trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
8.8.2007
Lynh Bacardi
Chỉ những kẻ xem thường trí tuệ cộng đồng mới cả gan muốn dẫn dắt cộng đồng
Nguyễn Viện thực hiện
 
Thuộc thế hệ 8 X, Lynh Bacardi đột xuất thành nhà thơ, rồi đột biến thành nhà văn và đột ngột thành dịch giả. Cả văn và thơ của cô đều gây chú ý trong dư luận, đặc biệt trên mạng thông tin toàn cầu. Trong tự điển Wikivietlit, cô được xếp trong Top 50 tác giả được truy cập nhiều nhất.


*

Nguyễn Viện: Bắt đầu là một nhà thơ, nhưng nhà văn Lynh Bacardi lại được dư luận chú ý hơn. Dù thế, người ta vẫn gọi cô là nhà thơ. Nếu phải chọn một trong hai, cô sẽ chọn “nhà” nào?

Lynh Barcadi (Ảnh của Nguyễn Viện)
Lynh Bacardi: Ông đặt tôi vào một tình huống thật khó xử, vì trong hai nhà đó tôi thấy nhà nào mình cũng oách cả, lấy nhà này mà bỏ nhà kia là bất công với mình, nên không đành (cười). Mà tại sao phải chọn một trong hai mà không chỉ đơn giản là người-viết thôi nhỉ? Vả lại, hiện nay tôi thấy rằng có một số tác phẩm gọi là văn cũng đúng, mà gọi là thơ cũng không sai. Chúng thuộc dạng lưỡng tính. Như thể thơ văn xuôi và truyện cực ngắn chẳng hạn. Dần dà chúng sẽ gặp và kết nối với nhau để xoá nhoà cái ranh giới thể loại đi. Hiện nay tôi thấy có một vài người viết Việt Nam ở hải ngoại đang thực hiện điều đó, và đã cho những kết quả rất thú vị.

Tôi lại nghĩ, một người viết chỉ có tư cách là nhà văn, nhà thơ khi ông/bà ta còn đang sáng tác, còn thật sự tin rằng hành động viết của mình là một hành vi sáng tạo. Ngưng sáng tạo, ông/bà ấy là cựu (hay cố) nhà văn/nhà thơ. Họ hiện hữu trên chiếu văn không khác những linh vị bên ngọn đèn leo lét trong đình trong miễu chứ không phải như một nhà văn, nhà thơ đang sáng tạo thực sự. Các vị thần đình, thần miễu này thường có khuynh hướng thích nói thánh nói tướng về số má giang hồ của mình trên chiếu văn, và lên gân với đám trẻ để chứng thực sự hiện hữu lập lòe ma trơi của mình trước sự quên lãng của đời sống. Rất mệt. Và tội, cho họ!

Những giá trị văn chương luôn luôn thay đổi theo sự chuyển động của đời sống, và những giá trị cũ không thể làm tiêu chí cho cái mới. Chúng vẫn có giá trị, nhưng nên cất chúng đi như những cổ vật vào viện bảo tàng, dành cho giới nghiên cứu, và những ai thích chơi đồ cổ quan tâm.

Bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn còn đọc Nam Cao, nhưng “Chí Phèo” không nên là tiêu chí cho truyện ngắn Việt Nam mãi mãi. Cũng như Truyện Kiều không nên được xem là tiêu chí cho thơ Việt đương đại.

Tôi hơi lan man rồi, trở về câu hỏi chính bằng một lan man khác là: nếu có thể thì tôi chỉ muốn chọn mình là “nhà giàu”. Thú thật, là con nhà nghèo từ bé, nghèo rớt mồng tơi, tôi từng mơ có lúc mình là một tay “con ông cháu cha”, dù chỉ trong vài ngày thôi cho biết mùi.

Nguyễn Viện: Là một trong năm nhà thơ trong nhóm Ngựa Trời, bây giờ cô có còn cảm thấy mình là Ngựa Trời không?

Lynh Bacardi: Thưa ông, trước đây thì có, trong giai đoạn cùng các bạn làm chung tập thơ Dự báo phi thời tiết, còn bây giờ thì không.

Nguyễn Viện: Con đường đi đến với văn chương của cô có phải là ngẫu nhiên, hay thật sự cô cảm thấy bị thúc bách?

Lynh Bacardi: Thật sự, khi nhìn lại đoạn đường ngắn ngủi mình đã đi thì tôi thấy việc đến với văn chương của mình chỉ là điều ngẫu nhiên. Nhưng văn chương cũng là một “cái duyên” đến với con người. Những khi đang đau đáu với một điều gì muốn viết ra, thì nó là một thúc bách khôn cưỡng.

Nguyễn Viện: Văn chương có ý nghĩa và đem lại cho cô điều gì?

Lynh Bacardi: Với tôi, văn chương giúp tôi khám phá được nhiều góc cạnh của tâm hồn mình. Giúp tôi nhạy bén hơn trong khả năng quan sát và suy tưởng về những sự việc và giá trị quanh đời sống mình. Làm tôi yêu quý, chấp nhận, rộng mở hơn với đời sống. Giúp tôi can đảm nói thẳng những gì cần nói, yêu nồng cháy những gì đáng yêu, và khinh bỉ những gì phải khinh bỉ. Và sau cùng, văn chương mang ý nghĩa một thế giới mà mình là thượng đế đối với chính bản thân, và tất nhiên với đám nhân vật của mình.

Còn đem lại cho tôi điều gì ư? Trước tiên là một chàng đẹp trai và tài hoa (cười). Kế đến là nhiều ông bạn rất tốt, thú vị và cà tửng trong giới văn nghệ. Và các bà chị văn nghệ là những bậc nữ lưu cực kỳ thông minh, sắc sảo hơn người, nhưng nhiều phần cũng cà tửng, không giống ai. Có khi họ là những người ở tận đâu đâu trên thế giới mênh mông này, chưa từng gặp mặt nhưng đánh hơi là đã thấy hạp.

Nguyễn Viện: Ngoài viết, hiện nay cô đang làm gì?

Lynh Bacardi: Trước kia tôi từng làm mẹ, làm vợ, làm nội trợ, làm tiền, và làm tình, làm tội kẻ khác. Bây giờ tôi vẫn làm những việc ấy nhưng nhiệt tình và hào hứng hơn xưa bội phần. Còn làm gì để sống thì tôi đang kiếm sống bằng công việc dịch sách báo.

Nguyễn Viện: Nếu có thể thì cô thích làm gì?

Lynh Bacardi: Tôi thích rất nhiều thứ, nhưng lại là người mau chán. Nếu được phép thì tôi xung phong làm lãnh đạo, chỉ một ngày thôi, để biết mùi quyền lực và trách nhiệm. Biết đâu được, trước đây tôi có là nhà văn nhà thơ gì đâu mà giờ cũng được việc đấy chứ? Mà có nhiều người cho rằng làm văn chương quan trọng và khó khăn hơn làm chính trị gấp nhiều lần, phải không nào?

Những ngày còn lại trong đời thì chắc chắn lại tiếp tục làm mấy việc kia.

Nguyễn Viện: Với những người đồng lứa, cô có cảm thấy mình “đồng hội, đồng thuyền” không?

Lynh Bacardi: Tôi có vài bạn đồng lứa để thảng hoặc vui chơi cùng nhau, nhưng “đồng hội, đồng thuyền” và các loài “đồng” tương cận khác như: đồng chí, đồng tính, đồng bệnh, đồng bọn, đồng ca, đồng cốt, đồng cô, đồng cậu, đồng ẩm, đồng khởi, đồng dạng, đồng diễn, đồng đạo, đồng đảng, đồng đen, đồng đội, đồng hoá, đồng hồ đồng cháo, đồng không mông quạnh, đồng chua nước mặn... thì không.

Nguyễn Viện: Những người viết văn trẻ Trung Quốc được giới thiệu ở Việt Nam (như thể thế giới này chỉ có các nhà văn trẻ Trung Quốc), có làm cho cô sốt ruột về tình hình văn học Việt Nam không?

Lynh Bacardi: Thế giới này đâu phải chỉ có Trung Quốc là có các nhà văn trẻ viết hay! Tôi được đọc một vài nhà văn cùng độ tuổi với mình ở các nước khác, và thấy họ rất có ấn tượng. Tôi chỉ ngạc nhiên vì sự ưu ái không bình thường của nền xuất bản Việt Nam khi chọn dịch quá nhiều những tác phẩm của Trung Quốc bất xứng với sự ưu ái đó.

Tôi chẳng việc gì phải sốt ruột về tình hình văn học Việt Nam, vì đời sống có nhiều điều cấp bách khác đáng được sốt ruột hơn nhiều, và nhất là đặt nó trong tầm tương quan với nền văn học Trung Quốc hiện nay. Tôi tin rằng nếu chúng ta có một tầm nhìn và một chính sách thông thoáng, cởi mở hơn trong việc đón nhận những làn gió mới (trào lưu, ý thức...) của thế giới; và đáp ứng nhu cầu đưa các thử nghiệm của những người viết mới, những tác giả Việt Nam, kể cả các tác giả ở hải ngoại, đến với độc giả, thì ắt hẳn tình hình sẽ khả quan hơn, ắt hẳn, như một câu thơ của Quang Dũng: “Ngày ấy thanh bình sẽ nở hoa”. Còn trong khi chờ đợi ngày thanh bình hoa nở ấy thì chúng ta đành ngậm ngùi đứng nhìn các huynh các tỉ Trung Quốc tung hoành trên sân chơi lẽ ra là của mình. Trong tình trạng đó, giải pháp tốt nhất mà tôi chọn là lên mạng chơi.

Tôi nghĩ rằng không chỉ những dòng chữ được in trên giấy mới có đặc quyền cho mình là văn chương, và được cho là dòng văn chương chính thống, mà chúng ta còn có một dòng văn chương khác nằm trên trời. Nó không khác dòng văn chương giấy in ở chỗ nó cũng có hàng hà sa số, đủ kiểu, đủ cấp, đủ loại như văn chương giấy in; vì vậy nó cũng khắt khe đòi hỏi độc giả phải tự mình khám phá, chọn lọc cho phù hợp với cảm thức văn chương của họ. Tôi không ngạc nhiên khi một độc giả lười biếng, thiếu sâu sắc và nhạy cảm chỉ click chuột vào vài tên tác giả, lướt qua vài dòng và tự dễ dàng phán xét. Dĩ nhiên sự phán xét ấy, trong trường hợp này có thể được một số người chấp nhận, nhưng tôi tin chắc những kẻ chấp nhận theo kiểu này cũng có cùng cách đọc và cảm như độc giả kia. Chẳng khác gì một kẻ rỗi hơi dạo qua một vòng ở hiệu sách lớn, lật giở vài cuốn đọc qua quýt và kết luận chẳng có gì đáng mua.

Ngoài ra, các ưu điểm của văn chương mạng mà văn chương giấy hoàn toàn thua kém là tinh thần tự do và dân chủ, là tính bình đẳng cho tất cả mọi người đọc cũng như mọi người viết.

Nguyễn Viện: Những tác giả nào của Việt Nam (cả trong nước và hải ngoại), cô quan tâm đọc?

Lynh Bacardi: Tôi thường tìm đọc những người mình quen biết, nhiều phần vì tò mò muốn biết họ nghĩ gì, viết gì. Nếu kể tên ra thì rất nhiều, nhưng nhiều phần họ là những tác giả thường xuất hiện trên các diễn đàn văn chương trên mạng.

Nguyễn Viện: Và ngoài văn chương, cô quan tâm điều gì nhất?

Lynh Bacardi: Văn chương là một trong những thứ đáng quan tâm trong đời sống, nhưng chưa là, có lẽ chẳng bao giờ là, mối quan tâm lớn nhất của tôi. Hiện nay tôi đang quan tâm đến việc tìm cho gia đình nhỏ của mình một chỗ ở tươm tất, và nhất là giữ chắc trái tim và làm đầy bao tử của hai người đàn ông quan trọng nhất của đời tôi.

Nguyễn Viện: Dư luận thường cho rằng văn chương của cô nặng phần sex. Cô có muốn nói gì về điều này?

Lynh Bacardi: Trước hết tôi muốn biết cái dư luận mà ông muốn nói là ai? Và thật sự họ có đọc những gì tôi viết hay không? Khi kết luận một cách đơn giản rằng văn chương của tôi nặng phần sex, tôi e rằng có một sự ngộ nhận nghiêm trọng ở đây. Nó tiết lộ cho tôi biết sự dễ dãi, vội vã và ấu trĩ của người phát biểu, nó chẳng khác gì mấy với việc suy luận theo kiểu dán nhãn. Thú thật, ban đầu tôi rất thất vọng khi nghe những lời kết luận như thế, nhưng riết rồi quen dần với ý nghĩ rằng những tín hiệu mình gởi ra đã được tiếp nhận và diễn dịch một cách sai lạc.

Không phải cứ có cảnh làm tình, đi vào bar, thử chất kích thích trong văn bản là có thể kết luận ngay rằng đó là biểu tượng của văn chương nổi loạn 8X, nên nhớ, những đề tài và chất liệu này cũng đã được các nhà văn sử dụng từ những thập niên trước ở ngoài Việt Nam.

Và ngược lại, không phải cứ có vài đoạn tả cảnh am, núi, thiền sư, thiền trượng, kinh kệ, Ðường thi và thơ hài cú, gió trăng, hồ ly, hồ điệp, hạc vàng và chút triết lý mơ hồ nhưng lặt vặt... là trở thành tác phẩm văn chương đậm đà thiền vị Ðông phương, hay văn chương thanh cao lồng lộng vượt lên trên đời sống trần gian đầy tục luỵ.

Tôi thấy trong văn chương của chúng ta có quá nhiều hạc mà rất ít vịt. Còn ngoài đời sống thật thì vịt đang mắc dịch mà hạc thì hoàn toàn không hiện hữu.

Trí tưởng tượng trong văn chương là quan trọng, nhưng nó không nên là sự trốn chạy, hay sự né tránh thực tại một cách cao đạo, nhảm và rởm. Trong văn chương, thời đại nào cũng có loại chất liệu riêng cho thời đại đó.

Tôi cũng không nghĩ rằng văn chương là công cụ để chuyển tải sự thật một cách đơn điệu. Các nhà văn chỉ chăm chăm chỉ trích tệ nạn xã hội, nói lên sự thật thì nên viết báo vì sẽ thuận tay và có hiệu quả hơn. Ngày nay để chuyên chở sự thật thì con người đã có vô vàn thiết bị khoa học trong ngành thông tin để làm: chúng trung thực, nhanh chóng và hữu hiệu hơn ngòi bút hay bàn phím rất nhiều.

Tôi không phải là người chuyên, và cố tình đặt nặng tính dục vào sáng tác như một yếu tố để câu người đọc bằng cách thỏa mãn các ức chế hay nhu cầu có tính bản năng của con người. Nếu cần thỏa mãn điều đó, người ta nên tìm phim XXX, hay lên mạng chat, thì dễ dàng và có hiệu ứng tức thời hơn là đọc chữ. Còn tôi thì vẫn tiếp tục viết chứ, vì việc của ai người nấy làm mà. Họ thì phục vụ thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác theo kiểu của họ, còn tôi thì phục vụ niềm đam mê viết lách theo kiểu của mình. Trong trường hợp này, cả tôi và các độc giả này sẽ được yên thân nếu đừng nhầm lẫn trong việc tìm nhân dáng của nhau qua tác phẩm.

Tôi mô tả tính dục như chính bản chất của nó, những khi nó cần thiết cho việc xây dựng tác phẩm, mô tả theo đúng hoàn cảnh, tâm trạng, cơ địa, tính tình của nhân vật, bằng một thứ ngôn ngữ chân phương, không hoa hòe hoa sói của ý thức duy mỹ và lãng mạn cổ điển. Tôi chỉ gọi tên đúng sự vật và mô tả đúng sự việc. Lật giở xem xét nó như một hành vi của con người ngang bằng với các hành vi khác, bằng một cách khách quan và trung tính nhất mà mình có thể. Và chúng hoàn toàn là sản phẩm hư cấu. Tôi e rằng nếu có ai đó cho rằng đọc những gì tôi viết mà cảm thấy bị kích động về mặt dục tính thì người đó nên kiểm tra lại sức khỏe ở cả hai mặt sinh lý và tâm lý.

Tôi nghĩ rằng việc viết về dục tính cho thật hay không phải là chuyện dễ, và nếu có khả năng thành công trong việc đó, thì tôi sẽ làm ngay, chỉ tiếc rằng đó không là sở trường của mình, chứ không vì một rào cản đạo đức hay trách nhiệm với cộng đồng hoặc với xã hội nào mà tôi không viết.

Nhà văn chỉ có một trách nhiệm duy nhất là: viết cho hay, hay theo đúng với quan niệm như thế nào là hay của riêng mình, chứ không phải của bất cứ ai khác. Công việc của hắn là bày tỏ điều mà hắn có nhu cầu bày tỏ, và dừng lại ở chỗ đó. Phần còn lại, có chia sẻ hay phát hiện được điều gì mới hay không, là việc của độc giả. Hẳn một người đọc cấp tiến là người muốn phát hiện những điều mới mẻ trong tác phẩm, những gì mà mình chưa từng trải nghiệm, hơn là muốn chia sẻ với tác giả những điều mình đã biết rồi, nay được tác giả nhắc lại, được tác giả viết như thể chiều chuộng, ve vuốt niềm tin vào cảm thức về văn chương cuả mình.

Nhà văn, hắn sẽ cố nâng tầm điều mình muốn bày tỏ lên, chứ không hạ tầm nó xuống cho vừa với các tiêu chuẩn hay ý thích của người đọc.

Hắn hoàn toàn không kiêm nhiệm, hay đại diện cho nhà đạo đức, nhà giáo dục, nhà chính trị, vân vân... để lầm lẫn khoác cho mình vai trò thực hiện những trách nhiệm hướng dẫn, hay lèo lái tâm thức của cộng đồng. Nhà văn chỉ thành công trong những vai trò nêu trên, một khi hắn sống trong bối cảnh xã hội có dân trí thấp, đời sống kém phát triển; hay đối với một lớp độc giả non nớt, chưa có thể tự suy tư và vận hành đời sống cho riêng mình. Nhưng ngày nay, trong một bối cảnh xã hội mà người ta có đủ loại phương tiện để tiếp cận với tri thức, nhất là từ khi có internet, thì chỉ có những nhà văn mang đầy ảo tưởng sai lạc về chính mình, mới trang bị ý thức về việc kiêm nhiệm vai trò kể trên. Nếu không như thế, thì hắn thuộc loại lưu manh, muốn dùng ngòi bút mê hoặc một thiểu số người đọc chưa, hoặc kém, hoặc không có điều kiện phát triển về mặt trí tuệ, hòng mưu cầu một số ưu tiên nào đó trong đời sống. Trong cả hai trường hợp, trường hợp nào cũng đáng bị đào thải.

Ngoài ra, chỉ có những kẻ xem thường khả năng trí tuệ, khả năng nhận biết, khả năng sàng lọc và loại trừ, khả năng sáng tạo của cộng đồng, mới cả gan muốn dẫn dắt cộng đồng như dẫn dắt những kẻ thiểu năng.

Nguyễn Viện: Giữa những các thứ gọi là “ý thức nữ quyền”, “ý thức công dân”, “ý thức dấn thân của nhà văn”... thứ nào quan trọng với cô, hay chẳng có thứ nào làm cô phải bận tâm?

Lynh Bacardi: Ðiều tôi quan tâm nhất là mình có hứng thú và hiệu quả trong việc sáng tác hay không. Các món gia vị mà ông vừa liệt kê đều cần thiết cho một nồi lẩu văn chương. Tuỳ vị giác của mình trong lúc viết mà tôi nêm chúng vào nhiều hay ít (hẳn có khi lỡ tay). Nhưng như vừa nói ở trên, tôi ý thức về chúng nhưng hoàn toàn không có ảo tưởng về sự quan trọng của vai trò nhà văn tác động lên xã hội nên không bận tâm nhiều.

Nguyễn Viện: Dù thế nào thì cô vẫn là một phụ nữ, cô có thể sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên của cô: bảo vệ sắc đẹp, tình yêu, tình dục, kiếm tiền, gia đình, thời trang, du lịch, xem phim, nghe nhạc, thể thao, ăn nhậu, mua sắm... và những thứ chưa kể ở đây ?

Lynh Bacardi: Tôi không thích kiểu nói lạc hậu, thậm chí chống nữ quyền (anti-feminism) “Dù thế nào thì cô vẫn là một phụ nữ...” ấy chút nào nên quyết định giữ... bí mật quốc gia. Mà bí mật quốc gia thì vĩnh viễn không thể tiết lộ cho địch.

Nguyễn Viện: Cô có thể nói chút ít về gia đình của mình?

Lynh Bacardi: Mẹ tôi là người đàn bà duy nhất trong đời sống mang đến nhiều ấn tượng, cảm xúc cho tôi. Những ấn tượng, cảm xúc ấy đôi khi làm tôi đau khổ, thất vọng, chán chường, nhưng nhiều phần chúng lại làm tôi thương cảm bà đến đau buốt lòng, chúng tạo cho tôi nhiều nghị lực sống và chiến đấu vượt qua chính bản thân mình. Bà là hiện thân của bất hạnh và nghị lực. Hiện giờ tôi chỉ mong gia đình và tôi có được nhiều thời gian hạnh phúc bên nhau.
Nguồn: Phần chính của bài phỏng vấn vừa đăng trên Thể thao & Văn hoá Cuối tuần ngày 03.8.2007. Bản đăng trên talawas là toàn văn bài phỏng vấn.