trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
29.6.2007
Nguyễn Thế Anh
Tây Dương Gia Tô bí lục, một tài liệu lịch sử?
 
Về việc truyền giảng đạo Thiên Chúa tại Việt Nam thời xưa, sử sách cũ đã phần lớn chỉ ghi lại những văn kiện ngăn cấm do vua chúa ban hành, đại để như:
  • Quý Mão, Cảnh Trị năm thứ nhất (1663) – Mùa đông, tháng 10, cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây có người nước Hoa Lang vào nước ta, lập ra đạo lạ lừa phỉnh dân ngu, đàn ông đàn bà ngu dốt nhiều người tin mộ, chỗ nhà giảng người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi, mà sách và nơi giảng hãy còn thói tệ chưa đổi. Đến đây lại nghiêm cấm. (Đại Việt sử ký Bản kỷ tục biên, quyển 19)

  • Nhâm Thìn, Minh Mạng năm thứ 13 (1832) – Vua dụ Bộ Hình rằng: Đạo Gia Tô nguyên tự người Tây Dương đem vào truyền bá đã lâu, dân ngu phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối. Thử nghĩ, cái thuyết thiên đường tóm lại chỉ đều là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa không kính thần minh, chẳng thờ tiên tổ, rất trái với chính đạo. Thậm chí lập riêng nhà giảng, tụ tập nhiều người, cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mặt người ốm. Những việc trái luân lý, hại phong hoá, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy lại qui là tà thuật hơn đạo nào hết. Trong luật đã có điều cấm rõ ràng rồi... (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 86)
Tuy vậy, không hẳn là đã vắng hẳn những sự biên chép của các tín đồ Thiên Chúa giáo về chính tình trạng tôn giáo của họ. Song các tài liệu ấy vẫn còn chờ đợi các nhà nghiên cứu công bố, như tài liệu viết tay năm 1659 của Bento Thiện (xem Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Ra Khơi xuất bản, Sài Gòn 1972, tr. 100-150) hay Sách sổ sang chép các việc của Philiphê Bỉnh (Thanh Lãng giới thiệu, Viện Đại học Đà Lạt xuất bản, 1968). Sử gia tất nhiên không thể bỏ qua những loại tài liệu tương tự, vì chúng cống hiến nhiều dữ kiện "đầu tay" về sinh hoạt của một đoàn thể trong xã hội thời trước. Về phương diện này, quyển Tây Dương Gia Tô bí lục, dịch từ một tập sách chép tay nói là do bốn giáo sĩ Việt Nam sống vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XV soạn bằng chữ Hán, và do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội ấn hành nắm 1981, hẳn đã gợi óc tò mò của người nghiên cứu.

Sách gồm có bài tựa, mục thứ, lược dẫn "về những lời lẽ bịp bợm của bọn giặc Tây", nguyên dẫn và phần chính chia làm 9 quyển. Năm quyển đầu phác hoạ giai đoạn Thiên Chúa giáo xuất hiện; quần VI và VII được dành cho sự hình thành của Giáo hội La Mã; quyển VIII đề cập đến sự bành trướng của Thiên Chúa giáo tại Tây phương và phản ứng cấm đạo của vài quốc gia; quyển IX vạch sơ qua diễn trình của việc truyền giáo tại Việt Nam và Trung Hoa cho đến Chiến tranh Nha phiến (1839-1840). Đính thêm vào đấy là lời nói đầu (tr. 5 đến 10, theo mục lục, vì trong ấn bản chúng tôi có dưới tay, những trang này đã được xén bỏ [1] ), "lời giới thiệu" của dịch giả (tr. 11-16), và bảng tài liệu tham khảo để dịch và chú thích (tr. 317).

Phô bày "những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương", quyển sách dẫn đến việc giải thích thái độ của bốn nhân vật người Việt, có chức vị trong hàng giáo phẩm, nhưng đã phải hoài nghi những giáo điều họ đã tuân theo, để rồi cuối cùng, vì căm phẫn tột độ mưu đồ xâm lược đế quốc của Giáo hội La Mã, phá giới, phủ nhận một tôn giáo mà họ chỉ còn gọi là "tà đạo", và vạch trần những âm mưu đen tối của tôn giáo ấy.

Theo thường lệ của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội, nguyên bản Hán văn đã không được in kèm với bản dịch. Người đọc chỉ có thể dựa vào những văn bản chú thích cuối trang để giả định dịch giả đã thực hiện một công việc dịch thuật công phu, đứng đắn và khách quan. Nhưng điều đó có đủ cho chúng ta không chút ngần ngại biểu đồng tình với dịch giả rằng đây là một "tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam?" Có nhiều dữ kiện khiến phải đặt nghi vấn về tính chất xác thực của tài liệu. Chẳng hạn, những sự trái nghịch lịch sử trên phương diện địa danh, như dùng danh từ "Gia Định" để chỉ định miền đất cho đến đầu thế kỷ XIX chỉ được gọi dưới tên "vùng Đồng Nai" (tr. 290-291), hay nói "Phiên An, Gia Định, Hà Tiên là các địa phận thuộc dòng Phê-rô cai quản" (tr. 299), mà không cần biết "Phiên An trấn" thời Gia Long và "Gia Định tỉnh" từ 1833 trở đi chỉ là một. Những nhầm lẫn này, tuy thế, không đáng kể bằng những ngộ nhận về tổ chức Thiên Chúa giáo tại Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ XVIII. Tự xưng là "giám mục dòng Tên", hai nhân vật Phạm Văn Ất (hiệu Ngộ Hiên?) và Nguyễn Đình Bính (hiệu Hoà Đường?) không những đã đi sớm trước thời gian đến cả hơn một thế kỷ, mà lại tỏ ra mù tịt về cơ cấu của dòng tu của họ nữa. Điều phi lý khác là những người "tai mắt" trong Giáo hội này đã phải đợi đến năm 1793, nhân dịp sang Tây phương vào chầu Giáo hoàng, mới được thông báo về sự phân chia đất nước của họ thành hai lãnh vực ảnh hưởng, một giao "dòng Đôminicô" và một giao "dòng Phêrô" cai quản (tr. 298-299). Chúng tôi không thể tin được là giới tu sĩ Việt Nam đã không biết chút gì về việc chỉnh đốn công cuộc truyền giáo tại Việt Nam đã được thực hiện từ năm 1678, theo đó miền Bắc Việt Nam được chia làm hai giáo phận (vicariat apostolique), miền Đông sông Nhị (Tonkin oriental) do các giáo sĩ dòng Dominicain từ Phi Luật Tân đến giảng đạo, và miền Tây sông Nhị (Tonkin occidental) thuộc lãnh vực truyền đạo của Hội Ngoại quốc Truyền giáo (Missions étrangères).

Chúng tôi có cảm tưởng các sơ hở nói trên đã chỉ là tiểu tiết đối với nhà xuất bản. Độc giả ngắm đến chắc chắn không phải là người nghiên cứu sử, có thể đến Văn khố dòng Tên tại La Mã (Archivum Romanum Societatis Iesu) để tìm hiểu thêm về hai nhân vật nếu có thực thì đã không thể không để lại vài vết tích tại đây. Độc giả ngắm đến phải là những giới người muốn tìm một sự đối chiếu nào đó giữa trường hợp Phạm Văn Ất – Nguyễn Đình Bính và sự tích "giám mục nước Đại Na là Chân Bình, thầy giảng nước Lang Sa là Cảm Hợi" thuật tại trang 283-288: "biết rõ sự giả dối trong những sách kín của đạo Tây Dương", hai nhân vật Tây phương này cũng đã bỏ đạo Gia Tô "trở về với chính giáo" và hiến kế diệt trừ tà đạo. Hoặc một sự thuyết minh cho mệnh đề "tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng", qua mưu toan thôn tính Trung Hoa của Giáo hoàng Tây Dương bằng cách đem thuốc phiện đến "ngấm ngầm đầu độc bọn quan lại sĩ phu khiến cho dân nước ấy mãi mãi bị hao mòn" (tr. 307-311).

Nhưng khối độc giả dự định của quyền Tây Dương Gia Tô bí lục hẳn phải rất đông đảo: mặc dầu ngoài bìa ghi rõ là để "lưu hành nội bộ", số sách in đã là 20.500 bản (cũng trong năm 1981, không sách nào khác do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội in để phát hành không hạn chế đã đạt được số ấn bản lớn đến thế: quyển Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý-Trần đã chỉ in 6.400 cuốn; quyển Chính sách ngụ binh ư nông các thời Lý-Trần-Lê sơ của Nguyễn Anh Dũng đã chỉ in 6.200 bản). Mặt khác, sách đã được đưa in gấp rút "ngoài chỉ tiêu kế hoạch". Phải chăng là để đáp ứng cho một nhu cầu cấp bách, nhu cầu chứng minh Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam là con đẻ của thực dân chủ nghĩa Tây phương, đế quốc đã biến nó thành công cụ xâm lược và thống trị nhân dân ta. Giáo hội cũng đã biến thành một tập đoàn phong kiến, tư sản, áp bức, bóc lột nhân dân ta", như ghi trong tài liệu Công tác đối với Giáo hội Thiên Chúa?

(Ghi chú: Lúc chúng tôi viết xong bài này, Đường Mới chưa nhận được "Vài lời nói đầu", những trang bị cắt xén của cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục. Để có một ý tưởng đầy đủ về vấn đề này, xin độc giả xem bài của Trần Ngọc Anh và Lý Văn Khôi, và những tài liệu đăng tiếp sau đây.)



[1]Trong ấn bản mà talawas dùng để thực hiện bản điện tử, các trang này cũng không có, song chúng tôi đã sưu tầm được và sắp đưa bổ sung lên mạng (chú thích của talawas).
Nguồn: Đường Má»›i (Paris) số 2 (1/1984) trang 188 - 192. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện trên cÆ¡ sở bản chụp bản gốc do tác giả gá»­i đến toà soạn.