trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
20.7.2007
Nguyễn Trọng Văn
Góp ý với Tiêu Dao Bảo Cự
(“Một cuộc đại hội thảo và những cuộc gặp gỡ văn nghệ tư do. Tại sao không?”)
 
Đà Lạt để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Hồi đó không nhớ tại sao tôi được bầu làm chủ tịch sinh viên (nội trú), nếu tôi nhớ không lầm hình như Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Ðà Lạt hồi đó là một bạn bên khoa Pháp văn, chúng tôi sống đời sinh viên rất vui vẻ, hồn nhiên; học hết mình, quậy cũng hết mình, rồi tất cả xí xoá, huề cả làng, chỉ còn lại tình yêu Ðà Lạt và niềm tự hào được làm sinh viên Ðại học Ðà Lạt. Hồi còn là sinh viên tôi có nghe nói về Tiêu Dao Bảo Cự, sau này được mấy người bạn - cũng dân Ðà Lạt - giới thiệu, tôi lại thăm anh tại nhà riêng, cảm nghĩ tôi về anh lúc đó: ưa phê bình, thiện chí, thẳng thắn. Gần đây, nghe tin anh được “chiếu cố đặc biệt”, tôi tự nhủ: chắc tại cái tính ưa phê bình. Trong tình hình hiện nay thiện chí, sự trong sáng và óc phê bình có đủ không?


1. Nội dung

Bài viết của Tiêu Dao Bảo Cự (talawas 431, 04.7.2007, tr. 7-12) khá dài, xoay quanh hai chủ đề là hoà hợp hoà giải và văn nghệ tự do. Sau đây là tóm lược những điểm chính yếu.

a. Quên đi quá khứ, hướng tới tương lai:

Bằng nhiều cách, các nhà nước liên quan đến cuộc chiến Việt Nam trước đây đã cố gắng quên đi hay vượt qua cuộc chiến này để hướng tới tương lai”.

b. Người lính Việt Nam, hai chiến tuyến, trong và ngoài nước:

“Không có tự do nói lên lời tạ lỗi hay thắp lên một nén nhang”.

c. Cuộc chiến mới về tư tưởng và ngôn từ:

“Nhà nước cộng sản không bao giờ ngưng cảnh giác và tấn công trước những tư tưởng gọi là ‘thù địch và diễn biến hoà bình’... Người chống cộng thề không đội trời chung với người cộng sản... Thành phần thứ ba vẫn bị những người chống cộng lên án… Từ khi có Internet nhiều trang web được mở ra và bất cứ ai có điều kiện tối thiểu để tham gia không gian ảo này, đều có thể phát biểu ý kiến của mình một cách tự do, đôi khi vô trách nhiệm, vô văn hoá và vô đạo đức... Cái gọi là ‘chính nghĩa’ mà các bên đã nhân danh và tự hào lại chính là bình phong cho những thủ phạm giấu mặt nguy hiểm nhất gây ra biết bao tai hoạ. Sự bảo thủ và cưỡng bức chân lý hình như không phải là độc quyền của riêng ai”

d. Những cố gắng bị lái chệch hướng:

“Có lẽ chính vì thế mà Bùi Tín đã đưa ra một đề nghị và kêu gọi thảo luận trong bài viết ‘Những vấn đề cần làm rõ về cách mạng dân chủ ở Việt Nam’. Cuộc nói chuyện điện thoại của Lê Hồng Hà với Bùi Minh Quốc và Hà Sĩ Phu, sau đó nội dung đã được văn bản hoá và đưa lên mạng, thực chất cũng là một là một đề nghị tương tự hơn và biện pháp đề xuất cụ thể hơn. Tuy nhiên đáng tiếc đề nghị của Bùi Tín không được hưởng ứng rộng rãi, một phần do cách đặt đặt vấn đề của ông. (Trong số ít các ý kiến về bài viết của Bùi Tín có bài của Lại Nguyên Ân rất thẳng thắn, chính xác và dũng cảm.) Hà Sĩ Phu đã tiếp tục cuộc trao đổi với một loạt bài viết công phu nhưng một vài bài trên mạng mới đây tranh luận với Hà Sĩ Phu, vô tình hay cố ý, hay vì những hậu ý nào đó, muốn dẫn cuộc trao đổi đi chệch hướng, không mang lại lợi ích gì thiết thực”.

e. Ðại hội thảo về hiện tình và tương lai Việt Nam:

“Mục tiêu: Tự do, dân chủ, hoà bình và phát triển cho Việt Nam. Chủ đề... lập trường... tính chất... Người tổ chức: Ban biên tập các trang web riêng rẽ hay liên kết chủ trì cuộc hội thảo hoặc những người hoạt động dân chủ lâu nay cử ra một ban điều hành chủ trì và các trang web hỗ trợ. Các trang web này có thể ở ngoài hay trong nước, bất cứ ai có thiện chí và khả năng đều có thể làm, kể cả trang web của Ðảng Cộng Sản, nếu Ðảng thực tâm muốn lắng nghe ý kiến của toàn dân”... Người tham dự: Mọi người Việt Nam có nhận thức và ưu tư về tình hình đất nước, không phân biệt trong hay ngoài nước, cộng sản hay không cộng sản, quan chức hay dân thường. Phương pháp: Có thể ban điều hành hội thảo đưa ra một đề cương chung hoặc bất cứ ai tham gia cũng có thể đưa lên bài viết của mình, có tính cách tổng hợp hay về một đề tài cụ thể. Sau từng thời gian tranh luận, ban điều hành sẽ rút ra kết luận tạm thời cho từng vấn đề và gợi ý tiếp. Thái độ: Cầu thị, tôn trọng người đối thoại, tuyệt đối không dùng lời lẽ gay gắt có tính cách phỉ báng cá nhân hay thiếu văn hoá dù ý kiến mâu thuẫn. Ban điều hành sẽ có biện pháp để ngăn chặn những bài viết vi phạm qui định này...”

f. Các phe nhóm có ý kiến khác nhau, thiếu sự đồng thuận:

“Thực ra nhận định về hiện tình và tương lai Việt Nam đã có nhiều tổ chức và cá nhân đưa ra: Nghị quyết đại hội của Ðảng Cộng sản, cương lĩnh chính trị của Tập hợp Dân chủ Ða nguyên, các công trình nghiên cứu của Nhóm Dân chủ và Phát triển, Tuyên ngôn của Nhóm 8406, gợi ý của Nhóm Ðà Lạt về tư tưởng Phan Chu Trinh và con đường dân chủ xã hội, cũng như văn kiện của các tổ chức đảng phái, các nhóm đấu tranh dân chủ và bài viết của vô số cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có những bài rất xuất sắc. Tuy nhiên những nhận định đưa ra chưa có sự đồng thuận cao của toàn xã hội hoặc đang có sự đánh giá rất khác nhau hoặc chưa được thảo luận đến nơi đến chốn”...

g. Văn học không biên giới: những thí dụ rất sinh động về hoà hợp hoà giải và giao thoa văn hoá. Hoà bình trong lòng người, trong cả dân tộc. Nếu không vấn đề trách nhiệm với thế hệ tương lai:

“Nhưng luật pháp không cấm, nhà nước không cấm, tại sao chúng ta không tự làm? Chúng ta có tự do tổ chức những cuộc gặp mặt giữa văn nghệ sĩ với nhau, với công chúng thuộc mọi miền, mọi thành phần để trò chuyện và trao đổi tâm tình. Gặp mặt ở nhà riêng, ở quán café, ở nhà hàng, ở trường đại học, ở các cơ sở văn hoá, trên các tạp chí, trên không gian ảo... với năm ba người, năm ba chục người... và công bố nội dung như cách làm trên talawas vừa qua. Ai cấm cản điều này nếu không phải là chính ta tự mình đứng trong vòng vôi cấm? ... mang lại hoà bình trong lòng người và cho đất nước. Nếu chúng ta không làm, nhân dân không làm, tình hình chung của đất nước sẽ còn trì trệ, trong đó mỗi người đều có phần trách nhiệm của mình”...

Sau đây là nhất-lãm-biểu (tableau synoptique) bài của Tiêu Dao Bảo Cự:
  • mục (1): nội dung, gồm hai chủ đề: hoà hợp hoà giải và văn nghệ tự do
  • mục (2): những luận điểm chính của nội dung hoà hợp hoà giải (quên đi quá khứ, hướng về tương lai) và văn nghệ tự do (văn nghệ sĩ, nhân dân tự chủ động tổ chức, không tự giam hãm trong vòng vôi trắng)
  • mục (3): những thắc mắc nêu lên từ bài viết của tác giả
  • mục (4): nhận xét bước đầu của tôi (Nguyễn Trọng Văn)

1. Nội dung
2. Luận điểm chính
3. Thắc mắc
4. Nhận xét
a. hoà hợp hoà giải
Quên đi quá khứ, hướng đến tương lai
1. Ai?
2. Cách mạng DTDC?
3. Thành phần thứ ba?
4. Ðâm sau lưng chiến sĩ
5. Ðại hội thảo về hiện tình và tương lai Việt Nam?

1.Có nhiều “chúng ta”.
2. Ngồi rỗi vẽ voi?
3. Thành phần thứ ba?
4. Có đánh trước mặt?
5. Năm ông Bush cũng khó làm được, huống chi!
b. văn nghệ tự do
Văn nghệ sĩ, công chúng tự tổ chức, ai cấm đoán nếu không phải tự mình cấm mình vượt qua vòng vôi cấm?
6. Văn nghệ sĩ, công chúng tự mình đứng ra tổ chức?
7. Ai cấm cản hay tự mình trói buộc mình?
8. Nếu không hành động vì “hoà bình trong lòng người và cho đất nước”, đất nước còn trì trệ mỗi người có phần trách nhiệm của mình?
6. Nếu có 50 ông Bush thì may ra!
7. Không cấm, không tự trói mà căn cứ theo luật.
8. Sao biết là không hành động? Không hành động thì làm sao “ra ngõ gặp anh hùng” thành “ra ngõ gặp doanh nhân”?

Tạm kết

9. Cả hai dự án (a) và (b) rất thiện chí nhưng có khả thi hay không thì...
10. Ðà Lạt dạo này không còn sương mù, những người quen cảnh huyền ảo thơ mộng chắc không vui?


2. Góp ý

A. Những tiền giả định

a. Tiền giả định (présupposition) là những điều mà người nói tin là đúng dù không được chứng minh và mong muốn người nghe chia sẻ niềm tin đó với mình để cùng đi vào vấn đề đang bàn luận một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn. Trước khi có lý lẽ, chứng cớ, chủ nghĩa... đã có những tiền giả định. Chúng ta không thể sống nếu giữa con người với nhau không có tiền giả định. Ðặc tính đầu tiên của tiền giả định là niềm tin ở tiền giả định có thể đúng (nhân linh ư vạn vật) hoặc sai (địa cầu trung tâm), nó cần được điều chỉnh, bổ túc, sửa sai liên tục. Không có chân lý trọn gói, nhất sinh bất biến. Ðặc tính thứ hai khi gặp những tiền giả định sai hoặc thiếu sót, về mặt khách quan người ta có thể viện ra nhiều lý lẽ để chống chế, đẩy xa sự thật phũ phàng nhưng về mặt chủ quan khi biết trong mớ tiền giả định của mình có lẫn một số tiền giả định sai thì người trí thức liêm khiết, bằng bất cứ giá nào - kể cả cái chết - cũng tự nguyện toàn tâm, toàn ý sửa đổi niềm tin sai lầm của mình. Tâm lý con người rất dễ dàng chấp nhận một tiền giả định là đúng hay sai nhưng rất cố chấp với tính đúng sai của những lý thuyết, những chủ nghĩa. Sau cùng, đặc tính thứ ba của tiền giả định là khi biết nó đúng hay sai dù nói ra hay hoàn toàn giữ kín trong lòng thì niềm tin ở tiền giả định đó luôn luôn tác động tích cực hoặc tiêu cực lên nếp sống, nếp nghĩ, lên mọi cử chỉ và hành động của chúng ta trong đời sống thường ngày, giống như mặc cảm hay vô thức trong phân tâm học.

b. Với bài này, chúng ta có những tiền giả định như sau:
  • Các phe nhóm đều thiện chí và sẵn sàng tham gia.
  • Các vấn đề đều được cập nhật hoá, tránh sự lập luận dài dòng vô ích.
  • Ðại hội thảo gồm các đảng phái, phe nhóm, lập trường, trong và ngoài nước.. cùng tham gia.
  • Cần tự đứng ra tổ chức, không sợ ai cấm cản. Không tự giam hãm mình trong vòng vôi trắng.
  • Cần hành động kịp thời, tránh được sự trì trệ cho đất nước, tránh cho chính mình phải đối diện với vấn đề trách nhiệm.


B. Những góp ý cụ thể

Xin có mấy đóng góp ngắn gọn về những vấn đề sau: 1) “Chúng ta” là ai?, 2) Cách mạng dân chủ, 3) Thành phần thứ ba, 4) Ðâm sau lưng chiến sĩ, 5) “Toàn dân” tham gia hội thảo.

1. “Chúng ta” là ai?

“Chúng ta” được nhắc tới nhiều lần trong bài (chúng ta, toàn dân, toàn xã hội, trong và ngoài nước…). Nhưng “chúng ta” cụ thể là những ai? Ngày nay không biết chính quyền chia “chúng ta” làm mấy loại (như hồi xưa có sĩ, nông, công, thương; rồi sĩ, nông, công, thương, binh; hiện nay có công, nông, trí; quân, cán, chính, VIP…). Theo chủ quan của tôi, chỉ riêng trong phạm vi trí thức, có thể chia ra 7 loại: 1) trí thức tại chỗ, 2) trí thức Việt kiều, 3) trí thức khuynh tả, 4) trí thức bất đồng chính kiến, 5) trí thức xã hội chủ nghĩa, 6) trí thức gốc Việt, 7) trí thức ngoại quốc “phản chiến”. Sự phân loại có tính gượng ép, tạm thời; trên thực tế các loại trí thức có quyền lợi, vai trò khác nhau, ảnh hưởng chồng chéo qua lại rất phức tạp. Không biết Tiêu Dao Bảo Cự muốn nói tới “chúng ta” nào?

2. Cách mạng dân chủ:

Tôi chưa đọc bài của Bùi Tín nên không biết ông nói về cách mạng dân chủ như thế nào. Ở Việt Nam người ta nói quá nhiều về cách mạng, điều này khiến tôi nhớ tới một giai thoại vui vui của mấy bác nông dân: “Dân mình nghèo nhưng làm cách mạng giỏi. - Giỏi thì có giỏi nhưng mệt, à… mà ‘cách mạng’ là cha nào vậy cà?”. Mỗi người hiểu cách mạng một cách khác nhau. Cứ đọc những gì Tiêu Dao Bảo Cự viết, tôi được biết: a) Bùi Tín đề nghị thảo luận về cách mạng dân chủ tại Việt Nam, b) đề nghị này được Lê Hồng Hà, Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu đồng tình, c) Tuy nhiên đề nghị của Bùi Tín không được hưởng ứng rộng rãi, d) trong số những người tiếp tục trao đổi có Lại Nguyên Ân, Hà Sĩ Phu, e) một vài ý kiến làm cuộc thảo luận đi chệch hướng... Tôi có vài thắc mắc (thuần tuý có tính tư biện): Tại sao đề nghị không được hưởng ứng rộng rãi? Lợi ích thiết thực là lợi ích gì, cho ai? Tại sao một vài ý kiến có thể lái cuộc thảo luận đi chệch hướng?... Hy vọng Tiêu Dao Bảo Cự, trong những điều kiện cho phép, giúp chúng ta nhận thức vấn đề một cách rõ ràng hơn.

3. Thành phần thứ ba:

Ý nghĩa và khung cảnh ra đời cụm từ “thành phần thứ ba” đã qua nhiều thay đổi. a)Trước thống nhất: Mỹ - Cộng sản miền Bắc - thành phần thứ ba (Liên minh Dân tộc Dân chủ Hoà bình, Mặt trận Giải phóng Miền Nam, dân chúng - đa số thầm lặng - thuộc phe “nguỵ” hoặc phe “cách mạng”...) b) sau thống nhất: khi Mỹ ra đi, binh lính sĩ quan chế độ cũ qua học tập, “nguỵ” và “cách mạng” đều trở thành dân thường, ta có miền Bắc - miền Nam - thành phần thứ ba (đảng phái phe nhóm bất đồng chính kiến, trong và ngoài nước). Trong bài, Tiêu Dao Bảo Cự nói: thành phần thứ ba vẫn bị phe chống cộng kết án. Theo tôi điều này dễ hiểu vì họ cho là anh thuộc phe thân cộng, đúng là tai bay vạ gió! Trong khi Tiêu Dao Bảo Cự không thân cộng cũng không chống cộng, chỉ muốn làm “thành phầ thứ ba” thuần tuý?

4. Ðâm sau lưng chiến sĩ:

Góp ý này đại thể giống góp ý (3), đúng là oan ức, tai bay vạ gió, chỉ xin thêm một ý nhỏ: kẻ thù có thể ở sau lưng nhưng cũng có thể ở ngay trước mặt mà anh không thấy, bạn không tin sao?

5. Toàn dân tự tổ chức, tham gia đại hội thảo... có ai cấm cản đâu?

Người ta nói ba người đàn bà ngồi lại tạo ra một cái chợ, nay toàn dân tham gia hội thảo thì thành cái gì? Tôi chưa mường tượng ra cái Hội nghị Diên Hồng này (đúng ra phải lớn hơn?) sẽ ra sao, nhất là khi không có ai đứng ra tổ chức, cho phép hay cấm cản gì? Hoàn toàn tự do, kể cũng lạ! Muốn vậy phải có những tiền giả định cần thiết tối thiểu, nhưng chúng ta lại không có những điều tối thiểu đó. Giữa hai thái cực “liều mạng” và “coi mọi sự như lông hồng” có một yếu tố chung là tôn trọng luật pháp, điều quan trọng không phải là tự ý hay không tự ý, cấm cản hay không cấm cản; điều quan trọng là cần hành động theo luật pháp, dù còn nhiều điều bất cập. Một người bạn đi Mỹ về cho biết: mấy đứa dân quậy hồi xưa ngậm ngùi tâm sự: “Nước nào có luật pháp nước đó; Mỹ, Việt Nam hay ở đâu cũng vậy, anh làm gì trái luật pháp bảo đảm sẽ được chính quyền sở tại ‘chiếu cố’ ngay, điều đó hợp lý thôi! Dám làm dám chịu chứ, than vãn gì?” Một chân lý lạnh sắc như sương khuya Ðà Lạt.


*


Tôi nghĩ Tiêu Dao Bảo Cự không than vãn, anh chi hơi thắc mắc, ngỡ ngàng. Ðề tựa bài viết như nói lên ý đó: “Một cuộc đại hội thảo và những cuộc gặp gỡ văn nghệ tự do. Tại sao không?”. Dự định tổ chức đại hội thảo dù rất hay nhưng bất khả thi. Nghe nói dạo này Ðà Lạt không còn sương mù nữa, những người yêu cảnh huyền ảo thơ mộng chắc kém vui?

TP. HCM, 7/2007

© 2007 talawas