trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
27.6.2007
Azar Gat
Tư bản độc tài đã quay trở lại
Phạm Minh Ngọc dịch
 
Hôm nay thế giới tự do đang phải đối đầu với một thách thức nghiêm trọng xuất phát từ sự trỗi dậy của các siêu cường phi dân chủ, những nước vốn là cựu thù của phương Tây thời chiến tranh lạnh. Đấy là Trung Quốc và Nga, những nước đang sống dưới chế độ “chuyên chế tư bản” chứ không phải là chế độ cộng sản nữa.

Đây không phải là một phạm trù mới, trước năm 1945, các cường quốc độc tài tư bản chủ nghĩa từng đóng vai trò quan trọng trong các quan hệ quốc tế.

Nhưng sau năm 1945 những nước này đã không còn tồn tại nữa. Khối các nước dân chủ tự do đã chiến thắng các chế độ độc tài, cả phát xít và cộng sản, trong ba cuộc đối đầu giữa các siêu cường trong thế kỉ XX, bao gồm hai cuộc chiến tranh thế giới và một cuộc chiến tranh lạnh.

Một số người muốn gán cái kết cục ấy cho đặc trưng và tính ưu việt của nền dân chủ tự do. Nhưng mỗi chiến thắng lại có những nguyên nhân khác nhau.

Liên Xô sụp đổ là vì hệ thống kinh tế của nó đã ngăn cản không cho nước này phát triển. Còn các siêu cường độc tài tư bản chủ nghĩa là Đức và Nhật đã bị đánh bại chủ yếu vì đây là những nước có diện tích trung bình, với nguồn tài nguyên có giới hạn.

Như vậy nghĩa là không phải tính ưu việt nội tại của chế độ dân chủ tự do mà chính là sự ngẫu nhiên đã đóng vai trò then chốt trong việc làm nghiêng cán cân sang phía các nền dân chủ.

Tác nhân ngẫu nhiên quyết định nhất chính là nước Mĩ.

Trong suốt thế kỉ XX, nước Mĩ bao giờ cũng mạnh hơn hai siêu cường khác cộng lại, không chỉ bởi hệ thống tự do tư bản chủ nghĩa của nó mà còn vì đây là một nước lớn, mang tầm cỡ cả một lục địa. Chính tác nhân này đã làm nghiêng cán cân sang phía những lực lượng được Washington ủng hộ.

Vì vậy nếu nói rằng một tác nhân nào đó đã tạo sức mạnh cho các chế độ dân chủ tự do thì trước hết phải nói đến Mĩ chứ không phải tính ưu việt nội tại của hệ thống này. Trên thực tế, nếu không có Mĩ thì nền dân chủ tự do có thể đã thua trong cả ba cuộc tỉ thí vĩ đại trong thế kỉ XX.

Quan điểm tỉnh táo đó lại thường bị lờ đi trong các nghiên cứu về sự lan truyền của nền dân chủ trong thế kỉ XX. Nhưng chính vì thế mà thế giới lại có vẻ mong manh và mang tính ngẫu nhiên chứ không phải như các lí thuyết phát triển tuyến tính vẫn nói.

Điều này còn đặc biệt đúng nếu xét đến sự trỗi dậy của các siêu cường phi dân chủ, mà trước hết là là sự bùng nổ của nước Trung Hoa, tư bản và độc tài. Nước Nga cũng đã từ bỏ chủ nghĩa tự do phóng khoáng hậu cộng sản và sức mạnh kinh tế của nó càng tăng thì tính chất của một nhà nước độc tài lạ càng rõ ràng hơn.

Một số người tin rằng nhờ sự phát triển nội tại, sự sung túc và ảnh hưởng từ bên ngoài, cuối cùng các nước này cũng sẽ trở thành các nước tự do dân chủ mà thôi.

Mặt khác, những nước này có thể có đủ lực để tạo ra một thế giới mới, Thế Giới Thứ Hai, phi dân chủ nhưng phát triển về kinh tế. Họ có thể tạo ra một trật tự tư bản-độc tài mạnh, đủ sức liên kết giới tinh hoa chính trị với các doanh nhân và giới quân sự. Các nước như thế sẽ có xu hướng dân tộc chủ nghĩa và tham gia vào nền kinh tế thế giới với những điều kiện do chính họ đặt ra, như Đức và Nhật đã làm trước đây.

Chuyển từ hệ thống kinh tế chỉ huy theo lối cộng sản sang nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, Trung Quốc và Nga trở thành những nước độc tài hoạt động rất hữu hiệu. Mặc dù sự trỗi dậy của các siêu cường tư bản độc tài này không nhất thiết sẽ dẫn đến sự bá quyền của độc tài hay chiến tranh, nhưng điều đó có nghĩa là thế thượng phong gần như tuyệt đối của nền dân chủ tự do sau khi Liên Xô sụp đổ đã không kéo dài được bao lâu và một “nền hoà bình dân chủ” toàn diện vẫn còn rất xa vời.

Bắc Kinh, Moskva và những kẻ theo đuôi họ trong tương lai có thể trở thành những lực lượng đối kháng với các nước dân chủ, và là nguy cơ của bất ổn và xung đột. Vì là những nước lớn và tư bản chủ nghĩa, họ sẽ mạnh hơn tất cả những kẻ thù của nền dân chủ trong quá khứ.

Đối trọng chính vẫn là nước Mĩ. Mặc cho mọi luận điệu phê phán nhắm vào Mĩ, nước này cùng với đồng minh châu Âu của họ sẽ là hi vọng quan trọng nhất cho tương lai của dân chủ và tự do.

Cũng như trong thế kỉ XX, Mĩ là nước duy nhất có thể bảo đảm rằng nền dân chủ tự do sẽ không bị đẩy vào địa vị phòng thủ và ở vào vị thế yếu kém bên lề của hệ thống các mối quan hệ quốc tế.

(Azar Gat là giáo sư chuyên về an ninh quốc gia tại trường đại học tổng hợp Tel Aviv, tác giả cuốn War in Human Civilization. Bản đầy đủ sẽ được in trong tạp chí Foreign Affairs số tháng 7/8)


Bản tiếng Việt © 2007 talawas