trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.7.2007
Y Uyên
Chiếc xương lá mục
(tập truyện ngắn)
 1   2   3   4   5   6 
 
Niềm vui xa gần
Tặng anh Tôn Thất Phổ

Người đàn ông vừa chạy vừa la:

"Ngừng lại một chút, người anh em. Người ta còn đồ trên đó mà".

Chiếc xe đang ì ạch vội dừng lại giữa đường. Người tài xế thò đầu ra ngoài, ngoái cổ lại nhìn người đàn ông tất tưởi chạy tới. Đã tức sẵn, thấy bộ quần áo mới trên tấm thân vụng về của người đàn ông, bác tài tự nhiên thấy nỗi giận dữ của mình là chính đáng. Bác hỏi, giọng uy quyền:

"Quên cái gì? Lúc xuống xe sao không biết soát lại?"

Người đàn ông cố phác một nụ cười. Những nếp nhăn hai bên mép ép lại nhau, bề bộn.

"Cái… cái giỏ ni-lông".

"Lúc anh lên, đâu có giỏ ni-lông?"

"Đúng rồi, tôi như vầy, xách giỏ ni-lông làm chi. Nhưng người đàn bà vừa xuống xe với tôi, chắc chắn có cái giỏ đó. Chị ta nhờ tôi chạy theo lấy lại".

Dứt lời, người đàn ông cười hỉ hả như đã lấy được bình tĩnh. Bác tài nhổ một bãi nước bọt vào trong gió rồi quay vào lấy cái giỏ ni-lông, hờ hững đưa ra.

"Cám ơn người anh em rất nhiều".

Người đàn ông nói lớn, như reo. Những bước chân quay trở lại mang một vẻ tấp nập.

Ở mép đường dưới này, người đàn bà bế đứa nhỏ, chăm chăm nhìn cánh đồng rộng rãi trước mặt. Dường như việc lấy lại cái giỏ không khiến chị lưu tâm bằng quãng đường sắp phải vượt qua, bên cạnh chị, đứa con trai tám tuổi cũng ngẩn ngơ trước cảnh đồng không vắng vẻ. Những ngọn gió hụt hơi, thổi mơn man khắp mặt vỏ đất khô queo, không có một hứa hẹn gì đáng phấn khởi.

Nhưng người đàn ông lại tỏ ra có rất nhiều phấn khởi. Anh ta đặt cái giỏ xuống trước mặt người đàn bà, nói với một tư thế khá ồn ào:

"Giá xe đi mau hơn một chút, có lẽ mất cái giỏ. May làm sao, mấy cái loại xe "bò" trên đường này đều thuộc loại… cổ điển cả. Hà hà…"

Người đàn bà quay lại, cười gượng gạo. Đôi mép kéo dài trông tê tái một cách cũng rất gượng gạo. Dường như chị ta chỉ tự nhiên khi nói lớn và cười to.

"Cám ơn ông. Không có ông thì tôi cũng không biết tính sao…"

Người đàn ông nói:

"Đâu có chi".

Giọng người đàn ông thật gọn. Anh xăn văn khoác cái dây ra-dô lên vai rồi nhắc va-li như muốn cất bước. Nhưng chợt thấy mẹ con người đàn bà vẫn im lặng, băn khoăn, anh ngơ ngác đặt từ từ va-li xuống đất. Sau cử động này, anh như hết việc làm, lúng túng nhìn ngược, nhìn xuôi.

"Bà cũng về đường này?"

Sau một lát do dự, anh lên tiếng.

"Dạ".

"Thế thì mau bước lên một chút. Đứng đây hoài, cháu nó nực.

"Dạ".

Người đàn bà lại "Dạ" nhưng vẫn đăm chiêu. Người đàn ông có vẻ sốt ruột. Ngần ngại một lát, anh cúi xuống, một tay xách va-li của mình, một tay cái rương bọc sắt của người đàn bà.

"Để tôi đỡ cho một tay".

"Dạ phiền ông… cháu nó nhỏ quá…"

"Không sao, không sao. Nào, ta đi thôi".

Người đàn bà cúi xuống đội lại cái mũ cho thằng bé. Chị nói nửa như phân trần, nửa như khuyên con:

"Ông ngoại không cho người ra đón, may quá lại gặp ông đây giúp một tay… Thôi chịu khó mà đi. Đừng có lãng trí đạp bụi dơ hết quần áo nghe?"

Những lời mẹ nó, thằng bé chưa cho là hiệu lịnh lên đường. Nó thõng hai tay chờ mẹ tìm cách băng qua cánh đồng một cách đỡ vất vả hơn. Nhưng mẹ nó đã kéo tấm khăn lót ở chân em nó lên, bọc kín lấy em nó, áp mặt em nó vào ngực rồi bảo:

"Thôi đi đi con".

Giọng mẹ nó thật mềm mại nhưng nó hiểu không thể cưỡng được. Nó rõ điều này ngay sau khi ba nó chết, mẹ nó thu xếp các thứ để về làng ông ngoại. Trước kia, chỉ có giọng nói của ba nó nói mới thấy hàm nghĩa ra lệnh.

Nó đặt từng bước nhỏ nhoi, sát theo cái bóng đổ xuống phía sau của mẹ. Nhìn mẹ im lặng, cúi đầu bế em, lầm lũi đi, nó nhọc nhằn thấy chân vẫn phải bước, đầu vẫn phải nghĩ: "Trời sao nóng dữ tợn quá trời!"

Trong lúc đó, người đàn ông như vì nỗi sung sướng quá nhiều nhiệt tình của mình, tạm quên cái va-li và cái rương chèo kéo hai tay, để biểu lộ ít nhiều về người bạn đồng hành.

"Chắc bà về làng Sơn Thượng?" Anh ta hỏi.

"Dạ".

"Chắc bà biết anh em Ba Tính?"

"Họ ở đầu làng, tôi cuối làng. Ông quen họ?"

"Thì tôi cùng làm một xưởng với họ mà".

"Thế ra họ ra tỉnh làm ăn?"

Nghe hỏi, người đàn ông thoáng ngạc nhiên, nhìn lại người đàn bà rất mau, anh hỏi:

"Chắc bà cũng ở xa về thăm nhà?"

"Dạ".

Trước những lời cởi mở, dễ dãi của người đồng hành, người đàn bà vẫn không có vẻ hưởng ứng. Chị vẫn yên lặng bước, vơ vẩn nhìn những bờ ruộng, những cụm cây bên đường. Nhưng không vì vậy, người đàn ông chịu thối lui. Anh nói:

"Thanh niên ở làng bà đi làm ăn nhiều nhưng còn thua làng tôi. Ở các thành phố lớn cũng như ở các tỉnh lẻ, chỗ nào cũng có mặt mấy người anh em làng tôi. Không chỗ nào không có vết chân của họ".

Lần đầu tiên người đàn bà có vẻ để ý đến lời kẻ đối thoại. Chị ta bước chậm lại, đầu hơi ngẩng lên nghe ngóng.

"Sao họ đổ xô lên tỉnh nhiều vậy ông? Ngày tôi đi lấy chồng, ra khỏi làng là một điều ít người nghĩ tới. Bây giờ, ở làng chắc làm ăn khó khăn lắm?"

Người đàn ông lại cười lớn. Lần này là tiếng cười đắc ý của một người nắm chắc được nút gỡ một câu chuyện éo le.

"Không hẳn vậy đâu. Ông cha mình sống hết đời này đến đời khác ở bên luỹ tre xanh sao vẫn sung sướng? Chẳng qua bây giờ thời buổi nó đổi thay nên lòng dạ con người cũng có phần khác trước. Thanh niên trai tráng thời nay, ai cũng có… chí lớn, nên tự nhiên là họ phải tìm nơi "rộng rãi" để tung hoành. Họ phải đi để bằng anh bằng em, bằng chúng bằng bạn".

Người đàn bà cười nhẹ:

"Thế nhỡ mình ra đi mà vẫn không được "bằng anh, bằng em"?"

"Thì đừng trở về nữa. Không có tiền bạc, về đến làng, coi mọi thứ vẫn buồn như hồi mình chưa cất bước ra đi".

Người đàn ông nói thật gọn, không để ý đến khuôn mặt người đàn bà. Những điều anh nói như đã nằm sẵn trong đầu anh từ khi bỏ làng ra đi để được "bằng anh, bằng em".

"Đừng bao giờ về nữa".

Người đàn bà lặp đi lặp lại, nửa xót xa, nửa chế nhạo. Những lời chị nói tuy có thoảng đến tai người đàn ông nhưng không gợi cho anh một ý niệm. Niềm vui sẵn có nơi anh lại phát lộ cách dễ dãi và đều đặn. Tay anh tuy xách đồ nhưng vẫn có những lúc tay đưa đẩy nhịp nhàng, chân anh thay nhau đặt từng bước thật vững nhưng vẫn có lúc mau mắn, dồn dập.

Càng đi sâu vào cánh đồng, trời càng nắng, không khí càng ngột ngạt, thằng bé con, người đàn bà mấy lần đã trật mũ ra cho gió lùa vào tóc, cho thoát khoảng hơi nóng úp chùm hụp trên đầu. Trán nó rướm đầy mồ hôi và những kẽ tóc càng ngày càng mắc nhiều cát bụi. Nó nhìn chân trời, không thể tưởng tượng nổi ở bên kia cánh đồng còn có một nơi có bóng mát và nước. Mấy lần nhìn trước mặt, thấy có một vùng bóng râm nổi sẫm trên mấy thửa ruộng, nó quên mệt, chạy nhào tới. Nhưng khi nó gần xô được vào bóng mát tạm bợ đó, ánh nắng lại lừng lững loang loáng nổi lên vây bọc nó. Thấy vậy, người đàn ông vội vặn ra-dô để nó nghe cho quên lãng đường dài. Tiếng nhạc trong máy phát ra như một điệu kèn chiến thắng, chỉ làm anh ta thêm niềm vui sẵn có. Còn thằng bé và người đàn bà không hề thấy những âm thanh quá lạc lõng với cánh đồng là một điều đáng chú ý.

"Cố đi chút nữa sẽ có chỗ nghỉ chân".

Dứt lời, chị nhìn con, thấy nó nhìn lại mình. Nhưng mắt nó không hề lộ vẻ tin tưởng. Chị kiên nhẫn tiếp:

"Gắng lên con. Hết quãng đường cỏ gianh này, tới cái đầm khô ở dưới chân đồi Ông Nhớn, là tới ngôi miễu Bà Tư Quất".

Thằng bé không hiểu sao mẹ nó lại tin nó có thể hiểu được những tiếng "cỏ gianh", "đầm khô", "đồi Ông Nhớn", "miễu Bà Tư Quất". Chị ta nói thong thả và tự nhiên, coi những tiếng lạ tại đó cũng như những những tiếng "cánh cửa", "thềm nhà", "cái bàn, cái ghế".

"Ngôi miễu đó mẹ chắc vẫn còn. Bà Tư Quất thiêng lắm, ai mà dám phá Bà? Những ngày mẹ còn ở trong làng, tháng nào mẹ cũng theo ông bà ngoại ra dâng lễ ở miễu hai lần".

Nghe nói, người đàn ông phụ hoạ:

"Cách đây hai năm, tôi qua đây, ngôi miễu vẫn còn. Nghe nói Bà Tư Quất linh lắm, ai đi làm ăn xa, thửa lễ vào xin Bà, thế nào cũng khá giả".

"Ngày ông đi, ông có xin Bà phù giúp không?"

"Có chứ. Chính vì thế mà… ngày hôm nay đây…"

Người đàn bà hân hoan như muốn thay lời người đàn ông:

"Ông mới lại có dịp trở về làng?"

Rồi chị cười thật rộng:

"Có tin vẫn hơn phải không ông? không cứ gì miễu Bà Tư Quất, ông thần ở đồi Ông Nhớn cũng thiêng liêng hạng nhất. Cha tôi vẫn hay kể lại chuyện oan hồn con trâu điên ở dưới cái hầm khô, tối tối hiện lên phá hoại mùa màng hoặc biến thành quỷ không đầu nhát kẻ đi đường. Sau nhờ có ông thần, ông ấy từ phương đông lại, đấu phép với nó ba đêm liền, mới giết được nó".

Người đàn bà nói liền một mạch. Chính chị lại bị thu hút bởi câu chuyện của mình hơn là thằng bé. Chị như chợt đi lệch ra ngoài con đường làm mẹ của mình. Chị quên hẳn cái nắng đang hành hạ con; chỉ còn biết tới những vạt cỏ gianh, những đồi Ông Nhớn, những miễu Bà Tư Quất… Nếu cánh đồng chỉ là một dải đất bằng phẳng, buồn tẻ đối với người đàn ông, nó lại là nơi để người đàn bà có thể gọi tên hàng trăm thứ. Dưới con mắt chị, từ con đường mòn, đến ngôi mộ hoang, gò đất trơ trọi đều có sinh hoạt linh động. Trên cánh đồng bát ngát này, ngoài mấy người bộ hành, dường như còn vô khối những Bà Tư Quất, những ông thần, những yêu ma, quỷ dữ. Người đàn bà tự nhiên như chơi vơi trong cái sinh hoạt ồn ào tưởng tượng đó. Nỗi buồn lúc bước chân vào cánh đồng như bị các phép thần thông đánh bạt trở lại phía thị thành.

Lúc tới miễu Bà Tư Quất, mọi người đều mệt mỏi. Tuy vậy người đàn ông muốn về ngay làng hơn ngồi lại nghỉ. Anh ta đặt cái rương của người đàn bà xuống, cười với đứa bé, nói đùa:

"Từ đây về làng "chú" còn có mấy bước nữa, "chú" cố xách đỡ mẹ, nghe không? Nhưng "chú" hãy ngồi nghỉ cho đỡ mệt đã, rồi "thi hành công tác’ cũng không muộn".

"Ông hãy ngồi nghỉ một lát. Trời còn sớm…"

Người đàn bà nói với người khách.

"Thôi, tôi phải quay về ngay. Lần lữa mãi, tối cũng không về tới nhà".

Thấy vẻ cương quyết của người đàn ông, người đàn bà nói:

"Lúc nào qua đây, xin mời ông ghé lại nhà tôi chơi để mẹ con tôi được tỏ chút lòng cảm ơn".

Dứt lời chị gọi thằng bé lại:

"Con khoanh tay cám ơn ông đi. Không có ông, mẹ con mình chưa chắc đã qua được cánh đồng".

Người đàn ông cười xoà, bẹo má thằng bé rồi chào mẹ con người đàn bà, lật đật bước đi. Tiếng máy thâu thanh "điệu kèn chiến thắng" át hẳn những lời chào với theo. Anh tiến mau và tưởng tượng đến những khuôn mặt đang chờ đón mình. Như một nguồn vui có hình có dạng, anh lừng lững đi vào miền quê vốn dĩ nghèo nàn của mình.

Đến một khúc quẹo, anh quay lại nhìn lần cuối mẹ con người đồng hành.

Dưới bóng mát của ngôi miễu, người đàn bà ngồi duỗi cẳng cho con bú.

"Chị ta chẳng có vẻ gì của một người làm ăn ở xa trở về".

Người đàn ông nhủ thầm. Tay anh vô tình đưa lên tắt máy ra-dô.
Nguồn: Chiếc xÆ°Æ¡ng lá mục. Tập truyện ngắn của Y Uyên, mẫu bìa của Duy Thanh, chân dung Y Uyên, được vẽ bởi Duy Thanh. Nguyệt san Tân Văn số 33, tháng 1 năm 1971. Ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của CÆ¡ sở Văn, xong ngày 10 tháng 1 năm 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Gia đình tác giả giữ bản quyền.