trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
2.8.2007
Laura Santini
Tại sao ở Việt Nam, phụ nữ có thể lên đến đỉnh cao của các công ty
Lã Việt dịch
 
Năm 1968, cô gái 16 tuổi Nguyễn Thị Mai Thanh trốn tránh quân lực Hoa Kỳ ở Sài Gòn để ra vùng rừng ven thành phố làm tình nguyện viên cứu thương cho quân đội Bắc Việt do cha cô chỉ huy. Sau đó cô bị mắc bệnh sốt rét và đã vượt ra Bắc bằng cách đi bộ mỗi ngày nhiều tiếng đồng hồ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Cô phải tránh những trận không kích của Hoa Kỳ và chứng kiến đồng đội bị giết hoặc xé tan từng mảnh vì bom.

Hôm nay, cuộc sống đã tiến triển rõ rệt đối với người phụ nữ 54 tuổi Mai Thanh. Là tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị của Ree Corp (Refrigeration & Electrical Engineering Corporation), một công ty chuyên về đồ gia dụng, xây dựng và địa ốc, bà là một trong những nữ doanh nhân thành đạt và giàu có nhất Việt Nam. Đầu năm nay, một tạp chí kinh doanh đã xếp bà là người giàu có thứ chín ở Việt Nam, với tổng tài sản được ước lượng là 887 tỉ đồng, khoảng 55 triệu đô la.

Sự thành công của một phụ nữ như vậy không phải là điều hiếm hoi ở đỉnh cao của thế giới kinh doanh tại Việt Nam. Vinamilk, công ty lớn nhất nước về vốn thị trường, chuyên sản xuất các sản phẩm bơ sữa và từng được sở hữu bởi nhà nước, có tổng giám đốc là phụ nữ, và bốn trong tổng số sáu thành viên của hội đồng quản trị là nữ giới. Sacombank, ngân hàng cổ phần lớn nhất ở đây, có một giám đốc nữ điều hành bộ phận quản lý. Gần đây chính phủ vừa bổ nhiệm một phụ nữ để điều khiển Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh Vốn Nhà nước, một cơ quan có trách nhiệm tư nhân hoá hàng loạt các công ty quốc doanh.

Nhìn chung, 30% vốn chứng khoán ở Việt Nam nằm trong tay những công ty có người đứng đầu là phụ nữ, các nhà nghiên cứu ước lượng. Ở Hoa Kỳ, chỉ có không đầy 2% công ty là do phụ nữ điều hành lọt vào danh sách Fortune 500 [1] . Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, phụ nữ thường bị cản trở trong việc theo đuổi sự nghiệp và hiếm khi lên được những nấc thang cao trong các công ty.

Việc phụ nữ Việt Nam chiếm được vị thế bình đẳng là một hậu quả của chiến tranh. Trong lúc nhiều người phải ra chiến trường thì những người còn lại như bà Mai Thanh làm những công việc nguy hiểm trong các đơn vị hậu cần. Số lượng tử vong nặng nề của nam giới đã bắt buộc người Việt xóa bỏ sự khắt khe về vai trò giới tính vì họ đã phải nương tựa lẫn nhau để sống sót.

"Khi bạn kề vai sát cánh với ai đó trong một chiến hào đầy chuột, bạn coi họ là bình đẳng", theo John Shrimpton, giám đốc của Dragon Capital, một công ty cổ phần tư nhân chuyên đầu tư vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài và có một ghế trong hội đồng quản trị của Ree.

Thực ra, vị trí cao của nữ giới ở Việt Nam có thể đã bắt đầu từ cả nghìn năm trước. Một số sử gia cho rằng trước khi bị Trung Quốc xâm lăng vào năm 111 trước Công nguyên, Việt Nam có thể đã có một xã hội mẫu hệ. Những người châu Âu đến vào những năm 1600 “đã thấy rằng phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong giao dịch và thương mại” hơn là ở châu Âu, Peter Zinoman, phó giáo sư về lịch sử Đông Nam Á tại Đại học California Berkeley nói.

Trong nhiều gia đình Việt, phụ nữ là người nắm giữ túi tiền. “Cha tôi giao trọn phần lương của mình cho mẹ rồi khi nào cần tiền thì ông lại hỏi bà”, Đinh Thị Hoa, chủ tịch hội đồng quản trị của Galaxy Group, một công ty truyền thông do bà sáng lập, cho biết. Hình ảnh của các nữ chiến sĩ hiện rõ trong các truyền thuyết lịch sử của Việt Nam.

Vào khoảng năm 43 sau Công nguyên, chuyện kể rằng hai chị em Bà Trưng đã gây dựng ra một đạo quân đánh bại quân Trung Quốc ngoại xâm. Hai Bà Trưng là biểu tượng yêu nước ở xứ này. Một quận ở Hà Nội mang tên hai bà và tượng hai bà có trong các đền thờ khắp nơi trên đất nước.

Con đường dẫn đến văn phòng giám đốc của Mai Thanh bắt đầu sau cuộc chiến, khi bà rời Việt Nam sang Đông Đức du học về ngành kỹ sư điện. Trong một chuyến đi Cuba tham dự Liên hoan Thanh niên Cộng sản, bà gặp lại một người bạn học ngày xưa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hai người đã yêu và cưới nhau.

Khi hai vợ chồng quay lại Việt Nam, bà Mai Thanh tìm một việc làm tại Ree, có cơ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, tên mới của Sài Gòn. Bà nhanh chóng vượt lên các nấc thang của công ty, lúc ấy còn gọi là Công ty Cơ Điện Lạnh. Khi còn ở tuổi ba mươi, bà đã được đích thân vị chủ tịch hội đồng quản trị cất nhắc làm người kế thừa.

Con bà, Nguyễn Bình, 26 tuổi, nói rằng khi anh còn bé, mẹ anh thường về kịp trước bữa cơm chiều. Hiếm khi bà tỏ vẻ lo lắng vì khối lượng công việc của mình, anh nhớ lại. “Tôi cảm thấy chúng tôi cũng bình thường như mọi người khác”, Bình nói. “Giờ thì tôi đọc về mẹ trên báo chí.” Chồng bà, một cựu giáo sư hoá và là một nhà nghiên cứu chim nghiệp dư, về hưu vài năm trước đây để dành toàn thời gian quản lý sản nghiệp mới của gia đình.

Tại Ree, bà chủ tịch đã đẩy mạnh việc đổi mới. Nó là công ty đầu tiên bán cổ phần trên thị trường chứng khoán quốc gia vừa mới thành lập vào năm 2000. “Mọi việc đều đã thay đổi”, bà Mai Thanh nói, một phụ nữ năng động mà tiếng cười luôn chan hòa khi chuyện trò. Nhà nước trước đây thường quyết định thành phẩm. “Giờ đây, nếu chúng tôi tạo ra một sản phẩm, chúng tôi phải suy nghĩ, ‘Ai sẽ là người sử dụng?’” bà nói.

Bà đã đa dạng hoá các chức năng của Ree, thúc đẩy công ty bước vào môi trường xây dựng địa ốc, bất chấp những chống đối trong hội đồng quản trị. Bước tiến này đã đem lại lợi nhuận cho công ty, và bây giờ thì các công ty Việt khác cũng đẩy mạnh việc đầu tư nhà đất “kiểu ăn theo”, như lời của Spencer White, một cựu giám đốc của Merill Lynch đang khai trương một ngân hàng đầu tư ở đây.

Bà Mai Thanh bị một số người chỉ trích đặt vấn đề gia đình trị khi bà đề cử con trai bà, một quản trị viên của ngân hàng HSBC, cho một vị trí trong hội đồng quản trị của Ree. Tại đại hội cổ đông tháng Ba vừa qua, một số nhà đầu tư thắc mắc rằng anh ta có đủ kinh nghiệm cho công việc hay không. Bình nói, mẹ anh nhấn mạnh rằng các cổ phần viên hoàn toàn có quyền đề cử người khác. Bình đã được bầu vào hội đồng quản trị.

Sự nhạy bén của mẹ anh về tư bản đã tạo lợi thế cho bà đối với các nhà đầu tư ngoại quốc. Bà đã lôi kéo được sự ủng hộ từ hai công ty quản lý vốn đầu tư - VinaCapital và Dragon Capital - với hậu thuẫn từ các nhà đầu tư phương Tây, cả hai đều có đại diện trong hội đồng quản trị của Ree. Như nhiều người Việt khác, bà Mai Thanh nói rằng bà không đem theo gánh nặng cảm xúc trong quá khứ khi làm việc với người Mỹ. Thậm chí, tháng trước bà đã cùng đi với phái đoàn của Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết trong cuộc viếng thăm Nhà Trắng như một đại sứ không chính thức của nền tư bản mới ở Việt Nam. “Tôi vẫn không hiểu được nguyên nhân của cuộc chiến”, bà nói, “nhưng hiện tại, có một cơ hội làm ăn mà cả hai bên đều có lợi.”

20 tháng Bảy, 2007


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Gồm 500 công ty hàng đầu ở Hoa Kỳ do tạp chí kinh tế Fortune tuyển chọn thường kỳ.