trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
20.5.2002
Hồ Anh Thái
Một cuốn sách và một ngôi đền Tình dục trong văn hoá Ấn độ
 
Bộ giáo khoa đầu tiên của loài người

Xin bắt đầu bằng một giai thoại ở Ấn Ðộ thời cổ đại: Chàng hoàng tử nọ của một tiểu vương quốc kết hôn với công chúa của tiểu vương quốc láng giềng. Trong đêm tân hôn, người đẹp hiền thục bỗng trở nên chủ động và thành thạo đến mức đáng ngờ. Như một kỹ nữ sành sỏi thời ấy. Nhưng mọi ngờ vực của hoàng tử được giải tỏa ngay: Công chúa vẫn còn là trinh nữ. Nàng lại cho biết thêm: Nàng hiểu biết và thành thạo chuyện chăn gối như vậy là nhờ từ khi ở tuổi đến trường, nàng đã đọc rất kỹ cuốn Kama Sutra.

Trước khi tìm hiểu cuốn Kama Sutra, cũng nên biết rằng ở Ấn Ðộ cổ đại, trẻ em đến trường đều được học những môn cơ bản: Tiếng Phạn (Sanskrit), giáo lý Bà La Môn, toán học, y học, chiêm tinh học... và tất nhiên cả tình dục học. Môn khoa học này đã được đem dạy trong trường từ cách đây 3000 - 4000 năm, rất lâu trước khi nó được soạn thành bộ sách Kama Sutra nổi tiếng. Trẻ em có khả năng đi học hầu hết đều con nhà quyền quý và lứa tuổi mới bước đến trường cũng là lúc đã dậy thì. Trẻ em Ấn Ðộ dậy thì sớm, phụ nữ có thể sinh con từ tuổi lên chín lên mười.

Trở lại cuốn Kama Sutra mà ở ta đã có người dịch là Dục Lạc Kinh. Kama là tên thần tình yêu trong thần thoại Ấn Ðộ, luôn mang bên mình một bộ cung tên, kẻ nào trúng tên của Kama, kẻ đó sa vào cõi mê cuồng yêu đương say đắm. Sutra nghĩa là cuốn sách, bộ kinh. Vậy Kama Sutra nghĩa là cuốn sách tình yêu, hoặc là khoa học tình yêu.

Tác giả cuốn sách là nhà hiền triết Vatsyayana, sống vào khoảng thế kỷ IV sau công nguyên. Tương truyền khi đã già, ông tìm đến thành phố thiêng bên bờ sông Hằng để sống những ngày cuối cùng. Tại đó, nhà hiền triết đã viết cuốn Kama Sutra, tự coi đây là nghĩa vụ tôn giáo cuối cùng của mình. Cuốn sách xấp xỉ 1000 trang này có lẽ là cuốn sách đầy đủ và hoàn chỉnh bậc nhất của nhân loại về khoa học tình dục, và cũng xuất hiện sớm bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Mãi cho tới cuối thế kỷ XIX, năm 1883, bản dịch tiếng Anh rút gọn khoảng hơn 200 trang mới đến với châu Âu, do một người Anh là Sir Richard Burton và một người Ấn là F.F.Arbuthnot, hai người bạn thân hợp tác dịch. Còn bản tiếng Anh đầy đủ, một cuốn sách tình dục đồ sộ, mãi tới đầu những năm 1990 mới ra mắt.

Theo tinh thần đạo Hindu, tình dục là thiêng liêng và hoạt động tình dục là sự diễn tả lại sự hòa hợp thiêng liêng của các vị thần. Hoạt động ấy có vai trò quan trọng trong cuộc đời một người đàn ông theo đạo Hindu, được chia làm 4 giai đoạn:

1- Brahmacharya: Giai đoạn đèn sách học hành, thường tính từ nhỏ đến khoảng 25 tuổi.

2- Grahasthya: Sau khi tu học, trở về nhà, lấy vợ sinh con, xây dựng gia đình, nuôi dưỡng con cái, cho con đi học, dựng vợ gả chồng cho con. Công việc này được làm trong khoảng 20-25 năm.

3- Vanaprastha: Mọi nghĩa vụ đối với con cái và gia đình đã hoàn tất, người ta lui về nghỉ ngơi, thiền định, tách khỏi những ham muốn trần tục, chỉ theo đuổi đời sống tinh thần. Người Ấn giai đoạn này thích dùng một hình ảnh: Người ta như hoa sen, sống trong nước mà vươn ra khỏi mặt nước. Cũng như vậy, về hình thức người ta vẫn sống trong cùng một gia đình với con cháu, nhưng nội tâm đã thoát lên và ra khỏi đời sống trần tục.

4- Sanyas: Giai đoạn cuối cùng của đời người. Người đàn ông từ bỏ mọi ham muốn, mọi nhu cầu, không dùng tiền bạc. Họ lên đường, theo đuổi cuộc sống tinh thần, lang thang đó đây đàm đạo với những người đồng hành, tá túc trong các ẩn viện giữa rừng.

Giai đoạn 2 được người Hindu coi là quan trọng nhất. Xem ra cũng chỉ có giai đoạn này người Hindu mới sống hết mình, chi dùng hết sinh lực cho cuộc sống tình dục. Cuốn Kama Sutra đồ sộ cũng được viết ra cho con người trong giai đoạn này, coi đó như một nghĩa vụ tôn giáo thiêng liêng mà con người phải thực hành trong cuộc đời.

Có lẽ không còn những gì liên quan đến tình dục mà người ta không thấy trong cuốn sách này. Vatsyayana đã miêu tả và chỉ dẫn tỉ mỉ "ba mươi sáu kiểu" ôm ấp, "ba mươi sáu kiểu" hôn, các loại tình dục về mặt đạo đức xã hội, các tư thế... Những khái niệm và những hình ảnh đã trở thành thông dụng trong đời sống hàng ngày như bandhura (thắt nút), prenkha (chơi đu), mausala (giã gạo), dadhyataka (khuấy sữa), bhamara (ong đất), hastika (kiểu voi), harina (kiểu hươu), vadavaka (kiểu ngựa), nagabandha (kiểu rắn)...

Có những trường hợp đặc biệt được ghi lại trong sử thi Mahabharata, khoảng 3000 năm trước công nguyên: Nàng Draupadi làm vợ chung của năm anh em Pandava, trong khi Krishna, một nhân vật hào hoa võ hiệp lại có tới 500 thê thiếp. Có lần, người ta đã hỏi Draupadi xem vì sao nàng có thể sống hoà hợp cùng lúc với cả năm người chồng trong khi 500 thê thiếp chưa đủ làm thỏa mãn Krishna. Câu hỏi này đã xới lên vấn đề tình dục và đưa vào kinh sách cách chúng ta gần 5000 năm.

Trong đời sống dân dã, người Ấn thích tán chuyện tình dục. Họ chỉ có giai đoạn thứ hai của cuộc đời cho chuyện chăn gối và họ đã sống hết mình. Có người trí thức Ấn Ðộ đã kêu lên: "Trời ơi, người Ấn ăn quá nhiều hành, thức ăn nhiều gia vị kích thích, uống quá nhiều sữa trâu và sữa dê. Giở sách ra thì gặp Kama Sutra, đến đền chùa thì gặp linga của thần Shiva". Linga là tượng dương vật của thần Hủy Diệt và Tái Tạo Shiva, đây là biểu tượng tái tạo, cho nên những người đàn bà không con thường tới đền chạm tay vào linga mà cầu tự. Có thể thường xuyên gặp linga trong các đền thờ Hindu, nhỏ to các cỡ. Những đền thờ tạc trong hang đá ở miền Nam Ấn có những tượng linga bằng đá cao hàng mét, đường kính dăm ba người ôm. Còn ở miền Bắc Ấn quanh năm tuyết phủ, ngôi đền nọ có cả một tượng linga bằng băng, cao tới gần chục mét.

Ngôi đền lừng danh - Một cách làm trong sạch linh hồn

Nhưng trong đền thờ Hindu không chỉ có tượng dương vật của thần Shiva. Rất nhiều đền đài còn tạc hẳn tượng mô tả sinh hoạt tình dục. Lừng danh nhất trên thế giới là khu đền Khajuraho, từng bị chìm lấp nhiều thế kỷ trong rừng sâu, tưởng đã hoàn toàn bị bỏ quên.

Tôi đến Khajuraho tháng 11-1992. Phải đi tàu hỏa hơn 400 km từ thủ đô đến Jhansi, từ Jhansi phải đi thêm 180 km nữa, nhưng chiều tối rồi mà không có xe đi thẳng tới nơi, đành phải đi xe buýt tới Chatripur, rồi chung với năm cô người Pháp gặp ở bến xe thuê một chiếc xe jeep đi nốt 50 km còn lại. Trong đêm tối, năm cô gái người miền nam nước Pháp hát những bài dân ca về những cánh đồng nho trên con đường gập ghềnh Ấn Ðộ. Mười giờ đêm, chúng tôi được đổ vào một khách sạn nhỏ ở Khajuraho, đêm tối rồi mà nhìn ra thấy mấy chục ngôi đền chi chít những pho tượng phồn thực vẫn lấp lánh ánh đèn vây bọc xung quanh.

Lịch sử nhiều khi vẫn lãng quên như thế. Quần thể 85 ngôi đền tuyệt tác ở Khajuraho, miền trung Ấn Ðộ, bị bỏ quên những tám thế kỷ. Mãi đến năm 1839, viên tiểu đội trưởng công binh Hoàng gia bang Bengal, thuộc chính quyền thực dân Anh, ông này tên là T.S. Burt, mới tình cờ phát hiện ra một quần thể đền đài giữa rừng sâu. Về sau, trong cuốn Ghi chép về quần thể kiến trúc châu Á, ông ta viết: “Trong đám đổ nát ở Khajuraho tôi phát hiện ra bảy ngôi đền đồ sộ theo phong cách Hindu giáo. Về mặt nghệ thuật, đây là những tác phẩm điêu khắc tinh vi bậc nhất. Nhưng các nghệ sĩ có lúc đã đi quá xa, có một số pho tượng khá là khiếm nhã”.

Nghe nói là các quý bà quý cô người Anh khi ấy xuyên rừng tới xem đã phải lấy tay che mặt và thốt lên những câu đại loại "eo ơi, khiếp!" Không chỉ riêng trong chuyện này, người Ấn Ðộ vốn đã cho là người Anh đạo đức giả. Nhưng thời thế đã khác, năm cô gái châu Âu đi cùng chẳng thấy cô nào che mặt, cũng chẳng eo ơi, họ cười nói chỉ trỏ một cách thật tự tin.

Trên thực tế phương Ðông thường miêu tả lịch sử dân tộc mình qua các truyền thuyết, các huyền thoại từ thủa hồng hoang, hoặc thể hiện câu chuyện dưới dạng tranh tường trong đền chùa, trong điêu khắc gỗ hoặc điêu khắc đá. Ðây cũng là một khả năng nghệ thuật kỳ diệu của người Ấn Ðộ. Hồi đó, cũng như nhiều người phương Tây khác, T.S. Burt đã không hiểu được như vậy. Những bức chạm khắc ông ta phát hiện được là một phần của thiên sử thi trên đá, do những ông vua triều Chandella ở miền Trung Ấn cho xây dựng vào khoảng thế kỷ X và XI. Trong khoảng 100 năm, những người sùng đạo Hindu đã dựng lên cả thảy 85 ngôi đền mang tên thần Sáng Tạo và các vị thần Hindu giáo.

Kiến trúc đền đài thời cổ Ấn Ðộ là một cống hiến to lớn cho kho tàng văn hóa nhân loại. Cho đến ngày nay người ta vẫn chưa hết kinh ngạc về sự khéo léo, tinh tế của những bàn tay thợ tài hoa cách đây 10 thế kỷ. Có cảm tưởng đá cẩm thạch trong tay nghệ nhân thời xưa cũng dễ sai khiến như chất dẻo hay đất sét trong tay người thời nay. Những nhóm tượng có tính sắc dục đã làm Burt bất bình cách đây hơn 100 năm giờ đây lại vẫn làm giật mình biết bao du khách.

Ðược xây dựng dần dần trong hai thế kỷ X và XI, ở Khajuraho hiện tại chỉ còn 22 đền trong tổng số 85 ngôi đền. Khắp bề mặt các ngôi đền, từ những bậc đá lên tới tận đỉnh tháp, là những bức tượng bằng đá diễn tả cảnh sinh hoạt mọi mặt của người Ấn Ðộ. Từ cảnh ăn chơi xa hoa của vua chúa trong hoàng cung cho đến cảnh lao động, học hành tu tập, thuần hóa thú dữ... Những hình chạm trổ trên đá về vũ nữ apsara trên thiên đình hay hình những thiếu nữ đồng trinh tuyệt đẹp xuất hiện trên đỉnh cột của các đền đài. Ðặc biệt, xen kẽ giữa các nữ thần là những nhóm tượng cặp trai gái, hoặc từng nhóm trai gái, đang giao hoan. Những người ở gần đó kẻ thì tinh ngịch rình xem, kẻ thì ngượng ngùng, nụ cười thấp thoáng đằng sau những bàn tay che mặt. Nhưng người nghệ nhân điêu khắc cũng tinh quái, họ đã để cho cô gái che mặt nọ vẫn hé mắt nhìn giữa những ngón tay che.

Khi làm phép so sánh giữa những pho tượng được tạc ở thế kỷ X với tượng tạc vào thế kỷ XI , người ta dễ dàng nhận thấy hình thể những đôi trai gái thế kỷ XI đã thanh tú hơn, cặp chân dài hơn. Chi tiết này một mặt phản ảnh sự tiến hóa của cơ thể con người sau một thế kỷ, mặt khác cũng nói rõ rằng sau một thế kỷ, quan niệm về vẻ đẹp của người Ấn Ðộ cổ cũng thay đổi.

Những cảnh sinh hoạt tình dục chiếm nhiều nhất về số lượng, có nơi được sắp xếp theo trình tự như kiểu sách giáo khoa. Rồi hàng loạt cảnh sinh hoạt của hai người nam nữ, của những nhóm người, những người đồng giới, người và thú. Có cả.

Ðiều đó không có gì lạ khi mà trong các đền thờ của đạo Hindu người ta đều thờ tượng dương vật của thần Siva, biểu tượng của sự sáng tạo ra thế giới. Thời điểm hoạt động nhục dục giữa hai người yêu nhau được coi là sự hòa hợp và thống nhất hoàn toàn giữa linh hồn với sự thánh thiện. Có một giáo phái Hindu thờ cúng biểu tượng hòa hợp thể xác này, coi lạc thú nhục dục và tu luyện yoga là hai con đường cùng dẫn tới sự giải thoát khỏi kiếp luân hồi.

Nhưng cũng có người lại cho rằng quanh đền được trang trí bằng nhiều nhóm tượng nam nữ giao hoan như vậy để tránh cho đền bị sét đánh. Bởi lẽ Ngọc Hoàng Indra nổi tiếng phong tình, Ngọc Hoàng không bao giờ đặt lưỡi tầm sét xuống những ngôi đền như thế.

Có ý kiến lại nói đây là một cách làm trong sạch linh hồn cho những kẻ mộ đạo, một cách thử thách những người tới đền để cúng tế, khiến họ phải kiềm chế được bản thân và bỏ lại bên ngoài tất cả những ham muốn trần tục trước khi bước vào chính điện. Phía ngoài ngôi đền có pho tượng một người đang thuần hóa một con vật nửa sư tử nửa hổ báo lớn hơn mình gấp bội, cảnh này được coi như cuộc chiến đấu chống lại con thú nhục dục trong chính con người.

Khắp thị trấn Khajuraho bán đầy đồ lưu niệm phiên bản pho tượng phồn thực các cỡ, nhỏ nằm trong lòng bàn tay cho đến cao chừng một mét. Các loại bưu ảnh, đồ họa, đồ chơi... cùng đề tài. Trẻ em bán rong dí vào mặt du khách những cái kéo nhấp ra nhấp vào, hình một cặp nam nữ đang giao hoan, ở nơi khác có thể bị coi là vượt quá tính chất cho phép của văn hóa phẩm. Nhưng trong khung cảnh Khajuraho, lại trên đất Ấn Ðộ, tất cả chỉ là chuyện thường ngày.