trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 11 / 11 bài
  1 - 11 / 11 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
2.7.2007
Lê Hi
Vài nét về cuộc đời hoạt động của Từ Lâm
 
Đây là sự thật về đời hoạt động của tôi, tôi muốn trình bày lên Đảng những nét sơ lược nhất. Một sự thật chưa hề được nói lên bao giờ hết. Bây giờ tôi đã hơn 70 tuổi rồi, tôi còn mong muốn gì hơn là để Đảng hiểu cho và biết quá trình đó của một người luôn luôn trung thực tin tưởng vào Đảng, chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa cộng sản. Tất cả ưu điểm và khuyết điểm của tôi đều xuất phát từ lợi ích của cách mạng và Đảng thân yêu của chúng ta, một đảng ngày càng vươn lên theo đúng đường lối chủ nghĩa Marx-Lenin và chủ nghĩa quốc tế vô sản mà tôi trân trọng tin yêu.

Tôi, Lã Vĩnh Lợi, tức Lê Hi [Lê Hy] hay Từ Lâm, Hồng Lệ, Anh Linh, Dr. Lee... sinh ngày 22/5/1913 tại Thượng Đồng, nay là xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam Ninh [Nam Định], xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, cha mẹ bị địch tàn sát trong cùng một ngày, năm 1950, tại Thượng Đồng.

Tôi tự học đến bậc tú tài Pháp. Tôi sớm có ý thức chống đế quốc. Từ nhỏ, năm 1929, tôi đã tham gia rải truyền đơn trong học sinh đoàn, và xúc động đến chảy nước mắt khi nghe tin Nguyễn Thái Học và nhiều nhà ái quốc khác bị tử hình tại Yên Bái, và giao du với nhiều nhà cách mạng, như Thái Bá San, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Gy...

Lớn lên, sau khi đi tìm một học thuyết cho bản thân, tôi đã được giác ngộ về chủ ngĩa cộng sản, chủ yếu với cuốn Mermeix [1] , Chủ nghĩa xã hội, những lý lẽ tàn thành và phản đối (Le socialisme, Raisons du pour et du contra) và cuốn Tuyên ngôn Đảng cộng sản (Manifeste du parti communiste) của K. Marx và F. Engels (phụ bản của cuốn sách nói trên). Cuốn sách này hiện còn lưu trữ tại Thư viện Quốc gia. Đồng thời, tôi cũng được giác ngộ về ý nghĩa và vai trò của Liên Xô trong cách mạng. [2] Năm 1936, tôi tham gia Đông Dương Đại hội và phong trào Mặt trận Bình dân (viết và cổ động, đi bán báo Le Travail, Rassemblement, En avant, Notre voise, Thời báo, Thời thế, Tin tức, Đời nay, v.v...), tham gia Ban tổ chức ngày 1/5/1938 tại khu Đấu xảo Hà Nội và phụ trách đoàn phụ nữ chợ Đồng Xuân. Tôi đã dự lớp lý luận do các đồng chí Đặng Xuân Khu (tức hiện nay Trường Chinh) và Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam) giảng tại toà báo Tin tức. [3]

Tôi luôn luôn tham gia các cuộc mít tinh đón Justin Godart [4] , Jules Brévié [5] , v.v... để biểu dương lực lượng quần chúng, và đấu tranh không khoan nhượng hạ uy thế bọn mật thám. Chẳng hạn, một lần, khi tôi ở Nam Bộ [Nam Kỳ] ra, một tên mật thám đón hỏi đòi xem tít (titre d'identité [thẻ căn cước]) của tôi, tôi đã hỏi lại bắt nó trình giấy tờ xem tên tuổi và ảnh của nó, rồi lại mắng nó sao lại làm chuyện vô lý là hỏi tít một người dân Hà Nội đi trong phạm vi Hà Nội và Bắc Kỳ. Tôi cũng tham gia các cuộc đại hội nhà báo, nhà văn, các cuộc họp đại biểu Đông Dương đại hội ở phố Hàng Da. Có lần [tôi] đã bị bắt cùng với các đồng chí Trần Huy Liệu, Tâm Kính và Vũ Văn An, Hà Văn Bính, ra toà xử án.

Thời gian này, để xác định lối viết chữ Quốc ngữ cho chính xác và thống nhất, tôi đã soạn cuốn Việt Nam chính tả tự vị (1937) lần đầu tiên tại Việt Nam. Đến năm 1962, Viện Văn học, dựa trên tác phẩm đó, đã chỉnh đốn lại, do tôi là một tác giả, thành Từ điển chính tả phổ thông, làm cơ sở cho lối viết chính thức của ta hiện nay.

Sau đó, vào Sài Gòn, tôi xin được giấy tính làm bồi tàu tìm đường ra nước ngoài học tập và hoạt động. Trong khi đó, tôi vẫn tham gia thành lập Đoàn Thanh niên Việt Nam [?], viết và cổ động báo Mới, tham gia Ban thường vụ Đoàn Thanh niên Dân chủ Nam kỳ, tham gia chi nhánh Đảng Xã hội Pháp (SFIO), dịch Lịch sử Đảng cộng sản (b) Liên Xô... (định in ra thành tập san lấy tên là Truyền bá...) rồi vào Đảng ngày 1/9/1939. Ngày 29/9/1939, tôi bị bắt trong khi đang ốm, cùng một lượt với nhiều cán bộ công khai khác, bị kết án tại Khám Lớn Sài Gòn và đày ra Côn Đảo cho đến tháng 9/1945... Khi bị bắt, tôi đã tranh luận rất găng với tên cò Tây dẫn tôi đi bệnh viện đa khoa ở đường Bonard.

Ở Khám Lớn, tôi đã liên tiếp mở các lớp huấn luyện, và trực tiếp giảng giải nghị quyết mới của Hội nghị Trung ương [Đảng Cộng sản Đông Dương] lần thứ VI [họp tháng 11/1939] về việc thành lập Mặt trận dân tộc phản đế để thay cho Mặt trận dân chủ. Và nhân đó, khi đi nằm nhà thương Côn Đảo, tôi đã tìm cách phổ biến lại đường lối mới của Đảng cho các đồng chí lãnh đạo Đảng ở đảo lúc bấy giờ (cụ thể là các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Công Miều (tức Lê văn Lương) và Trần Ngọc Danh, thông qua đồng chí Nhượng.

Thời gian ở tù, một mục tiêu lớn của tôi là học như Lenin nói: "Học, học nữa, học mãi". Tôi tìm đọc tất cả các tài liệu bí mật trong tù, cụ thể là về chủ nghĩa Lenin, do Trần Văn Giàu viết, và về Công vận, Nông vận, v.v... Tôi đọc cả các sách của cố đạo cho mượn. Có điều đặc biệt là học chữ Trung Quốc mà ở ngoài tôi cũng định học mà không học được. Có một lần, tình cờ đi nhà thương Chợ Rẫy (hay Chợ Quán, quên mất) tôi được đọc cuốn vở của anh Nguyễn Bảo Toàn, do Phan Văn Huân chú giải tỉ mỉ, tôi liền mượn và học rất hăm hở. Tôi học ngày học đêm, ăn xong là học, khi nào có đèn là học, đến nỗi anh em phải la lên: "Mày học để mà chết à?" Tôi học hết bộ Quốc văn giáo khoa thư, lúc đầu học mấy chữ, sau dần dần, cả trang. Hết bốn tháng là xong. Học hết phần có chú giải thì tôi tự học lấy, chỗ nào bí mới đi hỏi. Đến khi ra Côn Đảo, tôi đã viết kịp đồng chí Xuân, một đồng chí Trung Quốc, viết trên sàn xi măng. Mặt khác, theo lối tấn công của Dimitrov [6] , tôi đã viết nhiều bức thư phản đối lối bắt bớ bất công, giam giữ vô nguyên tắc, đối xử vô nhân đạo vụ các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn... và viết thư về nhà cổ vũ lòng tin tưởng sắt đá vào thắng lợi của cách mạng và chính nghĩa. Cũng có lần tôi nhận được gói quà (tôm khô, mực) ở Côn Đảo không biết của ai gửi tặng, mãi sau mới biết là của chị Nguyễn Thị Năm và anh công nhân Nguyễn Văn Chế.

Một tư tưởng thấu triệt, xuyên suốt thời gian bị tù đầy cực kỳ ác liệt và khổ cực, bị giam cầm đánh đập và vùi dập liên miên là chúng tôi vẫn tin tưởng sắt đá vào Liên Xô, vào thắng lợi cuối cùng của Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống phát xít, chúng tôi cho Liên Xô với chủ nghĩa cộng sản là một. Và niềm tin ấy là nguốn sống còn của chúng tôi qua những thử thách.

Suốt trong thời gian ở tù, tôi luôn luôn được cử làm đại biểu giao dịch với nhà chức trách nhà tù. Nghề làm đại biểu thực ra vinh dự đâu không thấy, nhưng trước tiên giơ đầu chịu báng. Nhưng tôi đã thắng. Tên xếp nhất Khám Lớn Agostini hăm doạ bỏ tôi vào ca sô, sau đã phải xin lỗi, nói: "Chó sủa nhưng chó không cắn". Tên xếp Mathieu đã phải làm thinh trước câu trả lời của tôi: "Đất nước này là của chúng tôi, chúng tôi muốn làm việc lắm, nhưng với chế độ ăn uống thế này, chúng tôi không thể phơi da ở đây mà ra sức làm việc". Hay tên xếp Vidal, sau khi nói chuyện với tôi, đã phải chia căng Ông Hội ra làm đôi, và để tôi phụ trách căng cộng sản. Nhưng tôi đã chịu một tháng nhốt trong banh với hình phạt đeo quả chì lủng lẳng ở chân, và ăn cơm lạt vì tôi rủ tên lính bảo an đi thị sát căng Ông Hội. Tôi còn bị tên gác-điêng [cai ngục] Jacques bắt đứng yên đánh hàng trăm roi song, đánh đến mỏi và chán tay mới thôi, thân hình tôi bị chằng chịt vết thương, máu ra lênh láng khắp người và mặt mũi vì tội lấy san hô làm phấn vào dậy anh em học (việc này có đồng chí Lê Duẩn và nhiều đồng chí khác đứng xếp hàng chứng kiến). Khi ra ngoài làm, tôi làm cặp-rằng [cai/caporal], tức làm trưởng kíp lao động. Đến khi sắp được giải phóng, tôi được Hội đồng Liên hiệp quốc dân toàn đảo bầu làm đại biểu, cùng với Trần Ngọc Danh chuyên giao dịch với chúa đảo. Tại khám 7, banh III Côn Đảo, tôi đã trình bày về thân thế và sự nghiệp của Lenin trước một cuộc mít tinh kỷ niệm. [7] Đề tài sau này tôi viết thành một cuốn sách cũng lấy tên Thân thế và sự nghiệp của Lenin do Nhà xuất bản Phổ thông thuộc Bộ Văn hoá, in năm 1962. Khi có tin một chiếc tàu cập bến ở Cỏ Ống, không biết rõ là tàu của ta hay của địch, tôi được cử làm đại biểu của anh em tù đi ca nô sang, do đồng chí Tôn Đức Thắng lái, thì ra đó là đồng chí Tưởng Dân Bảo, đặc uỷ của Đảng và Chính phủ ra đón. Đến khi trở về đất liền, tôi cùng 12 đồng chí nữa, gồm đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Văn Trí (sau làm thứ trưởng Bộ Nông nghiệp), đi một chiếc ca nô về làm quà tặng Đảng và Chính phủ. Về đến đất liền, tôi tham gia kháng chiến, được bầu làm Uỷ viên kỳ bộ Việt Minh, phụ trách tờ Cứu quốc Nam Bộ.

Đầu năm 1946, tôi sang Thái Lan lập báo Tin Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, tham gia phái đoàn Chính phủ Việt Nam tại Bangkok [Thái Lan], sau làm Quyền chủ tịch phái đoàn và Phó chủ tịch Liên đoàn Đông Nam Á [?]. Việt Nam thông tấn xã Bangkok dần dần đã trở thành trung tâm thực sự đại diện Chính phủ để giải quyết các vấn đề đối ngoại của ta. Tôi được cử tham gia Phái đoàn do đồng chí Phạm Ngọc Thạch dẫn đầu, đi Rangoon [Yangon] dự Quốc khánh Miến Điện [Myamar] lần thứ nhất.

Năm 1948, kể từ ngày tuyên bố độc lập, đây là lần đầu tiên tôi liên lạc được với Đại sứ Liên Xô là Niemchina [8] , và đồng chí đã tạo cho tôi điều kiện qua con đường bí mật Trung Quốc - Liên Xô, do đồng chí Rogoff, Giám đốc hãng TASS [9] ở Thượng Hải, bố trí sang Tiệp Khắc để lập Chi nhánh Việt Nam thông tấn xã tại đó. Về quan hệ này, tôi những mong nó sẽ mở đường cho những mối quan hệ khăng khít sau này giữa Việt Nam và Liên Xô. Tôi đã báo cáo với đồng chí Nguyễn Đức Quỳ - nguyên chủ tịch phái đoàn - về mối quan hệ đó, nhưng đồng chí Nguyễn Đức Quỳ tỏ vẻ không tin và không tán đồng. Vả lại, tôi cũng không tin rằng thời gian đánh điện về nước sẽ có kịp cho chuyến đi khá gấp và đầy bí mật đó. Vì lý do này, tôi quyết định cứ tự ý bỏ nhiệm vụ ở Bangkok đi, rồi lấy kết quả trả lời sau. Thời kỳ này, tôi cũng chịu ảnh hưởng của phong trào chống chủ nghĩa dân tộc Tito [10] , và ảnh hưởng của nhiều đồng chí nước ngoài khác, đặc biệt là của đồng chí Musso, một lãnh tụ cộng sản Indonesia (đã từng ở Liên Xô 20 năm và đã từng gặp Bác Hồ) [11] , của vợ chồng Jame Bakher, hai đồng chí Ấn Độ làm công tác Hội hữu nghị Ấn - Xô, v.v... và, đặc biệt của đồng chí Trần Ngọc Danh, một uỷ viên Trung ương dự khuyết của Đảng ta, em ruột đồng chí Trần Phú và đã từng học tại Liên Xô. Tôi cùng đồng chí Danh đã đi sâu nghiên cứu lại chủ nghĩa Marx-Lenin, đọc các sách lý luận, nhất là [các] cuốn Làm gì?, Một bước tiến hai bước lùi, Hai sách lược, Bệnh ấu trĩ (tả khuynh) của phong trào cộng sản, Sơ thảo luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa (Viết cho đại hội II Quốc tế cộng sản) v.v… của Lenin. Và đối chiếu với thực tế và các văn kiện của ta, chúng tôi tin là có đầy đủ cơ sở để đánh giá chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, nên chúng tôi dịch các bản sơ thảo văn kiện Đại hội II [12] của Đảng trình lên đồng chí Stalin và Kominform [13] , để mong được sự giúp đỡ, uốn nắn kịp thời. [14]

Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại một chi tiết có liên quan đến việc này. Lúc đó, Hoàng Văn Hoan, nhân danh Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng và đại biểu chính phủ tại tại Praha, sau một cuộc tranh luận khá gay gắt với đồng chí Danh và tôi, có tuyên bố với tôi rằng: “Tôi nói để các anh biết, tôi còn Mác-xít hơn các anh nhiều.”

Năm 1950, cùng với đồng chí Danh, chúng tôi về nước và chủ yếu vì những lý do “đào nhiệm, phê bình vô nguyên tắc đối với Trung ương”, đã bị khai trừ khỏi Đảng, do cuộc họp có các đồng chí Trường Chinh chủ trì, Hoàng Quốc Việt báo cáo viên, Lê Văn Lương, Trần Quang Huy, Lê Khắc, Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Minh làm uỷ viên.

Năm 1951, tôi được điều về công tác [tại] Tiểu ban Biên tập thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương (tiền thân của Nhà xuất bản Sự thật), sau về tiếp quản Hà Nội, tôi phụ trách Thư viện Trung ương (nay là thư viện Quốc gia) rồi đi Cải cách Ruộng đất trong hai năm. Năm 1956, tôi lại về công tác tại [NXB] Sự thật, làm trưởng phòng phụ trách việc dịch sách lý luận kinh điển Marx-Lenin và chủ nghĩa Quốc tế Vô sản. Thời gian này, có điều đáng chú ý là qua việc dịch và duyệt các tài liệu của Marx-Engels-Lenin, nhân đó mà được rèn luyện thêm về hệ tư tưởng Marx-Lenin và chủ nghĩa Quốc tế Vô sản. Tôi luôn luôn nhắc nhở cán bộ phòng Kinh điển phải nhớ “mình có vinh dự làm thông ngôn cho các nhà kinh điển với nhân dân Việt Nam nên dịch sách phải diễn đạt hết sức Việt Nam”, do đó mà cũng có ảnh hưởng lớn đối với văn dịch. Và chính tôi đã hiệu đính, hoặc trực tiếp dịch đa số các tác phẩm lớn trong Toàn tập Lenin hiện nay.

Đặc biệt, ở đây cần nhấn mạnh điểm này, việc hiệu đính ở [NXB] Sự thật, từng chữ, từng câu bản dịch của Nguyễn Văn Trí về cuốn "Làm gì" của Lenin đã giúp tôi rất nhiều để hiểu rõ thế nào là hệ tư tưởng Marx-Lenin (idéologie marxiste - léniniste), hệ tư tưởng đó tuyệt đối cần thiết cho mọi người cộng sản như thế nào và phân biệt được sự rèn luyện hệ tư tưởng (formation idéologique) khác với rèn luyện lý luận (formation théorique) và rèn luyện chính trị (formation politique) như thế nào. Đồng thời, việc Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1956 vạch trần tệ sùng bái cá nhân của Stalin cũng đã giúp tôi thấm sâu thêm về điều đó rất nhiều.

Năm 1962, do bức thư của đồng chí Tổng Bí thư [Bí thư thứ nhất, Lê Duẩn], tôi được Ban Tổ chức Trung ương cho biết phải làm bản kiểm điểm để kết nạp lại Đảng (Thư số 736-TC.TW). Nhưng lúc đó, sự bất đồng giữa Trung Quốc và Liên Xô có cơ ảnh hưởng lớn đến Đảng ta, tôi nghiên cứu kỹ tình hình rồi đứng hẳn về quan điểm Liên Xô, mà không chú ý gì đến đề nghị nói trên của Ban Tổ chức Trung ương nữa. Khi hội nghị Trung ương lần thứ chín, khoá III họp, tôi đã viết thư lên can ngăn Trung ương không nên ngả theo Trung Quốc. Đồng thời tôi cũng trao đổi ý kiến với nhiều anh em khác và đến thẳng cơ quan Thông tấn xã Liên Xô, yêu cầu đồng chí Arsenev phân công cho tôi dịch những tài liệu chống đường lối của Trung Quốc (lúc đó Trung ương ta chưa có thông tri cấm liên hệ với các cơ quan nước ngoài). Và khi học tập Nghị quyết 9, tôi đã cương quyết xin bảo lưu ý kiến của tôi không tán thành nhận định của Trung ương ta cho Liên Xô là xét lại. Và đề nghị Trung ương ta khi nhận xét một vấn đề gì nên chú ý đến những lời phản bác hơn là những lời tán thành.

Năm 1968, tôi bị bắt cùng một loạt cán bộ khác. Sau một năm bị giam, khi được về, tôi bị tước hết chức vụ, quyền lợi và lương bổng, chỉ được hưởng một khoản trợ cấp hàng tháng của Đảng là 40 đồng (sau tăng lên gấp đôi), với tem phiếu nhân dân, không có tiêu chuẩn bệnh viện như cán bộ. Khoản trợ cấp trên, thực ra là không đủ, vì một cán bộ sơ cấp sống hàng tháng phải mất 300 hay 400 đồng (với tem phiếu cán bộ và chế độ bệnh viện Việt Xô, mới tạm đủ) [15] . Tuy thế, khi được giới thiệu làm cộng tác viên cho Viện Ngôn ngữ và Viện Thông tin Khoa học Xã hội, tôi vẫn hoàn thành được (đến tháng 5/1980) 13 bộ sách, dày tới 5 vạn trang, và hàng trăm bài báo và tạp chí, trong đó có Nhật Ký Diên An của P. P. Vladimirov [16] .

Tới nay, với việc ta phê phán chủ nghĩa Mao và việc ta ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác với Liên Xô (1979), tình hình đã rõ ràng: Trung Quốc là sai, Liên Xô là đúng, đường lối của hệ thống xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng và thành công. Nhưng Trung ương vẫn không giải quyết gì cả. Thậm chí cũng không trả lời một bức thư nào tôi đã gửi lên. Trong đó có bức thư bảo đảm gửi đồng chí Lê Đức Thọ, ngày 25/5/1980 nói: "Từ 12 năm nay, tôi đã bị xử trí như thế là quá đáng và quá lâu rồi. Tình hình nay đã rõ trắng đen và đã đi vào lịch sử. Sai đúng trong hoạt động cách mạng là lẽ thường và đương nhiên. Cái chính là tinh thần phục vụ và trung thực đối với Cách mạng. Tôi mong Trung ương xét lại cho, vì lợi ích của Cách mạng, vì uy tín của Đảng, vì sinh mệnh của cán bộ, vì tương lai của các cháu. Tôi không muốn trước khi nhắm mắt mà còn có gì vướng mắc với Đảng, với các đồng chí thân mến đã gắn bó với tôi cả cuộc đời để đấu tranh cho lý tưởng chủ nghĩa cộng sản quang vinh; rồi đề nghị cho tôi chế độ "hưu". Và gần đây, sau khi được mời đi trong đoàn cán bộ tham quan Côn Đảo, tôi lại viết lên đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ngày 30/8/1983 (?), yêu cầu cho tôi chế độ hưu trí, cũng không được trả lời.

Tóm lại, đây là một bản tiểu sử hết sức vắn tắt và thành thật, khách quan, có thế nào nói thế, của một người cộng sản quốc tế chủ nghĩa, chuẩn bị qua đời và không có quyền lợi nào khác ngoài sự thật và lợi ích của giai cấp vô sản và nhân dân lao động - để lại cho người sau. Chỉ tiếc rằng tôi không thể sống mãi chờ ngày thắng lợi nhất định sẽ đến, đưa Tổ quốc và nhân dân ta đến chỗ ấm no, đầy đủ, dân chủ và hạnh phúc, thật sự xã hội chủ nghĩa.

Nhân đây, tôi xin trân trọng cám ơn vợ con, con ruột, con kết nghĩa, dâu rể, anh chị em và bạn bè xa gần về mọi thịnh tình nâng đỡ, về vật chất và tinh thần, không có nó, thì không có cuộc sống của tôi cho tới ngày nay. Và có thể nói, chừng nào tôi còn sống, tôi vẫn là con đẻ của tình thương yêu bao la và bất diệt đó.

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 1983
Lã Vĩnh Lợi [17]
91 phố Tuệ Tĩnh, Hà Nội

© 2007 talawas


[1]Gabriel Terrail dit "Mermeix" (1859-1930), nhà văn, nhà báo, chính khách Pháp. (?) BT
[2]Thực ra, sự giác ngộ của tôi lúc bấy giờ là yêu nước, muốn đập tan chủ nghĩa đế quốc, mưu cầu độc lập cho Tổ quốc và thiết lập một chế độ cộng sản chủ nghĩa mà chủ yếu là dân chủ, còn về Liên Xô, cũng chỉ hiểu một cách chung chung như một cái gì giống như một thiên đường, tốt đẹp, tân thiện, tân mỹ và vô địch, mà ta phải làm theo, chứ chưa hiểu được nó cũng còn có nhiều khó khăn và hạn chế, thực tế cần phải khắc phục.
[3]Lúc này học, thực ra, cũng là học chủ yếu, theo cuốn Nguyên lý chủ nghĩa Lênin của Stalin và mấy cuốn ABC du Marxisme cuốn Sách giáo khoa chính trị kinh tế học của Lapidus và Ostrovitianov và không đề cập gì đến tại sao mình không đề ra vấn đề chống đế quốc, lật đổ chủ nghĩa đế quốc mà chỉ chống phát xít, đòi dân chủ như Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản đề ra. Và người học cũng không dám đưa ra những thắc mắc cần thiết.
[4](1871-1956). Ngày 1/1/1937, là phái viên chính phủ Pháp đến Sài Gòn để điều tra tình hình lao động Đông Dương. BT
[5]Joseph Jules Brévié (1880-1964) Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 14 tháng 1, 1937 – 19 tháng 5, 1940. BT
[6]Georgi Dimitrov Mikhailov (1882-1949) lãnh tụ cộng sản Bulgaria, Tổng thư ký Quốc tế Cộng sản từ 1934 đến khi kết thúc (1943). Nổi tiếng tại Tòa án Leipzig của Đức Quốc xã năm 1933. BT
[7]Trình bày lúc đó, thực ra là lem nhem, nhớ thế nào nói thế. Mãi đến 1962, tôi mới có điều kiện nghiên cứu kỹ.
[8]Serge Niemchine, trưởng phòng lãnh sự Liên Xô tại Bangkok. (theo Christopher E. Goscha). BT
[9]Telegrafnoe Agentstvo Sovetskogo Soyuza (1925-1992) Hãng thông tấn chính thức của Liên Xô. BT
[10]Năm 1948, nước Nam Tư của J. Tito ly khai Stalin. BT
[11]Musso (1897 – 31 tháng Mười, 1948) lãnh tụ Đảng Cộng sản Indonesia (PKI) từ thập niên 1920 và trong cuộc nổi dậy ở Madiun năm 1948. Tháng 11.1926, PKI nổi dậy ở vài thành phố bao gồm Batavia (bây giờ là Jakarta), nhưng đã bị Hà Lan bẻ gãy. Musso bị bắt nhưng sau đó đã đến Moskva. Ngày 11 tháng Tám 1948, Musso quay lại Indonesia ở Yogyakarta. Ngày 18 tháng Chín, nước “Cộng hòa Xô viết Indonesia" được loan báo tại Madiun thuộc Đông Java với Musso là tổng thống và Amir Sjarifuddin là thủ tướng. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy đã bị quân đội Cộng hoà Indonesia đập tan. Musso bị giết ngày 31 tháng Mười. (http://en.wikipedia.org/wiki/Musso) BT
[12]Lê Hi ở nước ngoài một thời gian dài trước đại hội II (thành lập Đản Lao động Việt Nam, năm 1951). Với nhân thân của Lê Hi từ năm 1948 và điều kiện thông tin lúc bấy giờ, không rõ làm sao Lê Hi có được các tài liệu này? BT
[13]Phòng thông tin Quốc tế Cộng sản được thành lập thay thế Quốc tế Cộng sản giải tán năm 1943. BT
[14]Về Trần Ngọc Danh và hoạt động của Trần Ngọc Danh – Lê Hi, xem thêm: Christopher E. Goscha, “Tai bay vạ gió” trong ngoại giao? Những nỗi truân chuyên của Việt Nam trên con đường hội nhập Phong trào Quốc tế Cộng sản (1945–1950), Ðông Hiến dịch, talawas 13.02.2007. BT
[15]Trước 1975, ở miền Bắc Việt Nam, nếu hàng tháng có 300-400đ thì một gia đình 4-6 người có thể sống sung túc. BT
[16]P. P. Vlađimirôp, Nhật ký Diên An đặc khu ở Trung Quốc 1942-1945, In lần 2, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, T.1 1981, T.2 1983. BT
[17]Tác giả đã mất năm 1994.