trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
30.6.2007
 
Vài lời nói đầu của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội cho cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục
 
Các chiến sĩ cộng sản có sứ mạng lịch sử quang vinh đấu tranh giải phóng quần chúng lao động toàn thế giới khỏi mọi áp bức, bóc lột dân tộc và giai cấp. Còn quần chúng lao động thì chỉ có thể thực sự giải phóng và thực sự làm chủ xã hội, giới tự nhiên và ngay chính bản thân mình nếu như họ được giải phóng một cách toàn diện, trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá cùng đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm. Bất cứ giai cấp bóc lột nào cũng đều có ý thức sâu sắc nắm lấy và sử dụng thật khôn khéo, tế nhị, nhuần nhị mọi thứ vũ khí tinh thần, tư tưởng để mê hoặc, làm cho tăm tối, để loè bịp quần chúng lao động, nhằm hỗ trợ đắc lực cho sự củng cố ách áp bức về kinh tế, chính trị, xã hội của chúng. Trong số những vũ khí tinh thần, tư tưởng mà chúng đã và đang dày công sử dụng có vũ khí tôn giáo. Các Mác đã nói một cách hình tượng rất hay rằng: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân". Một khi nhân dân đã "bắt nghiền" thứ thuốc phiện này rồi, thì mọi sự tỉnh táo sáng suốt của con người bị hủy hoại đi một cách ghê gớm. Cũng chính vì vậy, chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa cộng sản đặt ra cho mình sứ mạng khoa học: Phải làm cho quần chúng sáng rõ, kiên quyết từ chối, và nếu như trót mắc "nghiền" thì sớm từ bỏ thứ thuốc phiện quái ác này. Chủ nghĩa vô thần khoa học trong hệ thống học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin có đầy đủ sức mạnh chiến đấu làm tròn nghĩa vụ nói trên. Và chúng ta chỉ có thể thực hiện được một cách đầy đủ chủ nghĩa cộng sản khoa học nếu chiến thắng được triệt để mọi thứ tôn giáo.

Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện chủ nghĩa vô thần khoa học Mác-Lênin trong thực tế của điều kiện lịch sử - cụ thể của Việt Nam hiện nay bằng chính sách tự do tín ngưỡng của mình. Nghĩa là, mỗi công dân Việt Nam đều có quyền tin theo một tín ngưỡng nào đó. Họ lại cũng có quyền đầy đủ nếu muốn vạch trần mọi điều phản khoa học, mọi sự dối trá, lừa bịp của bất kỳ mọi thứ tôn giáo nào. Họ có quyền bài xích tôn giáo đó xuất phát từ tính đặc thù của sự vận động của nhận thức tư tưởng, của hoạt động ý thức con người - một lĩnh vực vốn hết sức tế nhị, phức tạp mà mọi điều cưỡng bức, mệnh lệnh ở đây đều không thể đảm bảo được kết quả mong muốn, sáng sủa, vững chắc. Trận chiến đấu giữa chủ nghĩa duy vật khoa học và chủ nghĩa duy tâm tôn giáo đòi hỏi các chiến sĩ trên mặt trận đó luôn luôn nghiên cứu tìm tòi, học hỏi, nâng cao trình độ tri thức khoa học nhiều mặt, kể cả sự hiểu biết về chính bản thân thứ "thuốc phiện tôn giáo" mà họ có nhiệm vụ phải thường xuyên "phòng bệnh và chữa bệnh" nghiền thứ thuốc hết sức độc hại đó cho quảng đại quần chúng lao động.

Sau khi chúng ta chiến thắng oanh liệt đế quốc Mỹ xâm lược, cả nước được thống nhất lại, cùng nhau đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các thế lực đế quốc xâm lược, các lực lượng phản động, phản cách mạng trên thế giới – trong đó có thế lực duy tâm-tôn giáo thần bí – đã cùng nhau cấu kết lại, tìm mọi cách phá hoại, cản trở toàn diện sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Chúng còn hy vọng cao hơn là làm "biến chất cách mạng" của nhân dân ta. Các thế lực tôn giáo còn thức thời chuyển sang cách hoạt động thích hợp trong tình hình, điều kiện mới – theo như họ đã dặn dò nhau là "chớ có ra mặt phản cách mạng, phản động, thì sẽ bị đàn áp", “nên tập trung chăm lo nắm chắc lĩnh vực thần quyền, lĩnh vực linh hồn của những người dân đang tin theo tôn giáo, sẵn sàng chờ thời cơ". Chính do đó cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa vô thần khoa học hiện nay không phải là đơn giản hơn trước đó. Trong khi đó, để tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở trình độ cao hơn, chúng ta lại phải làm cho đời sống tinh thần tư tưởng, trình độ tri thức của quần chúng lao động được giải phóng sâu sắc, triệt để thêm nữa. Từ đó chúng ta mới có thể huy động họ tốt nhất vào mọi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội khoa học với kết quả mong muốn, vào sự nghiệp nâng cao trình độ văn hoá, khoa học, văn học, nghệ thuật của họ lên cao thêm nữa. Đó là cách chuẩn bị cho họ sẵn sàng đón nhận, đáp ứng mọi yêu cầu mới do cách mạng Việt Nam cùng thời đại mới đặt ra.

Từ những nhiệm vụ chung nói trên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội tự xác định cho mình nhiệm vụ: phải cố gắng cung cấp cho các chiến sĩ đấu tranh vì chủ nghĩa vô thần khoa học những tài liệu khoa học quí, có giá trị, để góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh lâu dài nói trên. Rất may mắn là, đúng lúc đó, Viện nghiên cứu Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam cùng nhà xuất bản chúng tôi đã phát hiện, cho biên dịch một cuốn sách quí Tây Dương Gia Tô bí lục (Ghi chép những chuyện kín đáo của đạo Gia Tô Tây Dương) do các tác giả từ xưa Phạm Ngô Hiên, Nguyễn Hoà Đường, Nguyễn Bá Am, Trần Đình Hiên biên soạn ra bằng chữ Hán, cách đây đã gần hai thế kỷ, (cả bốn tác giả đều sống vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX). Điều vô cùng lý thú là, sách này được biên soạn ra không phải bởi những con người vốn kiên quyết phản đối đạo Gia Tô Tây Dương, mà nó được chính hai vị giám mục Thiên Chúa giáo dòng Tên (Phạm Ngô Hiên, Nguyễn Hoà Đường) biên soạn ra đầu tiên. Đây là những con người đã từng hết lòng tin theo, phụng sự Chúa, phụng sự đạo từ khi còn ít tuổi cho đến lúc cao niên, được phong đến hàm giám mục, cai quản cả một địa phận giáo dân quan trọng (huyện Nam Chân, nay là huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam Ninh). Kế đó lại diễn ra sự gặp gỡ vô cùng thú vị giữa hai vị thầy cả Nguyễn Bá Am, Trần Trình Hiên với hai vị giám mục già nói trên. Hai thầy cả này cũng đều là những con chiên hết sức ngoan đạo. Do thấy hết bản chất thực của đạo giáo mà họ đã tin theo, cùng nhau rời bỏ nó, hợp lực ghi chép ra những nhận xét rất cụ thể, thực tế của những con người "vừa từ trong chăn" Thiên Chúa giáo thoát ra với khoảng trời mở rộng. Những điều ghi chép trước đó của hai vị giám mục già, được hai ông thầy cả tìm đến, xin lại, rồi đúc kết những điều tai nghe, mắt thấy, óc suy nghĩ lại thành một tác phẩm chung, gồm 9 quyển nhỏ, lấy tên là Tây Dương Gia Tô bí lục. Cần phải nói thêm rằng, hai vị giám mục cao tuổi nói trên đã từng đến tận thành La Mã xa xôi, được sống giữa thủ đô của "nước Công giáo thế giới Vaticăng", được vinh dự yết kiến Giáo hoàng, và hiểu đặc ân là được "Người" cho đọc cuốn Gia Tô bí pháp lưu tại thư viện của Giáo hoàng - một cuốn sách theo luật lệ thì chỉ Tổng Giám mục mới được đụng tới. Vì đây là cuốn sách bí mật nhằm dậy mọi bí pháp làm mê hoặc con người, biến họ thành chiên lành, bảo sao nghe vậy. Cái chỗ quí báu của cuốn sách Tây Dương Gia Tô bí lục là ở chỗ này!

Sự gặp gỡ tương đắc giữa hai vị giám mục già với hai thầy cả trẻ hơn là ở chỗ: tuy rằng hai vị sau không được "vinh dự" nhìn tận cái gốc Thiên Chúa giáo, nhưng nhận xét của họ về mặt bản chất, thực chất của đạo Thiên Chúa lại hoàn toàn khớp với hai vị giám mục đã đi trước họ. Điều làm cho họ giác ngộ là ở sự đối chiếu những việc làm thực tế hàng ngày của chính họ trước giáo dân với điều họ đọc lén trong sách "bí pháp" của đấng bề trên. Tính chất đáng tin cậy của một cuốn sách được viết ra bởi những con người vốn sống trong cuộc, nay bằng lý trí của chính mình mà tự giác thấy ra tất cả phũ phàng; của một cuốn sách được viết ra bằng giấy trắng mực đen đúng vào lúc đầu óc, tâm hồn đựơc giải phóng một cách thư thái, đã làm cho sách có sức lý giải, thuyết phục, bóc trần rất mạnh mẽ. Tính chân thật của sách cũng chính là tính khoa học của nó nữa, khiến cho người đọc, người tham khảo nó tâm đắc, thú vị, sảng khoái biết bao.

Cũng phải nói thêm nữa rằng, đây là lần đầu tiên có một cuốn sách đi thẳng vào những mặt bản chất, những vấn đề cơ bản nhất của Thiên Chúa giáo, chứ không phải chỉ đề cập đến khía cạnh "đội lốt Thiên Chúa giáo, phản quốc, hại dân" như nhiều sách đã làm. Mà sách lại được chính những người trong cuộc nói ra. Chính vì vậy mà trong điều kiện lịch sử - cụ thể của đất nước ta hiện nay – Nhà xuất bản chúng tôi thấy chưa thể in cuốn sách này một cách rộng rãi, phát hành công khai trong bạn đọc yêu mến sách khoa học xã hội được. Nhưng nếu vì thế mà lại đi gác nó lại để không biết đến bao giờ mới giới thiệu ra được, thì cũng lại là không đúng với chức năng cung cấp tư liệu nghiên cứu có giá trị, ít nhất là cho một bộ phận bạn đọc nào đó. Cuối cùng Nhà xuất bản chúng tôi chọn hình thức: in cuốn sách này với một số lượng bản nhất định, chỉ "LƯU HÀNH NỘI BỘ" nhằm cung cấp tư liệu khoa học cho các cán bộ, các cơ quan của Đảng và Nhà nước có nhiệm vụ, trách nhiệm nghiên cứu, giảng dậy về chủ nghĩa vô thần khoa học, hoặc có quan hệ trực tiếp đến các vấn đề tôn giáo, các vùng tôn giáo.

Ngoài giá trị tố cáo cụ thể, đáng tin cậy ra, cuốn sách này còn toát lên tinh thần yêu nước nồng nàn, thể hiện một phần giá trị văn học của nó nữa. Các tác giả có lối viết – dù là bằng chữ Hán và cách đây gần hai thế kỷ - tương đối hấp dẫn, sáng sủa, dễ hiểu. Tất nhiên ở đây cần ghi công thêm cho dịch giả Ngô Đức Thọ cùng những người đã tham gia hiệu đính, chú thích việc dịch thuật cuốn sách này nữa.

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xin trân trọng giới thiệu cuốn sách quí này với các cán bộ nghiên cứu triết học, sử học, văn học, ngôn ngữ học, tâm lý học, xã hội học, chủ nghĩa vô thần khoa học v.v..., với các cơ quan của Đảng có trách nhiệm nghiên cứu về tôn giáo ở Việt Nam. Rất mong là nó sẽ hữu ích cho các bạn đọc cá nhân hoặc tập thể. Nhà xuất bản mong mỏi nhận được từ các cá nhân cũng như cơ quan sử dụng cuốn sách này sự giúp đỡ tích cực. Nhà xuất bản chúng tôi giữ đúng tinh thần "lưu hành nội bộ" của nó.

Hà Nội, ngày 26.03.1981

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội
Nguồn: Hẹn thắp lên - Lời chứng hai mÆ°Æ¡i lăm năm 1975-2000, trang 349-353 (Phụ lục I), Trình bày xuất bản, Strassboug – Salt Lake City, 2000. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.