trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
25.5.2002
Nguyễn Phú Thịnh
Việt Nam - Một thiên đường cho những người đồng tính luyến ái
 
Ai nói những người đồng tính luyến ái bị kỳ thị ở Việt Nam là nói bậy, thậm bậy. Ấy... cứ bình tĩnh... đừng vội cho tôi là nói càn nói láo. Tôi sẽ chứng minh ngay được cái điều này một cách không mấy khó khăn.

Nhiều người ở Sài Gòn hay Hà Nội đã được biết tiếng những cửa hiệu trang điểm, làm đầu hay sơn tỉa móng tay do các thợ Bê đê (pédé) đảm nhiệm. Phải nói là ở trong những tiệm này thợ có vừa làm vừa mắng hay đuổi khách nguây nguẩy thì khách vẫn cứ kéo đến kìn kìn. Tại sao vậy? Vì nhiều người cho rằng, nếu thợ là Bê đê thì đương nhiên là phải thượng thặng rồi. (Của đáng tội thì nhiều người thợ loại này cũng không hề hổ danh với tiếng tăm của họ). Cộng thêm với một chút hiếu kỳ nữa thì không có bất cứ một trở lực nào có thể làm chùn quyết tâm của khách hàng khi đến với những tiệm đó. Và hệ quả của việc này sẽ là như thế nào? Đương nhiên là cũng như tất cả các kiểu mánh mối làm ăn khác ở Việt Nam, lại xuất hiện một loạt các tiệm tương tự mà ở trong đó các thợ có hình thức và phong cách tương đối giống nhau. Liệu cái hình thức và phong cách đó có thể hiện đúng cái thiên hướng dục tính của họ hay không thì tôi không dám chắc, nhưng muốn nói gì thì nói, họ hãnh diện về điều đó và công chúng cũng hâm mộ tay nghề của họ. Có được cái hiện trạng (cứ tạm gọi là đáng mừng) này thì (những người thợ) có lẽ phải cám ơn cái gọi là "cơ chế thị trường" và cái truyền thống tò mò cũng như những cách nhìn đầy định kiến do ông cha ta truyền lại (cho những người khách hàng). Như vậy thì đối với những người thợ Bê đê này quyết không thể nói là họ bị kỳ thị được, nếu không muốn nói là được trọng vọng.

Và sự trọng vọng này có ảnh hưởng đến cái xã hội Việt Nam đương đại như thế nào? Người ta lại có thể viện dẫn đến ý kiến của ông bác sĩ quen biết và khả kính Trần Bồng Sơn. Trong một chuyên đề về đồng tính luyến ái trên An ninh thế giới cuối tháng (số 9, tháng Năm năm 2002) đốc tờ Sơn khẳng định rằng, số lượng những người đồng tính luyến ái dởm ở Việt Nam nhiều hơn là thật. Ông nói:

"Tuy nhiên, ngoài các trường hợp manh tính "bản chất" (trước kia tôi hay gọi là đồng tính ái "xịn") trong đời sống hàng ngày đang hiện diện một "dạng" khác, không những đông gấp nhiều lần hơn, mà lại ngày càng tăng, có lẽ bắt nguồn từ các nguyên nhân tâm lý, "văn xã" hoặc thậm chí giáo dục (!), nhưng dù sao vẫn không phải là sinh học. Nên gọi họ là đồng tính ái hành vi hay cung cách... (thay vì dởm) hầu hết đều thuộc thành phần khá giả, kinh tế thoải mái..." [tất cả các chữ nghiêng, dấu cảm thán và ngoặc đơn ngoặc kép đều là của tờ báo đã dẫn - NPT)

Tại sao nhiều người cứ cố làm giả mình là đồng tính luyến ái, trong khi nhiều người khác lại phải cắn răng âm thầm để che dấu điều đó đi? Đốc tờ Sơn còn đồn đại tiếp rằng: " [...] vẫn thường nghe dư luận đồn đại là trong giới nghệ sĩ trình diễn hiện nay, phải đồng tính ái hoặc chí ít ra cũng cần trang điểm, son phấn, tóc tai... giống phụ nữ, thì mới dễ nổi tiếng (!?), mới mong trở thành "sao" (!?). Không biết có đúng không... " [báo đã dẫn]. Một tác giả của bài báo khác trong chuyên đề đã nêu khẳng định như đinh đóng cột: "Không hẳn tất cả các ca sĩ có đời sống tình dục đồng giới đều là gay chính hiệu. Tỷ lệ giả vờ chiếm 50% trong các anh chàng "xanh đỏ"."

Đấy, thế là tôi đã chứng minh xong. Không thể nói là những người đồng tính luyến ái bị kỳ thị ở Việt Nam được. Chẳng có ai trên đời lại hâm đến mức là đi đóng giả thành loại người bị cả xã hội kỳ thị cả.

Nhưng nếu tôi là người không bao giờ mò đến các tiệm trang điểm, làm đầu hay sơn sửa móng tay, cũng không phải là fan của các nam ca sĩ có giọng hát đầy nữ tính và luôn mặc những bộ quần áo mong mỏng bó sát người thì tôi sẽ có quan điểm như thế nào đối với những người đồng tính luyến ái? Tôi hỏi những người xung quanh về quan điểm của họ. Tất cả họ đều có chung một quan điểm: đều là fans của đốc tờ Sơn. Điều đó hoàn toàn hợp lý thôi, nếu cả nhân loại chỉ có mỗi một người biết hát thì đương nhiên tất cả phải là fans của anh (chị) ta thôi, không thể nào khác được.

Vậy bây giờ lại nẩy ra vấn đề, đó là tại sao chỉ có mỗi đốc tờ Sơn biết hát? Phải chăng là mọi người đều ngọng, hay ít ra là tất cả các đốc tờ khác đều cự tuyệt chuyện hát? Nhưng tại sao lại là như vậy? Tôi đồ chừng là tôi đã nêu một câu hỏi sai. Ngoảnh đầu nhìn lại lịch sử và ngó ra xung quanh thì thấy rằng đất nước nào cũng đã từng và vẫn còn đang phải đối đầu với vấn đề này. Chung quy là chỉ tại xã hội Việt Nam phát triển quá muộn thôi chăng? Cũng như vấn đề sex thôi, một chuyện mà ai cũng làm và ai cũng sung sướng khi làm, nhưng khi nói đến thì bị coi là khiếm nhã, nếu không muốn dùng một từ nặng nề hơn là đồi truỵ? Tôi cơ chừng cũng không phải như vậy.

Dân tộc Việt Nam chẳng đã, đang và sẽ tự hào mình là một dân tộc đầy lòng vị tha là gì? Chúng ta đã từng hàng ngàn năm coi một thế lực là kẻ thù, rồi mấy chục năm sau coi là "hậu phương vững chắc", liền mấy năm tiếp theo thì coi là "kẻ thù nguy hiểm số 1 trước mắt" và bây giờ vẫn thế lực ấy chúng ta lại coi là đồng chí mà có thấy ai ý kiến gì đâu? Và chúng ta chả đã từng nghênh tiếp và bây giờ vẫn coi một kẻ đã từng dội bom lên đầu chúng ta là một người bạn lớn là gì? Vậy vấn đề nằm ở chỗ nào? Tại sao xã hội không thể coi những người đồng tính luyến ái cũng hoàn toàn bình thường và hợp tự nhiên, nhất là họ chưa từng bao giờ đến nỗi là kẻ thù của một ai, cũng chưa từng bao giờ tàn bạo đến mức trút bom lên đầu một ai? Tại sao lại như vậy? Tôi lại một lần nữa đặt câu hỏi sai chăng? Hay là câu trả lời sẽ là, nếu xã hội thay đổi quan điểm với những người đồng tính luyến ái thì cũng chẳng được lợi lộc gì cả? Chỉ trừ khi những người cụ thể nào đó có thể hoá phép mặt mũi bất kể ai (dù ngô nghê đến đâu) thành ra diễn viên điện ảnh, biến các bộ tóc (kể cả những người không có tóc) không chỉ còn là góc mà là cả một phần lớn con người, phù phép cho các móng của nhân loại không chỉ có chức năng bảo vệ đầu ngón tay ngón chân mà còn là đồ trang sức nữa, hay rót những giai điệu ngọt như mía lùi vào tai loài người thì lúc đó họ mới được nhân nhượng?

Ở Việt Nam không có một ai công khai nói với bàn dân thiên hạ rằng mình là đồng tính luyến ái cả. Cũng không hề có những cuộc tuần hành có hàng trăm ngàn người tham gia để đòi quyền bình đẳng. Phần lớn dân chúng chẳng biết những người đồng tính luyến ái đầu cua tai nheo ra làm sao, nếu như họ không chủ động đến những tụ điểm. Phần lớn quan điểm và hình ảnh về những người đồng tính luyến ái chỉ còn có cách là phụ thuộc vào những đốc tờ kiêm quản ca như đốc tờ Sơn thôi. Tôi là tôi đề nghị phải cho đốc tờ Sơn nghỉ hưu. Hoặc nếu ông ta nhất định không chịu về hưu thì chỉ có cách là chúng ta phải hát cùng ông ta, nhưng không cho phép ông ta lấy giọng. Không còn cách nào khác! Nhưng chúng ta nên hát thế nào đây?

Nếu chúng ta coi đồng tính và dị tính đều bình thường và tự nhiên như nhau thì chúng ta cũng nên đối xử với những người đồng tính một cách hoàn toàn bình thường. Nhưng dường như trên thực tế chưa được như vậy. Dư luận hay phân ra làm hai thái cực, hoặc là kỳ thị, hoặc là thương hại. Nếu đã là con người thì ai mà chả có điểm để mà tự trào? Tôi thấy hình ảnh "nàng dâu để ria con kiến" của anh Quốc Việt rất thú vị và cũng rất đúng mực. Thực ra thì thương hại cũng là một hình thái của kỳ thị. Nếu những người đồng tính luyến ái cũng là những con người bình thường thì họ đâu có cần lòng thương hại và sự ban ơn, họ chỉ cần điều duy nhất là đối xử bình đẳng thôi. Cái người đáng thương hại lại chính là những người thương hại họ, thật đáng thương cho cái hiểu biết nông cạn và cái quan niệm hẹp hòi cố chấp của xã hội. Có sao đâu nếu như trong gia đình có một chàng rể thắt đáy lưng ong còn con mắt thì sắc như thể là dao cau?