trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
19.7.2007
Triệu Tử Dương
Đánh giá một số vấn đề xung quanh sự kiện Thiên An Môn (1989)
(Trích cuộc nói chuyện Ngày 20 tháng 3 năm 2004 của Triệu Tử Dương với Diêu Gián Phục [1] nguyên chủ nhiệm Ủy ban Nghiên cứu chính sách nông thôn TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc)
Dương Danh Dy dịch
 
Diêu Gián Phục: Ngô Gia Tường cho rằng Dương Thượng Côn là người được lợi nhất sau cơn sóng gió “4-6” [2] , lúc đó ông ta là nhân vật then chốt mà các phương diện có thể nói chuyện, liệu có phải [là người] gây ra tác dụng xấu trong “4-6”, là nhà âm mưu?

Triệu Tử Dương: Trước, sau khi Đặng đưa ra quyết định điều động quân đội, thực hiện thiết quân luật, thái độ Dương [Thượng Côn] dứt khoát không giống nhau. Giai đoạn trước Dương không tán thành điều động quân đội, thiết quân luật và đàn áp, ông ta tán thành ý kiến của tôi, trong thời gian tôi đi thăm Triều Tiên vẫn là loại thái độ đó. Nhưng sau khi thành phố Bắc Kinh báo cáo tình hình động loạn không chính xác, Đặng hạ quyết tâm phải điều động quân đội, thái độ Dương hoàn toàn thay đổi, muốn đứng về bên Đặng. Điều này là đặc điểm của các đồng chí già. Làm theo ý kiến Đặng.

Diêu Gián Phục: Người có trách nhiệm quyết định chính sách trong cả “4-6” là ai? Ai hạ lệnh nổ súng?

Triệu Tử Dương: Toàn bộ vấn đề trách nhiệm là một khu cấm. Về chính trị, không có cách nói và đánh giá mới đối với “4-6” thì không nói được gì về trách nhiệm cả, cũng không cần nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân, nhất định phải truy cứu trách nhiệm cá nhân. Chủ yếu là thể chế đương thời... Nổ súng không cần phải hạ lệnh. Bởi vì đã điều quân đội đến rồi. Bên trên đốc thúc Dương, vì sao chưa tiến vào được. Muốn truy hỏi nhất định là người nào ra lệnh nổ súng, khả năng là không có, chỉ yêu cầu bất chấp mọi giá, nhất định phải tiến vào đóng ở địa điểm nào đó.

Diêu Gián Phục: Trong sóng gió “4-6” Lý Tiên Niệm có tác dụng như thế nào? Có hài lòng với Triệu [Tử Dương] hay không?

Triệu Tử Dương: Lý luôn luôn rất không vừa lòng với chính sách cải cách mở cửa. Vì Đặng đề xướng cải cách mở cửa nên không dám công khai nói, nhưng thường xuyên bực tức nổi giận, trút giận lên người Hồ [Diệu Bang], Triệu, có khi tới mức chửi người, đi nói chuyện ở ngoài là chửi người. Ở Thượng Hải, Thiên Tân có trường hợp là chửi đổng. Trần Vân là người chính trực, nhưng không yên tâm với cải cách mở cửa, cho rằng Thượng Hải quyết không được mở cửa. Trần Vân luôn không tích cực với cải cách mở cửa, chủ trương “kinh tế lồng chim”, không muốn thay đổi lớn; mặc dù không chủ trương quản lý kinh tế [chặt] đến chết, nhưng lại không tán thành hoàn toàn mở cửa. Trần Vân luôn bị Mao Trạch Đông phê phán là “hữu khuynh” phê bình ông “kế hoạch lớn, tự do nhỏ”...Trần Vân chủ trương, tổng thể lớn là kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa, nhỏ là thị trường điều tiết. Lớn nhỏ kết hợp, nên minh bạch một chút, không nên quản đến chết. Trần không yên tâm về toàn bộ [cách làm] của Đặng, cho rằng có thể gây ra vấn đề, có mâu thuẫn với Đặng. Còn Lý [Tiên Niệm] đã nói ra với bên dưới là có ý nghĩ tư lợi. Ông ta cho rằng cải cách mở cửa trên thực tế là phủ định thành tích trước đây, bởi vì trước đây Lý là người chủ trì công tác thực tế của Quốc vụ viện, là con lật đật nhiều năm nay, bao gồm trong thời kỳ Cách mạng văn hóa cũng không bị đổ, vẫn có thể chủ trì cụ thể công tác kinh tế. Cái cách coi như là phủ định toàn bộ [cách làm] quá khứ của ông ta, phủ định chính sách và thành tích lãnh đạo của ông ta, thành tích công lao mấy chục năm trở thành vấn đề. Cải cách có nghĩa là phủ định thành tích công tác của Quốc Vụ viện mà ông ta chủ trì lâu dài. Đánh giá của ông ta đối với cải cách có chút tâm tư hóa, chính trị hóa, trên thực tế là từ chính trị phản đối chính sách cải cách. [3]

Diêu Gián Phục: Liệu có liên quan tới việc Lý bất mãn vì không có cùng tác dụng như bọn Vương Chấn, Lý Bằng?

Triệu Tử Dương: Điều này không biết.

Diêu Gián Phục: Tình hình thực của “4-6” liệu Đặng có bị lừa, nên mới có quyết sách sai lầm?

Triệu Tử Dương: Đặng không thể bị người lừa. Tư tưởng nhất quán của ông ta là, không thể thách thức quyền uy của ông ta. Ông ta cho rằng nếu loạn sẽ không xây dựng được, xưa nay [là người] coi trọng rất cao quyền uy tập trung. Về hình thức Hồ, Triệu là Tổng Bí thư, nhưng về mặt hình thái ý thức, trên những việc lớn đều phải nghe Đặng. Đặng và Trần là những người quyết sách chủ yếu, nửa rút lui chỉ là hình thức, trên thực tế vẫn do hai người này quyết sách, có chiếu cố một cách thích đáng ý kiến của các đồng chí già như Dương, Lý v.v… Dương, Lý cũng không phấn khởi trước việc làm đó. Hồ và tôi trên thực tế chỉ là một Bí thư trưởng [4] , là Tổng Bí thư trên danh nghĩa.

Diêu Gián Phục: Sau khi phê Hồ, mới xác nhận đồng chí làm Tổng Bí thư phải không?

Triệu Tử Dương: Không, định từ trước rồi, sau Đại hội XII (1982) đã định.

Diêu Gián Phục: Đặng ủng hộ đồng chí phải không?

Triệu Tử Dương: Trước khi tôi đi thăm Triều Tiên, luôn rất tốt với tôi, là ủng hộ. Sau khi thăm Triều Tiên trở về, Trần Hy Đồng, Lý Tích Minh ở thành phố Bắc Kinh báo cáo tình hình nhiều lời không thực, mới có thay đổi. Đặc biệt là cách nói của tôi đối với “động loạn” không nhất trí với cách nhìn của bọn họ, tôi nói: “Trung Quốc không thể phát sinh động loạn lớn, có thể duy trì ổn định”. Đối với phán đoán này, Đặng không phấn khởi. Học sinh không hài lòng với cách nêu “âm mưu”, “động loạn có tổ chức” trong xã luận [Nhân dân nhật báo], nhưng lại hài lòng với đánh giá của tôi. Có người xúi giục, nói phong trào học sinh là “âm mưu chống đảng chống chủ nghĩa xã hội có kế hoạch, có tổ chức”, tôi cho rằng không thể nhìn nhận như thế, chỉ là “động loạn”. Thế nhưng từ ngữ “động loạn” là trung tính, có động loạn nội bộ, có động loạn bên ngoài.

Diêu Gián Phục: Vấn đề then chốt của giờ phút then chốt là người lãnh đạo thành phố Bắc Kinh khuếch đại sự thực?

Triệu Tử Dương: Trước khi tôi đi thăm Triều Tiên, đánh giá và phương châm xử lý phong trào học sinh giữa tôi và Đặng không có ý kiến bất đồng, vấn đề then chốt là người lãnh đạo Bắc Kinh đã ra sức khuếch đại tính nghiêm trọng của phong trào học sinh, hơn nữa còn đề xuất muốn báo cáo với Thường vụ [Bộ chính trị]. Tôi cho rằng có thể không phải là Lý Bằng gợi ý muốn Bắc Kinh khuếch đại sự thực, điều này không có chứng cứ.

Ngày 24 trước khi tôi đáp xe lửa đi Triều Tiên, Lý Bằng còn hỏi tôi có ý kiến gì không, tôi nhắc lại phương châm đối với học sinh. Tôi cho rằng lễ truy điệu Hồ Diệu Bang đã kết thúc rồi, yêu cầu tưởng nhớ Hồ Diệu Bang của học sinh cũng đã được thỏa mãn, bây giờ nên quay lại học, cần khôi phục trật tự. Ngoài [những kẻ] đánh người, đập phá, cướp bóc ra, không được dùng vũ lực bắt người, làm mâu thuẫn gay gắt thêm. Lúc đó Lý Bằng cũng đồng ý với ý kiến của tôi.

Diêu Gián Phục: Lúc nào mới định tính là âm mưu, động loạn?

Triệu Tử Dương: Tại hội nghị Thường vụ TƯ, Lý Bằng đã định luận điệu. Ngày 25 tháng 4, sau khi lãnh đạo thành phố Bắc Kinh báo cáo với Thường vụ, lại báo cáo với Đặng, và đã định tính: động loạn có kế hoạch, có tổ chức. Đương thời trên thực tế phần lớn học sinh đã về trường, học sinh cũng phân hóa, phần lớn đã về học. Thế nhưng không ít học sinh lo sợ sẽ bị “tính sổ sau mùa thu”, về chính trị không được bảo đảm, có chút lo lắng. Nếu như tiếp tục tiến hành đối thoại, làm dịu mâu thuẫn, hóa giải tình trạng không ổn định về tư tưởng, thì có thể khiến sự kiện này bình ổn, tôi cho là không thể “loạn” lên được. Thế nhưng sau khi Thành uỷ Bắc Kinh báo cáo với Thường vụ, Lý Bằng định tính là hoạt động “chống Đảng chống chủ nghĩa xã hội” có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo. Hội nghị Thường vụ không định tính là động loạn, nhưng đề xuất không sử dụng thủ đoạn thì xử lý không xong. Báo cáo của lãnh đạo thành phố Bắc Kinh là then chốt, những cái khác đều là cái cớ. Lý Bằng lợi dụng những lời nói của Đặng về việc này đã triệu tập hội nghị mấy ngàn người để truyền đạt. Rồi lại lấy xã luận “26-4” làm phương thức xuất phát, định tính là âm mưu động loạn. Nếu không phát tán như vậy sự tình không thể ghê gớm đến thế. Thiên hạ vốn vô sự. [Nhưng] kết quả của sự định tính này đã đẩy số đông học sinh về mặt đối lập. Thực ra sau khi truy điệu Hồ Diệu Bang, trước Thiên An Môn chỉ còn lại số ít người, phần lớn không còn hăng hái. Nhưng tiếp đó có xã luận “26-4”, khiêu khích một bộ phận trung gian quay lại. Kết quả là mười vạn người xuống đường. Sau khi xuất sự, Lý Bằng lo rằng tôi từ Triều Tiên trở về không ủng hộ quyết định của ông ta, bất kể như thế nào đều muốn tôi phải nói theo luận điệu đó, đồng thời truyền đạt những lời nói của Đặng xuống dưới. Thực ra Đặng cũng có cảm giác, Lý Bằng không vứt bỏ Đặng, con cái nhà Đặng cũng đã nói là không nên nói như vậy. Thái độ của Đặng là đã nói ra rồi thì không thu hồi, sợ mũi giáo quay đầu lại, mất uy tín.

Diêu Gián Phục: Bối cảnh bài nói ngày 3-5 của đồng chí kỷ niệm ngày “ngũ tứ” [5] và bài nói với Ngân hàng châu Á là thế nào?

Triệu Tử Dương: Bài nói ngày 3-5 của tôi để kỷ niệm ngày “ngũ tứ” là đáp ứng riêng yêu cầu người nhà Đặng, yêu cầu Bão Đồng [6] thêm một đoạn lời Đặng yêu mến thanh niên, Trong bài nói với quan chức Ngân hàng châu Á [ADB], tôi nhấn mạnh phải trên quĩ đạo trật tự và pháp luật đối thoại một cách lý trí, tỉnh táo. Còn xã luận “26-4” và những lời nói của Đặng được phổ biến rộng rãi đã tạo ra tâm tư tình cảm bất mãn của học sinh đối với Đặng, đặc biệt là xã luận phán định phong trào học sinh làmột cuộc động loạn có tính chất chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội, xã luận “26-4” đòi áp dụng biện pháp kiên quyết xử lý là then chốt nhất, đẩy học sinh lên mặt đối lập, không còn đường lùi. Nhưng cũng không nghĩ đến là phải nổ súng, bởi vì không khí chính trị đã thư thái rồi. Lý Bằng cũng cảm thấy làm hỏng rồi, sợ lật lọng.

Diêu Gián Phục: Trong [cuộc] nói chuyện của đồng chí với Gorbachev ngày 16 tháng 5, có nói đến buổi sáng, Đặng tiếp kiến Gor [nguyên văn] chủ đề quan hệ hai Đảng Trung Xô bình thường hóa; [có nói] là do TƯ qui định nội bộ, những việc trọng đại chúng ta phải xin ý kiến Đặng. Liệu bài nói đó có dẫn đến hiểu lầm hay không?

Triệu Tử Dương: Tôi muốn nói việc Đặng tiếp kiến Gor vào buổi sáng, đã đặt ra việc quan hệ hai Đảng Trung Xô bình thường hóa, chứ không phải là tôi tiếp kiến Gor buổi chiều [với] tiêu chí quan hệ hai đảng Trung Xô bình thường hóa, không ngờ đã dẫn tới hiểu lầm lớn như vậy. Trên thực tế, cách nói chúng tôi xin ý kiến Đặng, Lý Bằng cũng đã công khai nói qua.

Diêu Gián Phục: Vì sao thái độ của Đặng đối với đồng chí thay đổi?

Triệu Tử Dương: Lý Bằng, Hà Đông Xướng [7] có tác dụng rất xấu, bọn họ đi khắp nơi xúi giục, tập trung một số lời nói chống Đặng phản ánh lên trên, những cái đó đã kích thích Đặng đưa ra quyết định “vì ổn định, quyết định thiết quân luật”. Đặng nói xong, sau hội nghị còn nói với Lý Bằng: “không được giống như lần trước gieo rắc những lời nói của tôi.” Lý Bằng nói: “ Vâng, vâng, vâng.” Điều này cho thấy rõ, Đặng nhậy cảm trước việc công khai tán phát bài nói chuyện nội bộ của ông ta ngày 24 tháng 4, và không hài lòng, không cho rằng truyền đạt bài nói của ông ta là việc tốt, đẩy Đặng lên phía trước, con cái Đặng cũng có cách nhìn, cũng có ý tứ này. Bài nói của tôi khi gặp quan chức Ngân hàng châu Á không có yêu cầu gì, nhưng muốn ngăn chặn hoàn toàn loại ảnh hưởng đó cũng khó khăn. Then chốt là có người ra sức xúi giục, tìm mưu tính kế kích thích Đặng, hết cách tuyên truyền học sinh đã chĩa mũi giáo nhằm vào Đặng. Mà Đặng thì rất yêu quí giữ gìn hình tượng của mình, rất phấn khởi khi học sinh vào dịp chúc mừng 35 năm quốc khánh đã giương cao biểu ngữ “xin chào Tiểu Bình”. Chính điều này đã tạo thành Đặng có ý kiến định tính đối với cuộc sóng gió.

Diêu Gián Phục: Nguyên nhân đối thoại không thành công với học sinh là gì?

Triệu Tử Dương: Có người phá hoại đối thoại. Hà Đông Xướng triệu tập hội nghị Bí thư đảng uỷ đại học, nói trong hội nghị phải kiên trì ý kiến của xã luận “26-4”. Lẽ ra sau khi tôi nói chuyện với quan chức Ngân hàng châu Á, tình hình dịu đi rất nhiều. Nhưng Hà Đông Xướng nhấn mạnh đó chỉ là ý kiến cá nhân Triệu, vẫn phải duy trì nhất trí với xã luận, kiên trì quan điểm của xã luận “26-4”. Hai bên (?) của Hà Đông Xướng giở trò, trên thực tế là phá hoại đối thoại, anh ta nói chỉ có thể đối thoại với Hội học sinh chứ không thể đối thoại với đại biểu tuần hành. Tôi cho rằng, nên nên đồng thời đố thoại với đại biểu tuần hành. Bởi vì Hội học sinh phản đối học sinh biểu tình thị uy. Đồng thời Hà Đông Xướng đã đưa rất nhiều tài liệu cho Đặng, cho rằng học sinh chống Đặng; mặt khác lại không cùng học sinh biểu tình thị uy đối thoại, điều này dẫn đến làm cho học sinh tức giận, hướng tức giận vào Đặng. Bọn Hà Đông Xướng, sau này cũng phát hiện [thấy] không bình thường. Thực ra tôi nói với anh, lúc đó Bành Chân cũng không tán thành, đã nói câu: “bất kể như thế nào cũng không được sử dụng vũ lực, đổ máu.” Bọn Lý Bằng, Hà Đông Xướng rất cô lập lo lắng, sợ giọng điệu của tôi thay đổi. Mọi vấn đề chính là phát sinh từ đây.

Diêu Gián Phục: Vì sao khi từ Triều Tiên trở về, đồng chí không tới thăm Đặng?

Triệu Tử Dương: Tất nhiên, cũng có thể nói đây là cuộc sống có duyên phận, có số phận. Thế nhưng đúng là có rất nhiều nhân tố ngẫu nhiên và nhân tố tất nhiên cùng có tác dụng. Lúc đó sức khỏe của Đặng vô cùng xấu, có bệnh. Gorbachev lại đến thăm Trung Quốc, điều chúng tôi quan tâm nhất là liệu Đặng có ra thể ra tiếp không, lần gặp gỡ cao cấp nhất Trung Xô này là một việc lớn. Vì vậy việc thày thuốc, người nhà, Thường vụ TƯ quan tâm nhất là bất kể như thế nào Đặng cũng không có chuyện gì, quyết định không gặp ai. Tôi từ Triều Tiên trở về, những vấn đề gặp gỡ với Kim Nhật Thành không có cách gì báo cáo được, sợ quấy rầy ông ta, ảnh hưởng tới việc dưỡng bệnh của ông ta. Chỉ có Dương Thượng Côn thông qua người nhà ông ta truyền lời. Con trai, con gái nhà họ Đặng khi ăn cơm truyền đạt cũng phải chiếu cố sức khỏe của Đặng. Tôi cũng không thể đi gặp ông ta, không tiện, càng phải chiếu cố cục diện lớn. Lúc đó cũng không dự tính sẽ như thế này, không gặp ông ta, không có cách gì nói được. Nếu như tôi từ Triều Tiên trở về được gặp Đặng, cũng có khả năng tốt hơn một chút. Lúc đó sợ Đặng không ra được, không thể tiếp kiến Gorbachev. Nếu nói không tới gặp Đặng là một sai lầm, có thể là một sai lầm bởi vì tôi gặp Đặng rất thuận tiện. Cuối cùng trước khi gặp Gorbachev đã gặp Đặng, lúc đó ông ta vẫn tán thành cách làm của tôi. Thời gian vào một, hai ngày trước khi hội kiến Gor.

Diêu Gián Phục: Nếu đồng chí không đi thăm Triều Tiên, liệu tình hình có khác đi chăng?

Triệu Tử Dương: Then chốt là đoạn thời gian sau (xã luận) “26-4”. Liệu tôi có thể không đi Triều Tiên không? Cần phải biết, quan hệ với Triều Tiên là vấn đề rất nhạy cảm. Kế hoạch chuyến thăm đã được Kim Nhật Thành và Đặng Tiẻu Bình phê chuẩn, Tổng Bí thư lại tạm thời không đi, lý do gì? Nếu nói tình hình trong nước rất nghiêm trọng nên không đi, bản thân là vấn đề rất nhạy cảm. Trên quốc tế lại liên quan đến vấn đề quan hệ Trung, Triều. Vì vậy tôi không thể đề xuất không đi thăm. Nếu có đề xuất, Thường vụ cũng sẽ không phê chuẩn. Chúng ta vốn lo lắng liệu lễ truy điệu Hồ Diệu Bang có kết thúc thuận lợi hay không, sau này đã kết thúc tương đối thuận lợi, gánh nặng trên vai đã hạ xuống, chỉ còn một số việc giải quyết hậu quả phải làm. Vì thế tôi đi thăm Triều Tiên. Thế nhưng không ngờ ở Bắc Kinh có người khuếch đại vấn đề, làm nhiều động tác lớn hơn, nói: nào là “xâu chuỗi trong học sinh”, “ra ngoại tỉnh xâu chuỗi” tương tự như làm cách mạng văn hóa, như vậy là làm gay gắt vấn đề hơn, biến thành càng nhạy cảm.

Diêu Gián Phục: Đặng có thái độ như thế nào trước quan hệ của đồng chí với phía quân đội?

Triệu Tử Dương: Đặng nhiều lần muốn tôi gặp mặt các đồng chí bộ đội nhiều hơn. Đặng luôn luôn thực lòng ủng hộ công việc của tôi, gồm cả công việc của Quân uỷ.

Diêu Gián Phục: Sau khi xã luận “26-4” định tính, giữa lãnh đạo có bất đồng nào về phương thức xử lý không?

Triệu Tử Dương: Xã luận “26-4” định tính phong trào học sinh là âm mưu, động loạn có tổ chức có kế hoạch đã làm cho toàn bộ tình thế phát sinh thay đổi căn bản. Trong Thường vụ, ý kiến của Kiều Thạch và tôi là nhất trí, ý kiến của Hồ Khởi Lập [8] cũng nhất trí. Dương Thượng Côn dự thính hội nghị cũng nhất trí với ý kiến của tôi, còn Lý Bằng, Diêu Y Lâm [9] hai người lợi hại, họ sợ động tới đầu họ, họ nhất trí với người lãnh đạo thành phố Bắc kinh, chủ trương sử dụng biện pháp kiên quyết. Rốt cuộc là sử dụng biện pháp nghiêm khắc hay là sử dụng biện pháp ôn hòa là bất đồng chủ yếu.

Diêu Gián Phục: Bài nói với quan chức Ngân hàng châu Á, Thường vụ Bộ Chính trị đều đồng ý cả chứ?

Triệu Tử Dương: Thực ra từ sau khi tôi nói “Trung Quốc sẽ không phát sinh động loạn lớn” với quan chức Ngân hàng châu Á, Lý Bằng cũng đồng ý, còn khen bài nói của tôi nói rất hay. Dương Thượng Côn cũng nói, nói rất hay. Tôi hy vọng tình hình dịu đi. Tình hình căng thẳng của học sinh sau lần nói chuyện này thực tế là lơi lỏng đi, dịu đi. Tôi thực không muốn nói tới những việc của “4-6” nữa. Lần này đồng chí đến, vốn là tôi nghe đồng chí nói, kết quả tôi lại nói.

Diêu Gián Phục: Đồng chí Lý Nhuệ [10] đã nói, các đời Tổng Bí thư trong Đảng phần đông dùng phương thức kiểm thảo, nhận sai [để] kết thúc nhiệm kỳ, chỉ có đồng chí và Trần Độc Tú không nhận sai lầm.

Triệu Tử Dương: (từ ghế ngồi bật dậy đi đến trước mặt Diêu, chỉ vào mặt Diêu) Ông nói Trần Độc Tú?

Diêu Gián Phục: Không phải tôi, mà là đồng chí Lý Nhuệ nói.

Triệu Tử Dương: Ha, ha, ha!

Diêu Gián Phục: Triệu lão, tôi có thể cùng đồng chí chụp kiểu ảnh không?

Triệu Tử Dương: Có thể được, chụp đi! (Vương Ưng Nam chụp ảnh cho ba người Triệu, Tôn, Diêu)

Diêu Gián Phục: Đề nghị chụp thêm kiểu nữa.

Vương Ưng Nam: Đã chụp mấy kiểu rồi.

Triệu Tử Dương: Có phải phim của anh đâu! Chụp đi! Ha ha ha!

Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Diêu Gián Phục (1932- ) người Giang Tô, chuyên gia nông nghiệp, từng làm Chủ nhiệm Ban nghiên cứu sức sản xuất nông nghiệp, Trung Tâm nghiên cứu phát triển Quốc Vụ viện, nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu kinh tế nông thôn Bộ Nông nghiệp, hiện là Phó Viện trưởng Viện kỹ thuật kinh tế nông nghiệp Học viện Khoa học quản lý Trung Quốc.
[2]Tức sự kiện Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989.
[3]Chú thích của tác giả: theo Lý Thụ Kiều thì Lý Tiên Niệm yêu cầu Lý Bằng thông tri cho thành uỷ Bắc Kinh cần phải áp dụng thái độ cứng rắn đối với phong trào học sinh.
[4]Bí thư trưởng, một chức vụ không có chức tương đương ở Việt Nam, về đảng thường xếp dưới các uỷ viên thưòng vụ, về chính quyền thường xếp dưói chức Phó (Thủ tướng, Chủ tịch...)
[5]Ngày 4 tháng 5, 1919, hàng loạt các cuộc biểu tình đông đảo của sinh viên chống chính phủ Bắc Kinh và Nhật Bản nổ ra, mở đầu cho một phong trào phản kháng toàn quốc được gọi là Phong trào Ngũ Tứ (còn gọi là Ngũ Tứ vận động, hay phong trào ngày 4 tháng 5)
[6]Bão Đồng (1933- ) người Triết Giang, từng là thư ký chính trị của Triệu Tử Dương, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu cải cách chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bị bắt tháng 5 năm 1989, năm 1992 bị tuyên án 7 năm tù giam, ra tù bị giam lỏng tại nhà.
[7]Hà Đông Xướng (1923- ) người Triết Giang, từng là Bí thư đảng uỷ Đại học Thanh Hoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Phó chủ nhiệm Ủy ban cải cách giáo dục quốc gia.
[8]Hồ Khởi Lập (1929- ) người Thiểm Tây, là Ủy viên thường vụ Bộ chính trị năm 1987-1989, sau sự kiện “4-6” làm Bộ trưởng Bộ Điện lực.
[9]Diêu Y Lâm, từng là Bộ trưởng Bộ Thương Mại, Phó Thủ tướng quốc Vụ viện, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị.
[10]Lý Nhuệ, đảng viên lão thành Đảng Cộng sản Trung Quốc, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ.
[11]Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219.
Nguồn: Sách Triệu Tá»­-dÆ°Æ¡ng nhuyá»…n cấm trung đích đàm thoại [11] tr. 356-363