trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
21.7.2007
Nguyễn Huệ Chi
Nhân mùa vải thiều đại hạ giá
 
I.

Tin tức mùa vải thiều năm nay bội thu gây không ít cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Vải bội thu lẽ ra nông dân phải mừng, thế mà báo chí đều đưa tin các chủ vườn vải ai cũng héo hon lo lắng, bởi giá vải rẻ như cho, từ 500 đồng cho đến 1.500 đồng một ki lô. Thành ra, trừ các khoản chi phí bỏ ra trong suốt một năm chăm bón, thu hoạch cuối cùng của cả một vườn vải không bõ cái công mà người dân đã đổ ra cho nó, nhất là so với giá cả sinh hoạt đang nhảy như ngựa phi trong suốt mấy tháng đầu năm nay. Đó là cái nghịch lý của sự phát triển hình như không phải chỉ riêng đối với người trồng vải mà thôi. Một thời người ta đã rất phấn khởi với cây mía khi các Công ty mía đường hào hứng khuyến khích dân chúng phá hoa màu trồng mía làm giàu, để rồi kết cục mía bạt ngàn khắp nơi mọi chốn nhưng ngành mía đường lại đang trên đà phá sản [1] . Lại một thời người ta nhập hàng nghìn con bò sữa đưa lên vùng cao phía Bắc với cái ước mộng “đổi đời” cho nông dân hệt như giấc mộng của cô Perrette, cho đến khi bò sữa không còn sữa và cũng không còn thịt, phải bán tống bán tháo mà cũng không ai màng [2] . Giờ đây, mỗi khi đi trên con đường Lạc Long Quân qua phía Hồ Tây, nhìn thấy những đống vải chồng chất như núi mà người mua chỉ lác đác uể oải cầm từng chùm nhấc lên đặt xuống, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến một cái gì như là cái quy luật thừa trừ đắng cay nghiệt ngã của cuộc đời mà bất kỳ thời đại nào, chế độ nào, lớp người đông đảo bậc nhất trong nước, ngày đêm vắt sức mình ra kiếm miếng cơm vẫn phải gánh chịu, họa chăng chỉ biết đổ lỗi cho sự đa đoan của Ông Tạo/Thiên hay Nhân thì cũng đều là Ông Tạo cả. Trong khi cả một đất nước lúc nào bật tivi lên cũng nghe thấy cái giọng diễn thuyết sang sảng về “công bằng, dân chủ, văn minh” của đủ mọi tầng lớp chính khách, đi đến tỉnh nào cũng dễ dàng bắt gặp những khẩu hiệu nghe đến là ngất ngây: “Tỉnh ta quyết biến sản xuất kinh tế nông nghiệp thành nền kinh tế dịch vụ xã hội chủ nghĩa, đưa toàn dân tiến lên ấm no, hạnh phúc”, đến nỗi đâu đâu cũng gần như trở thành một loại hội chứng mê mẩn về sự tăng trưởng GDP, về tốc độ tiến vọt nhất nhì châu Á, về phát triển những khu trung tâm công nghiệp này, những khu resorts phục vụ “thượng đế” nọ, chẳng còn thì giờ và tâm trạng đâu mà dự tính được những việc nhỏ nhặt như chuyện tìm thị trường hợp lý cho từng quả vải, quả nhãn, quả chuối, quả dứa, sợi bông, cây mía... hay tìm nguồn cỏ cho hàng đàn bò sữa nhập ngoại đói trơ xương (Vè xứ Tuyên: "Nhật xưa nhổ lúa trồng đay/ Còn nay nhổ lúa trồng cây nuôi bò"). Hóa ra ăn to nói tợn trên diễn đàn, đề xướng phong trào này phong trào kia là việc của các quan, còn hàng bao nhiêu làng mạc đói rách luẩn quẩn với cái sống từng ngày trên mảnh ruộng đang dần thu hẹp lại vì bị các đại gia doanh nghiệp, công ty... theo “chỉ thị của cấp trên” giải tỏa ào ạt những phần đất họ sở hữu dành dụm cả một đời, theo cái giá “đền bù” đúng với nghĩa... cục đất, rồi sau khi các nhà máy, xí nghiệp nhan nhản mọc lên lại thản nhiên thả hóa chất xuống các nguồn nước trong vùng, gây nên không biết bao nhiêu “làng ung thư” khiến người dân chết dần chết mòn, chỉ mong mỏi một đoàn y tế nhà nước xuống thăm mà mong đến mỏi mắt... thì đấy là việc tuy cũng đáng lưu tâm nhưng vẫn là việc thường ngày của đời sống, chẳng có gì đến phải vắt óc lo lắng thâu đêm suốt sáng. Cứ xem hàng trăm người biểu tình khiếu kiện đất đai kéo về Sài Gòn, nằm ngồi vạ vật đã hơn ba tuần nay trước cửa Nhà Quốc hội II, chịu đựng nắng mưa nhếch nhác hết chỗ nói mà có một ông bà Nghị nào “của dân do dân vì dân” dám can đảm ra tiếp họ, nhận đơn của họ, và giúp đỡ họ đâu (cũng thông cảm với các “ông dân bà dân” ấy thôi, quyền tự do dân chủ thì hiến pháp chúng ta có thừa ra đấy, chỉ thiếu có mỗi một quyền được làm theo “lòng dân” mà trái “ý Đảng”, tức là công khai chia sẻ nỗi khổ đau với đồng loại đang xúm nhau nghển cổ ngong ngóng “đánh trống kêu oan” trước thần công lý, quyền này chưa hề có ở Việt Nam). Tôi lại liên tưởng đến những bệnh viện quá tải ngoài Bắc trong Nam mà bệnh nhân nông thôn và người thăm nuôi bệnh hễ đi một bước đến các phòng khám, phòng xét nghiệm lại phải lần hầu bao móc tiền; chạy quẩn chạy quanh ở các khoa bệnh của nhà nước không xong thì được chỉ dẫn đi sang bên kia đường (chẳng hạn đường Giải Phóng đối diện với Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội), đến các phòng khám tư nhân, cũng mấy ông “bác sĩ nhà nước” ấy cả nhưng bây giờ là “giá cả thị trường”, hãy cố cắn răng mà chịu. Tôi bỗng lạnh người trước cái dự kiến tăng học phí bậc mẫu giáo và bậc phổ thông lên gấp ba gấp bốn mà vừa rồi theo dư luận báo chí, mới vừa tung ra lòng nguời đã có phần nhốn nháo. Rồi tôi trầm ngâm suy tưởng đến mấy chữ “xã hội chủ nghĩa” cao quý mà Đảng ta đang cố bảo lưu, và cứ luẩn quẩn tìm cho ra ý nghĩa thâm thúy của mấy chữ ấy. Xã hội chủ nghĩa ngày nay không còn là xếp hàng cả ngày, điều đó là sự thật nhưng cũng chớ có mơ tưởng “các tận sở năng, các thủ sở nhu” hay thấp hơn một bước “làm theo lao động hưởng theo năng lực” như cụ Mác nói. Chỉ mơ đến một kiểu an sinh xã hội như các nước “dân chủ tư sản” mới nổi ở châu Á cũng đã thấy quá xa vời. Hãy thử để ý đến các xí nghiệp quốc doanh trong nước - khối tài sản lớn nhất do dân tích góp trong bao nhiêu năm cơ man nào mà kể - vừa qua thực hiện chính sách cổ phần hóa, cuối cùng đưa giàu có đến cho ai, nếu chẳng phải các vị Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bí thư Đảng ủy... thì trở thành tỷ tỷ phú trong có một đêm còn người công nhân, nhân viên quèn vì “không có vốn” đành bất lực trắng tay? [3] Phải chăng là sự phồn vinh nhất định đời chắt đời chút rồi sẽ đến (“định hướng” mà), còn bây giờ hãy tạm nhường phần cho các bậc chức sắc vì họ là người lãnh đạo, kế đó là cho đám doanh nhân đang xoay xở với mọi thứ chính sách còn “chưa đồng bộ” của Nhà nước mà ai không may vướng vào thì mắc, ai may mắn hoặc có “nhất thân nhì thế” thì phất lên. Chứ chính người trực tiếp tạo nên của cải vật chất - tầng lớp cơ bản, mấy mươi triệu nông dân và công nhân đã quen chịu khổ chịu đói lâu rồi thì cần gương mẫu hy sinh chịu đựng thêm nhiều chục năm nữa - như sáu chục năm qua họ đã từng gương mẫu trong việc gồng lưng đóng thuế, đi dân công, đi bộ đội (có gia đình chết cả mấy cha con, có bà mẹ như bà mẹ Diệm 6 con chết sạch), đi thanh niên xung phong để “dọn đường” và “gỡ bom” cho ô tô của Đảng đưa binh lính và súng đạn vào Nam? Càng miên man càng không thôi trăn trở, bởi nói như Dương Thu Hương, gốc gác chưa xa của mình cũng chỉ là các ông bà “răng đen mắt toét” mà thôi.


II.

Vải thiều được mùa đến nỗi nhiều thương lái tìm cách xuất sang Trung Quốc. Đó không phải là tổ chức thương nghiệp của Nhà nước nhưng âu cũng là một cách giải quyết “đầu ra” hộ nông dân. Một tín hiệu giúp ta khấp khởi mừng (mặc dù nghe nói trước đây mấy năm vải sấy khô đã bị Trung Quốc ép giá thảm hại), song nhìn xa hơn một chút, đây cũng là chuyện lạ. Bởi cái tên “vải thiều” bản thân nó đã nói rõ xuất xứ của cây vải. Vải thiều là vải Thiều Châu, một địa danh Trung Quốc, nơi ngày xưa cây vải được bứng trồng sang Việt Nam. Lạ thay, cho đến tận hôm nay, sau mấy trăm năm xuất sang xứ người, sản phẩm của loài cây di thực ấy mới lại có điều kiện “trở về nguồn”. Lan man nghĩ ngợi lại nhớ đến cái giai thoại về nguyên nhân khiến nhà lãnh tụ phong trào nông dân Việt Nam Mai Thúc Loan (? – 722), người làng Mai Phụ, nay thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nổi lên chống ách đô hộ nhà Đường vào năm 722 là bắt nguồn từ ách lao dịch quá nặng nề mà các đoàn phu cống vải người Việt chịu không nổi nên vùng lên chống lại. Giai thoại có phần chắc là sáng tạo ngẫu hứng của một nhà nho nào từ khá xưa nhưng một thời gian dài đã trở thành luận điểm chính thức hẳn hoi trong các bộ chính sử của miền Bắc Việt Nam mà gần đây nhất, mới năm 2001 thôi, trong bộ Lịch sử Hà Tĩnh hai tập, cũng với những tác giả quen biết: Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn... luận điểm đó vẫn được nhắc nguyên vẹn. Do thói quen của tư duy hay là một lý do nào đấy, các nhà viết sử chúng ta đã sơ ý không nghĩ đến điều mà trên một số phương tiện truyền thông mấy năm trước, nhà nghiên cứu Lê Mạnh Chiến đã đặt vấn đề chất chính, nhằm “giải truyền thuyết hóa” một cách sắc sảo. Anh cho rằng cuộc khởi nghĩa Mai Hắc Đế xẩy ra tại vùng đất nay là Nam Đàn Nghệ An, vậy dân phu gánh vải ở Nghệ An thì lấy vải từ đâu ra, bởi xứ Nghệ từ xưa đến nay vốn không phải là vùng đất thổ nhưỡng thích hợp với việc trồng vải? Mà cho dù đoàn dân phu có bị bắt từ Nghệ An ra Hải Dương để gánh vải sang Tàu đi nữa thì với tiết trời tháng Sáu tháng Bảy nóng nực, phương tiện chuyên chở là gánh bộ, liệu trên chặng đường xa thăm thẳm đến kinh đô của nhà Đường làm sao cho vải khỏi thối rữa? Ta chẳng thấy vải mua ngay từ chợ về hôm trước hôm sau đã đen quắt lại nếu không bỏ vào tủ lạnh đấy sao. Chỉ có trong điều kiện của ngành công nghiệp đông lạnh và ngành giao thông vận tải tối tân hiện nay mới có thể nói đến chuyện xuất vải tươi ngon sang Trung Hoa, cũng như bao nhiêu hoa thơm quả ngọt đã được nhập từ nhiều nước trên thế giới vào Việt Nam mà vẫn nguyên lành. Một lôgic đơn giản đến thế mà mãi đến hôm nay giới sử học vẫn chưa chịu bình tâm xét lại. Nhìn thẳng vào sự thật quả là khó lắm thay!

Gần đây, Lê Mạnh Chiến có cung cấp cho tôi hai bài thơ chữ Hán của Đỗ Phủ (712 - 770), thi nhân nổi tiếng đời Đường, nói về việc cống vải. Hai bài thơ càng là bằng chứng rõ rệt cho sự đúng đắn trong luận điểm của anh. Trong hai bài thơ, Đỗ Phủ nói đến việc các xe vải lại tiếp tục đến kinh đô Trường An sau khi Dương Quý Phi (719 - 756) và Đường Minh Hoàng (685 - 762) đã mất. Ông ngậm ngùi cho một sắc đẹp đã không còn nữa và cái vị thơm ngon của quả vải cũng trở nên trớ trêu khi người đáng mặt thưởng thức không còn. Nhưng cảm hứng của hai bài thơ còn nằm ở cái ý ngầm phê phán triều đình nhà Đường đã bỏ quên số phận những đoàn người dầm trong sương trắng đưa vải từ Tứ Xuyên đến tận kinh đô, và cũng trong cảm hứng chua chát ấy, ông nhớ lại những ngày ghé Tứ Xuyên vào mùa vải chín. Rõ ràng, chúng ta có thể rút được từ trong hai bài thơ này một ý căn bản: vải cống cho triều đình nhà Đường không phải đến từ Việt Nam.

Lê Mạnh Chiến có ngỏ ý nhờ tôi dịch hai bài thơ của Đỗ Phủ ra thành thơ để bạn đọc xa gần đều biết. Chiều ý anh, tôi đã cố gắng dịch, không biết có đạt không, nhưng cũng xin được coi như một chút của tin, mong góp phần chấm dứt câu chuyện hài hước về vị vua Mai Hắc đế “khởi binh” vì mấy quả vải chưa từng được trồng trên vùng đất xứ Nghệ bao giờ.

Hai bài thơ trong chùm Khiển muộn 遣 悶 của Đỗ Phủ:

先帝贵妃今寂寞,
荔枝还复入长安。
炎方每续朱樱献,
玉座应悲白露团。

忆过泸戎摘荔枝,
青峰隐映石逶迤。
京中旧见无颜色,
红颗酸甜只自知。

Phiên âm:

Tiên đế, Quý Phi kim tịch mịch,
Lệ chi hoàn phục nhập Trường An.
Viêm phương mỗi tục chu anh( [4] ) hiến,
Ngọc tọa ưng bi bạch lộ đoàn.

Ức quá Lô, Nhung [5] trích lệ chi,
Thanh phong ẩn ánh thạch uy di.
Kinh trung cựu kiến vô nhan sắc,
Hồng quả toan, cam chỉ tự tri.

Tạm dịch:

Hoàng đế, Quý Phi nay đã vắng,
Trường An vải lại đến bình thường.
Phương Nam mỗi bận dâng hoa quả,
Bệ ngọc nên rầu lũ gội sương.

Nhớ ngày hái vải ghé Lô, Nhung,
Lấp ló non xanh, đá ánh hồng.
Nhan sắc kinh đô đâu thấy nữa,
Ngọt chua quả vải biết trong lòng.

(Huệ Chi dịch)

Hà Nội, tháng 7-2007



[1]Xem bài “Ngành mía đường trước nguy cơ phá sản”. Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia 16-3-2007.
[2]Xem bài “Tiễn bò”. VietNamNet 27-9-2006, và bài “Không thể tiếp tục làm kinh tế theo phong trào”. VietNamNet 3-10-2006.
[3]Xem bài “Cổ phần hóa: Lợi lớn thuộc về... sếp”. Tiền phong 23-4-2007.
[4]朱樱Chu anh: quả anh đào màu đỏ thẫm, thời xưa thường coi là loại quả quý. Tác giả dùng như một danh từ chỉ loại để chỉ các loại quả quý nói chung.
[5]泸戎 , Nhung: Lô tức Lô châu; Nhung tức Nhung châu, đều là hai vùng đất thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Nguồn: báo Văn Nghệ số 28 ra ngày 14-7-2007. Nguyên tên “Nhân mùa vải thiều giá rẻ”. Tác giả có bổ sung nhiều ở phần I.