trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
4.7.2007
Y Uyên
Chiếc xương lá mục
(tập truyện ngắn)
 1   2   3   4   5   6 
 
Mục lục
  • Giới thiệu Y Uyên và tác phẩm Chiếc xương lá mục
  • Dáng thú
  • Chiếc xương lá mục
  • Niềm vui xa gần
  • Ước muốn nhỏ nhoi của Hà
  • Có mùa hoa nào lấy vợ
  • Cao nhất

Vài dòng về tác giả

Y Uyên tên thật là Nguyễn Văn Uy, sinh ngày 6 tháng 8 năm 1943, tại làng Dục Nội, quận Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, Bắc Việt.

Di cư vào Nam, anh theo học trường Sư phạm Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ra dạy tại Tuy Hoà.

Nhập ngũ khoá 27 Trường Võ bị Thủ Đức, mãn khoá, thuyên chuyển đi đóng đồn Nora tại Phan Thiết. Không bao lâu sau, anh bỏ mình trong một trận phục kích bên một dòng suối gần chân núi Tà Lơn, ngày 8 tháng 1 năm 1969.

Muốn biết rõ hơn về thân thế cùng văn nghiệp tác giả, xin coi bán nguyệt san Văn, số 129, ngày 1.5.1969.


Về tác phẩm

Nhân giáp ngày giỗ Y Uyên, chúng tôi cho ấn hành tập truyện cuối cùng của anh, gọi là thắp nén tâm hương tưởng niệm người đã khuất.

Ngoài những đoản thiên sau đây, Y Uyên còn có một số đoản văn khác mà các bạn thân của anh cho biết đã có được trích từ một truyện dài viết dở dang. Những đoản văn đó, chúng tôi ước mong sẽ in chung với tập truyện Quê nhà khi hoàn cảnh thuận tiện cho phép chúng tôi tái bản tác phẩm cũ, nay đã tuyệt bản.

Sài Gòn, tháng 12 năm 1970

Trần Phong Giao


*


Dáng thú

Lưng khom dáng thú, bụng phơi hình người
Viên Linh

Tiệm ăn ở trên một gò đất cao cây cối xum xuê sát bên con đường chạy xuống tỉnh. Trời nắng, trong suốt và hơi lạnh. Những bụi tre bao quanh tiệm ăn sau những ngày giá rét trở thành màu đỏ úa, cành lá xoăn xeo. Tiệm là một căn nhà ba gian lợp lá, phía trước có một giàn dưa tây đã khô chết. Ở ngay trên hiên, phía đầu nhà là một cái giếng thành xi măng cao có trục quay kéo nước. Từ ngoài đi vào, gian đầu là chỗ mọi người ăn uống, gian giữa, chỗ ở của vợ chồng chủ tiệm, gian cuối, chỗ chứa gái điếm cửa đóng thường xuyên. Máy ra-dô mở lớn. Tiếng cười nói ồn ào. Khách đa số là người trong quận. Chủ tiệm đang đắc ý kể chuyện. Hồi hôm một bọn lính biết con Hoàng Mai ngủ ở đây, gõ cửa nhiều lượt, một mực đòi xét sổ gia đình. Lúc đầu, chủ tiệm còn chối, sau hắn liều, cười nhạt nói Hoàng Mai đang ngủ với một trung uý biệt động, muốn vô cứ vô. Bọn lính nghe nói hoảng hồn làm bộ dậm doạ một lát rồi rút êm. Chị Tấm đã ăn xong, kêu nước uống rồi trả tiền, kéo cô Khê ra ngoài hiên.

"Ngồi đây chờ chút nữa coi. Trong đó nhức đầu quá".

Cô Khê đặt cái túi xách tay xuống, dựa chiếc gậy vào vách tường, ngồi xuống bên chị Tấm. Cô hỏi:

"Như có mùi bông vạn thọ đâu đây?"

Chị Tấm nhìn những chậu thược dược, vạn thọ dưới giàn cây khô.

"Ở mấy cái chậu dưới giàn".

Chị nói:

"Lâu không đi xa, cẳng đã thấy nhức".

Cô Khê cười mơ hồ nói tiếp như sợ làm phiền chị Tấm:

"Nghỉ một lát, chắc lại đi ngon lành".

"Một giờ nữa, không có ai đi, cũng đi. Vài giờ nữa ngưng chiến rồi… gắng về tới nhà tối nay".

Cô Khê yên lặng cúi nắn hai bụng chân. Chị Tấm lại giếng kéo một gầu nước vã lên mặt. Dưới mái hiên trước cửa gian nhà cửa đóng kín, một người đàn ông mũ vải che mặt nằm trên cái võng giăng giữa hai cây cột. Trong tiệm có tiếng một người say đòi uống thêm rượu. Tiếng chửi thề và tiếng cười như hét. Một chiếc xe ngựa dừng dưới đường cho mấy người đàn bà gánh đồ xuống. Chị Tấm nhìn ra cánh đồng dưới kia. Qua cánh đồng, vượt qua cây cầu bằng những phên thép đan vào nhau tới chỗ cái đầu xe lửa bên kia bờ sông là bắt đầu tới vùng xảy ra trận đánh kéo dài ba ngày vừa mới chấm dứt. Rừng cây nhỏ ở đó nghe nói bị rắc thuốc khai quang chỉ còn những cành khô.

Mấy người đàn bà gánh đồ đã lên tới con đường dẫn lên gò, tản mát ở chỗ ngã ba, khuất vào những bụi tre, những mái nhà tranh xám thấp. Một người đàn ông vận quần xà lỏn, mặt đỏ gay từ trong tiệm chệnh choạng bước ra kéo nước vục đầu vào gầu cho tỉnh rượu. Anh ta lấy vạt áo lau mặt, dựa vào thành giếng, gạt mớ tóc xoã, hỏi chị Tấm:

"Mấy chị đi đâu giờ còn ở đây?"

Chị Tấm nói miễn cưỡng:

"Chúng tôi về tỉnh".

Người đàn ông bật cười ngạo cợt "Về tỉnh, về tỉnh" rồi trỏ lại chỗ chiếc võng:

"Kêu anh đó dậy cùng về cho vui".

Chị Tấm sầm mặt quay đi. Người đàn ông cười lớn tiếng bỏ vào trong tiệm. Cô Khê nói:

"Xuống dưới gò chờ vậy chị?"

Chị Tấm lắc đầu:

"Đã đi xa còn ngồi phơi nắng, chịu sao nổi".

Chị Tấm lấy một lọ dầu bạc hà trong túi mở nút quệt bôi quanh cổ và hai thái dương.

"Cho em một chút".

Cô Khê buộc lại tấm khăn trắng chít trên đầu để lộ hai thái dương cho chị Tấm bôi dầu. Ở chiếc võng, người đàn ông nhỏm dậy. Qua chỗ hai người ngồi, anh ta dừng lại tò mò nhìn như muốn hỏi han rồi bỏ vào trong tiệm.

Trong tiệm ra-dô đã tắt. Mấy người say đang đờn và ca vọng cổ. Người đàn ông tần ngần đứng ngó một lát rồi bước vào khung cửa thông với gian nhà dưới. Chủ tiệm đang bày bàn thờ, thấy anh ta, cười hỏi:

"Tính ăn tết ở đây sao bây giờ còn luẩn quẩn chưa về?"

Người đàn ông không trả lời, đẩy cánh cửa sang gian chứa gái. Một người lái buôn ngồi ở cái giường bỏ trống than mất tiền quá uổng. Con nhỏ như trinh nữ.

"Tính vô xả xui đó sao?"

Anh ta hỏi. Người đàn ông gượng gạo:

"Ờ… xả xui…"

Một gã cao lênh khênh đi tiểu ở ngoài vào, mặt nhăn nhó coi bộ đau đớn, kéo người lái buôn ra ngoài nhà uống rượu xả xui. Người đàn ông đứng giữa nhà nhìn theo. Anh ta móc bóp lật lật mấy ngăn tìm kiếm. Cho bóp vào túi, anh ta lại cái giường có buông mùng, vạch mùng nhìn vô, giường trống trơn. Còn đang phân vân, anh ta chợt để ý đến tấm phen ở vách tường đang động đậy. Tấm phên bị đẩy mạnh sang một bên, một gã mặt rỗ to lớn từ cái buồng nhỏ sau vách khom khom chui ra, lòng ôm một đống quần áo, trán lấm tấm mồ hôi.

"Phải đứng sau một tiểu đoàn Mỹ đen chắc mới hạ nổi con nhỏ".

Gã than thở. Người đàn ông chờ cho gã ra ngoài tiệm mới chui vào cái cửa giữa vách. Cái buồng ép sau vách hẹp và tối. Có một đứa con gái áo trắng ngồi trên giường. Người đàn ông bước lại ngồi xuống bên vòng tay ôm lưng nó. Đứa con gái nhỏ nhắn, cúi gầm mặt. Người đàn ông nói:

"Tôi vừa mất cả đàn bò… Có thích nuôi bò không?"

Đứa con gái hứ hự trong cổ, không ngửng lên cũng không nói. Người đàn ông hỏi:

"Không thương tôi sao?"

"Kỳ quá!" Tiếng đứa con gái nhỏ nhẹ bẽn lẽn. Người đàn ông cười lửng lơ. Lúc nằm, đứa con gái hỏi cho có chuyện:

"Tên gì?"

"Tên Mậu".

Khi lom khom chui ra gian nhà ngoài, người đàn ông nghe tiếng đứa con gái cười nho nhỏ phía sau và tiếng "Anh Mậu, anh Mậu" thì thầm như một lời hát nghèo nàn trẻ con. Người đàn ông ra ngoài tiệm kêu một chai la-de, uống chậm chạp. Có tiếng người chủ tiệm nói giỡn:

"Có về, cho hai cô ngoài kia về theo cho vui".

Người đàn ông "Ờ… về chớ" và kêu thêm một chai la-de khác. Anh ta lẩm bẩm trong miệng, nhớ tới đứa con gái cởi hết quần áo còn ngồi bưng lấy mặt. Nó nhỏ nhẹ quá. Nó ngồi hoài trong cái buồng tối đó kêu tên từng người đàn ông uổng tiền vì nỗi nhỏ bé của nó. Mọi cái xui vẫn do cái xui mất đàn bò gây ra. Anh ta nghĩ vậy. Về hay ở cũng bứt rứt như nhau. Chỉ có rừng cây khô mới không làm anh quấy quá nghĩ tới những chỗ khác. Phải về đó một lần nữa. Đàn bò trong những lúc đột ngột nhớ tới vẫn là đàn bò trong rừng cây khô.

Anh ta ra khỏi tiệm, lại giếng múc nước rửa mặt. Hai người đàn bà vẫn còn ngồi đó. Anh ta hỏi:

"Mấy chị muốn về tỉnh?"

Chị Tấm hỏi lại:

"Ông cũng về?"

Anh ta cười, vẩy những giọt nước trên tay lên giàn cây khô.

"Tôi chỉ đi tới rừng cây khô".

Chị Tấm tò mò nhìn anh ta thấy có vẻ thật thà. Cô Khê nói:

"Cứ đi. Giữa đường biết đâu chẳng gặp thêm người. Chờ hoài tối lúc nào không hay".

Người đàn ông nói chị Tấm sửa soạn chờ anh ta vào lấy gói thuốc rồi đi. Lúc ba người xuống tới chân gò, trời đã muốn đứng bóng. Người đàn ông bảo cô Khê đưa cái túi anh ta xách giúp. Chị Tấm gợi chuyện. Người đàn ông nói:

"Tôi vừa mất cả đàn bò… Chị có thích nuôi bò không?"

Chị Tấm cười, gật đầu. Người đàn ông nom vạm vỡ nhưng vẻ mặt rụt rè, nhiều lúc ngẩn ngơ. Chắc anh ta buôn bò ở những vùng mất an ninh về bán, nhưng chị chỉ hỏi dè dặt. Cô Khê không nom thấy đường, bước chậm nhưng chắc chắn. Lâu lâu cô mới nói một câu, tay trái không rời tay chị Tấm. Cô biết mình làm phiền chị Tấm nhiều. Và lần này chắc là lần chót. Về tỉnh cô sẽ đến người chị họ, đi coi bói kiếm ăn. Từ lúc toà nhà bị sập, cha cô chết, mọi việc trong nhà chị Tấm lo hết. Người chồng già của chị Tấm khi bỏ toà nhà cho chị và cha cô trông coi, lên ở luôn với mấy người vợ trên cao nguyên chắc đã đoán trước được lúc này. Mấy ngày vừa rồi, chị Tấm có vẻ bận rộn tuy không hề tha thiết tới những thứ ở đây. Cô Khê thường nói tiếp câu chuyện cho chính mình nghe những lúc chị đột ngột bỏ lên căn phòng còn lại của toà nhà. Cô Khê nói để được nghe và nghĩ về mình. Cô nhớ những ngày lớn lên, mắt mang tật, vận áo dài ngồi coi bói cho mọi người. Trong xã, những ngày giỗ kỵ, ngày tết, vào dịp họp mặt với bà con, người ta thường mời cô vào nhà quây quanh hỏi chuyện. Những bộ mặt cô quen hoặc lạ tạo quanh cô một vòng ấm áp và vui. Nghe cô, mọi người như đang làm một cuộc tìm kiếm ít nhiều náo nức đó, cô đều có mặt. Cô không còn tật nguyền. Cô lang thang dẫn họ đi những con đường bất ngờ cả với cô. Những bộ mặt đã giúp cô sống trên những con đường sáng láng đó, giờ cô thấy nhớ. Ánh sáng trong cô như thực sự mất dần từ khi những bộ mặt quanh cô bắt đầu tản mát. Cô cần phải về tỉnh. Cô sẽ ngồi ở cửa một phòng ngủ chẳng hạn, cầm tay những người gái điếm áo xanh áo đỏ và bắt đầu những chuyến đi trên những con đường sáng láng.

Chị Tấm đi bên cô có vẻ mau mệt vì phải bước chậm và dắt mình hơn vì đã qua một quãng đường dài từ đêm trước tới giờ. Tay chị có lúc như ướt. Người đàn ông nói muốn thế chị dắt cô Khê một khúc nhưng chị từ chối. Trời có vẻ nóng.

"Tới chỗ đầu xe lửa có khi gặp người đi xuống".

Người đàn ông nói:

"Ở đó có một làng nhỏ nhưng không chắc còn người ở đó. Trận đánh vừa rồi gỗ đá cũng hãi nói chi người".

Giọng chị Tấm nghe có hơi thở. Người đàn ông chốc chốc lại nhìn lén chị. Chị có vẻ đẹp thiệt sáng. Mớ vải vóc bao bọc người chị thiệt mềm mại. Càng đi anh ta càng có vẻ dạn dĩ. Có lúc anh khôi hài, anh chưa có vợ, chỉ thích lùa bò. Chị Tấm cũng cười nói cho quên mệt. Chị nói về ở với cha mẹ, chằng tiếc gì toà nhà đổ nát. Nhưng đêm qua lúc bước ra khỏi cổng cũng thấy buồn, mới nhớ ra mình đã ngớ ngẩn thắp cả chục mẩu bạch lạp trong căn phòng đã sụp một góc, ra tới cánh đồng nhìn về vẫn thấy mấy lỗ đạn trên tường sáng le lói. Lúc mọi người bắt đầu thấy xung quanh đột ngột vắng vẻ là lúc nhìn trở lại, quận lỵ phía sau thu nhỏ lại ở cuối đường. Người đàn ông phàn nàn đám dân ở quận tò mò và xấu bụng. Họ vây lấy anh nghe kể lại trận đánh và sau đó cười nhạo đàn bò của anh.

"Kiếm lại được đàn bò, cho ăn vàng ăn bạc tôi cũng không thèm trở lại đó nữa".

Chị Tấm bảo cô Khê:

"Cô bói giùm ông đây xem đàn bò ở đâu?"

Cô Khê cười mơ hồ không nói. Chị Tấm cười:

"Có khi đàn bò chạy về với chủ cũ cũng nên?"

Người đàn ông lắc đầu:

"Không có. Mắt tôi nom thấy chạy vào rừng cây khô mà".

Thấy anh ta lại có vẻ băn khoăn ngơ ngẩn, chị Tấm nói lảng sang chuyện khác. Đôi mắt mất ngủ của anh ta đỏ và ướt ở đuôi. Chiếc mũ vải rộng vành đội trễ nải. Cụm tóc phía trước xoã xuống cái trán ngắn gồ cao. Lần đầu tiên chị Tấm thấy mình nhìn kỹ một người đàn ông. Đời chị như vất vả nhiều với hai người đàn ông lúc đầu không nom rõ mặt. Người chồng đầu, mãi ngày ăn hỏi chị cũng chỉ mới mờ mờ hình ảnh trong đầu. Tới hôm cưới, khi vận áo mới leo qua những động cát bị bão cuốn tới cản trên đường, chị mới dám lén nhìn mặt chồng. Chị nhìn để so sánh với người học trò nghèo đã quả quyết nặng tình với chị đến những động cát cũng động tâm dắt díu nhau ra chắn lối chị đi lấy chồng. Người chồng thứ hai, khi về tới ngôi nhà cổ chị mới nom rõ. Những ngày trước đó, chị chỉ nghe nói nhiều tới toà nhà, tới vườn cây. Cha chị như chỉ cần biết có bấy nhiêu. Về sau, khi rõ người đàn ông chỉ cốt lấy chị về để trông giữ cho ông ta toà nhà đã dạm bán không ai mua, cha chị nổi giận thì chị bắt đầu quen với vẻ hiu quạnh của toà nhà. Người đàn ông đã bỏ đi vội vã. Chị quanh quẩn trong toà nhà với những cầu thang, những hành lang và những gốc cây. Chị đã tái giá với những bất động sản. Bây giờ những thứ đó đã bị bom đạn giết chết. Căn phòng sụp một góc còn sót lại chẳng thể giữ chị lâu hơn một lúc ngơ ngẩn thắp hơn chục mẩu bạch lạp cắm rải rác trong đêm bỏ đi.

Qua khỏi cánh đồng, vượt hết một gò cát, ba người xuống tới Bãi Nhà Máy. Con đường lớn với những hố những mô đất nom như một vệt xám nhỏ. Người đàn ông trỏ một ngôi miễu ở giữa bãi:

"Tới đó nghỉ một lát. Hai chị coi bộ đã mệt".

Bãi bằng phẳng toàn cỏ cằn cỗi. Qua một cống nước, chị Tấm xuống múc một nón cho mấy người uống. Trời bắt đầu có gió. Ngồi trước miễu, chị Tấm lo ngại bảo cô Khê:

"Tới chừng gió lạnh mà vẫn chưa qua được rừng cây khô, khó mà về tới nhà đêm nay".

Người đàn ông châm một điếu thuốc, nhìn chị Tấm, suy nghĩ. Chị Tấm hỏi:

"Nếu không thấy đàn bò, ông trở lại trên quận?"

Câu hỏi có vẻ bất ngờ làm người đàn ông bối rối. Anh ta ngập ngừng:

"Tôi cũng không biết nữa".

Chị Tấm ái ngại không biết an ủi anh ta cách sao. Thiếu đàn bò, anh ta như không tính toán được gì. Nhà anh ta như không ở đầu con đường hay cuối con đường. Mà ở nơi có đàn bò chạy súng lang thang gậm cỏ. Niềm vui anh không có mặt người. Nhưng bừa bộn dáng thú. Những cười cười nói nói của anh như những bất ngờ ở ngoài rừng cây khô và những sừng bò lấp ló. Chị Tấm ngập ngừng:

"Mấy ngày rồi… có thấy đã thấy rồi…"

Người đàn ông tò mò nhìn chị như thấy có sự khác lạ. Vẻ chú ý, lanh lẹn của anh thiệt đột ngột. Rồi anh lại trề môi ngẩn mặt với điếu thuốc cháy âm thầm trên tay. Những ngọn cỏ lớp lớp rung rung dưới nắng. Cô Khê đứng dậy giục đi. Vào lúc bất ngờ nhất, người đàn ông chụp lấy tay chị Tấm. Chị Tấm kinh ngạc giật tay ra hoảng hốt. Người đàn ông ngước mặt nhìn chị, chỉ cô Khê, ý khẩn khoản bảo chị chớ la. Chị Tấm thở một hơi dài, cúi xuống, tay xách va-li, tay cầm cái gậy đặt vào tay cô Khê. Hai người bước đi. Người đàn ông cũng phủi quần, đứng dậy lẽo đẽo theo sau. Chị Tấm lại thở dài. Chị như vừa vô ý hé cho anh ta một lối để quên đàn bò. Chị không có lời an ủi anh ta. Nhưng nguyên chị lại là một vỗ về đáng kể mà chị cũng không hay. Trong giây lát, chị thấy mình như sống rất nhiều với người đàn ông chị chửa biết tên. Nỗi khổ của anh ta lồ lộ vẻ thành thực. Chị cúi đầu, tránh phải nhìn lại anh ta.

Qua Bãi Nhà Máy, ba người lại vượt lên mặt lộ. Người đàn ông đã theo kịp, gượng gạo nói một câu bâng quơ. Chị Tấm im lặng nhớ tới những mẩu bạch lạp. Cô Khê đập đầu gậy đều đều lên những cục đá lổn nhổn. Có bóng một con chim liệng trên cao. Có tiếng cô Khê kêu đột ngột. Người đàn ông nhảy tới thì cô đã buột khỏi tay chị Tấm ngã chúi xuống mặt đường. Một chiếc dép bật quai tung lại phía sau. Người đàn ông đỡ cô Khê ngồi xuống bờ cỏ ven đường. Chị Tấm cũng lao đao suýt ngã. Chiếc va-li văng xuống dưới ruộng. Lúc chị xách được va-li lên, cô Khê đang khóc như con nít, người đàn ông thì đang loay hoay sửa lại cái quai dép. Chị Tấm kéo cao ống quần cô Khê, thấy có một vệt rách dài ở bắp chân ứa máu. Chị xin người đàn ông mấy điếu thuốc gỡ ra đắp vào vết thương, lấy khăn tay buộc quanh.

"Coi có đi tiếp được không?"

Chị hỏi. Cô Khê gật đầu, mặt nhếch nhác. Người đàn ông đưa chiếc dép vừa sửa cho cô Khê. Chị Tấm nhìn trời rồi nhìn cô Khê và người đàn ông. Cô Khê quơ chiếc gậy gượng gạo đứng dậy:

"Lỗi tại em hết. Không có em chị đâu khổ như vầy".

Cô lẩm bẩm. Chị Tấm gắt:

"Chớ có nghĩ bậy".

"Để tôi xách đỡ cái va-li. Chị xách cái túi này".

Người đàn ông trao cái túi cho chị.

Dòng sông nhỏ nhưng cây cầu nom dài. Mặt nước sâu có gió lớn màu xám. Khúc sông trước mặt ba người như vừa hiện ra sau rừng dương nhỏ phía tay trái và mất hút sau khúc quành ở cái gò bên tay mặt, ngắn ngủn và càng rõ chiều sâu. Cảm giác đầu tiên vẫn như đứng trước một đầm nước hơn là đứng trước một dòng sông. Những con quạ, con diều hâu cánh đen nặng nề trên đám ngọn dương, bay là là trên mặt nước trong ánh sáng và gió. Những mỏm đá rêu nổi nhô giữa dòng nước, dưới bóng dương như những mầm đen vừa mới nhú. Cây cầu võng xuống giữa sông. Bề rộng là ba tấm phên thép đan vào nhau. Cầu không có tay vịn. Người đàn ông phải dắt tay, kèm sát bên cô Khê. Bước bên này cầu, chị Tấm thấp lớp phên bên kia rung chuyển. Nhìn người đàn ông và cô Khê ở giữa cầu, chị tưởng như họ dắt díu nhau xuống phía những mầm đá. Bóng những con quạ, con diều hâu lượn hai bên cây cầu tạo cảm giác chóng mặt. Chị Tấm đành cúi xuống những lỗ tròn dưới chân, tưởng như khó lòng sang tới bên kia.

Khỏi cây cầu, vượt một cái dốc thì lên tới đầu lộ. Chiếc đầu xe lửa chặn ở đó, đen đủi, sừng sững. Một miếng thép gỉ sét thủng giữa nom như một cánh cửa, bị gió đẩy kêu rít, đập phành phành. Hai bên là hai vệt đen vạch trên mặt đất bằng những vụn gỉ sét. Có những bã mía mốc kẹt dưới bánh xe lún. Để cô Khê ngồi nghỉ bên một phía khuất gió, người đàn ông chạy xuống dốc đón chị Tấm. Chị Tấm thở dốc bước bên người đàn ông mặt mũi phờ phạc. Chiếc mũ vải vẫn trật ra sau như một bướng bỉnh kỳ khôi. Chị Tấm đưa cho người đàn ông lọ dầu bảo nên bôi một ít cho ấm người. Người đàn ông nắm những đầu ngón tay chị và lọ dầu. Chị không còn thấy kinh ngạc. Đường đi như không tránh được khúc này. Chị không rụt tay và chỉ nhìn anh ta, buồn bã. Người đàn ông không làm gì hơn. Bộ mặt cứng lại lúc đầu dần dần trở nên bối rối. Bàn tay nới dần và buông rơi lúc anh nhếch môi cười. Anh ta vẫn còn lúng túng ở giới hạn thăm dò? Chị Tấm lại vơ vẩn nhớ những mẩu bạch lạp. Mới từ đêm qua tới giờ đã thấy xa xôi. Sau lưng đã đành chỉ còn ánh sáng vô ích của mươi mẩu bạch lạp. Nhưng trước mặt, càng đi càng bỏ rơi ý nghĩ sẽ về tới nhà nội đêm nay. Cha chị như vẫn chưa một lần thoả được ước nguyện ở con cái. Những năm trước đã có lần chị nghe ông than thở như vậy. Hồi đó trở về trước, ước mong của ông là có một ngày kéo thuyền lên cạn, xếp lưới xếp vó làm một chuyến du chơi vào sâu trong đất liền. Trừ người con gái lớn, bốn chị em Tấm được ông gả chồng nơi xa vì ao ước đó. Bước chân mỗi người con gái về nhà chồng như dọn trước đường cho ông. Mỗi người là mỗi cái mốc vùng đất ông sẽ tới. Nhưng ông vẫn chưa một lần dời được cái ven biển hẻo lánh. Không một người con nào không có những vất vả riêng. Có người theo chồng sang tận Cam-bốt vì tội thụt két, có người theo chồng đi đồn trú ở những miền xa xôi hoặc đổi chỗ ở như dân du mục. Đám cưới của mỗi người con gái như đều tới một địa chỉ giả. Chị Tấm thấy thương cha. Đáng lẽ những thiệt thòi phần chị phải bù đắp được nhiều ít thiếu hụt nơi ông. Nhưng chung cuộc thì chị đứng bên cái đầu tàu này và ông thì vu vơ chờ đợi cuối đường kia. Những bất động sản mà chị gá nghĩa chỉ còn là một đống vụn đổ nát. Những ngày tháng qua trống rỗng như những lỗ tròn trên cây cầu chị vừa chợt qua. Đã tới lúc chị phải lựa cho mình một cách riêng. Không còn những lúc mặc áo mới đứng trên động cát cản đường, không còn những cầu thang, hành lang, gốc cây đi làm lễ hỏi vợ. Mươi mẩu bạch lạp trong căn phòng sập một góc dù vô ích nhưng vẫn có ánh sáng. Và tự do với đêm tối có chị đứng ngoài xa ngó lại.

Miếng thép kêu rít tăng lần âm thanh vật vã. Những bóng quạ, bóng diều hâu lảng dần mặt nước tụ trên những ngọn cao có nắng. Cô Khê ôm cẳng, mặt dạn vẻ lì lợm như tự trấn nỗi bối rối. Từ lúc cô vấp té, những chỗ dừng nghỉ tăng dần. Cô không khóc, cũng không còn kêu làm khổ chị Tấm. Người đàn ông châm điếu thuốc đi lăng quăng, trèo lên phòng đầu máy. Anh ta vẫn khó hiểu, bất thường. Cái ngước mặt buồn bã của chị Tấm không là oán trách. Người đàn ông như không biết điều đó. Anh đứng trên bực lên xuống nói vọng xuống:

"Thôn làng gì mà như chết hết vậy kia".

Cô Khê bảo chị Tấm:

"Nếu làng còn người ở, mình vô đó ở qua một đêm. Cách sao cũng không về tới nhà đêm nay".

Chị Tấm hỏi:

"Còn gắng đi ít cây số nữa được không?"

"Không dừng lại được cũng phải cố gắng chớ sao".

"Vậy nghỉ một lát nữa rồi đi. Qua rừng cây khô, chắc có người ở".

Chị Tấm bước lại trước đầu máy bảo người đàn ông:

"Chiều rồi, vô rừng có khi kẹt trong đó. Đi với chúng tôi kiếm chỗ nghĩ đỡ một đêm, sớm mai quay lại kiếm cũng được".

Người đàn ông rùng mình có vẻ lạnh, xoa xoa vào hai cánh tay bước xuống, mồm rực đỏ đầu thuốc. Chị Tấm nhỏ giọng:

"Bị lạnh?"

Người đàn ông lắc đầu.

"Trời này vận sơ-mi không ngồi trong nhà cũng lạnh".

"Tôi có áo da mà chị. Mới bán bữa qua xong".

Những ngón tay ngắn ngủn, to thô kệch vẫn vuốt vuốt hai cánh tay. Chốc chốc người đàn ông lại áy náy nhìn lại chỗ cô Khê. Chị Tấm nhắc lại câu nói khi nãy. Chiều rồi. Người đàn ông vẫn không trả lời. Vẻ ngập ngừng, bứt rứt càng lúc càng tăng. Anh ta nhăn nhó:

"Không có chị kia, có khi tôi còn trở về quận kịp".

Anh buông thõng hai tay nhìn chị Tấm. Cái cổ ngắn, cái lưng có vai rộng khom khom buồn bã. Chiếc dây lưng bằng da cũ to bản đầu cong xoắn chốc chốc lại được rờ rà. Chị Tấm nói chẳng bao giờ có ý tưởng dời bỏ cô Khê. Chị chỉ còn mình cô là bạn. Người đàn ông ngơ ngẩn nghe chị và cưới vấp váp, gượng gạo.

"Tôi không có bạn".

Anh ta nói, tay vuốt ve cái đầu dây lưng cong xoắn. Bỗng anh "a", reo một tiếng lớn chạy xuống con dốc. Chị Tấm ngạc nhiên trông theo. Anh ta nhảy qua những bụi cây, những tảng đá bên bờ sông, chốc chốc lại cúi xuống dừng lại xem xét. Một lát anh mất hút trong đám dương. Cô Khê hỏi giọng lo ngại:

"Có chuyện gì đó chị?"

"Không".

Đàn quạ, đàn diều hâu đột nhiên vỗ cánh bay hoảng loạn. Chị Tấm trèo lên bực lên xuống nhìn về phía đám dương. Có lúc chị thấy thấp thoáng bóng người đàn ông chạy. Có lúc anh ta ngửa mặt đôi đá bừa lên các ngọn cây. Anh ta điên? Chị Tấm lật đật chạy xuống nắm chặt cổ tay cô Khê, mắt không dời dòng sông. Cô Khê sợ hãi hỏi lại:

"Chuyện gì đó chị?"

Chị Tấm nuốt hơi, cố giữ giọng bình tĩnh:

"Người đàn ông tự dưng chạy xuống bờ sông đôi đá đám quạ".

Cô Khê rờ cây gậy:

"Mình đi trước vậy chị?"

Chị Tấm giữ tay cô Khê ra dấu ngồi nguyên:

"Chờ một lát coi sao đã. Người ta giúp mình nhiều…"

Dời cô Khê, chị Tấm lại đầu tàu nhìn xuống. Người đàn ông mũ trật sau ót, tóc xoã dưới trán đang bước trở lại. Dáng bộ ảnh hưởng nom thất thểu. Một vai áo bị rách. Vành mũ phía sau mắc một sợi dây leo. Anh ta mệt nhọc bước lên dốc. Chị Tấm chạy lại hỏi:

"Chuyện chi đó?"

Người đàn ông lắc đầu thở hào hển:

"Không lẽ đàn bò ở rừng cây khô có nước uống…"

Chị Tấm cười gượng:

"Có vậy mà làm tôi hết hồn".

Người đàn ông đưa tay xoa xoa vai áo bị rách, bước từng bước uể oải. Chị Tấm im lặng theo sau. Anh ta bỗng quay lại, hơi thở vẫn dồn dập:

"Thương được tôi không?"

Chị Tấm mím chặt môi nhìn trừng trừng.

"Chớ có làm vậy nữa".

Chị lùi lại kêu. Người đàn ông không cần biết. Anh ta ôm choàng lấy chị. Cả hai cùng chới với muốn ngã.

Mồm anh ta cọ khắp mặt chị. Anh nói:

"Tôi đã quên đàn bò".

Chị Tấm ngậm chặt môi rồi bật khóc, vùng xô mạnh người đàn ông, chạy lại chỗ cô Khê. Sao tới giờ chị mới thấy sợ vẻ bất thường của anh ta. Sao tới giờ chị mới khóc. Người đàn ông đó với những cục đá đôi lên đàn quạ không thêm một lần chứng tỏ sao? Niềm vui anh ta không có mặt người. Mà bừa bộn những dáng thú. Không có an ủi nào dành cho anh ta. Anh ta muốn có sự thay thế. Chị Tấm oà lên khóc lớn hơn. Tiếng miếng thép vật vã kêu rít. Người đàn ông ngẩn mặt ngơ ngác. Anh ta vẫn có vẻ vô tội. Anh không biết bàn tay anh chỉ để vuốt ve da thú. Cũng như chị, bây giờ mới rõ rệt mình có thời gian làm vợ những bất động sản…

Cô Khê đứng lên cầm gậy và xách cái túi, dò dẫm bước. Trong một lát chị Tấm và người đàn ông đối diện. Anh ta ngập ngừng nhìn chị và cúi xuống chiếc va-li. Chị Tấm giật lấy rồi quây quả bước theo cô Khê. Cô Khê giọng khổ sở:

"Chị có chuyện gì với người đàn ông mà vẫn cố tình giấu em. Em làm mất tự do của chị…"

Chị Tấm nắm lấy tay cô, cúi đầu bước, giọng như nén hơi:

"Rồi tôi sẽ nói cô nghe. Cũng chẳng có gì".

Cũng chẳng có gì. Chị Tấm muốn nói cho cô Khê và cả mình nghe. Cũng chẳng có gì. Một người đàn ông đi trên một quãng đường dài với một người đàn bà thì phải như vậy. Anh ta chắc không ồn ào quá nếu không có xúc động đột ngột về đàn bò. Những cái cầm tay rụt rè sẽ giữ nguyên ở giới hạn thăm dò lúc đã chia tay. Lầm lỡ chỉ có một mình chị. Như vậy, tới giờ chị vẫn chẳng quyết được gì cho riêng mình. Chị vẫn như tiếp tục hoài con đường này với những rủi ro và bất trắc.

Người đàn ông áo rách vai ủ rũ bước sau hai người một quãng.

Bóng nắng đã lẫn với khí rét. Gió băng trên mặt đồng trống. Rừng cây khô phía trái con đường mỗi lúc một nom rõ. Không có ai lỗi trong vụ này. Cũng chẳng có gì. Phải nghĩ vậy để quên lần từng thứ sau lưng. Đàn quạ coi như không còn những ngọn dương le lói nắng trên những mầm đá. Dòng sông coi như đã hết nước luân lưu. Người đàn ông coi như không còn đàn bò. Chị Tấm không còn người đàn ông phờ phạc phía sau.

"Gần tới rừng cây khô chưa chị?"

Cô Khê hỏi:

"Gần tới nơi rồi".

"Người đàn ông đâu?"

"Ở phía sau".

"Cho em cám ơn ông ta một câu".

Tới một ngã rẽ vào rừng cây, chị Tấm giữ lễ đứng lại chờ người đàn ông.

"Cám ơn ông đã giúp chị em chúng tôi tới được đây".

Chị Tấm nói lúc người đàn ông lại gần. Cô Khê nói nhỏ:

"Tôi tới nơi rồi, ông cũng nên kiếm một chỗ nghỉ chân?"

"Tôi phải kiếm đàn bò".

Người đàn ông nói. Chị Tấm bấm vào cổ tay cô Khê ra hiệu bước đi.

"Chúc ông tìm thấy lại đàn bò".

Chị Tấm nói, không quay lại. Người đàn ông nhìn theo hai người rồi rẽ vào rừng cây. Đi được một quãng, hai người chợt nghe giọng người đàn ông hư hư thực thực vọng tới như tiếng thì thầm mơ hồ "Anh Mậu. Anh Mậu". Chị Tấm bảo cô Khê:

"Anh ta điên thật sự rồi".

"Chắc bị ma ám".

Chị Tấm chợt khóc ấm ức và ngơ ngẩn dừng lại nhìn về rừng cây tìm bóng cái mũ vải trật ra sau ót.

"Sao vậy chị?"

Cô Khê hỏi.

"Cũng chẳng có gì. Như đêm qua đứng ở ngoài xa nhìn trở lại những mẩu bạch lạp thắp sáng căn phòng đã sập một góc".
Nguồn: Chiếc xÆ°Æ¡ng lá mục. Tập truyện ngắn của Y Uyên, mẫu bìa của Duy Thanh, chân dung Y Uyên, được vẽ bởi Duy Thanh. Nguyệt san Tân Văn số 33, tháng 1 năm 1971. Ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của CÆ¡ sở Văn, xong ngày 10 tháng 1 năm 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Gia đình tác giả giữ bản quyền.