trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
27.7.2007
Phạm Lưu Vũ
Toạ đàm văn nghệ ở... gốc cây Ưu Bà
(Tạp bút)
 
“Tất cả mọi đối thoại đều... ảo” – Bya Tago

Cây Ưu Bà (Upà) rất sẵn ở đất Phật. Nó gắn liền với nhiều sự tích về Phật chỉ sau cây Bồ Đề (Boudha). Ưu Bà là chỗ ưu (nổi, không phải chỗ khuyết) của... các bà, là chỗ nửa kín nửa hở, chỗ gây “sung” [sướng] của đàn ông, tóm lại dịch sang ngôn ngữ Giao Chỉ thì nó là... cây sung. Xứ ta không làng nào không có cây sung. Không cây sung nào không có vết rạch. Không vết rạch nào không để lại dấu tích [chảy nhựa]. Ở một cái gốc như thế có gã Đặng Thân đang ngồi câu cá với cái đầu quả nhót trụi thùi lụi của gã. Con quạ đậu tít trên ngọn cây rót một giọt cứt trúng giữa huyệt Bách Hội. Giọt cứt (sốt) nóng hổi tràn trề năng lượng vũ trụ ngay lập tức đả thông các loại kinh mạch trong người gã. Trước mắt gã hiện lên ba nghìn thế giới với thập phương chư Phật... Gã vươn vai một nhát rồi thản nhiên bước ra khỏi cái “chuồng người” của mình...

“Mở đầu không kém phần kì ảo. ‘Sung’ là một từ rất gợi cảm. ‘Chuồng người’ thì hay tuyệt. Hình như có một tay mũi lõ ‘định nghĩa’ như vậy?”

“Ấy lão triết gia lẩm cẩm F.W. Nietzsche bảo con người ta mỗi mỗi tự tạo cho mình một cái ‘chuồng người’ đấy. Nếu muốn thoát ra khỏi nó thì phải làm siêu nhân. Nhưng siêu nhân lại biến thành một kiểu ‘chuồng [siêu] người’ nữa. Cứ thế... [không cho chúng nó thoát]”.

“Đúng quá đi bác. Phần lớn (99,999…%) người ta (quân “ngu phu ngu phụ”, Khổng Khâu bảo) tự đóng chuồng cho mình đấy chứ, vô thức bầy đàn xúi dục chúng thế. Còn các xiêu nhân thì lại tự đóng chuồng xiêu nhân. Cái lí thuyết “xìu-phờ-men” này cũng là cái ruy ý chí của quân ‘Tây phương hùng biện’ mà thôi. Hỡi ôi, một nhân gian chuồng! Vì thế, đã là ‘chuồng nhân’ thì phải bầy đàn, muốn làm mỗi ‘nhân’ thôi thì [đành] phải ‘độc lập bất cụ’. Các cụ ‘Đông phương minh triết’ dường như đã giải quyết cái vụ này khá ổn từ khuya rồi. Mỗi tội các cụ bí hiểm bỏ mẹ, nói năng tù mù thiên địa làm các ‘chuồng nhân’ đếch hiểu được. Mà cái gì bố mày đếch hiểu thì cái đó... sai(!) [trong 1 cuộc ‘toạ đàm’ cách đây hơi bị lâu, Lông Trùm Chiếu bảo vậy, vì thế đám Lông-ít (cả Lông-nhiều) cũng bảo thế]. Bọn chúng lại đông nên oách tờ rờ lắm, và thường đỏ mặt vỗ ngực: ‘Chúng mày có biết bố mày là ai không?’ (Bố mày chính là bố của con bố mày đây).

Xem kìa, bờ ao bên kia toàn những ‘chuồng người’ đang di chuyển... Phải ra khỏi ‘chuồng người’ mới nhìn rõ ‘chuồng người’. Thế gian này hơn sáu tỉ ‘chuồng người’... Ờ nhưng tại sao bác biết em vừa bước ra khỏi cái ‘chuồng’ của mình?”

“Bước ra rồi lại chui vào. Ví dụ lúc đi bỏ phiếu hay ăn vụng vợ thì dứt khoát phải chui vào. Những lúc ở ngoài ‘chuồng’ mi viết Từ điển thi x/x loại [chúng sinh], viết ma net, viết Hiếp... đấy. Loại văn ấy ở trong ‘chuồng’ đếch thằng nào viết được.”

“Ngót một nửa nhân loại từng viết văn trong ‘chuồng’. Văn ấy gọi là gì nhỉ?”

“Gọi là gì cũng được. Ví dụ ‘hiện thực xã hội chủ nghĩa’ chẳng hạn.”

“Chính xác như lưỡi mác, hiện thực là... đang xơi, món ăn là sự thật, được chế biến như giời. Ôi, thế thì có nhẽ con quạ kia đã ban cho bác một giọt cứt trước khi ban cho em. Nhưng... xứ ta làm đếch gì còn con quạ nào nhỉ?”

“Còn đúng một con gọi là ‘kim ô’, ngày nào cũng bay ngang bầu trời. Con này chỉ biết ‘gắt’, không biết kêu. Còn ngoài ra thì lũ chúng nó hoá kiếp cả đấy. Mi không thấy kể từ giữa thế kỉ trước bắt đầu có hiện tượng là hễ quạ vắng đến đâu thì hội văn nghệ phát triển thêm hội viên đến đấy hay sao?”

“Chỉ được cái đúng như củ súng. Ai như cụ Ức Giai bảo quân tử cố cùn [gỉ] tiểu nhân vùn vụt [tiến]. Vậy đố bác biết giống quạ nổi tiếng nhất ở động tác gì nào?”

“Ở động tác ‘mổ’. Các bà thường mắng con gái ‘đồ... quạ mổ’ đấy là gì.”

“Hèn nào mà sau khi hoá kiếp, chúng ‘mổ’ kinh thật. talawas phải lập hẳn một ‘Hồ sơ...’, lưu lại ngót trăm cú ‘mổ’ của chúng kia đấy.”

“Mổ xong lại tỉnh bơ ngâm thơ: Trái Đất ba phần tư cá sấu / Đi như nồi lẩu giữa không trung...”

“Diệu! Nhưng hình như... ‘ba phần tư nước mắt’ chứ? Bác cứ hay xuyên tạc.”

“Không có cá sấu, lấy đâu ra lắm nước mắt thế? Tóm lại là cá sấu có trước, nước mắt có sau... Có lẽ phải đề nghị Phạm Thị Hoài đổi tên cái bộ hồ sơ ấy thành: ‘Hồ sơ... quạ mổ’”.

“Cũng có lý. Còn ‘hồ sơ quạ mổ’ - cái tên nghe rất hình ảnh. Bác từng viết ‘Kền kền và quạ đen’. Thì ra bác đã nghiên cứu về quạ từ trước?”

“Quạ còn nổi tiếng bởi cái tổ bệ rạc của nó. Vậy mà có thời, những cái ‘tổ’ ấy được coi là ‘thiên đường...’ cơ đấy. Con người rồi còn phải tốn khá nhiều công sức để dọn dẹp vô số những ‘tổ quạ’ còn ngự trị chỗ này chỗ nọ trong đời.”

“Dọn cả trên những giá sách, thư viện, những công viên, giao lộ... nữa. Song cái đó đã có hậu thế chúng nó lo. Chẳng phải bác cũng ‘chưởng thành’ từ những cái ‘tổ quạ’ đó hay sao?”

“Đức Phật cũng từng có kiếp phải đầu thai làm một con quạ. Khi ấy Ngài ‘độc tài’ kinh khủng. Ngài từng ngôn rằng: ‘thượng thiên, hạ địa, duy ngã độc tôn’ (trên trời, dưới đất chỉ độc mình ta).”

“Thì... quạ nào chẳng thế”.

“Về sau có lão thiền sư tên Vân Môn nghe chuyện ấy liền bảo: ta mà chứng kiến lúc (con quạ) Phật nói câu đó thì ta sẽ đập cho một gậy chết tươi rồi quẳng cho chó ăn để mong thiên hạ thái bình.”

“Và thiên hạ chẳng bao giờ thái bình...”

“Chỉ vì ngôn có trước cây gậy.”

“Hay! Thế mới gay! À mà các nhà văn nghệ của xứ ta hiện đang làm gì í nhẩy?”

“Họ vẫn đang ăn lương và... hát [mãi khúc quân hành]. Cái ấy gọi là... Tao đàn (vua tôi cùng đàn). Xứ ta từng có một thời ‘Tao đàn’. Đến thời này là thời thứ hai, gọi là ‘Tao đàn đệ nhị.’”

“Chẳng trách vẫn tự tôn xưng là ‘đậm đà bản sắc bộ tộc’ [1] . Nó làm em nhớ tới bài thơ, hình như của một thi sĩ mũi lõ đỏ chót tên là: A-[thì]ra-[cái]gông mà em học từ hồi phổ thông. Bài thơ ấy như sau:

Rõ ràng một chân lí
Sáng như giữa giờ Tí
Của những đêm hết í
Trong vòng tay đồng chí...

Ờ, mà nghe giọng bác hình như xuất thân nông dân?”

“Cả ‘làng’ tớ xuất thân nông dân. Cụ tổ tớ ngày trước khoẻ lắm, gánh lúa của cụ không bao giờ đi lọt cổng làng. Thế là cụ bèn bỏ ngay tại đó, con cháu phải dỡ ra chuyển dần về nhà.”

“Sao cụ không bó nhỏ bớt đi cho nó lọt qua cổng?”

“Cụ bảo gánh thế không bõ vai.”

“Bây giờ cái cổng ấy còn không?”

“Cổng xây bằng gạch thì không còn. Nhưng lại sinh ra rất nhiều ‘cổng’ khác. Những chiếc ‘cổng’ này còn hẹp hơn trước rất nhiều. Vậy nên mới có ‘thơ’ vịnh văn nghệ rằng:

Cổng xưa đã không lọt
Cng nay càng không tọt
Nếu không muốn đời mọt
Thì phải lo... chạy chọt...

Thơ chửa kịp ngâm xong, nhìn lên thấy con ‘kim ô’ đã bay khỏi ngọn cây sung từ lúc nào. Trời ngả sang chiều. Những con cá từ thời cụ Tam Nguyên Yên Đổ thỉnh thoảng vẫn đớp nhẹ một cái dưới chân bèo. Tiếng chuông chùa ở bốn phương vọng lại báo hiệu đã đến giờ các tăng ni lên phật đường học về lịch sử chiến tranh cách mạng (để mà rèn luyện lòng tự hào, ngõ hầu trúng quả [đậm] A La Hán). Đặng Thân bỗng dưng im bặt. Có lẽ gã tranh thủ những giây phút còn ở ngoài ‘chuồng’ để viết văn đây. Quả nhiên như thế thật. Gã đang viết Từ điển thi x/x loại [chúng sinh] vần J, nhân vật đại thi nhân “Jái”. Nay xin dẫn ra đây để làm chứng cho những lúc... nứng:

JÁI

Thi x [nhân] này còn được gọi là “bìu”, “ngọc hành”... (các từ điển Anh, Mỹ, Úc hay Niu Zí-lần gọi là “scrotum”, “penis”, “testicles”...); nhưng, một khi đã là Jái thì dù có gọi bằng bất cứ cái tên gì, vẫn toả... mùi [“A rose is a rose... would smell as sweet” (Shakespeare). Oh no! It would stink like hell]. Người ta đã lấy gốc tên của Jái mà đặt cho các vị thần chúa tể như Jàng, Jeus, Jupiter... cùng những ý niệm và sự vật/việc cao đẹp như Justice, Jihad, Jade [...], Jerk, [Blow] Job, Joy, Joie de vivre, Je ne sais quoi... Thực sự thì Jái đã có thân hình của một cây bút có sẵn ngòi [có lông] và lọ mực [trắng] vĩnh cửu nên Jái mần thơ liên tục từ ngày ra đời [đúng là “người làm sao của chiêm bao làm vậy” (tục ngữ, không phải “văn tục”)], tính đến nay đã 5 triệu năm. Jái là bậc Sáng thế đã viết nên Cuộc sống. Jái đã làm bao nhiêu bài thơ trong 5 triệu năm đằng đẵng thì không sử sách nào có thể ghi lại được (tôi thách các sử gia thế giới, cả “tứ trụ” Lâm-Lê-Tấn-Vượng hay Phan Cu Dệ [bút danh nói lái (đúng tông Nghệ) của Phan Dê Cụ], Nhan Trí Vướng [hậu duệ của Nhan Hồi “yểu mệnh nhi bất yểu tài”, nay cháu nó thì ngược lại]... của Việt Nam làm được điều đó), chỉ biết rằng con số tác phẩm còn lại đến hôm nay là hơn 6 tỷ (!!!). Phi phàm! Jái là Vua của văn hoá, văn minh và tất cả x [nhân/thập] loại [chúng sinh]. Là hậu sinh bất kể nam phụ lão ấu chớ quên điều đó, đừng bày đặt trò “nam quyền”, “nữ quyền” ngu xuẩn hay đạo đức giả chọc ngoáy, dè bỉu [bìu giẻ] kẻo bị Jái “trừng phạt” hay “cấm vận” như nước Mỹ vẫn thường làm với thế giới thì “nát một đời hoa [loa kèn]” (tục ngữ mới). “Một lần làm Vua, mãi mãi là Vua!” ("Once a King, always a King!"); nhưng, hãy nhớ cho: “Once a [k]night is enough”.

7/7/7/7

© 2007 talawas



[1]Đặng Thân cũng đã từng bàn về cái “bản sắc” này trong “Mẩu thịt thừa”, phần 4, và “Bờm”.