một đóng đinh vào đầu óc tôi, không còn cách gì gỡ ra được. Còn học Pháp và Anh văn thì tôi học với con mụ Thuỵ An, và do đó tôi bắt đầu thân với mụ từ đấy. Khi được tin tôi đã ra bộ đội thì hắn tỏ vẻ rất săn sóc đến việc học của tôi. Tháng đầu tôi còn bận viết thì mỗi lần gặp tôi hắn đều thúc dục sao không đi học đi, tôi sẽ dậy cho Quán một tuần bốn tiếng đồng hồ. Tháng thứ hai tôi đến học với hắn, cùng với một người bạn của tôi là sinh viên. Trước khi đến học, tôi có biết Thuỵ An trước đây đã giết chồng, làm phóng viên chiến tranh cho Pháp, đã đi máy bay lên Điện biên phủ. Nhưng đến lúc này thì bản chất cách mạng của tôi đã không còn gì nữa, nên tôi thấy những việc làm của mụ ta là việc thường. Đến học với hắn, tôi tỏ ý phục, và mỗi ngày một cảm tình hơn. Tôi gọi hắn là chị với tất cả nghĩa của nó. Tôi nghe hắn kể lại hắn đã quen hết bọn Việt gian, bù nhìn, cao cấp của bọn Pháp như: Trần Văn Hữu, Phán Văn Giáo, Tassigny. Hắn thường bảo Văn Hữu rất trí thức, Tassigny thì boble, rất giỏi, thông minh, một ngày thay mười hai sơ mi đứng gần cứ thơm phức, le général parfumé.

Trước những lời khen sặc mùi bán nước của hắn, tôi vẫn im lặng nghe, không tỏ thái độ gì. Hắn khen ngợi những kẻ thù ghê tởm nhất, độc ác nhất, gây ra biết bao thảm hoạ cho đất nước, thế mà tôi không còn thấy căm thù, thấy giận dữ nữa. Nghe cũng như nghe mọi câu chuyện thường tình khác.

Tiếp đến báo chí phê bình bài thơ “Lời mẹ dặn” của tôi càng ngày càng nhiều. Mới đầu thì còn thích, nhưng sau thì đâm ra bi quan, chán đời đến cực độ.

Tôi gặp tên Phạm Khanh, trước đây làm quan hai tác động tinh thần của giặc; bây giờ ăn không ngồi rồi. Hắn thấy tôi chán đời liền tuyên truyền cho tôi tu đạo Ấn độ. Tôi nghe theo ngay. Tập tu được một tháng thì được Đảng gọi đến học lớp này.

Mới đầu nhận được giấy, tôi không muốn đi nữa, tôi thấy chán chường lắm rồi, tự nghĩ, đời mình chỉ còn có chết mà thôi.

Nói tóm lại ý thức chống Đảng, chống chế độ ở trong tôi mỗi ngày một gay gắt, một quyết liệt, thâm hiểm và xảo trá hơn.



[1]Morasse: Bản in thử
[2]Décadence: suy đồi
[3]Caractère: Cá tính
[4]BBC.: Đài phát thanh Anh
[5]Bible: Kinh thánh
[6]Nguyên văn: sỏ siên (talawas)
[7]Nguyên văn: chế riễu (talawas)
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5 năm 1958 – Số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn–Giai phẩm, trang 59-121. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.