trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
20.7.2007
Trần Hữu Thuần
Đói
 
Người ta thường khinh bỉ miếng ăn, cho “Miếng ăn là miếng tồi tàn”. Ai coi trọng miếng ăn bị gọi là kẻ phàm phu tục tử, không phải là người quân tử, vì quân tử thực bất cầu bạo [1] ; “Ngày ba bữa bụng rau kêu bình bịch; Người quân tử ăn chẳng cầu no [2] ”. Nhưng dù “Miếng ăn là miếng tồi tàn” nhưng “Thua nhau một miếng lộn gan lên đầu”, hoặc “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Thực tế hơn còn có câu “Có thực mới vực được đạo”. Nghĩa là chê thì chê vậy, người ta vẫn phải công nhận miếng ăn có cái giá trị riêng của nó, đặc biệt khi đó là phương tiện tối cần để sống còn. Biết bao nhiêu người đã chết rũ tù cải tạo chỉ vì thiếu cái miếng tồi tàn đó.

30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam thất thủ. Đài phát thanh Sài Gòn nheo nhẻo bài Nối vòng tay lớn “Từ Bắc vô Nam” mà Trịnh Công Sơn và một anh chàng khác — nghe đâu là tác giả ca khúc khởi đầu bằng câu “Nếu là chim” — “cà đi cà lại” giữa hai lần tin tức chiến sự ngắn. Trong lúc tinh thần tê dại và thể xác rã rời, nghe Trịnh Công Sơn hát lúc đó, tôi tưởng đang nghe tiếng dao “cứa da cắt thịt” mình. Tôi thầm nguyền rủa cái anh họ Trịnh. Anh ta ca nheo nhéo, không nghĩ đến ân nghĩa những người đã giúp anh ta nổi danh vì ưa thích cái gọi là nhạc phản chiến.

Chúng tôi, quân cán chính Việt Nam Cộng hoà, “tự động” trình diện để “học tập cải tạo”. Thoạt đầu, chúng tôi còn được ăn cơm trắng cá tươi. Cơm đúng là trắng vì gạo quen gọi là gạo Mỹ nhưng chính xác không phải sản xuất từ Mỹ. Khẩu phần chín “lạng” theo kiểu nói của miền Bắc, tức chín trăm gram, dư thừa vì nhiều, và còn vì đa số chưa quen kham khổ, ăn không được. Cá thì đúng là tươi, loại cá giống cá trê cá lóc nhưng một con to hai người khiêng ì ạch. Thịt cá tanh không thể tả. Các bạn miền Nam nói là cá thiều, chúng tôi gọi nặc danh là cá ba râu. Cá chia cho mỗi người một miếng cỡ một ngón tay ăn một ngày. Thay vì cá, có khi mỗi người được phát một hai con cá khô, hoặc một miếng thịt heo cùng cỡ. Cá thịt này sẽ dần dần teo lại, và biến mất hẵn khi chúng tôi vào trại công an.

Ăn no như vậy được một thời gian ngắn chừng vài tháng, chúng tôi một hôm được lệnh phải “tự nguyện làm đơn” xin rút bớt khẩu phần gạo. “Trong khi nhân dân ta bên ngoài đang thiếu gạo, các anh là thành phần có tội với Đảng, với tổ quốc, với nhân dân lại ăn uống dư thừa.” Giấy bút phát ra, chúng tôi làm đơn “tự nguyện” rút xuống sáu lạng. Tại sao sáu mà không năm hay bảy? Tôi không hiểu, và không biết có ai hiểu tại sao không? Riêng tôi, nhẩm tính nhanh trong đầu thấy cũng ổn. Bốn lon gạo là một ký; sáu lạng là hai lon hai phần năm. Một lon nấu được bốn chén cơm. Thường lúc trước mỗi bữa mình ăn hai chén, vị chi hai bữa là bốn chén, mới hết một lon, còn thừa một lon hai phần năm mỗi ngày. Tính cả ăn sáng cũng còn tốt chán. Thế nhưng, tôi đã sai lầm: Ở nhà ăn hai chén cơm với thịt cá ê hề; có nhiều bữa chỉ nhậu thôi cũng đã đủ, không cần cơm. Ở đây ăn cơm với một tí cá, và rau nấu canh toàn quốc — rau muống nấu với nước, muối, và bột ngọt. Hai chén làm sao đủ được?

Thế là bắt đầu những năm tháng đói cơm. Đói hơn nữa khi khẩu phần sáu lạng bị giảm xuống còn ba lạng, lần này không ai phải làm đơn tự nguyện! Ba trăm grams một ngày có nghĩa là mỗi bữa chỉ lưng chén cơm. Hạt cơm bây giờ trở thành quí giá; miếng cháy bây giờ trở thành cái để “thèm thuồng”. Chúng tôi chia cơm bằng đủ cách cân đo đong đếm; vấn đề không phải chia thật đều mà để tránh có người “lợi dụng” cho mình hay cho bạn mình được “một chút” nhiều hơn. Và cũng đến lúc này nhiều mặt nạ ngày trước rơi xuống: cấp bậc, văn bằng, đạo đức, tu trì, địa vị xã hội… Càng ở lâu trong tù, chúng tôi càng bị cơn đói giày vò rúc rỉa, nhất là giai đoạn do công an quản lý. Suốt năm, không hề thấy bóng dáng thịt cá. Cuối năm, hai ngày Tết, chúng tôi mới được cấp mỗi ngày một miếng thịt heo dày hai ngón tay. Cơn đói của những năm tháng này dai dẳng và trường kỳ. Chúng tôi lúc nào cũng thấy bụng lạnh buốt, không như nhân vật Sinh trong truyện ngắn của Thạch Lam đợi có cơn gió mới có cảm giác đó, “Đói. Một cơn gió đến làm Sinh thấy lạnh buốt tới xương [3] .” Cái đói cũng không cần đợi chúng tôi nhìn thấy “con cá vàng dần trong chão mỡ” để gia tăng cồn cào. Mà cũng chẳng có con cá nào đang vàng dần để chúng tôi nhìn thấy. Cơn đói của chúng tôi lúc nào cũng ở đó. Tôi và các bạn đồng cảnh, suốt ngày suốt đêm — kể cả lúc mơ — không nghĩ đến cái gì khác ngoại trừ ăn. Mong ước duy nhất của tôi — của các bạn tâm sự với tôi — không gì hơn là được về “ăn thực nhiều cơm, với muối cũng được!”

Trong những năm tháng đói khổ đó, tôi quanh quẩn với câu hỏi, “Ai đã làm thân tôi ra thế này?” Có phải tại trời xui khiến, “Bằt phong trần phải phong trần; Cho thanh cao mới được phần thanh cao” hay tại nguyên cớ nào khác? Cuối cùng, tôi cho chỉ tại tôi, tại ba cái tôi, đã làm cho tôi ra thân tàn ma dại đói khổ thế này.

Tại tôi thứ nhất là cái tôi của các quan chức. Từ các tổng thống, bộ trưởng, tỉnh trưởng, quận trưởng bên dân sự đến các tướng, các tá, các uý bên quân đội, chúng ta đã mỗi người một chút chia nhau làm tan nát thân thể Mẹ Việt Nam. Quí vị và tôi — dĩ nhiên phải loại trừ những người không có cơ hội, nghĩa là có chức nhưng không có quyền — đã ăn bớt ăn xén, lính ma lính kiểng, dĩ công vi tư [4] . Xin quí vị cứ oán trách cho tôi là vu cáo nếu có ai trong quí vị có chức có quyền —còn sống hoặc đã qua đời — dám nói là chưa hề lấy xe công chở vợ đi chợ, chở con đi học, chưa hề đem lính về nhà hầu vợ hầu con… Ái dà, một vài lít xăng thì nhằm nhò gì. Cứ tính mà xem, mỗi ngày giả thử một tôi chỉ vi tư một lít xăng, nhân cho năm trăm ngàn quan chức, nhân cho ba mươi ngày, vị chi một tháng đi đứt một triệu rưỡi lít! Tôi đã nghe chuyện các vị cao cấp sử dụng máy bay phản lực chở heo quay order từ Hồng Kông về Sài Gòn để mở tiệc, sử dụng trực thăng mua phở gà Hiền Vương Sài Gòn đem ra Pleiku ăn sáng. Tôi đã biết chuyện các vị cao cấp chở gái bằng phi cơ quân đội từ Sài Gòn ra để liên hoan. Một trong các cục trưởng của ngành tôi mỗi lần đi “thanh tra” vùng nào là vùng đó phải có nhảy đầmgái để ông nhảy và ôm ấp hàng đêm.

Tại tôi thứ hai là cái tôi của các bà, các ông liên hệ đến các quan chức. Đúng ra các bà vợ quan chức, dù là đệ nhất phu nhân, đâu có dính líu gì đến việc nước, có chăng chỉ là dính việc nhà. Các bà là chị là em là cô là dì là bác là thím là mợ, các ông là anh là em là chú là bác là cậu là dượng của quan chức càng không dính líu gì hết, dù nhà dù nước. Thế nhưng, chính các quí vị này đã góp tay đắc lực vào việc làm cho tôi đói hôm nay. Anh của một cố tổng thống — cho dẫu là vị tổng thống ai cũng yêu mến kể bản thân hèn kém của người viết bài này — và cũng là chức sắc cao cấp của một tôn giáo, đâu phải là quan chức chính phủ để đi đâu cũng trương cờ tổ quốc phất phới trước đầu xe, và cảnh sát quân cảnh tiền hô hậu ủng? Một người trong gia đình tôi đã lung lay chức vụ chỉ vì “dám” động đến việc buôn bán bất hợp pháp của cô Sáu, chị em của một cố tổng thống khác. Chuyện bà tướng bà tỉnh lệnh cho chồng phải để ghế này ghế nọ cho ông nọ ông kia vì “Vợ chồng nó tốt lắm. Vợ nó lúc nào cũng đi hầu đức thánh với tôi” đã một thời trở nên quá thường tình. Vì ghế được trao ban như vậy nên càng ngày cần kiệm liêm chính [5] càng không được ai nhắc tới, cho dẫu chỉ để tuyên truyền.

Tại tôi thứ ba là cái tôi của chính bản thân tôi. Cái tôi này bao gồm tất cả mọi người không kể quân dân cán chính, không kể cấp bậc lớn nhỏ, không kể địa phương hay trung ương. Tôi nhỏ thì muốn thành lính ma lính kiểng để yên thân, hoặc tìm đủ mọi cách cho con cho cháu được yên thân. Tôi vừa thì mua quan, mua ghế. Tôi lớn thì bán tước, bán lon, rồi lòn cúi tôi lớn hơn để mưu cầu danh lợi. Cái vòng lẩn quẩn nhận tiền rồi dâng tiền quay tít từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Cái vòng kim cô đó kiềm chế mọi người mọi nơi mọi lúc! Không còn ai chê cười nếu tôi kiếm được một cái lon mà lẽ ra tôi không đáng được hưởng. Người ta còn khen tôi khéo léo, biết cách ngoại giao nữa là khác!

Nếu tôi lúc đó có được tinh thần cứng rắn của dân tộc Đại Hàn hoặc Đài Loan — hai quốc gia còn tồn tại và cường thịnh cho dẫu hàng ngày vẫn phải đối đầu với cộng sản — có đâu bây giờ tôi phải đói? Tôi đã chứng kiến kỷ luật của quân đội Đại Hàn: Giữa trưa nắng chang chang của mùa hè Bình Định, miền Trung, binh sĩ đào giao thông hào. Cao hơn một bậc, các trung đội trưởng đứng thế nghiêm quan sát trung đội của mình. Cao hơn nữa và chính giữa, đại đội trưởng cũng đứng nghiêm như trời trồng quan sát đại đội mình. Tất cả phơi mình giữa nắng, không một bóng cây, không một mái che. Nhìn tư thế nghiêm chỉnh của các cấp khi làm một công việc “tầm thường”, tôi thán phục vô cùng kỷ luật quân đội bạn.

Những năm tháng đói khổ đã qua đi theo thời gian nhưng âm hưởng của nó còn tồn tại mãi trong tôi. Tôi không trách ai, không oán ai, vì chính tại tôi đã gây ra cho tôi. Tôi còn nhớ một người bạn nào đó trong thời gian ở tù đã nói, “Trước đây té ra mình làm vua mà không biết!” Tôi cho câu nói đó thực thâm thuý. Nếu tôi biết, tôi đã cố giữ vững ngai vua để tôi không phải đói khổ, và để bao nhiêu người khỏi phải sống trong đói khổ như họ đang sống hiện nay!

© 2007 talawas



[1]Người quân tử ăn chẳng cầu no
[2]Nguyễn Công Trứ
[3]Xin cáo lỗi nếu nhớ không được chính xác câu văn này.
[4]Lấy của chung làm của riêng
[5]Chuyên cần; Tiết kiệm; Thanh liêm; Chính trực.