trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
9.7.2007
Phạm Phú Đức
Dân chủ: quyền lực và ngờ vực
 
Có thể hiểu một cách đơn giản và khái quát rằng dân chủ nghĩa là dân làm chủ. Nhưng nếu chỉ nói chung chung như thế thì dễ quá, bởi các chế độ độc tài chuyên chính cũng dám tự xưng một cách không thẹn thùng là dân chủ gấp ngàn lần chế độ dân chủ tư bản. Cho nên câu hỏi cần đặt ra là: dân làm chủ bằng cách nào, hay làm thế nào để bảo đảm dân làm chủ?

Để dân có thể làm chủ đất nước thì dân phải có quyền, bởi nếu dân không có quyền, làm gì cũng phải xin phép, thì dân là nô lệ chứ chẳng phải làm chủ. Vì dân quyền là điều kiện quan trọng của nền dân chủ nên công cuộc đấu tranh đòi dân quyền của phong trào Duy tân, lãnh đạo bởi các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp v.v… vào đầu thế kỷ 20, có thể được xem là phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ đầu tiên tại Việt Nam. [1]

Nhưng để dân chủ hoạt động hữu hiệu và chính đáng đòi hỏi nhiều hơn dân quyền. Điểm khác biệt cơ bản trong ý niệm dân chủ của trường phái chuyên chế - cộng sản (điển hình là tư tưởng Mác, Lênin) và trường phái tự do - phóng khoáng (điển hình là tư tưởng Hobbes, Locke) là một bên tin tưởng gần như tuyệt đối vào một giai cấp lãnh đạo chính trị, ít nhất ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng; trong khi đó, bên kia lại luôn ngờ vực lãnh đạo chính trị ở mọi giai đoạn, ngờ vực quyền lực tập trung, và nhìn rõ những giới hạn lẫn tác hại khi người ta nắm quá nhiều quyền lực trong tay.

Đối với khuynh hướng “cộng sản”, điển hình qua tác phẩm Nhà nước và Cách mạng của Lênin, [2] thì dân chủ kiểu tư bản là dân chủ cho thiểu số, cho giai cấp tư sản, trong khi đó người dân không được tham dự vào các hoạt động quan trọng của xã hội. Cả Mác lẫn Lênin đều cho rằng khi nhà nước tàn lụi, nghĩa là không còn chính phủ nữa (tức vô chính phủ), thì đó là chế độ cộng sản ở mức cao nhất, và lúc đó mới là nền dân chủ đích thực. Trong tác phẩm này, Lênin vạch ra ba giai đoạn cho cuộc cách mạng vô sản (trong khi Mác không vạch ra ba giai đoạn rõ rệt như Lênin): thứ nhất là hình thành chuyên chính vô sản; thứ hai là hình thành xã hội chủ nghĩa, tức giai đoạn chuyển tiếp giữa tư bản sang cộng sản; và thứ ba là giai đoạn cộng sản, tức thời điểm mà không còn chính phủ (hay nhà nước) nữa. [3] Trên thực tế thì chuyên chính vô sản tại tất cả các nước theo đường lối này không bao giờ chịu bỏ quyền lực của mình, chỉ giỏi hô hào chứ không thật sự tiến bao nhiêu lên xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa như Mác và Lênin tưởng tượng. Còn nhà nước thì không tan biến mà còn phình ra và chiếm lĩnh mọi mặt xã hội kiểu độc tài toàn trị. Sự sai lầm lớn lao này là do các nhà Mác-xít đã quanh quẩn trong khung sườn suy nghĩ của duy vật biện chứng mà xem nhẹ bao nhiêu yếu tố quan trọng khác về bản chất con người, trong đó quyền lực là một yếu tố cơ bản tác động hay chỉ đạo hành động con người trong chính trị. Thêm vào đó, đối với cộng sản, quan điểm cho rằng còn tư hữu các phương tiện sản xuất là còn bóc lột thì lại được xem như là chân lý tuyệt đối, do đó để được tự do và không còn bóc lột thì phải tiêu diệt giai cấp tư sản bằng mọi giá. Với những suy nghĩ như thế, xã hội do những người tự xưng là cộng sản biến thành trong suốt thế kỷ 20 đã mang đầy những đặc tính cách mạng bạo lực và cực kỳ phản động.

Điều quan trọng cần suy nghĩ rốt ráo khác là rằng chế độ cộng sản và các nhà Mác-xít, từ trong bản chất, nghĩa là từ trong tư tưởng của họ, không thật sự tin tưởng vào nhân quyền hay dân chủ gì cả. Họ xem việc cân bằng quyền lực, “bàn tay vô hình” (tức kinh tế thị trường, ý niệm xuất phát từ Adam Smith), nhân quyền, dân chủ toàn cầu v.v… chẳng qua là màn hoả mù hay bình phong che dấu bản chất bóc lột của chế độ tư bản mà các hệ thống tân đế quốc hay tân thực dân hôm nay đại diện. [4]

Đối với khuynh hướng “tư bản”, người ta không còn ngây thơ gì với quyền lực cả, bởi lịch sử đã cho họ những bài học đáng nhớ đời rồi. Đam mê quyền lực, tham nhũng, bè phái, thủ cựu, thủ đoạn, ích kỷ v.v… là các đặc tính con người nơi đâu cũng có, sắc dân nào cũng có, đặc biệt trong hoạt động chính trị. Thêm vào đó, tin hay không tin vào một chính thể chẳng qua là hai mặt của cùng một vấn đề chính trị. Một mặt, người ta biết rằng nếu không tin vào thể chế chính trị nào thì khó thể làm cho nó hoạt động hữu hiệu và tồn tại. Mặt khác, người ta cũng biết rằng nếu quá tin vào một thể chế chính trị mà không có biện pháp hay cơ chế (mechanism) gì để bảo đảm, đo lường hay phối kiểm hành động của thành phần lãnh đạo thì trước sau gì nó cũng chỉ đưa đến sự suy vong mà thôi. Nói cách khác, trong chính trị, tin tưởng là cần thiết, nhưng chưa đủ, bởi không phải chỉ có một loại người làm chính trị tốt mà còn có các thành phần xấu hay tính toán. Ngoài ra, chính trị không chỉ là về vấn đề kinh tế mà chính trị liên hệ trực tiếp và toàn diện đến mọi mặt đời sống. Cho nên, đối với ngay cả hạng người tốt làm chính trị thì chắc gì họ có thể thi hành những điều cam kết bởi vì họ cũng phải lệ thuộc ở bao nhiêu người khác vào sự liên hệ và đan kết chằng chịt nhau. Nhìn bản chất như thế, người ta cũng không ngây thơ tin rằng dân chủ sẽ là lời giải cho mọi vấn đề, là thần dược cho các bệnh nan y trong chính trị. Do đó, những nhà tiên phong xây dựng chính thể dân chủ hiện đại đã đặt nền tảng cơ bản của dân chủ vào sự ngờ vực mọi quyền lực. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người ta trở nên bi quan hay ngờ vực mọi thứ, nhưng họ chỉ không tin vào cái gì tuyệt đối, và họ muốn khẳng định thực tế rằng thà bắt đầu với cái tương đối làm nền tảng để vươn tới kết quả tốt nhất có thể được. Nói tóm lại, để xây dựng một nền dân chủ bền vững, nguyên tắc dân chủ được xây dựng chính từ sự ngờ vực đã được định chế hoá (institutionalised distrust), nghĩa là các định chế phải được xây dựng từ sự ngờ vực mà phát triển. Nói theo kiểu Việt Nam, tinh thần dân chủ là “thà mất lòng trước, được lòng sau”, để mà còn có thể “ăn chắc, mặt bền”, còn hơn là “mất cả chì lẫn chài”. Nói cách khác nữa, thà đến với nhau bằng sự ngờ vực cho đến khi nào các ngờ vực được giải toả, lúc đó sự tin tưởng sẽ đến và có giá trị hơn. Tóm lại, niềm tin vào tính chính đáng của dân chủ, một yếu tố quan yếu của nguyên tắc dân chủ, là việc định chế hoá sự ngờ vực vào kiến trúc của nền dân chủ.

Giáo sư Piotr Sztompka [5] liệt kê 10 nguyên tắc dân chủ dựa trên sự ngờ vực được định chế hoá này. Nguyên tắc thứ nhất của dân chủ đòi hỏi tính hợp pháp và chính đáng của mọi quyền lực, điều đó cho thấy chính nghĩa là nguyên tố quan trọng hàng đầu của dân chủ. Do đó, chỉ khi nào quyền lực được chứng minh là xuất phát từ ý nguyện của người dân, hơn nữa, khi nào những vị dân cử này đáp ứng được nguyện vọng của dân chúng, thì chính quyền đó mới có chính nghĩa. Nhưng ngay cả như thế, sự ngờ vực chưa hẳn biến đi bởi chính trị luôn có ẩn số, không phải lúc nào cũng minh bạch, phân định rõ ràng.

Nguyên tắc thứ hai là về tái bầu cử và thời hạn của nhiệm kỳ. Vấn đề “cha truyền con nối” hay bất hạn định nhiệm kỳ như thời xưa nay không còn ai chấp nhận nữa (riêng đối với 9 thẩm phán tối cao của Hoa Kỳ thì nhiệm kỳ là bất hạn định). Nguyên tắc này cho thấy nền dân chủ ngờ vực những người đang cầm quyền không có tinh thần sẵn sàng tự nguyện từ bỏ quyền lực của mình. Thêm vào đó, vấn đề được tín nhiệm hay tái tín nhiệm phải được đánh giá trên khả năng và viễn kiến của người tranh cử, hay thành quả và trách nhiệm đạt được mỗi kỳ của người đương nhiệm. Mỗi kỳ bầu cử là một thử thách mới, cần sáng kiến mới, cần tư tưởng chỉ đạo đường dài và thực tiễn trong lúc xã hội ít nhiều thay đổi với thời gian; hơn nữa, bầu cử là phương thức tuyển chọn người tài, và chỉ có sự cạnh tranh tự do, minh bạch và bình đẳng mới bảo đảm được phần nào các sự chọn lựa thích đáng.

Nguyên tắc thứ ba là tam quyền phân lập, kiểm soát và cân bằng, và sự giới hạn quyền hành của mỗi định chế (như có đề cập trong bài “Ý niệm tự do”). Điều này cho thấy sự ngờ vực đối với các định chế thể hiện rõ, thí dụ, cả ba ngành tư pháp, hành pháp và lập pháp tại Hoa Kỳ luôn chủ trương mở rộng quyền hành của mình, tất nhiên ở trong vòng hiến pháp. Do đó, nếu không có sự kiểm soát và cân bằng của các ngành khác thì sự độc quyền hay lạm quyền là điều tất yếu xảy ra.

Nguyên tắc thứ tư là nền pháp trị (the rule of law) và các toà án độc lập. Nghĩa rằng mọi người, từ công dân bình thường đến lãnh đạo chính trị hàng đầu (mọi thành viên của ba ngành tư pháp, hành pháp và lập pháp), đều được đối xử giống nhau trước pháp luật. Điều này cho thấy dân chủ ngờ vực các thái độ tuỳ tiện, lạm dụng, thiên vị hay những hành động lầm đường lạc lối, cho nên dân chủ yêu cầu mọi công dân và mọi định chế phải tuân thủ khung sườn luật pháp chung. Nhưng để bảo đảm rằng luật pháp đứng trên mọi cá nhân và định chế, nhiều biện pháp phòng vệ khác nhau được bắt buộc thi hành với mục tiêu bảo đảm sự độc lập, tính khách quan, và không thiên vị của toà án và pháp luật. Tất cả các biện pháp phòng hờ này cốt yếu là để tạo niềm tin rộng rãi của dân chúng vào tính minh bạch và công bằng của pháp luật.

Nguyên tắc thứ năm là tính hiến pháp hoá (constitutionalism) và sự xét lại hay phê bình pháp luật (judicial review) khi thích hợp. Điều này cho thấy sự ngờ vực đối với các cơ quan lập pháp. Thí dụ, họ có thể bẻ cong pháp luật để hỗ trợ quyền lợi cụ thể nào đó hay thay đổi pháp luật vì cơ hội chủ nghĩa. Vì thế, phải có các điều luật căn bản để ngăn ngừa sự thay đổi pháp luật một cách tuỳ tiện hay dễ dãi. Ngoài ra, các định chế bảo vệ và hỗ trợ hiến pháp, thí dụ các toà án tối cao hay toà án hiến pháp, mới có thẩm quyền để diễn giải hay bắt tuân theo mệnh lệnh pháp luật, đặc biệt khi có những tranh chấp liên hệ trực tiếp đến vấn đề hợp hiến hay không.

Nguyên tắc thứ sáu là tiến trình đúng đắn, thích hợp (due process). Hậu quả của một quyết định chính trị có đúng đắn hay không phần lớn đến từ việc thực hiện đúng đắn tiến trình minh bạch và dân chủ được quy định trong nguyên tắc hay thủ tục được công nhận. Không phải ai cũng tuân thủ các thủ tục hay nguyên tắc này, ngay cả trong các thể chế được xem là rất dân chủ. Do đó, người ta ngờ vực cả các cơ quan thi hành luật và phân xử luôn cả các định chế này. Các toà án cũng không nằm ngoài nghi vấn về tính thiên vị hay cẩu thả của họ. Vì thế, người ta có quyền kháng án đối với các định chế, và thỉnh thoảng có thể kháng án nhiều lần, cho đến khi quyết định trở thành có giá trị và bắt buộc.

Nguyên tắc thứ bảy là sự tôn trọng và bảo đảm dân quyền. Như đã nói trên, nếu người dân không có quyền thì chẳng thể gọi nền dân chủ đó là đích thực. Người ta ngờ vực thiện chí của giới chức có thẩm quyền trong việc đáp ứng nhu cầu và quyền lợi của công dân. Hơn nữa, công dân có thể bị sách nhiễu bởi giới có quyền lực. Chính vì thế nên người ta đòi hỏi các biện pháp có thể đo lường trách nhiệm của giới thẩm quyền, đòi hỏi các nhu cầu của họ được thoả mãn, và bảo vệ họ để khỏi bị giới chính trị lạm dụng. Để làm việc này thì người dân phải có quyền, và quyền của họ phải được bảo vệ tối đa trong hiến pháp. Do đó, bảo đảm các quyền dân sự trong hiến pháp, mở rộng nhu cầu để người dân có thể kiện tụng cả các định chế công cộng, thành lập các văn phòng để các nhân viên thanh tra độc lập kiểm soát việc làm của nhân viên nhà nước… Đối với một số quốc gia, người ta có thể trực tiếp kiện tụng tính hợp pháp của chính quyền. Dân quyền, trong ý nghĩa này, là để bảo vệ và khuyến khích người dân trực tiếp sử dụng quyền công dân của mình để khi nhà nước không thi hành những gì họ cam kết thì họ sẽ bị người dân thay thế. Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ cách đây 231 năm (4/7/1776) và bộ luật dân quyền (Bill of Rights) thể hiện trong 10 Tu chính án đầu tiên của Hiếp pháp Hoa Kỳ đã thể hiện rõ suy nghĩ và tinh thần của các nhà lập pháp Hoa Kỳ thời đó. [6]

Nguyên tắc thứ tám là vấn đề áp dụng thi hành luật. Điều này, ngược lại các nguyên tắc đã nêu trên, ngờ vực công dân nghiêm chỉnh thi hành hay tuân thủ luật. Do đó, phải có các biện pháp kiểm tra xem công dân có thi hành trách nhiệm của mình hay không, và nếu cần thì phải áp dụng các biện pháp mang tính bắt buộc. Những ai không tôn trọng luật pháp đối với nhà nước hay với những công dân khác sẽ phải chịu các cơ quan như cảnh sát, công tố viên, người thu thuế v.v… áp lực tuân hành.

Nguyên tắc thứ chín là nhu cầu thông tin rộng mở. Cho đến nay, lịch sử nhân loại đã dạy một bài học vô cùng quan trọng rằng chúng ta, dù rất muốn đi chăng nữa, cũng không thể dễ dàng tin tưởng sự thành thật của mọi người và mọi định chế cho đến khi nào có đủ bằng chứng là thế. Do đó, chỉ có tranh luận công khai và minh bạch để quan điểm của mọi phiá được trình bày chi tiết và rõ ràng thì mới có thể tìm ra sự thật tương đối. Hơn nữa, không có nhà nước nào muốn để cho giới truyền thông có hoàn toàn quyền tự do hành nghề nên thường đưa ra các biện pháp kiểm duyệt hay giới hạn quyền lực của truyền thông. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta đều thấy nhu cầu chống lại các chế độ kiểm duyệt, tuyên truyền, giáo điều, các chủ trương giới hạn quyền tự do thông tin ngôn luận, hay sự lường gạt thẳng thừng xảy ra trong giới quyền lực và với cả công dân. Thêm vào đó, người ta cũng thấy rằng việc bảo vệ và đề cao lòng khoan dung, tranh luận công khai, và sự tôn trọng đối với các cơ quan truyền thông đa dạng và độc lập là vô cùng cần thiết để bảo đảm nguyên tắc hành xử căn bản của nền dân chủ. Đó cũng là nhu cầu đi tìm sự thật, đi tìm sự thoả thuận và đồng thuận. Chính ngành “đệ tứ quyền” này, và tính cách độc lập của nó, mới bảo đảm được phần nào giá trị kiểm soát hiệu quả đối với sự lạm quyền, tính thiên vị hay phân biệt đối xử của mọi người và mọi định chế.

Nguyên tắc thứ mười là tính chính trị cộng đồng. Dân chủ mở rộng cơ hội cho khối quần chúng tham gia các hoạt động chính trị qua các tổ chức tự nguyện, dân sự và chính trị địa phương. Đây được xem là biện pháp để cân bằng lại các nhà nước hành chánh hay chủ yếu phục vụ chính mình và các guồng máy của mình. Do đó, các nhóm dân sự góp phần làm nở rộ nền dân chủ thường là các tổ chức bảo vệ người tiêu thụ, các công đoàn, nghiệp đoàn, các nhóm quyền lợi (interest groups), các nhóm vận động chính trị (lobbying groups) v.v.... Các tổ chức dân sự, dù chẳng ai giao phó, nhưng tự nhận lãnh trách nhiệm kiểm soát, quan sát, hay áp lực lên chính quyền bởi vì họ ngờ vực nhà nước và guồng máy của nó. Trong một số trường hợp, người ta ngờ vực rằng chính quyền mãi lo phục vụ cho các nhóm giòng chính, các nhóm cử tri ảnh hưởng lên lá phiếu quyết định nhưng lại quên đi thành phần dân chúng “thấp cổ bé miệng”, các thành phần cần được quan tâm hỗ trợ hay thành phần bị đẩy ra vòng biên (marginalised groups).

Nói tóm lại, theo Sztompka, người ta sẵn sàng tin tưởng vào định chế và người khác nếu các tổ chức xã hội đang hoạt động có thể bảo đảm họ khỏi bị sức mẻ hay khủng hoảng niềm tin. Tin thường đi đôi với rủi ro mà hậu quả nhiều khi không thể ngờ được. Do đó, khi càng nghi ngờ sự khả tín và khả thi của các định chế (nhà nước hay các cơ quan công quyền…) để tìm ra các biện pháp hiệu quả và thực tiễn chống lại sự độc quyền hay lạm quyền của những cá nhân hay định chế thì nền dân chủ xây dựng được sẽ bền vững hơn và dễ tạo ra văn hoá tin tưởng nhau (culture of trust). Một xã hội mà người dân tin tưởng nhau và tin tưởng các định chế là một xã hội lý tưởng bởi vì tin là yếu tố quan trọng đối với hiệu năng của lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội dân sự v.v… Tin là một giá trị có tiềm lực rất cao, được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất của vốn xã hội (social capital). Ba quốc gia có nền kinh tế hàng đầu của thế giới là Mỹ, Nhật, Đức… được đánh giá là có văn hoá tin tưởng cao hàng đầu (tuy rằng niềm tin tổng quát, tức generalised trust, tại Hoa Kỳ đã sút giảm đáng kể trong nửa thế kỷ qua, theo nhận xét của một số chuyên gia). [7] Tóm lại, tin tưởng và ngờ vực đều quan trọng và cần thiết như nhau để bảo đảm và phát huy dân chủ, dù thoạt nhìn thì trông có vẽ nghịch lý hay mâu thuẫn.

Nếu dựa vào mười nguyên tắc trên để lượng giá nền dân chủ Việt Nam thì chúng ta có thể thấy rằng: 1) tính hợp pháp hay chính đáng của nhà nước Việt Nam là rất thấp; 2) về tái bầu cử thì tuy có trên thực tế nhưng vẫn chủ yếu là đảng cử dân bầu chứ người dân không được tự do ứng cử; 3) về tam quyền phân lập hay cân bằng kiểm soát thì hầu như biểu kiến vì đảng cầm quyền chi phối cả ba ngành tư pháp, hành pháp và lập pháp, nếu không phải là mọi mặt chính trị và xã hội; 4) nền pháp trị thì vẫn còn rất tuỳ tiện bởi chính những nhà làm luật có tuân thủ hay tôn trọng nó đâu, còn toà án độc lập thì vẫn chủ yếu nghe theo mệnh lệnh của giới chính trị như đã từng thấy rất nhiều qua phiên xử các nhà dân chủ; 5) về tính hiến pháp hoá và phê bình pháp luật thì: khi chưa có một tiến trình đúng đắn thích hợp trong việc thi hành luật (nguyên tắc 6), khi người dân chưa có quyền thực sự (nguyên tắc 7), khi người dân chưa ý thức và chưa thấy những người khác tuân thủ pháp luật (nguyên tắc 8), khi chưa có hệ thống thông tin rộng mở và chưa có nền truyền thông tự do, độc lập (nguyên tắc 9), và khi chưa có một xã hội dân sự đúng nghĩa (nguyên tắc 10), thì hiến pháp hay giá trị pháp luật cũng chủ yếu là phương tiện để các thành phần có quyền lực và tiền bạc diễn giải hay sử dụng mà thôi. Nói cách khác, nền dân chủ tại Việt Nam hôm nay, nếu thử nghiệm trên các điều kiện này, thì khó thể nào đạt tiêu chuẩn đủ cho bất kỳ một nguyên tắc nào.

Một trong những hậu quả nghiêm trọng của sự thất bại chính trị tại Việt Nam, hiện thân bởi nền dân chủ giả hiệu bây giờ, là làm mất niềm tin. Không biết hồi xưa ra sao, chứ chỉ cần nhìn kỹ các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá hay xã hội của mọi thành phần trong suốt 32 năm qua thì mức độ tin tưởng, hợp tác nhau chủ yếu vẫn là tượng trưng, biểu kiến. Ngược lại, mức độ từ nhẹ như nghi kỵ hay bất hợp tác cho đến nặng như chụp mũ hay đánh phá nhau, ngay cả đến từ khuynh hướng hay mục đích giống nhau, lại rất phổ biến.

Ở trong nước, người dân không thể tin nhau thì cũng không có gì khó hiểu cả bởi nhà nước Việt Nam chủ trương như thế, và áp dụng bao nhiêu thủ đoạn để bảo đảm kết quả là như thế. Từ lúc bắt đầu cầm quyền cho đến nay, họ đã cho ra đời không biết bao nhiêu thứ nghị quyết và nghị định, nào là về tôn giáo, truyền thông, hội họp, đi lại, v.v… hay Internet để chia (rẽ) cho dễ trị. Người dân phải đi qua không biết bao nhiêu thứ thủ tục rườm rà “xin cho”, đủ thấy sự kiểm soát chặt chẽ từng lời nói và hành vi của từng cá nhân trong xã hội đó. Nếu chỉ tụ tập mươi người mà còn không được, còn phải xin phép, dù với mục đích chính trị hay gì đi nữa, thì đủ biết mức độ lo ngại của chế độ về sự kết đoàn, kết hợp và tin tưởng của người dân như thế nào. Ngoài ra, khi tiềm lực của dân tộc đã cạn kiệt qua bao nhiêu cuộc chiến đã xảy ra và khi niềm tin của người dân đã bị tráo trở, lật lọng thì sự phục hồi niềm tin, nhất là trong lãnh vực chính trị và xã hội, đã trở thành yếu tố nhức nhối nhất trong công cuộc xây dựng dân chủ và phục hưng Việt Nam.

Xây dựng niềm tin là cả một quá trình lâu dài, bền bĩ và nhất là phải đồng tâm và thành tâm. Không có cách tắt nào để xây dựng niềm tin, bởi làm không khéo thì sẽ “dục tốc bất đạt”. Ngờ vực là cần thiết để bảo đảm và phát huy dân chủ, nhưng xây dựng dân chủ luôn cần sự tin tưởng của mọi thành phần dân tộc vào mục tiêu chung, vào hiến pháp, vào nền tảng công lý, vào định chế xã hội v.v…

Hơn bao giờ hết, các phong trào dân chủ cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng niềm tin và tinh thần hướng thượng cho tương lai Việt Nam. Không tin tưởng nhau thì khó thể nào hợp tác, dù là ngắn hạn, khoan nói đến hợp tác lâu dài. Thiếu sự kết hợp chặt chẽ và lâu dài thì khó thể nào hoàn thành việc trọng đại. Sức mạnh sẽ đến khi nào các phong trào dân chủ tin nhau và hợp tác với nhau bằng những hành động thành tâm và sáng suốt của mình; và trên hết, biến sự ngờ vực thành nỗ lực xây dựng khung sườn chung cho tiến trình dân chủ hoá để người dân bớt hoang mang về thứ “dân chủ giả hiệu”. Nói tóm lại, chỉ khi nào người dân dành sự tin tưởng cho phong trào dân chủ thay vì “bán tin bán nghi” vào chế độ độc tài thì công cuộc xây dựng dân chủ và canh tân Việt Nam hẳn sẽ có nhiều hứa hẹn tích cực.

Melbourne 4/7/2007

© 2007 talawas



[1]Xin đọc tác phẩm Phong trào Duy Tân của Nguyễn Văn Xuân, Lá Bối in lần thứ nhất 1970, Sài Gòn, Việt Nam.
[2]Xin đọc Nhà nước và Cách mạng của V.I. Lenin (The State and Revolution, Selected Works, In Three Volumes, Vol 2, Progress Publishers, Moscow 1970), trang 289-362.
[3]Theo Lênin, giai đoạn thứ ba là cộng sản, là thời điểm cao nhất, tột đỉnh của nhân loại, và lúc này không còn Nhà nước gì nữa. Lenin cho rằng người ta đã rất quen với các điều lệ căn bản trong nếp sống xã hội nên họ không cần các biện pháp cưỡng bức nữa. Năng suất lao động của thời kỳ này đã trở nên quá hiệu quả nên con người chỉ cần tình nguyện “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Ông hình dung, hay nói đúng hơn, là tưởng tượng ra một xã hội hài hoà, hạnh phúc, đầy đủ vật chất đến độ con người không cần phải lo âu một thứ gì bởi vì luôn luôn có đầy đủ nên không cần lấy hơn những gì mình cần. Ông cũng nhấn mạnh đến những thay đổi cần có trong đầu con người, tức là ý thức cần có để có thể đem lại một xã hội giống cộng sản như thế.
[4]Xin đọc bài của giáo sư Ralph Pettman, ‘World Politics: an overview’, (Unpub.), 2007, trang 13.
[5]Xin đọc Tín: một lý thuyết xã hội học của Piotr Sztompka (Trust: A Socialogical Theory, Cambridge, Cambridge University Press, 1999), trang 139-143.
[6]Ngày 4 tháng 7 năm nay đánh dấu kỷ niệm lần thứ 231 ngày tuyên ngôn độc lập (TNĐL) của Hoa Kỳ. Thomas Jefferson, người soạn thảo bản tuyên ngôn này, hay John Locke, triết gia được xem là có tư tưởng chính trị ảnh hưởng nhất lên các nhà lập quốc, Tuyên ngôn độc lập cũng như Hiến Pháp Hoa Kỳ, đều thuộc trường phái chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism). Cốt yếu của tư tưởng chính trị của CNPK thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập là: mọi người được sinh ra bình đẳng, được tạo hoá ban cho những quyền bất khả chuyển nhượng, trong số đó có quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc; tuy nhiên, để bảo đảm các quyền này, người dân thành lập nên chính phủ và trao cho chính phủ quyền đại diện để điều hành đất nước; khi nào chính phủ không còn phục vụ cho các mục tiêu trên thì người dân có quyền thay đổi hay huỷ bỏ nó và thành lập chính phủ mới để bảo đảm sự an toàn và hạnh phúc của họ. Đến năm 1789, Hiến Pháp Hoa Kỳ mới được chính thức thông qua, và 2 năm sau đó (1891), Bộ luật dân quyền (Bill of Rights) đã được bổ sung vào hiến pháp thành 10 Tu chánh án đầu tiên.
[7]Hy vọng trong tương lai gần, tôi có thời gian để viết một bài riêng về đề tài Tin hay Tín. Muốn tìm hiểu thêm đề tài này, xin đọc các bài viết của Francis Fukuyama hay Robert D. Putnam. Fukuyama, Francis, ‘Confucianism and Democracy’, Journal of Democracy, Vol. 6, No. 2, April 1995b, pp. 20-33; Fukuyama, Francis, Trust: The Social Virtues and the Creation of Prosperity, New York, Simon & Schuster, 1995c.; Fukuyama, Francis, ‘Social Capital and Development: The Coming Agenda’, SAIS Review, Vol. XXII, No. 1, Winter-Spring, 2002, pp. 23-37; Putnam, Robert D., "The Prosperous Community: Social Capital and Public Life," American Prospect, Vol. 13, 1993, pp. 35-42; Putnam, Robert D., ‘Bowling alone: America’s declining social capital’ Journal of Democracy, Vol. 6, No.1, 1995, 65-78.